Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối Ôn tập Bài 3: Lời sông núi (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 3: Lời sông núi (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 3. LỜI SÔNG NÚI (PHẦN 2)

Câu 1: Tìm câu chủ đề trong đoạn văn sau, từ đó, xác định kiểu đoạn văn. Phân tích tác dụng của cách tổ chức đó trong đoạn văn.

“Đồng phục không chỉ đẹp mà còn góp phần tạo nên bản sắc của mỗi trường. Cậu này là học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, bạn ấy thuộc Trường THCS Lương Thế Vinh, còn cô bé kia học ở Trường THCS Đặng Thai Mai,.... tất cả đều được nhận ra nhờ bộ đồng phục mà họ mặc. Trong cuộc thi “Nhóm bạn lí tưởng” ở huyện, “màu cờ sắc áo” không chỉ thể hiện ở tài trí của năm bạn trong đội hình thi đấu trên sân khấu, mà còn ở các nhóm cổ động viên tưng bừng, nổi bật trong bộ đồng phục của trường mình trên khán đài.”

Trả lời:

- Câu chủ đề của đoạn văn: Đồng phục không chỉ đẹp mà còn góp phần tạo nên bản sắc của mỗi trường.

è Đây là đoạn văn diễn dịch.

è Tác dụng: Định hướng nội dung cho người đọc ngay từ đầu. Các câu sau nói rõ thêm cho ý ở câu chủ đề.

Câu 2: Viết một đoạn văn quy nạp với chủ đề lòng yêu nước.

Trả lời:

Lòng yêu nước là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước là tình cảm yêu thương, gắn bó sâu nặng và tinh thần, trách nhiệm bảo vệ, dựng xây đất nước của con người trên đất nước đó. Đối với dân tộc Viêt Nam, lòng yêu nước tồn tại trong tất cả người dân như một lẽ dĩ nhiên bởi truyền thống yêu thương, giàu lòng nhân ái, đoàn kết và biết ơn. Lòng yêu nước của con người Việt Nam được thể hiện rõ qua những tấm gương của biết bao vị anh hùng, chiến sĩ, thậm chí là nông dân dũng cảm, can trường xả thân vì độc lập tự do của đất nước. Không chỉ vậy, lòng yêu nước còn được thể hiện ở những cố gắng cống hiến tri thức, tiền bạc để dựng xây và phát triển đất nước ngày một giàu đẹp. Ý nghĩa của lòng yêu nước đối với công cuộc bảo vệ và dựng xây xã hội chủ nghĩa được minh chứng bằng những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta trước giặc ngoại xâm, bằng những thành tựu khoa học công nghệ, giáo dục,… mà chúng ta đạt được từ xưa đến nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được giá trị của dân tộc và lòng yêu nước, bằng chứng là một bộ phận người dân vẫn tồn tại suy nghĩ phản động, ích kỉ, vô trách nhiệm, thậm chí còn tuyên truyền phản động, châm ngòi biểu tình nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước những hành vi đó, chúng ta cần có thái độ quyết liệt ngăn chặn, và có biện pháp khắc chế kịp thời để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Câu 3: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” (tác giả, thể loại, hoàn cảnh ra đời, nội dung,…)

Trả lời:

- Tên bài do người biên soạn sách đặt.

- Tác giả: Hồ Chí Minh

- Thể loại: văn nghị luận

- Văn bản được trích trong Báo cáo Chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Đại hội lần thứ II, tháng 02/1951 của Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi từ năm 1951 đến năm 1976 của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay).

- Nội dung: Bằng những dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài văn đã làm sáng tỏ một chân lí: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.

Câu  4: Bài văn “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” nghị luận về vấn đề gì? Em hãy tìm (ở phần mở đầu) câu chốt thâu tóm nội dung vấn đề nghị luận trong bài.

Trả lời:

- Bài văn này nghị luận về vấn đề tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

- Câu văn thâu tóm nội dung nghị luận trong bài: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.

Câu 5: Hãy trình bày khái niệm về đoạn văn song song và đoạn văn phối hợp.

Trả lời:

- Đoạn văn song song (song hành) là đoạn văn không có câu chủ đề, các câu trong đoạn có nội dung khác nhau, nhưng cùng hướng tới một chủ đề.

- Đoạn văn phối hợp là đoạn văn kết hợp diễn dịch với quy nạp, có câu chủ đề ở đầu đoạn và cuối đoạn.

Câu 6: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Trần Quốc Tuấn.

Trả lời:

- Trần Quốc Tuấn (1231? – 1300) tước Hưng Đạo Vương, là một danh tướng kiệt xuất của dân tộc.

- Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai (năm 1285) và thứ ba (năm 1287 – 1288), ông đều được vua Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh các đạo quân, cả hai lần đều chiến thắng oanh liệt.

- Đời Trần Anh Tông, ông về trí sĩ ở Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) rồi mất ở đấy.

- Nhân dân tôn ông là Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều nơi trên cả nước.

Câu 7: Trình bày hoàn cảnh ra đời của “Hịch tướng sĩ” và xác định tư tưởng chủ đạo của bài hịch.

Trả lời:

- Bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn được viết vào khoảng trước cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ hai (1285). Theo “Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam” (xuất bản năm 1987) thì bài hịch này được công bố vào tháng 09/1284 tại cuộc duyệt binh ở Đông Thăng Long. Trong ba cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên thời Trần thì cuộc kháng chiến lần hai là gay go, quyết liệt nhất. Giặc cậy thế mạnh ngang ngược, hống hách. Ta sôi sục căm thù quyết tâm chiến đấu. Nhưng trong hàng ngũ tướng sĩ cũng có người dao động, có tư tưởng cầu hoà. Để cuộc chiến đấu giành thắng lợi, điều quan trọng là phải đánh bạt những tư tưởng dao động, bàng quan, phải giành thế áp đảo cho tư tưởng quyết chiến quyết thắng.

Câu 8: Hãy trình bày những hiểu biết của em về bài thơ “Nam quốc sơn hà” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Nhan đề: do người đời sau đặt

- Tác giả: chưa rõ

- Hoàn cảnh ra đời: chưa rõ. Có nhiều lời kể về sự ra đời của bài thơ, trong đó có truyền thuyết: Năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược nước ta. Vua Lí Nhân Tông sai Lí Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt, bỗng một đêm, quân sĩ chợt nghe từ trong đến thơ hai anh em Trương Hống và Trương Hát – hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang Phục, được tôn là thần sông Như Nguyệt – có tiếng ngâm bài thơ này.

- Thể loại: thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

- Nội dung: Bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, giọng thơ dõng dạc đanh thép, “Nam quốc sơn hà” là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước và nêu có ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù xâm lược.

Câu 9: Hãy giải nghĩa các từ trong bản phiên âm của bài thơ “Nam quốc sơn hà”

Trả lời:

- Câu 1: Nam: phương Nam; quốc: nước; sơn: núi; hà: sông; Nam: nước Nam; đế: vua; cư: ở.

- Câu 2: Tiệt nhiên: rõ ràng như thế, không thể khác; định: quyết định; phận: rút gọn của từ “giới phận”, “địa phận” là phần đất đã được giới hạn; tại: ở; thiên: trời; thư: sách

- Câu 3: Như hà: cớ sao; nghịch: trái ngược lại; lỗ: mọi rợ, quân địch, thường dùng với thái độ khinh miệt; lai: đến, lại; xâm phạm: lấn chiếm quyền lợi của người khác.

- Câu 4: Nhữ đẳng: bọn chúng mày; hành: sẽ, trải qua; khan: xem; thủ: nhận lấy; bại: thua; hư: không.

Câu 10: Để chứng minh cho nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng nào và sắp xếp theo trình tự như thế nào trong văn bản “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”?

Trả lời:

Để chứng minh cho nhận định này tác giả đã đưa ra những chứng cứ biểu hiện tinh thần yêu nước trong các cuộc đáu tranh cho độc lập dân tộc trong lịch sử và hiện tại. Trọng tâm của việc chứng minh tinh thần yêu nước là những biểu hiện về cuộc kháng chiến lúc đó. Do đó ở phần nội dung, tác giả đã nêu dẫn chứng cụ thể về những việc làm, hành động của mọi giới, mọi tầng lớp trong nhân dân. Đồng thời, tác giả cũng đi từ nhận xét bao quát đến những dẫn chứng cụ thể.

Câu 11: Đọc đoạn văn từ “Đồng bào ta ngày nay” đến “nơi lòng nồng nàn yêu nước” trong văn bản “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, và hãy cho biết:

  1. Câu mở đoạn và câu kết đoạn.
  2. Các dẫn chứng trong đoạn này được sắp xếp theo cách nào?
  3. Các sự việc và con người được liên kết theo mô hình: “từ … đến …” có mối quan hệ với nhau như thế nào?

Trả lời:

  1. a) - Câu mở đoạn của đoạn văn này là:

"Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước".

- Câu kết đoạn của đoạn văn là:

"Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nó lòng nồng nàn yêu nước".

  1. b) Các dẫn chứng trong đoạn này được đưa ra theo mô hình "từ ... đến ..." và được sắp xếp theo các trình tự: tuổi tác, khu vực cư trú; tiền tuyến, hậu phương; tầng lớp, giai cấp.
  2. c) Những sự việc và con người này có mối quan hệ theo các bình diện khác nhau, nhưng bao quát toàn bộ già trẻ, gái trai, miền xuôi, miền ngược, tiền tuyến, hậu phương, nông dân, công nhân, điền chủ,...; nghĩa là toàn thể nhân dân Việt Nam.

Câu 12: Bài Hịch tướng sĩ có thể chia làm mấy đoạn? Nêu ý chính của từng đoạn.

Trả lời:

Bài hịch có thể chia làm 4 đoạn:

– Đoạn 1 (từ đầu đến "còn lưu tiếng tốt"): Nêu những gương trung thần nghĩa sĩ trong sử sách để khích lệ ý chí lập công danh, xả thân vì nước.

– Đoạn 2 (từ "Huống chi" đến "cũng cam lòng"): Lột tả sự ngang ngược và tội ác của kẻ thù đồng thời nói lên lòng căm thù giặc.

– Đoạn 3 (từ "Các ngươi" đến "không muốn vui chơi phỏng có được không?"): Phân tích phải trái, làm rõ đúng sai. Đoạn này có thể chia thành hai đoạn nhỏ:

+ Từ "Các ngươi" đến "muốn vui chơi phỏng có được không?": Nêu mối ân tình giữa chủ và tướng, phê phán những biểu hiện sai trong hàng ngũ tướng sĩ.

+ Từ "Nay ta bảo thật" đến "không muốn vui chơi phỏng có được không?": Khẳng định những hành động đúng nên làm để tướng sĩ thấy rõ điều hay, lẽ phải.

– Đoạn 4 (đoạn còn lại): Nêu nhiệm vụ cấp bách, khích lệ tinh thần chiến đấu

Câu 13: Lòng yêu nước, căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn thể hiện qua thái độ, hành động  trong “Hịch tướng sĩ” như thế nào? Vị chủ tướng tự nói lên nỗi lòng của mình sẽ có tác động ra sao đối với tướng sĩ?

Trả lời:

– Lòng yêu nước căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn được thể hiện cụ thể: quên ăn, mất ngủ, đau đớn đến thắt tim, thắt ruột; thể hiện qua thái độ: uất ức, căm tức khi chưa trả được thù, sẵn sàng hi sinh để rửa mối nhục cho đất nước.

– Bao nhiêu tâm huyết, bút lực của Trần Quốc Tuấn dồn vào đoạn: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng". Mỗi chữ mỗi lời như chảy trực tiếp từ trái tim qua ngòi bút lên trang giấy. è Câu văn chính luận mà đã khắc hoạ thật sinh động hình tượng người anh hùng yêu nước: đau xót đến quặn lòng trước cảnh tình đất nước, căm thù giặc đến bầm gan tím ruột, mong rửa nhục đến mất ngủ quên ăn, vì nghĩa lớn mà coi thường xương tan, thịt nát.

– Khi tự bày tỏ khúc nhôi gan ruột, chính Trần Quốc Tuấn đã là một tấm gương yêu nước bất khuất có tác dụng động viên to lớn đối với tướng sĩ

Câu 14: Hãy phân tích nghệ thuật lập luận ở đoạn từ “Nay ta chọn binh pháp … để các người biết bụng ta” trong bài Hịch tướng sĩ.

Trả lời:

- Để giành thế áp đảo cho tinh thần quyết chiến quyết thắng, phần cuối bài hịch, một lần nữa Trần Quốc Tuấn vạch rõ ranh giới giữa hai con đường chính và tà, cũng có nghĩa là hai con đường sống và chết để thuyết phục tướng sĩ.

- Tác giả biểu lộ một thái độ dứt khoát: hoặc là địch hoặc là ta, không có vị trí chông chênh cho những kẻ bàng quan trước thời cuộc. Chính thái độ dứt khoát này đã có tác dụng thanh toán những thái độ trù trừ trong hàng ngũ tướng sĩ, động viên những người còn thờ ơ, do dự hãy đứng hẳn sang phía lực lượng quyết chiến quyết thắng.

è Đoạn cuối bài hịch có giá trị động viên tới mức cao nhất ý chí và quyết tâm chiến đấu của mọi người.

Câu 15: Hãy chỉ ra đặc điểm của đoạn văn phối hợp trong đoạn văn sau:

“Bị cười, không phải mọi người đều phản ứng giống nhau. Có người tỏ thái độ mặc kệ, bất cần, ai cười, người ấy nghe. Có người, nhân bị thiên hạ cười mà nghiêm túc soi xét bản thân, lặng lẽ sửa mình. Nhưng cũng có những người, bị tiếng cười của đám đông nhằm tới, do thiếu bản lĩnh, nên hoảng hốt, lo âu và tưởng rằng khiếm khuyết của mình là rất nghiêm trọng. Rơi vào bế tắc, họ tìm lối thoát trong hành vi tiêu cực. Như vậy, sự cười nhạo chẳng phải đã vô tình làm hại người ta đó sao?”

Trả lời:

Đoạn văn trên có câu mở đầu (“Bị cười … giống nhau”) nêu chủ đề của đoạn: mọi người sẽ có phản ứng khác nhau khi bị chê cười. Bốn câu tiếp nêu các kiểu phản ứng cụ thể. Câu cuối đoạn (“Như vậy … đó sao?”) khái quát tác hại của sự cười nhạo đối với con người.

Câu 16: Xác định kiểu đoạn văn của những trường hợp sau. Phân tích tác dụng của cách thức tổ chức đoạn văn đó

“Nay ta chọn binh pháp các nhà hợp làm một quyển gọi là “Binh thư yếu lược”. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo của ta, thì mới phải đạo thần chủ; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo của ta, tức là kẻ nghịch thù.”

Trả lời:

Đoạn văn trên đây là đoạn văn song song.

è Cách tổ chức kiểu này đảm bảo sự duy trì chủ đề thống nhất, không định hướng người đọc vào một quan điểm cụ thể nào. Kết luận thế nào là do người đọc tự suy nghĩ và rút ra. Ở trong đoạn văn, các binh sĩ sẽ tự suy ngẫm và rút ra quyết định của mình.

Câu 17: Viết câu chủ đề cho đoạn văn sau:

…………………………….. Khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong một thời gian dài, làn da của chúng ta có nguy cơ bị lão hoá. Dấu hiệu nhận biết rõ nhất là sự xuất hiện của các đốm sắc tố và nếp nhăn trên da. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn là nguyên nhân gây khởi phát hoặc tăng nặng một số bệnh lí về da như viêm da dị ứng, viêm da cơ địa, mụn trứng cá, mề đay... Không chỉ vậy, ô nhiễm không khí còn làm cho một số bệnh về da kém đáp ứng điều trị, dễ tái phát, kéo dài và khó điều trị hơn.

Trả lời:

- Với việc câu chủ đề ở đầu thì ta có thể xác định đây là đoạn văn diễn dịch è Hãy xác định nội dung hướng tới ở các câu sau để viết câu chủ đề cho phù hợp.

- Câu chủ đề tham khảo: Ô nhiễm không khí tác động tiêu cực đến sức khoẻ con người.

Câu 18: Đoạn văn dưới đây được tổ chức theo kiểu nào? Vì sao em cho là như vậy?

“Quan trọng hơn cả, tự học còn là một thú vui rất thanh nhã, nó nâng cao tâm hồn ta lên. Ta vui vì thấy khả năng của ta đã thăng tiến và ta giúp đời nhiều hơn trước. Một thầy kí, một bác nông phu, bất kì hạng người nào, nếu chịu học hỏi tìm kiếm, cũng có thể cải thiện phương pháp làm việc của mình, và giảng giải những kinh nghiệm của mình cho người khác. Sau cùng, còn gì vui bằng tìm tòi và khám phá Pasteur, Eisntein, hai vợ chồng Curie và hàng trăm nhà bác học khác, suốt đời nghèo nàn mà lúc nào cũng mãn nguyện hơn những vua chúa trên ngai vàng; cả tháng cả năm tự giam trong phòng thí nghiệm, không hề biết những tiêu khiển của người đời mà thấy thời giờ trôi qua vẫn qua mau, là nhờ thủ tự học tìm tòi của họ.”

Trả lời:

- Đây là đoạn văn diễn dịch vì có câu chủ đề mang ý khái quát đứng đầu đoạn: “tự học là một thú vui thanh nhã, nó nâng cao tâm hồn ta lên”; các câu sau triển khai cụ thể ý của câu chủ đề, bổ sung, làm rõ cho câu chủ đề: ở đây ta có thể dễ dàng nhận thấy các lí lẽ và dẫn chứng mà tác giả đưa ra.

Câu 19: Ngoài biểu ý, “Sông núi nước Nam” có biểu cảm (bày tỏ cảm xúc) không? Nếu có thì thuộc trạng thái nào? (lộ rõ, ẩn kín)

Hãy giải thích tại sao em chọn trạng thái đó.

Trả lời:

Bài thơ tuy chủ yếu thiên về biểu ý song không phải vì thế mà trả thành một bài luận lí khô khan. Có thể nhận thấy rằng, đằng sau tư tưởng độc lập chủ quyền đầy kiên quyết ấy là một cảm xúc mãnh liệt ẩn kín bên trong. Nếu không có tình cảm mãnh liệt thì chắc chắn không thể viết được những câu thơ đầy chí khí như vậy.

Câu 20: Đã nói đến thơ là phải có biểu ý và biểu cảm. Vậy bài thơ Sông núi nước Nam có hình thức biểu ý, biểu cảm như thế nào?

Trả lời:

- Bài thơ thiên về biểu ý (nghị luận, trình bày ý kiến), bởi bài thơ đã trực tiếp nêu rõ ý tưởng bảo vệ độc lập, kiên quyết chống ngoại xâm, nhưng vẫn có cách biểu cảm riêng. Ở đây, cảm xúc, thái độ mãnh liệt, sắt đá đã tồn tại bằng cách ẩn vào bên trong ý tưởng. Người đọc biết nghiền ngẫm, biết suy cảm, sẽ thấy thái độ, cảm xúc trữ tình đó.

Câu 21: Hãy khái quát nghệ thuật lập luận trong tác phẩm “Hịch tướng sĩ”.

Trả lời:

- Nghệ thuật lập luận của Hịch tướng sĩ là khích lệ nhiều mặt để tập trung vào một hướng. Khích lệ từ ý chí lập công danh, lòng tự trọng cá nhân, tự tôn dân tộc đến lòng căm thù giặc, tinh thần trung quân ái quốc, nghĩa tình cốt nhục... để cuối cùng khích lệ lòng yêu nước bất khuất, quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.

- Có thể thấy được cách triển khai lập luận của bài hịch qua một lược đồ kết cấu:

Câu 22: Qua “Hịch tướng sĩ”, chỉ ra đoạn văn phê phán thái độ, hành động sai trái của các tướng sĩ và chỉ ra cho họ thấy những thái độ, hành động đúng nên theo, cần làm. Phân tích nghệ thuật lập luận đặc sắc trong đoạn văn đó.

Trả lời:

– Đoạn văn này từ “Nay các ngươi nhìn chủ nhục … không muốn vui chơi phỏng có được không?”.

– Giọng văn trong đoạn này vừa là lời vị chủ soái nói với tướng sĩ dưới quyền, vừa là lời của người cùng cảnh ngộ è Chính vì vậy, cách nói có khi nghiêm khắc mang tính chất sỉ mắng, răn đe, có khi lại chân thành, tình cảm mang tính chất bày tỏ thiệt hơn.

– Trần Quốc Tuấn vừa chân tình chỉ bảo vừa phê phán nghiêm khắc hành động hưởng lạc, thái độ bàng quan trước vận mệnh của đất nước.

+ Thái độ bàng quan không chỉ là tội thờ ơ nông cạn mà còn là vong ân bội nghĩa trước mối ân tình của chủ tướng, sự ham chơi hưởng lạc đâu chỉ là vấn đề nhân cách mà còn là sự vô trách nhiệm đến táng tận lương tâm khi vận mệnh đất nước đang nghìn cân treo sợi tóc.

+ Trần Quốc Tuấn chỉ rõ những việc làm sai tưởng như nhỏ nhặt: vui chọi gà, cờ bạc, ham săn bắn, thích rượu ngon, mê tiếng hát,... mà hậu quả thì tai hại khôn lường : thái ấp, bổng lộc không còn; gia quyến, vợ con khốn cùng, tan nát; xã tắc, tổ tông bị giày xéo; thanh danh bị ô nhục; chủ và tướng, riêng và chung.... tất cả đều "đau xót biết chừng nào".

– Có khi tác giả dùng cách nói thẳng, gần như sỉ mắng: "không biết lo", "không biết thẹn", "không biết tức", "không biết căm". Có khi tác giả dùng cách nói mỉa mai, chế giễu: "cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc", "mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh", "chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết", "tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai". Điều đơn giản ấy "trẻ con cũng biết được, mà các tướng lại hình như không biết... làm cho họ tức khí, muốn mau chóng chứng minh tài năng, phẩm chất của mình bằng việc làm thiết thực" (Trần Đình Sử).

– Cùng với việc phê phán thái độ, hành động sai của tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn còn chỉ ra những việc đúng nên làm. Đó là nêu cao tinh thần cảnh giác, chăm lo "tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ". Những hành động này đều xuất phát từ mục đích quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.

– Để tác động vào nhận thức, tác giả dùng thủ pháp nghệ thuật so sánh tương phản và cách điệp từ điệp ý tăng tiến.

+ Trần Quốc Tuấn so sánh giữa hai viễn cảnh, đầu hàng thất bại thì mất tất cả, chiến đấu thắng lợi thì được cả chung và riêng. Từ lời văn dịch khá sát, có thể thấy khi nêu viễn cảnh đầu hàng thất bại, Trần Quốc Tuấn sử dụng những từ mang tính chất phủ định: "không còn", "cũng mất", "bị tan", "cũng khốn". Còn khi nêu viễn cảnh chiến đấu thắng lợi, tác giả dùng những từ mang tính chất khẳng định: "mãi mãi vững bền", "đời đời hưởng thụ", "không bị mai một", "sử sách lưu thơm".

+ Điều đáng lưu ý là trong khi sử dụng phương pháp so sánh tương phản, người viết rất hiểu quy luật nhận thức. Cách điệp ngữ, điệp ý tăng tiến có tác dụng nêu bật vấn đề từ nhạt đến đậm, từ nông đến sâu. Cứ từng bước, từng bước, tác giả đưa người đọc thấy rõ đúng sai, nhận ra điều phải trái.

Câu 23: Hãy viết một/hai đoạn văn (15 – 20 dòng) dùng phương pháp quy nạp hoặc diễn dịch để trình bày về vấn đề môi trường.

Trả lời:

Gợi ý làm bài: Môi trường là một vấn đề đã được đặt ra từ lâu và được coi là vấn đề cấp thiết trên toàn cầu tuy vậy đến nay vấn đề này không hề hết nóng. Vậy nên ở đây các em có thể viết về một khía cạnh của môi trường như: tình trạng ô nhiễm môi trường chung, bảo vệ môi trường, năng lượng xanh, tình trạng ô nhiễm nơi em đang ở, liệu chúng ta nên giải quyết theo cách thông thường hay tìm những hướng đi mới,… Vấn đề có rất nhiều thông tin trên mạng mà các em có thể khai thác nên hãy đảm bảo có dẫn chứng là các số liệu cụ thể.

Câu 24: Đoạn văn sau được tổ chức theo cách nào: diễn dịch, quy nạp hay một cách khác? Vì sao?

“Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.”

Trả lời:

- Đoạn văn được tổ chức theo một cách khác. Đoạn văn này không có câu chủ đề, các câu có chức năng đồng đều.

Câu 25: Hãy viết một đoạn văn song song và một đoạn văn phối hợp theo chủ đề tự chọn.

Trả lời:

Đoạn văn song song tham khảo:

Mưa lớn kéo dài ở các vùng đồng bằng (như ở các vùng đồng bằng thuộc miền Trung nước ta) khiến cho nước trên các con sông không kịp thoát, gây ra ngập úng. Ngoài ra, mưa lớn kéo dài còn hình thành nên các cơn lũ quét, lũ ống gây ra những thiệt hại nặng nề về người và của.

Đoạn văn phối hợp tham khảo:

Không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà lũ lụt còn gây thiệt hại cả về con người, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Điển hình là lũ lụt sông Dương Tử ở Trung Quốc năm 1911 đã khiến cho 100 000 người chết, hay lũ lụt đồng bằng sông Hồng năm 1971 khiến cho 594 người chết và hơn 100 000 người bị thương nặng. Như vậy, có thể thấy lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng về người.

Câu 26: Có bạn thắc mắc tại sao không nói là “Nam nhân cư” (người Nam ở) mà lại nói “Nam đế cư” (vua Nam ở) thì em sẽ giải thích thế nào?

Trả lời:

- Người xưa coi trời là đấng tối cao và chỉ có vua (Thiên tử – con trời) mới có quyền định đoạt mọi việc ở trần gian. Tất cả mọi thứ có trên mặt đất đều là của vua.

- Hơn thế nữa, nói Nam đế cư là có hàm ý nói rằng vua của nước Nam cũng là Thiên tử chứ không phải là một ông “vua nhỏ” dưới quyền cai quản của Hoàng đế Trung Hoa.

Câu 27: Ví thử có người nói rằng: “Sông núi nước Nam” chưa phải là thơ, vì chỉ có ý này ý khác mà không có cảm xúc, em sẽ nói lại như thế nào với người ấy?

Trả lời:

- Ngược lại với ý kiến cho rằng hai bài “Sông núi nước Nam” không phải là thơ, vì chỉ có ý này ý khác mà không có cảm xúc, em có thể trình bày một quan niệm về thơ như sau: Đã là thơ dĩ nhiên cùng với sự biểu ý phải có sự biểu cảm, nhưng trong thơ trạng thái biểu cảm là đa dạng, tựu trung có dạng lộ ra ở lời, có dạng ẩn kín trong ý. “Sông núi nước Nam” là thuộc dạng sau, và nó đã tồn tại trong thể thơ: thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Những trường hợp như thế không hiếm.

- Có thể lấy thêm ví dụ về bốn câu đề từ trong “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh: “Thân thể ở trong lao – Tinh thần ở ngoài lao – Muốn nên sự nghiệp lớn – Tinh thần càng phải cao” hoặc bài thơ “Phò giá về kinh”.

Câu 28: Sau bài thơ Sông núi nước Nam, vào đầu thế kỉ XV, trong bài “Đại cáo bình Ngô”, Nguyễn Trãi đã viết:

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần, bao đời gây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

Em hãy phân tích, so sánh, làm rõ về sự phát triển của ý thức dân tộc từ bài thơ “Sông núi nước Nam” đến đoạn trích “Đại cáo bình Ngô” trên đây.

Trả lời:

Để làm bài tập này, em hãy lần lượt thực hiện các thao tác sau:

  1. a) Xác định đúng yêu cầu của bài tập là làm rõ được sự phát triển của ý thức dân tộc từ Sông núi nước Nam đến Đại cáo bình Ngô.
  2. b) Tìm hiểu lại các yếu tố của nội dung ý thức dân tộc đã được học ở bài Sông núi nước Nam và tìm hiểu thêm các yếu tố thuộc nội dung ý thức dân tộc trong đoạn trích Đại cáo bình Ngô.
  3. c) Sau đó, tổng kết nêu lên sự phát triển của ý thức dân tộc (từ Sông núi nước Nam đến đoạn trích Đại cáo bình Ngô) với những gợi ý sau đây:

– Ở Sông núi nước Nam đã có ý thức về lãnh thổ, về giống nòi (người nước Nam mà vua Nam đại diện), về chủ quyền và tinh thần kiên quyết chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền của đất nước.

– Đến đoạn trích Đại cáo bình Ngô, ý thức dân tộc phát triển đã tạo được một định nghĩa hoàn chỉnh về dân tộc trong đó có đủ các yếu tố cơ bản: lãnh thổ, giống nòi (được nói với ý thức tự hào), lịch sử, phong tục, văn hoá (và dĩ nhiên có cả tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược mà bài Đại cáo bình Ngô đã thể hiện). Điều đó chứng tỏ, qua gần bốn thế kỉ, quan niệm về dân tộc trong lịch sử nước ta ngày một sáng rõ hơn, hoàn chỉnh hơn.

Câu 29: Hãy trình bày những điểm đặc sắc trong nghệ thuật diễn đạt của bài văn “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”

Trả lời:

Trong bài này có hai điểm nổi bật về cách diễn đạt: sử dụng hình ảnh so sánh và dùng lối liệt kê với mô hình liên kết "từ … đến …".

- Nhận xét về hình ảnh trong câu ở phần mở đầu: "Từ xưa đến nay" đến "cướp nước" làm cho người đọc có thể hình dung được cụ thể và sinh động về sức mạnh của tinh thần yêu nước. Các động từ trong câu được chọn lọc, thể hiện sức mạnh với những sắc thái khác nhau (kết thành, lướt qua, nhấn chìm).

- Hình ảnh so sánh trong đoạn cuối cùng rất đặc sắc: "Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm". Bằng những hình ảnh ấy người đọc có thể hình dung rất rõ ràng hai trạng thái của tinh thần yêu nước: tiềm tàng, kín đáo và biểu lộ rõ ràng, đầy đủ.

- Thủ pháp liệt kê được sử dụng thích hợp đã có tác dụng thể hiện được sự phong phú với nhiều biểu hiện đa dạng của tinh thần yêu nước trong nhân dân, ở mọi tầng lớp, giai cấp, lứa tuổi, ở mọi địa phương. Các vế trong mô hình liên kết "từ … đến …" không phải được đặt một cách tuỳ tiện mà đều có mối quan hệ hợp lí, được sắp xếp theo cùng một bình diện như lứa tuổi, tầng lớp, giai cấp, nghề nghiệp, địa bàn cư trú.

Câu 30: “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” là một trích đoạn của Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam. Điều gì cho thấy phần trích này vẫn thể hiện đầy đủ các đặc điểm của một văn bản hoàn chỉnh?

Trả lời:

Tuy là đoạn trích nhưng văn bản này cũng có khá đầy đủ các yếu tố với các phần của một bài nghị luận kiểu chứng minh.

- Vấn đề mà tác giả muốn khẳng định đã được nêu lên như một chân lí ở ngay những câu đầu của bài văn.

- Nhiệm vụ của bài là tập trung làm sáng tỏ nhận định cơ bản ấy bằng các dẫn chứng chọn lọc, phong phú, giàu sức thuyết phục.

- Cuối cùng, từ đó bài văn đã nêu lên nhiệm vụ phải phát huy mạnh mẽ và đầy đủ tinh thần yêu nước của nhân dân ta vào công cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.

è Bài văn rất ngắn gọn nhưng có thể xem là một mẫu mực về văn nghị luận chứng minh.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay