Câu hỏi tự luận Địa lí 8 cánh diều Ôn tập Chương 2: Khí hậu và thuỷ văn Việt Nam (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 2: Khí hậu và thuỷ văn Việt Nam (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 cánh diều.

ÔN TẬP CHƯƠNG 2

KHÍ HẬU VÀ THUỶ VĂN VIỆT NAM

Câu 1: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết nhiệt độ trung bình năm của trạm khí tượng Hà Nội.

Trả lời:

Nhiệt độ trung bình năm của Hà Nội khoảng trên 23oC.

Câu 2: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết tổng lượng mưa trung bình năm của Đà Nẵng.

Trả lời:

Lượng mưa trung bình năm của Hà Nội khoảng trên 2000 mm.

Câu 3: Trình bày về tính chất ẩm của khí hậu Việt Nam.

Trả lời:

- Tính chất ẩm được thể hiện qua lượng mưa, cân bằng ẩm và độ ẩm không khí.

+ Nước ta có tổng lượng mưa năm rất lớn, phổ biến từ 1500 mm đến 2000 mm. Nhiều nơi do ảnh hưởng của địa hình đón gió ẩm, lượng mưa lên tới trên 3000 mm như: Bắc Quang (tỉnh Hà Giang); Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế); Trà My (tỉnh Quảng Nam),...

+ Cân bằng ẩm luôn dương.

+ Độ ẩm không khí cao, thường trên 80%.

Câu 4: Trình bày đặc điểm gió mùa của khí hậu Việt Nam.

Trả lời:

Nguyên nhân:

 - Do nằm trong khu vực hoạt động của gió Tín phong và gió mùa.

- Hoạt động của gió mùa lấn át gió Tín phong nên trong năm nước ta có 2 mùa gió chính: Gió mùa đông và gió mùa hạ.

Gió mùa mùa đông:

- Phạm vi hoạt động: Từ vĩ tuyến 16oB trở ra Bắc.

- Thời gian: Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

- Hướng gió: Đông Bắc.

- Biểu hiện:

+ Vào đầu mùa đông, khối không khí lạnh từ phương bắc tràn xuống đã tạo cho miền bắc nước ta có một mùa đông lạnh ⇒ Miền Bắc có mùa đông lạnh.

+ Vào cuối mùa đông: khối khí di chuyển xuống phía nam bị suy yếu nên Tín phong hoạt động mạnh gây mưa lớn cho ven biển Trung Bộ và tạo nên mùa khô ở Nam Bộ và Tây Nguyên.

Gió mùa mùa hạ:

- Phạm vi hoạt động: từ 16oB trở vào Nam.

- Thời gian: Từ tháng 5 đến tháng 10.

- Hướng: Tây Nam.

- Biểu hiện:

+ Vào đầu mùa hạ: Khối không khí ẩm Bắc Ấn Độ Dương đến nước ta gây mưa lớn cho Nam Bộ và Tây Nguyên. Khi di chuyển đến vùng ven biển Trung Bộ và khu vực phía Nam Tây Bắc gây hiệu ứng phơn làm thời tiết hanh khô.

+ Vào giữa vào cuối mùa hạ: Gió mùa Tây Nam (Tín phong Bán Cầu Nam) cùng dải hội tụ nhiệt đới gây mưa lớn cho cả nước.

Câu 5: Chứng minh sự phân hoá đa dạng của khí hậu nước ta theo độ cao địa hình. Lấy ví dụ cụ thể.

Trả lời:

- Theo độ cao địa hình, khí hậu phân hóa thành các đai khí hậu:

+ Đai nhiệt đới gió mùa: Từ 0 m đến 600 - 700 m ở miền Bắc và 0 m đến 900 - 1000m ở miền nam. Khí hậu thể hiện rõ tính chất nhiệt đới ẩm.

+ Đai nhiệt đới gió mùa trên núi: Ranh giới phía trên của đai nhiệt đới gió mùa đến 2600m. Khí hậu mát mẻ, mưa nhiều.

+ Đai ôn đới gió mùa trên núi: độ cao trên 2600m; nhiệt độ: <15oC, nhiệt độ xuống thấp và có tuyết rơi.

- Ví dụ: ở Sapa khi nhiệt độ xuống thấp, xuất hiện tuyết rơi trên đỉnh Fan-xi-păng.

Câu 6: Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em cần làm gì để giảm thiểu biến đổi khí hậu?

Trả lời:

Những hành động để giảm thiểu biến đổi khí hậu là:

- Khuyến khích sử dụng năng lượng sạch.

- Trồng nhiều cây xanh.

- Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.

- Không sử dụng túi nilon.

- Đạp xe.

- Thu gom rác thải biển.

- Tuyên truyền bạn bè, người thân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chung tay ứng phó biến đổi khí hậu.

Câu 7: Trình bày hoạt động của gió mùa Đông Bắc và ảnh hưởng của nó đến thiên nhiên nước ta

Trả lời:

- Hoạt động của gió mùa Đông Bắc

+ Nguồn gốc: từ khối khí lạnh phương Bắc; thổi theo hướng đông bắc.

+ Thời gian hoạt động: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

+ Tính chất: nửa đầu mùa đông thời tiết lạnh khô, nửa sau mùa đông thời tiết lạnh ẩm, có mưa phùn.

+ Phạm vi hoạt động: chủ yếu từ dãy Bạch Mã (vĩ tuyến 16oB) trở ra.

- Ảnh hưởng của nó đến thiên nhiên nước ta

+ Làm cho sự phân hóa của thiên nhiên nước ta càng thêm phức tạp.

+ Thiên nhiên nước ta phân hóa theo không gian và thời gian.

Câu 8: Nêu những thuận lợi và khó khăn do khí hậu mang lại.

Trả lời:

Thuận lợi:

- Khí hậu nóng ẩm: thuận lợi cho sinh vật phát triển, cây cối quanh năm ra hoa kết quả. Tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ một nền nông nghiệp nhiệt đới theo hướng sản xuất lớn, chuyên canh và đa canh.

 Khó khăn:

- Khí hậu nước ta cũng lắm thiên tai, bất trắc, thời tiết diễn biến phức tạp. Ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của nhân dân ta.

Câu 9: Trình bày giải pháp để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Trả lời:

- Một số giải pháp để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu:

+ Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ để hạn chế sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật,...

+ Xử lí và tái sử dụng các phụ phẩm phế thải.

+ Cải tiến công nghệ, kĩ thuật để tiết kiệm nguồn năng lượng.

+ Phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời,...

+ Tuyên truyền nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.

Câu 10: Liệt kê ít nhất 3 nguồn gây ô nhiễm nước sông.

Trả lời:

Các nguồn gây ô nhiễm nước sông là:

- Nước thải, rác thải của sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ sinh hoạt.

- Vật liệu chìm đắm cản trở dòng chảy tự nhiên.

- Đánh bắt thủy sản hằng hóa chất, điện.

Câu 11: Liệt kê một số giá trị của sông ngòi nước ta.

Trả lời:

Một số giá trị của sông ngòi nước ta là:

- Cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt.

- Xây dựng các nhà máy thủy điện.

- Bồi đắp phù sa, mở rộng đồng bằng về phía biển.

- Khai thác và nuôi trồng thủy sản.

- Phát triển giao thông vận tải đường sông.

- Còn có giá trị về du lịch, thể thao,...

Câu 12: Trình bày chế độ nước của các hệ thống sông Hồng, Thu Bồn và Cửu Long.

Trả lời:

- Chế độ nước của hệ thống sông Hồng:

+ Là hệ thống sông lớn nhất ở phía bắc nước ta, chảy theo hướng tây bắc - đông nam.

+ Toàn bộ hệ thống sông có trên 600 phụ lưu, trong đó có hai phụ lưu chính là sông Đà và sông Lô.

+ Ở vùng đồng bằng, sông Hồng có nhiều chi lưu kết nối với hệ thống sông Thái Bình trước khi đổ ra biển.

+ Chế độ dòng chảy khá đơn giản với mùa lũ dài khoảng 5 tháng, tập trung tới 75 - 80% tổng lượng nước cả năm. Do mùa lũ xảy ra đồng thời giữa sông chính và các phụ lưu nên lũ thường lên nhanh.

- Chế độ nước của hệ thống sông Thu Bồn:

+ Là hệ thống sống lớn ở duyên hải miền Trung nước ta.

+ Toàn bộ hệ thống sông có hơn 80 phụ lưu chảy theo các hướng khác nhau, những đoạn dòng chảy chính ở hạ lưu khi đổ ra biển có hướng tây - đông.

+ Mùa lũ thường kéo dài khoảng 3 tháng vào thu - đông nhưng tập trung khoảng 65% tổng lượng nước cả năm.

+ Do độ dốc địa hình lớn, hình dạng sông và chế độ mưa phân mùa mạnh mẽ nên sông thường xảy ra lũ lớn, lũ lên nhanh và rút nhanh.

- Chế độ nước của hệ thống sông Cửu Long:

+ Là phần dòng chảy thuộc hạ lưu hệ thống sông Mê Công.

+ Hệ thống sông Mê Công có rất nhiều phụ lưu (trong đó có hơn 280 phụ lưu trên lãnh thổ nước ta). Khi chảy về lãnh thổ Việt Nam, sông chia thành hai nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu.

+ Chế độ nước đơn giản và khá điều hòa, mùa lũ dài khoảng 5 tháng, chiếm 75 - 80% tổng lượng nước cả năm.

+ Do sông có diện tích lưu vực lớn, độ dốc nhỏ nên lũ thường lên chậm và rút chậm. Tuy nhiên, hệ thống sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biển, đặc biệt là trong mùa cạn.

Câu 13: Trình bày mối quan hệ giữa chế độ mưa và chế độ nước của một hệ thống sông lớn ở nước ta.

Trả lời:

- Chế độ nước sông có 2 mùa: mùa lũ và mùa cạn.

+ Mùa lũ tương ứng mùa mưa, kéo dài 4-5 tháng; chiếm 70-80% lượng nước cả năm.

+ Mùa cạn tương ứng mùa khô, kéo dài 7-8 tháng; chiếm 20-30% lượng nước cả năm

Câu 14: Giải thích vì sao sông ngòi nước ta có những đặc điểm như vậy?

Trả lời:

Sông ngòi nước ta có những đặc điểm như vậy là bởi vì:

- Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có lượng mưa lớn đã làm cho quá trình cắt xẻ địa hình diễn ra mạnh nên nước ta có mạng lưới sông ngòi dày đặc và phân bố rộng khắp trên cả nước.

- Do cấu trúc địa hình nước ta có hai hướng chính là hướng tây bắc - đông nam và hướng vòng cung nên những sông chảy trong các khu vực địa hình đó cũng có hướng như vậy.

- Do mưa theo mùa nên sông ngòi nước ta có chế độ nước theo mùa.

- Do mưa nhiều nên sông ngòi nước ta có lượng nước lớn, hơn nữa sông ngòi nước ta còn nhận một lượng nước lớn từ lưu vực nằm ngoài lãnh thổ.

- Do quá trình xâm thực mạnh ở miền đồi núi nên sông ngòi giàu phù sa.

Câu 15: Vai trò của nước ngầm đối với sản xuất và sinh hoạt của con người nước ta.

Trả lời:

- Nguồn nước ngầm có vai trò quan trọng đối với sản xuất và sinh hoạt:

+ Cung cấp nước cho các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

+ Cung cấp nước sinh hoạt rất quan trọng trong đời sống hằng ngày của con người, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đông dân cư.

+ Nguồn nước ngầm là nước khoáng, nước nóng ở nhiều địa phương có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người nên có thể khai thác để phát triển các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh,...

Câu 16: Nêu những thuận lợi và khó khăn của sông ngòi đối với đời sống, sản xuất và sự cần thiết phải bảo vệ nguồn nước sông.

Trả lời:

- Thuận lợi: cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải, du lịch,...

- Khó khăn: chế độ nước thất thường, gây ngập úng một số khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long, lũ quét ở miền núi,...

- Nguồn nước, sông đang bị ô nhiễm, nhất là sông ở các thành phố, các khu công nghiệp, các khu tập trung dân cư,... Nguyên nhân: mất rừng, chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt,...

Câu 17: Trình bày những hậu quả mà biến đổi khí hậu mang lại.

Trả lời:

Những hậu quả mà biến đổi khí hậu mang lại:

- Đánh mất sự đa dạng sinh học, phá hủy hệ sinh thái tự nhiên

- Ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, an toàn của con người.

- Khả năng dịch bệnh bùng phát cao.

Câu 18: Trình bày giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trả lời:

- Một số giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu:

+ Thay đổi cơ cấu mùa vụ, lựa chọn các cây trồng, vật nuôi có khả năng thích nghi với các tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng các công trình thuỷ lợi.

+ Bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển.

+ Xây dựng các cơ sở sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường.

+ Phát triển giao thông công cộng và khuyến khích người dân sử dụng.

+ Sử dụng năng lượng (điện, xăng, dầu,...) tiết kiệm và hiệu quả.

Câu 19: Cho ví dụ để chứng minh mối quan hệ của sông ngòi nước ta với các nhân tố tự nhiên.

Trả lời:

- Địa chất, địa hình quyết định độ dốc lòng sông, hướng chảy và tốc độ dòng chảy cũng như hình dạng mạng lưới sông (dạng lông chim, dạng nan quạt, dạng cành cây), dòng chảy mặt, dòng chảy ngầm.

- Khí hậu (lượng mưa, nhiệt độ) quyết định lưu lượng nước, mùa nước, tính liên tục của dòng chảy (thường xuyên hay tạm thời).

Câu 20: Giải pháp cần có đối với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Trả lời:

Những giải pháp cần có đối với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam là:

- Tăng cường phổ biến, truyền thông, nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cho mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành nhất là những diễn biến trong bối cảnh mới.

- Biến những thách thức của biến đổi khí hậu thành những cơ hội để chủ động giảm thiểu và thích ứng dựa trên nguyên tắc giải quyết hài hòa, tính hiệu quả, phù hợp với diễn thế của thiên nhiên được đặt lên hàng đầu.

- Trong quy hoạch và xây dựng chính sách cần phải lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu để có biện pháp chủ động ứng phó phù hợp với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với từng ngành, lĩnh vực và từng vùng phù hợp với thực tiễn đang và sẽ diễn ra.

- Tăng cường khả năng chống chịu trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển các mô hình kinh tế dựa vào hệ sinh thái (EbA), dựa vào cộng đồng (CbA) và dựa vào tự nhiên (NbS), cho mỗi địa phương, lấy kiến thức bản địa kết hợp với khoa học công nghệ mới đầu tư phát triển, đặt sinh kế và sự an toàn của người dân lên hàng đầu.

- Cần có sự phối hợp với các tổ chức, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hơn nữa chúng ta đã cam kết cùng nỗ lực toàn cầu để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chính vì vậy cần tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế, nắm bắt cơ hội để có những chuyển giao về khoa học công nghệ thế hệ mới, đầu tư tài chính và kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay