Câu hỏi tự luận Địa lí 8 cánh diều Ôn tập Chương 4: Biển đảo Việt Nam

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 4: Biển đảo Việt Nam. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 cánh diều.

ÔN TẬP CHƯƠNG 4

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Câu 1: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết các nước có chung biển Đông với Việt Nam?

Trả lời:

Các nước có chung Biển Đông với Việt Nam là: Trung Quốc, Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây và Phi-líp-pin.

Câu 2: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết vùng biển của Việt Nam thông qua hai đại dương lớn nào?

Trả lời:

Vùng biển của Việt Nam thông qua hai đại dương lớn: Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Câu 3: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết khoáng sản ở vùng biển Việt Nam là?

Trả lời:

Khoáng sản ở vùng biển Việt Nam là: dầu khí.

Câu 4: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết đảo lớn nhất Việt Nam đảo nào?

Trả lời:

Đảo lớn nhất Việt Nam là: đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Câu 5: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết hệ thống đảo ven bờ nước ta phân bố tập trung nhất ở vùng biển thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào?

Trả lời:

Hệ thống đảo ven bờ nước ta phân bố tập trung nhất ở vùng biển thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang.

Câu 6: Nêu phạm vi của biển Đông.

Trả lời:

- Phạm vi của Biển Đông:

+ Biển Đông có diện tích khoảng 3,447 triệu km2, là biển lớn thứ hai của Thái Bình Dương và lớn thứ ba thế giới, nằm trong khoảng từ vĩ độ 3oN đến vĩ độ 26oB và từ kinh độ 100oĐ đến kinh độ 121oĐ.

+ Biển Đông là biển tương đối kín vì được bao bọc bởi đất liền và hệ thống các đảo, quần đảo.

Câu 7: Trình bày các điều kiện thuận lợi cho phát triển tổng hợp kinh tế biển ở nước ta.

Trả lời:

Các điều kiện thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển là:

- Nguồn lợi sinh vật: Phong phú, giàu thành phần loài; nhiều loài có giá trị kinh tế cao, loài quý hiếm,...

- Tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ, khí tự nhiên nhiều.

- Có nhiều vùng biển kín, cửa sông thuận lợi xây dựng cảng.

- Có nhiều bãi tắm rộng, phong cảnh đẹp, khí hậu tốt; đảo,... thuận lợi cho phát triển du lịch.

Câu 8: Nêu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thiên tai ở vùng biển nước ta.

Trả lời:

- Tài nguyên thiên nhiên vùng biển:

 Tài nguyên khoáng sản:

Có trữ lượng lớn và giá trị nhất là dầu khí. Hai bể dầu lớn nhất hiện đang khai thác là Nam Côn Sơn và Cửu Long; các bể dầu khí Thổ Chu - Mã Lai và sông Hồng cũng có trữ lượng đáng kể; ngoài ra còn nhiều vùng có thể chứa dầu, khí đang được thăm dò.

Các bãi cát ven biển có trữ lượng lớn titan là nguồn nguyên liệu quý cho ngành công nghiệp.

Vùng ven biển nước ta cần thuận lợi cho nghề làm muôi, nhất là ven biển Nam Trung Bộ, nơi có nhiệt độ cao, nhiều nắng, lại chỉ có một số sông nhỏ để ra biển.

+ Tài nguyên hải sản:

Sinh vật Biển Đông giàu thành phần loài và có năng suất sinh học cao, nhất là ở vùng ven bờ. Trong Biển Đông có trên 2000 loài cá, hơn 100 loài tôm, khoảng vài chục loài mực, hàng nghìn loài sinh vật phù du và sinh vật đáy khác.

Ven các đảo, nhất là tại hai quần đảo lớn Hoàng Sa và Trường Sa có nguồn tài nguyên quý giá là các rạn san hô cùng đông đảo các loài sinh vật khác.

- Thiên tai:

+ Bão: Mỗi năm trung bình có 9 - 10 cơn bão xuất hiện ở Biển Đông, trong đó có 3 - 4 cơn bão trực tiếp đổ vào nước ta, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhất là với cư dân sống ở vùng ven biển.

+ Sạt lở bờ biển: Hiện tượng sạt lở bờ biển đã và đang đe dọa nhiều đoạn bờ biển nước ta, nhất là dải bờ biển Trung Bộ.

+ Ở vùng ven biển miền Trung còn chịu tác hại của hiện tượng cát bay, cát chảy lấn chiếm ruộng vườn, làng mạc và làm hoang mạc hóa đất đai.

Câu 9: Nêu ý nghĩa của vùng biển đối với tự nhiên?

Trả lời:

- Khí hậu: Biển Đông rộng, nhiệt độ nước biển cao và thay đổi theo mùa đã làm tăng độ ẩm của các khối khí qua biển, mang lại cho nước ta lượng mưa và độ ẩm lớn, làm giảm tính chất khắc nghiệt của thời tiết nóng bức vào mùa hạ. Nhờ biển Đông, khí hậu nước ta mang nhiều đặc tính của khí hậu hải dương và trở lên điều hòa hơn.

- Địa hình: Các dạng địa hình ven biển rất đa dạng gồm vịnh của sông, bờ biển mài mòn, bờ biển cửa sông có bãi triều rộng, các bãi cát phẳng, đầm phá, cồn cát,…

- Các hệ sinh thái ven biển: Rừng ngập mặn ven biển có diện tích rất rộng lớn với các loài sinh vật phong phú, đa dạng.

Câu 10: Đối với cảnh quan tự nhiên, vùng biển nước ta có vai trò như thế nào?

Trả lời:

- Vùng biển Việt Nam (một phần của Biển Đông) có tác động trực tiếp đến việc hình thành các cảnh quan tự nhiên.

- Biển là nguồn cung cấp hơi nước thường xuyên, làm cho tính chất hải dương của thiên nhiên nước ta thể hiện rõ rệt. Với hình dạng lãnh thổ hẹp ngang, gió từ biển dễ đi sâu vào đất liền làm giảm tính chất khô hạn trong mùa đông và gây nên lượng mưa lớn trong mùa hè, đồng thời độ ẩm tương đối trong không khí cũng cao, thường đạt trên 80%. Có thể nói: biển nước ta đã điều hòa khí hậu, tạo nên môi trường tự nhiên trong sạch, dễ chịu.

- Do tác động của biển, các cảnh quan tự nhiên nước ta càng thêm phong phú, đa dạng: Cảnh quan duyên hải chạy liên tục từ bắc chí nam với các cồn cát, bãi cát, đầm phá, rừng ngập mặn,... Ngoài ra, cảnh quan hải đảo cũng là nét đặc sắc của một đất nước có đường bờ biển dài 3260 km.

Câu 11: Nêu ý nghĩa của hệ thống các đảo và quần đảo của Việt Nam trưng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Trả lời:

- Về kinh tế - xã hội:

+ Phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với việc đánh bắt và nuôi trồng hải sản, cũng như các đặc sản.

Đánh bắt, nuôi cá, tôm.

Các đặc sản: bào ngư, ngọc trai, tổ yến,...

+ Phát triển các ngành công nghiệp chế biến hải sản (cá, nước mắm,...) và giao thông vận tải biển.

+ Có ý nghĩa về du lịch:

Tiềm năng đa dạng (rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các di tích lịch sử - cách mạng,...).

Mới bắt đầu khai thác.

+ Giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân cho các huyện đảo.

- Về an ninh, quốc phòng:

+ Là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền.

+ Là cơ sở để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo và quần đảo.

Câu 12: Chứng minh Biển Đông là biển tương đối kín và là biển ấm.

Trả lời:

- Biển Đông là vùng biển tương đối kín là do được bao quanh bởi hệ thống đảo và quần đảo. Vùng biển này được bao bọc 4 phía bởi lục địa châu Á, các quần đảo Philippin, Malaixia và Inđônêxia, chỉ thông ra Thái Bình Dương và các biển lân cận bằng những eo biển hẹp.

- Biển Đông là biển ấm do nhiệt độ trung bình năm của nước biển tầng mặt là khoảng trên 23oC.

Câu 13: Tại sao phải phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển?

Trả lời:

Phải phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển ở nước ta, vì:

- Phát triển tổng hợp là sự phát triển nhiều ngành, giữa các ngành có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ nhau để cùng phát triển và sự phát triển của một ngành không được kìm hãm hoặc gây thiệt hại cho các ngành khác.

- Tài nguyên biển nước ta phong phú và đa dạng, nên các hoạt động kinh tế biển rất đa dạng: đánh bắt và nuôi trồng hải sản, khai thác các đặc sản, khai thác khoáng sản trong nước biển và lòng đất, du lịch biển và giao thông vận tải biển. Chỉ có khai thác tổng hợp mới đem lại hiệu quả cao và bảo vệ môi trường.

Câu 14: Nêu đặc điểm môi trường biển đảo Việt Nam.

Trả lời:

- Đặc điểm môi trường biển của nước ta:

+ Môi trường biển không thể chia cắt. Trên thực tế, môi trường biển không giống như đất liền, rất dễ bị phá vỡ. Các sự cố làm ô nhiễm nước biển rất khó để xử lí, chỉ cần một vùng nước nhỏ bị ô nhiễm sẽ gây thiệt hại cho cả vùng nước rộng lớn và khu vực ven bờ cũng như trên các đảo.

+ Môi trường đảo sẽ thay đổi rất nhanh khi có tác động của con người. Đảo thường có diện tích nhỏ, nằm biệt lập với đất liền nên chỉ cần một tác động nhỏ của con người cũng có thể gây ra một chuỗi biến động và phá vỡ cân bằng sinh thái rất nhanh.

Câu 15: Tại sao lại nói bảo vệ môi trường biển đảo là một vấn đề quan trọng?

Trả lời:

- Bảo vệ môi trường biển đảo là một vấn đề quan trọng, do:

+ Biển đảo có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Biển đảo cung cấp cho con người nhiều nguồn tài nguyên, là cửa ngõ giúp nước ta mở rộng giao lưu với các nước trên thế giới.

+ Nước ta có tới 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp biển; có tới trên 50 triệu người dân đang sinh sống ở vùng ven biển và hải đảo.

+ Môi trường biển đang bị ô nhiễm; sự đa dạng sinh học bị suy giảm,… do tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của con người và tác động từ biến đổi khí hậu.

Câu 16: Nêu các tài nguyên biển đảo và thềm lục địa Việt Nam.

Trả lời:

- Tài nguyên sinh vật:

+ Sinh vật biển của nước ta rất phong phú, thành phần loài đa dạng, nhiều loài quý hiếm, nhiều loài có giá trị kinh tế cao.

+ Việt Nam còn có diện tích rừng ngập mặn đứng thứ hai trên thế giới; đây là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật.

- Tài nguyên khoáng sản:

+ Nước ta có tài nguyên dầu mỏ và khí đốt với trữ lượng khá lớn ở thềm lục địa, đặc biệt là thềm lục địa phía nam.

+ Ven biển Việt Nam còn có ti-tan, cát,.. là nguyên liệu cho các ngành sản xuất vật liệu, công nghiệp và xây dựng.

+ Vùng biển nước ta có nguồn muối dồi dào, đặc biệt là vùng ven biển Nam Trung bộ.

- Tài nguyên du lịch: từ bắc vào nam, dọc bờ biển nước ta có nhiều bãi biển đẹp; các vũng, vịnh, đầm, phá; các đảo gần bờ, cùng với hệ sinh thái ven biển đều là nguồn tài nguyên du lịch có giá trị.

- Tài nguyên năng lượng biển: Vùng biển nước ta còn có tiềm năng năng lượng lớn từ thuỷ triều, sóng, gió,... đặc biệt là năng lượng từ băng cháy.

=> Nguồn tài nguyên biển đảo và thềm lục địa của nước ta rất phong phú, đã và đang được khai thác để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cần có những giải pháp hợp lí để khai thác hiệu quả các tài nguyên của vùng biển đảo mà vẫn bảo vệ được môi trường.

Câu 17: Nguyên nhân dẫn tới sự giảm sút tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển - đảo ở nước ta. Sự giảm sút tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển - đảo sẽ dẫn đến những hậu quả gì?

Trả lời:

- Nguyên nhân dẫn tới sự giảm sút tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển:

+ Nguyên nhân làm giảm sút tài nguyên biển - đảo : khai thác bừa bãi, quá mức tài nguyên rừng, thủy sản…; và sử dụng các phương thức có tính huỷ diệt (nổ mìn, rà điện,...); đánh bắt cá bằng lưới dày.

+ Nguyên nhân ô nhiễm môi trường biển - đảo : các chất độc hại từ trên bờ theo nước sông đổ ra biển, các hoạt động giao thông trên biên và khai thác dầu khí được tăng cường, sự cố đắm tàu, thung tàu, tràn dầu, việc rửa tàu chở dầu ,...

- Hậu quả:

+ Làm suy giảm nguồn tài nguyên sinh vật biển.

+ Ảnh hướng xấu tới chất lượng của các khu du lịch biển, đến đời sống con người.

Câu 18: Nêu một số giải pháp để bảo vệ môi trường biển đảo.

Trả lời:

- Một số giải pháp để bảo vệ môi trường biển đảo như:

+ Không trực tiếp xả chất thải chưa qua xử lí ra môi trường biển.

+ Khai thác và sử dụng hợp lí, hiệu quả các nguồn tài nguyên biển.

+ Phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển.

+ Trồng và bảo vệ rừng ven biển, rừng ngập mặn.

+ Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển đảo nói riêng.

+ Đẩy mạnh các hoạt động thu gom rác, dọn rác, xử lí rác để làm sạch bờ biển.

+ Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai.

Câu 19: Chúng ta cần tiến hành những biện pháp gì để phát triển giao thông vận tải biển?

Trả lời:

- Nâng cấp, hiện đại hoá các cảng biển (Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn, Vũng Tàu,...), xây dựng các cảng nước sâu (Cái Lân, Dung Quất,...).

- Tăng cường đội ngũ tàu chở công-ten-nơ, tàu chở dầu, tàu chuyên dùng khác.

- Hình thành 3 cụm cơ khí đóng tàu lớn ở Bắc Bộ, Nam Bộ và Trung Bộ.

- Phát triển toàn diện dịch vụ hàng hải (hệ thống hậu cần và dịch vụ ở cảng, dịch vụ trên bờ,...).

Câu 20: Trình bày tiềm năng và sự phát triển của hoạt động khai thác dầu khí ở nước ta.

Trả lời:

- Tiềm năng: dầu mỏ của nước ta được phân bố trong các bể trầm tích chứa dầu ngoài thềm lục địa; đặc biệt là thềm lục địa phía Nam, với trữ lượng vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí.

- Sự phát triển:

+ Những thùng dầu đầu tiên được khai thác ở nước ta vào năm 1986, từ đó sản lượng liên tục tăng qua các năm và đạt 18,5 triệu tấn năm 2005.

+ Công nghiệp hoá dầu đang dần hình thành, trước hết là xây dựng các nhà máy lọc dầu, cùng với các cơ sở hoá dầu khác để sản xuất chất dẻo, sợi tổng hợp, cao su tổng hợp và các hóa chất cơ bản.

+ Công nghiệp chế biến khí: phục vụ cho phát điện, sản xuất phân đạm, hóa lỏng khí,...

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay