Câu hỏi tự luận Địa lí 8 kết nối tri thức Ôn tập Chương 3: Thổ nhưỡng và sinh vật Việt Nam

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 3: Thổ nhưỡng và sinh vật Việt Nam. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP CHƯƠNG 3

THỔ NHỮNG VÀ SINH VẬT VIỆT NAM

Câu 1: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam – trang 11 và kể tên những nơi phân bố của đất feralit trên đá badan.

Trả lời:

Những nơi phân bố của đất feralit trên đá badan là: Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt,…

Câu 2: Liệt kê những khu vực có đất phèn ở nước ta thông qua Atlat Địa lí Việt Nam – trang 11.

Trả lời:

Những khu vực có đất phèn ở nước ta là: Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp,…

Câu 3: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam – trang 11 và kể tên những nhóm đất chủ yếu ở nước ta.

Trả lời:

Những nhóm đất chủ yếu ở nước ta là: đất feralit trên đá badan, đất feralit trên các loại đá khác, đất phù sa sông, các loại đất khác và núi đá,…

Câu 4: Tính chất nhiệt đới gió mùa của lớp phủ thổ nhưỡng ở nước ta được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

- Tính chất nóng ẩm làm quá trình phong hóa đá mẹ diễn ra mạnh mẽ đã tạo nên lớp phủ thổ nhưỡng dày.

- Khí hậu nhiệt đới gió mùa và lượng mưa lớn khiến quá trình rửa trôi các chất badơ xảy ra mạnh đã hình thành các loại đất feralit.

- Quá trình feralit là quá trình hình thành đất đặc trưng ở nước ta, hình thành các loại đất feralit điển hình.

- Tính chất phân mùa làm tăng cường quá trình tích lũy ôxít sắt và nhôm và tạo thành các tầng kết von hoặc đá ong ở vùng trung du và miền núi.

- Lượng mưa lớn làm gia tăng hiện tượng xói mòn, rửa trôi vùng đồi núi, từ đó đất theo dòng chảy ra sông ngòi và hình thành đất phù sa.

Câu 5: Trình bày đặc điểm, phân bố và giá trị sử dụng của nhóm đất phù sa trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Trả lời:

* Phân bố:

- Diện tích: chiếm 24%

- Phân bố: các vùng đồng bằng.

* Đặc điểm:

- Có độ phì cao, rất giàu chất dinh dưỡng.

- Đất phù sa ở đồng bằng sông Hồng: ít chua, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng.

- Đất phù sa ở đồng bằng sông Cửu Long: có 3 loại: đất phù sa ngọt có độ phì cao, đất phèn và đất mặn.

- Đất phù sa ở dải đồng bằng ven biển miền Trung: đồ phì thấp hơn, nhiều cát, ít phù sa sông.

* Giá trị sử dụng:

- Trong nông nghiệp: trồng các loại

+ Cây lương thực: lúa, ngô,…

+ Cây công nghiệp hàng năm: dâu tằm, bông, đậu tương,…

+ Cây ăn quả.

- Trong thủy sản: có lợi thế phát triển ngành thủy sản:

+ Vùng đất phèn, đất mặn: đánh bắt thủy sản.

+ Rừng ngập mặn ven biển, các bãi triều ngập nước, cửa sông lớn: thuận lợi nuôi trồng nhiều loại thủy sản nước lợ và nước mặn: cá, tôm.

Câu 6: Thoái hóa đất ảnh hưởng như thế nào đến nông nghiệp nước ta? Nêu những biểu hiện của thoái hóa đất ở Việt Nam.

Trả lời:

- Ảnh hưởng: thoái hóa đất làm:

+ Độ phì của đất giảm và năng suất cây trồng bị ảnh hưởng.

+ Một số nơi đất bị thoái hóa nặng không thể sử dụng cho trồng trọt.

- Một số biểu hiện của thoái hóa đất ở Việt Nam:

+ Nhiều diện tích đất ở trung du và miền núi bị rửa trôi, xói mòn, bạc màu, khô cằn, nghèo dinh dưỡng.

+ Nguy cơ hoang mạc hóa ở duyên hải Nam Trung Bộ.

+ Đất ở vùng cửa sông, ven biển bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, ngập úng. Diện tích đất phèn, đất mặn có xu hướng ngày càng tăng.

Câu 7: Vì sao phải đặt vấn đề sử dụng và cải tạo đất ở Việt Nam?

Trả lời:

Phải đặt vấn đề sử dụng và cải tạo đất ở Việt Nam vì: Đất đai là tài nguyên quý giá. Việc sử dụng đất ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề chưa hợp lí. Tài nguyên đất bị giảm sút, có tới 50% diện tích đất tự nhiên có vấn đề cần phải cải tạo. Riêng đất trống, đồi trọc bị xói mòn mạnh đã tới trên 10 ha.

Câu 8: Cho bảng số liệu sau:

Bảng 1. Diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam giai đoạn 1943 – 2020

Năm

1943

1983

2020

Diện tích rừng tự nhiên (triệu ha)

14,3

6,8

10,3

  1. Hãy tính tỉ lệ (%) che phủ rừng so với diện tích đất liền (diện tích đất liền làm tròn là 33 triệu ha).

  2. Vẽ biểu đồ tỉ lệ che phủ rừng ở nước ta qua các năm trên.

  3. Nhận xét về xu hướng biến động của diện tích rừng nước ta và cho biết nguyên nhân.

Trả lời:

  1. Tính tỉ lệ che phủ rừng so với diện tích đất liền:

Năm

1943

1983

2020

Tỉ lệ diện tích rừng (%)

43,3

20,6

31,2

  1. Vẽ biểu đồ:

  2. Nhận xét:

- Thời kì 1943 – 1983:

+ Tỉ lệ diện tích rừng giảm từ 43,4% xuống còn 20,6%

+ Nguyên nhân: Do khai thác quá mức, chiến tranh, phá rừng lấy đất sản xuất và do cháy rừng.

- Thời kì 1983 – 2020:

+ Tỉ lệ diện tích rừng tăng từ 20,6% lên 31,2%.

+ Nguyên nhân: Do đẩy mạnh công tác trồng rừng, phủ xanh đồi trọc và quản lí rừng tốt hơn.

Câu 9: Chứng minh vấn đề chống thoái hóa đất là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Trả lời:

- Diện tích đất bị thoái hóa ở Việt Nam khoảng 10 triệu ha (chiếm khoáng 30% diện tích cả nước).

- Đất bị thoái hóa làm giảm độ phì nhiêu của đất khiến năng suất cây trồng bị ảnh hưởng và nhiều nơi không thể trồng trọt.

- Nhiều diện tích đất bị rửa trôi, xói mòn, bạc màu, hoang mạc hóa ảnh hưởng rất lớn đến trồng trọt và chăn nuôi ở nước ta. Từ đó, kinh tế và nguồn thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng.

- Nhiều đất ở cùng cửa sông, ven biển bị suy thoái do nhiễm mặn, nhiễm phèn, ngập úng khiến việc trồng trọt của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn hoặc phải chuyển đổi mô hình trồng trọt để thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng.

Câu 10: Theo em, là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em cần phải làm những gì để bảo vệ và phát huy hiệu quả tài nguyên đất ở nước ta?

Trả lời:

Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, để bảo vệ và phát huy hiệu quả tài nguyên đất ở nước ta, em cần:

- Tuyên truyền người dân sử dụng tài nguyên đất hợp lí.

- Trồng nhiều cây xanh để giảm tình trạng đất trồng, đồi trọc.

- Cải tạo đất hoang đồi trọc bằng các biện pháp trồng trọt kết hợp.

- Không lạm dụng chất hóa học, thuốc trừ sâu trong trong nghiệp.

Câu 11: Quan sát Hình 10.3. Bản đồ phân bố sinh vật Việt Nam và kể tên những loài động vật ở vùng Đông Bắc.

Trả lời:

Những loài động vật ở vùng Đông Bắc là: hươu, voọc, tôm, rùa, đồi mồi.

Câu 12: Quan sát Hình 10.3. Bản đồ phân bố sinh vật Việt Nam và kể tên một số khu dự trữ sinh quyển thế giới ở nước ta.

Trả lời:

Một số khu dự trữ sinh quyển thế giới ở nước ta là: Cù Lao Chàm, Mũi Cà Mau, Cát Bà, Đồng Nai, Cần Giờ, Núi Chúa, Kon Hà Nừng.

Câu 13: Quan sát Hình 10.3. Bản đồ phân bố sinh vật Việt Nam và cho biết hệ sinh thái chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là gì?

Trả lời:

Hệ sinh thái chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là: thảm thực vật nông nghiệp và rừng.

Câu 14: Nêu thực trạng về tính đa dạng sinh học ở nước ta hiện nay.

Trả lời:

* Thực trạng: đang bị suy giảm nghiêm trọng:

- Suy giảm về số lượng cá thể, loài sinh vật:

+ Số lượng các loại thực vật, động vật hoang dã suy giảm nghiêm trọng.

+ Một số loài thực vật, động vật có nguy cơ tuyệt chủng: các loài cây gỗ quý (đinh, lim, sến,…) và các loài động vật hoang dã quý hiếm (voi, hổ, bò tót, tê giác một sừng, sao la,…).

- Suy giảm hệ sinh thái:

+ Các hệ sinh thái rừng nguyên sinh bị phá hoại gần hết, chỉ còn rừng thứ sinh.

+ Các hệ sinh thái rừng ngập mặn, các hệ sinh thái biển cũng bị tàn phá bởi con người.

- Suy giảm nguồn gen: Việc suy giảm số lượng cá thể cộng với suy giảm số lượng loài đã làm suy giảm nguồn gen.

Câu 15: Sự đa dạng về thành phần loài, gen di truyền của sinh vật nước ta được biểu hiện như thế nào? Giải thích về sự đa dạng đó.

Trả lời:

* Biểu hiện:

- Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới.

- Việt Nam có hơn 50.000 loài được xác định và có nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

- Số lượng cá thể trong mỗi loài tương đối phong phú, tạo nên sự đa dạng về nguồn gen di truyền.

* Giải thích:

- Môi trường sống thuận lợi: nhiệt độ cao, ánh sáng dồi dào, mưa nhiều, tầng đất dày.

- Vị trí địa lí nước ta là nằm ở nơi đi qua của nhiều luồng sinh vật di cư tới như từ Trung Quốc, Hi-ma-lay-a, Ma-lai-xi-a, Ấn Độ,…

Câu 16: Nguyên nhân nào làm cho tài nguyên sinh vật của nước ta suy giảm?

Trả lời:

Nguyên nhân làm cho tài nguyên sinh vật của nước ta suy giảm là :

- Chiến tranh tàn phá.

- Khai thác quá mức cho phép.

- Khai thác bằng các phương tiện có tính chất huỷ diệt.

- Đốt rừng làm rẫy.

- Quản lý và bảo vệ kém.

- Ô nhiễm môi trường...

Câu 17: Giải thích vì sao nước ta có tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng?

Trả lời:

Nước ta có tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng vì:

- Vị trí nước ta nằm trên đường di lưu và di cư của các luồng sinh vật

- Thiên nhiên mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa với nhiệt, ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho sinh vật sinh trưởng và phát triển.

- Nước ta có lịch sử hình thành lãnh thổ lâu đời nên sinh vật cũng đa dạng theo.

- Do sự phân hóa của nhiều yếu tố: địa hình, khí hậu, đất đai,...

- Do tác động của con người: nhập các giống sinh vật mới từ bên ngoài vào.

Câu 18: Giải thích vì sao rừng ở Việt Nam rất đa dạng về kiểu hệ sinh thái?

Trả lời:

Nguyên nhân làm cho rừng ở Việt Nam rất đa dạng về kiểu hệ sinh thái là nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nhưng có sự phân hóa đa dạng theo chiều Bắc – Nam, Đông – Tây và theo độ cao với nhiều kiểu khí hậu khác nhau từ nhiệt đới, cận nhiệt đới tới xích đạo, từ gió mùa đến ôn đơn trên núi nên điều đó đã tạo ra sự đa dạng về hệ sinh thái.

Câu 19: Có ý kiến cho rằng “Tài nguyên rừng có giá trị to lớn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái”. Em có đồng ý không? Tại sao?

Trả lời: Em đồng ý với ý kiến trên vì:

- Trên vùng đồi núi, lớp phủ thực vật có tác dụng giữ đất, giảm xói mòn, giữ nước ngầm, điều hòa dòng chảy sông suối.

- Ở ven biển, rừng ngập mặn có tác dụng chắn sóng, giữ đất, chắn gió bão.

- Các khu rừng có tác dụng bảo tồn nguồn gen động vật hoang dã.

- Rừng là lá phổi xanh có tác dụng to lớn trong việc điều hòa khí hậu.

- Rừng là nơi sinh sống của các loài động, thực vật quý hiếm.

Câu 20: Theo em, là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em cần phải làm những gì để khôi phục và phát triển nguồn tài nguyên sinh vật ở nước ta?

Trả lời:

* Theo em, là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, để khôi phục và phát triển nguồn tài nguyên sinh vật ở nước ta em cần:

- Tuyên truyền cho mọi người trong xã hội có ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật, chấp hành tốt chính sách và luật bảo vệ tài nguyên.

- Không vứt rác, đồ nhựa xuống ao, hồ, sông, suối.

- Không xả rác bừa bãi.

- Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Tích cực trồng cây xanh, ngăn chặn chặt phá rừng làm mất môi trường sống của sinh vật.

- Tuyên truyền bảo vệ sinh vật quý hiếm và bảo tồn những giống loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận địa lí 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay