Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức bài 9: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Bộ câu hỏi tự luận  Ngữ văn 11 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 9: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học  Ngữ văn 11 kết nối tri thức

BÀI 9: LỰA CHỌN VÀ HÀNH ĐỘNG

VĂN BẢN 2: VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC
(12 câu)

  1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Trình bày những hiểu biết của em về tác giả Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.

Trả lời:

* Tác giả:

- Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) tự là Mạch Trạch, hiệu là Trọng Phủ, quê gốc ở Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế).

- Hơn 10 tuổi, ông được cha đưa ra Huế ăn học, năm 21 tuổi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định, năm 27 tuổi ông ra Huế chuẩn bị thi tiếp thì được tin mẹ mất. Trên đường về chịu tang mẹ, phần vì khóc thương, phần vì ốm nặng nên ông bị mù cả hai mắt. Con đường khoa cử lỡ dở, ông sống bằng nghề dạy học và bốc thuốc.

- Nguyễn Đình Chiểu là sự hội tụ của nhiều phẩm cách: một tinh thần yêu nước thương dân nhiệt thành, một tấm gương đạo đức hiếu nghĩa sáng ngời, một tài năng văn chương độc đáo, một nhà giáo tận tụy cống hiến…

- Ông có một sự nghiệp sáng tác đa dạng với nhiều thành tựu đỉnh cao, hầu như chỉ sáng tác bằng chữ Nôm, với dụng tâm hướng về quần chúng nhân dân, qua các chủ đề, đề tài gắn liền với đời sống xã hội, các giá trị truyền thống của dân tộc.

* Tác phẩm:

- “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là một trong những tác phẩm có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu và trong lịch sử văn học dân tộc.

- Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An. Trận Cần Giuộc là một trận đánh lớn của quân ta diễn ra đêm 14/ 12/ 1861, hơn 20 nghĩa quân đã hi sinh anh dũng). Theo yêu cầu của tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, Nguyễn Đình Chiêu viết bài văn tế này đọc trong lễ truy điệu các nghĩa sĩ. Bài văn là tiếng khóc từ đáy lòng của tác giả và là tiếng khóc lớn của nhân dân trước sự hi sinh của những người anh hùng.

 

 

Câu 2:  Người nghĩa sĩ có nguồn gốc xuất thân như thế nào?

Trả lời:

- Trước khi thành nghĩa quân đánh giặc, họ là những người nông dân nghèo khổ, những dân ấp, dân lân bỏ quê đi khai khẩn những vùng đất mới để kiếm sống. Từ nông dân nghèo cần cù lao động  “ cui cút làm ăn ” 

- Từ cui cút: mồ côi mồ cút không chỉ thể hiện hoàn cảnh sống cô đơn, thiếu người tựa nương, dựa dẫm mà còn thể hiện biết bao yêu thương của tác giả.

- Nguyễn Đình Chiểu nhấn mạnh việc quen (đồng ruộng) và chưa quen (chiến trận, quân sự) của những người nông dân Nam Bộ để tạo sự đối lập tầm vóc anh hùng trong đoạn sau.

 

Câu 3: Khi quân giặc xâm phạm bờ cõi, thái độ, hành động của người nông dân ra sao?

Trả lời:

- Khi Thực dân Pháp xâm lược người nông dân cảm thấy lo sợ → trông chờ → ghét → căm thù → đứng lên chống lại.

- Thái độ đó được diễn tả bằng những hình ảnh cường điệu mạnh mẽ mà chân thực (như nhà nông ghét cỏ muốn tới ăn gan, muốn ra cắn cổ)

- Nhận thức về tổ quốc: Không dung tha những kẻ thù lừa dối, bịp bợm. Do vậy, họ chiến đấu một cách tự nguyện (mến nghĩa… nào đợi ai đòi ai bắt….) -> Đây là sự chuyển hoá phi thường.

Câu 4: Tìm những chi tiết, hình ảnh khắc hoạ vẻ đẹp hào hùng khi xông trận của người nghĩa sĩ nông dân?

Trả lời:

* Điều kiện và khí thế chiến đấu:

 Điều kiện: thiếu thốn: Ngoài  cật = Một manh áo vải; Trong tay = Một ngọn tầm vông, một luỡi dao phay, nồi rơm con cúi

 Khí thế: Tác giả sử dụng những động từ chỉ hành động mạnh mẽ với mật độ cao nhịp độ khẩn trương sôi nổi : “ đạp rào, lướt, xông vào” đặc biệt là những động từ chỉ hành động dứt khoát “ đốt xong, chém rớt đầu” -> làm tăng thêm sự quyết liệt của trận đánh, hàng loạt các động từ mạnh được sử dụng: gợi ra khí thế tấn công như thác đổ.

Hiệu quả: đốt nhà thờ, chém rớt đầu quan hai. Nghệ thuật tả thực kết hợp với trữ tình, phép tượng phản, giàu nhịp điệu, tác giả đã dựng nên tượng đài nghệ thuật về người nông dân - nghĩa sĩ: bình dị mà phi thường

 -> Nguyễn Đình Chiểu đã tạc một tượng đài nghệ thuật sừng sững về người nông dân nghĩa sĩ đánh giặc cứu nước.

2. THÔNG HIỂU (3 câu)

Câu 1: Câu “ súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ” đã khái quát đầy đủ hai mặt biến cố chính trị lớn lao của thế kỉ XIX như thế nào? Câu đầu tiên tạo ra sự đối lập nào? Phân tích ý nghĩa khái quát của các đối lập ấy.

Trả lời:

* Câu “ súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ” đã khái quát đầy đủ hai mặt biến cố chính trị lớn lao của thế kỉ XIX:

  • “ Súng giặc đất rền “ → giặc xâm lược bằng vũ khí tối tân
  •  “ Lòng dân trời tỏ” → ta đánh giặc bằng tấm lòng yêu quê hương đất nước.
  •  NT đối lập nhằm thể hiện khung cảnh bão táp của thời đại, những biến cố chính trị lớn lao. Tuy thất bại những người nghĩa sĩ hi sinh nhưng tiếng thơm còn lưu truyền mãi.

* Câu đầu tiên tạo ra các sự đối lập:

  • Đối lập bằng - trắc: TTTB-BBBT
  • Đối lập từ loại:DDDĐ-DDDĐ.
  • Đối lập ý nghĩa: súng - lòng; giặc - dân - trời; rền - tỏ.

* Ý nghĩa: Từ những đối lập, gay gắt, quyết liệt ấy, tác giả muốn biểu hiện: Khung cảnh bão táp của thời đại, xã hội Việt Nam đầu những năm 60 thế kỉ XIX. Biến cố chính lớn lao, trọng đại chi phối toàn bộ thời cuộc là cuộc đụng độ giữa thế lực xâm lược của thực dân Pháp (súng giặc) và ý chí bất khuất bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam (lòng dân).

 

Câu 2: Tác giả đề cao một quan niệm sống cao đẹp là gì?

Trả lời:

Tác giả đề cao quan niệm : "Chết vinh còn hơn sống nhục". Nêu cao tinh thần chiến đấu, xả thân vì nghĩa lớn của nghĩa quân. Họ ra trận không cần công danh bổng lộc mà chỉ vì một điều rất giản đơn là yêu nước. Đây là cái tang chung của mọi người, của cả thời đại, là khúc bi tráng về người anh hùng thất thế. Qua đó khẳng định sự bất tử của những người nghĩa sĩ.

 

Câu 3: Tiếng khóc của tác giả xuất phát từ nhiều nguồn cảm xúc? Theo em đó là nguồn cảm xúc gì?

Trả lời:

- Tiếng khóc xót thương cho người đã mất: Nghĩa sĩ, nhân dân. Đó là tiếng khóc của tác giả, của gia đình thân quyến, của nhân dân Nam Bộ và cả nước. Nguyễn Đình Chiểu đã nhân danh vận nước, nhân danh lịch sử mà khóc những người dân anh hùng xả thân cho Tổ quốc. Đấy là tiếng khóc có tầm vóc sử thi, tầm vóc thời đại.

- Khóc cho người còn sống: Mẹ già, vợ yếu con thơ. Giờ đây những người mẹ già đêm đến khóc con những người vợ yếu chạy đi tìm. Câu văn này cũng cho ta thấy được sự đồng cảm sâu sắc của nhà thơ đối với các gia đình liệt sĩ

- Khóc cho quê hương, đất nước. Nhiều niềm cảm thương cộng lại thành nỗi đau sâu nặng, không chỉ ở trong lòng người mà dường như còn bao trùm khắp cỏ cây, sông núi, tất cả đều nhuốm màu tang tóc, bi thương

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1:  Em hiểu như thế nào về thể loại văn tế ? (mục đích, nội dung, hình thức).

Trả lời:

Văn tế là loại văn gắn với phong tục tang lễ, nhằm bày tỏ lòng tiếc thương đối với người đã mất. Bài văn tế thường có 2 nội dung cơ bản : kể lại cuộc đời, công đức, phẩm hạnh của người đã khuất và bày tỏ nỗi đau thương của người còn sống trong giờ phút vĩnh biệt. Âm hưởng chung của bài văn tế là bi thương, nhưng sắc thái ở mỗi bài có thể khác nhau. Văn tế có thể viết theo nhiều thể : văn xuôi, thơ lục bát, song thất lục bát, phú...Bố cục bài văn tế thường gồm 4 đoạn với các tên gọi : lung khởi, thích thực, ai vãn và kết. Giọng điệu chung của bài văn tế là lâm li, bi thiết, sử dụng nhiều thán từ và những từ ngữ, hình ảnh có giá trị biểu cảm mạnh.

Câu 2: Hãy chứng minh “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là tiếng khóc mang tầm vóc sử thi.

Trả lời:

Tác phẩm không chỉ thể hiện sự bi tráng của dân tộc, mà qua đó nó thể hiện những anh dũng, kiên cường, bất khuất của cả dân tộc, khi mất mát đi những tài sản to lớn đó là tính mạng của những nghĩa sĩ anh dũng.

Tiếng khóc trong tác phẩm, thể hiện sâu sắc qua những giọt nước mắt của dân tộc Việt Nam, trước sự hy sinh của toàn thể những chiến sĩ anh dũng vì độc lập tự do của dân tộc, những người chiến sĩ, kiên cường, bất khuất, luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc, chiến đấu kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, gian nan để nắm chắc tay súng để bảo vệ đất nước.

 

Câu 3: Vì sao những tiếng khóc trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” tuy đau thương nhưng lại không hề bi lụy?

Trả lời:

Tiếng khóc trong bài tuy đau thương vô hạn nhưng không bi lụy, vì trong nỗi đau vẫn có niềm cảm phục và tự hào đối với người nghĩa sĩ. Đó là những người dân bình thường đã dám đứng lên bảo vệ từng tấc đất ngọn rau, bát cơm manh áo của mình chống lại kẻ thù hung hãn, lây cái chất để làm rạng ngời một chân lí cao đẹp của thời đại - thà chết vinh còn hơn sống nhục.

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 11: Bài học rút ra từ cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu?

Trả lời:

- Bài học về nghị lực, bản lĩnh sống vượt lên bi kịch cá nhân, tinh thần bất khuất trước kẻ thù. Ông luôn dùng văn chương để có thể đánh giặc và ngôn từ cảu ông như một thứ vũ khí sắc bén.

- Bài học lớn về lòng yêu nước sắt son, tấm lòng yêu nước thương dân sâu nặng: "Nguyễn Đình Chiểu là một trong những người có chính nghĩa cảm trọn vẹn, con người đó sinh ra dường như chỉ để đón nhận những gì chính nghĩa, không một chút máy may phi nghĩa nào có thể lọt vào tâm hồn"

- Bài học về đạo lí truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng chính là một nhân cách của một kẻ sĩ - hào khí Đồng Nai, nét đẹp văn hoá của con người Nam Bộ. 

 

Câu 12: Ngoài tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, hãy kể tên tác phẩm khác của Nguyễn Đình Chiểu và nêu những đặc sắc về nội dung cùng sức ảnh hưởng của nó của nó.

Trả lời:

Ngoài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, truyện thơ Nôm “Lục Vân Tiên” được đánh giá là một “viên ngọc sáng của văn hóa nhân loại”.

* Đặc sắc nội dung:

Với “Lục Vân Tiên” thì ngay chính tác giả của nó đã rất ý thức coi đó là một “liên văn hóa”. Đây là mấy câu mở đầu: “Trước đèn xem truyện Tây Minh/ Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le/ Hỡi ai lẳng lặng mà nghe/ Dữ răn việc trước, lành dè thân sau”. Nhưng trên thực tế là không hề có “truyện Tây Minh” nào cả. Điều này đã được cả hai giới học giả Việt - Trung xác nhận. Như vậy Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tạo truyện trên cơ sở một thói quen tiếp biến văn hóa của phương Đông, nhất là giao lưu văn hóa Việt - Trung, mà “Truyện Kiều” là một kết tinh tiêu biểu. Cơ bản nhất là nội dung truyện với một thế giới nhân vật sống động rất tiêu biểu cho quan niệm phương Đông về nhân nghĩa, chính tà, về tinh thần nghĩa hiệp xả thân cứu người...

Như một ngọn lửa đặt dưới thấu kính văn hóa hội tụ ba luồng ánh sáng của ba triết học Nho, Phật, Lão, “Lục Vân Tiên” càng bừng cháy những ánh sáng nhân văn cao cả. Đó là một thuyết minh bằng nghệ thuật sinh động cho các phạm trù “trung”, “hiếu”, “tiết”, “hạnh”. Chính tác giả đã “tuyên ngôn”: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Vân Tiên là đỉnh cao của trung hiếu. Chàng đánh cướp cứu Nguyệt Nga mà không cần đòi ân huệ. “Tiểu đồng” tưởng Vân Tiên chết thật bèn làm chòi ở mả chủ mà thờ. Nguyệt Nga là kết tinh của tiết hạnh.

* Ảnh hưởng:

Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là tác phẩm được đặc biệt yêu thích ở Nam Bộ. Tác phẩm này đi vào tục ngữ, ca dao dân ca, trở thành một loại hình diễn xướng đặc biệt “Nói thơ Vân Tiên”. Từ đó đã được tái sinh trong nhiều loại hình văn nghệ khác: Thơ hậu Vân Tiên, Thơ nhại Vân Tiên, tranh Vân Tiên, vọng cổ, cải lương, tuồng, điện ảnh… tạo thành một “trường văn hóa” Lục Vân Tiên.

 Lục Vân Tiên là một trong không nhiều tác phẩm mà các nhân vật của nó được lưu truyền trong văn học dân gian. Trong Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc đời (Ty Văn hóa và Thông tin Bến Tre xuất bản, 1982) các nhà nghiên cứu đã thu thập được gần 100 câu có nhắc đến tác phẩm hoặc nhân vật trong Lục Vân Tiên.

Hiện nay còn một số tranh khắc gỗ về Lục Vân Tiên lưu truyền ở miền Bắc theo phong cách tranh Đông Hồ như tranh Vân Tiên - Tiểu đồng tái ngộ, Vân Tiên - Nguyệt Nga đoàn viên.

Ở Huế thì có bản truyện tranh màu Vân Tiên cổ tích truyện do Lê Đức Trạch, một họa sĩ của triều đình Huế thực hiện trong khoảng thời gian 1895 -1897 dựa trên bản dịch tiếng Pháp của Abel de Michel năm 1883.

Lục Vân Tiên sau này còn được chuyển thể thành phim cổ trang do Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) sản xuất, dài 14 tập (mỗi tập 60 phút), do bộ ba đạo diễn Đỗ Phú Hải - Nguyễn Phương Điền - Lê Bảo Trung thực hiện.

Lục Vân Tiên được xuất bản từ sớm với số lượng rất lớn, được đưa vào sách giáo khoa liên tục trong nhiều thời gian khác nhau, được dịch thuật xuất bản ở nước ngoài và nghiên cứu phê bình rất lâu dài. Đây là vấn đề lớn, là đề tài của bài viết khác.

=> Có thể nói ngoài Truyện Kiều của Nguyễn Du ra, không có tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam nào được yêu thích, truyền tụng, được phóng tác, chuyển thể rộng rãi, tạo thành một “trường văn hóa” như Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Điều ấy cho thấy sức sống mạnh mẽ của tác phẩm trong lòng người hâm mộ.

 

=> Giáo án Ngữ văn 11 kết nối Bài 9 Đọc 2: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc Nguyễn Đình Chiểu

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay