Câu hỏi tự luận Ngữ văn 7 kết nối Ôn tập Bài 7: Thế giới viễn tưởng (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 7: Thế giới viễn tưởng. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 7 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 7

THẾ GIỚI VIỄN TƯỞNG

Câu 1: Tác phẩm Dấu ấn Hồ Khanh thuộc thể loại gì?

Trả lời:

Dấu ấn Hồ Khanh thuộc thể loại thuyết minh – báo chí

Câu 2: Em hãy tóm tắt văn bản Dấu ấn Hồ Khanh bằng một đoạn văn ngắn.

Trả lời:

Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được ví như vương quốc của hệ thống hang động mà nổi bật ở đó là hang Sơn Đoòng. Người có công đầu trong việc phát hiện ra hang Sơn Đoòng là Hồ Khanh. Hồ Khanh xuất thân là thợ sơn tràng chuyên nghiệp. Sau một lần trú mưa trong rừng, Hồ Khanh tình cờ phát hiện ra hang Sơn Đoòng. Sự phát hiện làm thay đổi cả cuộc đời của một người thợ sơn tràng. Trong bộn về cơm áo gạo tiền, chuyện cái hang bị tạm quên. Nhưng nhờ vào duyên và tài năng của mình mà Hồ Khanh liên tục được người dân trong làng giới thiệu cho những nhà khoa học để nghiên cứu hang động. Dần dần tên anh trở nên nổi tiếng với giới nghiên cứu. Từ 1999 đến 20004 anh đã dẫn nhiều đoàn cán bộ khoa học từ nhiều quốc gia khác nhau. Nhờ vào sự nhiệt tình, chu đáo của mình anh lấy được tình cảm của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh. Năm 2009 anh dẫn đoàn thám hiểm của Hoàng gia anh đến Sơn Đoòng và sau đó được công nhận là hang động cao và rộng nhất thế giới. Bằng tất cả niềm say mê và tinh thần trách nhiệm cao, Hồ Khanh trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy cho các nhà khoa học trên toàn thế giới.

Câu 3: Chi tiết nào cho thấy Hồ Khanh có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình vì công việc.

Trả lời:

Người có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình vì công việc

+ Nhờ vào sự thông thuộc địa hình, nhạy bén nên Hồ Khanh có cơ duyên được làm việc cùng các nhà khoa học.

+ Lấy được cảm tình từ Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh nhờ vào sự nhiệt tình, chu đáo và cả sự đam mê với việc khám phá hang động của anh.

+ Anh luôn đồng hành, trở thành người dẫn đường chuyên nghiệp cho các đoàn làm phim, các nhà khoa học trên toàn thế giới làm nên giá trị độc đáo của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Câu 4: Em hãy nêu một vài nét về tác giả Hà Thủy Nguyên.

Trả lời:

- Hà Thuỷ Nguyên sinh năm 1986 tại Hà Nội.

- Cô là một trong những nữ tác giả tiểu thuyết nổi tiếng và trẻ tuổi tại Việt Nam.

- Một số tác phẩm đã xuất bản: Điệu nhạc trần gian (2004), Bên kia cánh cửa (2005), Thiên Mã (2010),...

Câu 5: Em hãy tóm tắt văn bản Đường vào trung tâm vũ trụ bằng một đoạn văn ngắn.

Trả lời:

Có một nhóm bạn trẻ cùng nhân vật Thần Thoại là một con ngựa có cánh đi tới đền thờ để tìm hòn đá thần kỳ có tên là Ôm – phê – lốt. Những hòn đá trong đền thờ là hòn đá giả nên cả nhóm quyết định tối sẽ quay trở lại nơi này. Đến khi trời tối mịt cả nhóm quay trở lại truy tìm “trung tâm của vũ trụ” theo chỉ dẫn của bản đồ. Con Thần Thoại đột nhập đến, những cột đá hoa cương ánh lên sắc sáng bạch như những ngọn nến trắng khổng lồ. Đang đi, Thần Đồng bị ngã dúi dụi vào một cái hố vô duyên nằm giữa lối đi. Một cái hố toàn sỏi cát, đá khô và lá vụn nhưng dưới lớp rác đó là một rãnh tròn nhỏ giống như một động cơ cổ. Với hòn đá Ôm – phê – lốt cả nhóm đã được đưa tới một không gian kì lạ lọt thỏm dưới những núi đá cao vời vợi, không có mây, không có mặt trời, cũng chẳng có sao. Hòn đá Ôm – phê – lốt tạo ra bước nhảy không gian đưa cả nhóm tới cái rốn của vũ trụ. Nơi đó có những cây nấm khổng lồ cao hơn hai mét xen giữa những gốc dương xỉ cao ngất, rậm rạp, con chuồn chuồn khổng lồ đang bay qua với sải cánh rộng như của loài đại bàng, đập nhanh như cánh quạt. Cả nhóm hồi hộp tiếp tục khám phá những điều kỳ bí tại khu rừng cổ sinh.

Câu 6: Em hãy nêu giá trị nghệ thuật của tác phẩm Đường vào trung tâm vũ trụ

Trả lời:

- Lời văn phong phú, có nhiều hình ảnh sáng tạo mới lạ.

- Lối miêu tả chi tiết, sinh động, mới lạ, cuốn hút người đọc.

- Sử dụng triệt để biện pháp nhân hóa để xây dựng nhân vật hấp dẫn.

Câu 7: Có những nhân vật nào xuất hiện trong câu chuyện Đường vào trung tâm vũ trụ?

Trả lời:

Có 3 nhân vật xuất hiện trong truyện

+ Nhân vật tôi

+Thần Đồng

+ Thần Thoại là con thiên mã, được lai tạo từ gen của Thần Đồng (là nhân vật duy nhất có tên riêng với Thần Đồng)

Câu 8: Tác phẩm được chia làm mấy phần và nội dung chính mỗi phần là gì?

Trả lời:

Đường vào trung tâm vũ trụ có bố cục gồm 3 phần:

Phần 1: Từ đầu đến “Thần Đồng bặm môi suy tính”: cuộc ghé thăm bảo tàng

Phần 2: Tiếp theo đến “không gian trung tâm của vũ trụ”: bước nhảy không gian tới cái rốn của vũ trụ

Phần 3: Còn lại: không gian kì diệu của khu rừng cổ sinh

Câu 9: Liên kết trong văn bản là gì?

Trả lời:

- Liên kết là sự thể hiện mối quan hệ về nội dung giữa các câu, các đoạn, các phần của văn bản phương tiện ngôn ngữ thích hợp.

Câu 10: Hãy sắp xếp các ý sau đây để tạo được một văn bản có bố cục rõ ràng :

  1. Đà Lạt còn thật đáng yêu với đủ loại hoa có sắc màu và kiểu dáng khác nhau.

  2. Dời chân đi nhưng tôi biết chắc mình sẽ trở lại Đà Lạt vào một ngày không xa.

  3. Con người nơi đây thân thiện và mến khách vô cùng.

  4. Tôi ngây ngất trước sắc xanh sâu thẳm của màu thông trên suốt dọc đường vào trung tâm thành phố.

  5. Kỳ nghỉ hè này tôi đến với Đà Lạt.

  6. Đà Lạt là thành phố dễ làm người ta yêu mến ngay từ lần đầu tiên đặt chân tới đây.

  7. Thành phố bắt đầu với những rừng thông bạt ngàn .

  8. Nhiều loại hoa tôi mới nhìn thấy lần đầu và không khỏi ngạc nhiên vì sắc đẹp của chúng.

Trả lời:

5-6-7-4-1-8-3-2

Câu 11: Xác định tính mạch lạc trong truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường.

Trả lời:

- Nội dung của truyện: Các câu văn trong văn bản đều kể về việc người thợ mộc dốc hết vốn liếng để đẽo cày.

- Hình thức của truyện:

Các câu được kể theo một trình tự thời gian (Từ lúc bắt đầu làm nghề đẽo cày, những lần nghe theo lời người khác, vốn liếng đi đời nhà ma)

Sử dụng các phép liên kết (Phép thế: người thợ mộc - anh ta, phép lặp: đẽo cày….)

Câu 12: Xác định tính liên kết trong các trường hợp sau:

  1. Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng Sơn Tinh vẫn vững vàng mà sức Thủy Tinh đã kiệt. Thân Nước đành rút quân.

Từ đó oán nặng thù sâu, hằng năm Thủy Tinh làm mưa làm gió, bão lụt dâng nước đánh Sơn Tinh.

(Theo Sơn Tinh, Thủy Tinh)

  1. Gần cuối bữa ăn, Nguyên bảo tôi:

- Chị ơi, em… em - Nó bỏ lửng không nói tiếp. Tôi bỏ bát bún đang ăn dở nhìn nó khó hiểu. Thảo nào trong lúc nói chuyện, tôi có cảm giác như nó định nói chuyện gì đó nhưng còn ngại ngần.

- Chị tính xem em nên đi học hay đi bộ đội? - Nó nhìn tôi không chớp mắt.

(Theo Thùy Linh, Mặt trời bé con của tôi)

Trả lời:

a.

- Nội dung: Các câu văn kể về kết quả của sự việc Thủy Tinh đánh Sơn Tinh.

- Hình thức:

Phép thế: Thần Nước - Thủy Tinh

Phép nối: Từ đó

b.

- Nội dung: Các câu văn đều xoay quanh cuộc trò chuyện của nhân vật tôi và Nguyên.

- Hình thức: Phép thế: Nguyên - nó.

Câu 13: Em hãy viết một đoạn văn có tính mạch lạc (chủ đề tự chọn).

Trả lời:

Trong gia đình em, mẹ là người mà em yêu quý nhất. Năm nay mẹ đã ngoài ba mươi tuổi rồi nhưng mẹ còn trẻ lắm. Dáng người nhỏ nhắn. Khuôn mặt trái xoan, rạng rỡ. Mái tóc đen mượt lúc nào cũng được chải gọn gàng. Đôi mắt đen nhánh nhìn em thật hiền từ và đấy trìu mến.Thường ngày mẹ dậy thật sớm để dọn dẹp và chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Mẹ nấu ăn rất ngon, em thích nhất món canh bí tôm của mẹ nấu. Tối đến, mẹ thường dạy em học bài, bài nào em chưa hiểu,mẹ giảng cho em ngay. Rồi mẹ đưa em vào giấc ngủ với những câu chuyện thần tiên mà mẹ kể, chắp cánh những ước mơ cho em. Em rất yêu mẹ và cố gắng hái được nhiều bông hoa điểm mười để tặng mẹ.

Câu 14: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc văn bản "Cuộc chạm trán trên đại dương" có sử dụng phương thức liên kết. Gạch chân chỉ rõ (12-15 câu)

Trả lời:

Đọc xong văn bản "Cuộc chạm trán trên đại dương", em rất ấn tượng với đam mê khám phá của những nhà khoa học. Câu chuyện xoay quanh cảm nhận của nhân vật "tôi" về tàu ngầm - được coi là hiện tượng tự nhiên kỳ lạ. Từ đó họ khám phá ra một sự thật bất ngờ những hiện tượng kỳ lạ họ tìm kiếm câu trả lời bấy lâu đều là sản phẩm của con người. Văn bản còn hấp dẫn người đọc bởi tính chặt chẽ, mạch lạc. Câu văn đều được sắp xếp hợp lý hướng đến làm rõ chủ đề. Theo cá nhân em, đây là 1 văn bản đáng để tìm đọc và cảm nhận nó.

Phép liên kết: Phép thế: Văn bản - Câu truyện; Nhà khoa học - Họ

Câu 15: Liệt kê những câu văn thể hiện tư duy lô-gic đặc trưng của truyện khoa học viễn tưởng trong đoạn kể lại những phán đoán của nhân vật giáo sư Pi-e A-rôn-nác

Trả lời:

Những câu văn thể hiện tư duy logic theo đặc trưng của truyện khoa học viễn tưởng:

- Khả năng suy nghĩ của tôi bỗng trở lại ngay, trí nhớ được hồi phục

- Nếu vậy thì tôi phải xếp quái vật này vào loại bò sát như rùa hay cá sấu.

- Cái mà người ta vẫn tưởng là động vật, là quái vật, là hiện tượng kỳ lạ của thiên nhiên, cái đã làm cho cả thế giới bác học bế tắc đã kích động óc tưởng tượng của các thủy thủ…

Câu 16: Hình ảnh chiếc tàu ngầm thông qua quan sát ban đầu của nhân vật như thế nào?

Trả lời:

- Hình ảnh:

+ Thân rắn như đá, không mềm như da cá voi.

+ Lưng đen bóng, nhẵn thín không có vảy.

+ Được ghép lại bằng thép lá.

+ Chân vịt bắt đầu quay.

Câu 17: Em hãy nêu xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm Cuộc chạm trán trên đại dương

Trả lời:

Cuốn tiểu thuyết được xuất bản lần đầu tiên từ tháng 3 năm 1869 đến tháng 6 năm 1870 trong tạp chí định kỳ Magasin de l'Éducation et de Récréation của Pierre-Jules Hetzel.

Câu 18: Trong khổ thơ sau, từ lầu được dùng với ý nghĩa gì? Dấu ngoặc kép trong trường hợp này được dùng làm gì?

Có bạn tắc kè hoa

Xây "lầu" trên cây đa

Rét, chơi trò đi trốn

Đợi ấm trời mới ra.

Phạm Đình

Trả lời:

Trong khổ thơ trên từ “lầu” được tác giả sử dụng để chỉ cái tổ nhỏ của con tắc kè trên cây. Gọi cái tổ nhỏ của tắc kè là “lầu”, tác giả nhằm đề cao giá trị của cái tổ ấy. Dấu ngoặc kép được dùng trong trường hợp này chính là để đánh dấu từ “lầu” được dùng với ý nghĩa đặc biệt như vừa nói.

Câu 19: Những từ ngữ và câu đặt trong dấu ngoặc kép dưới đây là lời của ai? Nêu tác dụng của dấu ngoặc kép:

Bác tự cho mình là "người lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận", là "đầy tớ trung thành của nhân dân", ở Bác, lòng yêu mến nhân dân đã trở thành một sự say mê mãnh liệt. Bác nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành."

Trả lời:

Những từ ngữ và câu đặt trong dấu ngoặc kép trên đây là lời của Bác Hồ.

Dấu ngoặc kép dùng để đánh dấu chỗ trích dẫn trực tiếp lời nói của nhân vật.

Đó có thể là:

- Một từ hay cụm từ: “người lính vâng lệnh quốc dân ra trận”, “đầy tớ trung thành của nhân dân”.

- Một câu, một đoạn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.”

Câu 20: Viết đoạn văn sử dụng dấu ngoặc kép.

Trả lời:

Chiếc nón là hình ảnh gắn bó quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh áo dài, nón lá được xem là "linh hồn" của người phụ nữ Việt, là vật bất ly thân của họ trong xã hội xưa. Chiếc nón lá, giản dị và mộc mạc, che mưa che nắng cho người con gái trong lúc làm đồng áng, cũng làm tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng đằm thắm của họ. Ở nước ta, mỗi địa phương đều có một chiếc nón đặc trưng: nón ngựa hay nón Gò Găng (Bình Định), nón quai thao (miền Bắc Việt Nam), nón bài thơ (Huế). Ngày nay, bên cạnh các loại đồ dùng khác đa dạng và tiện dụng hơn, nón lá vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống và tinh thần con người Việt.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay