Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo Bài 3 văn bản 2: Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 3 văn bản 2: Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo

BÀI 3: SỰ SỐNG THIÊNG LIÊNG (VĂN BẢN NGHỊ LUẬN)

VĂN BẢN 2: THIÊN NHIÊN VÀ HỒN NGƯỜI LÚC SANG THU

 

I. NHẬN BIẾT (06 câu)

Câu 1: Văn bản Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu là loại văn bản nào?

Trả lời:

Văn bản “Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu” là văn bản nghị luận.

Câu 2: Xác định hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng của văn bản.

Trả lời:

Hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng của văn bản:

- Mùa thu đến với anh khá đột ngột, bất ngờ, không báo trước.

+ Bắt đầu là hương ổi thơm náo nức

+ Gió se mang hương ổi lan tỏa khắp không gian

+ Sương chùng chình qua ngõ

+ Cảm giác ngờ ngợ, không tin mùa thu đã về của tác giả.

- Cảm giác thực về mùa thu: thiên nhiên được quan sát ở không gian rộng hơn

+ Dòng sông khác với những ngày mưa lũ mùa hạ

+ Chim bắt đầu vội vã

+ Đám mây “vắt nửa mình sang thu”

- Cái gốc trong khổ thơ thứ 3

+ Cảm nhận mùa thu bằng những chiêm nghiệm, suy ngẫm

+ Sự khác lạ trong những hình ảnh “nắng, mưa, sấm, chớp”

- Cảm nhận, suy nghĩ của tác giả Vũ Nho về bài thơ

+ Khái quát vẻ đẹp thiên nhiên và hồn người lúc sang thu

+ Ý nghĩa, giá trị của nhan đề “Sang thu”

Câu 3: Theo tác giả, dấu hiệu đầu tiên của mùa thu trong Sang thu của Hữu Thỉnh có gì đặc biệt?

Trả lời:

Dấu hiệu đầu tiên của mùa thu trong bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh không phải những nét đặc trưng của trời mây hay sắc vàng hoa cúc như trong thơ cổ điển mà là “hương ổi thơm náo nức”.

Câu 4: Khi phân tích, bình luận về cái hay, cái đẹp của khổ 2 bài thơ Sang thu, tác giả Vũ Nho đã trình bày những lí lẽ, bằng chứng nào?

Trả lời:

Khi phân tích, bình luận về cái hay, cái đẹp của khổ 2 bài thơ Sang thu, tác giả Vũ Nho đã trình bày những lí lẽ, bằng chứng:

- Thiên nhiên được quan sát ở một không gian rộng lớn hơn, nhiều tầng bậc hơn. Bức tranh thu từ những gì vô hình, từ ngõ hẹp chuyển sang những nét hữu hình, cụ thể với một không gian vừa dài rộng vừa cao vời.

+ Dòng sông không cuồn cuộn, dữ dội và gấp gáp như trong những ngày mưa lũ mùa hạ: “Sông được lúc dềnh dàng”

+ “Chim bắt đầu vội vã”: những đàn chim chuẩn bị cho chuyến bay tránh rét.

+ Đám mây mùa hạ thảnh thơi, duyên dáng “vắt nửa mình sang thu”.

Câu 5: Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu hiện lên như thế nào trong bài thơ Sang thu – Hữu Thỉnh?

Trả lời:

- Thiên nhiên: lắng lại, chừng mực, đúng mức.

- Con người: một mặt sâu sắc thêm, chín chắn thêm, thâm trầm, điềm đạm thêm, mặt khác lại khẩn trương thêm, vội vã thêm.

Câu 6: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu.

Trả lời:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

 

II. THÔNG HIỂU (05 câu)

Câu 1: Ở khổ thơ đầu tiên của bài thơ Sang thu, nhà thơ Hữu Thỉnh đã sử dụng những giác quan nào để cảm nhận những dấu hiệu của mùa thu? Điều đó được thể hiện ở hình ảnh nào?

Trả lời:

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã sử dụng nhiều giác quan để cảm nhận những dấu hiệu của mùa thu:

- Khứu giác: hương ổi “phả” vào trong gió se, lan tỏa khắp không gian.

- Thị giác: “sương chùng chình qua ngõ”

- Xúc giác: hơi gió se đặc trưng của mùa thu.

Câu 2: Cho biết câu chủ đề của đoạn văn sau là câu nào?

Trong khổ thơ này, mùa thu được cảm nhận bằng đoán nhận, bằng kinh nghiệm, bằng sự suy ngẫm chứ không phải bằng cảm nhận trực tiếp như hai khổ thơ trước. Mùa thu không được quan sát từ gần ra xa, từ thấp lên cao mà mùa thu đang từ từ thu vào trong tâm tưởng, đang lắng lại trong suy tư:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Trả lời:

Câu chủ đề: Trong khổ thơ này, mùa thu được cảm nhận bằng đoán nhận, bằng kinh nghiệm, bằng sự suy ngẫm chứ không phải bằng cảm nhận trực tiếp như hai khổ thơ trước.

Câu 3: Em hiểu thế nào về đoạn văn sau?

Hai khổ thơ trên rất đẹp về mặt tạo hình, rất tinh trong cảm nhận, như hai cành biếc của một cây thơ lạ. Nhưng khổ thơ thứ ba là cái gốc của cây thơ đó, là nơi cho hai nhánh thơ trên tựa vào để khoe sắc, tỏa hương. Khổ thơ thứ ba đem đến cho bài thơ một vẻ đẹp mới, làm trọn vẹn thêm cái ý “sang thu” của hồn người chưa thật rõ ở hai khổ thơ trên.

Trả lời:

Theo cảm nhận của tác giả, khổ thơ thứ ba là cái hồn, cái gốc rễ của bài thơ để làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên lúc sang thu. Và khổ thơ thứ ba là khổ thơ hoàn chỉnh ý nghĩa của bài thơ, thể hiện cái hồn người lúc sang thu.

Câu 4: Xác định phép liên kết trong đoạn văn sau.

(1) Mùa thu đến với anh khá đột ngột và bất ngờ, không hẹn trước. (2) Bắt đầu không phải là những nét đặc trưng của trời mây hay sắc vàng hoa cúc như trong thơ cổ điển. (3) Bắt đầu là hương ổi thơm náo nức. (4) Một chữ “phả” kia đủ gợi hương thơm như sánh lại. (5) Nó sánh bởi vì hương đậm một phần, sánh còn bởi tại gió se. (6) Hương thơm luồn vào trong gió được tinh lọc, được cô đặc thêm. (7) Gió mùa thu hào phóng đem chia hương mùa thu - bấy giờ là hương ổi chín - tới khắp nơi trong vũ trụ. (8) Tại một vùng quê nhỏ, trong một giây phút nào đó, người viết chợt bắt gặp hương thu và bỗng sừng sờ.

Trả lời:

- Phép lặp:

+ Từ “sánh” ở câu 4, 5.

+ Từ “hương thơm” ở câu 3, 4, 6.

- Phép thế:

+ “Nó” ở câu 5 thay thế cho “hương thơm” ở câu 4

+ “Hương mùa thu”, “hương ổi chín” ở câu 7 thay thế cho “hương thơm” ở câu 6

+ “Hương thu” ở câu 8 thay thế cho “hương mùa thu” ở câu 7.

Câu 5: Em có đồng ý với nhận định “Nhan đề Sang thu vừa bao trùm lại vừa thấm vào từng từ ngữ, cảnh vật” không? Vì sao?

Trả lời:

Đồng ý, vì:

- Nhan đề “Sang thu” bao quát chủ đề, nội dung của bài thơ là vẻ đẹp thiên nhiên, con người vào thời điểm giao mùa từ hạ sang thu.

- Nhan đề “Sang thu” được làm rõ ở từng câu thơ, khổ thơ, từ những hình ảnh đặc trưng của mùa thu cho đến những suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời của con người.

 

III. VẬN DỤNG (02 câu)

Câu 1: Sưu tầm những bài thơ khác viết về mùa thu.

Trả lời:

- Bài thơ “Tiếng thu” – Lưu Trọng Lư

Em không nghe mùa thu

dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

hình ảnh kẻ chinh phu

trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu.

lá thu kêu xào xạc,

con nai vàng ngơ ngác

đạp trên lá vàng khô?

- Bài thơ “Đây mùa thu tới” – Xuân Diệu

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;

Đây mùa thu tới - mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng.

 

Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;

Những luồng run rẩy rung rinh lá...

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

 

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ...

Non xa khởi sự nhạt sương mờ...

Đã nghe rét mướt luồn trong gió...

Đã vắng người sang những chuyến đò...

 

Mây vẩn từng không, chim bay đi,

Khí trời u uất hận chia ly.

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì.

- Chùm 3 bài thơ thu của Nguyễn Khuyến: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm.

Thu điếu (Câu cá mùa thu)

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

 

Thu ẩm (Uống rượu mùa thu)

Năm gian nhà cỏ thấp le te,

Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt ?

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.

Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy.

Độ năm ba chén đã say nhè.

 

Thu vịnh (Vịnh mùa thu)

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.

Nước biếc trông như tầng khói phủ,

Song thưa để mặc bóng trăng vào.

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,

Một tiếng trên không ngỗng nước nào?

Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

-…

Câu 2: So sánh bài thơ Sang thu (Hữu Thỉnh) và Đây mùa thu tới (Xuân Diệu).

Trả lời:

- Giống nhau:

+ Cả hai đều là bài thơ hay trong lịch sử thơ ca dân tộc.

+ Đều có tình yêu mùa thu, có tài năng thể hiện cái đẹp của mùa thu với những rung động của tâm hồn đầy cảm xúc.

+ Đều vẽ nên những bức tranh thu tuyệt vời, làm rung động trái tim bao thế hệ qua những sắc màu, hình ảnh, đường nét... mang cái hồn thu Việt Nam.

+ Đối tượng thể hiện cảm xúc nghệ thuật cùng là cái đẹp thiên nhiên.

- Khác nhau:

+ Bài thơ “Sang thu” là những cảm nhận thực sự tinh tế cùng sự quan sát vô cùng tỉ mỉ của tác giả về sự biến chuyển của đất trời từ cuối mùa hạ sang thu. Từ đó bộc lộ tình yêu thiết tha với thiên nhiên cũng như những suy ngẫm đầy triết lí về cuộc đời của một tâm hồn nhạy cảm và sâu sắc.

+ Bài thơ “Đây mùa thu tới” thể hiện sự nhạy cảm và mới mẻ của hồn thơ Xuân Diệu. Bài thơ buồn nhưng có nhiều sự sống. Cảnh thu, tình thu có hồn, đẹp nhưng buồn là nét nổi bật nhất của bài thơ. Đồng thời bài thơ còn thể hiện sự nối tiếp truyền thống và những cách tân sáng tạo của Xuân Diệu khi tiếp tục khai thác đề tài vô cùng quen thuộc của thơ ca cổ điển.

 

IV. VẬN DỤNG CAO (02 câu)

Câu 1: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của thiên nhiên lúc giao mùa.

Trả lời:

Mỗi người có một khoảnh khắc trong năm sẽ cảm giác như trôi qua thật nhanh, với tôi đó là khoảng thời gian sau tết. Trời đang độ mùa xuân mát mẻ bởi những cơn gió nhẹ và cái nắng không quá chói chang. Những nụ hoa xuân cứ đợi ra giêng là tàn mất, thấm thoát lại qua tiết thanh minh rồi một mùa xuân tàn đã đến. Nhất là đối với lũ học trò chúng tôi, khoảng thời gian này như rượt đuổi. Ngày tết gương mặt nào cũng hớn hở được những ngày thật sự nghỉ ngơi và vui chơi trong suốt một năm, chẳng được mấy chốc lại tập vở đến trường, rồi thi giữa kì hai, không bao lâu lại thi kì hai. Lúc này cũng là lúc những nhành phượng ra hoa đỏ thắm. Ngồi trong phòng học, qua khung cửa sổ những nụ hoa đầu tiên đã chúm chím như nụ cười của cô gái mới lớn. Rồi ngày qua ngày bận bịu cùng bài thi cuối năm chúng tôi quên mất đã không còn cái nắng dịu nhẹ của mùa xuân với khí trời trong xanh mỗi sớm mai. Sáng nay thức dậy thấy cơn mưa đầu tiên của mùa hè đến sớm có cô bé đã hốt hoảng vì sắp nghỉ hè. Không chỉ có mưa là đến bất chợt, nắng cũng gay gắt hơn. Mặt trời thức dậy sớm và đi ngủ cũng trễ hơn. Dòng sông xanh trong của mùa xuân buổi sáng còn thấy cả những chú cá rô con vậy mà chỉ cần mưa một trận là nước đã mênh mông tràn lên cả bờ. Hoa mai vàng đã rụng hết nhường chỗ cho hoa súng tím mọc dưới hồ. Hoa bằng lăng cũng trở mình thao thức khi sắp chia tay học trò. Lũ học trò tinh nghịch hái những chùm hoa phượng kết thành bướm đỏ ép vào tập, chuyền cho nhau quyển lưu bút để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này. Không ai bảo ai nhưng trong lòng ai cũng chớm một nỗi buồn vì sắp phải xa nhau và mong chờ một mùa hè thật sự vui vẻ. 

Câu 2: Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của bài thơ Sang thu - Hữu Thỉnh.

Trả lời:

  1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh:

+ Ông là một trong những nhà thơ chiến sĩ tiêu biểu, trưởng thành trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ

+ Phong cách thơ: giàu cảm xúc tinh tế, lãng mạn; thường sử dụng các hình ảnh giản dị, gắn bó với đời sống mà vẫn tạo nên sức gợi cảm, nét đặc sắc riêng.

- Giới thiệu bài thơ “Sang thu”:

+ Ra đời năm 1977

+ Nội dung chính: bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa và những chiêm nghiệm về cuộc đời.

  1. Thân bài
  2. Khổ 1: Dấu hiệu của mùa thu

4 câu thơ đầu là cảm nhận của tác giả trước sự thay đổi của thiên nhiên phút giao mùa

- Tín hiệu từ “Hương ổi” báo hiệu mùa thu đã đến:

+ “Hương ổi” là một hình ảnh gần gũi và quen thuộc, thích hợp để tạo nên một tứ thơ mới mẻ miêu tả tín hiệu mùa thu

+ “Hương ổi” được tác giả cho đi kèm với tính từ “bỗng”, đặt ngay đầu câu thơ đã cho thấy một cảm giác đột ngột, bất ngờ và ngỡ ngàng của nhân vật trữ tình

+ “Hương ổi” khi được đi nối tiếp với động từ “phả” trong câu thơ tiếp theo, đã diễn tả sự ngào ngạt và sánh đậm của làn hương. Hơn nữa, cách sử dụng từ còn gợi cho người đọc hình dung về không gian của những làng quê Việt Nam thân thuộc. Một làng quê điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ với những vườn cây, những lối ngõ ngập tràn mùi hương cây trái

Làn “Hương ổi” trở thành nét đặc trưng của mùa thu, chỉ có trong thơ của Hữu Thỉnh

- Tín hiệu từ làn “gió se” báo hiệu khoảnh khắc giao mùa đã đến:

+ “Gió se” là ngọn gió heo may, làn gió nhẹ mát mang theo phong vị của mùa thu đất Bắc, tạo cho không khí có chút khô và chút se lạnh

+ Làn “gió se” thuộc về mùa thu ấy đã kéo đến trong những phút giây giao mùa. Chỉ chút gió đầu mùa thôi nhưng đã làm dịu đi cái nắng gay gắt, oi ả của mùa hạ. Nó khiến cho mùi hương ổi chín như đặc quánh lại, trở nên ngọt ngào và ngây ngất lòng người hơn.

- Tín hiệu từ những màn sương báo hiệu mùa thu đang đến rất gần

+ Nếu “Hương ổi” được cảm nhận bằng khứu giác, “Gió se” được cảm nhận bằng xúc giác thì sang đến cảm nhận bằng thị giác, tác giả đã lựa chọn hình ảnh những màn sương để miêu tả phút giây giao mùa

+ Sử dụng từ láy “chùng chình” kết hợp với nghệ thuật nhân hóa miêu tả “dáng điệu” của mà sương, tác giả đã gợi lên hình ảnh nàng “sương” đang tiến đến với dáng vẻ lãng đãng như đợi chờ. Có vẻ như “sương” đang cố ý bước những bước thật chậm, thể hiện sự lưu luyến trước khi chính thức nói lời chia tay với mùa hạ

+ Sử dụng cụm từ “qua ngõ”, Hữu Thỉnh gợi cho người đọc liên tưởng đến khung cảnh làng quê thân thuộc với những đường làng, ngõ xóm nhỏ. Những con đường, ngõ xóm này vốn là nơi kết nối người dân với nhau, với đồng ruộng, nay bỗng trở thành cửa ngõ của thời gian, là nơi chứng kiến sự tương giao giữa hai mùa cuối hạ và đầu thu

- Sự ngỡ ngàng, giật mình, bối rối của tác giả trước khoảnh khắc giao mùa được thể hiện qua câu thơ: “Hình như thu đã về”

+ Tác giả sử dụng lối nói giả định “Hình như” nhằm bộc lộ sự nghi hoặc, một phán đoán không chắc chắn về những chuyển biến của thiên nhiên đất trời. Tuy nhiên lối nói này rất phù hợp trong việc diễn tả sự mơ hồ, không rõ ràng của các tín hiệu báo hiệu thời khắc giao mùa đã đến Sự kết hợp hài hòa của một loạt các từ “bỗng”, “phả”, “hình như” đã cho thấy cảm nhận tinh tế của tác giả về những thay đổi giữa hai mùa. Đó là cảm xúc ngỡ ngàng, xen lẫn vui mừng, hạnh phúc khi chứng kiến sự đổi thay của vạn vật xung quanh.

2. Khổ 2: Bức tranh thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa

 4 câu thơ đặc tả cảnh biến chuyển thiên nhiên thông qua những hình ảnh sự vật gần gũi và đặc trưng

- Hai câu thơ đầu của khổ thơ thứ 2 được viết theo cấu trúc đối tự nhiên vừa giúp diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên, vừa bộc lộ được cảm xúc lòng người trong những phút giây ấy:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã”

+ Hình ảnh “dòng sông” được nhân hóa thông qua sử dụng từ láy “dềnh dàng”:

  • Từ “dềnh dàng” miêu tả chân thực hình ảnh một dòng sông tĩnh lặng, yên bình, trong trẻo với dòng chảy êm đềm bao trùm lấy làng quê
  • Sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa, tác giả đã biến hình ảnh dòng sông thành một con người sống, đang nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả với bão giông
  • Động từ “được lúc” còn gợi ra sự liên tưởng đến những con người đã đi qua thời chiến, trải qua mưa bom bão đạn, giờ đây, họ đang được chuyển mình sang giai đoạn sống chậm hơn, thời kì nghỉ ngơi 

+ Hình ảnh những chú “chim” được nhân hóa thông qua sử dụng từ láy “vội vã”:

  • Câu thơ tả thực cảnh những cánh chim xếp theo đàn, thi nhau di cư bay về phương Nam để tránh rét
  • Những cánh chim được nhân hóa trở nên nhanh hơn, gấp gáp hơn khi nhận ra tín hiệu của mùa thu qua những đợt gió heo may se lạnh
  • Động từ “bắt đầu” cùng với hình ảnh những cánh chim còn gợi liên tưởng đến những người lính bước ra từ trong chiến tranh. Cũng giống như tác giả, sau chiến tranh tưởng chừng như sẽ “bắt đầu” bước vào giai đoạn nghỉ ngơi để suy ngẫm. Song, chính thời khắc này là lúc họ cần “bắt đầu” phải vội vã, “bắt đầu” một cuộc sống mới với đầy lo toan, bỡ ngỡ.

+ Nghệ thuật đối được kết hợp nhịp nhàng giữa hai từ miêu tả trạng thái là “dềnh dàng” và “vội vã”:

  • Nghệ thuật đối có vai trò làm nổi bật năng lượng trái ngược của thiên nhiên trong phút giây giao mùa
  • Trong sự đối lập của thiên nhiên có sự đối lập tâm trạng của con người. Đó là giai đoạn con người phải học cách làm quen với hòa bình sau khi bước ra từ chiến tranh. Sự giao thoa tâm trạng con người được phản chiếu qua bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc

– 2 câu thơ tiếp theo tái hiện quang cảnh thiên nhiên qua những câu từ sáng tạo, độc đáo:

“Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

+ Nghệ thuật nhân hóa được thể hiện qua cụm từ tượng hình “vắt nửa mình”: 

  • Hình ảnh “đám mây mùa hạ” thể hiện không gian của một bầu trời rộng lớn, mênh mông, lãng đãng những áng mây trôi 
  • “Đám mây” “vắt nửa mình” làm liên tưởng đến bước chuyển mình của thời gian. Hình ảnh đám mây như một cây cầu, nối liền giữa hai mùa hạ và thu
  • Hình ảnh “đám mây mùa hạ” còn có ý nghĩa về thế sự, miêu tả khoảnh khắc giao thời của đời sống nhân dân VIệt Nam lúc bấy giờ, phải tập làm quen khi đất nước đang trong giai đoạn chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình

4 câu thơ trong khổ thơ thứ hai đã tái hiện rất sống động cảnh sắc phút giao mùa qua những hình ảnh, sự vật giàu ý nghĩa. Hơn nữa, đằng sau bức tranh giao mùa còn là liên tưởng sâu sắc của tác giả về đời sống con người gắn liền với biến chuyển của đất nước

3. Khổ 3: Tâm tư tác giả về cuộc đời trước khung cảnh chuyển mùa sang thu

- Những biến chuyển của thiên nhiên được thể hiện qua hai câu thơ đầu

“Vẫn còn bao nhiêu nắng 

Đã vơi dần cơn mưa”

Sử dụng nghệ thuật đối giữa hai trạng thái “vẫn còn” và “vơi dần”; “nắng” và “mưa”: tác giả đã miêu tả rõ nét sự vận động ngược chiều của hai hiện tượng thiên nhiên giữa hai mùa:

+ Tác giả sử dụng hình ảnh “nắng” và “mưa” vì chúng là những hiện tượng thiên nhiên vô cùng quen thuộc, có tính chu kỳ và có thể dự đoán. Hơn nữa, với hình ảnh “nắng” và “mưa” có thể giúp người đọc dễ dàng hình dung hơn về khoảnh khắc giao mùa mà tác giả đang chứng kiến

+ Những từ ngữ chỉ mức độ và mang tính ước lượng như: “vẫn còn”, “bao nhiêu”, “vơi”, “bớt” được sắp xếp theo cấp độ giảm dần, đã thể hiện dấu hiệu của mùa hạ đang nhạt dần. Trong khi đó những dấu hiệu của mùa thu ngày một đậm nét hơn.

- Đứng trước mùa thu của đất trời, tác giả đã có những suy ngẫm về đời người qua những hình ảnh giàu sức gợi trong 2 câu thơ:

“Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

- Hình ảnh “sấm” đem lại nhiều ý nghĩa

+ Sấm vốn được coi là một hiện tượng tự nhiên, thường xuất hiện vào mùa hạ và là dấu hiệu trước những trận mưa rào

+ Sấm trong thơ của Hữu Thỉnh là hình ảnh ẩn dụ độc đáo, phản chiếu những biến động, bất ổn của đời người

- Hình ảnh “sấm” với trạng thái cảm xúc“bớt bất ngờ” và hình ảnh giàu tính hình tượng “hàng cây đứng tuổi”: 

+ Câu thơ là cách tác giả miêu tả chân thực về một hiện tượng thời tiết khi sang thu: tiếng sấm có vẻ như đã nhỏ dần, âm thanh của sấm không còn đủ sức làm lay động những hàng cây già, đã trải qua nhiều lần “sang thu”

+ Hai câu thơ là sự ẩn dụ về những con người từng trải, khi đã đến tuổi xế chiều, họ có nhiều kinh nghiệm hơn. Đối với họ, những đổi thay, biến chuyển của cuộc đời không còn “bất ngờ” nữa. Thay vào đó, họ đã có thể vững vàng và ung dung trước sự biến đổi của thời cuộc

 Khổ thơ cuối với những hình ảnh giàu tính hình tượng, đã vè lên trọn vẹn bức tranh thiên nhiên và cảm xúc đời người trong thời khắc sang thu.




=> Giáo án Ngữ văn 8 chân trời Bài 3 Đọc 2: Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay