Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo Bài 2 văn bản 2: Sao băng là gì và những điều bạn cần biết về sao băng?

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 2 văn bản 2: Sao băng là gì và những điều bạn cần biết về sao băng?. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo

VĂN BẢN 2: SAO BĂNG LÀ GÌ VÀ NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ SAO BĂNG?

(15 câu)

I. NHẬN BIẾT (05 câu)

Câu 1: Theo văn bản, sao băng là gì?

Trả lời:

Sao băng là đường nhìn thấy của các thiên thạch khi chúng đi vào bầu khí quyển của Trái Đất với vận tốc rất lớn.

Câu 2: Hiện tượng mưa sao băng là gì? Những cơn mưa sao băng như thế nào thì được gọi là bão sao băng?

Trả lời:

- Mưa sao băng là hiện tượng nhiều sao băng xuất hiện đồng thời hoặc nối tiếp nhau từ chung một điểm xuất phát trên bầu trời.

- Những cơn mưa sao băng dày đặc, mật độ sao quan sát được có thể lên đến hàng nghìn hay thậm chí hàng chục nghìn sao mỗi giờ thì gọi là bão sao băng.

Câu 3: Nguyên nhân chính làm xuất hiện mưa sao băng là gì?

Trả lời:

Nguyên nhân chính làm xuất hiện mưa sao băng là các sao chổi.

Câu 4: Khu vực mà mưa sao băng hướng tới gọi là gì?

Trả lời:

Khu vực mà mưa sao băng hướng tới gọi là tâm điểm của mưa sao băng.

Câu 5: Thiên thạch có nguồn gốc từ đâu?

Trả lời:

Thiên thạch có nguồn gốc từ: mảnh vụn từ các sao chổi, bụi vũ trụ, mảnh vụn từ các tiểu hành tinh.

 

II. THÔNG HIỂU (05 CÂU)

Câu 1: Tại sao sao băng lại phát sáng?

Trả lời:

Sao băng phát sáng vì lực ma sát của không khí đốt cháy thiên thạch làm nó phát sáng khi di chuyển.

Câu 2: Việc quan sát sao băng phụ thuộc vào những yếu tố nào?

Trả lời:

Việc quan sát sao băng phụ thuộc vào những yếu tố: trời mây, ánh sáng của Mặt Trăng, độ ô nhiễm không khí.

Câu 3: Trình bày những thông tin, đặc điểm về một số trận mưa sao băng hằng năm có mật độ sao tương đối cao.

Trả lời:

- Mưa sao băng Qua-đờ-ran-tít: thường xuất hiện từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 1 hàng năm, cực điểm thường vào ngày 3 đến ngày 4 tháng 1.

- Mưa sao băng En-ta A-qua-rít: thường xuất hiện từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 28 tháng 5 hàng năm, cực điểm thường vào ngày 5 đến ngày 6 tháng 5.

- Mưa sao băng Pơ-sây: thường xuất hiện từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 24 tháng 8 hàng năm, cực điểm thường vào ngày 12 đến ngày 13 tháng 8.

- Mưa sao băng Ơ-ri-ơ-nít: thường xuất hiện từ ngày 2 tháng 10 đến ngày 7 tháng 11 hàng năm, cực điểm thường vào ngày 21 đến ngày 22 tháng 10.

- Mưa sao băng Lê-ô-nít: thường xuất hiện từ ngày 10 đến ngày 23 tháng 11 hàng năm, cực điểm thường vào ngày 16 đến ngày 17 tháng 11.

- Mưa sao băng Gie-mi-nít: thường xuất hiện từ ngày 7 đến ngày 17 tháng 12 hàng năm, cực điểm thường vào ngày 12 đến ngày 13 tháng 12.

Câu 4: Vì sao mưa sao băng lại có chu kì?

Trả lời:

Mưa sao băng có chu kì vì:

Nguyên nhân chính làm xuất hiện mưa sao băng là các sao chổi. Sao chổi là những thiên thể quay quanh Mặt Trời với quỹ đạo riêng. Do được cấu tạo bởi băng, bụi và đá nên khi chuyển động gần Mặt Trời, đuôi sao chổi bị sức nóng của Mặt Trời đốt cháy, tạo thành những dải bụi trên quỹ đạo. Nếu quỹ đạo của Trái Đất cắt ngang quỹ đạo của dải bụi này thì ít nhất mỗi năm vào đúng một thời điểm nhất định, Trái Đất sẽ đi xuyên qua dải bụi đó và hiện tượng mưa sao băng sẽ xảy ra trong thời gian đó. Vì vậy, hầu hết các trận mưa sao băng đều có chu kì là một năm. 

Câu 5: Văn bản sử dụng những phương tiện phi ngôn ngữ nào? Tác dụng của chúng là gì?

Trả lời:

- Văn bản sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ là các hình ảnh về sao băng.

- Tác dụng:

+ Giúp người đọc có cái nhìn trực quan, sinh động, cụ thể về sao băng.

+ Giúp cho việc truyền tải thông tin tới người đọc được dễ dàng hơn.

 

III. VẬN DỤNG (03 câu)

Câu 1: Sao băng còn có tên gọi khác là gì?

Trả lời:

Sao băng còn được gọi là sao sa, sao rơi, sao đổi ngôi.

Câu 2: Ngắm sao băng như thế nào?

Trả lời:

Con người có thể ngắm sao băng bằng mắt thường. Vào những ngày trời quang, không có mưa, mây hay trăng, chúng ta có thể chọn những địa điểm thoáng đãng, không bị ảnh hưởng của ánh đèn để quan sát sao băng.

Câu 3: Nhiều người thường có những quan niệm như thế nào về sao băng?

Trả lời:

Nhiều người tin rằng:

- Nếu ước nguyện một điều gì vào đúng lúc có sao băng thì điều ước ấy sẽ thành hiện thực.

- Mỗi một người sống trên trần gian đều có một ngôi sao chiếu mệnh, khi ngôi sao đó rơi (sao băng) thì người đó sẽ chết. Do vậy, khi nhìn thấy hiện tượng sao băng thì người ta cho rằng sẽ có một ai đó chết.

 

IV. VẬN DỤNG CAO (02 câu)

Câu 1: Tìm hiểu ý nghĩa của sao băng trong nền văn hóa phương Đông.

Trả lời:

Sao băng trong văn hóa phương Đông:

- Người Trung Quốc cho rằng sao băng là hình tượng rồng hạ thế hay sứ giả của trời phái xuống nhân gian.

- Trong khi đó, người Siberia cổ lại quan niệm bầu trời vốn là một mái vòm được khâu lại, vì vậy khi các vị thần đi ngang qua, ánh hào quang từ họ có thể lọt qua những khe hẹp của bầu trời, trở thành mưa sao băng như chúng ta vẫn nhìn thấy. 

- Ngoài ra, trong thần thoại của người Trung Á, mưa sao băng tượng trưng cho một con rắn lửa đang bò trên bầu trời. Đôi khi con rắn mang lại thảm họa, nhưng cũng có lúc nó là biểu hiện cho kho báu và sự giàu có. 

Câu 2: Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 - 12 câu) kể về một lần em nhìn thấy mưa sao băng.

Trả lời:

Trong một lần đi cắm trại ngoài trời em đã có cơ hội được nhìn thấy mưa sao băng. Đây chính là lần đầu tiên mà em được tận mắt chứng kiến sao băng ở ngoài đời thực, cảnh tượng đó thật khó quên. Lần chứng kiến mưa sao băng này cũng làm em thỏa mãn mơ ước được tận mắt nhìn thấy chúng một lần trong đời. Hôm đó là một ngày nắng đẹp, nhóm chúng em rủ nhau đi cắm trại cuối tuần và ngủ qua đêm tại nơi cắm trại, sáng hôm sau sẽ về. Mọi thứ đều được diễn ra rất vui vẻ và bình thường cho đến khi một bạn chỉ tay lên bầu trời buổi tối và thốt lên: “sao băng kìa”. Cả đám chúng em cùng nhìn lên, đúng là sao băng thật, những tia sáng nhanh chóng xoẹt qua và biến mất chỉ trong vài giây. Tất cả đều ồ lên và rất thích thú với cảnh tượng vừa nãy, em và một số bạn gái khác đưa tay lên và cầu nguyện. Đây là điều mà em luôn muốn làm từ trước đến nay, được cầu nguyện dưới ánh sao băng, hy vọng điều ước sẽ thành sự thật. Cảnh tượng mưa sao băng vừa rồi thực sự rất đẹp và bất ngờ đối với em. Có lẽ đây không phải là trận mưa sao băng lớn vì chỉ có một vài tia sáng xoẹt qua. Trên bầu trời lúc đó rất tối và ít sao hơn hẳn mọi ngày nhưng nhờ có sao băng mà nó được thắp sáng lên trong chốc lát. Cứ như một trận nổ pháo hoa vậy, chỉ lóe lên vài giây và chợt tắt phụt đi nhanh chóng. Bầu trời cứ như được tô thêm điểm sáng mới mẻ nào đó và chỉ được nhìn thấy điểm sáng hiếm hoi này trong vài giây. Ở bên những người bạn của mình và nhìn ngắn sao băng em cảm thấy thực sự rất may mắn và thích thú. Đây là sẽ lần cắm trại đáng nhớ và thú vị nhất của em vì có thêm mưa sao băng.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay