Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo Bài 4: Thực hành Tiếng Việt

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 4: Thực hành Tiếng Việt. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo

BÀI 4: THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT

(15 câu)

I. NHẬN BIẾT (05 câu)

Câu 1: Nêu khái niệm nghĩa tường minh, nghĩa hàm ẩn.

Trả lời:

- Nghĩa tường minh là phần thông báo được thể hiện trực tiếp bằng từ ngữ trong câu, là loại nghĩa chúng ta có thể nhận ra trên bề mặt câu chữ.

- Nghĩa hàm ẩn là phần thông báo không được thể hiện trực tiếp bằng từ ngữ trong câu mà được suy ra từ câu chữ và ngữ cảnh. Đây là loại nghĩa mà người nói, người viết thực sự muốn đề cập đến.

Câu 2: Nêu khái niệm từ ngữ toàn dân và từ ngữ địa phương. Từ ngữ địa phương có giá trị như thế nào khi sử dụng trong văn chương?

Trả lời:

- Từ ngữ toàn dân là từ ngữ được toàn dân biết, chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong giao tiếp.

- Từ ngữ địa phương là từ ngữ chỉ được sử dụng ở một hoặc một số địa phương nhất định.

- Khi sử dụng trong văn chương, từ ngữ địa phương được dùng như một phương tiện tu từ với mục đích tô đậm màu sắc địa phương và làm cho nhân vật trở nên chân thật hơn, sinh động hơn.

Câu 3: Đọc các đoạn trích sau đây (trích từ truyện ngắn Làng của Kim Lân), cho biết những câu in đậm có phải là câu chứa hàm ý không. Vì sao?

  1. a) Có người hỏi:

- Sao bảo làng Chợ Dầu tinh thần lắm cơ mà?..

- Ấy thế mà bây giờ đổ đốn ra thế đấy!

Ông Hai trả tiền nước, đứng dậy, chèm chẹp miệng, cười mhạt một tiếng, vươn vai nói to:

- Hà, nắng gớm, về nào…

Ông lão vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác, rồi đi thẳng. Tiếng cười nói xôn xao của đám người mới tản cư lên ấy vẫn dõi theo.

  1. b) – Này, thầy nó ạ.

Ông Hai nằm rũ ra ở trên giường không nói gì.

- Thầy nó ngủ rồi à?

- Gì?

Ông lão khẽ nhúc nhích.

- Tôi thấy người ta đồn…

Ông lão gắt lên:

- Biết rồi!

Bà Hai nín bặt. Gian nhà lặng đi, hiu hắt.

Trả lời:

Hai câu in đậm trên không phải câu chứa nghĩa hàm ẩn, vì

- Câu thứ nhất là câu mang tính chất “đánh trống lảng”, nói sang chuyện khác để tránh đề tài đang bàn tới.

- Câu thứ hai là câu nói cắt ngang lời đối thoại của nhân vật trước.

Câu 4: Xác định nghĩa hàm ẩn trong câu in đậm sau.

Thầy giáo vào lớp được một lúc thì học trò xin vào. Thầy giáo nói với học sinh đó: Bây giờ là mấy giờ rồi?

Trả lời:

Câu in đậm mang nghĩa hàm ẩn là phê bình học sinh đó đi học không đúng giờ.

Câu 5: Câu thành ngữ Dã tràng xe cát biển Đông có nghĩa hàm ẩn gì?

Trả lời:

Nghĩa hàm ẩn: chỉ con người nhọc công làm việc gì đó nhưng cuối cùng lại vô ích.

 

II. THÔNG HIỂU (06 CÂU)

Câu 1: Tìm câu mang nghĩa hàm ẩn trong đoạn trích sau đây. Cho biết nghĩa hàm ẩn đó là gì?

Tôi lên tiếng mở đường cho nó:

- Cháu phải gọi “Ba chắt nước giùm con”, phải nói như vậy.

Nó như không để ý đến câu nói của tôi, nó lại kêu lên:

- Cơm sôi rồi, nhão bây giờ.

Trả lời:

- Câu mang nghĩa hàm ẩn là: Cơm sôi rồi, nhão bây giờ.

- Nghĩa hàm ẩn: muốn nhờ ba chắt giúp nước cơm.

Câu 2: Điền vào chỗ trống để có một câu mang nghĩa hàm ẩn là động viên, khích lệ.

Không sao, ………., cậu hãy lấy đó để tự cố gắng thì sẽ đạt kết quả tốt trong những lần sau.

Trả lời:

Có thể điền: thất bại là mẹ thành công.

Câu 3: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

- Trời ơi, chỉ còn có năm phút!

Chính là anh thanh niên giật mình nói to, giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ. Anh chạy ra nhà phía sau, rồi trở vào liền, tay cầm một chiếc làn. Nhà hoạ sĩ tặc lưỡi đứng dậy. Cô gái cũng đứng lên, đặt lại chiếc ghế, thong thả đi đến chỗ bác già.

- Ô! Cô còn quên chiếc mùi soa đây này!

Anh thanh niên vừa vào, kêu lên. Để người con gái khỏi trở lại bàn, anh lấy chiếc khăn tay còn vo tròn cặp giữa cuốn sách tới trả cho cô gái. Cô kĩ sư mặt đỏ ửng, nhận lại chiếc khăn và vội quay đi.

(Theo Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

  1. Qua câu Trời ơi, chỉ có năm phút! , em hiểu anh thanh niên muốn nói điều gì? Vì sao anh không nói thẳng điều đó với anh họa sĩ và cô gái?
  2. Câu nói thứ 2 của anh thanh niên có ẩn ý gì không?

Trả lời:

  1. Câu nói trên không chỉ ngụ ý thông báo thời gian chỉ còn năm phút mà trong giong nói còn ẩn ý “Tôi rất tiếc.”. Đây là câu mang nghĩa hàm ý. 

Anh thanh niên không nói thẳng điều đó với ông hoạ sĩ và cô gái vì anh ngại ngùng không muốn người khác thấy tình cảm của mình; có thể vì tế nhị hay do cách nói.

  1. Câu nói thứ hai của anh thanh niên (- Ô! Cô còn quên chiếc mùi soa đây này!) không có ẩn ý,  là câu mang nghĩa tường minh.

Câu 4: Tìm câu chứa hàm ý trong đoạn trích sau và cho biết câu đó mang nghĩa hàm ẩn là gì?

Mẹ nó đâm nổi giận quơ đũa bếp doạ đánh, nó phải gọi nhưng lại nói trổng:

– Vô ăn cơm!

Anh Sáu vẫn ngồi im, giả vờ không nghe, chờ nó gọi “Ba vô ăn cơm”. Con bé cứ đứng trong bếp nói vọng ra:

– Cơm chín rồi!

Anh cũng không quay lại.

 (Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

Trả lời:

- Câu mang nghĩa hàm ẩn: Cơm chín rồi.

- Nghĩa hàm ẩn: Ba vào ăn cơm.

Câu 5: Tìm câu chứa hàm ý trong các đoạn trích sau và cho biết nội dung của hàm ý đó.

  1. a) Chuột chù chê khỉ rằng hôi,

Khỉ mới trả lời: “Cả họ mày thơm”.

(Ca dao)

  1. b) Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

   Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

   Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

   - Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

(Thế Lữ)

  1. c) Tôi bùi ngùi nhìn lão, bảo:

    - Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng?

(Nam Cao)

Trả lời:

Câu

Câu mang nghĩa hàm ẩn

Nghĩa hàm ẩn

a

Cả họ mày thơm.

Mỉa mai, châm biếm chuột chù. Qua đó, bài ca dao ngụ ý phê phán những người không những không nhận thức rõ về khuyết điểm của bản thân mà còn hay chê bai người khác.

b

Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Sự nuối tiếc quá khứ oanh liệt của con hổ.

c

Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng?

Tôi cũng không sung sướng hơn cụ.

 

Câu 6: Ghép câu tục ngữ ở cột bên trái với nghĩa hàm ẩn tương ứng ở cột bên phải.

1. Cái nết đánh chết cái đẹp.

a. Việc làm ra thóc gạo vô cùng vất vả, khó nhọc.

2. Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi.

b. Có danh tiếng tốt quan trọng hơn có nhiều của cải, tiền bạc.

3. Một điều nhịn chín điều lành.

c. Cái đẹp về đạo đức có giá trị cao hơn hẳn cái đẹp bên ngoài.

4. Một nghề cho chín còn hơn chín nghề.

d. Nhẫn nhịn sẽ giúp tránh được những điều không hay.

5. Tốt danh hơn lành áo.

e. Thành thạo, tinh thông một nghề còn hơn biết nhiều nghề không đến nơi đến chốn.

Trả lời:

1 – c, 2 – a, 3 – d, 4 – e, 5 – b.

 

III. VẬN DỤNG (02 câu)

Câu 1: Xác định nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong câu ca dao sau. Vì sao em hiểu được hàm ý đó?

Bao giờ chạch đẻ ngọn đa,

Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.

Trả lời:

- Nghĩa tường minh là: Bao giờ cá chạch đẻ ở trên ngọn cây đa, chim sáo đẻ trứng à dưới nước thì ta sẽ lấy mình.

- Nghĩa hàm ẩn: Không bao giờ ta lấy mình.

- Căn cứ vào phần nghĩa tường minh để xác định hàm ý. Phần tường minh nêu điều kiện dẫn đến hôn nhân: bao giờ cá chạch đẻ trên ngọn cây đa, chim sáo đẻ trứng dưới nước thì ta lấy mình. Nhưng vì không bao giờ có chuyện đó nên không bao giờ có chuyện ta lấy mình.

Câu 2: Tìm những câu có hàm ý mời mọc hoặc từ chối trong các đoạn đối thoại giữa em bé với những người ở trên mây và sóng (trong bài thơ Mây và sóng của Ta-go). 

MÂY VÀ SÓNG

Mẹ ơi, trên mây có người gọi con:

“Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng,

bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”.

Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”.

Họ đáp: “Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”.

“Mẹ mình đang đợi ở nhà” – con bảo – “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”

Thế là họ mỉm cười bay đi.

Nhưng con biết có trò chơi thú vị hơn, mẹ ạ.

Con là mây và mẹ sẽ là trăng.

Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.

Trong sóng có người gọi con:“Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao”.

Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”.

Họ nói: “Hãy đến rìa biển cả, nhắm nghiền mắt lại, cậu sẽ được làn sóng nâng đi”.

Con bảo: “Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”.

Thế là họ mỉm cười, nhảy múa lướt qua.

Nhưng con biết trò chơi khác hay hơn.

Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ,

Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan lòng mẹ.

Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào.

(Thơ Ta-go, NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2000)

Trả lời:

- Câu có hàm ý mời mọc:

+ Lời của người ở trên mây: “ Bọn tớ chơi đùa từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà,/Bọn tớ chơi với bình minh vàng/Bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”.

+ Lời của người ở trong sóng: “Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du từ nơi này đến nơi nọ mà không biết từng đến nơi nào”.

- Câu có hàm ý từ chối:

+ Mẹ mình đang đợi ở nhà/Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?

+ Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?

 

IV. VẬN DỤNG CAO (02 câu)

Câu 1: Phân tích nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong bài thơ Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương.

BÁNH TRÔI NƯỚC

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Trả lời:

- Nghĩa tường minh: miêu tả chiếc bánh trôi nước với đặc điểm “trắng”, “tròn” tùy thuộc vào sự khéo tay của người nặn, khi đun sôi nước thả vào thì các viên bánh sẽ lặn lên lặn xuống trong nước đến khi chín sẽ nổi lên.

- Nghĩa hàm ẩn: thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

+ Người phụ nữ có vẻ đẹp về ngoại hình: “trắng”, “tròn”

+ Người phụ nữ có vẻ đẹp về tâm hồn: “giữ tấm lòng son”

+ Nhưng người phụ nữ lại mang số phận bất hạnh, lênh đênh, phụ thuộc: “bảy nổi ba chìm”, “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”

Câu 2: Phân tích nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong câu thơ sau.

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

(Sang thu, Hữu Thỉnh)

Trả lời:

- Nghĩa tường minh: tiếng sấm là dấu hiệu của những cơn mưa rào mùa hạ. Khi thiên nhiên lúc giao mùa từ hạ sang thu, tiếng sầm cũng nhỏ dần, không còn đủ sức lay động hàng cây đã bao mùa thay lá.

- Nghĩa hàm ẩn: chỉ những biến động thất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời, những gian nan, thử thách mà con người gặp phải trong cuộc đời. “hàng cây đứng tuổi”: phép ẩn dụ, nhân hóa gợi cái xế chiều của đời người, gợi hình ảnh những con người đã trưởng thành, trầm tĩnh và vững vàng hơn. Con người khi đã trưởng thành sẽ hiểu biết hơn, bình tĩnh, ung dung hơn trước mọi đổi thay, biến động của cuộc đời.

=> Giáo án Ngữ văn 8 chân trời Bài 4 Thực hành tiếng Việt: Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu; Từ ngữ toàn dân và từ ngữ địa phương

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay