Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo Bài 3 Thực hành Tiếng Việt

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 3 Thực hành Tiếng Việt. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo

BÀI 3: THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT

(15 câu)

I. NHẬN BIẾT (05 câu)

Câu 1: Nhắc lại khái niệm từ Hán Việt. Lấy ví dụ minh họa.

Trả lời:

- Khái niệm: Từ Hán Việt là từ mượn tiếng Hán, có nghĩa gốc của tiếng Hán nhưng được ghi lại bằng chữ cái Latinh và đọc theo âm đọc tiếng Việt.

- Ví dụ: gia đình, phụ mẫu, quốc gia, giang sơn,…

Câu 2: Từ Hán Việt có đặc điểm gì?

Trả lời:

Đặc điểm từ Hán Việt:

- Mang sắc thái nghĩa: từ Hán Việt sắc thái ý nghĩa trừu tượng, khái quát sự vật sự việc. 

- Mang sắc thái biểu cảm: từ Hán Việt thể hiện cảm xúc, sử dụng từ Hán Việt để giảm hoặc tăng sắc thái biểu cảm, thể hiện sự trang trọng, lịch sự. 

- Mang sắc thái phong cách: từ Hán Việt riêng biệt được dùng trong các lĩnh vực khoa học, chính luận, hành chính. Còn từ tiếng Việt có sắc thái đơn giản và đời thường hơn.

Câu 3: Tìm những từ ghép Hán Việt có chứa yếu tố Hán Việt quốc, sơn, cư, bại.

Trả lời:

quốc: quốc gia, ái quốc, quốc ca, quốc kì, quốc lộ,…

sơn: sơn hà, giang sơn, sơn dã, sơn hào,…

- cư: cư dân, an cư, định cư,…

bại: thất bại, chiến bại, bại vong, đại bại, bại hoại,…

Câu 4: Tìm hiểu nghĩa của các từ : thành tích, thành tựu, thành quả, hiệu quả, kết quả, nguyện vọng, hi vọng.

Trả lời:

- Thành tích: kết quả được đánh giá là tốt do nỗ lực mà đạt được.

Thành tựu: cái đạt được có ý nghĩa lớn sau một quá trình hoạt động thành công. 

- Hiệu quả: kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại.

- Thành quả: kết quả quý giá đạt được của cả một quá trình hoạt động, đấu tranh. 

- Kết quả: cái đạt được, thu được trong một công việc hoặc một quá trình tiến triển sự việc.

- Nguyện vọng: điều mong muốn.

- Hi vọng: tin tưởng và mong chờ. 

Câu 5: Tìm từ có yếu tố Hán Việt tương ứng sau đây

Yếu tố Hán Việt

Từ chứa yếu tố Hán Việt tương ứng

Gian (lừa dối, xảo trá)

 

Gian (giữa, khoảng cách)

 

Gian (khó khăn, vất vả)

 

Trả lời:

Yếu tố Hán Việt

Từ chứa yếu tố Hán Việt tương ứng

Gian (lừa dối, xảo trá)

Gian xảo, gian dối, gian trá,…

Gian (giữa, khoảng cách)

Không gian, nhất gian,…

Gian (khó khăn, vất vả)

Gian nan, gian khổ, gian khó,…

 

II. THÔNG HIỂU (05 CÂU)

Câu 1: Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tử bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.

(Nguyễn Tuân, Chữ người tử tù)

  1. Tìm 5 từ Hán Việt trong đoạn văn trên.
  2. Thử thay thế một từ Hán Việt trong đoạn văn trên bằng 1 từ hoặc cụm từ biểu đạt ý nghĩa tương đương. Hãy đối chiếu câu, đoạn văn gốc với câu, đoạn văn mới đề rút ra nhận xét về sự thay thế này.
  3. Dựa vào ngữ cảnh, hãy nêu tác dụng của việc sử dụng các từ Hán Việt trong đoạn văn trên.

Trả lời:

  1. 5 từ Hán Việt trong đoạn văn:

-  Nhất sinh: cả một đời

- Quyền thế: quyền hành và thế lực

- Biệt nhỡn: cái nhìn trân trọng đặc biệt

- Liên tài: biết quý cái tài

- Thiên hạ: Tất cả những gì trong trời đất.

  1. Ví dụ, thay thế từ “nhất sinh”:

“Ta cả một đời không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ.”

Nhận xét:

- Về nghĩa, không thay đổi.

- Về giá trị nghệ thuật: mất đi sự trang trọng, sắc thái cổ kính của câu văn.

  1. Đặt trong hoàn cảnh văn bản, việc sử dụng từ Hán Việt là phù hợp nhất bởi nó vừa toát lên được không khí cổ kính, trang trọng, vừa truyền đạt được một cách chính xác nhất thông điệp của tác giả.

Câu 2: Hãy chỉ ra lỗi dùng từ Hán Việt trong các câu sau và sửa lại cho đúng.

  1. Việc chăm chỉ đọc sách giúp ta tích luỹ được nhiều trí thức bổ ích.
  2. Tại phiên toà nơi cõi âm, nhân vật Tử Văn đã thể hiện được sự cứng cỏi, ngang tàng của hàn sĩ.
  3. Thói quen học tập theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” là một yếu điểm của nhiều bạn học sinh.

Trả lời:

  1. Từ dùng sai: tri thức

Sửa lại: thay bằng từ “kiến thức”

  1. Từ dùng sai: hàn sĩ

Sửa lại: thay bằng từ “nho sĩ”

  1. Từ dùng sai: yếu điểm

Sửa lại: thay bằng từ “khuyết điểm”

Câu 3: Giải thích nghĩa của những từ Hán Việt được in đậm sau đây.

  1. Vẫn là một người sống xuất thần trong một cảnh giới khác với vạn vật khác còn nguyên hình tướng.
  2. Hổ đã khôn ngoan chọn hướng ngược gió để tiến lại gần, nhưng vẫn không thoát khỏi đôi mắt tinh tường của con khỉ đang làm nhiệm vụcảnh giới.
  3. Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

    Không cho dài thời trẻ của nhân gian.

Trả lời:

  1. Cảnh giới: bờ cõi.
  2. Cảnh giới: trông chừng, canh gác để báo động kịp thời.
  3. Nhân gian: chỗ người ở, cõi đời.

Câu 4: Tìm từ Hán – Việt trong những câu thơ sau.

  1. Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc.

  1. Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Nước còn cau mặt với tang thương.

  1. Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo.

  1. Bác thương đoàn dân công

    Đêm nay ngủ ngoài rừng.

Trả lời:

  1. chiến đấu, Tổ quốc.
  2. tuế nguyệt, tang thương.
  3. đại nghĩa, hung tàn, chí nhân, cường bạo.
  4. dân công.

Câu 5: Đọc đoạn văn sau, tìm từ Hán Việt và cho biết những từ ngữ đó được dùng với sắc thái gì?

Lát sau, ngài đến yết kiến, vương quở trách. Ngài bỏ mũ ra, tạ tội, bày rõ lòng thành của mình. Vương mừng rỡ nói:

- Ngài thật là bậc lương y chân chính, đã giỏi về nghề nghiệp lại có lòng nhân đức, thương xót cho đám con đỏ của ta, thật xứng với lòng ta mong mỏi.

Trả lời:

- Từ Hán Việt: yết kiến, vương, lương y, nhân đức, chân chính.

- Sắc thái: 

+ Sắc thái cổ kính, phù hợp với không khí xã hội xưa.

+ Sắc thái tôn trọng, thể hiện thái độ tôn trọng, tôn kính.

+ Sắc thái tao nhã, tránh gây cảm giác thô lỗ, đáng sợ.

 

III. VẬN DỤNG (03 câu)

Câu 1: Tìm một số từ Hán Việt có yếu tố “nhân” được dùng với nghĩa như trong từ nhân nghĩa. Giải nghĩa các từ đó?

Trả lời:

- Các từ Hán Việt cùng nghĩa: nhân đức, nhân từ, nhân hậu.

- Nhân đức: có lòng yêu thương giúp đỡ người khác.

- Nhân từ: hiền hậu có lòng yêu thương, lòng thương người.

- Nhân hậu: có lòng thương người và trung hậu.

Câu 2: Áp dụng cách chiết tự (tách từng bộ phận) để giải thích nghĩa những từ Hán Việt: trừ bạo, độc lập, phong tục.

Trả lời:

- Trừ bạo:

+ trừ: trừ bỏ, loại bỏ

+ bạo: tàn bạo

 Trừ bạo là diệt trừ những kẻ bạo ngược, làm hại dân lành.

- Độc lập:

+ độc: một mình

+ lập: đứng thẳng, gây dựng

Độc lập là chỉ sự không lệ thuộc, tự mình gây dựng, tồn tại.

- Phong tục:

+ Phong: thói quen được ưa chuộng

+ Tục: cái được công nhận, ham chuộng Phong tục là những thói quen đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo.

Câu 3: Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi.

Tương tư thức mấy đêm rồi

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho.

(Tương tư, Nguyễn Bính)

  1. Giải thích nghĩa từ tương tư.
  2. Tìm những từ Hán Việt khác cũng có yếu tố Hán Việt tương giống với từ tương tư.
  3. Phân biệt nghĩa các từ tương tư, tương tri, tương tàn.

Trả lời:

  1. Tương tư là nhớ nhau.
  2. Các từ Hán Việt khác cũng có yếu tố Hán Việt “tương” giống với từ “tương tư”: tương phùng, tương tri, tương tàn,…
  3. - Tương tri: hiểu nhau

   - Tương tàn: làm hại nhau

 “Tương tri” xuất phát từ 2 phía, “tương tư” và “tương tàn” có thể chỉ xuất phát từ một phía.

 

IV. VẬN DỤNG CAO (02 câu)

Câu 1: Viết một đoạn văn chủ đề bất kì có sử dụng từ Hán Việt.

Trả lời:

Ý chí nghị lực tạo nên nguồn sức mạnh to lớn để vượt qua mọi khó khăn, bởi vậy mà ông cha ta đã có câu “Có chí thì nên”, tuy ngắn gọn nhưng gửi gắm bài học giá trị. Đầu tiên, “chí” ở đây là ý chí, nghị lực của mỗi người - nó thuộc về yếu tố tinh thần. Còn “nên” muốn chỉ đến sự thành công trong cuộc sống. Câu tục ngữ sử dụng mối quan hệ nhân quả thông qua từ “thì” ý chỉ nghị lực sẽ vượt qua được mọi khó khăn và tiến đến với mục tiêu mà bản thân mong muốn đạt được. Như vậy, hiểu đơn giản rằng ý chí, nghị lực giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được thành công. Bên cạnh đó, nhiều người khi gặp phải khó khăn thì đã trở nên nản chí. Họ không dám đương đầu với thử thách, chấp nhận thất bại hoặc bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Những người như vậy sẽ chỉ mãi sống trong thất bại, giậm chân tại chỗ. Bởi vậy, khi còn là học sinh, chúng ta cần rèn luyện cho mình đức tính kiên trì, ý chí và nghị lực để có thể sẵn sàng đương đầu với những thử thách trong cuộc sống. Có thể khẳng định rằng, câu “Có chí thì nên” tuy ngắn gọn, nhưng đã gửi gắm bài học sâu sắc đến mỗi người.

- Từ Hán Việt: ý chí, nghị lực, tinh thần, thành công, nhân quả, mục tiêu, thất bại, hiện tại, học sinh, kiên trì.

Câu 2: Viết đoạn văn cảm nhận về khổ 1 bài thơ Sang thu, trong đó có sử dụng từ Hán Việt. Gạch chân từ Hán Việt đó.

Trả lời:

Những tín hiệu báo thu về được nhà thơ Hữu Thỉnh miêu tả thật sâu sắc qua khổ thơ đầu bài thơ “Sang thu”. Đối với Hữu Thỉnh, mùa thu đến không phải là với sắc vàng của hoa cúc, sắc trời xanh biếc hay là mùi hương cốm mới,.....mà là với mùi hương ổi nồng nàn ngọt ngào được làn gió thu đưa đến “Bỗng nhận ra hương ổi”. Động từ “phả” làm cho làn hương ổi không bị tan ra loãng đi mà như được sánh lại ở độ đậm nhất trong làn gió se - làn gió heo may mang hơi lạnh và khô. Cùng với hương ổi phả vào trong làn gió se nhè nhẹ của mùa thu là làn sương chùng chình được giăng mắc trước ngõ: “Sương chùng chình qua ngõ”. Từ láy “chùng chình” diễn tả làn sương mỏng nhẹ chầm chậm chuyển động trong không gian. Ẩn trong hình ảnh đó, nghệ thuật nhân hoá khiến cho làn sương như mang tâm trạng của con người. Nó cũng như cố ý chậm lại để cảm nhận vẻ đẹp của phút giao mùa. Từ “ngõ” ở đây vừa có thể hiểu là ngõ tả thực và cũng có thể hiểu là ngõ cửa giao mùa giữa hạ và thu. Ở câu cuối, tình thái từ “hình như” chỉ cái không chắc chắn kết hợp với phó từ “đã” chỉ cái đã xảy ra đã diễn tả được tình yêu mùa thu của tác giả. Cùng với đó, từ “bỗng” ở câu thơ đầu cũng thể hiện tâm trạng bất ngờ, ngạc nhiên của người thi sĩ, nó kéo con người ta ra khỏi bộn bề của công việc để trở về với thiên nhiên. Và dường như nhà thơ quá yêu mùa thu, quá khao khát, mong chờ mùa thu nên khi thu đến, nhà thơ cũng không dám tin là thu đã về. Đây chính là một lời thông báo đầy ý nhị của tác giả: Thu đã về. Bằng sự cảm nhận tinh tế, một hồn thơ nhẹ nhàng, khả năng kết hợp từ thật độc đáo, nhà thơ đã vẽ nên bức tranh phút giao mùa lúc sang thu thật đẹp, qua đó thể hiện tình yêu mùa thu, tình yêu thiên nhiên của chính bản thân mình.

=> Giáo án Ngữ văn 8 chân trời Bài 3 Thực hành tiếng Việt: Nghĩa của một số yếu tố Hán Việt thông dụng và nghĩa của những từ có chứa yếu tố Hán Việt đó

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay