Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo Bài 4 văn bản 1, 2: Vắt cổ chày ra nước, may không đi giày

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 4 văn bản 1, 2: Vắt cổ chày ra nước, may không đi giày. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo

BÀI 4: SẮC THÁI CỦA TIẾNG CƯỜI (TRUYỆN CƯỜI)

VĂN BẢN 1,2: VẮT CỔ CHÀY RA NƯỚC, MAY KHÔNG ĐI GIÀY

 

I. NHẬN BIẾT (05 câu)

Câu 1: Nêu khái niệm truyện cười và các loại nhân vật thường xuất hiện trong truyện cười.

Trả lời:

- Khái niệm: Truyện cười là thể loại tự sự dân gian chứa đựng yếu tố gây cười, nhằm mục đích giải trí hoặc phê phán, châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu trong cuộc sống. Truyện cười là một trong những biểu hiện sinh động cho tính lạc quan, trí thông minh sắc sảo của tác giả dân gian.

- Nhân vật trong truyện cười thường có 2 loại:

+ Loại 1 là những nhân vật mang thói xấu phổ biến trong xã hội như: lười biếng, tham ăn, keo kiệt,… hoặc mang thói xấu gắn với bản chất của một tầng lớp xã hội cụ thể. Đây chính là đối tượng mà tiếng cười hướng đến. Bằng các thủ pháp trào phúng, tác giả dân gian biến các kiểu nhân vật này thành những bức chân dung hài hước, lạ đời, tạo nên tiếng cười vừa mang ý nghĩa xã hội vừa có giá trị thẩm mĩ.

+ Loại 2 là những nhân vật tích cực, dùng trí thông minh, sắc sảo, khôn ngoan để vạch trần, chế giễu, đả kích những hiện tượng và những con người xấu xa của xã hội phong kiến hoặc dùng khiếu hài hước để thể hiện niềm vui sống, tinh thần lạc quan trước sự trù phú của môi trường thiên nhiên hay những thách thức do chính môi trường sống mang lại.

Câu 2: Nêu một số thủ pháp gây cười thường gặp trong truyện cười.

Trả lời:

- Tạo tình huống trào phúng bằng cách:

+ Tô đậm mâu thuẫn giữa bên trong và bên ngoài, giữa thật và giả, giữa lời nói và hành động,…

+ Kết hợp khéo léo lời người kể chuyện và lời nhân vật hoặc lời của các nhân vật, tạo nên những liên tưởng, đối sánh bất ngờ, hài hước, thú vị.

- Sử dụng các biện pháp tu từ giàu tính trào phúng (lối nói khoa trương, phóng đại, chơi chữ,…)

Câu 3: Hai câu chuyện Vắt cổ chày ra nước May không đi giày nói đến thói xấu nào?

Trả lời:

Hai câu chuyện “Vắt cổ chày ra nước” và “May không đi giày” nói đến thói xấu là keo kiệt.

Câu 4: Phương thức biểu đạt được sử dụng trong 2 văn bản Vắt cổ chày ra nước May không đi giày là gì?

Trả lời:

Phương thức biểu đạt: tự sự.

Câu 5: Nhân vật ông chủ nhà và nhân vật “ông hà tiện” trong 2 câu chuyện Vắt cổ chày ra nước May không đi giày thuộc kiểu nhân vật nào trong truyện cười?

Trả lời:

Nhân vật ông chủ nhà và nhân vật “ông hà tiện” trong 2 câu chuyện “Vắt cổ chày ra nước” và “May không đi giày” thuộc kiểu nhân vật mang thói hư tật xấu trong xã hội.

 

II. THÔNG HIỂU (05 câu)

Câu 1: Em hiểu thế nào là keo kiệt?

Trả lời:

Keo kiệt là chỉ hà tiện đến mức bủn xỉn, chỉ biết khư khư giữ của cho riêng mình.

Câu 2: Trong câu chuyện Vắt cổ chày ra nước, người đầy tớ mượn ông chủ cái chày giã cua có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Trong câu chuyện “Vắt cổ chày ra nước”, người đầy tớ mượn ông chủ cái chày giã cua có ý nghĩa châm biếm, mỉa mai và chê trách chủ nhà vì tính keo kiệt bủn xỉn. Mồ hôi từ tay của người làm thấm vào chày giã cua nên việc vắt chày gỗ để ra được nước là cách nói quá về đức tính keo kiệt bủn xỉn đến tận cùng của người chủ nhà.

Câu 3: Trong câu chuyện May không đi giày, vì sao lời giải thích của nhân vật “ông hà tiện” lại gây bất ngờ đối với người đọc?

Trả lời:

Lời giải thích của nhân vật “ông hà tiện” lại gây bất ngờ đối với người đọc bởi có sự ngược đời, lạ đời, trái với quy luật tự nhiên, khi xảy ra sự cố mọi người sẽ lo cho sức khỏe, tính mạng nhưng nhân vật trong truyện lại sợ đôi giày bị rách mũi mặc cho ngón chân đang chảy máu của mình.

Câu 4: Ý nghĩa và bài học rút ra từ 2 câu chuyện Vắt cổ chày ra nướcMay không đi giày là gì?

Trả lời:

- Ý nghĩa: phê phán tính keo kiệt, bủn xỉn và ích kỉ của một số người trong xã hội.

- Bài học: Câu chuyện cho ta thấy được sự khổ sở, bị bóc lột tận cùng của những người lao động nghèo khổ trong xã hội phong kiến. Từ đó, ta rút ra bài học về cách sống: không nên sống keo kiệt mà phải biết giúp đỡ người khác.

Câu 5: Theo em, tác giả dân gian sáng tạo các câu chuyện trên với mục đích gì? Nhận xét về cách nhìn cuộc sống, con người của tác giả dân gian thông qua các truyện cười này.

Trả lời:

- Tác giả dân gian sáng tạo các câu chuyện trên với mục đích: Tạo tiếng cười, mua vui, giải trí lành mạnh, vui vẻ, đặc biệt là để phê phán, châm biếm các thói hư tật xấu của con người.

- Cách nhìn cuộc sống, con người của tác giả dân gian thông qua các truyện cười này: Thể hiện sự vui vẻ, lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống, đồng thời thể hiện sự thâm thúy của ông cha khi định hướng, thay đổi con người một cách nhẹ nhàng mà sâu cay.

 

III. VẬN DỤNG (03 câu)

Câu 1: So sánh thủ pháp gây cười trong 2 câu chuyện.

Trả lời:

Thủ pháp

Giống nhau

Khác nhau

Vắt cổ chày ra nước

May không đi giày

Tạo tình huống trào phúng

Bất ngờ, gây sự tò mò, hấp dẫn, hài hước

Keo kiệt, tính toán chi li với người khác

Keo kiệt với chính bản thân mình

Sử dụng biện pháp tu từ

Chơi chữ

Chơi chữ đến từ người khác

Chơi chữ đến từ chính bản thân nhân vật

Câu 2: So sánh keo kiệt và tiết kiệm.

Trả lời:

- Keo kiệt là cách sống hà tiện, bủn xỉn, chỉ biết giữ của cho mình hoặc thậm chí là keo kiệt với chính bản thân mình.

- Ngược lại tiết kiệm là lối sống tích cực, chi tiêu hợp lý, biết chia sẻ nhưng không hoang phí.

- Ví dụ khi cùng chi tiền để đầu tư cho sức khỏe, những người keo kiệt sẽ nghĩ chỉ cần ăn nhiều, không cần cải thiện bữa ăn, không cần bổ sung thêm các chất, không khám sức khỏe định kỳ. Trong khi đó, những người tiết kiệm sẽ chi tiêu hợp lí, hạn chế mua những thứ không cần thiết, để tiền đi thăm khám, mua thêm các thực phẩm chức năng hỗ trợ cải thiện sức khỏe.

Câu 3: Sưu tầm những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sự keo kiệt.

Trả lời:

- Lấy anh mà cậy mà nhờ

Ăn hơn miếng cháy anh làm tờ để ra.

- Mồm nhà, điếu mượn, thuốc đi xin

Diêm đánh thó, nỏ hề mất chi cả.

- Của mình thì giữ bo bo

Của người thì muốn ngả mo mà đùm.

- Nói thì như mây như gió

Cho thì lựa những vỏ cùng xơ.

- Uống nước không chừa cặn.

 

IV. VẬN DỤNG CAO (02 câu)

Câu 1: So sánh truyện cười và truyện ngụ ngôn.

Trả lời:

 

Truyện cười

Truyện ngụ ngôn

Giống nhau

- Cùng thuộc loại truyện dân gian.

- Kết cấu truyện ngắn gọn, đơn giản.

- Đều có tính chất gây cười.

Khác nhau

- Dùng yếu tố gây cười , thú vị , kết thúc bất ngờ. 

- Có mục đích: mỉa mai, châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu, những quan niệm cổ hủ,... của con người trong xã hội cũ.

- Mượn hình ảnh, lời nói, hành động,... của loài vật để ngụ ý chỉ con người.

- Có mục đích giáo dục, khuyên răn, hướng con người tới cái chân, thiện, mỹ.

Câu 2: Viết bài văn bàn về tính tiết kiệm của con người.

Trả lời:

  1. Mở bài: 

Dẫn dắt vào vấn đề nghị luận: khẳng định ý nghĩa của sự tiết kiệm.

  1. Thân bài:
  2. Giải thích: Thế nào là tiết kiệm?

Tiết kiệm là sử dụng của cải, vật liệu.. một cách đúng mức, không xa hoa, lãng phí, sử dụng của cải vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình, xã hội vào những việc vô ích.

  1. Biểu hiện của tiết kiệm

- Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, keo kiệt, không phải là coi trọng đồng tiền một cách quá đáng, cần chi tiêu cũng không dám chi tiêu, gặp việc cần đóng góp cũng không đóng góp.

- Tiết kiệm cũng không phải là dè sẻn, để dành, cất kín những tiền của dư thừa, mà ngược lại, cần làm cho nó sinh sôi nảy nở (VD: Người dân nào có tiền chưa dùng đến, nên đem gửi vào ngân hàng, vào quỹ tiết kiệm, sẽ ích nước lợi nhà)

- Sử dụng tiền bạc, của cải vật chất, sức lao động, thời gian.. một cách hợp lí, đúng mức, không lãng phí cũng là tiết kiệm.

  1. Nguyên nhân tại sao phải tiết kiệm

- Đó là truyền thống của người Việt Nam.

+ Chúng ta đã có những tấm gương sáng ngời như Cụ Hồ, vua Lý Thái Tổ “mặc áo sô, đi giày gai”.

+ Chọn đồ thì chọn những thứ “nồi đồng cối đá”, đồ hư thì sửa lại dùng chứ không bao giờ vứt đi cả đống.

+ Trong kháng chiến luôn có các câu khẩu hiệu: “Cần kiệm để kháng chiến”

- Tiết kiệm là quốc sách, bởi vì tiết kiệm đem lại lợi ích to lớn cho con người và xã hội.

+ Đối với đất nước Việt Nam ta chưa phát triển, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, hằng năm hứng chịu biết bao thiên tai.. thì phải tiết kiệm tiết kiệm để tích lũy vốn, phát triển sản xuất, góp phần đưa đất nước phát triển tiến lên, phồn vinh, thịnh vượng, cải thiện đời sống nhân dân.

+ Tiết kiệm giúp đỡ gia đình làm giảm chi tiêu, gánh nặng cho gia đình.

+ Tiết kiệm là biểu hiện của nếp sống văn minh, văn hóa, là biểu hiện đạo đức mỗi người. Người sống tiết kiệm sẽ được mọi người yêu mến, kính trọng. Kẻ xa hoa ăn xổi ở thì chỉ khiến người ta ghét bỏ khinh bỉ. Xưa nay, những kẻ có thói xấu ném tiền qua cửa sổ đều mau chóng thất cơ lỡ vận, còn những người biết chỉ tiêu hợp lí và thực sự tiết kiệm thì ngày càng giàu có.

+ Giúp chủ động cho tương lai, nhất là những lúc gặp khó khăn hoạn nạn, lúc người nhân, bạn bè cần giúp đỡ.

  1. Cần tiết kiệm như thế nào?

Ai cũng cần tiết kiệm, tiết kiệm mọi nơi mọi lúc:

- Tiết kiệm tiền của, vật tư trong sản xuất, trong sinh hoạt, trong tiêu dùng của toàn xã hội cũng như của mỗi cá nhân.

- Tiết kiệm thời giờ, sử dụng giờ hợp lý, có hiệu quả.

- Tiết kiệm sức lao động (cải tiến, sắp xếp hợp lý nhất mọi công việc được phân công, tránh làm hùng hục, vô tổ chức).

- Học sinh thì phải biết tiết kiệm thời giờ, đồ dùng, giấy bút, giữ gìn và bảo vệ tài sản của công và của riêng mình như sách giáo khoa, đồ dùng học tập, bàn ghế trường lớp..

- Em luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân, em luôn chăm chỉ học tập và phụ giúp bố mẹ.

- Không chỉ tự mình thực hành tiết kiệm mà chúng ta nên vận động mọi người cùng hưởng ứng chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Nhà nước.

  1. Phê phán, mở rộng vấn đề

- Một số bạn luôn suy nghĩ lệch lạc, gia đình bạn khá giỏi nên bạn muốn tiêu xài bao nhiêu thì tiêu, không biết tiết kiệm vì bạn luôn nghĩ dù có tiêu xài thế nào cũng chẳng ảnh hưởng gì đến đất nước, mà tiết kiệm thì sợ bạn bè chê trách là bủn xỉn. Những suy nghĩ đó các bạn nên dùng lại và suy nghĩ một cách đúng đắn hơn.

- Cần phân biệt tiết kiệm với lối sống ki bo, bủn xỉn, chỉ biết đến bản thân mình.

  1. Kết bài

Tiết kiệm là một đức tính tốt mà mỗi người chúng ta cần học tập, chúng ta cần phải hiểu rõ được trách nhiệm của bản thân trong việc thực hành tiết kiệm. 





=> Giáo án Ngữ văn 8 chân trời Bài 4 Đọc 1: Vắt cổ chày ra nước; May không đi giày

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay