Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo Bài 2 Thực hành Tiếng Việt
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 2 Thực hành Tiếng Việt. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo
Xem: => Giáo án ngữ văn 8 chân trời sáng tạo
THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT
(15 câu)
I. NHẬN BIẾT (06 câu)
Câu 1: Nêu khái niệm đoạn văn, câu chủ đề của đoạn văn.
Trả lời:
- Đoạn văn là đơn vị tạo nên văn bản, thường do nhiều câu tạo thành, bắt đầu bằng chữ hoa lùi vào đầu dòng, kết thúc bằng dấu ngắt đoạn.
- Câu chủ đề của đoạn văn là câu mang nội dung khái quát của đoạn, thường đứng đầu hoặc cuối đoạn.
Câu 2: Nêu một số kiểu đoạn văn thường gặp.
Trả lời:
Một số đoạn văn thường gặp:
- Đoạn văn diễn dịch là đoạn văn có câu chủ đề mang ý khái quát đứng đầu đoạn; các câu còn lại triển khai cụ thể ý của câu chủ đề, bổ sung, làm rõ câu chủ đề.
- Đoạn văn quy nạp là đoạn văn được trình bày đi từ các ý nhỏ đến ý lớn, từ các ý chi tiết đến ý khái quát. Câu chủ đề nằm ở vị trí cuối đoạn.
- Đoạn văn song song là đoạn văn trong đó các câu triển khai nội dung song song nhau. Mỗi câu nêu một khía cạnh của chủ đề đoạn văn, làm rõ cho nội dung đoạn văn.
- Đoạn văn phối hợp là đoạn văn kết hợp diễn dịch với quy nạp. Kiểu đoạn văn này có câu chủ đề đứng ở đầu và cuối đoạn văn.
Câu 3: Đoạn văn sau là loại đoạn văn gì? Dựa vào đâu em biết điều đó?
Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. Nói thế có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Nói thế cũng có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kì lịch sử.
Trả lời:
Đoạn văn trên là đoạn văn diễn dịch vì có câu chủ đề được đặt ở đầu đoạn (Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay.), khẳng định hai nét đặc sắc của tiếng Việt là đẹp và hay. Các câu tiếp theo nói rõ cái đẹp, cái hay thể hiện cụ thể như thế nào.
Câu 4: Đoạn văn sau là loại đoạn văn gì? Dựa vào đâu em biết điều đó?
Đề cao sự khác biệt không phải là cổ động cho lối sống cá nhân ích kỉ, hẹp hòi, chối bỏ mọi trách nhiệm. Đề cao sự khác biệt không có nghĩa chấp nhận những sự kì dị, quái đản cốt làm cho cá nhân nổi bật giữa đám đông, xa lạ với văn hóa truyền thống của dân tộc. Đề cao sự khác biệt cũng không đồng nghĩa với việc tán thành lối sống tự do vô mục đích. Xét cho cùng, chỉ sự khác biệt nào toát lên được giá trị của cá nhân và có ích cho cộng đồng thì mới thực sự có ý nghĩa, đáng được đề cao.
Trả lời:
Đoạn văn trên là đoạn văn quy nạp vì 3 câu đầu nêu biểu hiện của sự khác biệt tầm thường, vô nghĩa, từ đó, câu chủ đề ở cuối đoạn văn (Xét cho cùng, chỉ sự khác biệt nào toát lên được giá trị của cá nhân và có ích cho cộng đồng thì mới thực sự có ý nghĩa, đáng được đề cao.) mới có cơ sở để khẳng định sự khác biệt có ý nghĩa, đáng được đề cao.
Câu 5: Đoạn văn sau là loại đoạn văn gì? Dựa vào đâu em biết điều đó?
Cần tạo cho trẻ em cơ hội tìm biết được nguồn gốc lai lịch của mình và nhận thức được giá trị của bản thân trong một môi trường mà các em cảm thấy là nơi nương tựa an toàn, thông qua gia đình hoặc những người khác trông nom các em tạo ra. Phải chuẩn bị để các em có thể sống một cuộc sống có trách nhiệm trong một xã hội tự do. Cần khuyến khích trẻ em ngay từ lúc còn nhỏ tham gia vào sinh hoạt văn hóa xã hội.
Trả lời:
Đoạn văn trên là đoạn văn song song vì mỗi câu trong đoạn văn nêu một điều cần làm để đáp ứng quyền lợi của trẻ em. Mặc dù đoạn văn không có câu chủ đề nhưng tất cả các câu trong đoạn cùng thể hiện một chủ đề là: trách nhiệm đối với trẻ em.
Câu 6: Đoạn văn sau là loại đoạn văn gì? Dựa vào đâu em biết điều đó?
Bị cười, không phải mọi người đều phản ứng giống nhau. Có người tỏ thái độ mặc kệ, bất cần, ai cười, người ấy nghe. Có người, nhân bị thiên hạ cười mà nghiêm túc soi xét bản thân, lặng lẽ sửa mình. Nhưng cũng có những người, bị tiếng cười của đám đông nhằm tới, do thiếu bản lĩnh, nên hoảng hốt, lo âu và tưởng rằng khiếm khuyết của mình là rất nghiêm trọng. Rơi vào bế tắc, họ tìm lối thoát trong hành vi tiêu cực. Như vậy, sự cười nhạo chẳng phải đã vô tình làm hại người ta đó sao?
Trả lời:
Đoạn văn trên là đoạn văn phối hợp vì đoạn văn có câu mở đầu (Bị cười, không phải mọi người đều phản ứng giống nhau.) nêu chủ đề của đoạn: mọi người sẽ có phản ứng khác nhau khi bị chê cười. Bốn câu tiếp nêu các kiểu phản ứng cụ thể. Câu cuối đoạn (Như vậy, sự cười nhạo chẳng phải đã vô tình làm hại người ta đó sao?) khái quát tác hại của sự cười nhạo đối với con người.
II. THÔNG HIỂU (05 CÂU)
Câu 1: Tìm câu chủ đề trong đoạn văn sau, từ đó xác định kiểu đoạn văn.
Ta thường nghe: Kỉ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay chết theo nạn của vua; Kính Đức, một chàng trai tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung; Cảo Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa, các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nữ nhi thường tình, thì cũng chết già ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ được!
Trả lời:
- Câu chủ đề: Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nữ nhi thường tình, thì cũng chết già ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ được!
- Kiểu đoạn văn: Đoạn văn quy nạp.
Câu 2: Xác định kiểu đoạn văn của đoạn văn sau đây. Phân tích tác dụng của cách thức tổ chức đó.
Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc, yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ,… Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.
Trả lời:
- Đoạn văn phối hợp.
- Tác dụng: Khẳng định chắc chân chân lí mà Bác Hồ muốn nói tới là “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước” không phân biệt địa vị, độ tuổi,…
Câu 3: Đoạn văn sau được tổ chức theo kiểu nào? Chủ đề của đoạn văn là gì? Dựa vào đâu em nhận biết được điều đó?
Không gian yên tĩnh bỗng bừng lên những âm thanh của dàn hòa tấu, bởi bốn nhạc khúc lưu thủy, kim tiền, xuân phong, long hổ du dương trầm bổng, rét rắt mở đầu đêm ca Huế. Nhạc công dùng các ngón đàn trau chuốt như ngón nhấn, mổ, vỗ, vả, ngón bấm, day, chớp, búng, ngón phi, ngón rãi. Tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người.
Trả lời:
- Đoạn văn trên là đoạn văn song song.
- Chủ đề của đoạn văn là: Giai điệu ca Huế du dương, mềm mại, trầm bổng trên sông Hương.
- Cơ sở nhận biết: trong đoạn văn có những từ ngữ về âm nhạc ca Huế như “dàn hòa tấu”, “khúc lưu thủy, kim tiền, xuân phong, long hổ”, các ngón đàn.
Câu 4: Sắp xếp các câu sau đây thành đoạn văn diễn dịch.
(1) Một cô Tấm (trong truyện Tấm Cám) bao lần bị hại, cuối cùng vẫn được làm hoàng hậu, nhưng mụ dì ghẻ và Cám – những kẻ lắm mưu mô tàn ác thì bị trừng phạt đích đáng.
(2) Một Thạch Sanh (truyện Thạch Sanh) chất phác, thật bụng tin người, dẫu trải qua bao khổ nạn, oan khuất rồi đến lúc cũng cưới được công chúa và lên ngôi, còn Lý Thông lừa lọc, xảo trá thì trời đất không dung tha.
(3) Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo là ước mơ công bằng được nhân dân gửi gắm vào truyện cổ tích.
(4) Một người em (truyện Cây khế) thật thà, hiền lành, bị anh đối xử bất công, ai ngờ cuộc sống về sau lại giàu sang, hạnh phúc, trong khi người anh tham lam thì bỏ mạng giữa biển khơi.
Trả lời:
Thứ tự sắp xếp: có nhiều cách sắp xếp
- (3) -> (1) -> (2) -> (4)
- (3) -> (1) -> (4) -> (2)
- (3) -> (2) -> (1) -> (4)
- (3) -> (2) -> (4) -> (1)
- (3) -> (4) -> (1) -> (2)
- (3) -> (4) -> (2) -> (1)
Câu 5: Xác định câu chủ đề và nội dung của đoạn văn sau.
Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được. Suy cho cùng, chân lí, những chân lí lớn của nhân dân ta cũng như của thời đại là giản dị: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi”,… Những chân lí giản dị mà sâu sắc đó thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng, cách mạng.
Trả lời:
- Câu chủ đề: Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được.
- Nội dung đoạn văn: Sự giản dị của Bác Hồ trong lời nói và bài viết.
III. VẬN DỤNG (02 câu)
Câu 1: Xác định kiểu đoạn văn và cho biết dựa vào đâu em xác định được. Phân tích tác dụng của cách tổ chức đoạn văn đó.
Đồng phục không chỉ đẹp mà còn góp phần tạo nên bản sắc của mỗi trường. Cậu này là học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, bạn ấy thuộc Trường THCS Lương Thế Vinh, còn cô bé kia học ở Trường THCS Đặng Thai Mai,… tất cả đều được nhận ra nhờ bộ đồng phục mà họ mặc. Trong cuộc thi “Nhóm bạn lí tưởng” ở huyện, “màu cờ sắc áo” không chỉ thể hiện ở tài trí của năm bạn trong đội hình thi đấu trên sân khấu, mà còn ở các nhóm cổ động viên tưng bừng, nổi bật trong bộ đồng phục của trường mình trên khán đài.
Trả lời:
- Đoạn văn trên là đoạn văn diễn dịch vì có câu chủ đề nằm ở đầu đoạn văn (Đồng phục không chỉ đẹp mà còn góp phần tạo nên bản sắc của mỗi trường.), các câu còn lại triển khai làm rõ cho câu chủ đề.
- Tác dụng của cách tổ chức đoạn văn theo kiểu diễn dịch: người đọc dễ dàng nắm bắt nội dung chính của đoạn văn nhờ câu chủ đề ở đầu đoạn.
Câu 2: Xác định kiểu đoạn văn và cho biết dựa vào đâu em xác định được. Phân tích tác dụng của cách tổ chức đoạn văn đó.
Lúc đầu, mọi người nghĩ rằng chim di cư là để tránh cái lạnh của mùa đông, tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng điều này không hoàn toàn đúng. Những nơi mà loài chim này di cư tới so với nơi chúng sinh ra đều có khí hậu ôn đới khá tương đồng tại cùng một thời điểm. Về mặt lí thuyết, nếu chúng ở lại nơi được sinh ra vào mùa đông thì điều kiện khí hậu ở đó cũng không ảnh hưởng nhiều và chúng vẫn có thể sống sót bình thường. Vậy tại sao chúng vẫn phải thực hiện một hành trình dài để di cư hằng năm? Về vấn đề này, các nhà khoa học vẫn cảm thấy bối rối và chưa thể tìm được câu trả lời.
Trả lời:
- Kiểu đoạn văn: phối hợp
- Cơ sở nhận biết: Câu chủ đề ở đầu và cuối đoạn văn, các câu ở giữa tập trung làm sáng tỏ nội dung đoạn văn là nguyên nhân các loài chim di cư vào mùa đông.
- Tác dụng: Khẳng định rằng chưa có câu trả lời cho hiện tượng các loài chim di cư vào mùa đông.
IV. VẬN DỤNG CAO (02 câu)
Câu 1: Từ bài thơ Trong lời mẹ hát (Trương Nam Hương), em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 – 12 câu) theo hình thức phối hợp để bày tỏ suy nghĩ của mình về phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam.
Trả lời:
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa và nay vẫn luôn mang những giá trị đạo đức, phẩm chất cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Theo dòng thời gian, người phụ nữ Việt Nam đều để lại dấu ấn của mình trên hành trình xây dựng và phát triển lịch sử và xã hội. Khi đất nước ta kết thúc 1000 năm Bắc thuộc và bước vào thời kì độc lập, do sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, người phụ nữ để lại trong ta những ấn tượng về sự cam chịu số phận, về việc định kiến bởi những tư tưởng “tam tòng tứ đức”, “trọng nam khinh nữ”,… Họ còn có số phận lênh đênh, bấp bênh, chìm nổi, không được nắm trong tay quyền sống của mình “Thân em vừa trắng lại vừa tròn/ Bảy nổi ba chìm với nước non”. Thế nhưng ở họ, là vẻ đẹp nhan sắc “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”, “sắc sảo mặn mà”, là vẻ đẹp tài năng trí tuệ hơn người như bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương với một cá tính mạnh mẽ, dám cất lên tiếng nói đòi lại công bằng cho người phụ nữ trong xã hội xưa. Và hơn hết, dù các quốc gia sang xâm lược nước ta nhiều lần thực hiện chính sách đồng hóa nhưng những người phụ nữ tuy nhỏ bé ấy nhưng lại đóng góp một phần công lao quan trọng trong việc giữ gìn nền văn hiến, văn hóa dân tộc. Bước sang thời kì xây dựng xã hội chủ nghĩa, đối mặt với sự đô hộ của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tất cả người dân mọi tầng lớp, mọi giới tính, mọi độ tuổi đều tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập Tổ quốc. Chúng ta không khỏi xót xa cho 10 cô gái thanh niên xung phong đã hi sinh ở độ tuổi xuân thì ở ngã ba Đồng Lộc khi bị bom Mỹ ném trúng. Đối lập với hình ảnh người phụ nữ trong xã hội cũ, người phụ nữ hiện đại đã có quyền tự quyết định lấy số phận, cuộc đời của mình, tiếng nói của họ được đề cao, được lắng nghe. Người phụ nữ ngày nay có những quyền bình đẳng như nam giới, thậm chí họ còn giữ vai trò quan trọng trong các cơ quan lớn. Không chỉ có vai trò “đối ngoại”, những người phụ nữ ấy vẫn là những người vợ hiền dâu thảo, là những người mẹ với tình yêu vô bờ bến và sự hi sinh thầm lặng cả đời dành cho con cháu. Như vậy, dù lúc nào, dù ở đâu, người phụ nữ Việt Nam xưa và nay đều đáng trân trọng, tôn vinh.
Câu 2: Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất. (I-li-a Ê-ren-bua). Hãy xem đây là câu chủ đề, từ đó viết đoạn văn diễn dịch hoặc quy nạp.
Trả lời:
- Đoạn văn diễn dịch:
Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất. Lòng yêu nước chính là tình yêu quê hương đất tổ nơi mình sinh ra và lớn lên. Lòng yêu nước có thể là yêu lũy tre xanh bao quanh làng, yêu dòng sông chảy trước nhà, yêu chân ruộng thơm mùi gốc rạ, yêu con cò đứng khoan thai trên đồng bên dáng mẹ còng lưng làm cỏ lúa… Tình cảm ấy đơn giản, gần gũi và nằm ngay trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của mỗi người. Mỗi chúng ta từ lúc sinh ra cho tới lúc lớn khôn và trưởng thành thì gia đình là nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ. Đó là nơi chúng ta cần yêu thương đầu tiên. Mai này chúng ta lớn lên có trường học, xã hội, những người bạn xung quanh. Chúng ta cần phải san sẻ tình yêu thương của mình cho tất cả mọi người nếu có thể. Đôi khi lòng yêu nước chỉ là tình cảm đơn giản, bình dị như vậy nhưng lại có ý nghĩa rất lớn.
- Đoạn văn quy nạp:
Lòng yêu nước là tình yêu đối với quê hương, đất nước; nỗ lực cố gắng không ngừng để dựng xây và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. Lòng yêu nước là tình cảm cao cả, thiêng liêng của mỗi người dành cho quê hương đất nước. Đó là yêu sông, yêu núi, yêu làng, yêu xóm, yêu người dân sống trên mảnh đất hình chữ S. Tình cảm ấy đơn giản, gần gũi và nằm ngay trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của mỗi người. Mỗi chúng ta từ lúc sinh ra cho tới lúc lớn khôn và trưởng thành thì gia đình là nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ. Đó là nơi chúng ta cần yêu thương đầu tiên. Mai này chúng ta lớn lên có trường học, xã hội, những người bạn xung quanh. Chúng ta cần phải san sẻ tình yêu thương của mình cho tất cả mọi người nếu có thể. Đôi khi lòng yêu nước chỉ là tình cảm đơn giản, bình dị như vậy nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất.