Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo Bài 6 văn bản 1: Nam Quốc Sơn Hà

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 6 văn bản 1: Nam Quốc Sơn Hà. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo

BÀI 6: TÌNH YÊU TỔ QUỐC

VĂN BẢN 1: NAM QUỐC SƠN HÀ
(12 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Hãy trình bày hiểu biết của em về tác giả, tác phẩm.

Trả lời:

- Tác giả: Cho đến nay, vẫn chưa xác định được chính xác ai là tác giả bài thơ này. 

- Tác phẩm: 

+ Hoàn cảnh ra đời:

Sử cũ chép rằng: năm 1077, quân Tống xâm lược nước ta, vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt (1019 – 1105), một trong những danh tướng xuất sắc nhất thời Lý, đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt (một khúc của sông Cầu, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Bỗng một đêm, quân sĩ chợt nghe tiếng ngâm bài thơ này trong đền thờ Trương Hồng và Trương Hát (hai vị tướng giỏi thời Triệu Quang Phục).

+ Xuất xứ: In trong “Tổng hợp văn học Việt Nam”, tập một, Ngô Linh Ngọc dịch, NXB Khoa học Xã hội, 1980).

+ PTBĐ chính: Biểu cảm

+ Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt luật Đường.

+ Giá trị nội dung:

*Là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.

*Khẳng định chủ quyền đất nước. 

*Sự khẳng định tuyệt đối cùng quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền trước những kẻ xâm lăng, cảnh báo bất cứ kẻ nào dám xâm phạm vào bờ cõi nước Nam đều phải chuốc lấy bại vong.

+ Giá trị nghệ thuật:

*Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt súc tích, cô đọng.

*Lời thơ đanh thép, giọng điệu hào hùng, dõng dạc.

*Cảm xúc dồn nén trong từng câu chữ.

 

Câu 2: Nêu chủ đề và cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

Trả lời:

- Chủ đề: Tình yêu nước và lòng tự hào về độc lập chủ quyền lãnh thổ dân tộc.

- Cảm hứng chủ đạo: Xuyên suốt bài thơ là tiếng nói yêu nước, khẳng định độc lập chủ quyền và tinh thần quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của quốc giả, dân tộc. Ẩn sâu trong dòng cảm xúc đó là niềm tự hào dân tộc, ý chí và sức mạnh Việt Nam. Nam quốc sơn hà là khúc “thần ca” chống xâm lăng, biểu lộ khí phách, ý chí tự lực tự cường của đất nước và con người Việt Nam. 

 

Câu 3: Xác định bố cục của bài thơ.

Trả lời:

- Gợi ý: có 2 cách

+ Theo thể thơ, bố cục gồm 4 phần:

Câu 1: Khai – mở vấn đề: Nước Nam là một nước có chủ quyền, có vua.

Câu 2: Thừa – tiếp tục phát triển ý của câu 1: Điều đó được ghi rõ ở sách trời.

Câu 3: Chuyển: Hỏi tội kẻ thù.

Câu 4: Hợp – khép lại, khẳng định vấn đề: Quân giặc mà sang xâm lược thì chắc chắn chịu kết cục thảm hại.

+ Theo nội dung, bố cục gồm 2 phần:

Câu 1 – 2: Lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, dân tộc.

Câu 3 – 4: Sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc của nhân dân Việt Nam.

 

Câu 4: Em hiểu thế nào là “thiên thư”?

Trả lời:

+ Thiên: trời

+ Thư: sách

=> Thiên thư: sách trời

=> Trong bài thơ “Nam quốc sơn hà”, “Thiên thư” được hiểu thâm sâu hơn, ý nói đến các ngôi sao trên bầu trời, ứng với cương vực của một nước, là điều được công nhận từ ngàn xưa và được xem là “ý trời”.

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết Nam quốc sơn hà là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt luật Đường? 

Trả lời:

- Dấu hiệu giúp em nhận biết bài thơ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt luật Đường:

+ Bài thơ có 4 câu, mỗi câu 7 chữ.

+ Câu 1,2,4 có sự hiệp vần, là vần “ư”.

+ Nhịp thơ: 4/3.

 

Câu 2: Hãy cho biết bài thơ được làm theo luật bằng hay luật trắc và đã tuân thủ quy định về luật, niêm, vần, đối của một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt luật Đường như thế nào?

Trả lời:

- Bài thơ được làm theo luật trắc (tiếng thứ 2 của câu một là tiếng thanh trắc).

- Bài thơ đã tuân thủ quy định về luật, niêm, vần, đối của một bài thơ thất ngôn tứ tuyết luật Đường: 

+ Bài thơ có 4 câu, mỗi câu 7 chữ.

+ Áp dụng đúng quy luật “nhất – tam – ngũ bất luận, nhị – tứ – lục phân minh”, tiếng thứ 2, 4, 6 trong các câu được phân chia như sau:

Câu 1: T – B – T

Câu 2: B – T – B

Câu 3: B – T – B

Câu 4: T – B – T 

- Niêm: Câu 1 niêm với câu 4 (tiếng thứ 2 cùng là trắc), câu 2 niêm với câu 3 (tiếng thứ 2 cùng là bằng).

- Vần: Sử dụng vần chân, hiệp vần “ư” ở cuối câu 1, 2, 4.

 

Câu 3: Qua hai câu đầu, tác giả muốn khẳng định điều gì? Từ đó, cho biết:

  1. Tác dụng của cách dùng từ, ngắt nhịp trong câu: Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
  2. Tác dụng của việc nói đến “thiên thư” (sách trời) trong câu thơ thứ hai.

Trả lời:

- Qua hai câu đầu, tác giả muốn khẳng định độc lập chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, dân tộc.

  1. Tác dụng của cách dùng từ, ngắt nhịp trong câu: Nam quốc sơn hà Nam đế cư.

+ Người Trung Quốc khi xưa luôn tự coi mình là trung tâm của vũ trụ nên vua của họ được gọi là “đế”, các nước chư hầu nhỏ hơn bị họ coi là “vương” (vua của những vùng đất nhỏ). Bởi vậy, tác giả đã ngụ ý dùng từ “Nam đế” (vua nước Nam) để hàm ý sánh ngang với “đế” của nước Trung Hoa rộng lớn. Đồng thời, nói “Nam đế cư” để thể hiện rằng nước ta có chủ quyền lãnh thổ, là một quốc gia độc lập, tự chủ.

=> Trong câu thơ, cách dùng từ, ngắt nhịp đã giúp khẳng định: nước ta là nước có Vua, có dân chủ, có chủ quyền lãnh thổ riêng. Đó là sự tự hào, lòng tự tôn dân tộc.

  1. Tác dụng của việc nói đến “thiên thư” (sách trời) trong câu thơ thứ hai.

+ Nói đến “thiên thư” vì quan niệm ngày xưa trời luôn được coi là đấng tối cao.

=> Khẳng định rằng những việc đã được ghi trong “thiên thư” (sách trời) là những điều được quy định bởi đấng tối cao. Vậy nên, việc phân chia bờ cõi đã có ở sách trời, không thể nào chiếm đoạt được.

 

Câu 4: Ở hai câu cuối, tác giả nói về điều gì, nói với ai và bằng thái độ, tình cảm như thế nào?

Trả lời:

- Ở hai câu cuối, tác giả nói với quân giặc bằng thái độ căm hận và khinh bỉ, “nghịch lỗ”  – lũ quân bạo ngược làm trái với ý trời dám đem quân xâm lược nước ta. Đó là lời cảnh báo cũng chính là lời thách thức quân giặc, nhằm khẳng định sự thất bại thảm hại của lũ giặc nếu chúng cố tình xâm phạm nước ta thì chắc chắn sẽ chuốc lấy bại vong.

 

3. VẬN DỤNG (2 câu)

Câu 1: Viết đoạn văn (khoảng 12 – 15 câu) phân tích hai câu đầu trong bài thơ Nam quốc sơn hà để làm sáng rõ lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, dân tộc.

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

- Nội dung cần làm rõ: Lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, dân tộc.

- Phạm vị phân tích: hai câu đầu của bài thơ.

- Dung lượng: 12 – 15 câu.

- Khi phân tích cần lưu ý:

+ Câu thơ 1: Nam quốc sơn hà Nam đế cư

“Nam đế”: Người Trung Quốc khi xưa luôn tự coi mình là trung tâm của vũ trụ nên vua của họ được gọi là “đế”, các nước chư hầu nhỏ hơn bị họ coi là “vương” (vua của những vùng đất nhỏ). Bởi vậy, tác giả đã ngụ ý dùng từ “Nam đế” (vua nước Nam) để hàm ý sánh ngang với “đế” của nước Trung Hoa rộng lớn. Đồng thời, nói “Nam đế cư” để thể hiện rằng nước ta có chủ quyền lãnh thổ, là một quốc gia độc lập, tự chủ.

+ Câu thơ 2: Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

“Thiên thư” (sách trời): Lãnh thổ, địa phận của đất nước đã được ghi tại sách trời.

Điều này khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta là một chân lý không thể chối cãi và thay đổi được.

=> Hai câu thơ đầu là lời khẳng định đanh thép, bản lĩnh về độc lập chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc.

 

Câu 2: Phân tích hai câu cuối của bài thơ Nam quốc sơn hà để làm sáng tỏ sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc của nhân dân ta (bằng một đoạn văn khoảng ½ trang).

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

- Nội dung cần làm rõ: Sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc.

- Phạm vi phân tích: hai câu cuối của bài thơ.

- Dung lượng: ½ trang giấy.

- Khi phân tích cần lưu ý:

+ Câu thơ 3: Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

“Như hà” (cớ sao): câu hỏi tu từ nhằm khẳng định lại chủ quyền dân tộc.

“Nghịch lỗ”: thể hiện một cách rõ ràng thái độ căm hận và khinh bỉ đối với lũ quân bạo ngược làm trái với ý trời dám đem quân xâm lược nước ta. 

+ Câu thơ 4: Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư 

Những kẻ đi xâm lược, cướp nước của dân tộc khác sẽ không có được kết thúc tốt đẹp. Đây là lời cảnh báo cũng chính là lời thách thức quân giặc, nhằm khẳng định sự thất bại thảm hại của lũ giặc nếu chúng cố tình xâm phạm nước ta thì chắc chắn sẽ chuốc lấy bại vong.

=> Hai câu thơ cuối một lần nữa khẳng định lại độc lập chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc. Hơn thế nữa là sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc của nhân dân Việt Nam.

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Nam quốc sơn hà thường được xem là một “bản tuyên ngôn độc lập” bằng thơ trong văn học Việt Nam và còn được gọi là bài thơ “Thần”. Hãy phát biểu ý kiến của em về điều này.

Trả lời:

Gợi ý: 

Nam quốc sơn hà” thường được xem là một “bản tuyên ngôn đọc lập” bằng thơ trong văn học Việt Nam và còn được gọi là bài thơ “Thần”, đây hoàn toàn là hai ý kiến đúng đắn. 

+ Trước hết, nói “Nam quốc sơn hà” là một “bản tuyên ngôn độc lập” bằng thơ bởi tuy chỉ có vỏn vẹn bốn câu với 28 chữ, nhưng bài thơ đã khẳng định được chủ quyền của nước Đại Việt. Trong bài có nhắc đến hai chữ “Nam đế” gắn liền với “Nam quốc” để đề cao tinh thần tự tôn của dân tộc và tư tưởng thoát ly khỏi tư duy nước lớn và tư tưởng bành trướng bá vương của nhà nước phong kiến Trung Quốc. Dùng từ “đế” nhằm khẳng định sự tự chủ, sự độc lập và quyền bình đẳng giữa các nước là như nhau. Suy cho cùng, song hành với “Nam quốc” thì phải là “Nam đế” và ngược lại, đó là tất yếu.

+ Không những vậy, “Nam quốc sơn hà” còn được gọi là một bài thơ “Thần”, bởi trong bài thơ có nhắc đến hai chữ “thiên thư” (tức sách trời). Quan niệm ngày xưa cho rằng: Trời là đấng tối cao. Vậy nên, chủ quyền độc lập dân tộc vốn đã được vạch rõ trong sách trời, “sách thần”, đây là một lí lẽ tất nhiên, không thể chối cãi. Nếu quân giặc có ý định phạm vào thì chắc chắn chỉ có đường diệt vong.

 

Câu 2: Nêu một số cứ liệu lấy từ lịch sử hoặc từ văn chương cho thấy tinh thần và ý chí trong bài thơ Nam quốc sơn hà đã trở thành một truyền thống vẻ vang của dân tộc ta.

Trả lời:

Gợi ý: Tinh thần và ý chí trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” đã trở thành một truyền thống vẻ vang của dân tộc ta thể hiện qua các câu thơ như:

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương,

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,

Song hào kiệt thời nào cũng có.

(Trích trong văn bản “Nước Đại Việt ta”)



=> Giáo án Ngữ văn 8 chân trời Bài 6 Đọc 1: Nam quốc sơn hà

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay