Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối Ôn tập Bài 8: Nhà văn và trang viết (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 8: Nhà văn và trang viết (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 8. NHÀ VĂN VÀ TRANG VIẾT (PHẦN 2)

Câu 1: Nêu vai trò của các loại thành phần biệt lập gọi – đáp và chêm xen (phụ chú)

Trả lời:

- Thành phần tình thái: thành phần thể hiện thái độ, cách đánh giá của người nói (người viết) đối với sự việc được nói tới trong câu.

- Thành phần cảm thán: thành phần được dùng để bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc của người nói, người viết (vui, buồn, ngạc nhiên, tức giận…).

 

Câu 2: Hãy xác định và gọi tên thành phần biệt lập trong câu sau

  1. Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại còn thêm tư dung tốt đẹp.
  2. Trang ơi, mình không đến dự liên hoan được đâu, cả cắm trại nữa. Nhưng bạn đừng nói gì với lớp nhé.

Trả lời:

  1. Câu “người con gái quê ở Nam Xương” là thành phần phụ chú,
  2. Từ “Trang ơi” là thành phần gọi đáp

Câu 3: Đặt câu chứa thành phần phụ chú và gọi – đáp

Trả lời:

+Hân - lớp trưởng lớp tôi, là bạn nữ hung dữ nhất trong lớp

+  Bún Bò (một đặc sản của vùng đất Nam Định)

+ Bác Hồ ( Chủ tịch Hồ Chí Minh ) là người mà e ngưỡng mộ nhất.

+ Linh- người yêu hiện tại của tôi, có 1 nụ cười tỏa nắng

+ Nếu bạn có dịp dc đặt chân tới Bắc Ninh, bạn không thể nào quên được hương vị của món bánh phu thê ( 1 đặc sản của Bắc Ninh )

+ Mẹ ơi, con muốn nói lời xin lỗi mẹ.

+ Chị ơi! Đợi em chút!        

+ Vâng, đây là nhà cháu, mời bác vào nghỉ chân

Câu 4: Luận đề của văn bản Đọc văn – cuộc chơi tìm ý nghĩa là gì?

Trả lời:

- Đặc điểm quan trọng của văn học là có một ý nghĩa nhưng đó là ý nghĩa tiềm ẩn.

- Con người xây dựng nên rất nhiều lí thuyết và phương pháp để nắm bắt ý nghĩa

- Ý nghĩa của văn học không chỉ nằm trong văn bản mà còn nằm trong mối liên hệ trên nhiều phương diện, nhiều góc độ, nhiều mặt giữa văn bản. Ý nghĩa đó cũng có thể nằm trong mối liên hệ nhiều mặt giữa văn bản với cuộc đời, xã hội.

- Tác phẩm văn học và đọc văn thật sự là một hiện tượng kì diệu, thú vị

- Đọc văn là nền tảng của học văn.

Câu 5: Trong văn bản “Cuộc chơi tìm ý nghĩa”, các từ ngữ như chơi trò, trò chơi, ú tim, chơi được lặp lại nhiều lần. Với những từ ngữ đó, tác giả lí giải như thế nào về việc đọc văn?

Trả lời:

Trong văn bản, các từ ngữ như chơi trò, trò chơi, ú tim, chơi được lặp lại nhiều lần. Với những từ ngữ đó, tác giả lí giải việc đọc văn cũng sẽ giống như chúng ta đang tham gia một chơi mà trò chơi đó do ta làm quản trò. Việc đó giúp xóa bỏ ranh giới giữa ta, tác giả và chính người đọc không phải đệm nhạc mà đã trở thành người chơi tác phẩm trên bản nhạc đó. Mà bản nhạc vui hay buồn còn tùy vào người chơi và chơi theo những cách khác nhau để cảm nhận và thấu hiểu được.

Câu 6: Hãy trình bày hiểu biết của em về về tác giả Xuân Diệu

Trả lời:

*Tác giả:

- Xuân Diệu (1916 – 1985) là thành viên thứ bảy của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, là đại biểu xuất sắc của phong trào thơ mới với hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Những bài thơ của ông nhận được sự đón nhận rất nồng nhiệt của công chúng, mọi người tôn xưng ông là “ông hoàng thơ tình”. Bên cạnh việc sáng tác thơ ca, ông còn tham gia viết báo, phê bình văn học, dịch sách,….

- Với Xuân Diệu, con người “sống toàn tim, toàn trí, sống toàn hồn… sống toàn thân…” cho thơ, thì dù sáng tác hay phê bình nghiên cứu đều là những hoạt động cho thơ, hay nói cách khác cả “ý thức trực tiếp” và “ý thức triết học” đều đã hòa quyệt, giao thoa trong tâm hồn một nghệ sĩ bậc thầy để làm nảy sinh tài năng sáng tạp đa dạng trên nhiều phương diện.

Câu 7: Câu mở đầu đoạn thể hiện ý kiến của người viết về bài "Thu vịnh"

Trả lời:

Trong bài này mang cái hồn của cảnh vật mùa thu hơn cả, cái thanh, cái trong, cái nhẹ, cái ao được thể hiện ngay trong phần mở đầu. Mang thần của cảnh mùa thu, cái hồn, cái thần của cảnh thu tỏa xuống cả cảnh vật.

 

Câu 8: Đặt cây trong đó có sử dụng một thành phần biệt lập.

Trả lời:

Có lẽ tôi đã hi vọng quá nhiều về tài năng của bản thân mình. => Thành phần biệt lập tình thái “có lẽ”

Trời ơi! buổi học đã kết thúc. => Thành phần cảm thán “trời ơi”

Này, hôm nay,  Phương đi xem phim với Mai không? => Thành phần biệt lập gọi đáp “Này”

Cái áo ấy (áo hoa màu xanh ) là của tôi. => Thành phần biệt lập phụ chú “cái áo ấy”

Câu 9: Hãy chỉ ra thành phần biệt lập trong câu sau

Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ta với những giá trị có sẵn.

Trả lời:

Thành phần biệt lập trong câu là “chắc chắn”, cụ thể hơn đây là thành phần tình thái sự mức độ tin cậy cao. 

 

Câu 10: Hãy trình bày hiểu biết của em về về tác giả Côn-xtan-tin Pau-tốp-xki và văn bản Xe đêm (hoàn cảnh ra đời, thể loại, nội dung,......).

Trả lời:

*Tác giả:

- Côn-xtan-tin Pau-xtốp-xki sinh ngày 31 tháng 5 năm 1892, mất ngày 14 tháng 7 năm 1968. Ông là nhà văn Nga nổi tiếng.

- Bố ông là một nhân viên đường sắt gốc Cossack Zaporizhia, còn mẹ ông xuất thân từ một gia đình trí thức người Ba Lan vì vậy gia đình nhà Paustovsky sử dụng cùng lúc ba thứ tiếng, tiếng Nga, tiếng Ba Lan và tiếng Ukraina.

- Côn-xtan-tin Pau-xtốp-xki được đề cử giải Nobel Văn học bốn lần: vào các năm 1965, 1966, 1967 và 1968, nhưng ông chưa bao giờ trở thành người đoạt giải.

- Truyện ngắn của ông mang chất thơ nhẹ nhàng, tinh tế, khơi dậy ở người đọc sự rung cảm trước những vẻ đẹp bình dị, khuất lấp, dễ bị lãng quên trong cuộc sống.

*Tác phẩm:

- Là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Pau-tốp-xki

- Thể loại: Truyện ngắn

- Phương thức biểu đạt: Tự sự

- Nội dung chính: “Xe đêm” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Pau-xtốp-xki. Truyện gửi gắm thông điệp về sức mạnh của trí tưởng tượng và ảnh hưởng của nó trong văn chương cũng như trong đời sống.

Câu 11: Chân dung nhân vật An-đéc-xen trong “Xe đêm” hiện lên qua những chi tiết nào?

Trả lời:

Chân dung nhân vật An - đéc - xen được hiện lên qua những chi tiết: 

- Chàng rất xấu trai và tự mình biết trước điều đó.

- Chàng cao kều và nhút nháy

- Tay chân lòng thòng như con rối xâu dây mà ở quê chàng trẻ con gọi là "ham - pen - man" 

Câu 12: Theo em, nghệ thuật của đoạn trích Xe đêm có gì nổi bật?

Trả lời:

Qua đoạn trích Xe đêm, chân dung nhân vật An - đéc - xen được hiện lên qua rất nhiều chi tiết chân thực. Những câu chuyện của An-đéc-xen đã chinh phục hàng triệu trái tim độc giả. Bằng trí tưởng tượng lãng mạn, phong phú, An-đéc-xen đã sáng tạo nên một thế giới huyền bí nhưng vẫn rất gần gũi với con người, với cuộc sống thường ngày. Trong đoạn trích Xe đêm chủ yếu sử dụng nhiều yếu tố tưởng tượng, truyện lồng trong truyện tạo lên một câu chuyện không có hồi kết và liên kết đến cuộc sống của mỗi con người là một câu chuyện là mang tới rất nhiều bài học ý nghĩa cho người đọc.

Câu 13: Hãy chỉ ra thành phần biệt lập trong câu sau

  1. Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời.

  1. Thế rồi bỗng một hôm, chắc rằng hai cậu bàn cãi mãi, hai cậu chợt nghĩ kế rủ Oanh chung tiền mở cái trường.

Trả lời:

  1. Ơi là thành phần gọi đáp
  2. Chắc rằng hai cậu bàn cãi mãi

Câu 14: Em có nhận xét gì về nghệ thuận nghị luận văn bản “Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam” ( cách mở đầu, đẫn dắt vấn đề, tổ chức luận điểm, ngôn ngữ, giọng văn nghị luận,...)?

Trả lời:

Nghệ thuật nghị luận của tác giả được tổ chức vô cùng mạch lạc và logic chặt chẽ, mở đầu đi thẳng vào vấn đề được nhắc tới là nhà thơ Nguyễn Khuyến và ba bài thơ của ông. Đồng thời đưa ra các luận điểm chính để phân tích và lập luận lí lẽ để chỉ ra tại sao mình lại nói như vậy và đan xen các câu nói chia sẻ của tác giả về các bài thơ khác nhau vừa tác ra cái chung và cái riêng ở trong mỗi bài thơ thu của Nguyễn Khuyến. Ngôn ngữ gần gũi, phân tích dễ tới với người đọc chặt chẽ và mang đậm dấu ấn làng quê đất nước. Đặc biệt tác giả sử dụng rất nhiều những câu từ mang tính chất dân tộc như mùa thu Việt Nam, nước ta, đất nước của mình,…

Câu 15: Trong đoạn (4) “Cuộc chơi tìm ý nghĩa” có câu: “Thưởng thức văn học cũng có quy luật.”. Câu văn đó nhắc nhở em điều gì?

Trả lời:

Trong đoạn (4) có câu: “Thưởng thức văn học cũng có quy luật.”. Câu văn đó đã nhắc nhở em về cách cảm nhận văn học một cách tuần tự giống như một bản nhạc. Chúng ta cần lắng nghe những lời nhạc từ khi bắt đầu dạo nhạc cho tới khi vào điệp khúc và tới hồi kết. Từ đó người đọc có thể thấm thía từng lời nói, từng từ ngữ của tác giả muốn giao thoa với người đọc vừa trò chuyện vừa tâm sự có sự tương tác nhất định theo từng quy luật riêng rất khác.

Câu 16: Vì sao có thể nói "không ai có thể đọc tác phẩm một lần là xong"? Em hãy viết đoạn văn (khoảng 7-9 câu) trả lời câu hỏi đó.

Trả lời:

Không ai có thể đọc tác phẩm một lần là xong. Bởi lẽ, ẩn sau mỗi tác phẩm văn học là những bài học mang giá trị nhân văn sâu sắc. Nó có thể được thể hiện một cách trực tiếp nhưng cũng có thể được thể hiện một cách gián tiếp qua những câu chuyện, lời nói, những câu văn, câu thơ hay từng dấu câu được tác giả sử dụng. Đọc một lần, chúng ta có thể nắm khái quát được nội dung của của tác phẩm những không một ai dám khẳng định mình hiểu sâu, hiểu kĩ từng chi tiết, dụng ý của tác giả ẩn sau những câu văn, câu thơ... Ví dụ, lần đầu đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, với số lượng câu hơn mấy nghìn chữ, nghệ thuật ngôn từ, các biện pháp tu từ... được sử dụng linh hoạt trong tác phẩm. Đọc 1 lần ta hiểu được khái quát nội dung tác phẩm. Nhưng chỉ khi đọc nhiều lần, đọc đi, đọc lại ta mới ngẫm được hết cái hay về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Vì vậy mà khi đọc một tác phẩm bất kì nào đó, chúng ta phải đọc nhiều lần, ngẫm nghĩ thật nhiều để cảm nhận được hết cái hay, cái thú vị ẩn sau mỗi tác phẩm.

Câu 17: Hãy sắp xếp các từ ngữ sau đây theo trình tự tăng dần độ tin cậy (hay độ chắc chắn): chắc là, dường như, chắc chắn, có lẽ, chắc hẳn, hình như, có vẻ như.

(Chú ý: những từ ngữ thể hiện cùng một mức độ tin cậy thì xếp ngang hàng nhau).

Trả lời:

Sắp xếp: dường như, hình như, có vẻ như = có lẽ = chắc là = chắc hẳn , chắc chắn

Câu 18: Nêu ý nghĩa của thành phần biệt lập trong câu sau

Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh.

(Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng.)

Trả lời:

Ý nghĩa sự việc qua suy nghĩ của người nói là : Anh Sáu nghĩ rằng con anh sẽ thể hiện tình cảm với mình. Nhận định của người nói được thể hiện qua từ " chắc "  là thành phần tình thái, thể hiện sự phỏng đoán của người kể chuyện với mức độ khá tin cậy. 

Câu 19: Theo An-đéc-xen kể lại, ông đã mang đến niềm vui cho cháu bé trong gia đình kiểm lâm xứ Giuýt-len. Em có đồng tình với ý kiến “trái tim bé sẽ không dễ bị trơ lì như với những người chưa từng chứng kiến chuyện cổ tích như thế” không? Vì sao?

Trả lời:

- Theo tác giả An-đéc-xen kể lại, ông đã mang đến niềm vui cho cháu bé trong gia đình kiểm lâm xứ Giuýt- len. Em đồng tình với ý kiến "trái tim bé sẽ không dễ bị trơ lì như với những người chưa từng chứng kiến chuyện cổ tích như thế".

- Bởi vì, ông luôn mong muốn mang tới những kỉ niệm đẹp để hàn gắn vào tuổi thơ của những đứa trẻ và khi ông nói như vậy là muốn hướng tới một tâm hồn với những kỉ niệm thơ ấu rực cháy và những sự mất mát là do chú lùn giấu đi hoặc họ chưa tìm kiếm ra.

 

Câu 20: Theo em, An-đéc-xen trong “Xe đêm” có những phẩm chất gì?

Trả lời:

Em có thể dựa theo những ý sau:

- Nhân hậu, tốt bụng, hào phóng

- Lạc quan, yêu đời

- Có trí tưởng tượng vô cùng phong phú, dồi dào và sáng tạo

Câu 21: Theo em, vì sao Nguyễn Khuyến được gọi là nhà thơ của "Làng cảnh Việt Nam"?

Trả lời:

Nông thôn là đề tài hết sức quen thuộc trong thơ Nguyễn Khuyến. Ông viết nhiều, viết đúng và viết hay về thiên nhiên, con người, cuộc sống thôn quê. Nhà thơ dồn tất cả những những tình cảm của mình vào tác phẩm, viết về con người và cuộc sống thôn quê. Nguyễn Khuyến sống trong lòng nhân dân, thấu hiểu cuộc sống khó khăn, vất vả của người nông dân chân lấm tay bùn. Không những thế, ông còn thấu hiểu được bản chất trong sáng của họ. Thiên nhiên làng quê trong thơ Nguyễn Khuyến đẹp và giàu hình ảnh, những hình ảnh đặc trưng rất riêng và rất Việt Nam. Nguyễn Khuyến là nhà thơ sống hoà nhập với nông thôn, gắn bó máu thịt mình với chốn thôn quê bình dị ấy. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Khuyến trở thành nhà thơ của " làng cảnh Việt Nam".

Câu 22: 3 bài thơ “Thu điểu”, “Thu vịnh”, “Thu âm”  là 3 cảnh trí khác nhau, màu sắc khác nhau, âm hưởng khác nhau, nhưng đều thể hiện những tư tưởng, phẩm chất nào ở con người Nguyễn Khuyến?

Trả lời:

+ Tâm sự non nước đầy vơi của nhà thơ.

+ Tài năng nghệ thuật bậc thầy của Nguyễn Khuyến: hình tượng và ngôn ngữ đạt đến sự điêu luyện,là đỉnh cao của sự giản dị mà đầy chất thơ. Sử dụng nhiều bút pháp nghệ thuật đặc sắc (Đối ngắn rất chỉnh, gieo vầm độc đáo). Kết hợp nhạc điệu và âm thanh tinh tế.

=> Khẳng định:chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến xứng đáng là những gòn ngọc của tao đàn thơ Việt.Sự cống hiến xuất sắc của nhà thơ.

Câu 23: Theo em, vì sao tác giả cho rằng: “Đọc văn là cuộc đi tìm ý nghĩa nhân sinh qua các văn bản thẩm mĩ của văn học bằng chính tâm hồn người đọc. Các phương pháp chỉ là phụ trợ”.

Trả lời:

- Ý kiến trên của Trần Đình Sử muốn đề cập tới mối quan hệ giữa người đọc và tác phẩm, cụ thể là vai trò của người đọc trong việc tiếp nhận văn học.

- Văn bản thẩm mĩ không phải là một kho chứa những ý nghĩa nhân sinh mà chỉ cần mở trang sách ra là chúng ta có thể thấy ngay được. Bởi ý nghĩa nhân sinh chỉ được rút ra sau khi người đọc đã trải nghiệm tác phẩm, đã đọc, đã nghiền ngầm, điều này phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận và thế giới quan của mỗi người. Đọc văn là quá trình người đọc hòa mình vào tác phẩm, rung động với nó, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật được dựng lên bằng ngôn từ, lắng tai nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp của người nghệ sĩ sáng tạo. Bằng trí tưởng tượng, kinh nghiệm sống, vốn văn hoá và bằng cả tâm hồn mình, người đọc khám phá ý nghĩa của từng câu chữ, cảm nhận sức sống của từng hình ảnh, hình tượng, nhân vật,…làm cho tác phẩm từ một văn bản khô khan biến thành một thế giới sống động, đầy sức cuốn hút.

- Các phương pháp tiếp cận, thẩm bình văn bản thẩm mĩ chỉ là công cụ giúp người đọc đi sâu hơn vào nội tại của tác phẩm. Nếu tâm hồn người đọc không phong phú, không đủ trải nghiệm thì dù có nhiều phương pháp đến đâu cũng khó để có thể cảm nhận được hết ý nghĩa nhân sinh mà tác giả gửi gắm, chỉ có thể dừng lại ở mức cảm nhận chung chung, nông cạn.

Câu 24: Tìm thành phần gọi - đáp trong đoạn trích sau đây và cho biết từ nào được dùng để gọi, từ nào được dùng để đáp. Quan hệ giữa người gọi với người đáp là quan hệ gì ( trên – dưới hay ngang hàng, thân hay sơ)?

(1) - Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. Chứ cứ nằm đấy, chốc nữa họ vào thúc sưu, không có, họ lại đánh trói thì khổ. Người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn.

(2) - Vâng, cháu cũng đã nghĩ như cụ. Nhưng để cháo nguội, cháu cho nhà cháu ăn lấy vài húp cái đã. Nhịn suông từ sáng hôm qua tới giờ còn gì?

(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

Trả lời:

Thành phần gọi - đáp trong đoạn trích: Các từ Này, Vâng

Trong đó, từ Này dùng để gọi, từ Vâng dùng để đáp.

Quan hệ giữa người gọi với người đáp là quan hệ trên – dưới.

Câu 25: Phân tích nhân vật An-đéc-xen trong văn bản Xe đêm (trích)

Trả lời:

Em có thể dựa theo những ý sau đây:

* Ngoại hình: An-đéc-xen có ngoại hình không quá nổi bật, ông được miêu tả có trán cao, hơi ngả về đằng sau, người “cao kều và nhút nhát”, “tay chân lòng thòng như con rối xâu dây mà ở quê chàng trẻ con gọi là ham-pen-man” và tự biết mình “xấu trai”. Tuy nhiên, trong thế giới cổ tích của mình, lúc nào ông cũng hình dung mình “đẹp trai, trẻ trung, hoạt bát”, ông tả với các cô gái như thể ông là một chàng trai trẻ hấp dẫn và đáng yêu. Mặc dù vậy, trong thực tế An-đéc-xen vẫn buồn, “trái tim cũng đau thắt” khi những cô gái trẻ thường đi qua ông “như một cái cột đèn vô tri vô giác” bởi ngoại hình xấu trai.

* Tính cách, phẩm chất:

- An-đéc-xen là một người hào phóng, tốt bụng và lịch sự:

+ Khi biết người lái xe không muốn cho các cô gái đến một thị trấn bởi không hài lòng với khoản tiền họ trả, ông đã chủ động đề nghị “trả nốt số tiền thiếu” và “sẽ trả thêm” nếu người lái xe “thôi không ăn nói thô lỗ với khách và lảm nhảm vớ vẩn”.

- Sự xuất hiện của ông ở đầu đoạn trích trong tâm thế đang tưởng tượng, ông có cái thú “lượm lặt trong những chuyến đi đủ thứ vặt vãnh” mà Pau-tốp-xki cho rằng đây là thói quen của những người “có trí tưởng tượng sống động”. Dường như việc “lượm lặt” là bản năng của một nhà văn, một người sáng tác. Nhà văn chân chính phải có một trực giác nhạy bén, một tâm hồn giàu cảm xúc, một tấm lòng rộng mở để đón nhận những âm vang của đời sống, quan tâm thường xuyên và sâu sắc với những gì đang diễn ra xung quanh mình dù chỉ được gợi lên từ những thứ nhỏ bé như “mảnh vỡ từ một bức tranh ghép”, “một chiếc lá du” hay “một chiếc vòng sắt móng lừa”. Nhà văn đến với công việc sáng tạo bằng một tâm hồn giàu cảm xúc nhưng cũng không thể thiếu một khả năng quan sát tinh tế, rộng rãi bởi cuộc sống hết sức phong phúc, người viết phải thật tinh tế mới phát hiện những ý nghĩa sâu xa, tiềm ẩn trong sự vật, hiện tượng.

-  An-đéc-xen tự nhận mình là một nhà “tiên tri” nhưng không phải là “một thầy bói bịp bợm”. Cách ông giới thiệu quê hương của mình cũng rất đặc biệt, An-đéc-xen đã tự nhận rằng mọi người có thể coi ông “là một hoàng tử bất hạnh từ cái xứ sở xưa kia Hăm-lét từng sống”. Nhắc tới nhân vật hoàng tử Hăm-lét trong vở kịch bi kịch nổi tiếng cùng tên của Sếch-xpia, Hăm-lét trong truyện là hoàng tử Đan Mạch.

- Thứ mà An-đéc-xen nhìn thấy trong bóng tối là vẻ đẹp của những cô gái trên chuyến xe đêm mà ông cho là “thấy rõ đến nối trái tim tôi tràn đầy tình cảm ngưỡng mộ vẻ đẹp kiều diễm của cô”. Khi nói điều đó, An-đéc-xen cảm thấy “mặt mình lạnh toát”, là trạng thái quen thuộc khi ông sáng tác những bài thơ hay truyện cổ tích”. Phải chăng đây chính là sự rung động trước cái đẹp, là sự nhạy cảm của tâm hồn nhà văn với cái đẹp đang hiện hữu trước mắt? Cảm xúc ấy được Pau-tốp-xki miêu tả là “sự hòa trộn của một thoáng ưu tư, một dòng tuôn chảy những từ ngữ chẳng rõ từ đâu tới, một cảm nhận bất ngờ về sức mạnh của thi ca, về quyền lực của mình với trái tim con người”. Bản thân An-đéc-xen cũng không biết gọi trạng thái ấy là gì, có người gọi là “cảm hứng sáng tạo”, có người lại gọi là “ứng tác xuất thần”. Hê-ghen và Bi-ê-lin-xki đều dùng từ “cảm hứng” để chỉ trạng thái hưng phấn cao độ của nhà văn do việc chiếm lĩnh được bản chất của cuộc sống mà họ miêu tả. Đọc một tác phẩm văn học tựa như sự thưởng thức những kì quan của cái đẹp, bởi ngòi bút của nhà văn bao giờ cũng chịu sự chi phối của cái đẹp, khao khát chiếm lĩnh những vẻ đẹp cao cả của cuộc sống. Khi bắt gặp một cô gái xinh đẹp, An-đéc-xen đã không ngần ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ và rung động của mình. Thậm chí, khi ông mến mộ sắc đẹp của Ma-ri-ra, ông cũng không ngần ngại mà ngợi ca mặc dù “nói tiếng Ý không thạo” vì An-đéc-xen lúc thiếu thời “đã nguyện với thần thi ca rằng tôi sẽ ca tụng cái đẹp ở bất cứ nơi nào” ông gặp. Có thể nói, nếu văn học và hiện thực là “hai đường tròn đồng tâm” thì tâm điểm ấy chính là con người được soi chiếu qua lăng kính của cái đẹp.

- Tài năng của An-đéc-xen thể hiện rõ nhất qua việc ông không chỉ quan sát vẻ đẹp ngoại hình của các cô gái mà ông còn có thể nhìn sâu và thấu tỏ tâm hồn của họ. Ông miêu tả Ni-cô-li-na là cô gái có “trái tim nồng nhiệt”, sẵn sàng “vượt ngàn dặm, qua núi tuyết và sa mạc khô cằn” để gặp và cứu nếu người yêu gặp cơn nguy khốn. Còn với Ma-ri-na, ông cho rằng cô là người “bản tính kín đáo”, “dấu trong lòng một niềm đam mê bỏng cháy” nhưng An-đéc-xen cho rằng những người phụ nữ như thế “hoặc rất buồn, hoặc là rất hạnh phúc”.

- Những lời tiên đoán của An-đéc-xen dành cho các cô gái là khác nhau nhưng đều có chung một điểm là họ sẽ tìm được hạnh phúc cho chính mình, đó cũng là kết thúc thường thấy trong chuyện cổ tích khi người tốt sẽ luôn có kết thúc có hậu, có một cuộc sống tốt đẹp dù phải trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả.

-  An-đéc-xen tự nhận mình là “một nhà thơ lang thang”, công việc duy nhất của ông là “là ra những món quà nhỏ bé tặng mọi người và có những hành vi nông nổi” cốt sao cho những người gần gũi được vui”. Ông đã kể câu chuyện giấu kẹo bọc giấy và quả chà là, hoa hay bao tay và một dải băng lụa dưới những gốc cây nấm để tạo bất ngờ cho con gái người gác rừng và nói dối rằng những thứ ấy “là do những chú lùn cất giấu”. Mọi người nghe những tiên đoán và câu chuyện An-đéc-xen kể đều cho là ông “nhện độc cắn” nên mất trí, “lời lẽ điên rồ”, gây nên “một tội lỗi lớn” vì đã đánh lừa “một sinh thể ngây thơ”. Nhưng An-đéc-xen vẫn quả quyết rằng cô bé ấy sẽ không dễ bị trơ lì như những người “chưa từng chứng kiến chuyện cổ tích”. Khi thực tại không còn là những giấc mơ, miền cổ tích chính là nơi hạnh phúc luôn ngự trị ở đó. Ông luôn mong muốn mang tới những kỉ niệm đẹp để hàn gắn vào tuổi thơ của những đứa trẻ và khi ông nói như vậy là muốn hướng tới một tâm hồn với những kỉ niệm thơ ấu rực cháy và những sự mất mát là do chú lùn giấu đi hoặc họ chưa tìm kiếm ra. Tâm hồn trẻ thơ tựa như một tờ giấy trắng, thứ mà ông tạo ra cho cô bé ấy là mảng kí ức tươi đẹp và diệu kì để cô bé lớn lên với một tâm hồn phong phú, một trái tim biết rung động.

Câu 26: Câu thơ sau sử dụng thành phần biệt lập nào? Em hãy phân tích hiệu quả của việc sử dụng thành phần biệt lập đó:

   “Sương chùng chình qua ngõ

   Hình như thu đã về”

Trả lời:

- Câu thơ sử dụng thành phần tình thái: Hình như

 - Sự cảm nhận chưa dứt khoát, chưa chắc chắn về mùa thu của tác giả. Câu thơ diễn tả sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên, thầm hỏi đầy bối rối, mơ hồ của Hữu Thỉnh. Tâm hồn thi sĩ thật tinh tế và nhạy cảm biết chừng nào!

Câu 27: Viết một đoạn văn ngắn nói về cảm xúc của em khi được thưởng thức một tác phẩm văn nghệ (truyện, thơ, phim, ảnh, tượng,...), trong đoạn văn đó có câu chứa thành phần tình thái hoặc cảm thán.

Trả lời:

Trong chương văn học đã được tìm hiểu từ trước đến nay, em ấn tượng nhất với tác phẩm “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu. Bài thơ không chỉ cho chúng ta một góc nhìn, một cách cảm vô cùng trọn vẹn của người lính xuất thân từ nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà còn thúc đẩy chúng ta phát triển tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau dù trong thời bình và thời chiến. Bài thơ chinh phục em bằng giọng thơ và hình ảnh thơ giản dị, mộc mạc nhưng lại vô cùng đáng mến. Người lính trong bài thơ này đã khiến em tâm phục khẩu phục bởi những điều cao quý mà họ đã làm cho đất nước. Bản thân em chắc chắn sẽ cố gắng học tập, trau dồi để sau này giúp ích cho đất nước, nối tiếp công lao của thế hệ trước.

Câu 28: Nhà thơ Xuân Diệu viết: “Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam”.

Hãy dựa vào chùm thơ thu của ông để làm sáng tỏ nhận định trên.

Trả lời:

MỞ BÀI 

Nguyễn Khuyến là một nhà thơ cổ điển lớn của dân tộc ta. Sáng tác của Nguyễn Khuyến diễn ra trên nhiều đề tài với những nội dung cảm xúc phong phú. Trong đó có một đề tài nổi bật là miêu tả cảnh sắc thiên nhiên làng quê, sinh hoạt của con người thôn quê. Từ nhiều bài thơ cúa Nguyễn Khuyến hiện lên hình ảnh những làng quê đồng bằng Bắc Bộ yên ả, thơ mộng mà ông từng thiết tha gắn bó. Xuân Diệu đã nhận xét rằng “Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam". Chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến đã chứng tỏ sinh động cho nhận xét này. Đây cũng là những sáng tác vào loại đặc sắc nhất về mùa thu trong thơ ca Việt Nam ta từ xưa đến nay.

THÂN BÀI

1) Nhìn bao quát chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến

         Viết chùm ba bài thơ về mùa thu, Nguyễn Khuyến đã chứng tỏ nguồn cảm hứng dồi dào với mùa thu, với quê hương. Chính cảm hứng ấy với tài năng của thi nhân đã tạo nên giá trị đặc sắc của những bài thơ này. Lịch sử thi ca nhân loại từng để lại không ít vần thơ về mùa thu nhưng hiếm có những trường hợp nổi tiếng như chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến. Đọc thơ Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu đã nhận xét: “Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là thơ Nôm. Mà thơ Nôm của Nguyền Khuyến nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh".

         Mỗi bài thơ thu của Nguyễn Khuyến miêu tả, cảm nhận mùa thu ở một không gian, thời gian không giống nhau nhưng tất cả đó đều là những cảnh vật rất thật của nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ở đây, không hề có những ước lệ vốn đã thành quen thuộc trong thơ cổ. Một bầu trời xanh ngắt, ao thu trong veo, một cần trúc hắt hiu trong gió, một ngõ xóm quanh co, mấy gian nhà tranh mái rạ, một hàng giậu phất phơ bóng khói ban chiều... đó đều là những cảnh rất thân thuộc của làng quê Việt Nam. Nó yên ả thanh bình như vốn có tự ngàn đời chứ chưa hề động gót giày của quân xâm lược Pháp. Nó gợi trong ta cái tình quê, hồn quê sâu thẳm. Thi nhân đã cảm nhận những vẻ đẹp ấy của làng quê bằng tâm hồn bình dị mà thanh cao, hồn hậu và vô cùng tinh tế.

2) Thu vịnh (Vịnh mùa thu)

- Bài thơ không tả mùa thu từ một nơi, trong một lúc mà là bức tranh tổng hợp, khá hoàn chỉnh về mùa thu. Ở đây hầu như có đủ những hình ảnh đặc trưng cho mùa thu ở thôn quê Việt Nam( bầu trời cao xanh, cần trúc mảnh mai, gió thu nhẹ, mặt nước biếc phu sương khói, ánh trăng trong, chùm hoa trước giậu...). Chỉ bằng mấy nét chấm phá, Nguyễn Khuyến đã gợi được cái hồn thu nơi từng cảnh vật Cảm nhận tinh tế của thi nhân được thể hiện rõ qua cách dùng từ:

                                                      Trời thu xanh ngắt mấy từng cao

                                                      Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu

                                                      Nước biếc trông như tầng khói phủ

                                                      Song thưa để mặc bóng trăng vào...


- Cảnh mùa thu trong Thu vịnh thật thanh khiết, tĩnh lặng. Từ đường nét đến màu sắc, từ âm thanh đến vận động... cái gì ở đây cũng dịu, cũng nhẹ. Ấy cũng là đặc điểm tâm hồn Nguyễn Khuyến. Ông không hợp với những gì ồn ào, xô bồ, rực rỡ. Tâm hồn ông dễ xúc động với những vẻ đẹp thanh tao, uyển chuyển, những sắc màu sáng trong, dịu mát. Tâm hồn ấy cùng thường phả vào cảnh vật một chút hắt hiu, buồn rầu.

- Không khí làng quê mùa thu ở Thu vịnh im ắng và phảng phất nỗi u hoài. Không gian và thời gian trở nên mông lung, không xác định trong tâm trạng bâng khuâng buồn của thi nhân:

                                                      Mấy chùm trước giận hoa năm ngoái

                                                      Một tiếng trên không ngỗng nước nào...

- Thế giới thiên nhiên này gợi lên cảm giác yên tĩnh trong trẻo và ngưng lọng ngàn đời. Trước những biến động ngang trái của cuộc đời, Nguyễn Khuyến muốn được mãi mãi ở trong vẻ đẹp thanh tĩnh của làng quê.

3) Thu điếu (câu cá mùa thu)

- Bài thơ cảm nhận mùa thu từ một không gian xinh xắn, thơ mộng, từ điểm nhìn của một người câu cá.

- Mở đầu bằng một cảnh thu bình dị rất riêng của làng, quê đồng bằng Bắc Bộ: ao thu. Một thế giới tĩnh lặng, trong suốt mà trong đó mọi vật hài hòa nhẹ nhõm:

                                                      Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

                                                      Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

- Những chuyển động, âm thanh trong thế giới thu này thật nhẹ nhàng và chỉ càng gây ấn tượng về sự đọng kết, sự tĩnh lặng. Làn sóng biếc chỉ “gợn tí”. Lá vàng cũng “khẽ đưa vèo trong gió thu... Hai câu thực tả cảnh gần, hai câu luận tả canh cao, cảnh xa để hợp tạo thành bức tranh thu yên ả, đượm buồn. Chỉ ở mùa thu mới có “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” ấy (ba  lần trong ba bài thơ thu đều xuất hiện bầu trời xanh ngắt). Cũng chỉ ở làng quê xứ Bắc đang độ thu mới có “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” ấy!

- Trong bức tranh thu ở Thu điếu hiện lên hình ảnh con người đang ngồi câu cá nơi ao thu lạnh lẽo". Song con người này cũng chẳng hề đánh động thêm gì cho bức tranh. Trái lại, tư thế và tâm tưởng của con người chỉ tạo thêm ấn tượng về sự ngưng đọng mà thôi.

4) Thu ẩm (uống rượu mùa thu)

- Đây là mùa thu được cảm nhận bằng tâm trạng của một người ngồi uống rượu. Lúc này, cảnh thu sẽ mang các ấn tượng nỗi niềm riêng - dường như cũng chập chờn, mờ ảo. Có lẽ vì thế mà bài thơ có nhiều từ lấp láy và dùng vần “oe”.

- Thu ẩm không miêu tả riêng một cảnh thu ở một thời điểm nào mà là sự “tổng hợp nhiều cảnh thu ở nhiều thời điểm” (Xuân Diệu). Bài thơ cũng không hề có một chữ “thu” (khác với “trời thu” ở Thu vịnh và “ao thu” ở Thu điếu). Vậy mà đọc lên ta nhận ra chính xác cảnh sắc thu quen thuộc của làng quê Việt Nam. Đây là một mái nhà tranh bình dị trong ngõ tối vào đêm sâu lập lòe những con đom đóm:

 Năm gian nhà cỏ thấp le te.

                                                      Ngõ tối đèm sâu đóm lập lòe.

- Phải là “ngõ tối”, “đêm sâu" thì mới có thể thấy “đóm lập lòe"; ngược lại, cái lập lòe của con đom đóm ấy lại càng khiến cho ngõ tối bỗng tối hơn, đêm sâu thành sâu hơn... Đây là cảnh của buổi sáng sớm (hay buổi chiều) với khói nhạt phất phơ nơi lưng giậu. Rồi lại cảnh đêm trăng với mặt ao lóng lánh:

                                                      Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt

                                                      Làn áo lóng lánh, bóng trăng loe.

- Lại một một bầu trời trong suốt ở buổi ban trưa hay ban chiều với màu xanh thăm thẳm:

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt.
=> Bài thơ tạo trong ta ấn tượng “phi thời gian” nhưng cũng gợi rất sâu vào không khí tĩnh mịch, trong lành vô cùng thân thuộc của thôn quê Việt Nam.

4) ĐÁNH GIÁ CHUNG:

         Cả ba bài thơ thu đã tái hiện nên những cảnh sắc mùa thu rất đỗi đặc trưng và quen thuộc của mùa thu vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mội bài thơ có một cách diễn đạt, một cách cảm nhận riêng nhưng đều đã thể hiện được tình yêu nước thầm kín của nhà thơ.

KẾT BÀI

         Đến với chùm ba bài thơ thu của Nguyền Khuyến, ta bắt gặp những cảnh sắc không thể lẫn của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Những bức tranh thu ấy được vẽ nên bằng tấm lòng yêu mến quê hương mình, bằng tình yêu cuộc sống thanh cao, tĩnh lặng chốn thôn quê của cụ Tam nguyên Yên Đổ. Thành công của những bài thơ thu này cũng chứng tỏ tâm hồn tinh tế, ngòi bút tài hoa của Nguyễn Khuyến. Chúng đưa ông lên địa vị danh dự trong các thi nhân viết về mùa thu, trong những nhà thơ của làng cảnh Việt Nam.

Câu 29: Theo em, việc đọc văn có vai trò như thế nào đối với mỗi người?

Trả lời:

- Đọc các tác phẩm văn học vĩ đại giúp rèn luyện trí tưởng tượng. Có những câu chuyện khiến ta thấy thích thú; thật thú vị khi được gặp gỡ những nhân vật và sống trong thế giới của họ, được cùng họ đắm chìm trong hạnh phúc và khổ đau. Thực tế mà nói, một trí tưởng tượng phong phú  có thể giúp ta nhận thức được chân lý, đưa ra những đánh giá đúng đắn và đối mặt với những vấn đề phức tạp của cuộc sống theo một cách sáng tạo hơn. Nó còn hỗ trợ chúng ta trong việc xây dựng tư duy logic và lý luận tốt hơn.

- Đọc văn học đưa chúng ta đi xuyên không gian và thời gian. Tiếp xúc với những nhân vật ở bối cảnh như vậy sẽ xóa dần đi sự thiếu hiểu biết của ta. Mark Twain từng nhận xét rằng, “Những chuyến du hành sẽ chấm dứt định kiến, sự nông cạn và cố chấp. Thế giới rộng lớn, vĩ đại và nhân từ ngoài kia sẽ không thể được lĩnh hội bằng cách rúc mình cả đời trong một góc nhỏ trên trái đất.”. Văn học đã đóng vai trò như một chuyến tàu vô giá cho hành trình khám phá của ta.

- Đọc văn học cho phép chúng ta nhìn nhận thế giới qua con mắt của những người khác. Nó rèn luyện tâm trí trở nên linh hoạt, biết đón nhận những quan điểm khác nhau - để tạm gác quan điểm cá nhân sang một bên và nhìn nhận thế giới qua đôi mắt của một người đến từ một thời đại, tầng lớp hay dân tộc hoàn toàn khác. Đọc văn học giúp nuôi dưỡng và phát triển khả năng thấu hiểu của con người.

- Những tác phẩm văn học vĩ đại đã đóng một vai trò nền tảng trong quá trình định hình xã hội.

- Đọc văn học thúc đẩy tư duy và nhận thức, đồng thời cải thiện năng lực ngôn ngữ cũng như mở rộng vốn từ. Tiếp xúc với những văn bản như thế này đòi hỏi một tâm trí cởi mở, nhạy bén để có thể đáp ứng và duy trì những tiến trình tư duy phức tạp hơn. 

- Cuối cùng, văn học giúp ta hiểu hơn về chính bản thân mình - hay nói ngắn gọn, để thấu hiểu con người, bởi chủ thể của văn học là con người. Trong từng trang sách, ta sẽ được học về khả năng sáng tạo và bản chất đạo đức của mình, về sự nhận thức, và quan trọng nhất, tâm hồn con người. Ta thấy được con người ở đỉnh cao của vinh quang và tận cùng của sự ngu dốt - với sự đan xen của từng ý nghĩ, hành động, cảm xúc và niềm tin nhuốm màu khổ đau. Hay nói cách khác, văn học là tấm gương phản chiếu bản năng con người, nó hé lộ những khía cạnh phức tạp và sâu thẳm bên trong, những đức hạnh cũng như thói xấu; và hơn thế nữa, nó là tấm gương phản ánh cả một thời kỳ văn hóa, soi chiếu hình thù và đặc tính của cả một thời đại.

Câu 30: Đọc những câu sau đây và trả lời câu hỏi:

  1. a) Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh – và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

  1. b) Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm.

 Câu hỏi:

  1. Nếu được lược bỏ các từ ngữ in đậm, nghĩa của sự việc của mỗi câu trên có thay đổi không? Vì sao?
  2. Ở câu (a) các từ in đậm thêm vào để chú thích cho cụm từ nào?
  3. Trong câu (b) cụm chủ vị in đậm chú thích điều gì?

Trả lời:

  1. Nghĩa sự vật của các câu trên không thay đổi khi lược bỏ phần từ ngữ in đậm. Vì các từ trên chỉ đóng vai trò bổ sung ý nghĩa cho thành phần chính, khi bớt đi không làm ảnh hưởng đến nội dung chính trong câu.
  2. Cụm từ “và cũng là đứa con duy nhất của anh” được thêm vào để chú thích cho " đứa con gái đầu lòng của anh"

Cụm từ " tôi nghĩ vậy" chú thích cho điểu nhân vật tôi suy nghĩ

  1. Cụm chủ – vị “tôi nghĩ vậy” có tác dụng báo cho độc giả biết rằng nhận định “Lão không hiểu tôi” diễn ra trong suy nghĩ của riêng nhân vật " tôi". Đấy là suy nghĩ của nhân vật " tôi" chứ chưa hẳn đã đúng

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay