Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 chân trời sáng tạo Ôn tập Bài 3: Sự sống thiêng liêng (Văn bản nghị luận) (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 3: Sự sống thiêng liêng (Văn bản nghị luận) (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP BÀI 3. SỰ SỐNG THIÊNG LIÊNG (PHẦN 1)

Câu 1: Tìm những từ ghép Hán Việt có chứa yếu tố Hán Việt quốc, sơn, cư, bại.

Trả lời:

- quốc: quốc gia, ái quốc, quốc ca, quốc kì, quốc lộ,…

- sơn: sơn hà, giang sơn, sơn dã, sơn hào,…

- cư: cư dân, an cư, định cư,…

- bại: thất bại, chiến bại, bại vong, đại bại, bại hoại,…

 

Câu 2: Tìm hiểu nghĩa của các từ : thành tích, thành tựu, thành quả, hiệu quả, kết quả, nguyện vọng, hi vọng.

Trả lời:

- Thành tích: kết quả được đánh giá là tốt do nỗ lực mà đạt được.

- Thành tựu: cái đạt được có ý nghĩa lớn sau một quá trình hoạt động thành công. 

- Hiệu quả: kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại.

- Thành quả: kết quả quý giá đạt được của cả một quá trình hoạt động, đấu tranh. 

- Kết quả: cái đạt được, thu được trong một công việc hoặc một quá trình tiến triển sự việc.

- Nguyện vọng: điều mong muốn.

- Hi vọng: tin tưởng và mong chờ. 

 

Câu 3: Theo tác giả, dấu hiệu đầu tiên của mùa thu trong Sang thu của Hữu Thỉnh có gì đặc biệt?

Trả lời:

Dấu hiệu đầu tiên của mùa thu trong bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh không phải những nét đặc trưng của trời mây hay sắc vàng hoa cúc như trong thơ cổ điển mà là “hương ổi thơm náo nức”.

Câu 4: Khi phân tích, bình luận về cái hay, cái đẹp của khổ 2 bài thơ Sang thu, tác giả Vũ Nho đã trình bày những lí lẽ, bằng chứng nào?

Trả lời:

Khi phân tích, bình luận về cái hay, cái đẹp của khổ 2 bài thơ Sang thu, tác giả Vũ Nho đã trình bày những lí lẽ, bằng chứng:

- Thiên nhiên được quan sát ở một không gian rộng lớn hơn, nhiều tầng bậc hơn. Bức tranh thu từ những gì vô hình, từ ngõ hẹp chuyển sang những nét hữu hình, cụ thể với một không gian vừa dài rộng vừa cao vời.

+ Dòng sông không cuồn cuộn, dữ dội và gấp gáp như trong những ngày mưa lũ mùa hạ: “Sông được lúc dềnh dàng”

+ “Chim bắt đầu vội vã”: những đàn chim chuẩn bị cho chuyến bay tránh rét.

+ Đám mây mùa hạ thảnh thơi, duyên dáng “vắt nửa mình sang thu”.

Câu 5: Em hiểu thế nào về đoạn văn sau?

          Hai khổ thơ trên rất đẹp về mặt tạo hình, rất tinh trong cảm nhận, như hai cành biếc của một cây thơ lạ. Nhưng khổ thơ thứ ba là cái gốc của cây thơ đó, là nơi cho hai nhánh thơ trên tựa vào để khoe sắc, tỏa hương. Khổ thơ thứ ba đem đến cho bài thơ một vẻ đẹp mới, làm trọn vẹn thêm cái ý “sang thu” của hồn người chưa thật rõ ở hai khổ thơ trên.

Trả lời:

Theo cảm nhận của tác giả, khổ thơ thứ ba là cái hồn, cái gốc rễ của bài thơ để làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên lúc sang thu. Và khổ thơ thứ ba là khổ thơ hoàn chỉnh ý nghĩa của bài thơ, thể hiện cái hồn người lúc sang thu.

Câu 6: Em hãy nêu nội dung chính của văn bản Bài ca côn sơn

Trả lời:

Bằng bút pháp miêu tả bức tranh Côn Sơn của Nguyễn Trãi thật tài tình: hình ảnh thơ tươi đẹp, liên tưởng thú vị độc đáo, hình ảnh thiên nhiên và con người sóng đôi một cách tự nhiên... Từ đó, ta thấy được sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, và nhân cách thanh cao, ung dung của nhà thơ tỏa sáng trên từng câu chữ. "Bài ca Côn Sơn" không phải chỉ là một bức tranh đẹp, nó quả thật còn là một bản nhạc về tình yêu thiên nhiên và niềm hạnh phúc khi được ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên quê hương của nhà thơ.

Bài 7: Em hãy nêu giá trị nội dung của bài Bài ca côn sơn

Trả lời:

- Giá trị nội dung: 

Là bức tranh thiên nhiên và con người giao hòa. Ca ngợi vẻ đẹp thanh tĩnh, nên thơ của Côn sơn, qua đó bộc lộ cốt cách thanh cao, tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Trãi.

Câu 8: Em hãy nêu giá trị nghệ thuật của bài Bài ca côn sơn

Trả lời:

- Giá trị nghệ thuật:

  • Đan xen các câu thơ tả cảnh và tả người
  • Lời thơ trong sáng, giọng điệu nhẹ nhàng, êm ái
  • sử dụng các biện pháp nghệ thuật: So sánh, điệp ngữ
  • Bản dịch thơ sử dụng thể thơ lục bát, tạo ra vần điệu nhịp nhàng, sinh động

Câu 9: Xác định phép liên kết trong đoạn văn sau.

(1) Mùa thu đến với anh khá đột ngột và bất ngờ, không hẹn trước. (2) Bắt đầu không phải là những nét đặc trưng của trời mây hay sắc vàng hoa cúc như trong thơ cổ điển. (3) Bắt đầu là hương ổi thơm náo nức. (4) Một chữ “phả” kia đủ gợi hương thơm như sánh lại. (5) Nó sánh bởi vì hương đậm một phần, sánh còn bởi tại gió se. (6) Hương thơm luồn vào trong gió được tinh lọc, được cô đặc thêm. (7) Gió mùa thu hào phóng đem chia hương mùa thu - bấy giờ là hương ổi chín - tới khắp nơi trong vũ trụ. (8) Tại một vùng quê nhỏ, trong một giây phút nào đó, người viết chợt bắt gặp hương thu và bỗng sừng sờ.

Trả lời:

- Phép lặp:

+ Từ “sánh” ở câu 4, 5.

+ Từ “hương thơm” ở câu 3, 4, 6.

- Phép thế:

+ “Nó” ở câu 5 thay thế cho “hương thơm” ở câu 4

+ “Hương mùa thu”, “hương ổi chín” ở câu 7 thay thế cho “hương thơm” ở câu 6

+ “Hương thu” ở câu 8 thay thế cho “hương mùa thu” ở câu 7.

 

Câu 10: Em có đồng ý với nhận định “Nhan đề Sang thu vừa bao trùm lại vừa thấm vào từng từ ngữ, cảnh vật” không? Vì sao?

Trả lời:

Đồng ý, vì:

- Nhan đề “Sang thu” bao quát chủ đề, nội dung của bài thơ là vẻ đẹp thiên nhiên, con người vào thời điểm giao mùa từ hạ sang thu.

- Nhan đề “Sang thu” được làm rõ ở từng câu thơ, khổ thơ, từ những hình ảnh đặc trưng của mùa thu cho đến những suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời của con người.

Câu 11: Hãy giải thích vì sao một bức thư nói về chuyện mua bán đất đai cách đây một thế kỉ rưỡi nay vẫn được nhiều người xem là một trong những văn bản hay nhất nói về thiên nhiên và môi trường?

Trả lời:

- Một bức thư nói về chuyện mua bán đất đai cách đây hơn một thế kỷ được coi là văn bản hay nhất (trong số những văn bản khác) nói về thiên nhiên và môi trường vì:

+ Tác giả đã viết với tất cả tình yêu mến, kính trọng đất đai của người da đỏ.

+ Tác giả bằng kinh nghiệm sống gần gũi với thiên nhiên, đã chỉ ra tầm quan trọng của đất, nước, không khí, và muôn thú đối với con người.

+ Đặc biệt là thủ lĩnh da đỏ đã nêu lên trách nhiệm của con người phải bảo vệ, giữ gìn môi trường sống, bảo vệ thiên nhiên.

Câu 12: Đọc đoạn giữa của bức thư (từ Tôi biết người da trắng không hiểu cách sống… đến …Mọi vật trên đòi đều có sự ràng buộc.)

  1. Đoạn văn đã nói lên sự khác biệt, sự đối lập trong cách sống, trong thái độ đối với Đất, đối với thiên nhiên giữa người da đỏ và người da trắng trên những vấn đề gì?
  2. Tác giả đã dùng những biện pháp nghệ thuật nào để nêu bật sự khác biệt, sự đối lập ấy và để thể hiện thái độ, tình cảm của mình?

Trả lời:

  1. Sự khác biệt của người da đỏ và người da trắng thể hiện ở:

- Thái độ đối với đất đai:

+ Người da trắng xa lạ với đất, coi đất là kẻ thù. Họ cư xử với đất như vật mua được, tước đoạt được, bán đi như mọi thứ hàng hóa. Người da trắng chỉ biết khai thác, lấy đi những thứ cần, ngấu nghiến đất đai, rồi để lại đằng sau những bãi hoang mạc.

+ Người da đỏ gắn bó, thân thiết, coi đất như mẹ, như một phần của mình.

- Sự khác biệt đó còn thể hiện ở lối sống:

+ Người da trắng sống ồn ào trong nhịp sống công nghiệp căng thẳng, họ không quan tâm đến không khí, không biết thưởng thức “những làn gió thấm đượm hương hoa đồng cỏ”, không quý trọng muôn thú.

+ Người da đỏ sống trái lại.

  1. Để nêu bật sự khác biệt, sự đối lập và thể hiện thái độ, tình cảm của mình, tác giả đã dùng một số biện pháp nghệ thuật như:

- Phép đối lập: 

+ Anh em >< kẻ thù

+ Yên tĩnh >< ồn ào

+ Xa lạ và thân thiết

- Điệp ngữ: “Tôi biết... Tôi biết... Tôi thật không hiểu... Tôi đã chứng kiến... ngài phải phải nhớ... Ngài phải gìn giữ... ngài phải dạy... ngài phải bảo...”

- Sự so sánh tương phản, giữa người da trắng và người da đỏ về thái độ với thiên nhiên, về cách sống.

Câu 13: So sánh bài thơ Sang thu (Hữu Thỉnh) và Đây mùa thu tới (Xuân Diệu).

Trả lời:

- Giống nhau:

+ Cả hai đều là bài thơ hay trong lịch sử thơ ca dân tộc.

+ Đều có tình yêu mùa thu, có tài năng thể hiện cái đẹp của mùa thu với những rung động của tâm hồn đầy cảm xúc.

+ Đều vẽ nên những bức tranh thu tuyệt vời, làm rung động trái tim bao thế hệ qua những sắc màu, hình ảnh, đường nét... mang cái hồn thu Việt Nam.

+ Đối tượng thể hiện cảm xúc nghệ thuật cùng là cái đẹp thiên nhiên.

- Khác nhau:

+ Bài thơ “Sang thu” là những cảm nhận thực sự tinh tế cùng sự quan sát vô cùng tỉ mỉ của tác giả về sự biến chuyển của đất trời từ cuối mùa hạ sang thu. Từ đó bộc lộ tình yêu thiết tha với thiên nhiên cũng như những suy ngẫm đầy triết lí về cuộc đời của một tâm hồn nhạy cảm và sâu sắc.

+ Bài thơ “Đây mùa thu tới” thể hiện sự nhạy cảm và mới mẻ của hồn thơ Xuân Diệu. Bài thơ buồn nhưng có nhiều sự sống. Cảnh thu, tình thu có hồn, đẹp nhưng buồn là nét nổi bật nhất của bài thơ. Đồng thời bài thơ còn thể hiện sự nối tiếp truyền thống và những cách tân sáng tạo của Xuân Diệu khi tiếp tục khai thác đề tài vô cùng quen thuộc của thơ ca cổ điển.

Câu 14: Hãy chỉ ra lỗi dùng từ Hán Việt trong các câu sau và sửa lại cho đúng.

  1. Việc chăm chỉ đọc sách giúp ta tích luỹ được nhiều trí thức bổ ích.
  2. Tại phiên toà nơi cõi âm, nhân vật Tử Văn đã thể hiện được sự cứng cỏi, ngang tàng của hàn sĩ.
  3. Thói quen học tập theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” là một yếu điểm của nhiều bạn học sinh.

Trả lời:

  1. Từ dùng sai: tri thức

Sửa lại: thay bằng từ “kiến thức”

  1. Từ dùng sai: hàn sĩ

Sửa lại: thay bằng từ “nho sĩ”

  1. Từ dùng sai: yếu điểm

Sửa lại: thay bằng từ “khuyết điểm”

Câu 15: Giải thích nghĩa của những từ Hán Việt được in đậm sau đây.

  1. Vẫn là một người sống xuất thần trong một cảnh giới khác với vạn vật khác còn nguyên hình tướng.
  2. Hổ đã khôn ngoan chọn hướng ngược gió để tiến lại gần, nhưng vẫn không thoát khỏi đôi mắt tinh tường của con khỉ đang làm nhiệm vụcảnh giới.
  3. Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

    Không cho dài thời trẻ của nhân gian.

Trả lời:

  1. Cảnh giới: bờ cõi.
  2. Cảnh giới: trông chừng, canh gác để báo động kịp thời.
  3. Nhân gian: chỗ người ở, cõi đời.

Câu 16: Tìm từ Hán – Việt trong những câu thơ sau.

  1. Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc.

  1. Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Nước còn cau mặt với tang thương.

  1. Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo.

  1. Bác thương đoàn dân công

    Đêm nay ngủ ngoài rừng.

Trả lời:

  1. chiến đấu, Tổ quốc.
  2. tuế nguyệt, tang thương.
  3. đại nghĩa, hung tàn, chí nhân, cường bạo.
  4. dân công.

Câu 17: Đọc đoạn văn sau, tìm từ Hán Việt và cho biết những từ ngữ đó được dùng với sắc thái gì?

          Lát sau, ngài đến yết kiến, vương quở trách. Ngài bỏ mũ ra, tạ tội, bày rõ lòng thành của mình. Vương mừng rỡ nói:

          - Ngài thật là bậc lương y chân chính, đã giỏi về nghề nghiệp lại có lòng nhân đức, thương xót cho đám con đỏ của ta, thật xứng với lòng ta mong mỏi.

Trả lời:

- Từ Hán Việt: yết kiến, vương, lương y, nhân đức, chân chính.

- Sắc thái:

+ Sắc thái cổ kính, phù hợp với không khí xã hội xưa.

+ Sắc thái tôn trọng, thể hiện thái độ tôn trọng, tôn kính.

+ Sắc thái tao nhã, tránh gây cảm giác thô lỗ, đáng sợ.

Câu 18: Chọn một số câu hay trong các đoạn của bức thư trên nói về không khí, ánh sáng, đất, nước, thực vật, thú vật và học thuộc lòng.

Trả lời:

- Những câu hay trong bức thư:

+ Nói về không khí: Không khí quả là quý giá đối với người da đỏ, bởi lẽ bầu không khí này là của chung, muông thú, cây cối và con người cùng nhau hít thở.

+ Nói về ánh sáng: những tia sáng chói chang phản chiếu từ mặt hồ trong vắt sẽ nói lên cái gì đó về kí ức của người da đỏ.

+ Nói về đất: Bởi lẽ mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ; đất dưới chân chúng là những nắm tro tàn của cha ông chúng tôi.

+ Nói về nước: Tiếng thì thầm của dòng nước chính là tiếng nói của cha ông chúng tôi.

+ Nói về thực vật: Những bông hoa ngát hương là người chị, người em của chúng tôi.

+ Nói về động vật: bởi lẽ điều gì sẽ xảy đến với con thú thì cũng chính xảy ra đối với con người.

Câu 19: Viết một đoạn văn chủ đề bất kì có sử dụng từ Hán Việt.

Trả lời:

Ý chí nghị lực tạo nên nguồn sức mạnh to lớn để vượt qua mọi khó khăn, bởi vậy mà ông cha ta đã có câu “Có chí thì nên”, tuy ngắn gọn nhưng gửi gắm bài học giá trị. Đầu tiên, “chí” ở đây là ý chí, nghị lực của mỗi người - nó thuộc về yếu tố tinh thần. Còn “nên” muốn chỉ đến sự thành công trong cuộc sống. Câu tục ngữ sử dụng mối quan hệ nhân quả thông qua từ “thì” ý chỉ nghị lực sẽ vượt qua được mọi khó khăn và tiến đến với mục tiêu mà bản thân mong muốn đạt được. Như vậy, hiểu đơn giản rằng ý chí, nghị lực giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được thành công. Bên cạnh đó, nhiều người khi gặp phải khó khăn thì đã trở nên nản chí. Họ không dám đương đầu với thử thách, chấp nhận thất bại hoặc bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Những người như vậy sẽ chỉ mãi sống trong thất bại, giậm chân tại chỗ. Bởi vậy, khi còn là học sinh, chúng ta cần rèn luyện cho mình đức tính kiên trì, ý chí và nghị lực để có thể sẵn sàng đương đầu với những thử thách trong cuộc sống. Có thể khẳng định rằng, câu “Có chí thì nên” tuy ngắn gọn, nhưng đã gửi gắm bài học sâu sắc đến mỗi người.

- Từ Hán Việt: ý chí, nghị lực, tinh thần, thành công, nhân quả, mục tiêu, thất bại, hiện tại, học sinh, kiên trì.

Câu 20: Viết đoạn văn cảm nhận về khổ 1 bài thơ Sang thu, trong đó có sử dụng từ Hán Việt. Gạch chân từ Hán Việt đó.

Trả lời:

Những tín hiệu báo thu về được nhà thơ Hữu Thỉnh miêu tả thật sâu sắc qua khổ thơ đầu bài thơ “Sang thu”. Đối với Hữu Thỉnh, mùa thu đến không phải là với sắc vàng của hoa cúc, sắc trời xanh biếc hay là mùi hương cốm mới,.....mà là với mùi hương ổi nồng nàn ngọt ngào được làn gió thu đưa đến “Bỗng nhận ra hương ổi”. Động từ “phả” làm cho làn hương ổi không bị tan ra loãng đi mà như được sánh lại ở độ đậm nhất trong làn gió se - làn gió heo may mang hơi lạnh và khô. Cùng với hương ổi phả vào trong làn gió se nhè nhẹ của mùa thu là làn sương chùng chình được giăng mắc trước ngõ: “Sương chùng chình qua ngõ”. Từ láy “chùng chình” diễn tả làn sương mỏng nhẹ chầm chậm chuyển động trong không gian. Ẩn trong hình ảnh đó, nghệ thuật nhân hoá khiến cho làn sương như mang tâm trạng của con người. Nó cũng như cố ý chậm lại để cảm nhận vẻ đẹp của phút giao mùa. Từ “ngõ” ở đây vừa có thể hiểu là ngõ tả thực và cũng có thể hiểu là ngõ cửa giao mùa giữa hạ và thu. Ở câu cuối, tình thái từ “hình như” chỉ cái không chắc chắn kết hợp với phó từ “đã” chỉ cái đã xảy ra đã diễn tả được tình yêu mùa thu của tác giả. Cùng với đó, từ “bỗng” ở câu thơ đầu cũng thể hiện tâm trạng bất ngờ, ngạc nhiên của người thi sĩ, nó kéo con người ta ra khỏi bộn bề của công việc để trở về với thiên nhiên. Và dường như nhà thơ quá yêu mùa thu, quá khao khát, mong chờ mùa thu nên khi thu đến, nhà thơ cũng không dám tin là thu đã về. Đây chính là một lời thông báo đầy ý nhị của tác giả: Thu đã về. Bằng sự cảm nhận tinh tế, một hồn thơ nhẹ nhàng, khả năng kết hợp từ thật độc đáo, nhà thơ đã vẽ nên bức tranh phút giao mùa lúc sang thu thật đẹp, qua đó thể hiện tình yêu mùa thu, tình yêu thiên nhiên của chính bản thân mình.

Câu 21: Phân tích tác phẩm Bài ca côn sơn

Trả lời:

Nguyễn Trãi một người quân sư tài ba, một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông không trực tiếp đánh giặc nhưng qua ngòi bút của mình ông đã làm lung lay biết bao nhiêu quân xâm lược khiến cho chúng không cần đánh cũng đã thua rồi. Căn bản là ở sự chính nghĩa của ta và ngòi bút sắc sảo không thể chối cãi được của Nguyễn Trãi. Tuy nhiên thì chúng ta không chỉ biết đến ông hùng hồn sắc sảo trong Bình Ngô đại cáo mà còn biết đến sự nhẹ nhàng của thiên nhiên trong Côn Sơn ca của ông. Có thể nói ông viết thơ ca chính luận cũng hay mà đến thơ ca thiên nhiên cũng hay không kém.

Bài thơ này được viết vào những năm Nguyễn Trãi về quê ở ẩn. Những năm tháng ấy ông sống trong cảnh thiên nhiên của Côn Sơn. Bài thơ như những nốt nhạc thanh thản của Nguyễn Trãi sau khi cáo quan trường về sống với làng quê thiên nhiên. Bức tranh thiên nhiên Côn Sơn hiện lên thật đẹp qua cảm nhận của tác giả. Chúng ta như đắm chìm cùng những sắc đẹp nơi đây:

“Côn Sơn suối chảy rì rầm,

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

.........

Trong rừng có bóng trúc râm,

Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.”

Bức tranh thiên nhiên ấy hiện lên với âm thanh, màu sắc, hình ảnh rất đẹp. Chỉ có trong mấy câu thơ mà tác dụng sử dụng đến ba phép so sánh nhằm nhấn mạnh những vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây. Tiếng suối Côn Sơn không giống như tiếng hát của người con gái trong Cảnh khuya, Hồ Chí Minh đã nói: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”.

Mà tiếng suối ở đây được ví như tiếng đàn cầm du dương bên tai, trong rừng rêu trên đá khiến cho nhà thơ ngồi trên đó cảm giác giống như là đang ngồi trên đệm êm. Những bóng trúc râm và những cây thông cao vút. Có thể nói nơi đây từ màu sắc xanh của cây rừng đến những tiếng suối rì rầm kia giao hòa với tâm hồn người nghệ sĩ. Dưới sự thoải mái của tâm hồn cũng như thanh thản tươi đẹp của thiên nhiên nhà thơ cất lên những câu thơ như ngâm nga trong khoảng không gian ấy.

Thông được so sánh như nêm để cho thấy được ở Côn Sơn những cây thông ấy quả thật rất nhiều. Phải chăng chính sự dày đặc của thông của trúc là nơi che chở tâm hồn nhà thơ tránh khỏi những bụi trần? Cũng có thể những cây thông kia là những người tri kỉ bầu bạn với nhà thơ. Là một người nghệ sĩ thì thiên nhiên cảnh đẹp luôn làm cho người ta thoải mái và thăng hoa. Chính vì thế mà thiên nhiên chính là những gì mà nhà thơ tìm thấy được khi về quê ở ẩn. Nhà thơ đang vui say như thế nhưng giọng thơ bỗng nhiên như trùng lại vì những câu thơ tiếp theo nhà thơ bỗng trầm ngâm tự nói với mình, tự nhắc nhở mình:

“Về đi sao chẳng sớm toan,

Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?

.........

Hai đàng khó sánh hiền ngu,

Đều làm cho thỏa được như ý mình. ”

Nhà thơ như thể hiện sự đúng đắn của mình khi cáo quan về ở ẩn. Nửa đời làm quan Nguyễn Trãi bị những nịnh thần chèn ép. Chính vì thế mà ông chán ghét cảnh quan trường sự tận trung của ông như thế được coi là đã đủ. Câu hỏi “Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?” như lời tự nhắc nhở của nhà thơ đối với chính bản thân mình. Nhà thơ cũng giống như Nguyễn Bỉnh Khiêm “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao”. Để về được Côn Sơn một cách thật sự thì Nguyễn Trãi cũng phải trải qua biết bao nhiêu lần được vua mời ra làm quan. Ông tự cảm thấy vừa mừng vì được vua tín nhiệm nhưng cũng vừa sợ trước cảnh quan trường nhiều thủ đoạn bon chen.

Ông quả thật là một người “nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá…” (Phạm Văn Đồng). Và phải chăng đó chính là bi kịch giằng xé trong Nguyễn Trãi. Ông muốn giúp nước giúp vua nhưng lại không muốn chịu cảnh quan trường bon chen hãm hại lẫn nhau. Điều đó làm cho lương tâm ngay thẳng của ông không thể chấp nhận được. Mà một khi đã không còn thích với chốn quan trường ấy thì nhất quyết là không thể làm được gì. Thế rồi nhà thơ nói về quy luật ở đời. Đồng Trác đời Đông Hán, Nguyên Tải đời Đường kia đều có những công danh, vinh hóa phú quý cả một đời thế nhưng khi chết lại để lại tiếng xấu, còn Bá Di thúc tề đời Ân, Chu thà nhịn đói cũng không lấy thóc.

Hai cách sống, hai cách lựa chọn khác nhau ấy đã làm nổi bật lên quan điểm sống của Nguyễn Trãi đã chọn. Đó là thà có ăn uống nước lã đi chăng nữa mà để lại tiếng thơm muôn đời còn hơn là phú quý giàu sang để rồi để một đời ô nhục không bao giờ hết. Chung quy sự “hiền, ngu” ở đời đều là để thỏa ý mình mà thôi. Và cũng chính từ những suy nghĩ ấy Nguyễn Trãi như thể hiện cuộc đời triết lý nhân sinh của mình:

“Trăm năm trong cuộc nhân sinh,

Người như cây cỏ thân hình nát tan.

..........

Sào, Do bằng có tái sinh,

Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn. ”

Nhà thơ ví thân phận của con người chẳng khác nào cây cỏ cả rất dễ nát tan, dễ bị dẫm đạp. Quan điểm triết lý ấy chưa hẳn là bi quan mà nó nói lên cái mong manh của sự sống chết của con người. Nó giống như câu thơ “Sông có khúc, người có lúc”. Thân phận con người không thể lúc nào cũng hiển đạt sung sướng được vì thế cho nên cũng giống như cây cỏ kia con người có lúc giàu sang hạnh phúc nhưng cũng có lúc nghèo khổ ô nhục.

Cái sự tốt tươi kia thay đổi tuần hoàn. Nguyễn Trãi viết “Côn Sơn ca” trước bao lâu vụ án Lệ Chi Viên xảy ra? Tâm trạng thời thế, triết lí về cuộc đời mà Nguyễn Trãi nói đến trong phần hai bài ca là cả một nỗi buồn thấm sâu, tỏa rộng trong tâm hồn nhà thơ. Suy cho cùng thì dẫu có hiển đạt hay nhục nhã thì khi chết đi con người cũng chẳng biết gì nữa. Đặc biệt là hai câu thơ cuối của tác giả đã thể hiện được sự thiết tha của Nguyễn Trãi:

“Sào, Do bằng có tái sinh,

Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn. ”

Sài Phủ, Hứa Do đều là những vị quan thanh liêm thời vua Nghiêu Trung Quốc. Cả hai người ấy đều không màng danh lợi mà quyết định sống một cuộc đời ẩn dật chính vì thế mà nhà thơ như học tập những con người như thế. Và bằng tiếng gọi tha thiết nhà thơ như muốn nếu họ tái sinh thì hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn. Bài ca ấy thể hiện nỗi niềm của nhà thơ và phải chăng nhà thơ như muốn tìm những người tri kỉ, những người có thể hiểu được bản thân mình.

Như vậy qua đây ta thấy được những tâm tư tình cảm của Nguyễn Trãi qua bài thơ này. Nhà thơ về quê ở ẩn đắm chìm trong không gian cảnh vật nơi Côn Sơn, thiên nhiên ấy giống như tri kỉ của nhà thơ vậy. Hồn thơ cùng với thiên nhiên như hòa vào làm một. Đặc biệt qua đó ta cũng thấy được những quan điểm suy nghĩ của nhà thơ về sự “hiền, ngu” trong cuộc đời.

Câu 22:  Tóm tắt văn bản Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI

Trả lời:

         Vài năm lại đây, ở phương Tây xuất hiện một trào lưu sống mới gọi là sống đơn giản: mọi người tự nguyện đơn giản hóa cuộc sống của mình. Sống đơn giản không đồng nghĩa với sống khổ hạnh và nghèo đói, mà là cuộc sống được lựa chọn sau một quá trình nghiên cứu kĩ lưỡng: một cuộc sống hòa đồng với thiên nhiên, tìm kiếm sự cân bằng; một cuộc sống hồn nhiên, vô tư, không lo lắng... Sống đơn giản giúp chúng ta biết kiềm chế lòng tham, cân nhắc kĩ lưỡng các nhu cầu của bản thân để có được cuộc sống hài hòa, giàu ý nghĩa. Việc xây dựng cho mình một cuộc sống đơn giản - một cuộc sống nhàn nhã theo đúng nghĩa: nhàn tâm, làm việc có khoa học, biết dừng lại ở mức đủ, biết mình biết người, có thái độ ứng xử đúng đắn, văn hóa - là việc làm có ích cho mỗi người.

Câu 23: Nêu Bố cục bài Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI

Trả lời:

Gồm 3 phần:

- Phần 1 (từ đầu đến “của thế kỉ XXI”): giới thiệu về trào lưu sống đơn giản

- Phần 2 (tiếp đến “Hồ Chí Minh…”): bàn luận về trào lưu sống đơn giản

- Phần 3 (còn lại): nhận xét về lối sống đơn giản.

Câu 24: Phân tích tác phẩm Lối sống đơn giản - xu thế của thế kỉ XXI

Trả lời:

Vài năm lại đây, ở phương Tây xuất hiện trào lưu sống mới gọi là sống đơn giản : mọi người tự nguyện đơn giản hóa cuộc sống của mình.

Như thế nào gọi là sống đơn giản ? Theo quan niệm của những người đề xướng ra trào lưu này, sống đơn giản không đồng nghĩa với cuộc sống khổ hạnh và nghèo đói, mà là cuộc sống được lựa chọn sau một quá trình nghiên cứu kĩ lưỡng ; một cuộc sống hòa đồng với thiên nhiên, tìm kiếm sự cân bằng trong mối quan hệ động – tĩnh ; một cuộc sống hồn nhiên, vô tư, không lo lắng, siêu phàm và thoát tục,…Sống đơn giản là tự mình lắng nghe tiếng nói của lòng mình, xem rõ điều mình thật sự cần thiết là cái gì ? Là sống một cuộc sống thực sự của bản thân mình chứ không phải là bắt chước theo lối sống của người khác hoặc sống theo yêu cầu của người khác.

Để có thể sống đơn giản cần phải có sức sáng tạo và lòng quyết tâm lớn, phải thực sự hòa mình vào cuộc sống để cảm nhận. nếu như bạn muốn mua một căn nhà, bạn cần phải nghĩ đến cả cái lợi và cái hại của nó, có lợi ắt cũng sẽ có hại, cái được và mất luôn đi liền với nhau, bất cứ lựa chọn nào cũng đều có mặt trái của nó. Một căn nhà rộng rãi, đẹp đẽ tất sẽ đem đến sự thoải mái, dễ chịu cho người ở và cả những lời khen ngợi của người khác ; nhưng để có tiền chi trả cho nó, bạn buộc phải làm việc cật lực và có thể còn phải từ bỏ một số thứ khác trong cuộc sống của bạn nữa. Sau khi mua nhà vài tháng hoặc vài năm, có thể sẽ có lúc bạn nghĩ rằng không hiểu vì sao bạn phải sống cuộc sống khổ sở, vất vả, một cuộc sống hết sức đơn điệu, nhàm chán chỉ để có tiền trả cho một căn nhà như thế này nhỉ?

Muốn có được một cuộc sống thoải mái, sung sướng là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng của con người. Chúng ta cần phải ăn, ở, đi lại…Chúng ta cũng cần phải có công việc và có thù lao và cả những công việc không có thù lao. Là con người, chúng ta không thể không có thứ gì, chúng ta có nhu cầu theo đuổi cái hay, cái đẹp ở một mức độ nhất định. Nhưng chúng ta lại thường không biết dừng lại đúng lúc vì lòng tham của con người là vô đáy. Lòng tham đó sẽ đẩy chúng ta vào cảnh nợ nần, mệt mỏi và cùng quẫn, từ đó tâm hồn chúng ta cũng sẽ trở nên chai sạn, trơ lì.

Sống đơn giản là sống sâu sắc hơn, quan tâm đến nhau hơn, thân thiết với nhau hơn. Cần phải thiết lập một mối quan hệ thân thiết, gần gũi với con người và cảnh vật trong môi trường sống của chúng ta hơn. Trong cuộc sống hãy dành một khoảng thời gian và không gian của mình để tìm hiểu, gần gũi và yêu quý những con người sống xung quanh chúng ta. Hãy tự mình sống một cuộc sống chân thực và tạo dựng xung quanh mình một cuộc sống hoàn toàn chân thực đối với mình. Chỉ có khi nào bạn cảm thấy thực sự nhẹ nhàng, bắt đầu sống an nhàn, có ý nghĩa thì bạn mới có thể phát hiện ra tinh hoa của cuộc sống này…

Dựa vào nguyên tắc của cuộc sống đơn giản, tiêu chuẩn tối thiểu của cuộc sống là : đáp ứng đầy đủ những nhu cầu thiết yếu của cộuc sống nưh ăn, mặc, ở, đi lại. tất nhiên, để đạt được điều đó, bạn phải bỏ ra một số công sức và thời gian nhất định. Nhưng, điều quan trọng ở đây là, ngoài tất cả những thứ đó, trong thời gian còn lại, việc mà bạn cần làm là biến mình thành một con người nhàn nhã và bình yên, không hao phí thời gian và công sức vào những việc làm vô bổ. Hiện nay, xu hướng sống đơn giản vẫn chưa được nhiều người chúng ta chú ý. Nhưng thực ra, lối sống này đã được cha ông chúng ta coi trọng từ xưa và đã trở thành một trong những giá trị văn hóa của người Việt. Có thể kể ra ở đây rất nhiều danh nhân của đất Việt đã từng có cuộc sống như vậy : Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh,…

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con người luôn trong trạng thái phải chịu đựng một áp lực quá tải do cuộc sống mang lại. Ngay khi đang còn là một đứa trẻ, người ta đã bị cuốn theo nhịp sống gấp gáp của thời đại. Chính vì vậy, đã nảy sinh những căn bệnh mang tính thời đại như bệnh stress, làm tổn thương đến cuộc sống của biết bao người. Trong một hoàn cảnh như vậy, việc xây dựng cho mình một cuộc sống đơn giản – một cuộc sống nhàn nhã theo đúng nghĩa : nhàn tâm, làm việc có khoa học, biết dừng lại ở mức đủ, biết mình, biết người, có thái độ ứng xủ đúng đắn, văn hóa – là việc làm có ích cho mọi người. Điều này không những phù hợp với xu thế văn minh của thời đại mà cũng rất phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Câu 25: Tìm các chi tiết miêu tả thiên nhiên và nhân vật "ta" trong đoạn thơ “Bài ca côn sơn”, từ đó nhận xét về mối quan hệ giữa thiên nhiên và nhân vật " ta".

Trả lời:

- Hình ảnh miêu tả thiên nhiên Côn Sơn

   + Suối: tiếng suối như tiếng đàn cầm

   + Đá rêu phơi

   + Thông mọc như nêm: thông mọc rậm và dày

   + Trúc bóng râm: trúc rậm, râm mát, dày tạo nên bóng râm khi trời nắng

- Biện pháp nghệ thuật:

   + Điệp từ: Côn Sơn

   + So sánh

-> Bức tranh thiên nhiên khoáng đạt, thanh cao, hấp dẫn, thú vị và nên thơ. Thiên nhiên như một người bạn tri âm, tri kỉ của nhà thơ

- Sử dụng điệp từ, đại từ nhân xưng “ta” nhằm nhấn mạnh sự có mặt của “ta” ở mọi cảnh đẹp của Côn Sơn

- Sử dụng hàng loạt các động từ khẳng định tư thế làm chủ của con người trước thiên nhiên: Ta nghe, ta ngồi, ta nằm, ta ngâm thơ nhàn…

-> Nhân vật trữ tình thả hồn mình, sống cuộc sống thanh cao, hòa mình vào giữa khung cảnh thiên nhiên Côn Sơn

-> Ca ngợi sức sống thanh cao, hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.

Câu 26: Viết một đoạn văn với đề tài tự chọn có sử dụng ít nhất hai từ Hán Việt.

Trả lời:

Kho tàng tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu tục ngữ đã để lại nhiều bài học quý giá cho thế hệ sau. Một trong số đó là câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” đã răn dạy con người phải có tấm lòng nhân ái. Trước hết, cần phải hiểu “thương người” có nghĩa là yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh. Còn “thương thân” có nghĩa là yêu thương, chăm sóc, giữ gìn, quý trọng bản thân mình. Câu tục ngữ sử dụng biện pháp tu từ so sánh để nhắc nhở con người hãy yêu thương mọi người xung quanh giống như yêu thương chính bản thân. Chúng ta cần phải có tấm lòng biết đồng cảm, chia sẻ với những người xung quanh. Có thể khẳng định đây là một cách sống tốt đẹp. Không phải ai sinh ra cũng được sống trong môi trường sung sướng, hạnh phúc. Rất nhiều những mảnh đời bất hạnh không có được đầy đủ mà phải vất vả kiếm sống. Hơn nữa, thế giới cũng luôn tồn tại những nguy cơ, hiểm họa đe dọa như thiên tai, dịch bệnh… có thể cướp đi của cải thậm chí là mạng sống của con người. Chính vì vậy, con người cần biết chia sẻ để giúp đỡ, cùng xây dựng một xã hội phát triển hơn.

Câu 27: Viết đoạn văn có sử dụng từ Hán Việt và chỉ rõ các từ hán việt đó

Trả lời:

Trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử, đất nước ta phải trải qua bao trận chiến khôc liệt và đương đầu với nhiều kẻ thù mạnh. Nhưng với tinh thần đoàn kết và kiên cường trong chiến đấu, đất nước ta đã giành được nền độc lập như ngày hôm nay. Nhân dân ta đã chấm dứt hàng trăm năm sống dưới ách gông cùm, nô lệ của của thực dân, phong kiến. Và ngày hôm nay, cả dân tộc lại cùng nhau chung sức, tiếp tục xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp. Đó là truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta.

  • Các từ Hán Việt: đoàn kết, kiên cường, nô lệ, phong kiến, phồn vinh

Câu 28: Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tử bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.

(Nguyễn Tuân, Chữ người tử tù)

  1. Tìm 5 từ Hán Việt trong đoạn văn trên.
  2. Thử thay thế một từ Hán Việt trong đoạn văn trên bằng 1 từ hoặc cụm từ biểu đạt ý nghĩa tương đương. Hãy đối chiếu câu, đoạn văn gốc với câu, đoạn văn mới đề rút ra nhận xét về sự thay thế này.
  3. Dựa vào ngữ cảnh, hãy nêu tác dụng của việc sử dụng các từ Hán Việt trong đoạn văn trên.

Trả lời:

  1. 5 từ Hán Việt trong đoạn văn:

– Nhất sinh: cả một đời

– Quyền thế: quyền hành và thế lực

– Biệt nhỡn: cái nhìn trân trọng đặc biệt

– Liên tài: biết quý cái tài

– Thiên hạ: Tất cả những gì trong trời đất.

  1. Ví dụ, thay thế từ “nhất sinh”:

“Ta cả một đời không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ.”

  1. Đặt trong hoàn cảnh văn bản, việc sử dụng từ hán việt là phù hợp nhất bởi nó vừa toát lên được không khí cổ kính, trang trọng, vừa truyền đạt được một cách chính xác nhất thông điệp của tác giả.

 

Câu 29: Hãy tìm 6 từ Hán Việt có một trong những yếu tố tạo nên các từ sau: cương trực, hàn sĩ, hiếu sinh. Đặt một câu với mỗi từ Hán Việt tìm được.

Trả lời:

– Các từ Hán Việt có yếu tố tạo nên từ “cương trực”: cương quyết, chính trực

+ Người lính cương quyết không làm theo lệnh chỉ huy và anh ta đã bị kỷ luật.

+ Ông ấy là một người chính trực, trước sau như một.

– Các từ Hán Việt có yếu tố tạo nên từ “hàn sĩ”: bần hàn, sĩ tử

+ Trong xã hội xưa, những con người bần hàn, thấp cổ bé họng không có quyền lên tiếng trước những bất công, tàn ác.

+  Các sĩ tử nô nức lên kinh ứng thi.

– Các từ Hán Việt có yếu tố tạo nên từ “hiếu sinh”: hiếu khách, sinh vật

+ Việt Nam là một quốc gia hiếu khách.

+ Vườn quốc gia là nơi nuôi dưỡng những loài sinh vật đang cần được bảo tồn.

Câu 30: Hãy chỉ ra lỗi dùng từ Hán Việt trong các câu sau và sửa lại:

  1. Việc chăm chỉ đọc sách giúp ta tích luỹ được nhiều trí thức bổ ích.
  2. Tại phiên toà nơi cõi âm, nhân vật Tử Văn đã thể hiện được sự cứng cỏi, ngang tàng của hàn sĩ.
  3. Thói quen học tập theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” là một yếu điểm của nhiều bạn học sinh.

Trả lời:

  1. Từ dùng sai: tri thức

Sửa lại: thay bằng từ “kiến thức”

  1. Từ dùng sai: hàn sĩ

Sửa lại: thay bằng từ “nho sĩ”

  1. Từ dùng sai: yếu điểm

Sửa lại: thay bằng từ “khuyết điểm”

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay