Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 chân trời sáng tạo Ôn tập Bài 6: Tình yêu tổ quốc (Thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt luật đường) (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 6: Tình yêu tổ quốc (Thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt luật đường) (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP BÀI 6. TÌNH YÊU TỔ QUỐC (PHẦN 1)

Câu 1: Hãy trình bày hiểu biết của em về tác giả, tác phẩm “Qua đèo Ngang”.

Trả lời:

- Tác giả: Bà Huyện Thanh Quan

+ Tên thật là Nguyễn Thị Hinh (chưa rõ năm sinh, năm mất), sống vào thế kỉ XIX, quê ở làng Nghi Tàm, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội.

+ Chồng bà làm tri huyện Thanh Quan, tỉnh Thái Bình, do đó bà có tên gọi là Bà Huyện Thanh Quan.

+ Bà là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có trong thời đại ngày xưa, hiện còn để lại sáu bài thơ luật Đường , trong đó có bài “Qua Đèo Ngang”.

- Tác phẩm:

+ Hoàn cảnh ra đời: Bài thơ được sáng tác khi bà trên đường từ Bắc Hà vào Huế nhận chức “Cung Trung giáo tập”.

+ Xuất xứ: In trong “Hợp tuyển thơ văn Việt Nam”, tập ba, NXB Văn hóa, 1963).

+ PTBĐ chính: Biểu cảm

+ Thể thơ: Thất ngôn bát cú luật Đường.

+ Giá trị nội dung:

Bài thơ cho thấy cảnh Đèo Ngang bao la thoáng đãng mà vắng vẻ heo hút, tuy có thấp thoáng dáng vẻ con người nhưng còn hoang sơ. Đồng thời thể hiện nỗi nhớ nước, thương nhà và nỗi cô đơn thầm lặng của tác giả.

+ Giá trị nghệ thuật:

*Thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường cô đọng cảm xúc.

*Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.

*Sử dụng từ láy gợi hình gợi cảm, từ đồng âm, nghệ thuật đối, đảo, điệp,…

Câu 2: Cho biết cơ sở để em xác định thể thơ của bài “Qua Đèo Ngang”.

Trả lời:

- Cơ sở để em xác định bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú luật Đường:

+ Bài thơ có 8 câu, mỗi câu 7 chữ.

+ Câu 1,2, 4, 6, 8 có sự hiệp vần, là vần “a”.

Câu 3: Hãy cho biết bài thơ được làm theo luật bằng hay luật trắc và đã tuân thủ quy định về luật, niêm, vần, đối của một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường như thế nào?

Trả lời:

- Bài thơ được làm theo luật trắc (tiếng thứ 2 của câu một là tiếng thanh trắc).

- Bài thơ đã tuân thủ quy định về luật, niêm, vần, đối của một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường:

+ Bài thơ có 8 câu, mỗi câu 7 chữ.

+ Áp dụng đúng quy luật “nhất – tam – ngũ bất luận, nhị – tứ – lục phân minh”, tiếng thứ 2, 4, 6 trong các câu được phân chia như sau:

Câu 1: T – B – T

Câu 2: B – T – B

Câu 3: B – T – B

Câu 4: T – B – T

Câu 5: T – B – T

Câu 6: B – T – B

Câu 7: B – T – B

Câu 8: T – B – T

- Niêm: Câu 1 niêm với câu 8 (tiếng thứ 2 cùng là trắc), câu 2 niêm với câu 3 (tiếng thứ 2 cùng là bằng), câu 4 niêm với câu 5 (tiếng thứ 2 cùng là trắc), câu 6 niêm với câu 7 (tiếng thứ 2 cùng là bằng).

- Vần: Sử dụng vần chân, hiệp vần “ư” ở cuối câu 1, 2, 4.

- Đối (Đối xứng): Câu 3 – câu 4, câu 5 – câu 6.

 

Câu 4: Nêu tác dụng của biện pháp đảo ngữ được sử dụng trong bài thơ sau;

"Bên này là núi uy nghiêm 

Bên kia là cánh đồng liền chân mây

Xóm làng xanh mát bóng cây 

Sông xa trắng cánh buồm bay lưng trời"

(Quê em - Trần Đăng Khoa) 

Trả lời:

Các từ "xanh mát" ở trong câu thơ thứ ba và "trắng" ở trong câu thơ thứ tư; các tính từ này thường được diễn đạt như sau: bóng cây xanh mát, cánh buồm trắng. Cách diễn đạt đảo ngữ "xanh mát bóng cây"; "trắng cánh buồm" ; làm cho hai tính từ được chuyển loại "xanh mát", "trắng" mang đặc điểm của động từ có tác dụng nhấn mạnh ý miêu tả và gợi cảm xúc cho người đọc.

 

Câu 5: Vận dụng kiến thức về biện pháp đảo ngữ để diễn đạt lại những câu văn dưới đây cho sinh động, gợi cảm

  1. Nước sông Hương xanh biêng biếc, màu hoa phượng vĩ đỏ rực hai bên bờ.
  2. Giữa trời khuya tĩnh mịch, một vầng trăng vằng vặc trên sông, một giọng hò mái đẩy thết tha dịu dàng. 
  3. Xa xa, những ngọn núi nhấp nhô, mấy ngôi nhà thấp thoáng, vài cánh chim chiều bay thấp thoáng về tổ.

Trả lời:

  1. Xanh biêng biếc nước sông Hương, đỏ rực hai bên bờ màu hoa phượng vĩ.
  2. Giữa trời khuya tĩnh michh, vằng vặc trên sống một vầng trằn, thiết tha dịu dàng.
  3. Xa xa, nhấp nhô những ngọn núi, thấp thoáng mấy ngôi nhà, lững thững vài cánh chim chiều bay về tổ. 

Câu 6: Xác định bố cục của bài thơ “Nam quốc sơn hà”

Trả lời:

- Gợi ý: có 2 cách

+ Theo thể thơ, bố cục gồm 4 phần:

Câu 1: Khai – mở vấn đề: Nước Nam là một nước có chủ quyền, có vua.

Câu 2: Thừa – tiếp tục phát triển ý của câu 1: Điều đó được ghi rõ ở sách trời.

Câu 3: Chuyển: Hỏi tội kẻ thù.

Câu 4: Hợp – khép lại, khẳng định vấn đề: Quân giặc mà sang xâm lược thì chắc chắn chịu kết cục thảm hại.

+ Theo nội dung, bố cục gồm 2 phần:

Câu 1 – 2: Lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, dân tộc.

Câu 3 – 4: Sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Câu 7: Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết Nam quốc sơn hà là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt luật Đường?

Trả lời:

- Dấu hiệu giúp em nhận biết bài thơ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt luật Đường:

+ Bài thơ có 4 câu, mỗi câu 7 chữ.

+ Câu 1,2,4 có sự hiệp vần, là vần “ư”.

+ Nhịp thơ: 4/3.

 

Câu 8: Qua hai câu đầu, tác giả muốn khẳng định điều gì? Từ đó, cho biết:

  1. Tác dụng của cách dùng từ, ngắt nhịp trong câu: Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
  2. Tác dụng của việc nói đến “thiên thư” (sách trời) trong câu thơ thứ hai.

Trả lời:

- Qua hai câu đầu, tác giả muốn khẳng định độc lập chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, dân tộc.

  1. Tác dụng của cách dùng từ, ngắt nhịp trong câu: Nam quốc sơn hà Nam đế cư.

+ Người Trung Quốc khi xưa luôn tự coi mình là trung tâm của vũ trụ nên vua của họ được gọi là “đế”, các nước chư hầu nhỏ hơn bị họ coi là “vương” (vua của những vùng đất nhỏ). Bởi vậy, tác giả đã ngụ ý dùng từ “Nam đế” (vua nước Nam) để hàm ý sánh ngang với “đế” của nước Trung Hoa rộng lớn. Đồng thời, nói “Nam đế cư” để thể hiện rằng nước ta có chủ quyền lãnh thổ, là một quốc gia độc lập, tự chủ.

=> Trong câu thơ, cách dùng từ, ngắt nhịp đã giúp khẳng định: nước ta là nước có Vua, có dân chủ, có chủ quyền lãnh thổ riêng. Đó là sự tự hào, lòng tự tôn dân tộc.

  1. Tác dụng của việc nói đến “thiên thư” (sách trời) trong câu thơ thứ hai.

+ Nói đến “thiên thư” vì quan niệm ngày xưa trời luôn được coi là đấng tối cao.

=> Khẳng định rằng những việc đã được ghi trong “thiên thư” (sách trời) là những điều được quy định bởi đấng tối cao. Vậy nên, việc phân chia bờ cõi đã có ở sách trời, không thể nào chiếm đoạt được.

Câu 9: Người viết văn bản nghị luận bao giờ cũng hướng tới đối tượng cần thuyết phục. Theo em, văn bản “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” hướng tới đối tượng nào?

Trả lời:

- Em hãy chú ý đến hoàn cảnh ra đời của văn bản và đoạn từ “Bổn phận của chúng ta … công việc kháng chiến”.

 Từ đó ta thấy rằng, văn bản này hướng tới đối tượng trực tiếp là các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và rộng hơn là toàn thể nhân dân Việt Nam.

Câu 10: Hãy giải nghĩa những từ ngữ xuất hiện trong bài văn: kiều bào, vùng tạm bị chiếm, hậu phương.

Trả lời:

- Kiều bào: người dân một nước sinh sống ở nước ngoài.

- Vùng tạm bị chiếm: vùng đất đang tạm thời bị giặc chiếm đóng. Ở đây chỉ vùng bị quân xâm lược Pháp chiếm trong thời kì nhân dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954)

- Hậu phương: vùng ở phía sau tiền tuyến, xa nơi có chiến sự, là nơi để xây dựng lực lượng, huy động sức người sức của phục vụ cho cuộc chiến đấu.

Câu 11: Theo em, nghệ thuật nghị luận ở bài này có những đặc điểm gì nổi bật?

Trả lời:

Nghệ thuật bài văn có những điểm nổi bật như:

- Bố cục chặt chẽ.

- Dẫn chứng chọn lọc và trình bày theo trật tự thời gian (từ xưa đến nay). Nhấn mạnh các dẫn chứng thời nay, đưa các dẫn chứng này theo các bình diện để làm nổi bật tính chất toàn dân.

- Hình ảnh so sánh độc đáo, gợi cho người đọc thấy rõ sức mạnh to lớn và giá trị quý báu của tinh thần yêu nước vốn là một khái niệm trừu tượng.

Câu 12: “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” là một trích đoạn của Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam. Điều gì cho thấy phần trích này vẫn thể hiện đầy đủ các đặc điểm của một văn bản hoàn chỉnh?

Trả lời:

Tuy là đoạn trích nhưng văn bản này cũng có khá đầy đủ các yếu tố với các phần của một bài nghị luận kiểu chứng minh.

- Vấn đề mà tác giả muốn khẳng định đã được nêu lên như một chân lí ở ngay những câu đầu của bài văn.

- Nhiệm vụ của bài là tập trung làm sáng tỏ nhận định cơ bản ấy bằng các dẫn chứng chọn lọc, phong phú, giàu sức thuyết phục.

- Cuối cùng, từ đó bài văn đã nêu lên nhiệm vụ phải phát huy mạnh mẽ và đầy đủ tinh thần yêu nước của nhân dân ta vào công cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.

 Bài văn rất ngắn gọn nhưng có thể xem là một mẫu mực về văn nghị luận chứng minh.

Câu 13: Ở hai câu cuối Nam quốc sơn hà, tác giả nói về điều gì, nói với ai và bằng thái độ, tình cảm như thế nào?

Trả lời:

- Ở hai câu cuối, tác giả nói với quân giặc bằng thái độ căm hận và khinh bỉ, “nghịch lỗ”  – lũ quân bạo ngược làm trái với ý trời dám đem quân xâm lược nước ta. Đó là lời cảnh báo cũng chính là lời thách thức quân giặc, nhằm khẳng định sự thất bại thảm hại của lũ giặc nếu chúng cố tình xâm phạm nước ta thì chắc chắn sẽ chuốc lấy bại vong.

Câu 14: Em hãy nêu nội dung chính của bài Chạy giặc 

Trả lời:

Nội dung chính: Chạy giặc đã tái hiện chân thực cảnh quê hương khi thực dân Pháp đến tàn sát. Bài thơ còn thể hiện tình cảm yêu nước tha thiết của nhà thơ. Đó là những giây phút đau thương trước cảnh nước mất nhà tan. Ông đã lên tiếng kêu gọi những người có trách nhiệm đứng lên đánh giặc cứu nước và thức tỉnh lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt. 

 

Câu 15: Hãy chỉ rõ các từ được dùng theo biện pháp đảo ngữ trong đoạn thơ dưới đây và nêu tác dụng gợi tả, gợi cảm của chúng

"Dừng chân nghỉ lại Nha Trang

Hiu hiu gió thổi, trời quang tuyệt vời.

Xanh xanh mặt biển da trời,

Cảnh sao quyến rũ lòng người khó quên."

Trả lời:

Các từ được dùng theo biện pháp đảo ngữ trong đoạn thơ lần lượt là "hiu hiu" và "xanh xanh".

Tác dụng: "Hiu hiu" gợi mức độ nhẹ nhàng của cơn gió và cảm giác dễ chịu, thư thái trong cảnh vật và trong chính cảm xúc của tác giả - người khách qua đường nán lại dừng chân nghỉ ngơi. 

"Xanh xanh" gợi màu sắc của biển trời và cảm xúc có phần lạ lẫm, bất ngờ của tác giả trước thiên nhiên, đất trời tươi đẹp nơi đây. 

Như vậy, cả hai từ đều có tác dụng làm tăng tính gợi hình mạnh mẽ cho ý thơ, khiến người đọc hình dung ra trước mắt một khung cảnh thiên nhiên nên thơ, trữ tình.

Câu 16: Hãy chỉ ra biện pháp đảo ngữ được dùng trong đoạn thơ dưới đây. Hãy thử so sánh với cách diễn đạt thông thường, không đảo ngữ để làm rõ tác dụng của biện pháp đảo ngữ.

"Em ạ, Cu-ba ngọt lịm đường

Mía xanh đồng bãi, biếc đồi nương 

Cam ngon, xoài ngọt vàng nông trại

Ong lạc đường hoa, rộn bốn phương..."

                                                             (Tố Hữu)

Trả lời:

Biện pháp tu từ đảo ngữ được sử dụng ở câu thơ thư nhất "ngọt lịm đường" thay vì " đường ngọt lịm"; câu thơ thứ hai  "mía xanh đồng bãi" thay vì "đồng bãi mía xanh", "biếc đồi nương" thay vì đồi nương biếc"; câu thơ thứ ba "cam ngon, xoài ngọt vàng nông trại" thay vì cấu trúc thông thường là "nông trại cam ngon, xoài vàng ngọt".

Tác dụng: So sánh giữa cách diễn đạt có dùng biện pháp tư từ đảo ngữ với câu thơ không dùng biện pháp tu từ đảo ngữ có thể thấy rõ cách diễn đạt có dùng đảo ngữ giàu tính gợi hình, biểu cảm hơn, tác giả muốn nhấn mạnh để làm nổi bật những đặc điểm của cỏ cây, hoa trái đất nước Cu-ba bằng cách đẩy những tính từ "ngọt lịm", "cam ngon", xoài ngọt"... >>lên đầu câu thay vì để ở vị trí cuối câu như thông thường. Đây là cách sắp xếp câu từ đầy thông minh và khéo léo của bậc thi nhân.

Câu 17: Em hiểu thế nào về nội dung của câu thơ cuối “Qua Đèo Ngang”? Nhận xét giá trị nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ (trình bày bằng một đoạn văn ngắn khoảng 10 dòng).

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

- Nội dung cần làm rõ: Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật.

- Phạm vi phân tích: Câu thơ cuối của bài thơ.

- Dung lượng: Khoảng 10 dòng.

- Khi phân tích cần lưu ý:

+ Giá trị nội dung:

Trong bài “Qua Đèo Ngang”, câu thơ cuối đã nhấn mạnh nỗi cô đơn sâu sắc đến tột cùng của tác giả, một “mảnh tình riêng” giữa cảnh trời cao đất rộng, trước thiên nhiên hoang vu, vắng vẻ. Một mình nhà thơ phải đối diện với khung cảnh rợn ngợp. Câu thơ biểu lộ sâu sắc và thấm thía sự cô đơn của tác giả trước khung cảnh thiên nhiên trời đất mênh mông, hoang vắng nơi xa xứ.

+ Giá trị nghệ thuật:

*Điệp từ “ta”: “ta với ta” – tuy hai từ “ta” nhưng chỉ một mình tác giả -> cô đơn, lạc lõng.

*Cách ngắt nhịp: câu thơ cuối khác với các câu thơ trên, không ngắt theo nhịp 4/3 hoặc 3/4 mà ngắt nhịp 4/1/2 hoặc 4/1/1/1. Cách ngắt nhịp này nhấn mạnh sự cô đơn lẻ loi, nỗi buồn thấm thía của nhà thơ trước khung cảnh bao la, heo hút nơi Đèo Ngang, chỉ có nhà thơ với mây nước nơi đây.

Câu 18: Trong kho tàng thơ ca Việt Nam, có rất nhiều bài thơ “mượn cảnh tả tình” như “Qua Đèo Ngang”, em hãy kể tên một số bài thơ mà em biết (ngữ liệu có thể lấy trong sách hoặc ngoài SGK).

Trả lời:

Gợi ý:

  1. Ngắm trăng (Hồ Chí Minh)

Phiên âm

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.

Dịch thơ

Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ!
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

  1. Kiểu ở lầu Ngưng Bích (Nguyễn Du) (rõ nhất trong 6 câu thơ đầu và 8 câu thơ cuối)

Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

….

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Câu 19: Trong bài thơ “Qua Đèo Ngang” có nhắc đến cụm từ “ta với ta”. Cụm từ này cũng được xuất hiện trong bài “Bạn đến chơi nhà” (Nguyễn Khuyến). Em hãy so sánh giá trị biểu đạt của cụm từ đó trong hai bài thơ.

Trả lời:

Gợi ý:

- Câu thơ chứa cụm từ “ta với ta” của hai bài là:

Một mảnh tình riêng, ta với ta (Qua Đèo Ngang)

Bác đến chơi đây, ta với ta (Bạn đến chơi nhà)

- So sánh:

+ Giống:

*Vị trí: Đều xuất hiện ở câu thơ cuối và cả hai bài thơ kết thúc bằng cụm từ “ta với ta”.

*Tác dụng: Đều thể hiện trực tiếp cảm xúc, tâm trạng của chủ thể trữ tình.

+ Khác:

*Trong bài “Qua Đèo Ngang”, “ta” xuất hiện hai lần trong cụm “ta với ta” để chỉ tác giả (Bà Huyện Thanh Quan), một mình tác giả đối diện với chính mình.

=> Biểu lộ sâu sắc tâm trạng cô đơn, nỗi buồn thấm thía khi chỉ có một mình tác giả đứng trước khung cảnh thiên nhiên đất trời mênh mông, hoang sơ; đồng thời còn thể hiện sự nhỏ bé, thưa thớt, ít ỏi của con người chốn Đèo Ngang heo hút.

*Trong bài “Bạn đến chơi nhà”, “ta” xuất hiện hai lần trong cụm “ta với ta” để chỉ tác giả (Nguyễn Khuyến) với khách (bạn), hai cá thể riêng biệt nhưng có mối quan hệ gắn bó hòa hợp, sự đồng nhất trọn vẹn.

=> Tôi với bác là chúng ta với nhau, thể hiện một tình bạn gắn bó keo sơn, đồng thời kín đáo bộc lộ niềm tự hào về tình bạn ấy. “Ta với ta” trong thơ của Nguyễn Khuyến là sự gặp gỡ giao lưu của một đôi bạn tri âm tri kỉ, là mối quan hệ ấm áp, đồng cảm giữa hai trái tim, hai con người.

  • Kết luận:

*Nếu “ta với ta” trong “Qua Đèo Ngang” chỉ một cá nhân thì trong “Bạn đến chơi nhà” là hai cá thể riêng biệt.

*Nếu “ta với ta” trong “Qua Đèo Ngang” mang lại cảm giác cô đơn, nỗi buồn trước cảnh tượng thiên nhiên đất trời và sự heo hút của con người thì “Bạn đến chơi nhà” lại mang đến cảm giác ấm áp vì có sự kết nối của con người, đó là mối quan hệ gắn bó keo sơn, đồng nhất trọn vẹn giữa hai người bạn tri âm tri kỷ.

Câu 20: Xác định biện pháp tu từ đảo ngữ được sử dụng trong các trường hợp sau và nêu tác dụng của biện pháp này:

  1. a) Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.

(Hồ Chí Minh, Lòng yêu nước của nhân dân ta)

  1. b) Đã tan tác những bóng thù hắc ám

    Đã sáng lại trời thu tháng Tám.

(Tố Hữu, Ta đi tới)

Trả lời:

  1. a) Đảo thứ tự trong cụm từ: “một lòng nồng nàn yêu nước” -> “một lòng yêu nước nồng nàn”.

- Tác dụng: Nhấn mạnh truyền thống yêu nước nồng nàn của nhân dân ta.

  1. b) Đảo vị ngữ lên trước chủ ngữ:

“Đã tan tác những bóng thù hắc ám” -> “Những bóng thù hắc ám đã tan tác”

“Đã sáng lại trời thu tháng Tám” -> “Trời thu tháng Tám đã sáng lại”

Tác dụng: Nhấn mạnh, thể hiện niềm tự hào của tác giả về những chiến thắng oanh liệt cũng như thành quả trong công cuộc xây dựng đất nước sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Câu 21: Tìm câu hỏi tu từ có trong các câu sau và cho biết tác dụng của những câu văn đó.

  1. a) Nhưng ta trách gì Xuân Diệu ? Xuân Diệu, nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho thời đại, chỉ nói cái khổ sở, cái thảm hại của hết thảy chúng ta.

(Hoài Thanh)

  1. b) Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm

    Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?     

(Chế Lan Viên) 

Trả lời:

  1. a) Câu hỏi tu từ: Nhưng ta trách gì Xuân Diệu ?

- Tác dụng: Qua việc sử dụng câu hỏi tu từ, nhà phê bình Hoài Thanh muốn khẳng định rằng bản thân ông không trách Xuân Diệu. Đồng thời, nhấn mạnh việc Xuân Diệu chính là nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho thời đại khi nói về cái khổ sở, cái thảm hại hết thảy lúc bấy giờ.

  1. b) Câu hỏi tu từ: Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?

- Tác dụng: Nhấn mạnh vẻ đẹp sông nước Tổ quốc Việt Nam.

 

Câu 22: Hãy vẽ sơ đồ tư duy hoặc một dạng tương tự cho hệ thống luận điểm ở đoạn từ “Lịch sử ta đã … lòng nồng nàn yêu nước”.

Trả lời:

Dưới đây là hệ thống luận điểm tham khảo:

- Luận điểm 1: Tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân ta từ thời xưa.

+ Lí lẽ: Chúng ta có quyền tự hào vì những trang sử vẻ vang của dân tộc. Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc.

+ Dẫn chứng: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,…

- Luận điểm 2: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta hiện nay cũng không thua kém thời xưa.

+ Lí lẽ: Những hoạt động của dân ta tuy khác nhau về nơi việc làm nhưng đều giống nhau nơi nồng nàn yêu nước.

+ Dẫn chứng: Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ …

Câu 23: Nam quốc sơn hà thường được xem là một “bản tuyên ngôn độc lập” bằng thơ trong văn học Việt Nam và còn được gọi là bài thơ “Thần”. Hãy phát biểu ý kiến của em về điều này.

Trả lời:

Gợi ý:

“Nam quốc sơn hà” thường được xem là một “bản tuyên ngôn đọc lập” bằng thơ trong văn học Việt Nam và còn được gọi là bài thơ “Thần”, đây hoàn toàn là hai ý kiến đúng đắn.

+ Trước hết, nói “Nam quốc sơn hà” là một “bản tuyên ngôn độc lập” bằng thơ bởi tuy chỉ có vỏn vẹn bốn câu với 28 chữ, nhưng bài thơ đã khẳng định được chủ quyền của nước Đại Việt. Trong bài có nhắc đến hai chữ “Nam đế” gắn liền với “Nam quốc” để đề cao tinh thần tự tôn của dân tộc và tư tưởng thoát ly khỏi tư duy nước lớn và tư tưởng bành trướng bá vương của nhà nước phong kiến Trung Quốc. Dùng từ “đế” nhằm khẳng định sự tự chủ, sự độc lập và quyền bình đẳng giữa các nước là như nhau. Suy cho cùng, song hành với “Nam quốc” thì phải là “Nam đế” và ngược lại, đó là tất yếu.

+ Không những vậy, “Nam quốc sơn hà” còn được gọi là một bài thơ “Thần”, bởi trong bài thơ có nhắc đến hai chữ “thiên thư” (tức sách trời). Quan niệm ngày xưa cho rằng: Trời là đấng tối cao. Vậy nên, chủ quyền độc lập dân tộc vốn đã được vạch rõ trong sách trời, “sách thần”, đây là một lí lẽ tất nhiên, không thể chối cãi. Nếu quân giặc có ý định phạm vào thì chắc chắn chỉ có đường diệt vong.

Câu 24: Nêu một số cứ liệu lấy từ lịch sử hoặc từ văn chương cho thấy tinh thần và ý chí trong bài thơ Nam quốc sơn hà đã trở thành một truyền thống vẻ vang của dân tộc ta.

Trả lời:

Gợi ý: Tinh thần và ý chí trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” đã trở thành một truyền thống vẻ vang của dân tộc ta thể hiện qua các câu thơ như:

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương,

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,

Song hào kiệt thời nào cũng có.

(Trích trong văn bản “Nước Đại Việt ta”)

Câu 25: Viết đoạn văn (khoảng 4 – 5 câu), trong đó có ít nhất một câu hỏi tu từ, nêu cảm nhận của em về bài thơ “Qua Đèo Ngang”. Sau đó, cho biết câu hỏi ấy có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung của đoạn văn.

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

- Bốn câu đầu: Khung cảnh thiên nhiên hoang vắng, rộng lớn của Đèo Ngang đối lập với sự nhỏ bé, ít ỏi của con người nơi đây được thể hiện bằng những hình ảnh ước lệ mang tính biểu tượng (cỏ cây, đá, lá, hoa), từ láy đặc sắc (lom khom, lác đác), điệp từ (chen), nghệ thuật đảo ngữ và đối xứng (thể hiện rất rõ trong câu 3 – 4).

=> Tâm trạng của tác giả: Cảnh vật đó góp phần làm nổi bật tâm trạng cô đơn, rợn ngợp của tác giả trước thiên nhiên bao la. Đây chính là thủ pháp “tả cảnh ngụ tình” tiêu biểu của thơ luật Đường.

- Bốn câu sau: Nỗi nhớ nước, thương nhà da diết cùng nỗi buồn thầm lặng, cô đơn, lẻ loi – “một mảnh tình riêng” của tác giả trước khung cảnh “trời, non, nước”, thể hiện qua nghệ thuật đảo ngữ, chơi chữ, điệp từ và cách ngắt nhịp ở câu thơ cuối.

+ Gợi ý:

Câu hỏi tu từ có thể sử dụng trong đoạn văn nêu cảm nhận: Phải chăng cảnh vật đó góp phần làm nổi bật tâm trạng cô đơn, rợn ngợp của tác giả trước thiên nhiên bao la?

Tác dụng: Nhấn mạnh tâm trạng cô đơn, lẻ loi, rợn ngợp của tác giả trước khung cảnh thiên nhiên bao la, rộng lớn.

Câu 26: Viết đoạn văn (khoảng 4 – 5 câu), trong đó có ít nhất 1 câu sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ, nêu cảm nhận của em về hai câu cuối bài thơ “Nam quốc sơn hà”.

Trả lời:

Trong “Nam quốc sơn hà”, hai câu thơ cuối đã cho ta thấy được tinh thần quyết tâm, đánh đuổi kẻ thù của nhân dân Việt Nam. Nói với quân giặc bằng thái độ căm hận tác giả khinh bỉ “nghịch lỗ” – lũ quân bạo ngược làm trái với ý trời dám đem quân xâm lược nước ta. Đó là lời cảnh báo cũng chính là lời thách thức nhằm khẳng định sự thất bại thảm hại của lũ giặc nếu chúng cố tình xâm phạm nước ta thì chắc chắn sẽ chuốc lấy bại vong. Có thể nói, hai câu cuối trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” đã thể hiện rất rõ ràng và hùng hồn tinh thần của nhân dân ta trước sự xâm phạm của thế lực thù địch.

+ Chú thích: Trong đoạn văn, biện pháp đảo ngữ được sử dụng ở câu: Nói với quân giặc bằng thái độ căm hận tác giả khinh bỉ “nghịch lỗ” – lũ quân bạo ngược làm trái với ý trời dám đem quân xâm lược nước ta.

  • Tác giả nói với quân giặc bằng thái độ căm hận, khinh bỉ “nghịch lỗ” – lũ quân bạo ngược làm trái với ý trời dám đem quân xâm lược nước ta.

Câu 27: Đọc lại bài thơ “Nam quốc sơn hà” và trả lời các câu hỏi sau:

  1. a) Xác định câu hỏi tu từ có trong bài thơ này.
  2. b) Nhận xét hiệu quả của câu hỏi tu từ ấy trong việc thể hiện nội dung của bài thơ.

Trả lời:

  1. a) Câu hỏi tu từ trong bài “Nam quốc sơn hà”: Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
  2. b) Hiệu quả của câu hỏi tu từ trên trong việc thể hiện nội dung bài thơ: Câu hỏi như một lời nhấn mạnh, khẳng định độc lập chủ quyền dân tộc, đồng thời thể hiện thái độ căm phẫn, khinh thường những kẻ có ý xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ.

Câu 28: Hãy trình bày những điểm đặc sắc trong nghệ thuật diễn đạt của bài văn “Lòng yêu nước của nhân dân ta”.

Trả lời:

Trong bài này có hai điểm nổi bật về cách diễn đạt: sử dụng hình ảnh so sánh và dùng lối liệt kê với mô hình liên kết "từ … đến …".

- Nhận xét về hình ảnh trong câu ở phần mở đầu: "Từ xưa đến nay" đến "cướp nước" làm cho người đọc có thể hình dung được cụ thể và sinh động về sức mạnh của tinh thần yêu nước. Các động từ trong câu được chọn lọc, thể hiện sức mạnh với những sắc thái khác nhau (kết thành, lướt qua, nhấn chìm).

- Hình ảnh so sánh trong đoạn cuối cùng rất đặc sắc: "Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm". Bằng những hình ảnh ấy người đọc có thể hình dung rất rõ ràng hai trạng thái của tinh thần yêu nước: tiềm tàng, kín đáo và biểu lộ rõ ràng, đầy đủ.

- Thủ pháp liệt kê được sử dụng thích hợp đã có tác dụng thể hiện được sự phong phú với nhiều biểu hiện đa dạng của tinh thần yêu nước trong nhân dân, ở mọi tầng lớp, giai cấp, lứa tuổi, ở mọi địa phương. Các vế trong mô hình liên kết "từ … đến …" không phải được đặt một cách tuỳ tiện mà đều có mối quan hệ hợp lí, được sắp xếp theo cùng một bình diện như lứa tuổi, tầng lớp, giai cấp, nghề nghiệp, địa bàn cư trú.

Câu 29: Tác phẩm “Lòng yêu nước của nhân dân ta”.đã làm sáng tỏ những biểu hiện của tinh thần yêu nước sôi nổi, mạnh mẽ trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc ta. Nhưng tinh thần yêu nước còn được thể hiện như thế nào trong những hoàn cảnh khác, đặc biệt là ngày nay?

Trả lời:

- Tinh thần yêu nước được thể hiện mạnh mẽ, sôi nổi trong các cuộc chiến đấu chống xâm lược, giành lại và bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Nhưng tinh thần yêu nước cũng còn được thể hiện trong hoàn cảnh của cuộc đấu tranh để giữ gìn sự thống nhất đất nước, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

- Ngày nay, tinh thần yêu nước đang và phải được thể hiện trong mọi hoạt động của mỗi người, trong công việc lao động, học tập, sáng tạo để xây dựng đất nước giàu mạnh, khắc phục sự nghèo nàn, lạc hậu, đưa đất nước ta tiến nhanh trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn sự toàn vẹn và thống nhất của đất nước.

Câu 30: Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ “Chạy giặc” và chỉ ra tác dụng của chúng

Trả lời:

- Các biện pháp tu từ: từ láy, phép đối, biện pháp đảo ngữ, 

- Hình ảnh thơ gợi hình, gợi cảm..

- Ngôn ngữ thơ tinh tế, giàu cảm xúc.

 Tác dụng: Nhấn mạnh sự hoảng loạn của đất nước trong buổi đầu thực dân Pháp xâm lược.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay