Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 4: Thực hành tiếng việt - Sắc thái nghĩa của từ ngữ và việc lựa chọn từ ngữ

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 4: Thực hành tiếng việt - Sắc thái nghĩa của từ ngữ và việc lựa chọn từ ngữ. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

BÀI 4: TIẾNG CƯỜI TRÀO PHÚNG TRONG THƠ

THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT: SẮC THÁI NGHĨA CỦA TỪ NGỮ VÀ VIỆC LỰA CHỌN TỪ NGỮ
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về sắc thái nghĩa của từ ngữ (khái niệm, phân loại, cách dùng, ví dụ,…) 

Trả lời:

- Sắc thái nghĩa của từ ngữ là phần nghĩa bổ sung cho nghĩa cơ bản, thể hiện thái độ,

cảm xúc, cách đánh giá của người dùng đối với đối tượng được nói đến.

- Có những sắc thái nghĩa cơ bản như: trang trọng – thân mật – suồng sã, tích cực – tiêu cực, tốt nghĩa – xấu nghĩa,... 

- Trong giao tiếp, cần chú ý sử dụng từ ngữ có sắc thái nghĩa phù hợp để phát huy được hiệu quả biểu đạt.

- Ví dụ: “lâm chung” có sắc thái trang trọng, còn “sắp chết” có sắc thái bình thường, đôi khi là khinh mạt nếu dùng với người

 

Câu 2: Quan sát các từ ngữ trong những cặp sau: ăn – xơi, trắng tinh – trắng hếu, vàng – vàng vọt, người lính – tên lính. Em thấy giữa các từ ngữ trong mỗi cặp có sự tương đồng hay khác biệt về sắc thái nghĩa? Hãy chỉ rõ điều đó.

Trả lời:

Giữa các từ ngữ trong mỗi cặp có sự khác biệt về sắc thái nghĩa:

- “Ăn” có tính chất trung tính nhưng “xơi” có sắc thái trang trọng

- “Trắng tinh” có sắc thái nghĩa tích cực (tốt nghĩa) nhưng trắng hếu có sắc thái nghĩa tiêu cực (xấu nghĩa)

- “Vàng” có sắc thái trung tính nhưng “vàng vọt” có sắc thái nghĩa tiêu cực

- “Người lính” có sắc thái tôn trọng nhưng “tên lính” có sắc thái coi thường, khinh rẻ

 

Câu 3: Nhóm từ Hán Việt thường có sắc thái nghĩa như thế nào? Sắc thái nghĩa của những từ đó giống hay khác với những từ có nghĩa tương đồng trong tiếng Việt? Hãy lấy ví dụ.

Trả lời:

Nhóm từ Hán Việt thường có sắc thái nghĩa cổ kính, trang trọng hoặc khái quát, trừu tượng, khác hẳn với những từ có nghĩa tương đồng trong tiếng Việt.

- Sắc thái cổ kính, ví dụ: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” (Huy Cận, Tràng giang). Nếu thay “tràng giang” bằng sông dài thì câu thơ của Huy Cận sẽ mất đi sắc thái này.

- Sắc thái trang trọng, ví dụ: “Hôm nay, phu nhân Thủ tướng đến thăm các cháu ở nhà trẻ Hoa Hồng”. Cách dùng từ “phu nhân” (thay vì dùng từ “vợ”) phù hợp với vị thế của người được nói đến.

- Sắc thái khái quát, trừu tượng, ví dụ: “Các phụ huynh rất mong được biết kết quả học tập, rèn luyện của con em mình”. Từ “phụ huynh” không thể thay thế bằng từ “cha anh”.

 

Câu 4: Phân biệt sắc thái nghĩa của các từ ngữ sau và cho ví dụ để làm rõ sự khác nhau về cách dùng giữa các từ ngữ đó:

  1. ngắn – cụt lủn
  2. cao – lêu nghêu

Trả lời:

  1. a) “Ngắn” có sắc thái nghĩa trung tính còn “cụt lủn” có sắc thái nghĩa suồng sã, khẩu ngữ, chê bai.

Ví dụ: 

- Đó là một câu trả lời ngắn nhưng đủ ý.

- Đó là một câu trả lời cụt lủn không thể chấp nhận.

  1. b) “Cao” có sắc thái nghĩa trung tính còn “lêu nghêu” có sắc thái nghĩa chê bai (cao nhưng không đẹp)

Ví dụ: 

- Anh ta là một người cao.

- Anh ta cao lêu nghêu, điều đó khiến cho anh ta mất điểm trong mắt mọi người.

 

Câu 5: Phân biệt sắc thái nghĩa của các từ ngữ sau và cho ví dụ để làm rõ sự khác nhau về cách dùng giữa các từ ngữ đó:

  1. lên tiếng – cao giọng
  2. chậm rãi – chậm chạp

Trả lời:

  1. a) “Lên tiếng” mang sắc thái nghĩa trang trọng còn “cao giọng” mang sắc thái nghĩa tiêu cực, chê bai

Ví dụ: 

- Ngay sau khi biết được sự việc, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng bảo vệ anh.

- Thấy cô gái không làm được theo yêu cầu của mình, anh ta cao giọng quát tháo.

  1. b) “Chậm rãi” mang sắc thái nghĩa tích cực (chậm là tốt) còn “chậm chạp” mang sắc thái nghĩa tiêu cực (chậm là không được).

- Hãy cứ làm chậm rãi, không phải vội vàng vì cái này cần phải làm cẩn thận.

- Sao làm chậm chạp thế, làm thế này thì bao giờ mới xong? 

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Theo em, các từ in đậm trong các câu sau đây có thể thay thế cho nhau được không? Vì sao?

- Cuộc kháng chiến vĩ đại ấy là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

- Anh ấy có một thân hình to lớn, săn chắc.

Trả lời:

Không thể thay thế cho nhau được vì “vĩ đại” mang sắc thái tôn kính, ngưỡng mộ còn “to lớn” thiên về sắc thái trung tính.

 

Câu 2: Theo em, các từ in đậm trong các câu sau đây có thể thay thế cho nhau được không? Vì sao?

- Không thể thống kê chính xác số người chết trong nạn đói năm 1945.

- Người chiến sĩ ấy đã hi sinh trong một trận chiến ở biên giới phía Bắc.

- Cụ tôi đã mất cách đây năm năm.

Trả lời:

- Không thể thay thế cho nhau được vì “chết” mang sắc thái nghĩa thông thường, “hi sinh” mang sắc thái tôn kính, thường dùng cho những người chết vì đất nước, vì lí tưởng cao đẹp, “mất” là một cách nói giảm nói tránh, hàm ý thương tiếc. 

- Ví dụ nếu ở câu đầu ta dùng từ “mất” thì nó sẽ không hợp với phong cách và có thể gây hiểu nhầm với “mất tích”. Nếu ở câu thứ hai mà ta dùng từ “chết” thì sẽ làm mất đi sự thể hiện cần có.

 

Câu 3: Hãy lựa chọn từ phù hợp để điền vào chỗ trống.

  1. thân mẫu, mẹ

(1) Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa … như nước trong nguồn chảy ra.

(2) Nhà máy dệt kim Vinh mang tên Hoàng Thị Loan - … Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  1. tuyệt mĩ, rất đẹp

(1) Có một cái cốc … được bày bán ở gian hàng bên đó.

(2) Trong bảo tàng mĩ thuật này trưng bày nhiều bức hoạ …

  1. giáo huấn, dạy bảo

(1) Mọi cán bộ đều phải thực hiện lời … của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

(2) Con cái cần phải nghe lời … của cha mẹ.

Trả lời:

  1. a) (1): mẹ; (2): thân mẫu
  2. b) (1): rất đẹp; (2): tuyệt mĩ
  3. c) (1): giáo huấn; (2): dạy bảo

 

Câu 4: Tại sao người Việt Nam thích dùng từ Hán Việt để đặt tên người, tên địa lí?

Trả lời:

Gợi ý: Liên hệ với tên của các bạn trong lớp hoặc của người thân bằng từ Hán Việt, tên địa lí bằng từ Hán Việt, so sánh với từ thuần Việt có nghĩa tương ứng để suy ra sắc thái biểu cảm của từ Hán Việt dùng làm tên người, tên địa lí. Sắc thái biểu cảm đó là lí do khiến người Việt Nam thích dùng từ Hán Việt để đặt tên người, tên địa lí. Ví dụ: có người đặt tên là Đại chứ ít ai có tên là To, có làng đặt tên là (làng) Phú Mĩ chứ không ai đặt tên là (làng) Giàu Đẹp.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Đọc đoạn văn sau đây trong “Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ”, tìm những từ ngữ Hán Việt góp phần tạo sắc thái cổ xưa.

Lúc bấy giờ Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải. Mấy lần Đà đem quân sang cướp đất Âu Lạc, nhưng vì An Dương Vương có nỏ thần, quân Nam Hải bị giết hại rất nhiều, nên Đà đành cố thủ đợi cơ hội khác. Triệu Đà thấy dùng binh không lợi, bèn xin giảng hoà với An Dương Vương, và sai con trai là Trọng Thuỷ sang cầu thân, nhưng chú ý tìm cách phá chiếc nỏ thần.

Trong những ngày đi lại để kết tình hoà hiếu, Trọng Thuỷ gặp được Mị Châu, một thiếu nữ mày ngài mắt phượng, nhan sắc tuyệt trần, con gái yêu của An Dương Vương.

Trả lời: 

Các từ ngữ “giảng hoà, cầu thân, hoà hiếu, nhan sắc tuyệt trần” góp phần tạo sắc thái cổ xưa.

 

Câu 2: Nhận xét về việc dùng các từ Hán Việt (in đậm) trong những câu sau:

- Em đi xa nhớ bảo vệ sức khoẻ nhé!

- Đồ vật làm bằng gỗ tốt thì sử dụng được lâu dài. Còn những đồ làm bằng gỗ xấu dù làm rất cầu kì, mĩ lệ thì cũng chỉ dùng được trong một thời gian ngắn.

Trả lời:

- Các từ Hán Việt này không phù hợp để dùng trong những trường trên. Ta cần những từ có sắc thái nghĩa phù hợp hơn, đó là những từ thuần Việt. Từ “bảo vệ” nên được thay thế bằng từ “giữ gìn”, từ “mĩ lệ” thay bằng từ “đẹp mắt”.

 

Câu 3: a) Tại sao trong các cặp từ ngữ sau đây, các từ ngữ ở nhóm A (từ ngữ Hán Việt) ngày nay không dùng hoặc ít dùng và người ta chỉ dùng hoặc thường dùng các từ ngữ ở nhóm B (gốc Âu)?

A

B

Sinh tố

Vitamin

Dưỡng khí

Oxy

Thán khí

Carbon

Phong cầm

Accordion

(Đèn) huỳnh quang

(Đèn) Neon

 

  1. b) Tại sao trong các cặp địa danh sau đây, các địa danh ở nhóm A (từ ngữ Hán Việt) không được dùng nữa và người ta dùng địa danh ở nhóm B?

A

B

Mạc Tư Khoa

Moscow

Phi Luật Tân

Philippines

Tân Gia Ba

Singapore

Hoa Thịnh Đốn

Washington

 

Trả lời:

Có thể tìm thấy li do của hiện tượng (a) ở xu thế dùng thuật ngữ khoa học, ảnh hưởng của ngôn ngữ châu Âu đối với tiếng Việt; lí do của hiện tượng (b) ở xu thế phiên dịch danh từ riêng trong tiếng Việt. 

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Huống chi ta cùng các người sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buổi gian nan. Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi tai vạ về sau?

  1. Tìm trong đoạn trích năm từ Hán Việt và giải nghĩa các từ đó.
  2. Đặt một câu với mỗi từ Hán Việt tìm được.

Trả lời:

Một số từ Hán Việt trong đoạn trích:

- Huống chi: (liên từ) tổ hợp biểu thị ý với đối tượng sắp nêu thì việc đang nói đến càng có khả năng xảy ra, nó là tất yếu. 

Đặt câu: Người dưng còn giúp được huống chi bạn bè.

- Loạn lạc: tình trạng xã hội lộn xộn, không còn có trật tự, an ninh do có loạn. 

Đặt câu: Các tinh binh được vu cử đi dẹp loạn lạc ở phương Bắc.

- Gian nan: có nhiều khó khăn gian khổ phải vượt qua. 

Đặt câu: Tình cảnh gian nan đã khiến nhiều người nản chí.

- Triều đình: nơi các quan vào chầu vua và bàn việc nước; thường dùng để chỉ cơ quan trung ương, do vua trực tiếp đứng đầu, của nhà nước quân chủ. 

Đặt câu: Triều đình nhà Nguyễn đã nhiều lần nhượng bộ thực dân Pháp.

- Tai vạ: điều không may lớn phải gánh chịu một cách oan uổng. 

Đặt câu: Anh nên làm ăn cẩn thận, tránh gây tai vạ về sau.

 

Câu 2: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Vua truyền cho hai chú cháu đứng dậy, và nói tiếp:

- Việc nước đã có người lớn lo. Hoài Văn Hầu nên về quê để phu nhân có người sớm hôm trông cậy. Đế vương lấy hiếu trị thiên hạ, em ta không nên sao những phận làm con.

Vừa lúc ấy, một người nội thị bưng một mâm cỗ đi qua. Thiệu Bảo cầm lấy một quả cam sành chín mọng trên mâm, bảo một nội thị đưa cho Hoài Văn.

  1. Tìm từ ngữ đồng nghĩa với mỗi từ in đậm trong đoạn trích trên. 
  2. Việc sử dụng các từ in đậm đó đã đem lại sắc thái gì cho lời văn?

Trả lời:

  1. a) – Phu nhân: vợ (xét theo truyện thì “phu nhân” ở đây chỉ mẹ của Hoài Văn)

- Đế vương: vua

- Thiên hạ: nước (nhà)

- Nội thị: người hầu

  1. b) Việc sử dụng các từ ngữ in đậm đó mang lại sắc thái cổ xưa, trang trọng cho lời văn.



=> Giáo án dạy thêm văn 8 kết nối bài 4: Sắc thái nghĩa của từ ngữ và việc lựa chọn từ ngữ

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay