Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 4: Văn bản 1 - Lế xướng danh khoa Đinh Dậu

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 4: Văn bản 1 - Lế xướng danh khoa Đinh Dậu. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

BÀI 4: TIẾNG CƯỜI TRÀO PHÚNG TRONG THƠ

VĂN BẢN 1: LỄ XƯỚNG DANH KHOA ĐINH DẬU
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về bài thơ “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Trần Tế Xương

- Bài thơ còn có tên khác là: Vịnh khoa thi Hương

- Thể loại: thơ thất ngôn bát cú Đường luật

- Nội dung: Năm Đinh Dậu, 1897, tại trường thi Hà Nam, vợ chồng toàn quyền Paul Doumer và vợ chồng Công sứ Nam Định Lenormand có tới dự lễ xướng danh. Đây là nỗi nhục đối với người trí thức Việt Nam bởi tại chốn tuyển chọn nhân tài cho đất Việt, cái bóng của mấy tên thực dân cướp nước đã trùm lên tất cả. Là nhà nho có lòng tự trọng, vốn tin vào đạo lí thánh hiền và luôn tha thiết với truyền thống văn học của dân tộc, Trần Tế Xương hết sức phẫn uất, đau xót. Bài thơ đã vẽ lên một cách sống động tình trạng suy đồi của Nho học thời ấy cùng những cảnh chướng tai gai mắt lúc chế độ thuộc địa nửa phong kiên bước đầu được xác lập ở nước ta.

 

Câu 2: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Trần Tế Xương.

Trả lời:

- Trần Tế Xương (1870 – 1907) quê ở Nam Định, là người có tài nhưng lận đận thi cử, đỗ Tú tài nên thường được gọi là Tú Xương.

- Trần Tế Xương sáng tác nhiều thơ Nôm.

- Thơ của ông đậm chất trữ tình và chất trào phúng, phản ánh rõ nét bức tranh hiện thực của xã hội thuộc địa nửa phong kiến nước ta cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX.

- Một số bài thơ Nôm tiêu biểu của Trần Tế Xương: Năm mới chúc nhau, Thương vợ, Áo bông che bạn, Sông Lấp,…

 

Câu 3: Đặc điểm về bố cục của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện như thế nào trong bài thơ “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu”?

Trả lời:

Bài thơ được triển khai với bốn phần:

- Đề (hai câu đầu): triển khai ý ẩn chứa trong nhan đề. Ở đây, tác giả đề cập đến sự kiện nhà nước mở khoa thi.

- Thực (hai câu 3 và 4): giải thích rõ các khía cạnh chính của đối tượng được miêu tả, bàn luận trong bài thơ. Ở đây, tác giả đã vẽ ra những nét đầu tiên trên bức tranh về khoa thi.

- Luận (hai câu 5 và 6): luận giải, phát triển, mở rộng suy nghĩ về đối tượng. Ở đây, tác giả tiếp tục vẽ bức tranh đó với hình ảnh của ngoại bang.

- Kết (hai câu cuối): thâu tóm tinh thần của toàn bài và có thể mở ra những ý tưởng, liên tưởng mới. Ở đây, tác giả đã thể hiện cảm xúc và gửi gắm mong muốn của mình.

 

Câu 4: Đặc điểm về niêm, luật bằng trắc, vần, nhịp và đối của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện như thế nào trong bài thơ “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu”?

Trả lời: 

- Nhịp của bài thơ là 4/3.

Bài thơ đảm bảo được những yêu cầu hình thức của thể thơ này.

 

Câu 5: Bố cục bài thơ gồm mấy phần? Đó là những phần nào?

Trả lời:

- Bài thơ này được làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật nên có thể chia bài thơ theo mô hình “Đề - thực – luận – kết” hoặc mô hình 6/2.

- Bố cục 6/2:

+ 6 câu đầu: tình trạng của kì thi

+ 2 câu cuối: tâm trạng của nhà thơ

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Hãy khái quát nội dung của bài thơ.

Trả lời:

- Bài thơ nêu lên một bức tranh hiện thực sinh động, sắc nét, có giá trị khái quát cao về một khoa thi cuối mùa - khoa thi Đinh Dậu năm 1897, khi thực dân Pháp đã đặt ách đô hộ lên đất nước ta. 

- Qua khung cảnh trường thi thiếu tôn nghiêm và có phần lố bịch, ta thấy được cảnh tình đất nước: sự nhốn nháo, ô hợp, sự áp đảo của ngoại bang. (6 câu thơ đầu)

- Bài thơ cũng bộc lộ sâu sắc tâm trạng của Tú Xương trước cảnh tình đất nước lúc bấy giờ: đó là nỗi đau, nỗi nhục mất nước, căm ghét, khinh bỉ bọn thực dân xâm lược, muốn thức tỉnh lương tri, thức tỉnh tinh thần dân tộc ở mỗi người (trong toàn bài, chủ yếu ở hai câu cuối).

 

Câu 2: Hãy chỉ ra những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu”.

Trả lời:

Bài thơ Nôm Đường luật này thể hiện khá rõ những đặc sắc trong nghệ thuật của thơ Tú Xương: 

- Sự kết hợp hài hòa bút pháp nghệ thuật trào phúng và bút pháp trữ tình

- Cách chọn những chi tiết điển hình hàm chứa ý nghĩa: “sĩ tử đeo lọ lôi thôi, quan trường thét loa ậm ọe”: những chi tiết châm biếm sâu cay. 

- “Cờ” che đầu quan sứ đối với “váy” quét đất của bà đầm: Thơ Đường luật đã được Việt hóa đến mức thuần thục, tự nhiên như thơ dân tộc.

 

Câu 3: Phân tích tác dụng của phép đối được tác giả sử dụng trong hai câu thực.

Trả lời:

- Ta có thể nhận thấy dễ dàng cách đối trong hai câu thực: lôi thôi - ậm oẹ, sĩ tử - quan trường, vai – miệng, đeo lọ - thét loa.

- Phép đối trong hai câu thơ vừa đảm bảo mặt hình thức của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật vừa nhấn mạnh vào sự tương đồng về tính chất suy đồi, hèn kém, không ra thể thống gì cả của hai bộ phận quan trọng trong một kì thi là những người đến để thi và những người tổ chức khoa thi.

 

Câu 4: Cảm xúc chủ đạo của tác giả trong bài thơ này là gì?

Trả lời:

- Cảm xúc chủ đạo của tác giả trong bài thơ là sự châm biếm, chế giếu, phê phán những thứ chẳng ra thể thống gì, những thứ vô văn hoá đồng thời là sự đau xót, chua cay trước tình cảnh suy yếu của nước nhà.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Hai câu đề cho biết điều gì về chế độ thi cử ở nước ta cuối thế kỉ XIX?

Trả lời:

- “Nhà nước ba năm mở một khoa”: Đây là thông lệ của kì thi Hương thời phong kiến: 3 năm một lần. Thi Hương là một khoa thi Nho học liên tỉnh ở các triều đại phong kiến nhằm tuyển chọn nhân tài, bổ nhiệm làm quan. Ta có thể thấy là hình thức thi này phù hợp với thời kì trước đây, tức là các triều đại Lí, Trần, Lê,… còn ở thời điểm trong bài là thời nhà Nguyễn, quan trọng hơn nữa, đây là thời điểm nước ta trở thành một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến, hình thức thi kiểu này rõ ràng không còn phù hợp với thời cuộc. Lưu ý rằng đây chỉ là cách nhìn của ta ở thời điểm hiện tại, còn đối với nhà thơ Tú Xương, có thể câu này chỉ là một câu để mở vào bài, không có hàm ý gì ở đây.

- “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”: Từ năm 1831, ngoài Bắc có hai trường thi ở Nam Định và Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi thực dân Pháp chiếm được đất Bắc thì các sĩ tử phải vào trong để thi. Từ năm 1886, hai trường này gộp lại thi chung tại Nam Định, lấy tên là trường Hà Nam. Từ “lẫn” được tác giả dùng với ý chê bai, khinh rẻ triều đình, cái “nhà nước” mà giờ đây chỉ còn là bù nhìn của Pháp, không còn năng lực, không còn khả năng bảo vệ được đất nước.

Nói chung, ta có thể thấy là chế độ thi cử ở nước ta cuối thế kỉ XIX đã cổ hủ và đi đến giai đoạn suy tàn.

 

Câu 2: Biện pháp tu từ nào đã được sử dụng trong cách diễn đạt “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ” và “Ậm oẹ quan trường miệng thét loa”? Nêu rõ tác dụng của biện pháp tu từ đó trong việc tái hiện hình ảnh các sĩ tử và quan viên người Việt.

Trả lời: 

- Trong 2 câu này tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ: “lôi thôi” và “ậm oẹ” được đảo lên đầu.

- Phép tu từ đảo ngữ trong các diễn đạt này đã thực sự làm nổi bật hình ảnh các sĩ tử và quan viên người Việt ở khoa thi đồng thời thể hiện sự chê bai, châm biếm của tác giả:

+ “Lôi thôi”: Ở đây, ta cần hiểu là đối với một kì thi tầm cỡ như thế này thì các sĩ tử khi đi thi phải ăn mặc trang nghiệm, lịch sử, ra dáng con nhà có học nhưng ở đây họ lại ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, không phù hợp.

+ “Ậm oẹ”: ậm oẹ chỉ việc nói không rõ, không liền mạch. Ở đây, ta cần hiểu là các quan viên, mà ở đây với tính chất là một kỳ thi lớn, thì họ phải thực sự có phong thái của một người làm quan, phải ăn to nói lớn, có khả năng nói trước đám đông, ngôn từ chuẩn mực. Tuy nhiên, ở kì thi này, các quan viên chỉ có thể “thét loa ậm oẹ”, thể hiện sự yếu kém, suy đồi của hệ thống quan lại. Những tên quan này không phải là những quan chức thực sự, vì dân vì nước mà chúng chỉ giỏi doạ nạt, ức hiếp dân chúng.

 

Câu 3: Tiếng cười trào phúng được thể hiện như thế nào qua việc đặc tả, nhấn mạnh hai hình ảnh mang tính chất “ngoại lai” là quan sứ và mụ đầm?

Trả lời:

- Thi Hương là một khoa thi Nho học truyền thống nên ngay bản thân việc có sự xuất hiện của người nước ngoài đã là không phù hợp. Đã vậy nhưng thế lực ngoại bang này còn áp đảo hoàn toàn người Việt, thể hiện qua hình ảnh “cờ kéo rợp trời”, “váy lê quét đất”. Thực dân Pháp áp đặt được ách đô hộ lên nước ta, triều đình nhà Nguyễn chỉ còn là tay sai vì thế mà “quan sứ”, “mụ đầm” được trọng vọng hơn cả.

- Hình ảnh “cờ kéo rợp trời”, “váy lê quét đất” của quan sứ và mụ đầm đầy vẻ phô trương, hình thức, không đúng lễ nghi của một kì thi. Đối với một nhà nho có lòng tự trọng, tha thiết với truyền thống dân tộc thì những điều này thật sự không thể chấp nhận nổi.

- Phép đối được thể hiện chặt chẽ (cờ kéo rợp trời – váy lê quét đất, quan sứ đến – mụ đầm ra) cùng với cách nói giễu cợt “mụ đầm” càng nhấn mạnh sa sút về chất lượng, sự tuỳ tiện vô lối của kì thi.

Nói chung, tiếng cười trào phúng ở hình ảnh mang tính chất “ngoại lai” này thể hiện ở cách tác giả châm biếm, chế giễu sự thiếu tôn nghiêm, lố bịch, đạp lên những chuẩn mực.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Nhắc đến “nhân tài đất Bắc”, tác giả muốn ám chỉ những đối tượng nào? Em cảm nhận được thái độ gì của tác giả qua lời nhắn nhủ ấy?

Trả lời:

- Hãy trả lời câu hỏi này dựa trên quan điểm, suy nghĩ của em.

- Nhắc đến “nhân tài đất Bắc”, tác giả có thể muốn ám chỉ đến những con người tài giỏi ở miền Bắc, nơi đã có hàng ngàn năm lịch sử vẻ vang hay tầng lớp trí thức, những sĩ tử hay những con người muốn đóng góp cho nước nhà hoặc có thể là chính tác giả,…

- Hai câu thơ cuối cho ta thấy được nỗi đau xót, tủi nhục trước tình cảnh nước nhà của tác giả đồng thời thể hiện mong muốn thức tỉnh mọi người, đặc biệt là người tài, để chấm dứt cái cảnh tồi tàn này.

 

Câu 2: Nhân vật nào trong bài thơ để lại ấn tượng cho em nhiều nhất? Vì sao?

Trả lời:

- Qua việc tiếp thu bài học và nhận định của bản thân, em hãy chọn một nhân vật để lại cho em nhiều ấn tượng nhất. 

- Tham khảo: Bài thơ ra đời khi đất nước ta đã là thuộc địa của Pháp, triều đình phong kiến nước ta chỉ còn là bù nhìn vì thế thực dân Pháp áp đảo nhân dân ta về mọi mặt, phá nát văn hoá, truyền thống của ta. Tính chất đó bao trùm lên cả bài thơ, vì thế, đối với tôi, nhân vật quan sứ qua cách thể hiện của tác giả để lại ấn tượng cho tôi nhiều nhất. Hình ảnh “cờ kéo rợp trời” đủ cho thấy ông ta quyền lực đến thế nào. Hơn nữa, sự đểu giả đáng nói ở đây chính là việc ông ta đến với hình thức bề ngoài là quan tâm đến thi cử, một vấn đề quan trọng của đất nước, nhưng thực tế thì chẳng phải là vậy vì đơn giản ông ta và thực dân Pháp đến để cướp đất nước ta.



=> Giáo án dạy thêm văn 8 kết nối bà 4: Lễ xướng danh khoa đinh dậu

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay