Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 5: Thực hành tiếng việt - Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 5: Thực hành tiếng việt - Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

Xem: => Giáo án ngữ văn 8 kết nối tri thức

BÀI 5: NHỮNG CÂU CHUYỆN HÀI

THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT: NGHĨA TƯỜNG MINH
VÀ NGHĨA HÀM ẨN CỦA CÂU
(15 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy nêu khái niệm nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu.

Trả lời:

- Nghĩa tường minh là nghĩa được diễn đạt trực tiếp bằng các từ ngữ trong câu.

- Nghĩa hàm ẩn là nghĩa được suy ra từ nghĩa tường minh của cả câu, từ nghĩa của từ ngữ trong câu và từ ngữ cảnh sử dụng câu.

 

Câu 2: Chức năng của nghĩa hàm ẩn là gì? Lấy ví dụ.

Trả lời:

Chức năng của nghĩa hàm ẩn:

- Giúp chuyển tải nhiều điều ý nhị, kín đáo, sâu xa,…

- Làm cho giao tiếp ngôn từ được uyển chuyển, phong phú, thú vị

- Trong văn học, các nội dung, thông điệp mà tác giả muốn chuyển tải thường được thể hiện dưới hình thức nghĩa hàm ẩn.

Ví dụ: 

Chuột chù chê khỉ rằng hôi

Khỉ mới trả lời: Cả họ mày thơm.

Chuột chù và khỉ đều là các loài có mùi hôi. Nhưng chuột chù lại chê khỉ trong khi chính mình cũng hội. Nghĩa tường minh trong câu trả lời của khỉ là lời khen, nghĩa hàm ẩn thể hiện sự mỉa mai chuột chù. Câu ca dao có hàm ý phê phán những người không tự biết cái xấu của mình mà còn đi chê bai người khác.

 

Câu 3: Xem lại văn bản “Chùm ca dao trào phúng”. Đặt trong ngữ cảnh cuộc đối thoại được thể hiện ở bài ca dao số 2, nghĩa hàm ẩn của câu “Chú chuột đi chợ đường xa / Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo” là gì?

Trả lời:

Nghĩa hàm ẩn của câu này có thể là: Chú chuột thông minh đã không mắc bẫy mèo, đồng thời chỉ trích hoặc chế giễu bộ mặt giả nhân giả nghĩa của con mèo.

 

Câu 4: Xem lại văn bản “Chùm ca dao trào phúng”. Theo em, qua câu ca dao “Cưới em ba chum mật ong / Mười thúng mỡ muỗi ba nong quýt đầy…”, anh học trò thực sự muốn nói điều gì?

Trả lời:

- Điều anh học trò thực sự muốn nói là anh không thể đáp ứng được yêu cầu thách cưới của nhà em. 

 

Câu 5: Cho biết nghĩa hàm ẩn của những câu in đậm trong các trường hợp sau:

a.

Chập chập rồi lại cheng cheng

Con gà sống lớn để riêng cho thầy.

  1. Ông Jourdain: Thế này là thế nào? Bác may hoa ngược mất rồi.

Phó may: Ngài có bảo là ngài muốn may xuôi hoa đâu.

Ông Jourdain: Lại còn phải bảo cái đó à?

Phó may: Vâng, phải bảo chứ. Vì tất cả những người quý phái đều mặc như thế này cả.

Trả lời:

  1. a) Nghĩa hàm ẩn của câu in đậm là: người xem bói muốn thầy bói cho thì phải trả công cho thầy bằng những thứ giá trị.
  2. b) Nghĩa hàm ẩn của câu in đậm là: kiểu may thế này (may hoa ngược) mới là đúng chuẩn.

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Có những nghĩa hàm ẩn tuỳ thuộc ngữ cảnh. Hãy lấy ví dụ chứng minh.

Trả lời:

Ví dụ: Ngày mai tôi đi Hà Nội.

- Có thể hiểu là: “Ngày mai tôi không gặp mặt với nhóm được”, nhưng cũng có thể hiểu: “Anh có cần gửi gì cho người thân ở Hà Nội thì tôi sẽ mang giúp cho",... Những nghĩa này tuỳ thuộc vào nội dung trao đổi trước đó giữa người nói (người viết) và người nghe (người đọc).

 

Câu 2: Có những nghĩa hàm ẩn không tuỳ thuộc vào ngữ cảnh. Hãy lấy ví dụ chứng minh.

Trả lời:

Ví dụ: Nó lại đi Đà Lạt.

- Câu này cho biết một người nào đó đi Đà Lạt, và nhờ từ “lại” mà ta có thể suy ra trước đó người này đã từng đi Đà Lạt. Nghĩa hàm ẩn này được suy ra từ nghĩa của từ ngữ ở trong câu, chứ không tuỳ thuộc vào ngữ cảnh.

 

Câu 3: Xác định nghĩa hàm ẩn của các câu tục ngữ dưới đây:

  1. Có tật giật mình.

Đời người có một gang tay

Ai hay ngủ ngày, còn có nửa gang.

Trả lời:

  1. a) Nghĩa hàm ẩn của câu tục ngữ là: một người có lỗi, có sai phạm thì dễ chột dạ khi có ai nói động đến.
  2. b) Nghĩa hàm ẩn của câu tục ngữ là: đời người rất ngắn ngủi nên nếu ta ngủ nhiều thì sẽ rất lãng phí thời giờ

 

Câu 4: Xác định nghĩa hàm ẩn của các câu tục ngữ dưới đây:

Cười người chớ vội cười lâu

Cười người hôm trước, hôm sau người cười.

  1. Lời nói gói vàng.
  2. Lưỡi sắc hơn gươm.

Trả lời:

  1. a) Nghĩa hàm ẩn của câu tục ngữ là: đừng nên cười nhạo, chế giễu một ai đó quá đáng vì sau này ta cũng có thể rơi vào hoàn cảnh như vậy.
  2. b) Nghĩa hàm ẩn của câu tục ngữ là: nếu chúng ta nói ra được những lời nói hay, bổ ích thì nó sẽ có giá trị như ngàn vàng.
  3. c) Nghĩa hàm ẩn của câu tục ngữ là: chỉ lời nói độc địa.

 

Câu 5: Đọc đoạn trích sau từ truyện “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng và trả lời câu hỏi:

Mẹ nó đâm nổi giận quơ đũa bếp doạ đánh, nó phải gọi nhưng lại nói trổng: 

– Vô ăn cơm!

Anh Sáu vẫn ngồi im, giả vờ không nghe, chờ nó gọi "Ba vô ăn cơm". Con bé cứ đứng trong bếp nói vọng ra:

– Cơm chín rồi!

Anh cũng không quay lại.

Câu hỏi: Trong hai câu nói của con bé, câu nào có chứa hàm ý? Hàm ý đó là gì? Vì sao con bé phải dùng hàm ý?

Trả lời:

- Trong hai câu của con bé nói với ba nó, chỉ có câu “Cơm chín rồi!” là có chứa hàm ý, hàm ý đó chính là nội dung đã được đưa ra trong lời nói ban đầu của nó: mời anh Sáu vào ăn cơm. Con bé phải dùng một câu có hàm ý vì nói trống không thì anh Sáu giả vờ không hiểu, còn nó thì không muốn gọi anh Sáu là ba.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Để sử dụng hàm ý, cần có điều kiện gì?

Trả lời:

Để sử dụng hàm ý, cần có hai điều kiện sau đây:

- Người nói (người viết) có ý thức đưa hàm ý vào câu nói.

- Người nghe (người đọc) có năng lực giải đoán hàm ý.

 

Câu 2: Đọc đoạn trích sau (Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long) và trả lời câu hỏi:

  1. a) – Anh nói nữa đi. – Ông giục.

– Báo cáo hết! – Người con trai vụt trở lại giọng vui vẻ. – Năm phút nữa là mười. Còn hai mươi phút thôi. Bác và cô vào trong nhà. Chè đã ngấm rồi đấy.

Thì giờ ngắn ngủi còn lại thúc giục cả chính người hoạ sĩ già. Ông theo liền anh thanh niên vào trong nhà, đảo nhìn qua một lượt trước khi ngồi xuống ghế.

Câu hỏi: Người nói, người nghe những câu in đậm dưới đây là ai? Xác định hàm ý của mỗi câu ấy. Theo em, người nghe có hiểu hàm ý của người nói không? Những chi tiết nào chứng tỏ điều đó?

Trả lời:

- Người nói là anh thanh niên, người nghe là ông hoạ sĩ và cô gái.

- Hàm ý của câu in đậm là "Mời bác và cô vào uống nước.".

- Hai người nghe đều hiểu hàm ý đó, chi tiết "Ông theo liền anh thanh niên vào trong nhà" và "ngồi xuống ghế" cho biết điều này.

 

Câu 3: Hãy điền vào lượt lời của B trong đoạn thoại sau đây một câu có hàm ý từ chối.

A: Mai về quê với mình đi!

B: /.../

A: Đành vậy.

Trả lời:

- Có thể nêu việc phải làm vào ngày mai (nên không thể đi được), ví dụ: "Bận ôn thi", "Phải đi thăm người ốm"....

- Chú ý là phải dùng câu chứa hàm ý "từ chối" theo yêu cầu của đề bài, không dùng những câu không rõ chủ định như "Để mình xem đã!", "Mai hằng hay."....

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Đọc đoạn trích sau (Tắt đèn, Ngô Tất Tố) và trả lời câu hỏi.

Chị Dậu vừa nói vừa mếu:

– Thôi u không ăn, để phần cho con. Con chỉ được ăn ở nhà bữa này nữa thôi. U không muốn ăn tranh của con. Con cứ ăn thật no, không phải nhường nhịn cho u.

Cái Tí chưa hiểu hết ý câu nói của mẹ, nó xám mặt lại và hỏi bằng giọng luống cuống:

– Vậy thì bữa sau con ăn ở đâu?

Điểm thêm một "giây" nức nở, chị Dậu ngó con bằng cách xót xa:

– Con sẽ ăn ở nhà cụ Nghị thôn Đoài.

Cái Tí nghe nói giãy nảy, giống như sét đánh bên tai, nó liệng củ khoai vào rổ và oà lên khóc:

− U bán con thật đấy ư? Con van u, con lạy u, con còn bé bỏng, u đừng đem bán con đi, tội nghiệp. U để cho con ở nhà chơi với em con.

Câu hỏi:

  1. Nếu hàm ý của những câu in đậm. Vì sao chị Dậu không dám nói thẳng với con mà phải dùng hàm ý?
  2. Hàm ý trong câu nói nào của chị Dậu rõ hơn? Vì sao chị Dậu phải nói rõ hơn như vậy? Chi tiết nào trong đoạn trích cho thấy cái Tí đã hiểu hàm ý trong câu nói của mẹ?

Trả lời:

  1. a) Câu nói thứ nhất của chị Dậu có hàm ý là "Sau bữa ăn này con không còn được ở nhà với thầy mẹ và các em nữa. Mẹ đã bán con.". Đây là điều đau lòng nên chị Dậu tránh nói thẳng ra.
  2. b) Câu nói thứ hai của chị Dậu có hàm ý là "Mẹ đã bán con cho nhà cụ Nghị thôn Đoài.". Hàm ý này rõ hơn vì cái Tí không hiểu được hàm ý của câu nói thứ nhất. Sự "giãy nảy" và câu nói trong tiếng khóc của cái Tí "U bán con thật đấy ư?"cho thấy Tí đã hiểu ý mẹ.

 

Câu 2: Tìm hàm ý của Lỗ Tấn qua việc ông so sánh "hi vọng" với "con đường" trong các câu sau:

Tôi nghĩ bụng: Đã gọi là hi vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.

Trả lời:

Qua sự so sánh của Lỗ Tấn có thể nhận ra hàm ý: Tuy hi vọng chưa thể nói là thực hay hư, nhưng nếu cố gắng thực hiện thì có thể đạt được. 



=> Giáo án dạy thêm văn 8 kết nối bài 5: Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay