Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 5: Văn bản 3 - Chùm ca dao trào phúng

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 5: Văn bản 3 - Chùm ca dao trào phúng. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

Xem: => Giáo án ngữ văn 8 kết nối tri thức

BÀI 5: NHỮNG CÂU CHUYỆN HÀI

VĂN BẢN 3: CHÙM CA DAO TRÀO PHÚNG
(11 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Hãy trình bày hiểu biết của em về bài học (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: đây là văn học dân gian nên không có tác giả cụ thể.

- Thể loại: ca dao trào phúng / châm biếm với hình thức như thể thơ lục bát (câu sáu chữ câu tám chữ)

- Nội dung: Với ngôn từ dân dã, vần nhịp rõ ràng, những bài ca dao dễ nhớ dễ thuộc này đã phê phán, lên án những hạng người xấu xa và hủ tục.

 

Câu 2: Bài ca dao số 1 nói về hoạt động nào của con người? Em căn cứ vào đâu để nhận biết điều đó?

Trả lời:

- Bài ca dao số 1 nói về chuyện bói toán, mê tín dị đoan. Căn cứ:

+ Chập chập, cheng cheng: tiếng kêu phát ra lúc thầy bói dùng các dụng cụ bói toán của mình.

+ Con gà nuôi để dành cho thầy, bát xôi phải đầy: hàm ý chỉ yêu cầu của những tay thầy bói dởm, luôn đòi hỏi người xem bói kiểu “tiền càng nhiều thì quẻ càng linh”.

 

Câu 3: Bài ca dao số 2 tạo dựng sự tương phản, đối nghịch dựa trên yếu tố nào? Bài ca dao đó thể hiện tính cách gì của mèo và quan hệ như thế nào giữa mèo với chuột?

Trả lời:

- Bài ca dao số 2 tạo dựng sự tương phản, đối nghịch dựa trên mối thù hằn giữa chuột và mèo trong thực tế.

- Tính cách của con mèo và quan hệ giữa mèo với chuột trong bài ca dao:

+ “Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà”: ta thấy rằng việc mèo đi thăm chuột hoàn toàn đối lập với thực tế. Ở đây có thể ngụ ý rằng con mèo giả nhân giả nghĩa muốn lừa chú chuột. Nhưng chú chuột thông minh hơn, đã đi trước một bước: đi chợ để “mua mắm mua muối giỗ cha con mèo”. “Cha con mèo”: chú chuột muốn chửi rủa sự xấu xa của con mèo.

+ Trong bài ca cao, mối quan hệ giữa mèo và chuột vẫn là mối quan hệ đối lập như thực tế nhưng có những điểm khác về cách tiếp cận.

Lưu ý: trên đây chỉ là một cách giải thích vì nội dung bài ca dao này chưa thực sự rõ ràng.

 

Câu 4: Ở bài ca dao số 3, anh học trò đem bán những thứ gì để có tiền dẫn cưới? Hãy nhận xét về đồ dẫn cưới của anh học trò nghèo. Có thể có những điều này trong thực tế không?

Trả lời:

- Anh học trò bán bể bán sông.

- Đồ dẫn cưới của anh học trò gồm: trăm tám ông sao, trăm tấm lụa đào, mươi cót trầu cau, một trăm con trâu, một nghìn con lợn, tám nghìn bồ câu, tám vạn quan tiền, một chĩnh vàng hoa, mười chum vàng cốm, trăm nong bạc, ba chum mật ong, mười thúng mỡ muỗi, ba nong quýt dầy.

Những điều này có trong thực tế nhưng hoàn toàn vượt quá mọi khả năng của anh học trò.

 

2. THÔNG HIỂU (3 câu)

Câu 1: Bài ca dao số 1 phê phán đối tượng nào? Tại sao đối tượng đó lại bị phê phán?

Trả lời:

- Bài ca dao số 1 phê phán đối tượng những người hành nghề mê tín dị đoan, những tay thầy bói dởm chuyên đi lừa người.

- Lí do đối tượng này bị phê phán: Vì những “thầy” này chuyên dùng những chiêu trò, mánh khoé để đi lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin. Họ lợi dụng cái mong muốn tìm hiểu về tương lai, thay đổi cuộc đời của một bộ phận xã hội để lừa tiền, lừa tình,… Như trong bài ca dao, ta thấy rằng con gà, mâm xôi đều là những thứ có giá trị, đặc biệt với người đời xưa còn nghèo đói.

 

Câu 2: Hãy xác định nội dung và ngụ ý của bài ca dao số 2.

Trả lời:

- Ta có thể dễ dàng nhận ra nội dung của bài ca dao là dựa vào mối quan hệ giữa mèo và chuột và ngụ ý là nói về con người tuy nhiên xoay quanh bài ca dao này có nhiều ý kiến về ngụ ý của nó. Vì thế, em hãy suy đoán và đưa ra quan điểm cá nhân của mình.

- Có thể tham khảo bài viết sau:

Hai nhân vật cũng được xác định rõ và nhắc đi nhắc lại trong bài ca dao, với từ xưng hô phân biệt: chú chuột và con mèo. Tuy chỉ gồm 4 câu ngắn gọn, cô đúc bài đồng dao đã gây băn khoăn, thắc mắc cho người đọc từ bao đời nay.

Chúng ta đều biết, mèo là một trong những con vật nuôi gần gũi, thân thiết của con người. Mèo còn giúp con người bắt chuột, hạn chế những thiệt hại do lũ chuột gây ra. Còn chuột, ai cũng biết, là loài phá hoại, đáng ghét.

Trong đời sống mèo là kẻ thù truyền kiếp, không đội trời chung với chuột, có tập tính bắt chuột để ăn thịt. Quan hệ giữa chúng là mối quan hệ loại trừ.

Khá nhiều băn khoăn nảy sinh trong bao thế hệ người đọc khi tiếp xúc với bài đồng dao, như: Chuột có làm tổ trên cây cau? Mèo có ăn mắm muối? Nhân vật nào hỏi và trả lời? Và băn khoăn bao trùm nhất chính là ý nghĩa của bài đồng dao là gì?

Có ý kiến cho rằng: Bài đồng dao phản ánh sự giả tạo của con mèo và sự khôn ngoan của chú chuột. Ý hàm ngôn là trong xã hội còn kẻ mạnh ức hiếp người yếu và kẻ mạnh thường nguỵ trang tinh vi bằng bộ mặt giả nhân giả nghĩa. Bài ca dao toát lên một tiếng kêu công lý, một tiếng cười thông minh, sắc sảo như một màn kịch ngắn hấp dẫn và thú vị, kết thúc bằng câu chửi gằn giọng độc địa của chú chuột “cha con mèo”!

Ý kiến khác lại cho rằng: Chú chuột đã “chơi khăm” con mèo thông qua sự việc “giỗ cha con mèo” bằng mắm với muối, thực chất là nhằm nguyền rủa dòng họ nhà mèo. Cách dùng từ “hỏi thăm”, “chú chuột” nói lên sự dối trá, tinh quái của mèo. Nhưng chú chuột tinh khôn, láu lỉnh không dễ bị đánh lừa, lại nói kháy mèo cho bõ ghét, cho hả giận. “Đi chợ đàng xa”, nghĩa là chuột muốn nói với mèo rằng mình đã cao chạy xa bay rồi, không tóm được đâu. Mèo tinh quái nhưng chuột còn tinh ranh hơn. Kết cuộc là cảnh chú chuột nhỏ bé tinh khôn đã thắng lão mèo to xác hung dữ - một kết thúc có hậu.

Thêm một góc nhìn khác: Chẳng hề có chuyện mèo chuột ở đây, mà chính là chuyện con người. Bài đồng dao mách nước cho kẻ yếu cách ứng xử với kẻ mạnh; chuột khôn khéo, mềm mỏng đáp lại sự “ân cần hỏi han” của mèo để cầu sự bình an theo phương châm “Mạnh dùng sức, yếu dùng chước”.

Nhà sưu tập từng trải N.U ở Thành phố Hồ Chí Minh qua trao đổi ý kiến với chúng tôi thì lại quả quyết rằng: “Ý nghĩa bài đồng dao tương tự như bức tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột”, chúng đều là kiệt tác nghệ thuật dân gian, nhằm phản ánh hiện thực xã hội đương thời; qua đó phê phán nạn vòi vĩnh, hối lộ, tham nhũng... Những giá trị văn hóa ấy có ý nghĩa trường tồn”.

 

Câu 3: Bài ca dao số 3 lên án hủ tục gì? Cách lên án có tạo ra sự căng thẳng không? Vì sao?

Trả lời:

- Bài ca dao số 3 lên án hủ tục thách cưới.

- Cách lên án phần nào tạo ra sự căng thẳng:

+ “Anh là con trai học trò / Em mà thách cưới thế anh lo thế nào?”: sự phàn nàn.

+ “Em khoe em đẹp như sao / Để anh lận đận ra vào đã lâu”: bày tỏ sự khổ sở vì yêu em

+ “Mẹ em thách cưới cho nhiều / Thử xem anh nghèo có cưới được không?”: chỉ trích sự đòi hỏi cao của mẹ em. Từ “nghèo” thể hiện rõ sự bất lực.

+ Một loạt câu về đồ dẫn cưới cho thấy rằng anh không thể đạt được yêu cầu thách cưới. Ở đây, ta chú ý thấy là mẹ em thách cưới nhiều nhưng anh còn chuẩn bị sính lễ nhiều hơn thế. Ý muốn nói là nhà em thách cưới không hợp tình, hợp lí, đã thế thì anh chỉ cho nhà em những thứ “trên trời” đó thôi.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Phân tích bài ca dao số 1 (nội dung, biện pháp nghệ thuật,…)

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

- “Chập chập, cheng cheng, con gà, đĩa xôi”: những hình ảnh, âm thanh đặc trưng về những tên thầy bói dởm chuyên đi lừa người. Với 4 câu thơ, người xưa đã chọn được những hình ảnh điển hình để chế giễu loại người này.

- Con gà to để riêng cho thầy, đơm xôi thì phải đơm cho đầy: dấu hiệu điển hình của những kẻ hành nghề mê tín dị đoan: tiền càng nhiều thì quẻ càng linh ứng, tiền mà nhiều nữa thì có thể thay đổi cả vận mệnh.

- “rồi lại”, “để riêng”, “đầy … vơi … không ưa”: chế giễu, mỉa mai cách làm việc của thầy.

- Nghệ thuật: khắc hoạ nhân vật bằng những nét điển hình với những chi tiết có giá trị khái quát cao, dùng ngôn ngữ đời thường mà hàm chứa ý nghĩa sâu sắc.

- Em có thể đưa thêm lí do tại sao người ta dễ tin vào chuyện bói toán hay đề cập đến hiện trạng của nghề bói toán hiện nay.

 

Câu 2: Phân tích bài ca dao số 2 (nội dung, biện pháp nghệ thuật,…)

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

- Bài ca dao được xây dựng dựa trên câu chuyện quen thuộc trên thực tế: mèo – chuột.

- Những điểm ngược đời, bất hợp lí: mèo lại đi hỏi thăm chuột,… Từ đó suy ra ngụ ý hay nội dung muốn truyền tải của bài ca dao. Vì bài ca dao này có nhiều cách hiểu nên hãy diễn đạt theo suy nghĩ, quan điểm của em. 

- “Giỗ cha con mèo”: lời chửi rủa gay gắt của chú chuột, cho thấy mối thù không đội trời chung.

- Cái lí thú ở bài ca dao này: dùng con vật và mối quan hệ giữa chúng để phê phán kiểu người như vậy.

 

Câu 3: Phân tích bài ca dao số 3 (nội dung, biện pháp nghệ thuật,…)

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

- Sự phàn nàn, lên án, chỉ trích việc thách cưới không hợp tình hợp lí của nhà gái: những câu đầu.

- Sự đáp trả của chàng trai bằng những thứ còn phi lí hơn: những câu sau.

- Những câu hỏi – đáp hoặc dùng mối quan hệ nhân quả tạo sự chân thực, bộc lộ trực tiếp cảm xúc.

- Ngôn ngữ trong bài, đặc biệt là các đồ cưới: ngôn từ điển hình về các đồ vật quen thuộc thời xưa.

- Nghệ thuật: hư cấu dựng cảnh tài tình, lối nói cường điệu phóng đại, dùng ngôn từ đời thường mà hàm chứa ý nghĩa sâu sắc.

 

4. VẬN DỤNG CAO (1 câu)

Câu 11: Trong ca dao hài hước có những tiếng cười nào? Những bài ca dao trong bài học là kiểu tiếng cười nào?

Trả lời:

- Những tiếng cười đặc sắc trong ca dao trào phúng là: tiếng cười giải trí, tiếng cười tự trào, tiếng cười châm biếm, phê phán.

- Dựa vào nội dung thể hiện, ta có thể nhận thấy rằng tiếng cười trong 3 bài ca dao là tiếng cười châm biếm, phê phán. 



=> Giáo án dạy thêm văn 8 kết nối bài 5: Chùm ca dao trào phúng

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay