Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều Ôn tập Bài 5: Nghị luận xã hội (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 5: Nghị luận xã hội (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 cánh diều.

ÔN TẬP BÀI 5. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI (PHẦN 1)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Dương Trung Quốc

- Thể loại: văn bản nhật dụng

- Phương thức biểu đạt: nghị luận

- Hoàn cảnh ra đời: Văn bản là bài báo đăng trên diễn đàn “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?” được báo “Thanh niên” mở ra từ ngày 27/03 đến 30/06/2006.

- Nội dung: Thông qua việc trình bày về tinh thần, tâm thế dân tộc trong quá khứ, tác giả muốn lập luận rằng nếp nghĩ, cách hành xử chính là thứ đưa một nước đi lên hay bị bỏ lại.

Câu 2: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Dương Trung Quốc.

Trả lời:

- Dương Trung Quốc (sinh ngày 2 tháng 6 năm 1947) là nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị gia người Việt Nam.

- Ông từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV thuộc đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai (một trong 21 người ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam trúng cử).

- Năm 2016, ông là ứng cử viên đại biểu Quốc hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử.

- Ông Dương Trung Quốc nổi tiếng vì những phát biểu thẳng thắn của mình trong các kỳ họp quốc hội.

- Ông có bằng cử nhân chuyên ngành lịch sử, là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay và chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội.

- Ông là đại biểu Quốc hội thâm niên của Việt Nam qua bốn khóa XI, XII, XIII, XIV thuộc đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai.

Câu 3: Hãy nêu một số thành tố của văn bản nghị luận.

Trả lời:

- Luận đề là vấn đề trọng tâm bao trùm toàn bộ bài viết, thường được nêu ở nhan đề hoặc trong phần mở đầu của văn bản.

– Luận điểm nhằm triển khai làm rõ luận đề. Số lượng luận điểm nhiều hay ít tuỳ thuộc vào nội dung của vấn đề được triển khai trong bài nghị luận. Các luận điểm lại được làm sáng tỏ bởi các lí lẽ và bằng chứng.

– Ý kiến đánh giá chủ quan của người viết là những phát biểu, nhận định mang quan điểm riêng của tác giả nên chúng có thể đúng hoặc chưa đúng.

– Bằng chứng khách quan là những sự vật, số liệu có thật, có thể kiểm nghiệm được trong thực tế đời sống.

Các ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết chỉ có thể được làm sáng tỏ và chứng minh tính đúng đắn thông qua các lí lẽ và bằng chứng khách quan. Nếu không có các lí lẽ và bằng chứng khách quan thì các luận điểm của người viết sẽ thiếu chính xác và không thể thuyết phục người đọc.

Câu 4: Phân biệt ý nghĩa của các cặp từ sau và cho ví dụ minh hoạ:

  1. a) Vô tư / vô ý thức
  2. b) Chinh phu / chinh phụ

Trả lời:

  1. a) Vô tư có các nghĩa là:

- không lo nghĩ gì

- không nghĩ đến, không vì lợi ích riêng

- không thiên vị ai cả

Vô ý thức được sử dụng để chỉ việc làm, hành động, lời nói không đúng, không hợp quy chuẩn, không theo những nét đẹp, nền nếp.

  1. b) Chinh phu: người đàn ông đi đánh trận thời phong kiến

Chinh phụ: vợ của người đàn ông đang đi đánh trận thời phong kiến

Câu 5: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Vua truyền cho hai chú cháu đứng dậy, và nói tiếp:

- Việc nước đã có người lớn lo. Hoài Văn Hầu nên về quê để phu nhân có người sớm hôm trông cậy. Đế vương lấy hiếu trị thiên hạ, em ta không nên sao những phận làm con.

Vừa lúc ấy, một người nội thị bưng một mâm cỗ đi qua. Thiệu Bảo cầm lấy một quả cam sành chín mọng trên mâm, bảo một nội thị đưa cho Hoài Văn.

  1. Tìm từ ngữ đồng nghĩa với mỗi từ in đậm trong đoạn trích trên.
  2. Việc sử dụng các từ in đậm đó đã đem lại sắc thái gì cho lời văn?

Trả lời:

  1. a) – Phu nhân: vợ (xét theo truyện thì “phu nhân” ở đây chỉ mẹ của Hoài Văn)

- Đế vương: vua

- Thiên hạ: nước (nhà)

- Nội thị: người hầu

  1. b) Việc sử dụng các từ ngữ in đậm đó mang lại sắc thái cổ xưa, trang trọng cho lời văn.

Câu 6: Trình bày hoàn cảnh ra đời của “Hịch tướng sĩ” và xác định tư tưởng chủ đạo của bài hịch.

Trả lời:

- Bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn được viết vào khoảng trước cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ hai (1285). Theo “Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam” (xuất bản năm 1987) thì bài hịch này được công bố vào tháng 09/1284 tại cuộc duyệt binh ở Đông Thăng Long. Trong ba cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên thời Trần thì cuộc kháng chiến lần hai là gay go, quyết liệt nhất. Giặc cậy thế mạnh ngang ngược, hống hách. Ta sôi sục căm thù quyết tâm chiến đấu. Nhưng trong hàng ngũ tướng sĩ cũng có người dao động, có tư tưởng cầu hoà. Để cuộc chiến đấu giành thắng lợi, điều quan trọng là phải đánh bạt những tư tưởng dao động, bàng quan, phải giành thế áp đảo cho tư tưởng quyết chiến quyết thắng.

è Vì vậy tư tưởng chủ đạo của bài “Hịch tướng sĩ” là nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng. Đây chính là thước đo cao nhất, tập trung nhất tinh thần yêu nước trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Câu 7: Trong “Chiếu dời đô”, Theo suy luận của tác giả thì việc dời đô của các vua nhà Thương, nhà Chu nhằm mục đích gì? Kết quả của việc dời đô ấy?

Trả lời:

– Thời nhà Thương năm lần dời đô, nhà Chu ba lần dời đô nhằm mục đích mưu toan nghiệp lớn, xây dựng vương triều phồn thịnh, tính kế lâu dài cho các thế hệ sau. Việc dời đô vừa thuận theo mệnh trời (phù hợp với quy luật khách quan) vừa thuận theo ý dân (phù hợp với nguyện vọng của nhân dân).

– Kết quả của việc dời đô là làm cho đất nước vững bền, phát triển thịnh vượng.

– Lí Thái Tổ dẫn số liệu cụ thể về các lần dời đô của hai triều Thương, Chu để chuẩn bị cho lí lẽ ở phần sau: Trong lịch sử đã từng có chuyện dời đô và đã từng đem lại những kết quả tốt đẹp. Việc Lí Thái Tổ dời đô không có gì là khác thường, trái với quy luật.

Câu 8: Hãy phân tích đoạn (2) “Chiếu dời đô”

Trả lời:

- Ở đoạn này, tác giả đã soi sử sách vào tình hình thực tế, nhận xét có tính chất phê phán hai triều Đinh, Lê cứ đóng yên đô thành ở vùng núi Hoa Lư.

- Theo tác giả, việc không dời đô sẽ phạm những sai lầm: không theo mệnh trời (không phù hợp quy luật khách quan), không biết học theo cái đúng của người xưa và hậu quả là triều đại thì ngắn ngủi, nhân dân thì khổ sở, vạn vật không thích nghi, không thể phát triển thịnh vượng trong một vùng đất chật chội.

- So với đoạn mở đầu, ở đoạn này, bên cạnh lí là tình: "Trẫm rất đau xót về việc đó". Lời văn tác động cả tới tình cảm người đọc.

Câu 9: Ở đoạn (2), Lí Thái Tổ phê phán hai nhà Đinh, Lê “khinh thường mệnh trời không noi theo dấu cũ Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành” ở Hoa Lư. Dưới con mắt của người thời nay, có người cho rằng chúng ta cần công bằng hơn với hai triều đại này. Em có đồng tình với quan điểm này không?

Trả lời:

Đồng tình. Thực ra việc hai triều Đinh, Lê vẫn cứ phải đóng đô ở Hoa Lư chứng tỏ thế và lực của hai triều đại ấy chưa đủ mạnh để ra nơi đồng bằng, đất phẳng, nơi trung tâm

của đất nước mà vẫn còn phải dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở. Đến thời Lí, trong đà phát triển đi lên của đất nước thì việc đóng đô ở Hoa Lư là không còn phù hợp nữa.

Câi 10: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Nguyễn Trãi.

Trả lời:

- Nguyễn Trãi (chữ Hán: 阮廌, 1380 – 19 tháng 9 năm 1442), hiệu là Ức Trai (抑齋), là một nhà chính trị, nhà văn, người đã tham gia tích cực Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của nhà Minh (Trung Quốc) với Đại Việt. Khi cuộc khởi nghĩa thành công vào năm 1428, Nguyễn Trãi trở thành một trong những khai quốc công thần của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê trong Lịch sử Việt Nam. Ông được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới" và là 1 trong 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

- Xuất hiện ở nửa đầu thế kỉ XV, thiên tài văn học Nguyễn Trãi trở thành một hiện tượng văn học kết tinh truyền thống văn học Lí – Trần, đồng thời mở đường cho cả một giai đoạn phát triển mới.

- Về nội dung, văn chương Nguyễn Trãi hội tụ hai nguồn cảm hứng lớn của văn học dân tộc là yêu nước và nhân đạo.

- Về hình thức nghệ thuật, văn chương Nguyễn Trãi có đóng góp lớn ở cả hai bình diện cơ bản nhất là thể loại và ngôn ngữ. Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất, nhà thơ khai sáng văn học tiếng Việt. Ông đem đến cho nền văn học dân tộc thơ Đường luật viết bằng chữ Nôm, góp phần làm cho tiếng Việt trở thành ngôn ngữ văn học giàu và đẹp.

- Tác phẩm nổi bật: Bình Ngô đại cáo, Quốc âm thi tập, Quân trung từ mệnh tập, Dư địa chí, Ức Trai thi tập

Câu 11: Nêu những đặc điểm cơ bản của thể cáo. Những đặc điểm cơ bản đó được thể hiện như thế nào trong đoạn trích “Nước Đại Việt ta”?

Trả lời:

Đặc điểm của thể cáo

Dẫn chứng trong “Nước Đại Việt ta”

– Chức năng của thể cáo là tuyên ngôn hoặc tổng kết một vấn đề, một sự kiện.

– Đoạn mở đầu Bình Ngô đại cáo tuyên ngôn về nhân nghĩa, về độc lập dân tộc.

– Kết cấu gồm bốn phần: nêu luận đề chính nghĩa; lên án, tố cáo tội ác của lực lượng phi nghĩa; thuật lại quá trình chinh phạt gian khổ và tất thắng của lực lượng chính nghĩa với cảm hứng ngợi ca; tuyên bố chiến quả, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa.

– Đoạn mở đầu Bình Ngô đại cáo nêu luận đề chính nghĩa (nguyên lí nhân nghĩa và chân lí về sự tồn tại độc lập của “nước Đại Việt ta").

– Về lập luận, thường có sự kết hợp giữa lí lẽ và chứng cứ thực tiễn, giữa tư duy lô-gíc và tư duy hình tượng.

– Chứng minh bằng thực tiễn: “Việc xưa xem xét – Chứng cớ còn ghi”; sử dụng câu văn giàu hình tượng: “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội – Nhơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi".

– Về lời văn, cáo phần nhiều được viết bằng văn biền ngẫu, không có vần hoặc có vần, thường có đối, câu dài ngắn không gò bó, mỗi cặp hai vế đối nhau. Cũng có khi thể cáo dùng đan xen tản văn (văn xuôi) với biền văn.

– Toàn bộ đoạn trích Nước Đại Việt ta được viết bằng văn biền ngẫu, câu dài ngắn không gò bó, mỗi cặp hai vế đối nhau: “Núi sông bờ cõi đã chia – Phong tục Bắc Nam cũng khác – Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập – Cùng Hán, Đường, Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương".

Câu 12: Nêu cách hiểu của em về hai câu mở đầu đoạn trích “Nước Đại Việt ta”: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

Trả lời:

- Hai câu văn cho thấy mục đích của việc làm nhân nghĩa là để “yên dân”, tức đem lại cuộc sống thái bình cho người dân, mục đích của đội quân Lam Sơn là tiêu trừ kẻ có tội. Nguyễn Trãi đã biết chắt lọc lấy cái hạt nhân cơ bản, tích cực nhất của tư tưởng nhân nghĩa khi xác định: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo".

- Đặt trong hoàn cảnh Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo thì dân mà tác giả nói tới là người dân nước Đại Việt đang bị xâm lược, còn kẻ bạo tàn là giặc Minh cướp nước. Để “yên dân” thì phải “trừ bạo”, tức là phải đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành lại đất nước. Như vậy, nhân nghĩa là phải chống xâm lược, chống xâm lược chính là nhân nghĩa. Ở Nguyễn Trãi, tư tưởng nhân nghĩa có sự kết hợp với tư tưởng yêu nước, thương dân, chống xâm lược. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định: “Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước thương dân: cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân”. (Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, báo Nhân dân, ngày 19/09/1962).

Câu 13: Trên cơ sở so sánh với bài thơ “Sông núi nước Nam”, hãy chỉ ra sự tiếp nối và phát triển của ý thức độc lập dân tộc trong bài “Bình Ngô đại cáo”.

Trả lời:

- Bài thơ Sông núi nước Nam được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Tiếp đó, bài Bình Ngô đại cáo được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai. So với Sông núi nước Nam, ý thức dân tộc trong Bình Ngô đại cáo (qua đoạn trích Nước Đại Việt ta) có sự tiếp nối và phát triển toàn diện hơn, sâu sắc hơn nhiều trong thời kì lịch sử mới của dân tộc.

- Toàn diện vì nếu ý thức dân tộc trong Sông núi nước Nam được xác định trên hai yếu tố lãnh thổchủ quyền thì đến Bình Ngô đại cáo lại có những yếu tố cơ bản nữa được bổ sung: văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử. Ở Sông núi nước Nam, tác giả đã khẳng định Đại Việt hoàn toàn độc lập với Trung Quốc về lãnh thổ: "Vằng vặc sách trời chia xứ sở" (Tiệt nhiên định phận tại thiên thư) và về chủ quyền: "Sông núi nước Nam, Nam đế chủ” (Nam quốc sơn hà Nam đế cư). Trong quan niệm của người Trung Quốc xưa, vương là vua chư hầu, làm chủ một địa phương, còn đế mới là vua thiên tử, chúa tể cả thiên hạ. Vương có nhiều còn đế thì chỉ một, đế là duy nhất. Đế là ngôi vị tối thượng, vương là bậc dưới của đế. Khẳng định "Nam đế" làm chủ Nam quốc là để đối lập với "Bắc đế", để phủ nhận tư tưởng "trời không có hai mặt trời, đất không có hai hoàng đế" của phong kiến phương Bắc. Đến Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi vẫn tiếp tục khẳng định Đại Việt độc lập về lãnh thổ: ("Núi sông bờ cõi đã chia"), độc lập về chủ quyền ("Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương"). Tuy nhiên, ý thức dân tộc ở Bình Ngô đại cáo toàn diện hơn khi tác giả bổ sung thêm những yếu tố quan trọng, rất cơ bản: văn hiến riêng ("Vốn xưng nền văn hiến đã lâu"); phong tục tập quán riêng ("Phong tục Bắc Nam cũng khác"); lịch sử riêng ("Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập").

- Ý thức dân tộc ở Bình Ngô đại cáo sâu sắc bởi vì trong quan niệm về dân tộc, Nguyễn Trãi đã ý thức được văn hiến và truyền thống lịch sử là yếu tố cơ bản nhất, là hạt nhân để xác định dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà khi khẳng định độc lập dân tộc, Nguyễn Trãi đã đưa yếu tố văn hiến lên đầu tiên. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại đặt sóng đôi, ngang hàng lịch sử các triều đại Việt Nam với các triều đại Trung Quốc: "Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập – Cùng Hán, Đường, Tống Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương". Tác giả khẳng định "Nam đế" làm chủ Nam quốc không phải bằng "thiên thư" (sách trời) mà bằng thực tế lịch sử. Đó là bước tiến trong ý thức của thời đại, đồng thời cũng thể hiện tầm cao tư tưởng của Nguyễn Trãi.

Câu 14: Phân tích trình tự lập luận trong đoạn trích “Nước Đại Việt ta”.

Trả lời:

- Bình Ngô đại cáo là mẫu mực về kết cấu chặt chẽ, lập luận đanh thép, sắc bén. Phần mở đầu bài cáo (đoạn trích Nước Đại Việt ta), Nguyễn Trãi nêu lên tư tưởng nhân nghĩa: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo". Khi nêu tư tưởng nhân nghĩa, tác giả làm nổi bật hai nội dung cốt lõi: "yên dân" và "trừ bạo". Tiếp đến bài cáo khẳng định chân lí về sự tồn tại độc lập từ lâu của nước Đại Việt: "Như nước Đại Việt ta từ trước – Vốn xưng nền văn hiến đã lâu...". Chân lí này được khẳng định theo trình tự: văn hiến, lãnh thổ, phong tục, lịch sử, truyền thống anh hùng hào kiệt, chủ quyền dân tộc. Cách nêu tiền đề bằng những chân lí như vậy đã tạo cơ sở lí luận chắc chắn, chỗ dựa cho việc triển khai lập luận ở những phần sau.

- Sau khi khẳng định chân lí hiển nhiên – nước Đại Việt vốn là một nước độc lập từ lâu, tác giả đã kể ra một loạt chiến công hiển hách trong chiến đấu bảo vệ độc lập của dân tộc trong trường kì lịch sử, khiến cho những kẻ xâm lược đều lần lượt chuốc lấy bại vong thảm hại. Từ Lưu Cung nhà Nam Hán, Triệu Tiết nhà Tống, Toa Đô và Ô Mã Nhi nhà Nguyên,... những tên danh tướng của các triều đại phong kiến phương Bắc ấy khi xâm phạm bờ cõi Đại Việt thì đều bị hoặc “mất vía”, “tiêu vong”, hoặc bị “giết tươi”, “bắt sống”,... Đó là những chứng cứ hùng hồn, sử sách còn ghi, càng khẳng định mạnh mẽ cái chân lí lớn về nền độc lập của nước Đại Việt.

Câu 15: Giải nghĩa các thành ngữ có yếu tố Hán Việt sau và đặt câu với mỗi thành ngữ:

  1. vô tiền khoáng hậu
  2. dĩ hoà vi quý

Trả lời:

  1. a) Vô tiền khoáng hậu nghĩa là trước sau không có. Ví dụ: 91 bàn thắng một năm của Messi là một thành tích vô tiền khoáng hậu.
  2. b) Dĩ hoà vi quý nghĩa là: coi sự hoà thuận, êm thấm là quý. Ví dụ: Người trong một nhà cần phải dĩ hoà vi quý.

Câu 16: Tìm những từ Hán Việt có chứa những yếu tố sau: vô (không), hữu (có), hữu (bạn), lạm (quá mức), tuyệt (tột độ, hết mức).

Trả lời:

- Vô (không): vô tình, hư vô, vô đối, vô chủ

- Hữu (có): hữu tình, hữu hảo, hữu ích, hữu hiệu

- Hữu (bạn): thân hữu, bằng hữu

- Lạm (quá mức): lạm phát, lạm dụng

- Tuyệt (tột độ, hết mức): tuyệt vời, tuyệt thế, tuyệt chủng, tuyệt luân

Câu 17: Giải thích nghĩa của từ Hán Việt được in đậm trong các câu sau:

  1. Bức tranh thu từ những gì vô hình (hương, gió), từ ngõ hẹp (ngõ) chuyển sang những nét hữu hình, cụ thể (sông, chim, mây) với một không gian vừa dài rộng, vừa cao vời.
  2. Nhưng có điều khi sang thu, khi nửa đời nhìn lại thì người ta một mặt sâu sắc thêm, chín chắn thêm, thâm trầm, điềm đạm thêm, mặt khác người ta phải khẩn trương thêm, gấp gáp thêm.

Trả lời:

  1. a) - Vô hình: không có hình dạng cụ thể, không nhìn thấy được

- Hữu hình: có hình dạng cụ thể, có thể nhìn thấy được

  1. b) - Thâm trầm: sâu sắc và kín đáo, không dễ dàng để tâm tư, tình cảm cũng như ý nghĩ bộc lộ ra bên ngoài

- Điềm đạm: lúc nào cũng từ tốn, nhẹ nhàng, không gắt gỏng, nóng nảy

- Khẩn trương: cần được tiến hành, được giải quyết một cách tích cực trong thời gian gấp, không thể chậm trễ.

Câu 18: Theo tác giả bài Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?, những nguyên nhân nào dẫn tới sự tụt hậu của đất nước trong thời kì mới? Dẫn ra ý kiến chủ quan của người viết và các lí lẽ, bằng chứng khách quan (có thể kiểm chứng được) trong văn bản.

Trả lời:

- Nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của đất nước trong thời kì mới là chiến tranh và nếp nghĩ, cách hành xử của chúng ta.

- Ý kiến chủ quan của người viết:

+ Nếp nghĩ và hành xử của chúng ta là nguyên nhân chính gây nên sự tụt hậu trong giai đoạn mới.

+ “Bây giờ, nếu mỗi ngày, cùng với dự báo thời tiết, chúng ta công bố thứ hạng về trình độ phát triển cùng những món tiền nợ nước ngoài để thấm được cái nỗi nhục tụt hậu, chúng ta mới chiến thắng nghèo hèn để vươn lên cho xứng đáng với dân tộc của mình...”

- Lí lẽ, bằng chứng khách quan:

+ Sự tàn phá của chiến tranh

+ Những lí do về chiến tranh đều thấy được, cân đong đo đếm được và trên thực tế, ta đã có nhiều thập kỉ khắc phục.

+ Nhiều phát biểu của các quan chức khiến ta nghĩa rằng nước ta như một địa phương nghèo đói cần được viện trợ

+ Câu nói của vị Đại tướng.

Câu 19: Hãy phân tích phần (1) Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ

Trả lời:

- Ở phần này, tác giả đã đưa ra các bằng chứng là các tuyên bố, nhận định, hành động của các nhân vật lịch sử nổi bật của nước ta thời kỳ phong kiến độc lập. Những bằng chứng này có chung một đặc điểm là cho thấy vị thế, sự giàu đẹp của nước ta không thua kém so với các nước khác, dân tộc ta cũng tự hào về điều đó. Từ đó tác đi đến quan điểm hai chiều: niềm tự hào đi cùng với sự phấn đấu để tồn tại và phát triển.

Câu 20: Hãy phân tích phần (2) Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ

Trả lời:

- Ở phần này, tác giả đã nêu ra cái vấn đề của nước ta thế kỉ XIX: chúng ta quá yếu ớt để chống lại thực dân Pháp, nước ta mất đi quyền độc lập, tự chủ. Tác giả đưa ra các bằng chứng về tình trạng của nước ta thời kỳ đó: “Chỉ vài trăm tên lính … của thực dân và phong kiến,…”. Từ đó, tác giả nhấn mạnh vào việc ở những thời điểm lịch sử quan trọng, khi tinh thần dân tộc lên cao thì chúng ta hoàn toàn có thể đánh thắng được quân thù, giành lại độc lập tự do. Cách lập luận này nhằm nhấn mạnh cho luận điểm ở phần trước và làm tiền đề cho phần sau và cả văn bản.

Câu 21: Lòng yêu nước, căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn thể hiện qua thái độ, hành động như thế nào? Vị chủ tướng tự nói lên nỗi lòng của mình sẽ có tác động ra sao đối với tướng sĩ?

Trả lời:

– Lòng yêu nước căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn được thể hiện cụ thể: quên ăn, mất ngủ, đau đớn đến thắt tim, thắt ruột; thể hiện qua thái độ: uất ức, căm tức khi chưa trả được thù, sẵn sàng hi sinh để rửa mối nhục cho đất nước.

– Bao nhiêu tâm huyết, bút lực của Trần Quốc Tuấn dồn vào đoạn: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng". Mỗi chữ mỗi lời như chảy trực tiếp từ trái tim qua ngòi bút lên trang giấy. è Câu văn chính luận mà đã khắc hoạ thật sinh động hình tượng người anh hùng yêu nước: đau xót đến quặn lòng trước cảnh tình đất nước, căm thù giặc đến bầm gan tím ruột, mong rửa nhục đến mất ngủ quên ăn, vì nghĩa lớn mà coi thường xương tan, thịt nát.

– Khi tự bày tỏ khúc nhôi gan ruột, chính Trần Quốc Tuấn đã là một tấm gương yêu nước bất khuất có tác dụng động viên to lớn đối với tướng sĩ.

Câu 22: Mối quan hệ ân tình giữa Trần Quốc Tuấn với tướng sĩ là mối quan hệ theo đạo thần chủ hay quan hệ bình đẳng của những người cùng cảnh ngộ? Mối quan hệ ân tình ấy đã khích lệ điều gì ở tướng sĩ?

Trả lời:

– Mối ân tình giữa Trần Quốc Tuấn và tướng sĩ dựa trên hai quan hệ: quan hệ chủ tướng và quan hệ cùng cảnh ngộ.

+ Quan hệ chủ tướng để khích lệ tinh thần trung quân ái quốc.

+ Quan hệ cùng cảnh ngộ để khích lệ lòng ân nghĩa thuỷ chung của những người chung hoàn cảnh "lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười".

è Nêu mối ân tình giữa mình và tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn đã khích lệ ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với đạo vua tôi cũng như đối với tình cốt nhục.

Câu 23: Hãy phân tích nghệ thuật lập luận ở đoạn từ “Nay ta chọn binh pháp … để các người biết bụng ta”.

Trả lời:

- Để giành thế áp đảo cho tinh thần quyết chiến quyết thắng, phần cuối bài hịch, một lần nữa Trần Quốc Tuấn vạch rõ ranh giới giữa hai con đường chính và tà, cũng có nghĩa là hai con đường sống và chết để thuyết phục tướng sĩ.

- Tác giả biểu lộ một thái độ dứt khoát: hoặc là địch hoặc là ta, không có vị trí chông chênh cho những kẻ bàng quan trước thời cuộc. Chính thái độ dứt khoát này đã có tác dụng thanh toán những thái độ trù trừ trong hàng ngũ tướng sĩ, động viên những người còn thờ ơ, do dự hãy đứng hẳn sang phía lực lượng quyết chiến quyết thắng.

è Đoạn cuối bài hịch có giá trị động viên tới mức cao nhất ý chí và quyết tâm chiến đấu của mọi người.

Câu 24: Phân tích lòng yêu nước, căm thù giặc của tác giả được thể hiện trong bài “Hịch tướng sĩ”.

Trả lời:

- Một trong những biểu hiện của tinh thần yêu nước trong Hịch tướng sĩ là lòng căm thù giặc sâu sắc. Tác giả đã lột tả tội ác và sự ngang ngược của giặc để gây lòng căm thù, lòng tự trọng, tự tôn dân tộc ở các tướng sĩ. Những hình tượng ẩn dụ "lưỡi cú diều", "thân dê chó" để chỉ sứ Nguyên cho thấy nỗi căm giận và lòng khinh bỉ giặc của Hưng Đạo Vương. Đồng thời, đặt những hình tượng đó trong thế tương quan "lưỡi cú diều" – "sỉ mắng triều đình", "thân dê chó" - "bắt nạt tể phụ", Trần Quốc Tuấn đã chỉ ra nỗi nhục lớn của mọi người khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm.

- Nêu cao lòng căm thù giặc, lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, mục đích là khích lệ tinh thần yêu nước bất khuất. Không phải ngẫu nhiên mà bao nhiêu tâm huyết, bút lực của Trần Quốc Tuấn lại dồn vào đoạn: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng". Hãy so sánh đoạn hịch trên với đoạn thư của Giáo hoàng La Mã Gơ-rê-goa IX – đoạn thư có ý nghĩa như lời hịch hiệu triệu tổ chức Thập tự quân chống giặc Mông – Nguyên: "Nhiều việc khiến ta lo lắng [...]. Nhưng ta nguyện quên hết những lo âu đó mà chú tâm đến cái tại hoạ Tác-ta, sợ rằng hiện nay uy danh của đạo Cơ đốc sẽ bị bọn Tác-ta tiêu diệt mất. Nghĩ đến đó là ta xương nát tuỷ khô, thân gầy sức kiệt, đau xót vô cùng khiến ta không biết làm gì đây". Những hình tượng "tới bữa quên ăn", "nửa đêm vỗ gối", "ruột đau như cắt", "nước mắt đầm đìa" trong bài hịch cũng như những hình tượng "xương nát tuy khô", "thân gầy sức kiệt" trong đoạn thư đều có giá trị khắc hoạ lòng căm thù cao độ, quyết không đội trời chung cùng lũ giặc. Thế nhưng với Giáo hoàng Gơ-rê-goa IX, "nỗi đau xót vô cùng" càng "khiến ta không biết làm gì đây", còn với Trần Quốc Tuấn thì "chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng". Cùng căm giận trào sôi mà một bên thì xót xa, bất lực còn một bên thì mài sắc thêm ý chí quyết tâm giết giặc. Chính vì vậy lời văn trong bức thư thống thiết mà bi thương còn lời văn trong bài hịch thì kiên cường và bi tráng. Căm thù phải diệt giặc, yêu nước phải chiến đấu, đó mới là mục đích cao cả mà tác giả bài hịch hướng tới.

Câu 25: Hãy vẽ sơ đồ tư duy hoặc một hình thức tương tự thể hiện hệ thống lập luận trong văn bản.

Trả lời:

Dưới đây là hệ thống lập luận tham khảo để vẽ.

- Luận điểm 1: Nêu gương các trung thần nghĩa sĩ nổi danh nhằm khích lệ tình thần lập công vì nước.

+ Lí lẽ 1: Đời nào cũng có các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước. Những con người này không theo thói nữ nhi thường tình. Dẫn chứng: Công lao của Kỉ Tín, Do Vu, Thân Khoái, Dự Nhượng,…

+ Lí lẽ 2: Những trung thần nghĩa sĩ gần đây. Dẫn chứng: Công trạng của Vương Công Kiên, Xích Tu Tư.

- Luận điểm 2: Sự tàn bạo của quân giặc.

+ Lí lẽ 1: Quân giặc như hổ đói, làm những việc bất nhân, bất nghĩa. Dẫn chứng: những việc làm tham lam, độc ác, coi thường của quân giặc.

+ Lí lẽ 2: Cảm xúc dâng trào của tác giả.

- Luận điểm 3: Phân tích phải trái, làm rõ đúng sai.

+ Lí lẽ 1: Sự đối đãi của Trần Quốc Tuấn với binh lính không thua gì những trung thần nghĩa sĩ đã nói ở trên. Dẫn chứng: Những hành động thể hiện sự đối đãi hết mực của ông.

+ Lí lẽ 2: Lập luận chỉ ra những việc làm sai trái của một bộ phận binh tướng, sự sai trái đó có thể dẫn đến nguy cơ mất nước. Dẫn chứng: ông liệt kê ra những việc làm không đúng đó và dùng cách lập luận nhân – quả để chứng minh.

+ Lí lẽ 3: Lập luận chỉ ra những việc cần làm của bộ phận binh tướng đó, như thế mới giữ được đất nước. Dẫn chứng: (Ở đây hãy chú ý đến sự hô ứng với phần lí lẽ 2)

- Luận điểm 4: Nêu nhiệm vụ cấp bách và khích lệ tinh thần chiến đấu.

+ Lí lẽ: Binh tướng cần phải chuyên tập “Binh thư yếu lược” nếu không sẽ là trái lời, là kẻ nghịch thù. Tác giả khẳng định nếu không biết rửa nhục, trừ hung thì sẽ chắc chắn sẽ đại bại.

Câu 26: Hãy phân tích vị trí và nội dung nguyên lí nhân nghĩa (2 câu đầu).

Trả lời:

– Nguyên lí nhân nghĩa là nguyên lí cơ bản, làm nền tảng để triển khai toàn bộ nội dung bài cáo. Tất cả những nội dung được phát triển về sau đều xoay quanh nguyên lí này.

– Cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là "yên dân", "trừ bạo". Yên dân là làm cho dân được an hưởng thái bình, hạnh phúc. Muốn yên dân thì phải trừ diệt mọi thế lực bạo tàn. Đặt trong hoàn cảnh Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo thì người dân mà tác giả nói tới là người dân Đại Việt đang bị xâm lược, còn kẻ bạo tàn chính là giặc Minh cướp nước. Như vậy, với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa gắn liền với yêu nước chống xâm lược. Nhân nghĩa không những trong quan hệ giữa người với người mà còn có trong quan hệ giữa dân tộc với dân tộc. Đây là nội dung mới, là sự phát triển của tư tưởng nhân nghĩa ở Nguyễn Trãi so với Nho giáo. Nhân nghĩa trong phạm trù Nho giáo chủ yếu là mối quan hệ giữa người với người, khi vào Việt Nam, do hoàn cảnh riêng của nước ta thường xuyên phải chống xâm lược, trong nội dung nhân nghĩa còn có cả mối quan hệ giữa dân tộc với dân tộc.

Câu 27: Hãy phân tích vị trí và nội dung chân lí về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại Việt (đoạn “Như nước Đại Việt … đời nào cũng có”).

Trả lời:

– Khi nhân nghĩa gắn liền với yêu nước chống xâm lược thì bảo vệ nền độc lập của đất nước cũng là việc làm nhân nghĩa. Vả chăng có bảo vệ được đất nước thì mới bảo vệ được dân, mới thực hiện được mục đích cao cả là "yên dân". Chính vì vậy, sau khi nêu nguyên lí nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã khẳng định chân lí về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại Việt.

– Nguyễn Trãi đưa ra những yếu tố căn bản để xác định độc lập, chủ quyền của dân tộc: nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử riêng, chế độ riêng. Với những yếu tố căn bản này, Nguyễn Trãi đã phát biểu một cách hoàn chỉnh quan niệm về quốc gia, dân tộc. Người đời sau vẫn xem quan niệm của Nguyễn Trãi là sự kết tinh học thuyết về quốc gia, dân tộc. So với thời Lí, học thuyết đó phát triển cao hơn bởi tính toàn diện và sâu sắc của nó:

+ Toàn diện vì ý thức về dân tộc trong Sông núi nước Nam được xác định chủ yếu trên hai yếu tố: lãnh thổchủ quyền, còn đến Bình Ngô đại cáo, ba yếu tố nữa được bổ sung: văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử.

+ Sâu sắc vì trong quan niệm về dân tộc, Nguyễn Trãi đã ý thức được văn hiến, truyền thống lịch sử là yếu tố cơ bản nhất, là hạt nhân để xác định dân tộc. Vả chăng sự sâu sắc của Nguyễn Trãi còn thể hiện ở chỗ: Điều mà kẻ xâm lược luôn tìm cách phủ định (văn hiến nước Nam) thì chính lại là thực tế, tồn tại với sức mạnh của chân lí khách quan.

+ Trong bài Sông núi nước Nam, tác giả đã thể hiện một ý thức dân tộc, niềm tự hào dân tộc sâu sắc qua từ "đế". Ở Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi tiếp tục phát huy niềm tự hào dân tộc sâu sắc, mạnh mẽ đó: "mỗi bên xưng đế một phương". Cần phân biệt sự khác nhau giữa "đế" và "vương" (mặc dù dịch sang tiếng Việt đều là "vua"). Nếu "đế" là vua thiên tử, duy nhất, toàn quyền thì "vương" là vua chư hầu, có nhiều và phụ thuộc vào "đế". Nêu cao tư tưởng hoàng đế là phủ nhận tư tưởng "trời không có hai mặt trời, đất không có hai hoàng đế", là khẳng định Đại Việt có chủ quyền ngang hàng với phương Bắc.

- Để tăng sức thuyết phục cho bản tuyên ngôn độc lập, nghệ thuật văn chính luận của Nguyễn Trãi có những điểm đáng lưu ý:

+ Tác giả sử dụng những từ ngữ thể hiện tính chất hiển nhiên, vốn có, lâu đời của nước Đại Việt độc lập, tự chủ. Bản dịch đã cố gắng lột tả bằng các từ: "từ trước", "vốn xưng", "đã lâu", "đã chia", "cũng khác" (nguyên văn: "duy ngã", "thực vi", "kí thù", "diệc dị").

+ Sử dụng biện pháp so sánh: so sánh ta với Trung Quốc, đặt ta ngang hàng với Trung Quốc, ngang hàng về trình độ chính trị, tổ chức chế độ, quản lí quốc gia (Triệu, Đinh, Lí, Trần ngang hàng với Hán, Đường, Tống, Nguyên).

Câu 28: Vẽ sơ đồ thể hiện trình tự lập luận trong đoạn trích “Nước Đại Việt ta”.

Trả lời:

Câu 29: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) trình bày quan điểm của em về vấn đề “Việt Nam là nước nhỏ hay không nhỏ?”.

Trả lời:

Tham khảo:

- Đối với tôi, trả lời câu hỏi “Việt Nam là nước nhỏ hay không nhỏ?” là một việc khó nhưng dựa trên nhìn nhận của tôi về đất nước, tôi cho rằng Việt Nam đang đi nhanh trên con đường trở thành một nước không nhỏ. Nếu chúng ta nhìn vào các chỉ số để đánh giá sự phát triển của một nước thì nước ta đang là một nước đang phát triển. Sự phát triển trong những năm gần đây của nước ta luôn ở mức cao và ổn định. Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đó trong nhiều năm thì đến một lúc nào đó nước ta hoàn toàn có thể trở thành một nước lớn. Các vấn đề khác ngoài kinh tế như xã hội, giáo dục,… của nước ta đang có sự chuyển đổi theo hướng hiện đại. Nói chung, chỉ cần mỗi cá nhân tích cực hơn nữa thì nước Việt Nam ta sẽ hoàn toàn không nhỏ.

Câu 30: Em hãy đánh giá về bài “Việt Nam là nước nhỏ hay không nhỏ?” của tác giả.

Trả lời:

- Đối với câu hỏi này, em hãy nhận xét đánh giá về cách lập luận của tác giả theo quan điểm của riêng em: tác giả lập luận như vậy đã hợp lí chưa, bằng chứng có thuyết phục không, lí lẽ có bám sát luận điểm không,…

Ví dụ 1: Em thấy cách lập luận của tác giả rất chặt chẽ, ngôn từ có tính hàm súc cao, tác giả đã nói lên được vấn đề trọng yếu nhất trong sự tụt hậu của đất nước. Em rất đồng tình với quan điểm của tác giả khi cho rằng … vì …

Ví dụ 2: Em cho rằng nguyên nhân đất nước tụt hậu trong giai đoạn mới không nằm ở tâm thế của người dân mà nằm ở những vấn đề như nước ta thiếu nhân tài thực sự, cách thức tổ chức, quản lí của nhà nước khiến cho việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhà nước chưa đầu tư được nhiều vào những ngành kinh tế trọng điểm,… Bản thân trong văn bản, hai phần đầu tác giả nói về bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước nhưng sang hai phần sau thì lại nói về phát triển kinh tế,…

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay