Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều Ôn tập Bài 6: Truyện (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 6: Truyện (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 cánh diều.

ÔN TẬP BÀI 6. TRUYỆN (PHẦN 1)

Câu 1: Nêu vài nét cơ bản về tác giả Chingiz Aitmatov

Trả lời:

- Tác giả: Chingiz Aitmatov (1928-2008) là một nhà văn, nhà văn học và chính trị gia người Kyrgyzstan.

- Ông được biết đến là một trong những nhà văn hàng đầu của Kyrgyzstan và đã viết nhiều tác phẩm văn học có ảnh hưởng lớn tới văn hóa và xã hội Kyrgyzstan và nhiều nước khác trên thế giới.

Câu 2: Nêu nội dung chính Văn bản Người thầy đầu tiên

Trả lời:

Văn bản Người thầy đầu tiên ca ngợi người thầy Đuy-sen với những tâm huyết, sự tận tụy và tình cảm mà thầy dành cho học sinh của mình, đặc biệt là An-tư-nai. Thầy đã thay đổi cuộc đời cô bé, vun trồng ước mơ và hy vọng cho cô học trò.

Câu 3: Nêu bố cục Bố cục bài Người thầy đầu tiên

Trả lời:

Người thầy đầu tiên có bố cục gồm 4 phần:

+ Phần 1: Từ đầu đến “kể hết chuyện này”: Lời kể của người họa sĩ về bức thư của An-tư-nai.

+ Phần 2: Tiếp theo đến “bước về làng”: Lần gặp mặt đầu tiên của thầy Đuy-sen và An-tư-nai.

+ Phần 3: Tiếp theo đến “thầy Đuy-sen giảng bài”: Hình ảnh thầy Đuy-sen trong kí ức của An-tư-nai.

+ Phần 4: Còn lại: Những trăn trở trong lòng người họa sĩ khi nghĩ về thầy Đuy-sen và An-tư-nai.

Câu 4: Nêu một số hiểu biết của em về tác giả Ê-XU-PE-RI?

Trả lời:

- Ê-XU-PE-RI (1900 – 1944) sinh tại thành phố Li-on, Pháp trong một gia đình quý tộc tại địa phương.

- Là một nhà văn và phi công Pháp nổi tiếng.

- Ông mất tích trong một chuyến bay ở thế chiến thứ hai khi đang thu thập thông tin về quân Đức.

- Tác phẩm của Ê-XU-PE-RI thường tập trung vào đề tài phi công hoặc lấy cảm hứng từ những chuyến bay của chính tác giả.

- Đạt giải thưởng văn học Pháp Femina năm 1931.

- Tác phẩm chính: Chuyến thư miền Nam (1929), Thư gửi một con tin (1943), Cung thành (1936),…

Câu 5: Nêu nội dung của các chương I, II, XXVII “Trong mắt trẻ”? Nội dung các chương I, II và XXVII liên quan như thế nào với nhau?

Trả lời:

- Chương I: Nhân vật “tôi” nhớ lại kỉ niệm vẽ tranh hồi nhỏ.

- Chương II: Cuộc gặp gỡ bất ngờ của nhân vật “tôi” và cậu bé.

- Chương XXVII: Suy nghĩ của nhân vật “tôi” sau nhiều năm khi cậu bé trở lại hành tinh của mình

- Nội dung các chương có liên kết với nhau theo trình tự trước khi, trong khi và sau nhiều năm gặp lại cậu bé của nhân vật “tôi”

Câu 6: Nêu các kiểu của từ ngữ địa phương và cho ví dụ?

Trả lời:

– Từ ngữ địa phương có nghĩa tương ứng với nghĩa của từ ngữ toàn dân:

Ví dụ:

+ Miền Trung: mô – chỗ nào, đâu; tê – kìa; tru – trâu…

+ Miền Nam: tô – bát; cây viết – cây bút; chạy honda – chạy xe máy…

– Từ ngữ địa phương dùng ở một số nơi chỉ những sự vật, hiện tượng chỉ có ở nơi đó nhưng sau khi phổ biến thì trở thành từ ngữ toàn dân (nhưng thực chất nó vẫn là từ ngữ địa phương)

Ví dụ:

+ Bắc Bộ: thúng (đơn vị để đong thóc, gạo); nia; dần; sàng (đồ dùng để sẩy gạo, thóc); bò (đơn vị để đong gạo)…

+ Trung Bộ: nhút; chẻo – nước mắm…

+ Nam Bộ: sầu riêng, mãng cầu, chôm chôm…

Câu 7: Nêu tác dụng của từ ngữ địa phương trong sáng tác văn học?

Trả lời:

Trong các tác phẩm văn học, việc sử dụng các từ ngữ địa phương có chủ đích sẽ có những tác dụng mang tính nghệ thuật như sau:

+ Tác dụng tái hiện được cuộc sống hiện thực qua thời gian không gian cụ thể

+ Khắc họa được hiện thực đời sống con người để hiểu rõ hơn về văn hóa cũng như uộc sống của người dân địa phương.

+ Thể hiện địa hình, đồ vật, cách đặc trưng trong ngôn ngữ, lời nói, cách giao tiếp đặc trưng cho từng vùng miền

+ Thể hiện những dụng ý của tác giả (khắc họa tính cách nhân vật đậm chất địa phương…)

Câu 8: Tìm biệt ngữ xã hội mà học sinh, sinh viên hay dùng?

Trả lời:

-“trúng tủ”: ôn đúng phần đề ra.

- “xơi trứng ngỗng”: được 0 điểm.

- “ngỗng”: được 2 điểm.

- “gậy”: được 1 điểm.

- “chém gió”: nói phét.

- “phao”: tài liệu để chép trong giờ kiểm tra, thi cử.

- “cúp tiết”: trốn học.

- “ghế tựa”: được 4 điểm.

- “lệch tủ”: sai đề

- “đội sổ”: xếp cuối lớp.

Câu 9: Nêu tóm tắt văn bản Lão Hạc?

Trả lời:

Truyện kể về lão Hạc người nông dân nghèo, vợ mất sớm, con trai không có tiền lấy vợ nên đã quẫn trí bỏ đi làm đồn điền cao su. Lão sống cô độc bên con chó Vàng của con trai lão để lại. Sau trận ốm, lão không đủ sức đi làm thuê như trước, quá cùng đường vì muốn giữ lại mảnh đất cho con trai, lão đã ra một quyết định đau đớn là bán cậu Vàng. Lão đem tiền và mảnh vườn gửi ông giáo nhờ lo ma chay khi lão mất. Lão xin Binh Tư bả chó và tự kết liễu đời mình – cái chết dữ dội không ai hiểu nguyên nhân ngoại trừ Binh Tư và ông giáo.

Câu 10: Hoàn cảnh của lão Hạc trong truyện có gì đặc biệt?

Trả lời:

- Hoàn cảnh của lão Hạc cũng giống như biết bao người nông dân trước Cách mạng Tháng Tám với cuộc sống đói nghèo, cực khổ. Những lão Hạc cũng có hoàn cảnh riêng của mình. Vợ mất sớm, con trai vì không đủ tiền lấy vợ mà quẫn trí đi đồn điền cao su. Lão sống đơn độc cùng với con chó vàng.

Câu 11: Phân tích diễn biến hành động, tâm trạng của lão Hạc sau khi bán con chó vàng. Theo em, nguyên nhân nào khiến lão Hạc có hành động và tâm trạng như vậy?

Trả lời:

- Sau khi bán chó:

+ “Cố tỏ ra vui vẻ”, “cười như mếu”, “đôi mắt ầng ậng nước”, “mặt lão đột nhiên co rúm lại”, “vết nhăn xô lại với nhau”, “ép cho nước mắt chảy ra”, “cái đầu ngoẹo”, “thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó”….

+ Hàng loạt những chi tiết thể hiện hành động và tâm trạng dằn vặt đau đớn đến tận cùng của lão Hạc khi bán đi kỉ vật vật cuối cùng người con trai lão để lại, người bạn trung thành trong cuộc sống của ông.

- Nguyên nhân lão Hạc có hành động và tâm trạng như vật bởi ông là người sống hiền lành và tình nghĩa nên cảm thấy đau xót, day dứt lương tâm khi bán cậu vàng.

Câu 12: Trước khi chết, lão Hạc đã chuẩn bị những gì? Tìm các chi tiết miêu tả cái chết của lão Hạc. Từ các chi tiết đó em có suy nghĩ gì về nhân vật này?

Trả lời:

- Trước khi chết lão Hạc đã bán con vàng đi, sau đó nhờ ông giáo hai việc đó là nhượng lại đất cho ông giáo giữ hộ cho con trai lão và lo liệu ma chay cho mình. Cuối cùng sang nhà Binh Tư xin ít bả chó.

- Những chi tiết miêu tả cái chết của lão: “vật vã”, “đầu tóc rũ rượi”, “quần áo xộc xệch”, “hai mắt long sòng sọc”, “lão tru tréo, bọt mép sùi ra”, “khắp người chốc chốc lại giật mạnh một cái, nảy lên”, “đau đớn và bất thình lình”,…

- Từ những chi tiết đó cho thấy lão là người có hoàn cảnh đáng thương nhưng lão không muốn phiền lụy tới mọi người xung quanh. Qua đó thể hiện lão là người giàu lòng tự trọng, hiền hậu, cách cư xử tinh tế, hiểu người, hiểu đời nhưng bất lực trước hiện thực. Là một người cha yêu thương con vô bờ, giàu tình cảm và lương thiện.

Câu 13: Nguyên nhân nào khiến nhân vật “tôi” trong “Trong mắt trẻ” trở thành phi công?

Trả lời:

- Khi nhân vật “tôi” vẽ bức tranh con voi bị con rắn nuốt chửng, mọi người đều không nhân ra nhân vật “tôi” hiểu gì, từ đó nhân vật “tôi” đã từ bỏ sự nghiệp làm họa sĩ.

- Do kì vọng của người lớn vào nhân vật “tôi” phải học Địa lí, Lịch sử làm tính và ngữ pháp.

Câu 14: Ngôn ngữ trong bài Trong mắt trẻ có gì đặc biệt? Nêu tác dụng của việc sử dụng những ngôn ngữ đó?

Trả lời:

- Ngôn từ trong sáng thơ mộng tựa như câu chuyện cổ tích dành cho trẻ thơ nhưng ẩn đằng sau những câu chữ tưởng chừng như đơn thuần ngây thơ ấy là những triết lý nhân sinh sâu sắc được thể hiện thông qua các hình ảnh mang đậm tính biểu tượng.

Câu 15: Trong văn bản “Trong mắt trẻ”, Vì sao có thể cho rằng nhận xét của hoàng tử bé về những bức vẽ của “tôi” là rất bất ngờ, đầy thú vị?

Trả lời:

Bởi những nhận xét hoàng tử bé không đánh giá những con cừu là đẹp hay xấu, tỉ lệ bức tranh đã hài hòa hay chưa giống như các vị họa sĩ chuyên nghiệp mà cậu nhìn vào rồi liên tưởng đến rất nhiều điều nào là con cừu bị bệnh, con cừu đực, con cừu già, ngay cả đến chiếc hộp đựng cừu cũng không tránh khỏi sự thích thú và vui mừng của hoàng tử bé và cậu lại chìm đắm vào những mộng tưởng phong phú của mình.

Câu 16: Tác dụng của từ ngữ địa phương trong các tác phẩm văn học là gì.

Trả lời:

– Tạo bối cảnh cụ thể: Việc sử dụng từ ngữ địa phương giúp tác giả thể hiện không gian, thời gian và bối cảnh của tác phẩm một cách cụ thể và rõ ràng.

– Hiểu rõ hơn về văn hóa và cuộc sống địa phương: Từ ngữ địa phương có khả năng miêu tả hiện thực cuộc sống con người một cách chân thực và chi tiết.

– Thể hiện đa dạng ngôn ngữ: Các từ ngữ địa phương thường phản ánh cách nói, ngôn ngữ và cách giao tiếp đặc trưng của từng vùng miền.

– Thể hiện tính cách của nhân vật: Từ ngữ địa phương cũng có thể được sử dụng để khắc họa tính cách và đặc điểm của nhân vật.

Câu 17: Tìm một số từ ngữ địa phương nơi em ở hoặc ở vùng khác mà em biết. Nêu từ ngữ toàn dân tương ứng.

Trả lời:

- Bắp và bẹ ở đây đều có nghĩa là "ngô".

- Trong 3 từ : bắp, bẹ, ngô - từ "bẹ" là từ địa phương. 

- Từ "ngô" là từ được sử dụng phổ biến trong toàn dân.

Câu 18: Truyện ngắn Lão Hạc được sáng tác năm nào? Nêu hoàn cảnh sáng tác?

Trả lời:

- Lão Hạc được sáng tác năm 1943

- Lão Hạc là một trong những truyện ngắn xuất sắc viết về người nông dân của Nam Cao, nội dung phản ánh về một phần hiện thực của xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám.

Câu 19: Chỉ ra những yếu tố nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn Lão Hạc. Trong đó em ấn tượng với yếu tố nào nhất? Vì sao?

Trả lời:

- Những yếu tố nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn Lão Hạc:

+ Xây dựng tình huống truyện bất ngờ có tác dụng làm sáng tỏ nhân cách của lão Hạc và những nhân vật khác trong truyện.

+ Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật chân thực và sâu sắc.

+ Cách xây dựng nhân vật rất chân thực và sinh động từ ngoại hình cho đến nội tâm nhân vật.

+ Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất có tác dụng tạo sự gần gũi, thân thuộc.

- Em ấn tượng với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn. Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật chân thực, sinh động và sâu lắng tác giả đã giúp người đọc hình dung toàn diện về cả bề ngoài lẫn bên trong từ đó hiểu hơn về hoàn cảnh khốn khổ của những người nông dân trước cách mạng.

Câu 20: Em hiểu thế nào về ý nghĩ của nhân vật “tôi” (có thể coi là tác giả) qua đoạn văn sau:

“Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta cố mà tìm hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương […]. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”.

Trả lời:

- Qua đoạn văn trên ta thấy ý nghĩ của nhân vật tôi thật triết lí, nó nêu lên bài học về cách nhìn người, nhìn đời và cách ứng xử trong cuộc sống. Hơn thế nữa, ý nghĩ này còn thể hiện nhân vật “tôi” có lòng thương người, biết đồng cảm, thấu hiểu với hoàn cảnh với số phận người khác.

Câu 21: Viết một đoạn văn lý giải nguyên nhân cái chết của Lão Hạc.

Trả lời:

Nhà văn Nam Cao đã miêu tả cái chết của lão Hạc thật dữ dội để lại cho người đọc niềm thương cảm sâu sắc. Cái chết của lão Hạc không phải là sự manh động, tiêu cực. Lão đã rất bền bỉ, đã gắng để sống: "Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai, bữa ốc" mà không được. Bi kịch là thế đấy. Nếu không muốn sống thì lão đã không phải cố duy trì sự sống bằng mọi cách như thế. Lão có thể tự sát ngay sau khi ủy thác cho ông giáo mảnh vườn và tiền làm tang. Dường như, trong mòn mỏi, lão vẫn cố chờ điều gì... Chờ con trai trở về. Biết đâu trong những ngày gắng sống ấy nó trở về! Không thể chờ thêm được nữa, cuối cùng thì lão Hạc phải chấp nhận một sự thật của chính mình, để lão không vi phạm lẽ sống của lão: muốn sống mà vẫn tự chết. Tại sao lão tự trọng đến "hách dịch" như thế cơ chứ? Lão có thể cậy nhờ để sống qua ngày cơ mà, dân gian chẳng đã từng nói "hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau" là gì! Đến ngay tiền làm ma cho mình lão còn không động đến nữa là cậy nhờ! Thế mới là lão Hạc. Cậu Vàng chết để có thêm năm đồng vào hai lăm đồng thành ba mươi đồng lão gửi ông giáo làm tang nếu lão có mệnh hệ nào. "Đâu vào đấy" là cay đắng thế ư? Khi con chó phải chết, lão Hạc mong hóa kiếp cho nó; đến khi lão chết, con chó còn là 5 đồng để tiễn đưa hương hồn lão. Cơ cực đến thế là cùng. Chẳng gì khác, xã hội thực dân nửa phong kiến đen tối đã đẩy cuộc sống người nông dân đến đường cùng; cái nghèo khó, cùng cực đã đẩy lão Hạc đến một lựa chọn đau đớn, nghiệt ngã.

 

Câu 22: Việc tái hiện sự khác nhau trong cách nhìn những bức tranh liên quan chặt chẽ đến ý nghĩa của đoạn trích Trong mắt trẻ. Em có đồng ý với nhận xét này không? Vì sao?

(Trình bày thành một đoạn văn khoảng 8-10 dòng).

Trả lời:

 “Việc tái hiện sự khác nhau trong cách nhìn những bức tranh liên quan chặt chẽ đên ý nghĩa đoạn trích” em đồng ý với ý kiến trên. Ẩn sâu trong những trang sách, tác giả đã lồng ghép khéo léo những hạn chế của chính người lớn khi họ sinh sống trên thế giới có phần thực dụng không mộng mơ như hồi xưa bé. Người phi công trong truyện có đam mê với vẽ, nhưng những bức tranh mà ông vẽ đều nhận sự chê bai của mọi người, người ta không hiểu viên phi công đang thực sự hiểu gì. Theo năm tháng những lời chê bai ấy đã chôn vùi ước mơ thuở nào của ông. Chỉ còn lại hoàng tử bé là thực sự hiểu ông vẽ gì, chỉ có cậu là người yêu cầu phi công vẽ cho mình bức tranh. Trong cuộc sống này, sự hạn hẹp về tầm nhìn, vội vàng buông lời chê bai diễn ra xung quanh chúng ta. Đôi khi ta thực sự không ngờ chính những lời nói vô tình ấy lại có sự tác động lớn đến tương lai.

Câu 23: Qua bài Trong mắt trẻ, em rút ra được bài học gì trong cuộc sống?

Trả lời:

- Trong cuộc sống, con người phải trải qua rất nhiều “phong ba bão táp” của cuộc đời. Tác giả đã cho thấy những góc nhìn hoàn toàn khác biệt nhưng chân thực, không chịu tác động của thói quen và định kiến. Bài học chính là phải nuôi dưỡng niềm hy vọng và sự tự tin.

Câu 24: Hãy tưởng tượng em là con trai của lão Hạc kể lại câu chuyện trở về làng và thăm mộ cha.

Trả lời:

Tôi về lại quê sau nhiều năm đi làm ở đồn điền cao su, vì đi làm xa, nhiều năm liền chẳng được trả tiền công nên tôi không biết làm cách nào để về nhà, thi thoảng năm một lần lại gửi giấy về cho cha yên tâm. Đã sáu năm rồi, tôi chưa về nhà, tính năm nay sẽ về nên không gửi thư về nữa, thế nhưng khi tôi về đã không kịp gặp cha lần cuối. Đi mất hai ngày đường tôi mới về tới làng, đi về làng mà tôi ngỡ như mình đi đến nơi khác, ai cũng nhìn tôi với ánh mắt khác lạ, chẳng ai chào hỏi vì dường như họ thấy tôi lạ quá. Đi làm được vài trăm bạc tôi cũng gọi là có quần áo mặc tử tế. Về đến nhà tôi thấy không khí im ắng lạ thường, trong đầu tôi thoáng có ý nghĩ đáng sợ, tôi cố trấn át nó đi rồi tìm cha khắp xung quanh nhà, tôi lớn tiếng gọi cha nghĩ ông đang ở ngoài vườn sẽ nghe thấy, nhưng mãi vẫn không thấy ai thưa.

Một lúc sau thấy tiếng bước chân, tôi mừng nghĩ cha đã về, thế nhưng không phải, đó là ông giáo. Ông sang thắp một nén hương rồi vái rằng "Lão Hạc ơi con trai ông đã về rồi đây này, ông về mà nhìn nó đi". Tôi lặng người đi, hóa ra cái suy nghĩ đáng sợ ấy là thật. Tôi ngồi sụp xuống, thế là chẳng còn gì nữa, đã quá muộn màng để tôi hối hận về quyết định bỏ cha đi làm ăn xa. Ông giáo dẫn tôi ra thăm mộ cha rồi kể cho tôi nghe về cái chết của cha tôi, tôi nghe mà lòng đau quặn thắt, chưa bao giờ tôi thấy mình đau đớn và thương cha đến như thế.

Nhìn mảnh vườn trước mặt, tôi vừa nhớ cha lại vừa trách mình bất hiếu. Giá như cha đừng vì tôi mà giữ mảnh vườn, cứ bán mà ăn mà sống thì có lẽ tôi còn có cha. Tất cả là vì tôi, giờ tôi sẽ chăm chỉ làm lụng, chăm bón cái vườn này vì cha.

Câu 25: Theo em, với truyện ngắn Lão Hạc, Nam Cao đã gửi gắm những điều gì khi viết về người nông dân nghèo trước Cách mạng Tháng Tám 1945?

Trả lời:

- Nam Cao bày tỏ sự cảm thương cho số phận người nông dân khốn khổ, không có lối thoát trước cách mạng lên án hiện thực xã hội Việt Nam thời bấy giờ.

- Tác giả ca ngợi những phẩm chất cao quý của những người nông dân là biểu hiện quan trọng của giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Lão Hạc”

Câu 26: Tìm từ địa phương trong những câu dưới đây. Cho biết các từ đó được dùng ở vùng miền nào và có tác dụng gì đối với việc phản ánh con người, sự vật ở địa phương.

  1. a) Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

  1. b) Muôn đời biết ơn chiếc gậy tầm vông đã dựng nên Thành đồng Tổ quốc!

(Thép Mới)

  1. c) Chị cho tôi một gói độ mười viền thuốc cảm và một đòn bánh tét…(Đoàn Giỏi)
  2. d) Thuyền em đã nhẹ, chèo lẹ khó theo. (Ca dao)

Trả lời:

  1. Từ địa phương "Cháo bẹ". Cháo bẹ là món ăn trong mùa giáp hạt của đồng bào Nùng, đặc biệt là Nùng Giang sinh sống ở vùng cao núi đá mà ngô là cây lương thực chính của họ.
  2. Từ địa phương "gậy tầm vông". Tầm vông thuộc họ nhà tre và hình ảnh cây gậy tầm vông hay chiếc nóp là những hiện vật lịch sử quen thuộc trong thời kỳ Nam bộ kháng chiến đối với mỗi người dân Nam bộ. Gậy tầm vông là vũ khí hữu dụng trong những ngày gian khổ chống quân xâm lược của đồng bào khu vực Nam bộ.
  3. Từ địa phương "đòn bánh tét". Bánh tét là món ăn quen thuộc vào mỗi dịp lễ tết của đồng bào miền Nam. Bánh tét có hình trụ dài nên còn được gọi là đòn bánh, hai đòn thường có một quai bánh chưng bằng gân lá chuối tạo thành một cặp.
  4. Từ địa phương "chèo". Chèo là một loại hình âm nhạc dân tộc bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại từ thế kỷ 10. Chèo phát triển ở khu vực châu thổ Bắc Bộ và các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh.


Câu 27: Tìm các từ ngữ địa phương trong đoạn văn sau và giải thích nghĩa của chúng:

Người nhà quê hồi mình con nít toàn người nghèo, sân nhà quê hồi ấy cũng rặt sân đất, nên nhà nào cũng cặm cái giàn trước nhà, suốt sáu tháng mưa, sân chìm trong nước cũng có chỗ mà đem phơi củi, hay gối, chiếu. Những ngày hứng nắng trên giàn luôn có thứ gì đó ngóng nắng, khi cám mốc, khi thì mớ bột gạo thừa trong lúc làm bánh, khi thì mớ cơm nguội hay mớ lá dừa khô dùng để nhen lửa, mấy trái đậu bắp già làm giống cho mùa sau,... Phơi trên giàn mọi thứ khô mau, vì nắng ngun ngút trên mặt, gió lộng phía lưng.

(Nguyễn Ngọc Tư, Mùa phơi sân trước)

Trả lời:

Các từ ngữ địa phương được in đậm:

Người nhà quê hồi mình con nít toàn người nghèo, sân nhà quê hồi ấy cũng rặt sân đất, nên nhà nào cũng cặm cái giàn trước nhà, suốt sáu tháng mưa, sân chìm trong nước cũng có chỗ mà đem phơi củi, hay gối, chiếu. Những ngày hứng nắng trên giàn luôn có thứ gì đó ngóng nắng, khi cám mốc, khi thì mớ bột gạo thừa trong lúc làm bánh, khi thì mớ cơm nguội hay mớ lá dừa khô dùng để nhen lửa, mấy trái đậu bắp già làm giống cho mùa sau,... Phơi trên giàn mọi thứ khô mau, vì nắng ngun ngút trên mặt, gió lộng phía lưng.

(Nguyễn Ngọc Tư, Mùa phơi sân trước)

Nghĩa của các từ:

- Hồi (từ địa phương miền Nam): lúc, khi.

- Con nít (từ ngữ địa phương miền Nam): trẻ con.

- Cặm (từ ngữ địa phương miền Nam): dựng.

- Trái (từ ngữ địa phương miền Nam): quả.

- Mau (từ ngữ địa phương miền Nam): nhanh.

Câu 28: Tìm các từ ngữ địa phương trong đoạn trích sau và giải thích nghĩa của chúng.

Người ấp Mũi ít khi làm buồng để ngủ, buồng chỉ để cho con gái, cho những cặp vợ chồng son, người xứ biển thích ngủ đằng trước nhà, chỉ cần cái mùng, khỏi chiếu, áp cái lưng trần đỏ au xuống với sàn nhà bằng gỗ đước bóng như gương đồng vậy là được một giấc ngủ ngon. Mà đúng là ngủ ở ngoài nầy thì thích không chịu được.

Nhà bao nhiêu gian thì bấy nhiêu gian đầy gió. Trong cái mùi biển tanh nồng mặn mòi của những giàn lưới phơi trên giá, trong cái mùi khói ngọt bùng nhùng toả ra từ mẻ un, dường như có nhà ăn cơm chiều trễ, nghe mùi béo ngậy của cá thòi lòi kho với nước cốt dừa. Và đâu đó chắc có vài người chuẩn bị lai rai, rõ ràng là mùi thơm khô mực nướng trên lò than đang tàn.

(Nguyễn Ngọc Tư, Ngủ ở Mũi, in trong Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư, in trong Tạp văn Nguyễn Ngọc TưNXB Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr. 159 - 161)

Trả lời:

Những từ in đậm dưới đây là từ ngữ địa phương:

Người ấp Mũi ít khi làm buồng để ngủ, buồng chỉ để cho con gái, cho những cặp vợ chồng son, người xứ biển thích ngủ đằng trước nhà, chỉ cần cái mùng, khỏi chiếu, áp cái lưng trần đỏ au xuống với sàn nhà bằng gỗ đước bóng như gương đồng vậy là được một giấc ngủ ngon. Mà đúng là ngủ ở ngoài nầy thì thích không chịu được.

Nhà bao nhiêu gian thì bấy nhiêu gian đầy gió. Trong cái mùi biển tanh nồng mặn mòi của những giàn lưới phơi trên giá, trong cái mùi khói ngọt bùng nhùng toả ra từ mẻ un, dường như có nhà ăn cơm chiều trễ, nghe mùi béo ngậy của cá thòi lòi kho với nước cốt dừa. Và đâu đó chắc có vài người chuẩn bị lai rai, rõ ràng là mùi thơm khô mực nướng trên lò than đang tàn.

(Nguyễn Ngọc Tư, Ngủ ở Mũi, in trong Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư, in trong Tạp văn Nguyễn Ngọc TưNXB Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr. 159 - 161)

Nghĩa của các từ:

- Mùng: Màn.

- Khỏi: Không cần.

- Mẻ un: củi, xơ dừa, vỏ quýt, vỏ bưởi,…được đốt cho khói bốc lên để đuổi muỗi.

- Cá thòi lòi: Còn gọi là cá leo cây, loài cá sống ở các bãi lầy cửa sông, có khả năng di chuyển trên bùn.

- Lai rai: Uống rượu từ từ từng chút một, thường kèm theo đồ nhắm.

Câu 29: Nêu giá trị nội dung người thầy đầu tiên

Trả lời:

Người thầy đầu tiên ca ngợi người thầy Đuy-sen với những tâm huyết, sự tận tụy và tình cảm mà thầy dành cho học sinh của mình, đặc biệt là An-tư-nai. Người thầy Đuy-sen đã thay đổi cuộc đời của cô bé An-tư-nai, người đã vun trồng ước mơ, hy vọng cho những học trò nhỏ. 

Câu 30: Nêu giá trị nghệ thuật Người thầy đầu tiên

Trả lời:

- Ngòi bút đậm chất hội họa

- Sự chuyển đổi nhân vật người kể chuyện linh hoạt, độc đáo

- Ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật gần gũi, khắc họa tính cách nhân vật

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay