Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều Ôn tập Bài 7: Thơ Đường luật (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 7: Thơ Đường luật (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 cánh diều.

ÔN TẬP BÀI 7. THƠ ĐƯỜNG LUẬT (PHẦN 2)

Câu 1: Nêu một vài nét về tác giả Lý Bạch

Trả lời:

- Lý Bạch (701 - 762) là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc vào thời nhà Đường. Tự là Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ.

- Lý Bạch là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Trung Hoa, ông được người đời gọi là “thi tiên” (tiên thơ).

- Thơ ông thường thể hiện một tâm hồn tự do, hào phóng. Hình ảnh trong thơ thường mang tính chất tươi sáng, kì vĩ, ngôn ngữ tự nhiên mà điêu luyện.

-  Một số tác phẩm tiêu biểu:Cổ phong, Quan san nguyệt, Trường can hành, Khuê tình...

Câu 2: Nêu xuất xứ của “Xa ngắm thác núi Lư”

Trả lời:

- Vọng Lư Sơn bộc bố là một trong số những bài thơ tiêu biểu viết về đề tài thiên nhiên của nhà thơ.

- Bản dịch thơ Xa ngắm thác núi Lư được Tương Như dịch, in trong cuốn Thơ Đường, tập II, xuất bản năm 1987 bởi Nhà xuất bản văn học.

Câu 3: “Xa ngắm thác núi Lư” gồm mấy phần?

Trả lời:

- Phần 1. Câu đầu: Miêu tả khung cảnh núi Hương Lô

- Phần 2. 3 câu tiếp: Miêu tả khung cảnh thác nước núi Lư.

Câu 4: Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Mời trầu?

Trả lời:

Về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Mời trầu thì hiện tại chưa có mốc thời gian hay hoàn cảnh cụ thể, tuy nhiên theo một số ghi chép thì bài thơ ra đời vào những thập niên cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 10 giai đoạn 1990-2006.

Câu 5: Chỉ ra 1 từ láy, 1 từ ghép trong bài thơ Mời trầu?

Trả lời:

- Từ láy: nho nhỏ

- Từ ghép: Quả cau

Câu 6: Đảo ngữ là gì?

Trả lời:

Đảo ngữ là một hình thức tu từ có đặc điểm: thay đổi vị trí thông thường của một từ, cụm từ trong câu nhưng không làm mất đi quan hệ cú pháp vốn có, nhằm mục đích nhấn mạnh, thể hiện cảm xúc của người viết hoặc tạo hình ảnh, đường nét, màu sắc.

Câu 7: Nêu vài ví dụ về đảo ngữ.

Trả lời:

Ví dụ 1: 

Trật tự thông thường:

  • Những bóng thù hắc ám đã tan tác
    Trời thu tháng Tám đã sáng lại

Trật tự đảo ngữ:

  • Đã tan tác những bóng thù hắc ám
    Đã sáng lại trời thu tháng Tám
    (Tố Hữu)

Đây là kiểu câu thơ đảo trật tự thành phần có tác dụng nhấn mạnh và gợi hình, gợi tả cho câu thơ hơn.

  • Những bóng thù hắc ám - thế lực giặc ngoại xâm
  • Trời thu tháng tám - chiến thắng cách mạng tháng Tám

Ví dụ 2:

Một biển lúa vàng vây quanh em, hương lúa chín thoảng thoảng đâu đây.

Trật tự thông thường:

  • Vây quanh em một biển lúa vàng
  • thoảng thoảng đâu đây hương lúa chín

Những cụm từ gợi hình, gợi được đặt lên đầu câu, có tác dụng nhấn mạnh vào những thành phần đảo, tạo hình ảnh, đường nét, màu sắc, khiến cho câu văn thêm sinh động.

Ví dụ 3:

Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi  à Tổ quốc ta ơi đẹp vô cùng

(Tố Hữu)

Đảo ngữ ở đây thể hiện sắc thái biểu cảm.

Câu 8: Nêu khái niệm của từ tượng hình và từ tượng thanh? Cho ví dụ?

Trả lời:

Khái niệm: Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người. Trong đó, "tượng" tức là mô phỏng và "thanh" là âm thanh. Phần lớn từ tượng thanh là từ láy. 

Ví dụ:

- Từ tượng thanh mô phỏng tiếng mưa: Rào rào, ấm ầm, lộp độp, tí tách,...

- Từ tượng thanh mô phỏng tiếng gió: Xào xạc, lao xao, vi vu, vi vút,...

- Từ tượng thanh mô ta tiếng cười của con người: Hi hi, ha ha, khanh khách, khúc khích,...

- Từ tượng thanh mô tả tiếng chị kêu: chiêm chiếp, líu lo, ríu rít, quang quác, thánh thót,...

- Từ tượng thanh mô tả tiếng chân người đi: thình thịch, bành bạch, lạch bạch, lệt sệt, loẹt quẹt,... 

Khái niệm: Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật. Trên thực tế, phần lớn từ tượng hình là từ láy. Tuy nhiên, vẫn có một số từ tượng hình không phải từ láy, ví dụ: chỏng quèo.

Ví dụ:

- Từ tượng hình gợi tả dáng vẻ con người: lom khom, thướt tha, bệ vệ, đủng đỉnh, lòng khòng, lừ đừ, thất thểu,...

- Từ tượng hình gợi tả dáng dấp của sự vật: lè tè, chót vót, ngoằn ngoèo, thăm thẳm, mênh mông, nhấp nhô, khấp khểnh, phập phồng, mấp mô,...

Từ tượng hình gợi tả màu sắc: loè loẹt, chói chang, bềnh bệch, sặc sỡ, rực rỡ,...

Câu 9: Em hãy nêu một số nét về tác giả Trần Tế Xương?

Trả lời:

- Trần Tế Xương (1870 - 1907) thường gọi là Tú Xương.

- Quê quán: làng Vị Xuyên - huyện Mĩ Lộc - tỉnh Nam Định (nay thuộc phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định).

- Cuộc đời ngắn ngủi, nhiều gian truân.

- Với khoảng trên 100 bài, chủ yếu là thơ Nôm, gồm nhiều thể thơ (thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, lục bát) và một số bài văn tế, phú, câu đối,...
- Phong cách nghệ thuật:

- Thơ của Tế Xương có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình trong đó trữ tình là gốc.

- Với giọng văn châm biếm sâu cay, thơ văn của ông đã đả kích bọn thực dân phong kiến, bọn quan lại làm tay sai cho giặc, bọn bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc, bọn rởm đời lố lăng trong buổi giao thời.



Câu 10: Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ “Vịnh khoa thi Hương”?

Trả lời:

Vào khoa thi năm 1897 (năm Đinh Dậu), kì thi Hương ba năm diễn ra một lần vốn từ xưa đều được tổ chức ở Hà Nội, nay bị Pháp bãi bỏ và tổ chức chung cho thí sinh ở trường Nam Định thi cùng với thí sinh trường Hà Nội. Chứng kiến hiện thực đầy bát nháo, đau xót đó, Tú Xương đã sáng tác bài thơ này. Tác giả đã phản ánh hiện thực nhốn nháo của khoa thi năm đó đồng thời thể hiện thái độ châm biếm, mỉa mai thói lố lăng, hợm hĩnh của bộ máy chính quyền Pháp lúc bấy giờ.

Câu 11: Xác định bố cục của bài thơ “Vịnh khoa thi hương”. Nêu nội dung của từng phần?

Trả lời:

- Bố cục: Đề, thực, luận, kết.

- Hai câu đầu: Giới thiệu kì thi

- Bốn câu tiếp: Cảnh tượng khi đi thi

- Hai câu cuối: Thái độ, tâm trạng của nhà thơ đối với kì thi.

Câu 12: Phân tích ý nghĩa trào phúng của nghệ thuật sử dụng phép đối, nghệ thuật sử dụng ngôn từ ở hai câu thực và câu luận của bài thơ Vịnh khoa thi hương?

Trả lời:

- Hai câu thực

+ Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ: Sĩ tử" là những người đi thi, đáng ra phải trông thật nho nhã, trang trọng, vậy mà ở đây toàn thấy là sự luộm thuộm, lôi thôi. Đảo chữ "lôi thôi" lên đầu câu để nhấn mạnh cái sự nhếch nhác của các sĩ tử trong mùa thi hương lần này → gợi lên sự xiêu vẹo, sự đổ gãy, lếch thếch của những kẻ sau này vốn sẽ trở thành những trụ cột tương lai của đất nước.

+ Ậm ọe quan trường miệng thét loa: Cái âm thanh "ậm ọe" ấy chỉ là những thanh âm ú ớ, không rõ tiếng rõ lời, nhưng lại được gân lên bằng sự la lối của đám quan lại trường thi. Sự trang trọng trong việc gọi tên vào thi của kì thi hương ấy đã bị những kẻ làm quan kia lấn át, làm lu mờ bởi sự phách lối, vênh váo của những kẻ dựa hơi mà chẳng có chút thực quyền nào.

→ Hai câu thơ đối nhau làm nổi bật lên khung cảnh của trường thi. Nhưng trong đó, người ta thấy không chỉ là bóng dáng của trường thi với kì thi hương mà còn thấy khung cảnh hỗn tạp, nhốn nháo của đất nước khi rơi vào tình nửa thực dân nửa phong kiến.

- Hai câu luận:

+ Hình ảnh của một "ông Tây" với "bà đầm" phản ánh thật đúng với cái tình cảnh của nước ta thời bấy giờ: người dân trở thành nô lệ, triều đình là một bức bình phong còn thực quyền ở trong tay người Pháp.

+ Tú Xương đặt cái "váy" của bà đầm và cái "lọng" của ông quan Tây được đặt ngang bằng, ghép hai hình ảnh đó lại, người ta thấy đó là mỉa mai đầy châm biếm. Từ "quan sứ" để nói về ông quan tây nhưng lại dùng từ "mụ đầm" khi nói về vợ của ông ta, đây chẳng phải là một sự khinh bỉ, một sự "chơi xỏ" mà Tú Xương dành cho viên Toàn quyền Pháp.

Câu 13: Ghép các từ tượng hình, từ tượng thanh (in đâm) ở cột A với nghĩa phù hợp ở cột B:

A. Từ tượng hình, từ tượng thanh

B. Nghĩa

a) Ậm ọe quan trường miệng thét loa

(Trần Tế Xương)

1) (Vóc dáng) bé nhỏ quá mức

b) Lom khom dưới núi, tiều vài chú

(Bà Huyện Thanh Quan)

2) dài hoặc cao quá, mất cân đối

c) Lác đác bên sông, chợ mấy nhà

(Bà Huyện Thanh Quan)

3) ở tư thế còng lưng xuống

d) … Đôi mắt lão ầng ậng nước…

(Nam Cao)

4) thưa và rải rác mỗi chỗ, mỗi lần một ít

Trả lời:

1

2

3b

4c

Câu 14: Đọc các đoạn trích trong Lão Hạc của Nam Cao và trả lời câu hỏi:

- Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu máo như con nít. Lão hu hu khóc

- Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi, như muốn bảo tôi rằng: A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à?.

- Tôi ở nhà Binh Tư về được một lúc lâu thì thấy những tiếng nhốn nháo ở bên nhà lão Hạc. Tôi mải mốt chạy sang. Mấy người hàng xóm đến trước tôi đang xôn xao trong nhà. Tôi xồng xộc chạy vào. Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc.

  1. Trong các từ in đậm trên, những từ nào gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật; những từ nào mô phỏng âm thanh tự nhiên, con người.
  2. Những từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái hoặc mô phỏng âm thanh như trên có tác dụng gì trong văn miêu tả và tự sự.

Trả lời:

  1. a. Đoạn trích Lão Hạc của Nam Cao có những từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, hoạt động trảng thái của sự vật, những từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, con người:
  • Móm mém, xồng xộc, vật vã, rũ rượi, xộc xệch, sòng sọc  đó là những từ tượng hình.
  • Hu hu, ư ử  đó là những từ tượng thanh.
  1. Những từ ngữ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, hoạt động hoặc mô phỏng âm thanh rất có tác dụng trong văn miêu tả, tự sự. Các từ này gợi ra những cảm xúc, suy nghĩ hoặc tưởng tượng, hình dung ra sự vật mà nhà văn và tác phẩm muốn diễn tả.

 

Câu 15: Tìm từ tượng hình, tượng thanh trong những câu sau.

- Thằng Dần vục đầu vừa thổi vừa húp soàn soạt. Chị Dậu rón rén bưng một bát lớn đến chỗ chồng nằm.

- Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn đến để trói anh Dậu.

- Cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp, rồi hắn cứ nhảy bào cạnh anh Dậu.

- Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu.

Trả lời:

Từ tượng hình và tượng thanh trong những câu trích trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố.

  1. Từ tượng thanh.

- Soàn soạt, bịch, đánh bốp.

- Nham nhảm.

  1. Từ tượng hình.

- Rón rén, lực điền, chỏng queo.

Câu 16: Phân biệt nghĩa của các từ tượng thanh tả tiếng cười: cười ha hả, cười hì hì, cười hố hố, cười hơ hớ.

Trả lời:

Phân biệt ý nghĩa:

- Ha hả: tiếng cười to, sảng khoái.

- Hì hì: cười vẻ đang thẹn thùng e thẹn.

- Hô hố: cười to, có vẻ thô lỗ.

- Hơ hớ: cười to, thoải mái, không che đậy, ...

Câu 17: Vận dụng kiến thức về biện pháp đảo ngữ để diễn đạt lại những câu văn dưới đây cho sinh động, gợi cảm.

  1. Nước sông Hương xanh biêng biếc, màu hoa phượng vĩ đỏ rực hai bên bờ.
  2. Giữa trời khuya tĩnh mịch, một vầng trăng vằng vặc trên sông, một giọng hò mái đẩy thết tha dịu dàng. 
  3. Xa xa, những ngọn núi nhấp nhô, mấy ngôi nhà thấp thoáng, vài cánh chim chiều bay thấp thoáng về tổ.

Trả lời:

  1. Xanh biêng biếc nước sông Hương, đỏ rực hai bên bờ màu hoa phượng vĩ.
  2. Giữa trời khuya tĩnh michh, vằng vặc trên sống một vầng trằn, thiết tha dịu dàng.
  3. Xa xa, nhấp nhô những ngọn núi, thấp thoáng mấy ngôi nhà, lững thững vài cánh chim chiều bay về tổ

Câu 18: Xác định và nêu tác dựng của phép tu từ trong 2 câu thơ sau: “Lọng cắm rợp trời quan sứ đến/ Váy lê quét đất mụ đầm ra.” 

Trả lời:

- Nghệ thuật đảo ngữ: nhấn mạnh sự chấm biếm về cảnh thi cử đáng ra phải trang nghiêm mà lại nhốn nháo không khác gì trò hề.

-  Nghệ thuật đối" "lọng cắm rợp trời" >< "váy lê quét đất"

à Tác dụng: Phản ánh hiện thực nhốn nháo chốn quan trường và thái độ châm biếm của tác giả.

Câu 19: Từ “lẫn” ở câu thơ thứ hai có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Từ “lẫn” trong câu thơ phản ánh tình trạng lộn xộn, bát nháo ở trường thi – nơi vốn được coi là điển hình của sự tôn nghiêm.

Câu 20: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về khung cảnh đi thi của bài “Vịnh khoa thi Hương”?

Trả lời:

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,

Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.

Với kết cấu đảo ngược đưa tính từ lên vị trí đầu câu, Tú Xương đã đặc tả cảnh tượng đáng buồn của một trường thi ở giai đoạn chữ Hán đang bị chữ quốc ngữ đẩy lùi. Ngày xưa, sĩ tử đi thi phải mang theo lều chõng, cơm nước, tráp để đựng bút, giấy, nghiên mực… và một ống quyển để đựng quyển thi. Lọ ở đây là lọ nước uống. Mang vác lỉnh kỉnh như thế nên trông họ lôi thôi, lại chen lấn, xô đẩy nên càng giống một đám đông hỗn loạn ngoài đường ngoài chợ chứ không phải ở chốn trường thi vốn dĩ uy nghiêm. Sĩ tử thảm hại đã đành, còn quan trường cũng chẳng hơn gì. Tiếng loa gọi thí sinh lần lượt nhập trường thi lẽ ra phải rõ ràng, dõng dạc nhưng vì quá ồn ào, lộn xộn nên quan xướng danh phải cố thét lên cho thật to, riết rồi thành ậm oẹ, chẳng ra đâu vào đâu cả nên hoá buồn cười.

Câu 21: Trong chương trình Ngữ văn 8, có một bài thơ viết theo thể thơ Đường luật. Cho biết tên tác phẩm và tác giả của bài thơ đó?

Trả lời:

Mời trầu – Hồ Xuân Hương.

Câu 22: Hình ảnh “quả cau và miếng trầu” trong câu thơ thứ nhất gợi cho em suy nghĩ gì? 

Trả lời:

Hình ảnh: “Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi” là hình ảnh ẩn dụ chỉ ra thân phận nhỏ bé, số phận hẩm hiu của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

Câu 23: Bài Mời trầu thể hiện tâm trạng của tác giả với nhiều cảm xúc. Theo em, đó là những cảm xúc gì? Hãy làm sáng tỏ điều đó.

Trả lời:

Qua hình ảnh miếng trầu, Xuân Hương đã thể hiện nỗi lòng khao khát có một tình yêu thật sự, một hạnh phúc vợ chồng đời thường êm ấm, nồng đượm. Hình ảnh những miếng trầu nó không chỉ đẹp mắt, đẹp tâm tình mà còn đẹp cả tấm lòng người trao đi nữa. Miếng trầu của Xuân Hương hình thức không khác gì những miếng trầu bình thường nhưng về ý nghĩa thì lại chất chứa biết bao nhiêu là tâm sự, là nỗi lòng của người con gái. Đó chính là miếng trầu của lòng khao khát hạnh phúc lứa đôi của thi sĩ. 

Câu 24: Nêu suy nghĩ của anh/chị về khát vọng của người phụ nữ được thể hiện trong bài thơ?

Trả lời:

Dưới sự hà khắc của chế độ xã hội phong kiến, người phụ nữ bị kìm kẹp, hạn chế về mọi mặt, họ phải chịu đủ mọi sự bất công, oan trái và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nam giới. Và Hồ Xuân Hương chính là một trong số ít những người phụ nữ giám đứng lên để bày tỏ tiếng lòng của mình, để đòi lại sự tự do đẳng quyền cho phụ nữ. Khát khao đó của bà là nỗi khác khao mãnh liệt về tình yêu, về sự sắt son chung thủy và hạnh phúc. Nhưng chính xã hội phong kiến với những luật lệ hà khắc khiến cho những ước mơ hạnh phúc tưởng chừng như có thể kia lại trở nên xa vời với người phụ nữ, họ mong muốn được sống bên người mình yêu, ước mong có được một tình yêu trọn vẹn, thủy chung…nhưng tất cả đều chỉ là vô vọng.

Câu 25:  Anh chị hiểu thế nào về nội dung hai câu thơ:

“Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá bạc như vôi.”

Trả lời:

 “Có duyên nhau thì thắm lại”: Nỗi lòng khát khao yêu thương, mong muốn có người bạn tình “phải duyên”, như miếng trầu kia có người ăn mà “thắm lại”. Đây rõ ràng là tâm sự của một cô gái vừa đến tuổi yêu, một cô gái thanh tân tươi tốt có trái tim nóng bỏng yêu thương và đang khao khát được đáp lại.

“Đừng như xanh lá, bạc như vôi” : Từ đó nàng bộc lộ mong ước tình duyên sẽ trọn vẹn, nàng sẽ gặp được người tâm đầu ý hợp, để nàng không phải lẽ loi, đơn côi, như miếng trầu không có người ăn mà: “xanh như lá, bạc như vôi”.

Câu 26: Em hãy sưu tập những câu thơ, tục ngữ và ca dao nói về thân phận người phụ nữ thời phong kiến.

Trả lời:

- Bảy nổi ba chìm với nước non

                                              Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

(Bánh trôi nước)

- Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

- Thân em như hạt mưa rào,

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.

Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

Câu 27: Phân tích tác phẩm Mời trầu

Trả lời:

Hồ Xuân Hương là nhà thơ nổi tiếng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Ở giai đoạn lịch sử này, chế độ phong kiến suy tàn đã bộc lộ những hạn chế, bất công. Hồ Xuân Hương đã gửi gắm vào thơ những suy tư, trăn trở trước hiện thực của xã hội, trước thân phận bất hạnh của con người, nhất là người phụ nữ. Những tác phẩm thơ Nôm tiêu biểu của bà thời kì này không thể không kể đến bài thơ “Mời trầu”.

Mời trầu cũng như nhiều bài thơ khác của Hồ Xuân Hương thuộc thể tuyệt cú cổ điển. Đấy là một thể Đường luật thi, một thứ văn chương bác học. Nhưng đọc “Mời trầu” không ai có ý nghĩ đây là bài thơ Đường du nhập từ Trung Quốc vào qua những nhà trí thức Hán học. Có một cái gì thật là nôm na dân dã ở lời thơ hết sức bình dị và giọng điệu mộc mạc.

Hình ảnh miếng trầu đã mang đến cho chúng ta những liên tưởng về miếng trầu truyền thống gắn liền với những niềm vui như đám cưới, nó cũng gắn liền với những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam trong sự tích trầu cau. Còn ở đây thì sao?. Miếng trầu ấy thể hiện được nỗi lòng Xuân Hương khao khát có một tình yêu thật sự, một hạnh phúc vợ chồng đời thường êm ấm, nồng đượm.

Trước hết hai câu thơ đầu nhà thơ nói về miếng trầu ấy và chủ nhân làm ra miếng trầu ấy chính là Xuân Hương:

“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương mới quệt rồi”

Miếng trầu ấy có quả cau, có lá trầu. Hai thứ ấy đi liền với nhau để làm nên một miếng trầu. Hình ảnh những miếng trầu têm xanh ngắt cánh phượng mới đẹp làm sao. Quả cau thì nho nhỏ gợi lên cái hình ảnh nhỏ bé của miếng trầu nhưng lại rất đẹp. Sự nhỏ bé ấy hay cũng chính là sự nhỏ bé của thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Miếng trầu hôi không phải là nó có mùi hôi mà do lá trầu cay nên nói như thế. Hình ảnh miếng trầu có ngàn năm tuổi như thể hiện cho nguyện ước khát khao lứa đôi của bà chúa thơ Nôm. Người sở hữu miếng trầu ấy chính là nhà thơ. Từ “này” thể hiện được tiếng mời, tiếng xưng danh của Xuân Hương. Miếng trầu ấy mới quệt xong, nó vẫn còn tươi xanh, ngọt bùi lắm. Miếng trầu của Xuân Hương không khác gì miếng trầu bình thường khác về hình thức nhưng miếng trầu ấy chất chứa biết bao nhiêu là tâm sự là nỗi lòng của người con gái kia. Đó chính là miếng trầu của lòng khao khát hạnh phúc lứa đôi của thi sĩ.

Thế nhưng, sau tấm chân tình gần như bình thản ấy là một giọng nói nhẹ nhàng chất chứa bao cảm xúc, bao nỗi niềm.

“Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá, bạc như vôi”.

Hồ Xuân Hương đưa ra một câu hỏi vừa đưa ra một yêu cầu. “Có phải duyên nhau thì thắm lại”. Từ “thắm” sử dụng rất đắt. “Duyên” theo quan niệm dân gian là sự ràng buộc lẫn nhau từ kiếp trước đến kiếp này, Hồ Xuân Hương muốn nói đến cái duyên ấy. Hai câu thơ đầu nói về chuyện ăn trầu, hai câu cuối chuyển sang chuyện duyên số, chuyện con người vậy mà ý thơ vẫn liền mạch, không gò bó chứng tỏ tài dùng ẩn dụ của nhà thơ đến mức tuyệt vời. Nhà thơ còn vận dụng thành ngữ, tục ngữ trong câu kết làm cho ý thơ thật đặc sắc.

Bài thơ không chỉ đơn giản nói về duyên trầu mà Hồ Xuân Hương đã nói đến duyên phận của con người, của người phụ nữ thời phong kiến. Cái duyên ấy bấp bênh bạc bẽo như vôi. Như trong một số bài khác bà có nhắc nhiều đến duyên phận của người phụ nữ ‘thân em vừa trắng lại vừa tròn – bảy nổi ba chìm với nước non” (Bánh trôi nước). Qua đó gợi lòng thương cảm tới những con người có niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi, một tình yêu son sắt thủy chung.

Với ngôn từ giản dị, giàu ý nghĩa, bài thơ “Mời trầu” như bao quát chuyện tình duyên lận đận của tác giả. Bà luôn khao khát sống với hạnh phúc lứa đôi. Đó là một tình cảm thật sự chứ không phải là thứ tình cảm vợ lẽ, chính vì thế mà ta cảm thấy yêu quý hơn người phụ nữ tài ba ấy.

Câu 28:  Phân tích tác phẩm Xa ngắm thác núi Lư

Trả lời:

Bài thơ có tựa đề Xa ngắm thác núi Lư (Vọng Lư sơn bộc bố) nhưng câu thơ mở đầu lại không hề nói đến ngọn thác ấy, mà miêu tả làn khói tía (tử yên) đang tỏa lên từ ngọn núi Hương Lô. Làn khói tía được “sinh” ra từ sự “giao duyên” giữa mặt trời và ngọn núi: “Nhật chiếu Hương Lô”. Nhờ sự giao duyên ấy mà không gian ở đây bỗng trở nên thi vị và thật hữu tình...

Nhưng cho dù đã đắm mình trong không gian ấy, chúng ta vẫn không quên rằng nhà thơ đang miêu tả ngọn thác núi Lư. Vậy câu mở đầu có phải lạc chủ đề không?

Ai cũng biết thơ Đường, trừ thơ trường thiên, thường có khuôn khổ gò bó, có những quy tắc rất nghiêm ngặt về số câu, số chữ... Bởi thế, để đạt được ý đồ nghệ thuật của mình, nhà thơ luôn phải chọn lựa những chữ rất “đắt” và hàm súc; phải dùng những thủ pháp nghệ thuật như gợi, ước lệ, tượng trưng... Bài thơ của Lí Bạch mà chúng ta đang nói là một bài tứ tuyệt thất ngôn; lại là một bài hay của thơ Đường, thì chắc chắn mỗi câu, mỗi chữ của ông đều có một giá trị nghệ thuật nhất định.

Quả vậy, đọc lại câu thơ ta không chỉ thấy một không gian thi vị, hữu tình mà còn cảm nhận tầm vóc vũ trụ của ngọn Hương Lô kia. Dưới mặt trời đang tỏa nắng là một ngọn núi tựa như một bình hương khổng lồ đang nghi ngút tỏa những làn khói tía vào vũ trụ. Hương Lô là một ngọn núi của dãy Lư Sơn, nơi ngọn thác đang đổ xuống. Vậy thì ở câu thơ này, Lí Bạch không chỉ tả, mà điều cốt yếu là ông muốn gợi mở tầm cao vũ trụ của ngọn thác.

Nếu như câu một là gợi thì câu hai lại tả, nhưng tả thông qua sự cảm nhận mang đậm dấu ấn chủ quan của nhà thơ: Đứng từ xa mà nhìn lại thì ngọn thác như treo (quải) trên dòng sông phía trước. Động từ “quải” (treo) gợi trí tưởng tượng của người đọc về thế dựng đứng của ngọn thác, tô đậm cảm giác về sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Và chính ý đó đã tạo đà cho câu thơ thứ ba: Phi lưu trực há tam thiên xích.

Đến đây bức tranh ngọn thác núi Lư được hiện lên với những đường nét rõ ràng nhất. Những động từ “phi” (bay), “trực” (thẳng) có sức biểu hiện mạnh mẽ, mang lại một ấn tượng mạnh về tốc độ và sức lực của dòng chảy đang đổ xuống từ độ cao ba nghìn thước. Như vậy, sự kì vĩ, tầm vóc vũ trụ của ngọn thác mới chỉ được gợi và gợi tả ở câu một và câu hai, thì đến câu ba nó được thể hiện một cách cụ thể: Chẳng những kì vĩ mà còn mang trong mình nó một sức mạnh vô biên, sức mạnh không gì cản được.

Dường như nét bút tả ngọn thác đã đến đỉnh điểm của nó. Và chính điều ấy khiến người đọc phải sững sờ bởi hình ảnh ngọn thác:

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.

(Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây)

Dải Ngân Hà - một dải màu sáng nhạt với những vì tinh tú nhấp nháy, vắt ngang bầu trời những đêm mùa hạ, không phải là một dòng sông thực, mà chỉ là một dòng sông trong tưởng tượng. Nói cách khác, dòng Ngân Hà chỉ là một hình ảnh tưởng tượng, có tính trừu tượng. Việc nhà thơ mang một cái trừu tượng để so sánh với cái cụ thể đã làm cho cái cụ thể trừu tượng hơn.

Nhưng nhờ đó mà hình ảnh thơ (ngọn thác) trở nên huyền ảo và mang một nét đẹp diệu kì. Trước vẻ đẹp ấy, người đọc bị chông chênh giữa hai chiều nhận thức: Thực - ảo; tiên giới - trần gian;... Điều đó không có gì lạ, mà nó chỉ khẳng định thêm cái cảm nhận về sự giao duyên, gặp gỡ giữa trời và đất mà chúng ta đã nói đến ở câu một mà thôi.

Thơ với người là một. Nét bút bay bổng, mạnh mẽ của Lí Bạch ở đây cũng chính là tâm hồn của nhà thơ. Một tầm vóc kì vĩ, một sức mạnh hào hùng và vẻ đẹp nên thơ cũng chính là những khao khát, ước vọng mà nhà thơ Lí Bạch vẫn thường vươn tới.

Câu 29: Tìm biện pháp tu từ so sánh trong bài thơ “Cảnh khuya”. Nêu tác dụng miêu tả và biểu cảm của biện pháp tu từ đó.

Trả lời:

Biện pháp tu từ so sánh trong bài thơ: "Tiếng suối trong như tiếng hát xa,", so sánh âm thanh của tiếng suối với âm thanh của tiếng hát - tương đồng về đặc điểm âm thanh: hay, thánh thót và văng vẳng mơ hồ từ phía xa vọng lại.

Tác dụng: Cách so sánh này khiến cho âm thanh tiếng suối trở nên có âm điệu hơn và tình cảm hơn. Tiếp đến là câu thơ “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” gợi cho tôi hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất là ánh trăng chiếu xuống mặt đất xuyên qua từng tán cây, chiếu xuống cả những bông hoa rừng. Không gian thiên nhiên ngập tràn ánh trăng. Cách hiểu thứ hai là ánh trăng sáng chiếu xuống mặt đất xuyên qua từng tán cây cổ thụ, khi phản chiếu xuống mặt đất tạo ra hình thù như những bông hoa. Dù hiểu theo cách nào thì cũng diễn tả được vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên núi rừng Việt Bắc. Bức tranh núi rừng Việt Bắc hiện lên dưới con mắt của một thi sĩ quả thật là vô giá.

Câu 30: Bài Mời trầu thể hiện tâm trạng của tác giả với nhiều cung bậc cảm xúc. Theo em, đó là những cảm xúc gì? Hãy làm sáng tỏ điều đó.

Trả lời:

Bài thơ Mời trầu là những tâm sự, những điều mà Xuân Hương trăn trở về cuộc đời của mình. Chuyện tình duyên và nỗi lòng người phụ nữ tài ba ấy được khắc hoạ rất rõ. Bài thơ Mời trầu chỉ có bốn câu thơ thôi nhưng lại chứa đựng biết bao nhiêu là tâm sự tâm tình của người phụ nữ mà cụ thể là Hồ Xuân Hương.

Qua hình ảnh miếng trầu, Xuân Hương đã thể hiện nỗi lòng khao khát có một tình yêu thật sự, một hạnh phúc vợ chồng đời thường êm ấm, nồng đượm. Hình ảnh những miếng trầu nó không chỉ đẹp mắt, đẹp tâm tình mà còn đẹp cả tấm lòng người trao đi nữa. Miếng trầu của Xuân Hương hình thức không khác gì những miếng trầu bình thường nhưng về ý nghĩa thì lại chất chứa biết bao nhiêu là tâm sự, là nỗi lòng của người con gái. Đó chính là miếng trầu của lòng khao khát hạnh phúc lứa đôi của thi sĩ. 

Hai câu thơ cuối là những trăn trở của thi sĩ về cuộc tình. Thi sĩ nói đừng xanh như lá bạc như vôi. Lá cây bao giờ chẳng xanh, không xanh thì đâu còn là lá cây nữa, vôi thì màu trắng bạc rồi. Có thể nói ở đây nhà thơ đã sử dụng biện pháp so sánh kết hợp với lối nói cái tự nhiên vốn có để chỉ cái mong muốn trong tình yêu của con người. Lá xanh thì tốt, vôi trắng bạc là đương nhiên nhưng con người mang những trạng thái đó thì không tốt. Bởi vì cái xanh cái bạc kia là để chỉ sự xanh rờn, sự bạc bẽo của con người với nhau. Chính vì thế Xuân Hương mượn ngay hình ảnh của lá trầu, vôi trắng mà gửi thầm cái nguyện ước nhắn nhủ của bản thân mình.

=> Qua bài thơ có thể thấy được Xuân Hương là một người mạnh mẽ, bà có tiếng nói riêng đại diện cho những người phụ nữ. Bài thơ Mời trầu đã thể hiện rõ những nỗi lòng của bà chúa thơ Nôm. 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay