Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo Bài 6 văn bản 2: Qua Đèo Ngang
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 6 văn bản 2: Qua Đèo Ngang. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo
Xem: => Giáo án ngữ văn 8 chân trời sáng tạo
BÀI 6: TÌNH YÊU TỔ QUỐC
VĂN BẢN 2: QUA ĐÈO NGANG
(13 câu)
1. NHẬN BIẾT (3 câu)
Câu 1: Hãy trình bày hiểu biết của em về tác giả, tác phẩm.
Trả lời:
- Tác giả: Bà Huyện Thanh Quan
+ Tên thật là Nguyễn Thị Hinh (chưa rõ năm sinh, năm mất), sống vào thế kỉ XIX, quê ở làng Nghi Tàm, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội.
+ Chồng bà làm tri huyện Thanh Quan, tỉnh Thái Bình, do đó bà có tên gọi là Bà Huyện Thanh Quan.
+ Bà là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có trong thời đại ngày xưa, hiện còn để lại sáu bài thơ luật Đường , trong đó có bài “Qua Đèo Ngang”.
- Tác phẩm:
+ Hoàn cảnh ra đời: Bài thơ được sáng tác khi bà trên đường từ Bắc Hà vào Huế nhận chức “Cung Trung giáo tập”.
+ Xuất xứ: In trong “Hợp tuyển thơ văn Việt Nam”, tập ba, NXB Văn hóa, 1963).
+ PTBĐ chính: Biểu cảm
+ Thể thơ: Thất ngôn bát cú luật Đường.
+ Giá trị nội dung:
Bài thơ cho thấy cảnh Đèo Ngang bao la thoáng đãng mà vắng vẻ heo hút, tuy có thấp thoáng dáng vẻ con người nhưng còn hoang sơ. Đồng thời thể hiện nỗi nhớ nước, thương nhà và nỗi cô đơn thầm lặng của tác giả.
+ Giá trị nghệ thuật:
*Thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường cô đọng cảm xúc.
*Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.
*Sử dụng từ láy gợi hình gợi cảm, từ đồng âm, nghệ thuật đối, đảo, điệp,…
Câu 2: Xác định cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
Trả lời:
- Cảm hứng chủ đạo: Xuyên suốt bài thơ là cảnh Đèo Ngang thoáng đãng nhưng heo hút, tuy có bóng dáng con người nhưng vô cùng ít ỏi. Ẩn sâu trong đó là tâm trạng cô đơn, nỗi buồn hoài cổ của nhà thơ khi đứng trước cảnh Đèo Ngang. Bài thơ chứa chan cảm xúc của tác giả, là một bài thơ hay cho thấy sự yêu mến non sông, đất nước của nữ thi sĩ.
Câu 3: Xác định bố cục của bài thơ.
Trả lời:
- Gợi ý: có 2 cách
+ Theo thể thơ, bố cục gồm 4 phần:
Đề – hai câu đầu: Cái nhìn chung về cảnh vật Đèo Ngang.
Thực – hai câu tiếp: Cuộc sống của con người ở Đèo Ngang.
Luận – hai câu tiếp: Tâm trạng của tác giả.
Kết – hai câu cuối: Nỗi cô đơn đến tột cùng của tác giả.
+ Theo nội dung, bố cục gồm 2 phần:
Bốn câu đầu: Miêu tả bức tranh thiên nhiên và cuộc sống của con người nơi Đèo Ngang.
Bốn câu sau: Tâm trạng hoài cổ, nỗi nhớ nước, thương nhà da diết, nỗi buồn thầm lặng cô đơn của nhà thơ.
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Cho biết cơ sở để em xác định thể thơ của bài “Qua Đèo Ngang”.
Trả lời:
- Cơ sở để em xác định bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú luật Đường:
+ Bài thơ có 8 câu, mỗi câu 7 chữ.
+ Câu 1,2, 4, 6, 8 có sự hiệp vần, là vần “a”.
Câu 2: Hãy cho biết bài thơ được làm theo luật bằng hay luật trắc và đã tuân thủ quy định về luật, niêm, vần, đối của một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường như thế nào?
Trả lời:
- Bài thơ được làm theo luật trắc (tiếng thứ 2 của câu một là tiếng thanh trắc).
- Bài thơ đã tuân thủ quy định về luật, niêm, vần, đối của một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường:
+ Bài thơ có 8 câu, mỗi câu 7 chữ.
+ Áp dụng đúng quy luật “nhất – tam – ngũ bất luận, nhị – tứ – lục phân minh”, tiếng thứ 2, 4, 6 trong các câu được phân chia như sau:
Câu 1: T – B – T
Câu 2: B – T – B
Câu 3: B – T – B
Câu 4: T – B – T
Câu 5: T – B – T
Câu 6: B – T – B
Câu 7: B – T – B
Câu 8: T – B – T
- Niêm: Câu 1 niêm với câu 8 (tiếng thứ 2 cùng là trắc), câu 2 niêm với câu 3 (tiếng thứ 2 cùng là bằng), câu 4 niêm với câu 5 (tiếng thứ 2 cùng là trắc), câu 6 niêm với câu 7 (tiếng thứ 2 cùng là bằng).
- Vần: Sử dụng vần chân, hiệp vần “ư” ở cuối câu 1, 2, 4.
- Đối (Đối xứng): Câu 3 – câu 4, câu 5 – câu 6.
Câu 3: Em hình dung như thế nào về cảnh Đèo Ngang trong bốn câu thơ đầu?
Trả lời:
Cảnh Đèo Ngang trong bốn câu thơ đầu được nhà thơ miêu tả vào khoảng thời gian “xế tà” với khung cảnh thiên nhiên núi đèo bát ngát, hoang sơ, kèm theo đó là sự tiêu điều, lác đác của bóng dáng con người.
Câu 4: Trong các cặp câu 3 – 4 và 5 – 6, tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của chúng.
Trả lời:
- Trong cặp câu 3 - 4 và 5 - 6, tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ là đảo ngữ và chơi chữ.
+ Đảo ngữ:
*Đảo vị ngữ “Lom khom dưới núi” lên trước chủ ngữ “Tiều vài chú”.
*Đảo vị ngữ “Lác đác bên sông” lên trước chủ ngữ “Chợ mấy nhà”.
*Đảo vị ngữ “Nhớ nước đau lòng” lên trước chủ ngữ “Con quốc quốc”.
*Đảo vị ngữ “Thương nhà mỏi miệng” lên trước chủ ngữ “Cái gia gia”.
*Đảo thứ tự trong cụm từ: “Tiều vài chú” -> “Vài chú tiều”, “Chợ mấy nhà” -> “Mấy nhà chợ”.
+ Chơi chữ: Đồng âm (con quốc quốc – con cuốc cuốc, cái gia gia – cái da da).
- Tác dụng:
+ Nhấn mạnh sự ít ỏi, vắng vẻ của con người chốn Đèo Ngang.
+ Thể hiện sự cô đơn, nỗi nhớ nước thương nhà da diết của tác giả.
Câu 5: Cách ngắt nhịp của câu thơ thứ bảy có gì đặc biệt? Cách ngắt nhịp đó giúp em hình dung như thế nào về tâm trạng của tác giả?
Trả lời:
- Cách ngắt nhịp câu thơ thứ 7 khác với các câu thơ khác 4/3 hoặc 3/4 vì câu thơ ngắt nhịp 4/1/2 hoặc 4/1/1/1.
- Cách ngắt nhịp này nhấn mạnh sự cô đơn lẻ loi, nỗi buồn thấm thía của nhà thơ trước khung cảnh bao la, heo hút nơi Đèo Ngang, chỉ có nhà thơ với mây nước nơi đây.
3. VẬN DỤNG (3 câu)
Câu 1: Cảnh Đèo Ngang được gợi tả như thế nào trong bốn câu thơ đầu?
Cảnh đó góp phần thể hiện tâm trạng gì của tác giả?
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 – 12 câu) trình bày suy nghĩ của em về hai câu hỏi trên.
Trả lời:
Em hãy chú ý đến những điểm sau:
- Nội dung cần làm rõ: Khung cảnh nơi Đèo Ngang và tâm trạng của tác giả qua cảnh vật đó.
- Phạm vị phân tích: Bốn câu đầu của bài thơ.
- Dung lượng: Khoảng 10 – 12 câu.
- Khi phân tích cần lưu ý:
+ Khung cảnh nơi Đèo Ngang:
Thời điểm: “xế tà” – chiều tàn.
Không gian: “cỏ cây chen đá, lá chen hoa” – hoang sơ, bao la, rộng lớn.
Con người: “tiều vài chú”, “chợ mấy nhà” – ít ỏi, lẻ loi.
=> Khung cảnh thiên nhiên hoang vắng, rộng lớn của Đèo Ngang đối lập với sự nhỏ bé, ít ỏi của con người nơi đây được thể hiện bằng những hình ảnh ước lệ mang tính biểu tượng (cỏ cây, đá, lá, hoa), từ láy đặc sắc (lom khom, lác đác), điệp từ (chen), nghệ thuật đảo ngữ và đối xứng (thể hiện rất rõ trong câu 3 – 4).
+ Tâm trạng của tác giả: Cảnh vật đó góp phần làm nổi bật tâm trạng cô đơn, rợn ngợp của tác giả trước thiên nhiên bao la. Đây chính là thủ pháp “tả cảnh ngụ tình” tiêu biểu của thơ luật Đường.
Câu 2: Viết đoạn văn (khoảng ½ trang giấy) trình bày cảm nhận của em về bốn câu thơ cuối trong bài “Qua Đèo Ngang”.
Trả lời:
Em hãy chú ý đến những điểm sau:
- Nội dung cần làm rõ: Bốn câu thơ cuối thể hiện tâm trạng hoài cổ, nỗi nhớ nước, thương nhà da diết; nỗi buồn thầm lặng cô đơn, lẻ loi của nhà thơ trước khung cảnh thiên nhiên mênh mông, hoang vắng.
- Phạm vi phân tích: Bốn thơ cuối của bài thơ.
- Dung lượng: Khoảng ½ trang giấy.
- Khi phân tích cần lưu ý:
+ Nội dung:
Nỗi nhớ nước, thương nhà da diết của tác giả.
Nỗi buồn thầm lặng, cô đơn, lẻ loi – “một mảnh tình riêng” của tác giả trước khung cảnh “trời, non, nước”.
+ Nghệ thuật:
*Đảo ngữ:
Đảo vị ngữ “Nhớ nước đau lòng” lên trước chủ ngữ “Con quốc quốc”.
Đảo vị ngữ “Thương nhà mỏi miệng” lên trước chủ ngữ “Cái gia gia”.
*Chơi chữ: Đồng âm (con quốc quốc – con cuốc cuốc, cái gia gia – cái da da).
Tác dụng: Nhấn mạnh nỗi nhớ nước thương nhà da diết của tác giả.
*Điệp từ “ta”: “ta với ta” – tuy hai từ “ta” nhưng chỉ một mình tác giả -> cô đơn, lạc lõng.
*Cách ngắt nhịp: câu thơ cuối khác với các câu thơ trên, không ngắt theo nhịp 4/3 hoặc 3/4 mà ngắt nhịp 4/1/2 hoặc 4/1/1/1. Cách ngắt nhịp này nhấn mạnh sự cô đơn lẻ loi, nỗi buồn thấm thía của nhà thơ trước khung cảnh bao la, heo hút nơi Đèo Ngang, chỉ có nhà thơ với mây nước nơi đây.
Câu 3: Em hiểu thế nào về nội dung của câu thơ cuối? Nhận xét giá trị nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ (trình bày bằng một đoạn văn ngắn khoảng 10 dòng).
Trả lời:
Em hãy chú ý đến những điểm sau:
- Nội dung cần làm rõ: Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật.
- Phạm vi phân tích: Câu thơ cuối của bài thơ.
- Dung lượng: Khoảng 10 dòng.
- Khi phân tích cần lưu ý:
+ Giá trị nội dung:
Trong bài “Qua Đèo Ngang”, câu thơ cuối đã nhấn mạnh nỗi cô đơn sâu sắc đến tột cùng của tác giả, một “mảnh tình riêng” giữa cảnh trời cao đất rộng, trước thiên nhiên hoang vu, vắng vẻ. Một mình nhà thơ phải đối diện với khung cảnh rợn ngợp. Câu thơ biểu lộ sâu sắc và thấm thía sự cô đơn của tác giả trước khung cảnh thiên nhiên trời đất mênh mông, hoang vắng nơi xa xứ.
+ Giá trị nghệ thuật:
*Điệp từ “ta”: “ta với ta” – tuy hai từ “ta” nhưng chỉ một mình tác giả -> cô đơn, lạc lõng.
*Cách ngắt nhịp: câu thơ cuối khác với các câu thơ trên, không ngắt theo nhịp 4/3 hoặc 3/4 mà ngắt nhịp 4/1/2 hoặc 4/1/1/1. Cách ngắt nhịp này nhấn mạnh sự cô đơn lẻ loi, nỗi buồn thấm thía của nhà thơ trước khung cảnh bao la, heo hút nơi Đèo Ngang, chỉ có nhà thơ với mây nước nơi đây.
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Trong kho tàng thơ ca Việt Nam, có rất nhiều bài thơ “mượn cảnh tả tình” như “Qua Đèo Ngang”, em hãy kể tên một số bài thơ mà em biết (ngữ liệu có thể lấy trong sách hoặc ngoài SGK).
Trả lời:
Gợi ý:
- Ngắm trăng (Hồ Chí Minh)
Phiên âm
Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.
Dịch thơ
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ!
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
- Kiểu ở lầu Ngưng Bích (Nguyễn Du) (rõ nhất trong 6 câu thơ đầu và 8 câu thơ cuối)
Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
….
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Câu 2: Trong bài thơ “Qua Đèo Ngang” có nhắc đến cụm từ “ta với ta”. Cụm từ này cũng được xuất hiện trong bài “Bạn đến chơi nhà” (Nguyễn Khuyến). Em hãy so sánh giá trị biểu đạt của cụm từ đó trong hai bài thơ.
Trả lời:
Gợi ý:
- Câu thơ chứa cụm từ “ta với ta” của hai bài là:
Một mảnh tình riêng, ta với ta (Qua Đèo Ngang)
Bác đến chơi đây, ta với ta (Bạn đến chơi nhà)
- So sánh:
+ Giống:
*Vị trí: Đều xuất hiện ở câu thơ cuối và cả hai bài thơ kết thúc bằng cụm từ “ta với ta”.
*Tác dụng: Đều thể hiện trực tiếp cảm xúc, tâm trạng của chủ thể trữ tình.
+ Khác:
*Trong bài “Qua Đèo Ngang”, “ta” xuất hiện hai lần trong cụm “ta với ta” để chỉ tác giả (Bà Huyện Thanh Quan), một mình tác giả đối diện với chính mình.
=> Biểu lộ sâu sắc tâm trạng cô đơn, nỗi buồn thấm thía khi chỉ có một mình tác giả đứng trước khung cảnh thiên nhiên đất trời mênh mông, hoang sơ; đồng thời còn thể hiện sự nhỏ bé, thưa thớt, ít ỏi của con người chốn Đèo Ngang heo hút.
*Trong bài “Bạn đến chơi nhà”, “ta” xuất hiện hai lần trong cụm “ta với ta” để chỉ tác giả (Nguyễn Khuyến) với khách (bạn), hai cá thể riêng biệt nhưng có mối quan hệ gắn bó hòa hợp, sự đồng nhất trọn vẹn.
=> Tôi với bác là chúng ta với nhau, thể hiện một tình bạn gắn bó keo sơn, đồng thời kín đáo bộc lộ niềm tự hào về tình bạn ấy. “Ta với ta” trong thơ của Nguyễn Khuyến là sự gặp gỡ giao lưu của một đôi bạn tri âm tri kỉ, là mối quan hệ ấm áp, đồng cảm giữa hai trái tim, hai con người.
- Kết luận:
*Nếu “ta với ta” trong “Qua Đèo Ngang” chỉ một cá nhân thì trong “Bạn đến chơi nhà” là hai cá thể riêng biệt.
*Nếu “ta với ta” trong “Qua Đèo Ngang” mang lại cảm giác cô đơn, nỗi buồn trước cảnh tượng thiên nhiên đất trời và sự heo hút của con người thì “Bạn đến chơi nhà” lại mang đến cảm giác ấm áp vì có sự kết nối của con người, đó là mối quan hệ gắn bó keo sơn, đồng nhất trọn vẹn giữa hai người bạn tri âm tri kỷ.
=> Giáo án Ngữ văn 8 chân trời Bài 6 Đọc 2: Qua Đèo Ngang