Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 chân trời sáng tạo Ôn tập Bài 6: Tình yêu tổ quốc (Thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt luật đường) (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 6: Tình yêu tổ quốc (Thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt luật đường) (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP BÀI 6. TÌNH YÊU TỔ QUỐC (PHẦN 2)

Câu 1: Hãy trình bày hiểu biết của em về tác giả, tác phẩm “Nam quốc sơn hà”

Trả lời:

- Tác giả: Cho đến nay, vẫn chưa xác định được chính xác ai là tác giả bài thơ này.

- Tác phẩm:

+ Hoàn cảnh ra đời:

Sử cũ chép rằng: năm 1077, quân Tống xâm lược nước ta, vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt (1019 – 1105), một trong những danh tướng xuất sắc nhất thời Lý, đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt (một khúc của sông Cầu, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Bỗng một đêm, quân sĩ chợt nghe tiếng ngâm bài thơ này trong đền thờ Trương Hồng và Trương Hát (hai vị tướng giỏi thời Triệu Quang Phục).

+ Xuất xứ: In trong “Tổng hợp văn học Việt Nam”, tập một, Ngô Linh Ngọc dịch, NXB Khoa học Xã hội, 1980).

+ PTBĐ chính: Biểu cảm

+ Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt luật Đường.

+ Giá trị nội dung:

*Là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.

*Khẳng định chủ quyền đất nước.

*Sự khẳng định tuyệt đối cùng quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền trước những kẻ xâm lăng, cảnh báo bất cứ kẻ nào dám xâm phạm vào bờ cõi nước Nam đều phải chuốc lấy bại vong.

+ Giá trị nghệ thuật:

*Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt súc tích, cô đọng.

*Lời thơ đanh thép, giọng điệu hào hùng, dõng dạc.

*Cảm xúc dồn nén trong từng câu chữ.

Câu 2: Nêu chủ đề và cảm hứng chủ đạo của bài thơ “Nam quốc sơn hà”

Trả lời:

- Chủ đề: Tình yêu nước và lòng tự hào về độc lập chủ quyền lãnh thổ dân tộc.

- Cảm hứng chủ đạo: Xuyên suốt bài thơ là tiếng nói yêu nước, khẳng định độc lập chủ quyền và tinh thần quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của quốc giả, dân tộc. Ẩn sâu trong dòng cảm xúc đó là niềm tự hào dân tộc, ý chí và sức mạnh Việt Nam. Nam quốc sơn hà là khúc “thần ca” chống xâm lăng, biểu lộ khí phách, ý chí tự lực tự cường của đất nước và con người Việt Nam.

Câu 3: Trình bày đặc điểm và tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ.

Trả lời:

- Đặc điểm: Là biện pháp tu từ thay đổi vị trí thành phần trong cụm từ, trong câu.

- Tác dụng: Nhấn mạnh ý nghĩa, làm cho sự diễn đạt thêm sinh động, gợi cảm và giàu âm hưởng.

Câu 4: Em hãy cho biết đặc điểm của câu hỏi tu từ và tác dụng của nó.

Trả lời:

- Đặc điểm: Là câu hỏi nhưng không nhằm mục đích tìm kiếm câu trả lời.

- Tác dụng: Được sử dụng để nhấn mạnh nội dung người nói, người viết muốn gửi gắm.

Câu 5: Xác định cảm hứng chủ đạo của bài thơ “Qua đèo Ngang”

Trả lời:

- Cảm hứng chủ đạo: Xuyên suốt bài thơ là cảnh Đèo Ngang thoáng đãng nhưng heo hút, tuy có bóng dáng con người nhưng vô cùng ít ỏi. Ẩn sâu trong đó là tâm trạng cô đơn, nỗi buồn hoài cổ của nhà thơ khi đứng trước cảnh Đèo Ngang. Bài thơ chứa chan cảm xúc của tác giả, là một bài thơ hay cho thấy sự yêu mến non sông, đất nước của nữ thi sĩ.

 

Câu 6: Xác định bố cục của bài thơ “Qua Đèo Ngang”

Trả lời:

- Gợi ý: có 2 cách

+ Theo thể thơ, bố cục gồm 4 phần:

Đề  – hai câu đầu:  Cái nhìn chung về cảnh vật Đèo Ngang.

Thực – hai câu tiếp: Cuộc sống của con người ở Đèo Ngang.

Luận – hai câu tiếp: Tâm trạng của tác giả.

Kết – hai câu cuối: Nỗi cô đơn đến tột cùng của tác giả.

+ Theo nội dung, bố cục gồm 2 phần:

Bốn câu đầu: Miêu tả bức tranh thiên nhiên và cuộc sống của con người nơi Đèo Ngang.

Bốn câu sau: Tâm trạng hoài cổ, nỗi nhớ nước, thương nhà da diết, nỗi buồn thầm lặng cô đơn của nhà thơ.

Câu 7: Xác định bố cục, vần, luật, niêm, nhịp của bài thơ “Chạy giặc”

Trả lời:

Bố cục: 2 phần

- Phần 1 (Sáu câu đầu): Cảnh đất nước và nhân dân khi thực dân Pháp đến xâm lược.

- Phần 2 (Hai câu cuối): Tâm trạng, thái độ của tác giả.

Câu 8: Bài thơ “Sông núi nước Nam” ra đời trong cuộc kháng chiến nào?

Trả lời:

Bài thơ ra đời trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược của nhà Lí.

Câu 9: Trong câu 1 bài “Sông núi nước Nam”, tại sao tác giả không sử dụng “Nam nhân cư” (người Nam ở) mà lại dùng “Nam đế cư” (vua Nam ở)?

Trả lời:

- Tác giả khẳng định nước Nam là của người Nam. Đó là điều đã được ghi tại “thiên thư” (sách trời).

- Tác giả viện đến thiên thư vì ngày xưa người ta vẫn còn coi trời là đấng tối cao

- Người Trung Quốc cổ đại tự coi mình là trung tâm của vũ trụ nên vua của họ được gọi là “đế”, các nước chư hầu nhỏ hơn bị họ coi là “vương” (vua của những vùng đất nhỏ). Trong bài thơ này, tác giả đã cố ý dùng từ “Nam đế” (vua nước Nam) để hàm ý sánh ngang với “đế” của nước Trung Hoa rộng lớn.

- Như vậy, tác giả nói "Nam đế cư" để hàm ý rằng nước ta có chủ quyền lãnh thổ, là một quốc gia độc lập.

Câu 10: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” (tác giả, thể loại, hoàn cảnh ra đời, nội dung,…)

Trả lời:

- Tên bài do người biên soạn sách đặt.

- Tác giả: Hồ Chí Minh

- Thể loại: văn nghị luận

- Văn bản được trích trong Báo cáo Chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Đại hội lần thứ II, tháng 02/1951 của Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi từ năm 1951 đến năm 1976 của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay).

- Nội dung: Bằng những dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài văn đã làm sáng tỏ một chân lí: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.

Câu 11: Bài văn này nghị luận về vấn đề gì? Em hãy tìm (ở phần mở đầu) câu chốt thâu tóm nội dung vấn đề nghị luận trong bài.

Trả lời:

- Bài văn này nghị luận về vấn đề tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

- Câu văn thâu tóm nội dung nghị luận trong bài: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.

Câu 12: Tìm bố cục bài văn và lập dàn ý theo trình tự lập luận trong bài.

Trả lời:

Dàn ý của bài:

- Mở bài (từ "Dân ta" đến "lũ cướp nước") nêu vấn đề nghị luận: Tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu của nhân dân ta, đó là một sức mạnh to lớn trong các cuộc chiến đấu chống xâm lược.

- Thân bài (từ "Lịch sử ta" đến "lòng nồng nàn yêu nước"): Chứng minh tinh thần yêu nước trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc và trong cuộc kháng chiến hiện tại.

- Kết bài (từ "Tinh thần yêu nước cũng như" đến hết): Nhiệm vụ của Đảng là phải làm cho tinh thần yêu nước của nhân dân được phát huy mạnh mẽ trong mọi công việc kháng chiến.

Câu 13: Để chứng minh cho nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng nào và sắp xếp theo trình tự như thế nào?

Trả lời:

Để chứng minh cho nhận định này tác giả đã đưa ra những chứng cứ biểu hiện tinh thần yêu nước trong các cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc trong lịch sử và hiện tại. Trọng tâm của việc chứng minh tinh thần yêu nước là những biểu hiện về cuộc kháng chiến lúc đó. Do đó ở phần nội dung, tác giả đã nêu dẫn chứng cụ thể về những việc làm, hành động của mọi giới, mọi tầng lớp trong nhân dân. Đồng thời, tác giả cũng đi từ nhận xét bao quát đến những dẫn chứng cụ thể.

Câu 14: Câu hỏi dưới đây có phải là câu hỏi tu từ không? Dựa vào đâu em khẳng định như vậy?

Có ai, một buổi sáng mùa thu, ngồi nhìn ra đường phố, thấy những cô gái làng Vòng gánh cốm đi bán mà không nghe thấy lòng rộn rã yêu đương?

(Vũ Bằng, Cốm Vòng)

Trả lời:

Theo em, câu hỏi trên là câu hỏi tu từ, dựa vào:

- Hình thức: “Có ai” – từ để hỏi và có dấu chấm hỏi ở cuối câu.

- Tuy là câu hỏi nhưng không nhằm mục đích tìm kiếm câu trả lời mà nhằm khẳng định tình cảm của tác giả dành cho những cô gái làng Vòng gánh cốm đi bán nói riêng và cốm làng Vòng – thức quà dân dã của mùa thu Hà Nội nói chung. Đó là một thứ tình cảm yêu mến, trân trọng.

Câu 15: Em hiểu thế nào là “thiên thư”?

Trả lời:

+ Thiên: trời

+ Thư: sách

=> Thiên thư: sách trời

=> Trong bài thơ “Nam quốc sơn hà”, “Thiên thư” được hiểu thâm sâu hơn, ý nói đến các ngôi sao trên bầu trời, ứng với cương vực của một nước, là điều được công nhận từ ngàn xưa và được xem là “ý trời”.

Câu 16: Hãy cho biết bài thơ được làm theo luật bằng hay luật trắc và đã tuân thủ quy định về luật, niêm, vần, đối của một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt luật Đường như thế nào?

Trả lời:

- Bài thơ được làm theo luật trắc (tiếng thứ 2 của câu một là tiếng thanh trắc).

- Bài thơ đã tuân thủ quy định về luật, niêm, vần, đối của một bài thơ thất ngôn tứ tuyết luật Đường:

+ Bài thơ có 4 câu, mỗi câu 7 chữ.

+ Áp dụng đúng quy luật “nhất – tam – ngũ bất luận, nhị – tứ – lục phân minh”, tiếng thứ 2, 4, 6 trong các câu được phân chia như sau:

Câu 1: T – B – T

Câu 2: B – T – B

Câu 3: B – T – B

Câu 4: T – B – T

- Niêm: Câu 1 niêm với câu 4 (tiếng thứ 2 cùng là trắc), câu 2 niêm với câu 3 (tiếng thứ 2 cùng là bằng).

- Vần: Sử dụng vần chân, hiệp vần “ư” ở cuối câu 1, 2, 4.

Câu 17: Em hình dung như thế nào về cảnh Đèo Ngang trong bốn câu thơ đầu?

Trả lời:

Cảnh Đèo Ngang trong bốn câu thơ đầu được nhà thơ miêu tả vào khoảng thời gian “xế tà” với khung cảnh thiên nhiên núi đèo bát ngát, hoang sơ, kèm theo đó là sự tiêu điều, lác đác của bóng dáng con người.

Câu 18: Trong các cặp câu 3 – 4 và 5 – 6 của “Qua Đèo Ngang”, tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của chúng.

Trả lời:

- Trong cặp câu 3 - 4 và 5 - 6, tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ là đảo ngữ và chơi chữ.

+ Đảo ngữ:

*Đảo vị ngữ “Lom khom dưới núi” lên trước chủ ngữ “Tiều vài chú”.

*Đảo vị ngữ “Lác đác bên sông” lên trước chủ ngữ “Chợ mấy nhà”.

*Đảo vị ngữ “Nhớ nước đau lòng” lên trước chủ ngữ “Con quốc quốc”.

*Đảo vị ngữ “Thương nhà mỏi miệng” lên trước chủ ngữ “Cái gia gia”.

*Đảo thứ tự trong cụm từ: “Tiều vài chú” -> “Vài chú tiều”, “Chợ mấy nhà” -> “Mấy nhà chợ”.

+ Chơi chữ: Đồng âm (con quốc quốc – con cuốc cuốc, cái gia gia – cái da da).

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh sự ít ỏi, vắng vẻ của con người chốn Đèo Ngang.

+ Thể hiện sự cô đơn, nỗi nhớ nước thương nhà da diết của tác giả.

Câu 19: Nêu giá trị  nội dung “Chạy giặc”

Trả lời:

Giá trị nội dung

  • Chạy giặc phản ánh hiện thực đau thương của nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời nói lên nỗi đau và lòng căm hận của tác giả trước tội ác của giặc; mong ước có một bậc anh hùng ra tay dẹp loạn.
  • Bài thơ còn thể hiện tình cảm yêu nước tha thiết của nhà thơ. Đó là những giây phút đau thương trước cảnh nước mất nhà tan. Ông đã lên tiếng kêu gọi những người có trách nhiệm đứng lên đánh giặc cứu nước và thức tỉnh lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt.

Câu 20: Nêu giá trị nghệ thuật “Chạy giặc”

Trả lời:

Giá trị nghệ thuật

  • Các biện pháp tu từ: từ láy, phép đối
  • Hình ảnh thơ gợi hình, gợi cảm
  • Ngôn ngữ thơ tinh tế, giàu cảm xúc

Câu 21: Biện pháp tu từ “Đảo ngữ” là gì?

Trả lời:

Đảo ngữ là hiện tượng đảo ngược vị trí động từ, trợ từ lên trước chủ ngữ nhằm mục đích nhấn mạnh, thể hiện cảm xúc của người viết hoặc tạo hình ảnh, đường nét, chiều sâu cho lời văn, ý thơ. Tuy nhiên việc thay đổi trật tự từ này không làm mất đi quan hệ cú pháp vốn có của câu, sự thay đổi này chỉ mang dụng ý nghệ thuật, làm tăng tính gợi hình và truyền cảm cho diễn đạt.

Câu 22: Tìm ví dụ có sử dụng phép đảo ngữ?

Trả lời:

"Chất trong vị ngọt mùi hương 

Lặng thầm thay những con đường ong bay"

 (Nguyễn Đức Mậu)

Câu 23: Trong hai câu văn dưới đây, câu nào có sử dụng biện pháp đảo ngữ? Hãy chỉ rõ tác dụng gợi tả và nhấn mạnh ý của câu văn đảo ngữ

a, Đằng ca, trong mây mờ, bóng những nhịp cầu sắt uốn cong, vắt qua dòng sông lạnh đã hiện ra.

b, Đằng xa trong mây mờ, đã hiện ra bóng những nhịp cầu sắt uốn cong, vắt qua dòng sông lạnh đã hiện ra.

Trả lời:

Câu văn thứ hai (b) có dùng biện pháp đảo ngữ, cụ thể đảo vị trí của vị ngữ lên trước chủ ngữ. Tác dụng của câu văn có đảo ngữ: gợi tả rõ bức tranh cảnh vật {khác với câu a chỉ là kiểu câu tường thuật binh thường); nhấn mạnh sự xuất hiện của sự vật được miêu tả "bóng những nhịp cầu sắt uốn cong, vắt qua dòng sông lạnh"

Câu 24: Trong bài văn “Lòng yêu nước của nhân dân ta”, tác giả đã sử dụng những hình ảnh so sánh nào? Nhận xét về tác dụng của biện pháp so sánh ấy.

Trả lời:

- Trong bài văn, tác giả đã sử dụng hình ảnh so sánh: tinh thần yêu nước kết thành (như) một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, (vì thế) nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. So sánh tinh thần yêu nước với làn sóng mạnh mẽ và to lớn là cách so sánh cụ thể, độc đáo.

 Lối so sánh như vậy làm nổi bật sức mạnh cuồn cuộn, vô song của tinh thần yêu nước.

- Hình ảnh so sánh khác là ví tinh thần yêu nước như các thứ của quý. Có khi được trưng bày, có khi được cất giấu. Khi được trưng bày, ai cũng nhìn thấy. Khi được cất giấu thì kín đáo. Như vậy tinh thần yêu nước khi tiềm tàng, khi lộ rõ, nhưng lúc nào cũng có.

 Cách so sánh này làm cho người đọc hình dung được giá trị của lòng yêu nước; mặt khác nêu trách nhiệm đưa tất cả của quý ấy ra trưng bày, nghĩa là khơi gợi, phát huy tất cả sức mạnh còn đang tiềm ẩn, đang được cất giấu ấy để cho cuộc kháng chiến thắng lợi.

Câu 25: Đọc đoạn văn từ “Đồng bào ta ngày nay” đến “nơi lòng nồng nàn yêu nước”, và hãy cho biết:

  1. Câu mở đoạn và câu kết đoạn.
  2. Các dẫn chứng trong đoạn này được sắp xếp theo cách nào?
  3. Các sự việc và con người được liên kết theo mô hình: “từ … đến …” có mối quan hệ với nhau như thế nào?

Trả lời:

  1. a) - Câu mở đoạn của đoạn văn này là:

"Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước".

- Câu kết đoạn của đoạn văn là:

"Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nó lòng nồng nàn yêu nước".

  1. b) Các dẫn chứng trong đoạn này được đưa ra theo mô hình "từ ... đến ..." và được sắp xếp theo các trình tự: tuổi tác, khu vực cư trú; tiền tuyến, hậu phương; tầng lớp, giai cấp.
  2. c) Những sự việc và con người này có mối quan hệ theo các bình diện khác nhau, nhưng bao quát toàn bộ già trẻ, gái trai, miền xuôi, miền ngược, tiền tuyến, hậu phương, nông dân, công nhân, điền chủ,...; nghĩa là toàn thể nhân dân Việt Nam.

 

Câu 26: Cách ngắt nhịp của câu thơ thứ bảy trong “Qua đèo Ngang” có gì đặc biệt? Cách ngắt nhịp đó giúp em hình dung như thế nào về tâm trạng của tác giả?

Trả lời:

- Cách ngắt nhịp câu thơ thứ 7 khác với các câu thơ khác 4/3 hoặc 3/4 vì câu thơ ngắt nhịp 4/1/2 hoặc 4/1/1/1.

- Cách ngắt nhịp này nhấn mạnh sự cô đơn lẻ loi, nỗi buồn thấm thía của nhà thơ trước khung cảnh bao la, heo hút nơi Đèo Ngang, chỉ có nhà thơ với mây nước nơi đây.

Câu 27: Cảnh Đèo Ngang được gợi tả như thế nào trong bốn câu thơ đầu?

            Cảnh đó góp phần thể hiện tâm trạng gì của tác giả?

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 – 12 câu) trình bày suy nghĩ của em về hai câu hỏi trên.

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

- Nội dung cần làm rõ: Khung cảnh nơi Đèo Ngang và tâm trạng của tác giả qua cảnh vật đó.

- Phạm vị phân tích: Bốn câu đầu của bài thơ.

- Dung lượng: Khoảng 10 – 12 câu.

- Khi phân tích cần lưu ý:

+ Khung cảnh nơi Đèo Ngang:

Thời điểm: “xế tà” – chiều tàn.

Không gian: “cỏ cây chen đá, lá chen hoa” – hoang sơ, bao la, rộng lớn.

Con người: “tiều vài chú”, “chợ mấy nhà” – ít ỏi, lẻ loi.

=> Khung cảnh thiên nhiên hoang vắng, rộng lớn của Đèo Ngang đối lập với sự nhỏ bé, ít ỏi của con người nơi đây được thể hiện bằng những hình ảnh ước lệ mang tính biểu tượng (cỏ cây, đá, lá, hoa), từ láy đặc sắc (lom khom, lác đác), điệp từ (chen), nghệ thuật đảo ngữ và đối xứng (thể hiện rất rõ trong câu 3 – 4).

+ Tâm trạng của tác giả: Cảnh vật đó góp phần làm nổi bật tâm trạng cô đơn, rợn ngợp của tác giả trước thiên nhiên bao la. Đây chính là thủ pháp “tả cảnh ngụ tình” tiêu biểu của thơ luật Đường.

Câu 28: Viết đoạn văn (khoảng ½ trang giấy) trình bày cảm nhận của em về bốn câu thơ cuối trong bài “Qua Đèo Ngang”.

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

- Nội dung cần làm rõ: Bốn câu thơ cuối thể hiện tâm trạng hoài cổ, nỗi nhớ nước, thương nhà da diết; nỗi buồn thầm lặng cô đơn, lẻ loi của nhà thơ trước khung cảnh thiên nhiên mênh mông, hoang vắng.

- Phạm vi phân tích: Bốn thơ cuối của bài thơ.

- Dung lượng: Khoảng ½ trang giấy.

- Khi phân tích cần lưu ý:

+ Nội dung:

Nỗi nhớ nước, thương nhà da diết của tác giả.

Nỗi buồn thầm lặng, cô đơn, lẻ loi – “một mảnh tình riêng” của tác giả trước khung cảnh “trời, non, nước”.

+ Nghệ thuật:

*Đảo ngữ:

Đảo vị ngữ “Nhớ nước đau lòng” lên trước chủ ngữ “Con quốc quốc”.

Đảo vị ngữ “Thương nhà mỏi miệng” lên trước chủ ngữ “Cái gia gia”.

*Chơi chữ: Đồng âm (con quốc quốc – con cuốc cuốc, cái gia gia – cái da da).

Tác dụng: Nhấn mạnh nỗi nhớ nước thương nhà da diết của tác giả.

*Điệp từ “ta”: “ta với ta” – tuy hai từ “ta” nhưng chỉ một mình tác giả -> cô đơn, lạc lõng.

*Cách ngắt nhịp: câu thơ cuối khác với các câu thơ trên, không ngắt theo nhịp 4/3 hoặc 3/4 mà ngắt nhịp 4/1/2 hoặc 4/1/1/1. Cách ngắt nhịp này nhấn mạnh sự cô đơn lẻ loi, nỗi buồn thấm thía của nhà thơ trước khung cảnh bao la, heo hút nơi Đèo Ngang, chỉ có nhà thơ với mây nước nơi đây.

Câu 29: Viết đoạn văn (khoảng 12 – 15 câu) phân tích hai câu đầu trong bài thơ Nam quốc sơn hà để làm sáng rõ lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, dân tộc.

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

- Nội dung cần làm rõ: Lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, dân tộc.

- Phạm vị phân tích: hai câu đầu của bài thơ.

- Dung lượng: 12 – 15 câu.

- Khi phân tích cần lưu ý:

+ Câu thơ 1: Nam quốc sơn hà Nam đế cư

“Nam đế”: Người Trung Quốc khi xưa luôn tự coi mình là trung tâm của vũ trụ nên vua của họ được gọi là “đế”, các nước chư hầu nhỏ hơn bị họ coi là “vương” (vua của những vùng đất nhỏ). Bởi vậy, tác giả đã ngụ ý dùng từ “Nam đế” (vua nước Nam) để hàm ý sánh ngang với “đế” của nước Trung Hoa rộng lớn. Đồng thời, nói “Nam đế cư” để thể hiện rằng nước ta có chủ quyền lãnh thổ, là một quốc gia độc lập, tự chủ.

+ Câu thơ 2: Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

“Thiên thư” (sách trời): Lãnh thổ, địa phận của đất nước đã được ghi tại sách trời.

Điều này khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta là một chân lý không thể chối cãi và thay đổi được.

=> Hai câu thơ đầu là lời khẳng định đanh thép, bản lĩnh về độc lập chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc.

Câu 30: Phân tích hai câu cuối của bài thơ Nam quốc sơn hà để làm sáng tỏ sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc của nhân dân ta (bằng một đoạn văn khoảng ½ trang).

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

- Nội dung cần làm rõ: Sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc.

- Phạm vi phân tích: hai câu cuối của bài thơ.

- Dung lượng: ½ trang giấy.

- Khi phân tích cần lưu ý:

+ Câu thơ 3: Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

“Như hà” (cớ sao): câu hỏi tu từ nhằm khẳng định lại chủ quyền dân tộc.

“Nghịch lỗ”: thể hiện một cách rõ ràng thái độ căm hận và khinh bỉ đối với lũ quân bạo ngược làm trái với ý trời dám đem quân xâm lược nước ta.

+ Câu thơ 4: Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Những kẻ đi xâm lược, cướp nước của dân tộc khác sẽ không có được kết thúc tốt đẹp. Đây là lời cảnh báo cũng chính là lời thách thức quân giặc, nhằm khẳng định sự thất bại thảm hại của lũ giặc nếu chúng cố tình xâm phạm nước ta thì chắc chắn sẽ chuốc lấy bại vong.

=> Hai câu thơ cuối một lần nữa khẳng định lại độc lập chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc. Hơn thế nữa là sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay