Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 4: Thực hành tiếng việt - Nghĩa của một số từ, thành ngữ Hán Việt

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 4: Thực hành tiếng việt - Nghĩa của một số từ, thành ngữ Hán Việt. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

Xem: => Giáo án ngữ văn 8 kết nối tri thức

BÀI 4: TIẾNG CƯỜI TRÀO PHÚNG TRONG THƠ

THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT: NGHĨA CỦA MỘT SỐ TỪ, THÀNH NGỮ HÁN VIỆT
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Chỉ ra một số yếu tố Hán Việt được sử dụng trong bài thơ “Lế xướng danh khoa Đinh Dậu”.

  1. Giải nghĩa mỗi yếu tố 
  2. Tìm một số từ Hán Việt có sử dụng những yếu tố đó.

Trả lời:

Một số yếu tố Hán Việt có thể tìm thấy trong bài thơ là: trường, sĩ, tử, sứ, quan, sứ, nhân, tài,…

Giải nghĩa và tìm từ Hán Việt cùng sử dụng những yếu tố này:

- trường: nơi, chỗ, khoảng không gian (quảng trường, hội trường)

- sĩ: học trò, người nghiên cứu học vấn (văn sĩ, nghệ sĩ)

- tử: người, kẻ (chu tử)

- sứ: người phụng mệnh làm nhiệm vụ (thường chuyên về ngoại giao, ở ngoại quốc hoặc nơi xa) (sứ giả, sứ quân, công sứ)

- nhân: người (nhân văn, nhân đạo)

- tài: giỏi (tài năng, tài trí)

 

Câu 2: Cho các yếu tố Hán Việt sau:

Gian1: lừa dối, xảo trá 

Gian2: giữa, khoảng giữa

Gian3: khó khăn, vất vả

Hãy tìm từ cáo yếu tố Hán Việt tương ứng với mỗi yếu tố “gian” đã cho.

Trả lời:

- Gian1: gian kế, gian thương, gian hùng

- Gian2: không gian, thời gian, điền gian

- Gian3: gian nan, gian khổ.

 

Câu 3: Xếp các từ ngữ có chứa yếu tố “nam” sau thành từng nhóm có yếu tố Hán Việt cùng nghĩa và giải nghĩa yếu tố Hán Việt đó.

“kim chỉ nam, nam quyền, nam phong, phương nam, nam sinh, nam tính”

Trả lời:

- Nam với nghĩa là một phương hướng: kim chỉ nam, nam quyền, nam phong, phương nam

- Nam với nghĩa là một giới tính: nam sinh, nam tính

 

Câu 4: Xếp các từ ngữ có chứa yếu tố “thuỷ” sau thành từng nhóm có yếu tố Hán Việt cùng nghĩa và giải nghĩa yếu tố Hán Việt đó.

“thuỷ tổ, thuỷ triều, thuỷ lực, hồng thuỷ, khởi thuỷ, nguyên thuỷ”

Trả lời:

- Thuỷ với nghĩa là bắt đầu, khởi điểm: thuỷ tổ, khởi thuỷ, nguyên thuỷ

- Thuỷ với nghĩa là nước: thuỷ triều, thuỷ lực, hồng thuỷ

 

Câu 5: Hãy trình bày những hiểu biết của em về từ Hán Việt.

Trả lời:

Em hãy tổng hợp lại kiến thức đã học về từ Hán Việt.

Tham khảo:

- Trong tiếng Việt có một khối lượng khá lớn từ Hán Việt. Tiếng để cấu tạo từ Hán Việt gọi là yếu tố Hán Việt.

- Phần lớn các yếu tố Hán Việt không được dùng độc lập như từ mà chỉ dùng để tạo từ ghép. Một số yếu tố Hán Việt như hoa, quả, bút, bảng học, tập,... có lúc dùng để tạo từ ghép, có lúc được dùng độc lập như một từ.

- Có nhiều yếu tố Hán Việt đồng âm nhưng nghĩa khác xa nhau.

- Cũng như từ ghép thuần Việt, từ ghép Hán Việt có hai loại chính: từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ.

- Trật tự của các yếu tố trong từ ghép chính phụ Hán Việt:

+ Có trường hợp giống với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau;

+ Có trường hợp khác với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau.

Trong nhiều trường hợp, người ta dùng từ Hán Việt để: 

+ Tạo sắc thái trang trọng, thể hiện thái độ tôn kính;

+ Tạo sắc thái tao nhã, tránh gây cảm giác thô tục, ghê sợ; 

+ Tạo sắc thái cổ, phù hợp với bầu không khí xã hội xa xưa.

- Khi nói hoặc viết, không nên lạm dụng từ Hán Việt, làm cho lời ăn tiếng nói thiếu tự nhiên, thiếu trong sáng, không phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp. 

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Giải nghĩa các thành ngữ có yếu tố Hán Việt sau và đặt câu với mỗi thành ngữ:

  1. vô tiền khoáng hậu
  2. dĩ hoà vi quý

Trả lời:

  1. a) Vô tiền khoáng hậu nghĩa là trước sau không có. Ví dụ: 91 bàn thắng một năm của Messi là một thành tích vô tiền khoáng hậu.
  2. b) Dĩ hoà vi quý nghĩa là: coi sự hoà thuận, êm thấm là quý. Ví dụ: Người trong một nhà cần phải dĩ hoà vi quý.

 

Câu 2: Tìm những từ Hán Việt có chứa những yếu tố sau: vô (không), hữu (có), hữu (bạn), lạm (quá mức), tuyệt (tột độ, hết mức).

Trả lời:

- Vô (không): vô tình, hư vô, vô đối, vô chủ

- Hữu (có): hữu tình, hữu hảo, hữu ích, hữu hiệu

- Hữu (bạn): thân hữu, bằng hữu

- Lạm (quá mức): lạm phát, lạm dụng

- Tuyệt (tột độ, hết mức): tuyệt vời, tuyệt thế, tuyệt chủng, tuyệt luân

 

Câu 3: Giải thích nghĩa của từ Hán Việt được in đậm trong các câu sau:

  1. Bức tranh thu từ những gì vô hình (hương, gió), từ ngõ hẹp (ngõ) chuyển sang những nét hữu hình, cụ thể (sông, chim, mây) với một không gian vừa dài rộng, vừa cao vời.
  2. Nhưng có điều khi sang thu, khi nửa đời nhìn lại thì người ta một mặt sâu sắc thêm, chín chắn thêm, thâm trầm, điềm đạm thêm, mặt khác người ta phải khẩn trương thêm, gấp gáp thêm.

Trả lời:

  1. a) - Vô hình: không có hình dạng cụ thể, không nhìn thấy được

- Hữu hình: có hình dạng cụ thể, có thể nhìn thấy được

  1. b) - Thâm trầm: sâu sắc và kín đáo, không dễ dàng để tâm tư, tình cảm cũng như ý nghĩ bộc lộ ra bên ngoài

- Điềm đạm: lúc nào cũng từ tốn, nhẹ nhàng, không gắt gỏng, nóng nảy

- Khẩn trương: cần được tiến hành, được giải quyết một cách tích cực trong thời gian gấp, không thể chậm trễ

 

Câu 4: Phân biệt ý nghĩa của các cặp từ sau và cho ví dụ minh hoạ:

  1. a) Vô tư / vô ý thức
  2. b) Chinh phu / chinh phụ

Trả lời:

  1. a) Vô tư có các nghĩa là: 

- không lo nghĩ gì

- không nghĩ đến, không vì lợi ích riêng

- không thiên vị ai cả

Vô ý thức được sử dụng để chỉ việc làm, hành động, lời nói không đúng, không hợp quy chuẩn, không theo những nét đẹp, nền nếp.

  1. b) Chinh phu: người đàn ông đi đánh trận thời phong kiến

Chinh phụ: vợ của người đàn ông đang đi đánh trận thời phong kiến 

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Các từ “tổ, đầu, phòng, cao, tuyết, bang, thần, bút, sĩ tử, nhân văn, nhân đạo, không phận, hải phận, địa cực, kí sinh” có nguồn gốc từ đâu (từ gốc Hán, từ thuần Việt, từ Hán Việt,…)?

Trả lời:

- Tất cả những từ này đều là từ gốc Hán, trong đó:

+ Các từ “tổ, đầu, phòng, cao, tuyết, bang, thần, bút” thường được cảm nhận như từ thuần Việt.

+ Các từ “sĩ tử, nhân văn, nhân đạo, không phận, hải phận, địa cực, kí sinh”. Nhóm các từ phức gốc Hán này thường được gọi là từ Hán Việt. Mỗi tiếng của từ thuộc nhóm này có tên gọi tương ứng là yếu tố Hán Việt.

 

Câu 2: Khi sử dụng từ Hán Việt, ta cần lưu ý hiện tượng đồng âm: các yếu tố Hán Việt cùng âm, nhưng nghĩa khác xa nhau và không có liên quan với nhau. Hãy chứng minh điều đó với yếu tố “giới”.

Trả lời:

Có nhiều yếu tố “giới” cùng âm nhưng nghĩa khác xa nhau và không có liên quan với nhau:

- Giới1, với nghĩa là “cõi, nơi tiếp giáp” trong các từ như: giới hạn, giới thuyết, giới tuyến, biên giới, địa giới, giáp giới, hạ giới, phân giới, ranh giới, thế giới, thượng giới, tiên giới.

- Giới2, với nghĩa “răn, kiêng” trong các từ như: giới nghiêm, cảnh giới, phạm giới, thụ giới.

- Giới3, với nghĩa “ở giữa, làm trung gian" trong các từ như: giới thiệu, môi giới.

- Giới4, với nghĩa “đồ kim khí, vũ khí” trong các từ như: cơ giới, cơ giới hoá, binh giới, khí giới, quân giới.

- Giới5, với nghĩa chỉ một loài cây: kinh giới.

 

Câu 3: Hãy viết một đoạn văn khoảng 10 đến 15 dòng về một chủ đề bất kì có chứa từ / yếu tố Hán Việt. Hãy chỉ ra các từ / yếu tố Hán Việt trong đó.

Trả lời:

Gợi ý: Từ Hán Việt được sử dụng rất phổ biến trong khi nói, viết tiếng Việt vậy nên việc viết một đoạn văn có chứa từ / yếu tố Hán Việt là điều rất dễ dàng. Cái khó ở đây là chỉ ra các từ / yếu tố Hán Việt vì chúng ta rất dễ nhầm giữa từ gốc Hán và từ thuần Việt. Hãy hỏi thầy cô hoặc tra từ điển để xác định.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Xếp các từ ngữ có chứa yếu tố “giai” sau thành từng nhóm có yếu tố Hán Việt cùng nghĩa và giải nghĩa yếu tố Hán Việt đó.

“giai cấp, giai điệu, giai nhân, giai phẩm, giai thoại, giai đoạn, bách niên giai lão”

Trả lời:

- Giai với nghĩa là cùng, đều: giai cấp, bách niên giai lão

- Giai với nghĩa là tốt, đẹp: giai điệu, giai nhân, giai phẩm

- Giai với nghĩa về thời gian: giai thoại, giai đoạn

 

Câu 2: Giải nghĩa các thành ngữ có yếu tố Hán Việt sau và đặt câu với mỗi thành ngữ:

  1. đồng sàng dị mộng
  2. chúng khẩu đồng từ
  3. độc nhất vô nhị

Trả lời:

  1. a) Đồng sàng dị mộng nghĩa là cùng nằm một giường mà có những giấc mơ khác nhau; ví cảnh cùng chung sống với nhau, có quan hệ bên ngoài gắn bó, nhưng tâm tư, tình cảm, chí hướng khác nhau (thường nói về vợ chồng). 

Ví dụ: 

- Vợ chồng bọn họ đúng là đồng sàng dị mộng, không đồng lòng với nhau, xem ra rất khó sống cùng nhau đến cuối đời.

- Đồng sàng dị mộng nhưng mọi người đều không biết, ngồi cùng nhau vấn cảnh cuối cùng ai đúng. (Tiền Khiêm Ích thời nhà Thanh trong tác phẩm “Ngọc xuyên tử ca”.)

  1. b) Chúng khẩu đồng từ nghĩa là tất cả đều cùng nói một lời, một ý. Ví dụ: Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết.
  2. c) Độc nhất vô nhị chỉ một thứ gì, một điều gì đó là duy nhất, rất nhiếm, không có nhiều. Ví dụ: ABC là một món bảo vật độc nhất vô nhị, chúng ta không thể để nó rơi vào tay người khác.



=> Giáo án dạy thêm văn 8 kết nối bài 4: Nghĩa của một số từ, thành ngữ hán Việt

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay