Giáo án ôn tập Ngữ văn 9 bài: Hoạt động giao tiếp
Dưới đây là giáo án ôn tập bài: Hoạt động giao tiếp. Bài học nằm trong chương trình Ngữ văn 9. Tài liệu dùng để dạy thêm vào buổi 2 - buổi chiều. Dùng để ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh. Giáo án là bản word, có thể tải về để tham khảo.
Xem: =>
Ngày soạn: …/…/…
Ngày dạy: …/…/…
BUỔI 3: ÔN TẬP TIẾNG VIỆT: HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP
(Các phương châm hội thoại, Xưng hô trong hội thoại,
Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp)
I. MỤC TIÊU
- Kiến thức: Giúp học sinh
- Củng cố lại toàn bộ kiến thức về các phương châm hội thoại, Xưng hô trong hội thoại, Lời dẫn trực tiếp và lời dẫn gián tiếp.
- Thực hành làm các dạng bài tập.
- Năng lực
Năng lực chung
- Năng lực tự chủ và tự học: Tìm kiếm thông tin, đọc sách giáo khoa, quan sát tranh ảnh để hiểu về nội dung đã học
- Năng lực giao tiếp và hợp tác: Thảo luận nhóm để thực hiện phiếu học tập, hợp tác giải quyết vấn đề để hiểu về văn bản đã học.
- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Năng lực trình bày và trao đổi thông tin trước lớp.
Năng lực riêng biệt
- Rèn kĩ năng phát hiện và phân tích các dữ liệu bài tập.
- Rèn kĩ năng sử dụng các đơn vị kiến thức tiếng Việt vừa ôn vào trong các hoạt động giao tiếp
3.Về phẩm chất
- Học sinh có ý thức tự giác trau dồi ngôn ngữ tiếng Việt
- Trân trọng, tự hào về sự giàu đẹp của Tiếng Việt
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
- Giáo viên: Giáo án, sách giáo khoa, phiếu học tập.
- Học sinh: Thiết bị học tập cần thiết
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
KHỞI ĐỘNG
a. Mục tiêu: Tạo tâm thế và định hướng chú ý cho HS; tạo vấn đề vào chủ đề.
b. Nội dung hoạt động: HS trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời/chia sẻ của HS bằng ngôn ngữ
Tổ chức thực hiện:
- GV đặt đề bài: GV: kể chuyện con rắn vuông “Con rắn dài 40 mét, ngang 40 mét” và đặt câu hỏi gợi mở: Nói như vậy có chấp nhận được không? Em rút ra bài học từ câu chuyện này là gì?
- GV dẫn dắt vào bài: Nói như vậy không được. Phải nói sự thật, nói phải có bằng chứng, không vu vơ. Vi phạm quy tắc trong hội thoại
HỆ THỐNG LẠI KIẾN THỨC
Hoạt động 1. Ôn tập kiến thức các phương châm hội thoại
- Mục tiêu: Hệ thống lại những kiến thức đã học về các phương châm hội thoại.
- Nội dung hoạt động: HS thảo luận, trả lời câu hỏi được phân công.
- Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.
- Tổ chức thực hiện:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Nhiệm vụ 1: Nhắc lại khái niệm và các phương châm hội thoại chính. Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ - GV yêu cầu HS tìm hiểu lại khái niệm phương châm hội thoại: Theo em, thế nào là phương châm hội thoại? - GV yêu cầu HS tìm hiểu các phương châm hội thoại chính: Có bao nhiêu phương châm hội thoại chính? Em hãy nêu đặc điểm của từng phương châm đó. Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ - HS thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả - GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá - GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.
Nhiệm vụ 2: Nhắc lại các trường hợp không tuân thủ các phương châm hội thoại. Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ - GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: Nêu các trường hợp không tuân thủ các phương châm hội thoại. Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ - HS thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả - GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá - GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức. | I. Các phương châm hội thoại 1. Khái niệm: Phương châm hội thoại là những quy định mà người tham gia hội thoại phải tuân thủ thì cuộc giao tiếp mới thành công. 2. Các phương châm hội thoại - Phương châm về lượng: Khi giao tiếp, cần nói cho có nội dung; nội dung của lời nói phải đáp ứng yêu cầu của cuộc giao tiếp, không thiếu, không thừa. - Phương châm về chất: Khi giao tiếp, đừng nói những điều mà mình không tin là đúng hay không có bằng chứng xác thực. - Phương châm quan hệ: Khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc về. - Phương châm cách thức: Khi giao tiếp, cần chú ý nói ngắn gọn, rành mạch; tránh nói mơ hồ. - Phương châm lịch sự: Khi giao tiếp cần khéo léo, tế nhị, tôn trọng người đối thoại. 2. Các trường hợp không tuân thủ các phương châm hội thoại. - Người nói vô ý, thiếu văn hóa, vụng về trong giao tiếp. - Người nói cố tình vi phạm một hoặc một vài phương châm hội thoại nào đó để: + Ưu tiên cho một phương châm hội thoại khác hoặc một yêu cầu nào đó quan trọng hơn (thường vi phạm phương châm về chất để ưu tiên cho phương châm lịch sự). + Gây chú ý cho người nghe hoặc hướng người nghe hiểu câu nói theo một hàm ý nào đó (thường vi phạm phương châm về lượng hoặc phương châm cách thức, phương châm quan hệ để tạo hàm ý) |
Hoạt động 2. Ôn tập kiến thức về cách xưng hô trong hội thoại
- Mục tiêu: Hệ thống lại những kiến thức đã học về xưng hô trong hội thoại.
- Nội dung hoạt động: HS thảo luận, trả lời câu hỏi được phân công.
- Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.
- Tổ chức thực hiện:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Nhiệm vụ: Nhắc lại khái niệm, đặc điểm của hệ thống từ ngữ xưng hộ trong Tiếng Việt và những lưu ý khi giao tiếp. Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ - GV yêu cầu HS tìm hiểu lại khái niệm phương châm hội thoại: Theo em, xưng hô là gì? - GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: + Hệ thống từ ngữ xưng hô trong Tiếng Việt có đặc điểm gì? + Khi giao tiếp, chúng ta cần lưu ý điều gì? Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ - HS thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả - GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá - GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức. | II. Xưng hô trong hội thoại: - Khái niệm: Xưng hô là sử dụng các từ ngữ để gọi mình và mọi người giao tiếp với mình là gì đó khi hội thoại. - Tiếng Việt có hệ thống từ ngữ xưng hô khá đa dạng và phong phú: + Dùng đại từ ngôi thứ nhất (người nói) ở số ít và số nhiều: tôi, tao, tớ, chúng tôi, chúng tao,...; + Dùng đại từ ngôi thứ 2 (người nghe) ở số ít và số nhiều: mày, mi, chúng mày, bọn mày,... + Dùng các từ chỉ quan hệ gia đình: ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em,... + Dùng các từ chỉ nghề nghiệp, chức vụ: thầy giáo, cô giáo, bác sĩ, giáo sư, giám đốc, thủ trưởng,... + Dùng các từ chỉ tên riêng. - Khi giao tiếp, cần lựa chọn những từ ngữ xưng hô cho phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh, mục đích giao tiếp. - Người Việt có truyền thống "Xưng khiêm hô tôn": xưng thì tự hạ mình xuống, hô thì nâng người đối thoại lên. |
Hoạt động 3. Ôn tập kiến thức về cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp
- Mục tiêu: Hệ thống lại những kiến thức đã học về cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp trong hội thoại.
- Nội dung hoạt động: HS thảo luận, trả lời câu hỏi được phân công.
- Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.
- Tổ chức thực hiện:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Nhiệm vụ 1: Nhắc lại khái niệm và cách thức của cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp. Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ - GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: + Nhóm 1: Nêu khái niệm và cách thức dẫn trực tiếp. Lấy ví dụ minh họa. + Nhóm 2: Nêu khái niệm và cách thức dẫn gián tiếp. Lấy ví dụ minh họa. Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ - HS thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả - GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá - GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.
Nhiệm vụ 2: Nhắc lại cách chuyển lời dẫn trực tiếp thành lời dẫn gián tiếp: Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ - GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: Em hãy nêu những cách chuyển lời dẫn trực tiếp thành lời dẫn gián tiếp. Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ - HS thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả - GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá - GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức. | III. Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp. 1. Cách dẫn trực tiếp; - Dẫn trực tiếp: là cách trích dẫn lại nguyên văn lời nói hay ý nghĩa của người khác hoặc của chính người nói. - Cách thức dẫn trực tiếp: + Lời dẫn trực tiếp được đặt trong dấu ngoặc kép hoặc xuống dòng sau dấu gạch ngang. + Lời dẫn trực tiếp có thể đứng trước, đứng giữa hoặc đứng sau lời người dẫn. - Ví dụ: + Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã từng nói: "Không có gì quý hơn độc lập tự do". + Bác lái xe cũng rút từ túi cửa xe ra một gói giấy: - Còn đây là sách tôi mua hộ anh. (Nguyễn Thành Long) 2. Cách dẫn gián tiếp - Dẫn gián tiếp: là dẫn lại lời nói hay ý nghĩ của người khác hoặc của chính người nói nhưng có điều chỉnh lời lẽ cho thích hợp. - Cách thức dẫn gián tiếp: + Lời dẫn gián tiếp tuy không bắt buộc đúng từng từ nhưng phải bảo đảm đúng ý, đúng nội dung. + Lời dẫn gián tiếp không đặt trong dấu ngoặc kép, có thể dùng từ rằng hoặc là đặt phía trước lời dẫn. - Ví dụ: Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã từng nói rằng độc lập tự do là thứ quý giá nhất. 3. Cách chuyển lời dẫn trực tiếp thành lời dẫn gián tiếp - Bỏ dấu hai chấm và dấu ngoặc kép (hoặc dấu gạch ngang) - Thay đổi từ xưng hô cho thích hợp - Lược bỏ các tình thái từ (nếu có) và thay đổi từ chỉ thời gian cho thích hợp. - Có thể thêm từ rằng hoặc là trước lời dẫn. |
BÀI TẬP LUYỆN TẬP VẬN DỤNG
- Mục tiêu: HS khái quát lại nội dung bài học thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập.
- Nội dung hoạt động: HS thảo luận, hoàn thành phiếu học tập.
- Sản phẩm học tập: Câu trả lời của các câu hỏi, bài tập.
- Tổ chức thực hiện:
Nhiệm vụ 1: GV phát phiếu bài tập theo nhóm đôi, các nhóm thảo luận và hoàn thành bài tập.
PHIẾU BÀI TẬP 1 Câu 1: Trong văn chương, phép tu từ nào được dùng để đảm bảo phương châm lịch sự? Cho ví dụ và phân tích rõ? Câu 2: Cho đoạn thơ sau: “ Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh Vẫn vững lòng bà rặn cháu đinh ninh Bố ở chiến khu bố còn việc bố Mày có viết thư chớ kể này kể nọ Cứ bảo nhà vẫn được bình yên” (Bếp lửa- Bằng Việt) Trong đoạn thơ trên có phương châm hội thoại nào không được tuân thủ? Tại sao? Từ việc không tuân thủ phương châm hội thoại đó, em hiểu gì về phẩm chất của người bà? Câu 3: Chuyển các lời dẫn trực tiếp sau đây sang lời dẫn gián tiếp a. Nhân vật ông Giáo trong truyện “Lão Hạc” thầm hứa sẽ nói với con trai của Lão Hạc rằng:“Đây là cái vườn ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn, cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào.” b. Chiều hôm qua Hoàng tâm sự với tôi: “Hôm nay mình phải cố chạy cho đủ tiền để gửi cho con” c. Nam đã hứa với tôi như đinh đóng cột: “Tối mai tôi sẽ gặp các bạn ở bến nhà Rồng”
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1: Gợi ý: - Phép nói giảm nói tránh: + “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” Từ thăm được dùng thay cho từ viếng để giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát, nhấn mạnh Bác còn sống mãi trong lòng nhân dân. + “Ngày mùng một đầu năm hiện lên trên thi thể em bé ngồi giữa những bao diêm...” Từ thi thể- xác chết để làm giảm đi nỗi ghê sợ - Phép ẩn dụ: Tỏ tình trong ca dao kín đáo, tế nhị, lịch sự: “ Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng Tre non đủ lá đan sàng nên chăng” Câu 2: Gợi ý: - Phương châm hội thoại không được tuân thủ: Phương châm về chất: Bà dặn cháu viết thư cho bố: “Cứ bảo nhà vẫn được bình yên” Bà bảo cháu nói không đúng sự thật vì không muốn bố phải lo lắng. Từ đó thấy được phẩm chất của bà: Yêu thương con cháu, yêu nước, giàu đức hi sinh. Câu 3: Gợi ý: a. Nhân vật....rằng đó là cái vườn... b. Hôm qua....tôi rằng anh ta đang phải cố chạy...... c. Nam đã....đóng cột là tối mai nó sẽ gặp các bạn ở bến nhà Rồng |
Nhiệm vụ 2. GV phát đề cho HS, yêu cầu HS tự hoàn thành các bài tập.
PHIẾU BÀI TẬP 2 Câu 1: Vận dụng phương châm hội thoại để phân tích lỗi và chữa lại cho đúng đối với các trường hợp sau: a. Với cương vị là quyền giám đốc xí nghiệp, tôi xin cảm ơn các đồng chí. b. Thấy bạn đến chậm, Hà liền nói: “Cậu có họ hàng với rùa phải không?” Câu 2: Vận dụng phương châm hội thoại để phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du trong đoạn thơ sau: Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần Câu 3: Chuyển những lời dẫn trực tiếp trong các trường hợp sau theo cách dẫn gián tiếp: a) Họa sĩ nghĩ thầm: “Khách tới bất ngờ, chắc cu cậu chưa kịp quét tước, dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn chẳng hạn”. (Nguyễn Thành Long) b) Vũ Nương nói: “Tôi bị chồng ruồng rẫy, thà già ở chốn làng mây cung nước, chứ còn mặt mũi nào về nhìn thấy người ta nữa”. (Nguyễn Dữ) c) Vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh, cả thủy lẫn bộ cùng ra đi. Ngày 29 đến Nghệ An,vua Quang Trung cho mời người cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp vào dinh và hỏi: - Quân Thanh sang đánh, tôi sắp đem binh ra chống cự. Mưu đánh và giữ, cơ được hay thua, tiên sinh nghĩ như thế nào? Thiếp nói: - Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã. Quân Thanh ở xa tới đây, không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, không hiểu rõ thế nên đánh, nên giữ ra sao. Chúa công ra đi chuyến này, không quá mười ngày, quân Thanh sẽ bị dẹp tan. (Ngô Gia Văn Phái) Câu 4: Viết một đoạn văn khoảng 10-12 câu theo cách diễn dịch phân tích lòng hiếu thảo của Vũ Nương. Trong đoạn văn có sử dụng lời dẫn trực tiếp (gạch chân dưới lời dẫn trực tiếp đó)
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1: Gợi ý: TH a: Vi phạm phương châm về lượng và phương châm lịch sự. - Thay phần trạng ngữ bằng: + Thay mặt ban lãnh đạo xí nghiệp, ... + Thay mặt anh em trong xí nghiệp, .... TH b: Vi phạm phương châm lịch sự. Thay bằng “Nhanh lên cậu, muộn lắm rồi.” Câu 2: Gợi ý: Mã Giám Sinh đã vi phạm phương châm lịch sự vì đây là một lễ vấn danh, đến nhà để hỏi vợ mà lại trả lời cộc lốc, trịch thượng, thiếu sự tôn trọng đối với người trên. Câu 3: Chuyển: a. Họa sĩ nghĩ rằng khách tới bất ngờ chắc anh thanh niên chưa kịp quét tước, dọn dẹp nhà cửa, chăn màn. b. Vũ Nương nói rằng nàng bị chồng ruồng rẫy, thà già ở chốn làng mây cung nước, chứ chẳng còn mặt mũi nào về gặp Trương Sinh nữa. c. Vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh, cả thủy lẫn bộ cùng ra đi. Ngày 29 đến Nghệ An, vua Quang Trung cho mời người cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp vào dinh và hỏi quân Thanh sang đánh, ông sắp đêm binh da chống cự. Mưu đánh và giữ, cơ được hay thua thế nào. d. Nguyễn Thiếp nói rằng hiện giờ trong nước trống không, lòng người tan rã. Quân Thanh ở xa tới, không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh. Quang Trung ra đi chuyến này, không quá mười ngày, quân Thanh sẽ bị dẹp tan. Câu 4: Gợi ý: Khi viết đoạn văn, chú ý để lời dẫn trực tiếp được đặt trong dấu ngoặc kép. Tham khảo đoạn văn sau: - Câu chủ đề: Trong văn bản....tác giả đã cho ta thấy Vũ Nương là một người con dâu hiếu thảo. - Các câu triển khai: + Khi mẹ chồng ốm,.... (dẫn chứng phân tích) + Khi mẹ chồng mất,... (dẫn chứng phân tích) + Lời trăng trối của bà mẹ chồng.... (dẫn chứng phân tích) - Nghệ thuật: Đặt nhân vật vào tình huống, ngôn ngữ đối thoại.. |
Nhiệm vụ 3. GV phát đề cho HS, yêu cầu HS tự hoàn thành các bài tập.
PHIẾU BÀI TẬP 3 Câu 1: Chỉ ra lời dẫn trực tiếp, gián tiếp trong các trường hợp sau: a. Tôi cũng kể cho chúng nghe nhiều về bà tôi, một hôm thằng lớn thở dài nói: - Có lẽ tất cả các bà đều rất tốt, bà tới ngày trước cũng rất tốt... Nó thường nói một cách buồn bã: Ngày trước, trước kia, đã có thời... dường như nó đã sống trên trái đất này một trăm năm, chứ không phải mười một năm. (M. Go-rơ-ki) b. Ngọc Hoàng cân nhắc, tuyên phạt ruồi khổ sai chung thân; truyền cho chim chóc, cóc, nhái, thằn lằn, kiến, nhện ra sức giết bớt ruồi, không cho đẻ nhiều. Ngọc Hoàng lại nói với loài người: “Ruồi có tội mà con người cũng có lỗi. Con người phải thường xuyên đậy điệm thức ăn, làm vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh, chuồng trại phải xây theo lối mới thì mới ngăn chặn ruồi sinh sôi và hạn chế tác hại của ruồi được”. Câu 2: Tìm lời dẫn trong các đoạn trích sau và cho biết đâu là lời dẫn trực tiếp, đâu là lời dẫn gián tiếp. a. Ngọc Hoàng cân nhắc, tuyên phạt Ruồi khổ sai chung thân; truyền cho chim chóc, cóc, nhái, thằn lằn, kiến, nhện ra sức giết bớt ruồi, không cho đẻ nhiều. Ngọc Hoàng lại nói với loài người : “Ruồi có tội mà con người cũng có lỗi. Con người phải thường xuyên đậy điệm thức ăn, làm vệ sinh môi trường; nhà vệ sinh, chuồng trại phải xây theo lối mới thì mới ngăn chặn ruồi sinh sôi và hạn chế tác hại của ruồi được”. (Tường Lan, Ngọc Hoàng xử tội Ruồi xanh) b. Quê cháu ở Lào Cai này thôi. Năm trước, cháu tưởng cháu được đi xa lắm cơ đấy, hóa lại không. Cháu có ông bố tuyệt lắm. Hai bố con cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận. Kết quả: bố cháu thắng cháu một-không. Nhân dịp Tết, một đoàn các chú lái máy bay lên thăm cơ quan cháu ở Sa Pa. Không có cháu ở đấy. Các chú lại cử một chú lên tận đây. Chú ấy nói: nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mỹ trên cầu Hàm Rồng. Đối với cháu, thật là đột ngột, không ngờ lại là như thế. Chú lái máy bay có nhắc đến bố cháu , ôm cháu mà lắc “Thế là một - hoà nhé!”. (Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa) c. Sau có một viên quan sực nhớ đến Nguyễn Hiền bèn tâu vua có thể ông trạng trẻ tuổi chưa thâm thúy nhưng thông minh thì có thừa, may ra ông trạng giải được (câu đố của sứ Tống) thì hay. Vua bèn sai sứ giả đi luôn về Dương A mời ông trạng về kinh đô. (Hà Ân , Ông trạng thả diều)
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1: Chỉ ra lời dẫn trực tiếp, gián tiếp trong các trường hợp sau: a. - Lời dẫn trực tiếp: Đặt sau dấu gạch ngang đầu dòng: Có lẽ tất cả các bài đều rất tốt, bà tới ngày trước cũng rất tốt. - Lời dẫn gián tiếp: đặt sau dấu (:) Ngày trước, trước kia, đã có thời… b. - Lời dẫn trực tiếp: Đặt trong dấu ngoặc kép: “Ruồi có tội mà có người cũng có lỗi. Con người phải thường xuyên đậy điệm thức ăn, làm vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh, chuồng trại phải xây dựng theo lối mới thì mới ngăn chặn ruồi sinh sôi và hạn chế tác hại của ruồi được”. - Lời dẫn gián tiếp: + Ruồi khổ sai chung thân; + Chim chóc, cóc, nhái, thằn lằn, kiến, nhện ra sức giết bớt ruồi, không cho đẻ nhiều. Bài 2: Gợi ý: - Trước hết, cần tìm lời dẫn trong các đoạn trích. Sau đó, dựa theo cách dẫn và các dấu hiệu có/không có ngoặc kép để chỉ ra lời dẫn trực tiếp và lời dẫn gián tiếp. - Các lời dẫn gián tiếp: a. Ngọc Hoàng cân nhắc, tuyên phạt Ruồi khổ sai chung thân; truyền cho chim chóc, cóc, nhái, thằn lằn, kiến, nhện ra sức giết bớt ruồi, không cho đẻ nhiều. b. Chú ấy nói: nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. c. Sau có một viên quan sực nhớ đến Nguyễn Hiền bèn tâu vua có thể ông trạng trẻ tuổi chưa thâm thúy nhưng thông minh thì có thừa, may ra ông trạng giải được (câu đố của xứ Tống) thì hay. - Lời dẫn trực tiếp: a. “Ruồi có tội mà con người cũng có lỗi. Con người phải thường xuyên đậy điệm thức ăn, làm vệ sinh môi trường; nhà vệ sinh, chuồng trại phải xây theo lối mới thì mới ngăn chặn ruồi sinh sôi và hạn chế tác hại của ruồi được”. b. “Thế là một - hoà nhé!”. |
CỦNG CỐ - DẶN DÒ
- GV yêu cầu HS nhớ lại đơn vị kiến thức đã học
- Giao bài tập về nhà: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
Ông lão nghệ nhân cố ghìm cơn giận dữ, bảo người đàn ông đứng trước mặt :
- Tôi đã nói rồi. Ông đi đi, kẻo con cháu tôi nó về bây giờ. Chúng tôi không bán chác gì sất. Chung quanh chỗ nào cũng rắc thuốc trừ sâu, còn mấy vườn tre với mặt nước đầm sen ở đây, chúng về trú ngụ, các ông đến định xua đuổi nốt đi à? Ông muốn bắt chim, mua chim thì đến nhà khác, hay ra chợ.
Người đàn ông tóc gọng kính, mặt con quay, vẫn cười cười nói nói:
- Cụ không bán cho con, qua kì sinh sản chúng cũng bay vãn đi mất. Con xin trả cụ theo giá chợ. Đêm chúng con tới bắt, bảo đảm êm ru, đủ số đặt cược, chẳng dám bắt hơn. Cô bé không thể biết được đâu cụ ơi.
Ông lão trợn mắt:
- Ông nói gì lạ thế. Ông chỉ biết lời lãi, chẳng hiểu giống chim làm tổ nuôi con, bắt chúng thì chim non kêu khóc, chim bố mẹ dáo dác tìm nhau, inh ỏi suốt ngày. Cháu tôi ăn ngủ sao được?
Gã lái buôn lẳng lặng quay ra.
(Vũ Lê Mai, bầu trời và tiếng chim)
- a. Tìm từ ngữ xưng hô giữa ông lão nghệ nhân và gã lái buôn.
- b. phân tích cách xưng hô của ông lão nghệ nhân và của gã lái buôn. Thử giải thích cách xưng hô của hai người.
Gợi ý:
- a. Các từ ngữ xưng hô: tôi - ông; cụ - con.
- b. Ông lão nghệ nhân tự xưng là tôi, gọi giá lái buôn là ông; gã lái buôn tự xưng là con, gọi ông lão là cụ.
Cách xưng hô của ông lão có tính trung hòa để việc từ chối thêm chắc chắn, gã lái buôn xưng khiêm hô tôn ông lão để tỏ vẻ tôn trọng, lấy lòng ông lão, hòng đạt được mục đích mua chim.
Trên chỉ là 1 phần của giáo án. Giáo án khi tải về có đầy đủ nội dung của bài. Đủ nội dung của học kì I + học kì II
Cần nâng cấp lên VIP
Khi nâng cấp lên tài khoản VIP, sẽ tải được tài liệu + nhiều hữu ích khác. Như sau:
- Giáo án đồng bộ word + PPT: đủ cả năm
- Trắc nghiệm cấu trúc mới: Đủ cả năm
- Ít nhất 10 đề thi cấu trúc mới ma trận, đáp án chi tiết
- Trắc nghiệm đúng/sai cấu trúc mới
- Câu hỏi và bài tập tự luận
- Lý thuyết và kiến thức trọng tâm
- Phiếu bài tập file word
- File word giải bài tập
- Tắt toàn bộ quảng cáo
- Và nhiều tiện khác khác đang tiếp tục cập nhật..
Phí nâng cấp:
- 1000k/6 tháng
- 1150k/năm(12 tháng)
=> Khi nâng cấp chỉ gửi 650k. Tải về và dùng thực tế. Thấy hài lòng thì 3 ngày sau mới gửi số phí còn lại
Cách nâng cấp:
- Bước 1: Chuyển phí vào STK: 1214136868686- Cty Fidutech- Ngân hàng MB
- Bước 2: Nhắn tin tới Zalo Fidutech - nhấn vào đây để thông báo và nhận các tài liệu