Giáo án ôn tập Ngữ văn 9 bài: Thơ hiện đại Việt Nam
Dưới đây là giáo án ôn tập bài: Thơ hiện đại Việt Nam. Bài học nằm trong chương trình Ngữ văn 9. Tài liệu dùng để dạy thêm vào buổi 2 - buổi chiều. Dùng để ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh. Giáo án là bản word, có thể tải về để tham khảo.
Xem: =>
Ngày soạn: …/…/…
Ngày dạy: …/…/…
BUỔI 12: ÔN TẬP THƠ HIỆN ĐẠI VIỆT NAM
(Văn bản: Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận)
I. MỤC TIÊU
- Kiến thức: Ôn tập củng cố khắc sâu kiến thức:
- Những hiểu biết bước đầu về tác giả Huy Cận và hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
- Những xúc cảm của nhà thơ trước biển cả rộng lớn và cuộc sống lao động của người dân trên biển.
- Nghệ thuật ẩn dụ, phóng đại, cách tạo dựng những hình ảnh tráng lệ, lãng mạn.
- Năng lực
Năng lực chung
- Năng lực tự chủ và tự học: Tìm kiếm thông tin, đọc sách giáo khoa, quan sát tranh ảnh để hiểu về nội dung đã học
- Năng lực giao tiếp và hợp tác: Thảo luận nhóm để thực hiện phiếu học tập, hợp tác giải quyết vấn đề để hiểu về văn bản đã học.
- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Năng lực trình bày và trao đổi thông tin trước lớp.
Năng lực riêng biệt
- Đọc - hiểu một tác phẩm thơ hiện đại.
- Phân tích được một số chi tiết nghệ thuật tiêu biểu trong bài thơ.
- Cảm nhận được cảm hứng về thiên nhiên và cuộc sống lao động của tác giả được đề cập tới trong tác phẩm.
3.Về phẩm chất
- Giáo dục học sinh thêm yêu con người và cuộc sống lao động đầy thi vị, lãng mạn, nên thơ của người dân vùng biển Quảng Ninh.
*Tích hợp bảo vệ môi trường :
- Giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường biển.
- Giáo dục đạo đức: Lòng yêu nước, tự hào về quê hương đất nước, tinh thần lao động mới. Lòng tự trọng của bản thân, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
→ Giáo dục các giá trị tình yêu thương, hạnh phúc, giản dị, tôn trọng, trách nhiệm, khoan dung...
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
- Giáo viên: Giáo án, sách giáo khoa, phiếu học tập.
- Học sinh: Thiết bị học tập cần thiết
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
KHỞI ĐỘNG
a. Mục tiêu: Tạo tâm thế và định hướng chú ý cho HS; tạo vấn đề vào chủ đề.
b. Nội dung hoạt động: HS trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: HS suy nghĩ trả lời.
Tổ chức thực hiện:
- GV bật bài hát “Tình ta biển bạc đồng xanh” cho học sinh nghe.
- GV đặt đề bài: Em hãy nêu cảm nhận của mình sau khi nghe xong bài hát.
- GV dẫn dắt vào phần ôn tập.
HỆ THỐNG LẠI KIẾN THỨC
Hoạt động: Ôn tập lại những kiến thức về tác giả và bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”
- Mục tiêu: Hệ thống lại những kiến thức về tác giả và bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”
- Nội dung hoạt động: HS thảo luận, trả lời câu hỏi được phân công.
- Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.
- Tổ chức thực hiện:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Nhiệm vụ 1: Nhắc lại kiến thức khái quát về tác giả Huy Cận. Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ - GV yêu cầu HS tìm hiểu thông tin về tác giả Huy Cận: + Năm sinh – năm mất + Quê quán + Sự nghiệp và phong cách sáng tác. + Giải thưởng và tác phẩm chính. Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ - HS thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả - GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá - GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.
Nhiệm vụ 2: Nhắc lại kiến thức khái quát về tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ - GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: + Nhóm 1: Nêu hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, thể thơ và phương thức biểu đạt của bài thơ. + Nhóm 2: Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ? + Nhóm 3: Nêu chủ đề và bố cục của bài thơ. + Nhóm 4: Nêu ý nghĩa nhan đề của bài thơ. Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ - HS thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả - GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá - GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức. | I. Tác giả: - Tên thật: Cù Huy Cận (1919 - 2005) - Quê: Nghệ Tĩnh. - Huy Cận là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới với tập “Lửa thiêng” (1940). - Là nhà thơ tiêu biểu trong nền thơ hiện đại Việt Nam. - Tham gia cách mạng từ trước 1945 và sau Cách mạng tháng Tám từng giữ nhiều trọng trách trong chính quyền cách mạng. - Thơ Huy Cận sau cách mạng tràn đầy niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống mới. Thiên nhiên vũ trụ là nguồn cảm hứng dồi dào trong thơ Huy Cận và nó mang những nét đẹp riêng. - Năm 1996, ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. - Tác phẩm chính: Lửa thiêng (1940); Trời mỗi ngày lại sáng(1958). II. Tác phẩm: a. Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác 1958, khi miền Bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng, đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Chuyến thâm nhập thực tế ở Quảng Ninh của Huy Cận đã giúp chúng ta thấy rõ không khí lao động của nhân dân ta trong giai đoạn đó. - Xuất xứ: in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng”. - Thể thơ: tự do. (7 chữ) - Phương thức biểu đạt: Biểu cảm kết hợp với miêu tả. b. Khái quát nội dung, nghệ thuật: * Nội dung: - Bài thơ đã khắc họa hình ảnh đẹp đẽ tráng lệ cũng như thể hiện sự hài hóa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, tự hào của nhà thơ, đất nước. - Con người lao động làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. * Nghệ thuật: - Sử dụng bút pháp lãng mạn với các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, phóng đại. - Khắc họa được nhiều hình ảnh đẹp: mặt trời, biển cả, đoàn thuyền. - Miêu tả sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người. - Sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu, gợi liên tưởng, âm hưởng khỏe khoắn, lạc quan. c. Chủ đề: Ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của thiên nhiên, biển cả, sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. Niềm tự hào về sự đổi thay của đất nước. d. Bố cục của bài thơ: Bài thơ chia làm 3 phần: - Đoạn 1: Hai khổ đầu: Cảnh đoàn thuyền ra khơi và tâm trạng náo nức của con người - Đoạn 2: Bốn khổ tiếp: Cảnh hoạt động của đoàn thuyền trên biển ban đêm - Đoạn 3: Khổ cuối: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về. e. Ý nghĩa nhan đề Nhan đề bài thơ gợi ra nhiều ý nghĩa. - Trước hết, ta có thể xác định được hình ảnh trung tâm trong bài thơ là đoàn thuyền đánh cá. - Đầu tiên “đoàn thuyền” - không chỉ một con thuyền mà là rất nhiều con thuyền cùng nhau ra khơi, để làm công việc lao động quen thuộc với cuộc sống của họ “đánh cá”. → Qua hình ảnh này, nhà thơ muốn ca ngợi sự đoàn kết của nhân dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời ca ngợi vẻ đẹp trù phú của thiên nhiên Việt Nam, cũng như bộc lộ tình yêu sâu đậm với quê hương, đất nước. |
Hoạt động 2: Ôn tập kiến thức trọng tâm về tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”
- Mục tiêu: Hệ thống lại những kiến thức trọng tâm về tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”
- Nội dung hoạt động: HS thảo luận, trả lời câu hỏi được phân công.
- Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.
- Tổ chức thực hiện:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Nhiệm vụ: Nhắc lại đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Đoàn thơ đánh cá” Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ - GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: + Nhóm 1: Nêu những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của hai khổ thơ đầu? + Nhóm 2: Nêu những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của bốn khổ thơ tiếp theo? + Nhóm 3: Nêu những đặc sắc về nội dung nghệ, nghệ thuật của khổ thơ cuối, ý nghĩa của bài thơ? Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ - HS thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả - GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá - GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức. | III. Kiến thức trọng tâm 1. Nội dung a. Hai khổ thơ đầu: Cảnh hoàng hôn trên biển và đoàn thuyền đánh cá ra khơi. - Từ ngữ giàu sắc thái gợi tả, hình ảnh đẹp, rực rỡ, kì vĩ, phép so sánh, nhân hoá liên tưởng thú vị, độc đáo, bất ngờ . → Thiên nhiên đẹp rực rỡ, kì vĩ, vùa bí ẩn vừa gần gũi với con người. - Đối lập: thiên nhiên và vũ trụ nghỉ ngơi, con người bắt đầu lao động - Đoàn thuyền: + Ra khơi → Tư thế hào hứng, phấn khởi + Hình ảnh “câu hát căng buồm” thơ mộng, khoẻ khoắn, lãng mạn, lạ mà thật. Niềm vui, sự phấn chấn hào hứng của người lao động. → Ước mơ đánh bắt được nhiều cá - Nhịp thơ sôi nổi, khoẻ khoắn - Nghệ thuật: Liệt kê, so sánh, ẩn dụ Ca ngợi sự lao động bền bỉ, dũng cảm, lạc quan của con người trước biển cả. b. Bốn khổ thơ tiếp: Cảnh đánh cá trên biển - Nghệ thuật: Bút pháp lãng mạn, hình ảnh thơ đẹp, sáng tạo, bất ngờ xây dựng bằng liên tưởng phong phú, độc đáo. - Bức tranh: + Thiên nhiên đẹp hùng vĩ, tráng lệ, huyền ảo, thơ mộng. + Con thuyền: kì vĩ, khổng lồ hoà nhập với thiên nhiên. + Con người: hăng say, hào hứng, nhịp nhàng cùng thiên nhiên → lạc quan, yêu cuộc sống. + Các loài cá: rực rỡ, lộng lẫy → Không khí lao động với niềm say mê, hào hứng, khỏe khoắn, thiên nhiên và con người đã thực sự hòa nhập, hỗ trợ nhau tròn công cuộc chinh phục biển cả. c. Khổ cuối: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về: - Khúc hát phơi phới, lạc quan chở đầy niềm vui thắng lợi, niềm tin - Hình ảnh nhân hoá, ẩn dụ, liên tưởng. → Đoàn thuyền hào hứng chạy đua cùng thời gian → chinh phục thiên nhiên. - Cảnh bình minh huy hoàng của một ngày mới → cuộc sống mới. Sự hài hoà, gắn bó giữa thiên nhiên với con người lao động. 2. Ý nghĩa - Bài thơ thể hiện nguồn cảm hứng lãng mạn ngợi ca biển cả lớn lao, giàu dẹp, ngợi ca nhiệt tình lao động vì sự giùa đẹp của đất nước, của những người lao động mới. |
- BÀI TẬP LUYỆN TẬP VẬN DỤNG
- Mục tiêu: HS khái quát lại nội dung bài học thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập.
- Nội dung hoạt động: HS thảo luận, hoàn thành phiếu học tập.
- Sản phẩm học tập: Câu trả lời của các câu hỏi, bài tập.
- Tổ chức thực hiện:
- Dạng đề đọc hiểu
Nhiệm vụ 1: GV phát đề cho HS, yêu cầu HS tự hoàn thành các bài tập theo hình thức cá nhân.
PHIẾU BÀI TẬP 1 Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi: Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then đêm sập cửa Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi Câu hát căng buồm cùng gió khơi. Câu 1. Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ? Câu 2. Ở hai câu đầu của đoạn thơ, tác giả sử dụng biện pháp tu từ gì? Hãy chỉ rõ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ ấy?
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1: Hoàn cảnh sáng tác: Viết giữa năm 1958, trong chuyến đi thực tế dài ngày của tác giả ở vùng mỏ Quảng Ninh. Câu 2. - Ở câu thơ đầu bài thơ, tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật: so sánh - So sánh: mặt trời lặn xuống biển như hòn lửa - Phép tu từ so sánh: vừa độc đáo, vừa gây ấn tượng mạnh, mặt trời được ví với hòn lửa đem đến cho bức tranh hoàng hôn một vẻ đẹp rực rỡ, tráng lệ, và ấm áp chứ không hiu hắt, ảm đạm như trong thơ cổ. - Nhân hóa: sóng cài then, đêm sập cửa. - Tác dụng: gắn cho sự vật hành động của con người, gợi ra trước mắt người đọc cảm giác vũ trụ như một ngôi nhà lớn, với màn đêm buông xuống là cánh cửa khổng lồ và những gợn sóng là then cài cửa. Không gian vũ trụ rộng lớn, mênh mông, kì vĩ mà vẫn gần gũi, ấm áp như ngôi nhà của con người. |
PHIẾU BÀI TẬP 2 Trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận có câu thơ sau: “Thuyền ta lái gió với buồm trăng” Câu 1. Chép chính xác ba câu thơ tiếp theo? Dựa vào trình tự ra khơi của đoàn thuyền thì đoạn trích em vừa chép mang nội dung gì ? (Diễn đạt ngắn gọn bằng một câu văn) Câu 2. Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật mà tác giả sử dụng trong câu thơ “Thuyền ta lái gió với buồm trăng”? Các biện pháp nghệ thuật đó đã góp phần khắc họa vẻ đẹp nào của những người ngư dân? Câu 3. Viết một bài văn (tối đa 1,5 trang giấy thi) nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp của con thuyền và người lao động được thể hiện trong khổ thơ. Từ đó hãy nêu suy nghĩ của bản thân về trách nhiệm đối với việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo trong thời đại ngày nay.
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1. “Thuyền ta lái gió với buồm trăng Lướt giữa mây cao với biển bằng, Ra đậu dặm xa dò bụng biển, Dàn đan thế trận lưới vây giăng.” - Nội dung: Đoạn thơ đã khắc họa hình ảnh đoàn thuyền đánh cá giữa biển đêm hùng tráng và thơ mộng. Câu 2. - Biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, nói quá qua từ “lái”. - Tác dụng: + Khắc họa hình ảnh đoàn thuyền ra khơi với một tư thế mới, đẹp một cách hùng tráng, thơ mộng; tô đậm hình ảnh con thuyền ra khơi: con thuyền nhỏ bé bỗng được nâng lên tầm vóc lớn lao ngang tầm thiên nhiên, vũ trụ. + Tâm hồn: phóng khoáng, lãng mạn. Câu 3. Nội dung phải đảm bảo các ý a. Vẻ đẹp của hình ảnh con thuyền + Con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển cả bao la đã trở thành con thuyền kì vĩ, khổng lồ hoà nhập với kích thước rộng lớn của thiên nhiên, vũ trụ. Con thuyền đó như đang bay giữa không gian trong một đêm tuyệt đẹp. Những hình ảnh “lái gió”, “buồm trăng”, “mây cao”, “biển bằng” vừa đậm chất hiện thực vừa mang vẻ đẹp lãng mạn. + Nghệ thuật nhân hóa, sử dụng các động từ mạnh, hình ảnh thơ trong sáng, giàu biểu cảm… b. Vẻ đẹp của người lao động - Con người hiện ra trong lao động với tư thế hiên ngang, chủ động làm chủ biển cả bao la. + Mang trong mình khí thế của người làm chủ, biển thu hẹp lại để con người “ra đậu dặm xa”, "dàn đan thế trận" và "dò bụng biển" để con người tìm tòi, khám phá. Họ đàng hoàng ra những nơi xa để bắt thiên nhiên phục vụ cho con người. Họ những dân chài mang theo cả sức trẻ, sức khoẻ, mang theo cả sự tìm tòi, khám phá để khá phá thế giới bí hiểm của thiên nhiên, của đại dương bao la. + Công việc đánh bắt ấy như một trận chiến mà mỗi người lao động như một chiến sĩ. - Nghệ thuật: sử dụng các động từ mạnh, liệt kê… c. Từ vẻ đẹp của con thuyền và người lao động được thể hiện trong khổ thơ HS nêu suy nghĩ về trách nhiệm với việc bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo. + Nhận thức về giá trị của của biển đối với cuộc sống của con người. + Trách nhiệm: bảo vệ môi trường biển, bảo vệ chủ quyền biên giới, không để kẻ tù ngang nhiên xâm phạm. d. Đánh giá - Khổ thơ đã thể hiện được những thay đổi lớn lao trong thơ Huy Cận. - Khổ thơ đã thể hiện được vẻ đẹp của người lao động trong một cuộc sống mới, được làm chủ quê hương, đất nước. - Thể hiện tình yêu, niềm tự hào của nhà thơ. |
Nhiệm vụ 2: GV phát phiếu bài tập theo nhóm, chia lớp thành 4 nhóm, mỗi nhóm cùng thảo luận và hoàn thành bài tập.
PHIẾU BÀI TẬP 3 – Nhóm 1,2 Sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người đã làm nên bức tranh đẹp về cuộc sống mới ở miền Bắc thời kì xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Câu 1. Nhận xét trên nói về bài thơ nào? Ai là tác giả? Câu 2. Trong bài thơ em vừa nêu có nhiều từ “hát” khiến cả bài thơ như một khúc tráng ca. Đó là khúc ca gì và tác giả thay lời ai? Chép chính xác câu thơ có từ “hát” được dùng nghệ thuật ẩn dụ trong bài thơ và nêu tác dụng? Câu 3. Viết đoạn văn khoảng 12 - 15 câu làm sáng tỏ nhận xét trên. Trong đoạn có sử dụng câu bị động và một câu cảm thán. (Gạch chân và chú thích rõ). Cho biết đoạn văn em vừa viết diễn đạt theo cách nào?
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1. - Tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” - Tác giả: Huy Cận Câu 2. - Khúc ca ca ngợi thiên nhiên, biển cả quê hương giàu đẹp; ca ngợi người lao động và công việc đánh cá. - Tác giả thay lời người lao động, người đánh cá - Chép chính xác hai câu thơ có từ “hát” và hình ảnh ẩn dụ “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/ Câu hát căng buồm với gió khơi” - Tác dụng: biến cái ảo thành cái thực → khí thế phơi phới, mạnh mẽ của đoàn thuyền với niềm vui và sức mạnh của người lao động làm chủ cuộc đời, chinh phục biển khơi. Câu 3. * Nội dung: - Bức tranh thiên nhiên thật rộng lớn, đẹp lộng lẫy. + Cảnh bình minh và hoàng hôn được đặt ở vị trí mở đầu và kết thúc bài thơ vẽ ra không gian rộng lớn mà thời gian là nhịp tuần hoàn của vũ trụ. + Vẻ đẹp của trăng, sao, sóng biển, mây, nước… lung linh, huyền ảo. + Sự giàu đẹp của các loài cá. - Hình ảnh người lao động giữa thiên nhiên cao đẹp + Con người không nhỏ bé mà đầy sức mạnh, hòa hợp với thiên nhiên + Tìm thấy niềm vui trong lao động qua câu hát → tình yêu cuộc sống. + Cảm nhận được vẻ đẹp, sự giàu có của biển → trân trọng và biết ơn biển cả quê hương * Nghệ thuật: + Hình ảnh đẹp, lãng mạn + Giọng thơ khỏe khoắn + Bút pháp lãng mạn và liên tưởng phong phú. |
PHIẾU BÀI TẬP 4 – Nhóm 3,4 Câu 1. Trong bài “Cành phong lan bể” có câu: “Con cá song cầm đuốc dẫn thơ về” Bài “Đoàn thuyền đánh cá” cũng có câu thơ giàu hình ảnh tương tự. Hãy chép chính xác khổ thơ có câu thơ đó. Câu 2. Con “cá song” và “ngọn đuốc” là hai sự vật khác nhau trong thực tế nhưng nhà thơ Huy Cận lại có sự liên tưởng hợp lí. Tại sao? Câu thơ của ông giúp người đọc hiểu thêm gì về thiên nhiên và tài quan sát của ông? Câu 3. Dưới đây là câu chủ đề cho một đoạn văn trình bày cảm nhận về khổ thơ yêu cầu chép ở câu một: “Chỉ với bốn câu thơ, Huy Cận đã cho ta thấy một bức tranh kì thú về sự đẹp đẽ của biển cả quê hương”. Em hãy viết tiếp khoảng 8 đến 10 câu để hoàn chỉnh đoạn văn trên theo phương pháp lập luận diễn dịch (có câu ghép và có thành phần tình thái). Câu 4. Trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”, hình ảnh thơ nào được lặp lại nhiều lần nhằm làm nổi bật tư tưởng của bài thơ. Việc lặp lại đó nhằm nói lên tư tưởng gì? Bằng một đoạn văn hãy chỉ ra ý nghĩa?
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1. Khổ thơ giàu hình ảnh tương tự trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” “Cá nhụ cá chim cùng cá đé, Cá song lấp lánh đuốc đen hồng, Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe, Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.” Câu 2. - Sự liên tưởng của nhà thơ dựa trên cơ chế ẩn dụ. Bằng sự quan sát tinh tế, nhà thơ đã nhận ra nét tương đồng giữa hình ảnh con cá song và ngọn đuốc. Đó là cùng có ánh sáng hồng lấp lánh trong màn đêm đen. Cá song đêm xuống thường nổi lên mặt biển hàng đàn cho đến lúc rạng đông, cá song thường có màu sắc rất sặc sỡ. Trên nền da sẫm có nhiều đốm vằn đỏ hồng như những ngọn đuốc đỏ rực sáng lên trong trăng sao - Câu thơ giúp người đọc hiểu biết thêm về vẻ đẹp ở các loài cá, vẻ đẹp của thiên nhiên biển khơi, đó là vẻ đẹp lạ kì. Trí tưởng tượng của nhà thơ quả là kì diệu, bút pháp lãng mạn của nhà thơ quả là bay bổng. Điều đó đã chấp cánh cho hiện thực trở nên kì ảo, làm giàu thêm cái đẹp vốn có trong tự nhiên. Câu 3. Câu chủ đề: Chỉ với bốn câu thơ, tác giả đã cho ta thấy một bức tranh kì thú về sự đẹp đẽ của biển cả quê hương . Các câu khai triển: - Tôn lên vẻ đẹp rực rỡ, kì diệu của biển cả là sắc màu của những đuôi cá, vẩy cá, mắt cá với những màu sắc rực rỡ. - Những con cá song giống như ngọn đuốc đen hồng đang lao đi trong luồng nước dưới ánh trăng lấp lánh quả là hình ảnh ẩn dụ, độc đáo. - “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe” là hình ảnh đẹp nhất. Ánh trăng in xuống mặt nước, những con cá quẫy đuôi nư quẫy ánh trăng tan ra, vàng chóe. (Câu ghép) - Vẻ đẹp ở biển khơi càng tráng lệ, càng huyền ảo hơn bởi hình ảnh nhân hóa: “Đêm thở: Sao lùa nước Hạ Long”. “Đêm” được miêu tả như một sinh vật đại dương đang thở. Phải chăng tiếng thở của đêm là tiếng rì rào của sóng. Đây là một hình ảnh đảo ngược, một sáng tạo nghệ thuật của Huy Cận, khiến cảnh thiên nhiên thêm sinh động. Câu 4. Gồm những ý cơ bản sau: - Khi đoàn thuyền ra khơi, “câu hát” được cất lên, gió thổi căng cánh buồm đưa thuyền rẽ sóng. Tiếng hát lúc này là niềm vui, niềm lạc quan là tâm trạng phán trấn, họ hát thực hiện những ước mơ hồn hậu, mộc mạc, biển lặng, sóng êm, đàn cá đan dệt vào lưới của họ để chuyến ra khơi thắng lợi. - Khi đánh cá trên biển, trong đêm khuya, vũ trụ nghỉ ngơi, họ lại cất cao tiếng hát “ta hát bài ca gọi cá vào”. Thể hiện khí thế lao động hào hứng, hăng say, là tình yêu lao động của những người dân chài. Với tiếng hát gọi cá vào lưới, hào cùng với nhịp trăng gõ vào mạn thuyền, thể hiện hài hòa, hoạt động nhịp nhàng của con người với thiên nhiên vũ trụ, công việc lao động vất vả trở thành công việc nhẹ nhàng, phơi phới giàu chất thơ. - Câu hát khi thuyền trở về bến, là khúc ca khải hoàn, là niềm vui chiến thắng, là sự thắng lợi mĩ mãn của chuyến ra khơi. Đoạn văn tham khảo: Bài thơ “ Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận được coi là một khúc tráng ca làm nổi bật hình ảnh người lao động mới với niềm tin vào cuộc sống mới. Nhà thơ Huy Cận đã dùng hình ảnh “câu hát” lặp đi lặp lại nhiều lần theo hành trình chuyến ra khơi nhưng mỗi lần lại có nội dung tư tưởng và ý nghĩa khác. Khi đoàn thuyền ra khơi, “câu hát” được cất lên, gió thổi căng cánh buồm đưa thuyền rẽ sóng. Tiếng hát lúc này là niềm vui, niềm lạc quan là tâm trạng phán trấn, họ hát thực hiện những ước mơ hồn hậu, mộc mạc, biển lặng, sóng êm, đàn cá đan dệt vào lưới của họ để chuyến ra khơi thắng lợi. Khi đánh cá trên biển, trong đêm khuya, vũ trụ nghỉ ngơi, họ lại cất cao tiếng hát “ta hát bài ca gọi cá vào”. Thể hiện khí thế lao động hào hứng, hăng say, là tình yêu lao động của những người dân chài. Với tiếng hát gọi cá vào lưới, hào cùng với nhịp trăng gõ vào mạn thuyền, thể hiện hài hòa, hoạt động nhịp nhàng của con người với thiên nhiên vũ trụ, công việc lao động vất vả trở thành công việc nhẹ nhàng, phơi phới giàu chất thơ. Khi lao động họ còn cất cao tiếng hát, tri ân biển: “Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”. Sau một đêm thức trắng, lao động mệt mỏi giữa biển khơi mênh mông, thuyền nào cũng đầy ắp cá, câu hát lại một lần nữa cất lên cùng gió khơi, đưa thuyền trở về bến, là khúc ca khải hoàn, là niềm vui chiến thắng, là sự thắng lợi mĩ mãn của chuyến ra khơi. Như thế tiếng hát của người lao động lặp đi lặp lại một lần nữa khẳng định bài thơ là khúc ca lao động, là tiếng hát trong hồn thơ Huy Cận khi – trời mỗi ngày lại sáng. |
- Dạng đề nghị luận văn học
Nhiệm vụ 3: GV phát phiếu bài tập, các em lập dàn ý cho đề bài dưới đây.
PHIẾU BÀI TẬP 5 Đề bài: Cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên và con người qua đoạn thơ sau: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then đêm sập cửa Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi Câu hát căng buồm cùng gió khơi Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng Cá thu biển Đông như đoàn thoi Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi! … Câu hát căng buồm với gió khơi Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời Mặt trời đội biển nhô màu mới Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi!”
GỢI Ý ĐÁP ÁN * Gợi ý: I. Mở bài: - Giới thiệu tác giả, tác phẩm. - Giới thiệu vấn đề nghị luận: bức tranh thiên nhiên và con người được thể hiện qua đoạn thơ. II. Thân bài: - Giới thiệu hoàn cảnh ra đời bài thơ. - Mở đầu bài thơ là khung cảnh trời biển: Cảnh đoàn thuyền ra khơi trên phông nền buổi hoàng hôn tuyệt đẹp “Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then đêm sập cửa” + Hình ảnh so sánh độc đáo, gợi quang cảnh kì vĩ, tráng lệ của bầu trời và mặt biển lúc hoàng hôn. + Sử dụng hình ảnh nhân hóa: Tả những con sóng xô bờ như những chiếc then cửa của vũ trụ để chìm vào trạng thái nghỉ ngơi. Gợi cảm giác thân thương, gần gũi, vũ trụ được hình dung như một ngôi nhà lớn của con người. - Trên nền thiên nhiên tuyệt đẹp ấy, con người dần xuất hiện: “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi Câu hát căng buồm cùng gió khơi” + Phó từ “lại” gợi tư thế chủ động, công việc ra khơi cứ lặp đi, lặp lại hàng ngày, trở thành hành động quen thuộc. Gợi sự đối lập giữa hoạt động của vũ trụ và con người. + Câu hát là niềm vui, sự hào hứng hăm hở của người lao động. Với nghệ thuật chuyển đổi cảm giác, căng hát căng buồm gợi vẻ đẹp tâm hồn của người lao động gửi gắm vào trong lời hát. - Đoàn thuyền ra khơi trong trạng thái phấn chấn đến lạ kì. Và trong tâm trạng náo nức ấy, những người dân chài đã cất cao tiếng hát: “Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng Cá thu biển Đông như đoàn thoi Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!” + Liệt kê (cá bạc, cá thu) và so sánh (như đoàn thoi) mang đến âm hưởng ngợi ca, tự hào trong câu hát về sự giàu có của biển cả. + Hình ảnh nhân hóa: Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng: cho thấy không khí lao động hăng say, không kể ngày đêm của những người lao động. Đồng thời cũng gợi hình ảnh những đoàn cá đang dệt những tấm lưới giữa biển Đông. → Tác giả đã phác họa rất thành công một bức tranh thiên nhiên kì vĩ, thơ mộng và qua đó gợi được tâm hồn phóng khoáng, tình yêu lao động và niềm hi vọng của người dân chài. - Sau một đêm lao động với tinh thần hăng say và nhiệt tình, đoàn thuyền đánh cá đã trở về trong câu hát: “Câu hát căng buồm với gió khơi Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời Mặt trời đội biển nhô màu mới Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi!” + Câu hát thể hiện niềm hân hoan, vui sướng vì chuyến đi thành công, thu được nhiều cá. + Hình ảnh nhân hóa “chạy đua” diễn tả không khí khẩn trương, gấp gáp. + Hình ảnh mắt cá huy hoàng là ánh sáng là ước mơ hứa hẹn cuộc sống ấm no. III. Kết bài: Bằng những từ ngữ gợi tả, biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, liệt kê, lối nói khoa trương, âm hưởng khỏe khoắn, vui tươi những khổ thơ trên thực sự là một khúc ca hoành tráng của người lao động. Đó là khúc ca của những con người được làm chủ thiên nhiên, làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời. Trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, bài thơ sẽ mãi là động lực khiến chúng ta cảm thấy yêu đời yêu quê hương đất nước sâu sắc. * Bài viết tham khảo Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận là một bài thơ cuộc đời. Bài thơ được sáng tác năm 1958 nhân một chuyến đi thực tế tại vùng mỏ Quảng Ninh. Thông qua một đêm đánh cá của đoàn thuyền lớn trên biển, tác giả ca ngợi kiểu lao động mới mẻ của người lao động tràn đầy lạc quan,tin tưởng làm chủ thiên nhiên biển cả bao la. Không khí lao động khẩn trương, hăng say, nhộn nhịp của miền Bắc thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa đã được nhà thơ thể hiện rõ nét nhất trong những khổ thơ sau: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then đêm sập cửa Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi Câu hát căng buồm cùng gió khơi Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng Cá thu biển Đông như đoàn thoi Đêm này dệt biển muôn luồng sáng Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi! … Câu hát căng buồm với gió khơi Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời Mặt trời đội biển nhô màu mới Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi!” Mở đầu bài thơ là khung cảnh trời về chiều nhưng vẫn rất hùng vĩ và rực rỡ: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then đêm sập cửa” Một phép so sánh ví von hết sức gần gũi, tự nhiên, sáng tạo và độc đáo đến bất ngờ! Mặt trời sau một ngày cống hiến, tỏa sáng cho trần gian giờ đã lặn xuống song vẫn cháy rực như ngọn lửa, vẫn mãnh liệt và tràn đầy sức sống đến nhường nào! Bầu trời, mặt biển bao la rộng lớn như một ngôi nhà gần gũi với con người. Trước ngôi nhà sừng sững ấy ta bắt gặp hình ảnh sóng cài then và đêm sập cửa. Có lẽ hình ảnh nhân hóa độc đáo này chỉ gặp được trong thơ Huy Cận mà thôi! Ta cảm tưởng như những con sóng nhấp nhô ào ạt như những chiếc then cửa của ngôi nhà vũ trụ khi màn đêm dần buông xuống. Thiên nhiên mới gần gũi mà bí ẩn làm sao! Khi mà tất cả đã đi vào yên tĩnh nghỉ ngơi thì hoạt động của con người mới bắt đầu: “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi Câu hát căng buồm cùng gió khơi” Không phải chỉ có một chiếc thuyền mà trước mắt người đọc là cả một đoàn thuyền đang tiến về phía biển khơi. Phó từ lại như một nốt nhấn thể hiện sự tiếp diễn lặp lại một cách thường xuyên như một quy luật bất biến. Công việc đi biển là công việc rất quen thuộc của các ngư dân. Dường như họ chỉ chờ màn đêm buông xuống để được lướt thuyền đi đánh cá. Cùng với những con thuyền ấy là tiếng hát khỏe khoắn, vui tươi hòa quyện với gió thổi làm căng cánh buồm ra khơi. Hình ảnh ẩn dụ, lối nói khoa trương câu hát căng buồm khiến người đọc như bay lên cùng với lời hát của người ngư dân. Họ bắt đầu một ngày lao động bằng một tư thế sẵn sàng hào hứng và đầy niềm vui như vậy đấy! “Hát rằng cá bạc biển Đông lặng Cá thu biển Đông như đoàn thoi Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!” Nhà thơ đã sử dụng phép liệt kê cá bạc, cá thu… để nhấn mạnh sự giàu có của biển khơi. Phép so sánh rất thú vị và độc đáo cá thu biển Đông như đoàn thoi gợi sự đông đúc của các loài cá trên biển Đông. Bên cạnh đó biện pháp nhân hóa thật gần gũi qua cũng từ dệt biển, dệt lưới đã dựng lại một không gian biển cả đầy màu sắc. Những đoàn cả dày đặc được ánh trăng soi rọi, những vảy bạc, vảy vàng lung linh rực rỡ. Biển cả lúc này như một tấm thảm được dệt nên từ ánh sáng của những loài cá. Khổ thơ thứ hai vẫn nằm trong cảm xúc mênh mang sâu lắng như là một khúc ca. Những người dân vùng biển cất tiếng hát như lời mong ước biển lặng, cá nhiều để công việc của họ suôn sẻ, thuận lợi. Niềm mong ước đó là khát vọng biết bao đời nay của người ngư dân. Cả khổ thơ là khí thế ra khơi đầy sôi nổi nhiệt tình lạc quan giống như một đêm hội trên biển. Câu hát đã đánh thức cả màn đêm và biển cả. Thiên nhiên vũ trụ trở nên sinh động vô cùng. Những khổ thơ tiếp theo miêu tả và làm nổi bật hình ảnh công việc đánh cá của người dân chài trên biển Hạ Long. Sau một đêm trên biển, họ đã lao động với tinh thần hăng say và nhiệt tình hiếm có. Thành quả của họ là những chuyến cá đầy ắp khoang. Bình minh lên, khép lại một đêm lao động vất vả trên biển khơi, và bây giờ là khung cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về: “Câu hát căng buồm với gió khơi Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời” Một lần nữa, câu hát của người dân chài được cất lên như một điệp khúc vâng rộn của người lao động nhưng tư thế của họ đã thay đổi. Họ hát không phải là ước mong, không phải để gọi cá mà hát trong một niềm hân hoan, vui sướng, ngập tràn, hát vì đã thu được nhiều cá khi bình minh lên. Trở về vẫn với câu hát ấy, cánh buồm ấy, ngọn gió ấy nhưng giờ đây đoàn thuyền lại chạy đua cùng mặt trời. Họ đang khẩn trương trở về đất liền trước khi mặt trời lên để kịp đưa những con cá tươi ngon vào chợ. Hình ảnh nhân hóa chạy đua diễn tả một không khí khẩn trương gấp gáp yêu đời của người lao động: “Mặt trời đội biển nhô màu mới Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” Có thể nói, đây là những hình ảnh đẹp đẽ, lung linh nhất trong cả bài thơ. Lúc này, bình minh đã lên, mặt trời từ từ đội biển nhô lên với ánh sáng chan hòa, nhuộm vô vàn màu sắc cho biển cả. Vũ trụ như một vòng tuần hoàn mở ra một ngày mới, khép lại một đêm lao động đầy vất vả trên biển. Hình ảnh mắt cá huy hoàng là thành quả đầy khó khăn của người dân chài. Từ huy hoàng chính là mơ ước về một tương lai tươi sáng, đầy triển vọng, hứa hẹn một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân. Bằng những từ ngữ gợi tả, biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, liệt kê, lối nói khoa trương, âm hưởng khỏe khoắn, vui tươi những khổ thơ trên thực sự là một khúc ca hoành tráng của người lao động. Đó là khúc ca của những con người được làm chủ thiên nhiên, làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời. Trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, bài thơ sẽ mãi là động lực khiến chúng ta cảm thấy yêu đời yêu quê hương đất nước sâu sắc. |
PHIẾU BÀI TẬP 6 Đề bài: Vẻ đẹp và sức mạnh của người lao động trước thiên nhiên - vũ trụ trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận.
GỢI Ý ĐÁP ÁN 1. Mở bài: - Nêu những nét chính về tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. - Bài thơ đã khắc họa được vẻ đẹp và sức mạnh của người lao động trước thiên nhiên- vũ trụ kỳ vĩ. 2. Thân bài a. Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ: đẹp, rộng lớn, lộng lẫy. - Cảm hứng vũ trụ đã mang đến cho bài thơ những hình ảnh thiên nhiên hoành tráng. - Cảnh hoàng hôn trên biển và cảnh bình minh được đặt ở vị trí mở đầu, kết thúc bài thơ vẽ ra không gian rộng lớn mà thời gian là nhịp tuần hoàn của vũ trụ. - Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi: không phải là con thuyền mà là đoàn thuyền tấp nập. → Con thuyền không nhỏ bé mà kì vĩ, hoà nhập với thiên nhiên, vũ trụ. - Vẻ đẹp rực rỡ của các loại cá, sự giàu có của biển cả. Trí tưởng tượng của nhà thơ đã chắp cánh cho hiện thực, làm giàu thêm, đẹp thêm vẻ đẹp của biển khơi. b. Người lao động giữa thiên nhiên cao đẹp. - Con người không nhỏ bé trước thiên nhiên mà ngược lại, đầy sức mạnh và hoà hợp với thiên nhiên. - Con người ra khơi với niềm vui trong câu hát. - Con người ra khơi với ước mơ trong công việc. - Con người cảm nhận được vẻ đẹp của biển, biết ơn biển - Người lao động vất vả nhưng tìm thấy niềm vui, phấn khởi trước thắng lợi. 3. Kết bài: - Hình ảnh người lao động được sáng tạo với cảm hứng lãng mạn cho thấy niềm vui phơi phới của họ trong cuộc sống mới. - Thiên nhiên và con người phóng khoáng, lớn lao. Tình yêu cuộc sống mới của nhà thơ được gửi gắm trong những hình ảnh thơ lãng mạn đó. |
PHIẾU BÀI TẬP 7 Đề bài: Suy nghĩ của em về bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận.
GỢI Ý ĐÁP ÁN 1. Mở bài - Giới thiệu tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. - Cảm nhận chung về nội dung và nghệ thuật chính của bài thơ. 2. Thân bài: a. Cảnh ra khơi: - Khung cảnh hoàng hôn trên biển vừa diễm lệ vừa hùng vĩ đầy sức sống. “Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then đêm sập cửa” - Cảnh người lao động ra khơi: Mang vẻ đẹp lãng mạn, thể hiện tinh thần hào hứng và khẩn trương trong lao động. "Câu hát căng buồm cùng gió khơi" b. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển: - Cảm nhận về biển: Giàu có và lãng mạn (đoạn thơ tả các loài cá, cảnh thuyền đi trên biển với cảm xúc bay bổng của con người) “Lướt giữa mây cao với biển bằng” - Công việc lao động vất vả nhưng lãng mạn và thi vị bởi tình cảm yêu đời yêu biển của ngư dân. Họ coi đó như một cuộc đua tài "Dàn đan thế trận lưới vây giăng" c. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về: - Hình ảnh thơ lặp lại tạo nên một lối vòng khép kín với dư âm của lời hát lạc quan của sự chiến thắng. - Hình ảnh nhân hóa, nói quá: "Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời ". Gợi vẻ đẹp hùng tráng về nhịp điệu lao động khẩn trương và không khí chiến thắng sau đêm lao động miệt mài của các chàng trai ngư dân. - Cảnh bình minh trên biển được miêu tả thật rực rỡ, con người là trung tâm bức tranh với tư thế ngang tầm vũ trụ và hình ảnh no ấm của sản phẩm đánh bắt được từ lòng biển "Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi" 3. Kết bài: Khẳng định đây là bài ca lao động yêu đời phơi phới của người ngư dân sau những ngày giàng được tự do với ý thức quyết tâm xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp. |
- CỦNG CỐ - DẶN DÒ
- GV yêu cầu HS nhớ lại đơn vị kiến thức đã học
- Bài tập về nhà:
+ Từ nội dung bài thơ, hãy viết một đoạn văn ngắn (7 - 10 câu) trình bày suy nghĩ của em về biển đảo quê hương.
+ Viết hoàn chỉnh bài tập làm văn số 5.
Trên chỉ là 1 phần của giáo án. Giáo án khi tải về có đầy đủ nội dung của bài. Đủ nội dung của học kì I + học kì II
Cần nâng cấp lên VIP
Khi nâng cấp lên tài khoản VIP, sẽ tải được tài liệu + nhiều hữu ích khác. Như sau:
- Giáo án đồng bộ word + PPT: đủ cả năm
- Trắc nghiệm cấu trúc mới: Đủ cả năm
- Ít nhất 10 đề thi cấu trúc mới ma trận, đáp án chi tiết
- Trắc nghiệm đúng/sai cấu trúc mới
- Câu hỏi và bài tập tự luận
- Lý thuyết và kiến thức trọng tâm
- Phiếu bài tập file word
- File word giải bài tập
- Tắt toàn bộ quảng cáo
- Và nhiều tiện khác khác đang tiếp tục cập nhật..
Phí nâng cấp:
- 1000k/6 tháng
- 1150k/năm(12 tháng)
=> Khi nâng cấp chỉ gửi 650k. Tải về và dùng thực tế. Thấy hài lòng thì 3 ngày sau mới gửi số phí còn lại
Cách nâng cấp:
- Bước 1: Chuyển phí vào STK: 1214136868686- Cty Fidutech- Ngân hàng MB
- Bước 2: Nhắn tin tới Zalo Fidutech - nhấn vào đây để thông báo và nhận các tài liệu