Giáo án ôn tập Ngữ văn 9 bài: Nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích

Dưới đây là giáo án ôn tập bài: Nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích. Bài học nằm trong chương trình Ngữ văn 9. Tài liệu dùng để dạy thêm vào buổi 2 - buổi chiều. Dùng để ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh. Giáo án là bản word, có thể tải về để tham khảo.

Xem: =>

Xem toàn bộ:

Ngày soạn: …/…/…

Ngày dạy: …/…/…

BUỔI 14: NGHỊ LUẬN VỀ TÁC PHẨM TRUYỆN HOẶC ĐOẠN TRÍCH

I. MỤC TIÊU

  1. Kiến thức:

- Những yêu cầu đối với bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích).

- Cách tạo lập văn bản nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.

  1. Năng lực

Năng lực chung

- Năng lực tự chủ và tự học: Tìm kiếm thông tin, đọc sách giáo khoa, quan sát tranh ảnh để hiểu về nội dung đã học

- Năng lực giao tiếp và hợp tác: Thảo luận nhóm để thực hiện phiếu học tập, hợp tác giải quyết vấn đề để hiểu về văn bản đã học.

- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Năng lực trình bày và trao đổi thông tin trước lớp.

Năng lực riêng biệt

- Nhận diện được bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) và kĩ năng làm bài nghị luận thuộc dang này.

- Đưa ra được những nhận xét, đánh giá về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) đã học  trong chương trình.

- Rèn kĩ năng làm bài văn nghị luận văn học: phân tích, nhận xét, đánh giá, tổng hợp khái quát hóa. Kĩ năng so sánh đối chiếu giữa nghị luận thơ với nghị luận truyện có gì giống và khác nhau.

3.Về phẩm chất

- Có ý thức nhận xét đánh giá khi gặp một tác phẩm truyện, đoạn trích.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

- Giáo viên: Giáo án, sách giáo khoa, phiếu học tập.

- Học sinh: Thiết bị học tập cần thiết

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

  1. KHỞI ĐỘNG
  2. a. Mục tiêu: Tạo tâm thế và định hướng chú ý cho HS; tạo vấn đề vào chủ đề.
  3. b. Nội dung hoạt động: HS trả lời câu hỏi.
  4. c. Sản phẩm học tập: HS suy nghĩ trả lời.
  5. Tổ chức thực hiện:

- GV đặt đề bài: GV giới thiệu, và phân vai cho HS đóng vai các nhân vật trong tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

- HS nữ (Phóng viên): Giới thiệu hoàn cảnh chương trình.

- HS nam(anh Ba): Đến tham dự chương trình, tóm tắt lại phần đầu câu chuyện → Xúc động không thể kể hết được câu chuyện → Nhờ cô giáo kể tiếp → GV bắt dẫn vào bài: Nhân vật ông Sáu và Bé Thu có những phẩm chất nào đáng mến? Vì sao em thích vẻ đẹp đó của ông ?

- Gợi ý:

+ Ông Sáu là người yêu  cha rất mực yêu thương con.

+ Bé Thu là cô bé cá tính, yêu cha mãnh liệt, sâu sắc.

- GV dẫn dắt vào phần ôn tập.

  1. HỆ THỐNG LẠI KIẾN THỨC

Hoạt động 1: Ôn tập lại kiến thức khái quát bài văn nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.

  1. Mục tiêu: Hệ thống lại những kiến thức bài văn nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.
  2. Nội dung hoạt động: HS thảo luận, trả lời câu hỏi được phân công.
  3. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.
  4. Tổ chức thực hiện:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Nhiệm vụ 1: Nhắc lại khái niệm đoạn văn nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ

- GV yêu cầu HS tìm hiểu khái niệm nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích: Thế nào là nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích?

+ Căn cứ vào đâu để đưa ra những nhận xét và đánh giá trong bài văn nghị luận của mình? Cách triển khai nhận xét, đánh giá trong bài văn nghị luận như thế nào?

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ

- HS thực hiện nhiệm vụ.

Bước 3: Báo cáo kết quả

- GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét.

Bước 4: Nhận xét, đánh giá

- GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.

Nhiệm vụ 2: Nhắc lại cách làm bài văn nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ

- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: Khi làm bài văn nghị luận về tác phẩm truyện/ đoạn trích cần đạt được những ý cơ bản nào?

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ

- HS thực hiện nhiệm vụ.

Bước 3: Báo cáo kết quả

- GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét.

Bước 4: Nhận xét, đánh giá

- GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.

 

 

 

 

 

 

 

 

I. Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích):

- Nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích là trình bày những suy nghĩ đánh giá nhận xét của mình về những vấn đề của tác phẩm truyện: toàn bộ tác phẩm, nhân vật  chủ đề, nội dung, nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm hoặc đoạn trích.

- Những nhận xét, đánh giá phải xuất phát từ giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Những nhận xét đánh giá phải được triển khai thành các luận điểm, luận cứ rõ ràng, lập luận thuyết phục.

- Bài nghị luận cần có bố cục mạch lạc, lời văn chuẩn xác, gợi cảm.

 

 

 

II. Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm/đoạn trích và nêu ý kiến đánh giá riêng của mình.

- Phân tích, đánh giá tác phẩm/ đoạn trích theo yêu cầu của đề:

+ Giải thích các khái niệm, từ ngữ trong đề bài (nếu cần thiết) để xác định đúng vấn đề cần nghị luận (→ giới thuyết luận đề).

+ Phân tích tác phẩm/ đoạn trích theo các phương diện của vấn đề.

+ Mỗi ý kiến nhận xét về đặc điểm nội dung và nghệ thuật của đoạn trích hay tác phẩm triển khai thành một luận điểm. Trong từng luận điểm sử dụng các luận cứ (lí lẽ và dẫn chứng) làm sáng tỏ.

- Đánh giá:

+ Đánh giá những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, đoạn trích.

+ Đánh giá vai trò, ý nghĩa của tác phẩm/ đoạn trích trong viện thể hiện vấn đề nghị luận, thể hiện tư tưởng, tài năng, phong cách nghệ thuật của tác giả; đánh giá về ý nghĩa, vị trí, vai trò của tác phẩm trong sự nghiệp tác giả, trong giai đoạn văn học, đối với thời đại.

 

Hoạt động 2: Ôn tập lại các dạng đề cụ thể của bài văn nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.

  1. Mục tiêu: Hệ thống lại các dạng đề cụ thể của bài văn nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.
  2. Nội dung hoạt động: HS thảo luận, trả lời câu hỏi được phân công.
  3. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.
  4. Tổ chức thực hiện:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Nhiệm vụ: Nhắc lại các dạng đề cụ thể của bài văn nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ

- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi:

+ Nhóm 1: Lập dàn ý cụ thể của đề bài nghị luận về một nhân vật trong tác phẩm truyện. Nêu ví dụ minh họa.

+ Nhóm 2: Lập dàn ý cụ thể của đề bài nghị luận về một chủ đề truyện.

+ Nhóm 3: Lập dàn ý cụ thể của đề bài nghị luận một đoạn trích truyện. Nêu ví dụ minh họa.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ

- HS thực hiện nhiệm vụ.

Bước 3: Báo cáo kết quả

- GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét.

Bước 4: Nhận xét, đánh giá

- GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.

 

 

 

 

 

 

 

 

III. Các dạng bài cụ thể

1. Nghị luận về một nhân vật trong tác phẩm truyện:

a. Mở bài: Giới thiệu được về nhân vật cần nghị luận.

Cách 1: Giới thiệu tác giả (bằng 1, 2 ý tiêu biểu), tác phẩm (hoàn cảnh sáng tác, nội dung khái quát) → nhân vật cần nghị luận.

Cách 2: Khái quát vấn đề → nhân vật cần nghị luận.

b. Thân bài:

- Khái quát (Tóm tắt truyện/ Giới thiệu công việc và hoàn cảnh sống của nhân vật.)

+ Cách tóm tắt:

 Khẳng định vị trí của nhân vật trong tác phẩm (nhân vật chính, nhân vật trung tâm...)

 Tóm tắt truyện bằng vài câu.

+ Cách nói về công việc và hoàn cảnh sống:

 Khẳng định vị trí của nhân vật trong tác phẩm.

 Xây dựng nhân vật, nhà văn đã đặt nhân vật vào trong hoàn cảnh, công việc rất đặc biệt, cụ thể.

- Phân tích/suy nghĩ/cảm nhận về nhân vật:

+ Luận điểm 1: Ngoại hình (nếu có)

+ Luận điểm 2: Phẩm chất -tính cách - diễn biến tâm lý.

+ Luận điểm 3: Số phận.

- Đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật và ý nghĩa/ vai trò của nhân vật.

+ Đánh giá nghệ thuật:

 Cốt truyện (giản dị/ li kì/ kịch tính)

 Cách xây dựng nhân vật: đặt trong hoàn cảnh, tình huống như thế nào.

+ Ý nghĩa nhân vật: nhân vật được xây dụng để làm gì?

c. Kết bài:

- Chốt lại những đặc điểm tiêu biểu của nhân vật. (tóm lại/có thể thấy/quả thật...

→ nếu đề bài có chữ "chứng minh")

- Cảm nghĩ về nhân vật hoặc rút ra bài học cho bản thân.

d. Ví dụ đề bài minh họa:

Đề 1: Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long.

Đề 2: Phân tích nhân vật Vũ Nương trong TP "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ.

Đề 3: Suy nghĩ của em về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng.

* Mở bài tham khảo:

Cách 1: Nguyễn Quang Sáng là cây bút đa tài viêt nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim. Ông hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam bộ. Nhắc đến ông ta không thể nhắc đến tác phẩm "Chiếc lược ngà". Truyện được viết năm 1966, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, sau này in trong tập truyện cùng tên của Nguyễn Quang Sáng. Tác phẩm viết về tình cha con cảm động trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh, qua đó ngợi ca tình phụ tử thiêng liêng và tố cáo tội ác của chiến tranh. Nội dung ấy được đặc biệt thể hiện ở nhân vật bé Thu – một cô bé cá tính, yêu cha mãnh liệt.

Cách 2: Tình cảm gia đình là một trong những đề tài được quan tâm nhiều trong các tác phẩm văn học trong giai đoạn chiến tranh. Bởi thế đã có không ít tác giả khai thác đề tài này. Một trong số đó phải kể đến Nguyễn Quan Sáng với truyện ngắn "Chiếc lược ngà". Tác phẩm viết về tình cha con cảm động trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh, qua đó ngợi ca tình phụ tử thiêng liêng và tố cáo tội ác của chiến tranh. Nội dung ấy được đặc biệt thể hiện ở nhân vật bé Thu – một cô bé cá tính, yêu cha mãnh liệt.

2. Nghị luận về một chủ đề của truyện

a. Mở bài: Nêu được chủ đề cần nghị luận.

- Cách 1: Tác giả → tác phẩm (chỉ nêu hoàn cảnh sáng tác) → chủ đề.

- Cách 2: Khái quát → Chủ đề.

b. Thân bài:

- Luận điểm 1: Khái quát – giới thuyết luận đề.

- Luận điểm 2: Phân tích chủ đề.

Lưu ý:

+ Chỉ phân tích những gì liên quan đến chủ đề.

+ Phải gọi được tên chủ đề vào đầu luận điểm.

- Luận điểm 3: Đánh giá.

+ Nghệ thuật.

+ Chủ đề.

c. Kết bài:

- Chốt lại chủ đề.

- Cảm nghĩ (tránh lặp lại với ý nghĩa chủ đề ở Luận điểm 3: đánh giá)

d. Ví dụ đề bài minh họa:

Đề 1: Phân tích vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ.

Đề 2: Cảm nhận của em về sự gan dạ, dũng cảm của cô thanh niên xung phong Phương Định trong "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê.

3. Nghị luận về một đoạn trích truyện:

a. Mở bài: Giới thiệu tác giả (bằng 1, 2 ý tiêu biểu), tác phẩm (hoàn cảnh sáng tác, nội dung khái quát) → Đoạn trích mà đề yêu cầu cần nghị luận.

b. Thân bài: (đi phân tích trực tiếp đoạn trích)

- Luận điểm 1: Phân tích.

+ Giá trị nội dung đoạn trích.

+ Giá trị nghệ thuật đoạn trích.

- Luận điểm 2: Đánh giá ý nghĩa của đoạn trích trong việc góp phần tạo nên thành công của tác phẩm, trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. (Không đánh giá nghệ thuật).

c. Kết bài:

Nhận xét, đánh giá khái quát đoạn trích (cái hay, độc đáo về giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng).

d. Ví dụ đề minh họa:

Đề 1: Cảm nhận của em về đoạn văn sau trong truyện ngắn "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ: " Về đến nhà chàng la um lên cho hả giận..... nàng gieo mình xuống sông mà chết".

Đề 2: Phân tích đoạn trích sau trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long: "Anh thanh niên bật cười khanh khách.... những người khác đáng cho bác vẽ hơn".

 

  1. BÀI TẬP LUYỆN TẬP VẬN DỤNG
  2. Mục tiêu: HS khái quát lại nội dung bài học thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập.
  3. Nội dung hoạt động: HS thảo luận, hoàn thành phiếu học tập.
  4. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của các câu hỏi, bài tập.
  5. Tổ chức thực hiện:

Nhiệm vụ 1: GV phát phiếu bài tập theo nhóm, chia lớp thành 4 nhóm, các nhóm thảo luận trong 10 phútđại diện nhóm lên bảng trình bày dàn ý của nhóm mình.

PHIẾU BÀI TẬP 1

Đề bài: Cảm nhận của em về tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN

1. Mở bài: Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm:

- Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng được viết năm 1966, khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ và được đưa vào tập truyện cùng tên.

- Văn bản đoạn trích là ở phần giữa câu chuyện, tập trung thể hiện sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu qua những tình huống bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí.

- Đó không chỉ là một tình cảm muôn thuở, có tính nhân bản bền vững, mà còn được thể hiện trong hoàn cảnh ngặt nghèo, éo le của chiến tranh và trong cuộc sống nhiều gian khổ, hi sinh của người cán bộ cách mạng. Vì thế, tình cảm ấy càng đáng trân trọng và đồng thời nó cũng cho thấy những nỗi đau mà chiến tranh gây ra cho cuộc sống bình thường của mọi người.

2. Thân bài:

a. Luận điểm 1: Thái độ, tình cảm của bé Thu trước và sau khi nhận ra ông Sáu là cha

-  Hoàn cảnh : Ông Sáu đi kháng chiến, xa nhà nhiều năm. Ông chưa được biết mặt đứa con gái – bé Thu. Tám năm sau, một lần về thăm nhà, trước khi nhận công tác mới, ông được gặp con nhưng bé Thu nhất định nhận ông Sáu là cha.

- Thái độ của Thu :

+Thoạt đầu, khi thấy ông Sáu vui mừng vồ vập nhận bé Thu là con, Thu tỏ ra lảng tránh và lạnh nhạt, xa cách. (Dẫn chứng: Nhìn anh Sáu với cặp mắt xa lạ và cảnh giác, dứt khoát không chịu kêu tiếng “ba”)

+ Cô bé đã có thái độ ngang ngạnh, thậm chí hỗn xược với ông Sáu: (Dẫn chứng: mặc cho người thân khuyên nhủ, tạo tình thế bắt buộc (chắt nước nồi cơm) để bé Thu phải nhận cha, nhưng đều thất bại. Thu từ chối sự quan tâm của anh Sáu (hất đổ miếng trứng cá khỏi chén cơm, khi cha đánh → không khóc, bỏ về nhà ngoại)

+ Được bà ngoại trò chuyện, tìm ra lí do, cô bé đã thay đổi hẳn thái độ.

+ Về nhà để chia tay ba, Thu cảm thấy hối lỗi (chỉ đứng nhìn, đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu, khe khẽ nói. Thu muốn nhận ba nhưng không dám gần Ba  vì trót làm ba giận (vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu, nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa)

+ Thật bất ngờ, sau lời chào từ biệt của người cha là tiếng kêu “Ba..a…a…ba!” như xé ruột của bé Thu. Em đã thể hiện tình cảm yêu quý cha một cách mãnh liệt (hôn ba cùng khắp, hôn cả vết thẹo dài bên má như muốn níu giữ ba).Thực chất bé Thu rất giàu tình cảm và trong trắng - khi biết ba đánh giặc bị thương thì ân hận vì đã không chị nhận ba và khao khát được kêu ba. Tinh huống ấy tạo xúc động cho mọi người.

Trước khi ba lên đường, cô bé đã cất tiếng gọi ba và thể hiện tình cảm yêu quý một cách mãnh liệt (Dẫn chứng)

 Qua đoạn trích, người đọc nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của bé Thu: yêu thương cha nhưng rạch ròi xấu - tốt, cá tính mạnh mẽ và cũng rất hồn nhiên ngây thơ. Thực chất hai thái độ trái ngược là sự thống nhất trong tính cách nhân vật. Qua những diễn biến tâm lí của bé Thu được miêu tả trong truyện, ta thấy tác giả rất am hiểu tâm lí trẻ em và diễn tả rất sinh động với tấm lòng yêu mến, trân trọng.

b. Luận điểm 2:  Tình cảm của ông Sáu dành cho con

- Nỗi khao khát gặp lại con sau ba năm xa cách.

+ Khi gặp lại con, không chờ xuồng cập bến, ông đã “nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra, bước vội vàng với những bước dài rồi dừng lại kêu to: Thu! Con” Anh vừa bước vào vừa khom người đưa tay đón chờ con… Anh không ghìm nổi xúc động….

+ Khi bé Thu sợ hãi bỏ chạy, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gẫy.

-  Nỗi khổ và niềm vui trong ba ngày về thăm nhà.

+ Trước thái độ lạnh nhạt, ông đã đau khổ, cảm thấy bất lực: Suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con. Nhưng càng vỗ về, con bé càng đẩy ra. Anh mong được nghe một tiếng ba của con bé, nhưng con bé chẳng bao giờ chịu gọi. Anh đau khổ lắm nhưng chỉ “nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười vì “khổ tâm đến nỗi không khóc được”.

+ Có lúc giận quá, không kìm được, ông đã đánh con và cứ ân hận mãi về việc làm đó (sau này ở chiến khu)

+ Hôm chia tay, nhìn thấy con đứng trong góc nhà, ông muốn ôm con, hôn con nhưng “sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy” nên “chỉ đứng nhìn nó” với đôi mắt “trìu mến lẫn buồn rầu”…

+ Cho đến khi nó cất tiếng gọi Ba, ông xúc động đến phát khóc và “không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc của con”.

- Xa con, ông luôn nhớ con trong nỗi day dứt, ân hận ám ảnh vì mình đã lỡ tay đánh con.

- Ông dồn hết tình yêu thương vào việc làm  một cây lược ngà cho con.

+ Tác giả diễn tả tình cảm của ông Sáu xung quanh chuyện ông làm chiếc lược: từ những cảm xúc của ông khi kiếm được khúc ngà: “từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Rồi sau đó, anh dồn hết tâm trí và công sức vào công việc: “anh cưa từng chiếc lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như một người thợ bạc”. Trên sống lưng có khắc một hàng chữ nhỏ. Trong hàng chữ ấy là bao nhiêu trìu mến yêu thương anh dành cho con gái. Chiếc lược trở thành một vật quý giá, thiêng liêng để mỗi khi nhớ con: “anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt”. Cây lược xoa dịu được nỗi ân hận vì đánh con.

+ Nhưng rồi ông đã hi sinh khi chưa kịp trao cho con chiếc lược. Trước khi hi sinh, ông dồn hết sức lực còn lại gửi người bạn mang cây lược về cho con gái

 Câu chuyện về chiếc lược ngà làm người đọc cảm động vì tình cha con thắm thiết, đẹp đẽ. Nhưng cảm động hơn nữa, nó còn khiến cho ta nghĩ đến những đau thương, mất mát, éo le mà con người phải gánh chịu vì cuộc chiến tranh.

c. Luận điểm 3: Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc của tác phẩm:

- Cốt truyện chặt chẽ với nhiều bất ngờ nhưng hợp lí:

+ Bé Thu không nhận ra cha khi ông Sáu về thăm nhà

+ Bé Thu biểu lộ tình cảm thật mãnh liệt với người cha trước lúc chia tay…

+  Nguyên nhân dẫn đến những sự việc ấy đã được tác giả giải thích một cách giản dị mà xúc động

 Sự bất ngờ càng gây hứng thú cho người đọc.

- Sự gặp gỡ tình cờ nhân vật - người kể chuyện với bé Thu (bấy giờ là cô giao liên dũng cảm) trong một lần ông cùng đoàn cán bộ đi theo đường dây giao liên vượt qua một quãng nguy hiểm ở Đồng Tháp Mười.

- Lựa chọn ngôi kể phù hợp: truyện được kể qua lời của một nhân vật trong tác phẩm: Ông Ba - người bạn thân của ông Sáu. Cách lựa chọn ngôi kể như vậy vừa tạo ra ấn tượng khách quan vừa có sức thuyết phục, bởi người kể chuyện không chỉ là người chứng kiến và kể lại câu chuyện mà còn bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với các nhân vật. Những ý nghĩ, cảm xúc của người kể chuyện làm người đọc hiểu rõ hơn các sự việc và đồng cảm với các nhân vật trong truyện, tăng thêm chất trữ tình và sức thuyết phục của truyện.

- Miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật (nhất là trẻ thơ) chính xác, hợp lí, tinh tế

- Ngôn ngữ tự nhiên, lời kể hấp dẫn

- Kể xen miêu tả. Giọng kể giầu cảm xúc, chân thực, sinh động, đầy sức thuyết phục.

c. Kết bài:

- Truyện đã thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh

- Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, xây dựng tình huống bất ngờ, tự nhiên, hợp lí, cách miêu tả tính cách nhân vật đặc sắc, thể hiện tình cảm sâu sắc của tác giả: cảm thông, sẻ chia, trân trọng.

 

PHIẾU BÀI TẬP 2

Đề bài: Hãy phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. Nhân vật ấy giúp em hiểu thêm nét đẹp gì ở những con người lao động?

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN

* Gợi ý:

1. Nêu những nội dung chính trong phần mở bài.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Em hãy nêu các luận điểm cơ bản của bài văn phân tích nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long.

- Nhóm 1: Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên.

- Nhóm 2: Anh thanh niên có những suy nghĩ và quan niệm đúng đắn về cuộc sống và công việc.

- Nhóm 3: Anh thanh niên còn là người biết hành động đẹp và phong cách sống đẹp.

- Nhóm 4: Nhân vật anh thanh niên giúp em hiểu thêm nét đẹp ở những con người lao động ở chốn Sa Pa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3. Phần kết bài cần đảm bảo những nội dung gì?

I. Mở bài:

- Giới thiệu những nét cơ bản về tác giả Nguyễn Thành Long (đặc điểm tiểu sử, con người, các sáng tác chủ đạo, đặc điểm sáng tác,...)

- Giới thiệu chung về truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” (xuất xứ, hoàn cảnh ra đời,...)

- Nêu vấn đề nghị luận: Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” và từ đó nêu lên ý nghĩa, tư tưởng của tác phẩm.

II. Thân bài: Gồm có các luận điểm sau:

1. Hình ảnh anh thanh niên

a. Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thật đặc biệt.

- Quanh năm suốt tháng, anh sống một mình trên đỉnh núi cao, giữa cỏ cây và mây mù lạnh lẽo.

- Hơn nữa lại phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, tích mây, đo chấn động mặt đất góp phần vào việc dự báo thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu.

→ Quả thực, điều kiện sống và làm việc đó là một thử thách lớn đối với tuổi trẻ vốn sung sức và khát khao hành động. Nhưng anh vẫn vượt qua được. Cái gì đã giúp anh vượt qua được hoàn cảnh ấy? Đó là ý chí, nghị lực, những phẩm chất và sức mạnh bên trong của nhân vật đã giúp anh vượt lên tất cả để sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.

b. Anh thanh niên có những suy nghĩ và quan niệm đúng đắn về cuộc sống và công việc:

- Anh sống gắn bó với sự nghiệp của đất nước, rất có trách nhiệm với cuộc đời.

- Anh có những suy nghĩ rất đẹp về ý nghĩa của cuộc sống, về hạnh phúc trong đời. Với anh hạnh phúc là trong công việc.

- Anh rất yêu công việc của mình.

→ Những suy nghĩ đẹp ấy khiến anh thêm yêu cuộc sống và con người xung quanh, “thấy cuộc đời đẹp quá!”, giúp anh có thêm nghị lực để sống một cuộc sống đẹp, đầy ý nghĩa, gắn bó với mọi người dù một mình đơn độc làm việc trên núi cao.

c. Anh thanh niên còn là người biết hành động đẹp.

- Anh đã đề ra cho mình nhiệm vụ công tác và đã vượt mọi khó khăn thử thách để đạt được kết quả tốt nhất.

- Điều đáng quý là anh thanh niên nói rất thành thật.

d. Anh thanh niên còn có phong cách sống rất đẹp

- Anh tổ chức cuộc sống của mình ở trạm khí tượng thật ngăn nắp, phong phú cả vật chất và tinh thần, một cuộc sống chủ động, làm chủ mình và có ích cho đời.

- Anh biết sống cho sự nghiệp chung lớn lao và cũng biết sống cho riêng mình. Anh trọng cái đẹp: anh trồng hoa, một vườn hoa đầy mầu sắc.

- Anh còn đọc sách ngoài những giờ làm việc.

- Không chỉ say mê công việc, say mê đọc sách , anh thanh niên còn là một con người rất đáng mến ở sự cởi mở,chân thành với mọi người.

- Dù vậy, trong cuộc sống, anh là một người rất khiêm tốn, luôn đề cao người khác.

2. Nhân vật ấy giúp em hiểu thêm nét đẹp ở những con người lao động ở chốn Sa Pa:

- Đó là hình ảnh những con người lao động mới với phong cách sống đẹp, suy nghĩ đẹp, sống có lý tưởng, quên mình vì cuộc sống chung, vô tư, lặng thầm, cống hiến hết mình cho đất nước, say mê, miệt mài, khẩn trương làm việc.

- Họ có tấm lòng nhân hậu thật đáng quý, có tác phong sống thật đẹp. Cuộc sống của họ âm thầm, bình dị mà cao đẹp biết bao.

III. Kết bài:

Khái quát những phẩm chất, tính cách của anh thanh niên, ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm thể hiện qua nhân vật và cảm nhận của bản thân.

1. Mở bài tham khảo:

Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút văn xuôi đáng chú ý trong những năm 60 – 70, chỉ chuyên viết về truyện ngắn và kí. “Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn nhẹ nhàng có cốt truyện đơn giản nhưng thật thú vị và ẩn chứa bên trong nhiều ý vị sâu sắc. Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của những con người lao động bình thường mà cao cả, những con người đầy quan tâm, đầy trách nhiệm đối với đất nước mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác quan trắc khí tượng. Nhân vật anh thanh niên chỉ hiện ra trong chốc lát nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật nhất của bức tranh về phẩm chất và tâm hồn  tốt đẹp của con người mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mà tác giả tập trung thể hiện.

2. Kết bài tham khảo:

Thế đấy, trong cái “lặng lẽ”của Sa Pa trên đỉnh Yên Sơn bốn mùa mây phủ mấy ai biết được có một chàng trai đang sống, đang âm thầm làm việc. Người cán bộ trẻ ấy được Nguyễn Thành Long xây dựng khá sắc nét với những đặc điểm, suy nghĩ, hành động tích cực, một mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Những trang viết của Nguyễn Thành Long khiến ta thêm yêu con người và cuộc sống, thấy được trách nhiệm của mình với sự nghiệp chung của đất nước. Tâm hồn và những việc làm của anh thanh niên trong truyện  đã gieo vào lòng em nhiều tình cảm, thôi thúc em muốn cống hiến, muốn làm gì đó có ích cho xã hội như  như một nhà thơ đã nói: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

 

PHIẾU BÀI TẬP 3

Đề bài: Phân tích truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long để thấy vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa và con người Sa Pa.

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN

* Gợi ý:

1. Nêu những nội dung chính trong phần mở bài.

 

 

 

 

2. Em hãy nêu các luận điểm cơ bản của bài văn phân tích tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long.

- Nhóm 1: Giới thiệu cốt truyện, nhân vật.

- Nhóm 2: Vẻ đẹp thiên nhiên Sa Pa.

- Nhóm 3: Vẻ đẹp của anh thanh niên.

- Nhóm 4: Vẻ đẹp của bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư và các nhân vật khác trong truyện ngắn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3. Phần kết bài cần đảm bảo những nội dung gì?

I. Mở bài:

- Giới thiệu những nét cơ bản về tác giả Nguyễn Thành Long (đặc điểm tiểu sử, con người, các sáng tác chủ đạo, đặc điểm sáng tác,...)

- Giới thiệu tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”

II. Thân bài: Gồm có các luận điểm sau:

1. Khái quát truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

2. Vẻ đẹp thiên nhiên Sa Pa:

- Bức tranh thiên nhiên thơ mộng, huyền ảo, độc đáo làm say đắm lòng người :

+ Những rặng đào với những đường núi quanh co uốn lượn kề bên con thác trắng xóa.

+ Những cánh đồng cỏ trong thung lũng, những đàn bò lang cổ đeo chuông đang thung thăng gặm cỏ.

+ Những tia nắng thật kì lạ điểm xuyết.

+ Mây: cuộn tròn từng cục, lăn trên các vòm lá,…

+ Hoa: những cây tử kính, hoa đơn, thược dược,…

3. Vẻ đẹp con người Sa Pa:

a. Anh thanh niên:

* Hoàn cảnh sống và làm việc:

- Một mình trên đỉnh núi cao 2600m.

- Làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu.

* Phẩm chất tốt đẹp:

- Sống có lí tưởng.

- Lòng yêu nghề, say mê với công việc.

- Tinh thần trách nhiệm cao.

- Yêu đời, yêu cuộc sống.

- Cởi mở, vui vẻ và hiền hậu.

- Ham học hỏi, khiêm tốn và tế nhị.

b. Cô kĩ sư:

- Dễ gần, hồn nhiên, trẻ trung và lãng mạn.

- Có ý chí phấn đấu cao.

c. Ông họa sĩ:

- Đam mê nghệ thuật.

- Thân thiện và quý người.

d. Bác lái xe:

- Gắn bó với con đường lên Sa Pa đã 30 năm.

- Tính tình nhân hòa, sẵn sàng giúp đỡ người khác.

- Có vai trò giới thiệu nhân vật chính với ông họa sĩ và cô kĩ sư.

e. Các nhân vật khác:

- Ông kĩ sư vườn rau.

- Anh cán bộ nghiên cứu sét.

4. Khái quát, đánh giá:

- Ngợi ca những con người lao động như anh thanh niên làm công tác khí tượng và cái thế giới những con người như anh.

- Gợi ra những vấn đề về ý nghĩa và niềm vui của lao động tự giác, vì những mục đích chân chính đối với con người.

III. Kết bài:

- Khái quát giá trị nội dung của tác phẩm.

- Cảm nhận của em về tác phẩm.

I. Mở bài tham khảo:

 - Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút văn xuôi truyện ngắn đáng chú ý trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một cây bút cần mẫn trong lao động nghệ thuật, lại rất chú trọng trong thâm nhập thực tế. “Lặng lẽ Sa Pa” chính là kết quả của một chuyến đi thực tế của ông.

- Truyện đầy chất thơ: cái thơ mộng, vẻ huyền ảo lung linh của thiên nhiên Sa Pa quyện chặt với cái đẹp của tâm hồn con người  - lớp trí thức trẻ đang ngày đêm lo nghĩ và làm việc hết mình cho đất nước, cho cách mạng. Chất thơ còn nằm trong vẻ đẹp của mối quan hệ giữa con người với nhau trong cách dựng truyện của tác giả, thấm đến từng chi tiết truyện.

II. Thân bài:

1. Khái quát truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

- Hoàn cảnh sáng tác:

+ Truyện ngắn được viết năm 1970 và in trong tập Giữa trong xanh xuất bản năm 1972.

+ Là kết quả của chuyến đi thực tế tại miền tây Tổ quốc : Lào Cai – Sa Pa.

- Giá trị nội dung: Tác phẩm ca ngợi những người lao động thầm lặng trên núi cao, cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước thời kì tạm hòa bình ở miền Bắc, tiếp tục kháng chiến chống Mĩ ở miền Nam.

2. Luận điểm 1: Vẻ đẹp thiên nhiên Sa Pa

– Những rặng đào với những đường núi quanh co uốn lượn kề bên con thác trắng xóa.

– Những cánh đồng cỏ trong thung lũng, những đàn bò lang cổ đeo chuông đang thung thăng gặm cỏ.

– Những tia nắng kì lạ điểm xuyết: bắt đầu len lỏi đốt cháy rừng cây, mạ bạc con đèo

– “Mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng kia”, “Mây hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng”

– “Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe“.

→ Hình ảnh mây Sa Pa được tác giả miêu tả rất nhiều và rất lạ.

– “Những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”.

– “hoa dơn, thược dược, lay ơn, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong…” rực rỡ ngát hương ngay giữa mùa hè.

→ Sa Pa được tô điểm thêm những màu sắc tươi sáng của các loại cây lạ và nhất là các loại hoa.

 Bức tranh thiên nhiên Sa Pa hiện lên với vẻ đẹp rực rỡ, tráng lệ, thơ mộng, hữu tình như một tác phẩm hội họa lung linh, kì ảo, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước.

3. Luận điểm 2: Vẻ đẹp con người Sa Pa.

a. Anh thanh niên:

* Hoàn cảnh sống và làm việc đặc biệt:

- Mới hai mươi bảy tuổi, một mình sống trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”, cô đơn, vắng vẻ đến mức “thèm người”.

- Công việc: làm công tác khí tượng, kiêm vật lí địa cầu, đo nắng, đo gió, đo mưa, tính mây, đo chấn động mặt đất dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày để phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu.

→ Công việc gian khổ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nghiệm cao: bốn lần trong một ngày đêm đều đặn, dù mưa, nắng, gió, bão,…

* Những phẩm chất tốt đẹp:

- Sống có lí tưởng:

+ Sống giữa những năm tháng chống Mĩ, anh luôn khát khao được cầm súng ra mặt trận, anh đã cùng bố viết đơn xin ra lính.

+ Ý thức được ý nghĩa thiêng liêng của công việc, anh sẵn sàng vượt bao thử thách, gian khổ, đặc biệt là nỗi cô đơn để hoàn thành nhiệm vụ.

+ Cũng vì ý thức trách nhiệm ấy mà anh không những không cảm thấy chán, không cảm thấy sợ mà còn đặc biệt yêu nghề, say mê với công việc của mình: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi…”

- Lòng yêu nghề, say mê với công việc, có tinh thần trách nhiệm cao:

+ Làm việc một mình trên đỉnh núi cao, chấp nhận cuộc sống cô đơn, xa cách với cộng đồng.

+ Mỗi ngày đều phải báo cáo số liệu cụ thể vào 4 mốc thời gian là 4 giờ sáng, 11 giờ trưa, 7 giờ tối và 1 giờ sáng.

+ Điều kiện thời tiết khắc nghiệt: có mưa tuyết, trời tối đen, “gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới

+ “Gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cánh mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ được“.

+ Thái độ với công việc: Vui vẻ, hồ hởi chia sẻ về công việc của mình, chăm chỉ, cần mẫn, đều đặn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

- Tâm hồn trẻ trung, yêu đời, yêu cuộc sống

+ Căn phòng, nhà cửa gọn gàng ngăn nắp;

+ Trồng hoa tô điểm cho cuộc sống của mình.

+ Nuôi gà tăng gia sản xuất, phục vụ cho cuộc sống của chính mình.

+ Thỉnh thoảng xuống núi tìm gặp lái xe cùng hành khách để trò chuyện cho vơi nỗi nhớ nhà.

→ Là thanh niên, lại sống nơi heo hút, vắng người, nhưng anh không sống buông thả mà đã biết tổ chức cho mình một cuộc sống khoa học, văn hóa.

 Anh thanh niên có tinh thần lạc quan, yêu đời, sống khoa học, chiến thắng nỗi cô đơn và tạo cho mình một cuộc sống đẹp đẽ đầy ý nghĩa.

- Tính tình cởi mở, vui vẻ và hiền hậu

+ Biếu bác lái xe củ tam thất

+ Tặng bó hoa cho cô kĩ sư

+ Tặng giỏ trứng gà cho ông họa sĩ

+ Sẻ chia tâm sự với các vị khách một cách rất cởi mở, không hề giấu giếm

 Sự cởi mở, những lời tâm sự chân thành của anh thanh niên đã giúp xóa bỏ khoảng cách giữa họ, tạo mối tâm giao đầy thân tình, cảm động.

- Ham học hỏi, khiêm tốn và tế nhị

+ Khi ông họa sĩ bày tỏ ý muốn phác họa chân dung mình, anh từ chối vì tự thấy mình không xứng đáng với niềm cảm mến và sự tôn vinh ấy

+ Anh giới thiệu cho ông họa sĩ về ông kĩ sư ở vườn rau, nhà khoa học nghiên cứu sét…

→ Anh chỉ dám nhận phần nhỏ bé, bình thường so với bao nhiêu người khác.

 Anh thanh niên là đại diện tiêu biểu cho những con người yêu nghề, yêu đời, sống hết mình, cống hiến vì đất nước một cách thầm lặng.

b. Cô kĩ sư

- Tính cách dễ gần, hồn nhiên trẻ trung, lãng mạn: trông thấy hoa anh thanh niên trồng liền rất vui vẻ, không hề e ngại rụt rè, tận hưởng những bông hoa tươi thắm.

- Mang quyết tâm bỏ thành phố để đến nơi núi rừng sâu thẳm, nhưng chưa hiểu rõ được nhiều điều trong cuộc sống.

- Yêu mến bác họa sĩ và anh thanh niên:

+ Những biểu hiện trên gương mặt, cách cô lắng nghe câu chuyện của anh

+ Cố tình để lại chiếc khăn tay làm tin nhưng bị anh vô tình ngây ngô trả lại.

 Cô gái biểu tượng cho những người trẻ có tinh thần nhiệt huyết, nhiều mộng mơ, háo hức trước cuộc sống mới, có ý chí phấn đấu cao nhưng vẫn giữ được những nét đẹp dịu dàng, trong sáng, chưa nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng sẵn sàng học hỏi.

c. Ông họa sĩ

- Đam mê nghệ thuật:

+ Đi thực tế trước khi về hưu

+ Yêu mến anh thanh niên liền đem giấy bút ra phác họa anh ngay

+ Cảm nhận sâu sắc về nghệ thuật đối với cuộc sống

- Thân thiện, quý người:

+ Nhanh chóng kết thân với cô kĩ sư trẻ làm bạn đồng hành, quý nhau như cha con.

+ Trò chuyện niềm nở với bác lái xe.

+ Quý mến và cảm phục anh thanh niên cùng những con người lặng lẽ làm việc nơi đây.

 Ông họa sĩ là biểu tượng cho những con người từng trải, giàu kinh nghiệm sống và am tường nghệ thuật.

d. Bác lái xe

- Gắn bó với con đường lên Sa Pa đã ba mươi năm

- Tính tình nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ người khác

- Có vai trò giới thiệu nhân vật chính với ông họa sĩ và cô kĩ sư

e. Những nhân vật xuất hiện gián tiếp

- Nhà nghiên cứu sét: cứ trời sét là chạy ra quan sát, liên tục trong 11 năm, không màng chuyện hạnh phúc cá nhân.

- Ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa: tỉ mỉ quan sát ong thụ phấn, tận tâm với công việc, tự tay thụ phấn cho cây su hào, nghiên cứu ra giống cây su hào chất lượng.

 Những con người say mê với công việc, đại diện cho muôn vàn người đang âm thầm công hiến sức mình cho đất nước, nhân dân.

4. Khái quát, đánh giá

Truyện “Lặng lẽ Sa Pa” ngợi ca những con người lao động như anh thanh niên làm công tác khí tượng và cái thế giới những con người như anh. Tác giả muốn nói với người đọc: “Trong cái lặng im của Sa Pa (…), có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Đồng thời qua câu chuyện về anh thanh niên, tác phẩm cũng gợi ra những vấn đề về ý nghĩa và niềm vui của lao động tự giác, vì những mục đích chân chính đối với con người: dù trong hoàn cảnh đơn độc giữa thiên nhiên vắng lặng quanh năm mà con người vẫn không cô đơn, buồn tẻ một khi người ta tìm thấy ý nghĩa của công việc và cuộc sống của mình.

III. Kết bài tham khảo:

“Lặng lẽ Sa Pa” quả là một truyện ngắn đầy chất thơ của Nguyễn Thành Long. Nó ngân nga nhẹ nhàng thơ mộng trong ngòi bút tả cảnh với những bức tranh lung linh, kì ảo, nó đằm thắm ấm áp, lắng sâu trong câu văn tả tình với những mẩu chuyện xúc động, đáng yêu. Cảnh mơ màng lung linh, còn con người như ta đã thấy, mỗi chân dung, mỗi lời nói, ý nghĩ, hành động đều như ngân lên những vang âm ngọt ngào, êm ái. Tất cả như làm nên cái chất thơ của con người, của cuộc sống. Văn xuôi truyện ngắn mà giầu nhịp điệu, âm thanh, êm ái như một bài thơ…

 

Nhiệm vụ 2: GV phát phiếu bài tập cho HS, các em hãy lập dàn ý khái quát các đề bài dưới đây:

PHIẾU BÀI TẬP 4

Đề bài: Cảm nhận về nhân vật ông Sáu trong đoạn trích “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN

I. Mở bài:

- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, truyện ngắn:

+ Nguyễn Quang Sáng - cây đại thụ của văn học miền Nam với những cống hiến to lớn, đáng trân trọng cho văn đàn.

+ Truyện ngắn Chiếc lược ngà được viết năm 1966, kể về tình phụ tử vô cùng thiêng liêng và sâu sắc của cha con ông Sáu trong cảnh ngộ sinh li tử biệt của chiến tranh ác liệt.

- Khái quát về nhân vật: Hình ảnh ông Sáu đã để lại cho bạn đọc ấn tượng sâu sắc về tình cảm và những cử chỉ dù bình dị nhưng cũng đầy thiêng liêng, ấm tình cha con mà ông dành cho bé Thu.

II. Thân bài:

a. Luận điểm 1: Hoàn cảnh của nhân vật

- Ông Sáu là một nông dân Nam Bộ, tham gia kháng chiến từ năm 1946, khi con gái chưa được một tuổi, lúc con chạc tám tuổi mới được về thăm quê ba ngày.

b. Luận điểm 2: Tình yêu dành cho con của ông Sáu

- Trong những ngày ông về thăm quê:

+ Hành động thể hiện sự nôn nóng mong gặp con: nhảy lên bờ, bước vội, kêu to gọi con.

+ Sững sờ, bàng hoàng khi con bỏ chạy: mặt sầm lại, hai tay buông xuống.

→ Ông Sáu đang xúc động thì phải nhận sự sợ hãi, xa lánh của bé Thu, tâm trạng từ trông chờ, vui sướng trở thành bàng hoàng, đau đớn.

+ Thời gian ở bên con: ông Sáu chỉ ở nhà với con, chờ con gọi một tiếng “ba”. Mọi sự cố gắng của ông từ giả vờ không nghe con gọi khi nó nói trỏng, không giúp con chắt nước cơm, gắp thức ăn cho con là một sự nỗ lực đau đớn của người cha khi con gái không nhận mình. Cảm xúc đau đớn dồn nén đến tức giận, ông đánh con.

+ Cảnh chia li: ánh mắt của ông trìu mến lẫn buồn rầu, bất lực nhìn con gái. Khi con gái nhận và ôm chặt lấy mình, ông Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con.

→ Tình phụ tử đã vượt qua sự ngăn cách của thời gian, của chiến tranh. Ông Sáu đã nhận được sự công nhận và yêu thương của bé Thu.

- Trong những ngày ông ở căn cứ:

+ Ông nhớ con, ân hận vì đã đánh con.

+ Tìm bằng được mảnh ngà voi để làm lược tặng con.

+ Ngày ngày tỉ mỉ ngồi làm chiếc lược ngà. Lúc nhớ con, ông nhìn ngắm và cài lược lên tóc.

+ Ông đã hi sinh khi chưa kịp tặng cho con gái chiếc lược ngà. Trong giờ phút cuối cùng, ông vẫn chỉ nhớ đến con, đưa tay vào túi, móc cây lược đưa cho đồng đội.

→ Chiếc lược ngà là vật chứa đựng biết bao yêu thương, nhung nhớ của ông Sáu dành cho con gái. Đó là một tín vật của tình phụ tử. Đó cũng là một lời hứa với con gái của ông. Dù ông không thể trở về, nhưng chiếc lược minh chứng cho tình yêu của ông dành cho con vẫn còn đó.

c. Nhận xét về nghệ thuật

- Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng những tình huống truyện bất ngờ, hấp dẫn mà vẫn tự nhiên, hợp lí.

- Tác giả lựa chọn ngôi kể thứ nhất nhưng đặt vào nhân vật bác Ba - người đồng đội của ông Sáu. Vì thế câu chuyện được tái hiện một cách chân thực, khách quan hơn.

- Tác giả miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc.

- Ngôn ngữ đậm chất địa phương Nam Bộ, mộc mạc, tình cảm.

III. Kết bài:

- Đưa ra kết luận về tác phẩm: một trong những truyện ngắn tiêu biểu sáng tác trong thời kì kháng chiến, ca ngợi tình cảm gia đình, tình đồng chí, niềm tin và khát vọng hòa bình.

- Kết luận về nhân vật ông Sáu:

+ Là điển hình cho tính cách con người Nam Bộ: chất phác, sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc.

+ Tình yêu của ông Sáu dành cho con: cao cả, sâu đậm, không thể dập tắt.

 

PHIẾU BÀI TẬP 5

Đề bài: Cảm nhận tình yêu làng quê thống nhất với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến ở nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân.

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN

I. Mở bài:

Kim Lân là một trong những nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Làng là tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn. tác phẩm thể hiện sâu sắc tình yêu làng, yêu nước đậm sâu của nông hai, một lão nông hiền lành, chất phác.

II. Thân bài:

1. Cảm nhận tình yêu làng tha thiết của ông Hai:

a. Trước khi ông Hai nghe tin làng chợ dầu theo giặc:

- Có những kỉ niệm với làng. Ông luôn tự hào và khoe cái làng của mình.

- Lúc ở nơi tản cư: nhớ làng tha thiết.

b. Khi ông Hai nghe tin làng chợ dầu theo giặc:

- Ông đau đớn, nhục nhã, thất vọng về làng.

- Ông buồn bã tới mức đêm không ngủ được, lo sợ mọi người nghĩ ông là Việt Gian.

- Cuộc đấu tranh nội tâm kịch liệt. Cuối cùng ông khẳng định: “làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây là phải thù”.

- Đứng về phía cách mạng, ủng hộ kháng chiến, ủng hộ cụ Hồ.

c. Khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc được cải chính: Ông vui sướng, hạnh phúc tột cùng, sự tự hào trở về. Ông có cảm giác như được tái sinh.

2. Tình yêu nước của ông Hai:

- Khi nghe tin làng chợ dầu theo giặc; sau cuộc đấu tranh quyết liệt, ông quyết định bỏ làng; “làng theo Tây thì phải thù”. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, ông Hai luôn trung thành với nước.

- Ông Hai ủng hộ cụ Hồ, ủng hộ kháng chiến khi làng chợ dầu theo giặc. Đó chính là sự tin tưởng vào cách mạng, thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc của lão nông.

3. Nghệ thuật:

- Nghệ thuật tạo tình huống đặc sắc, gây cấn.

- Cách miêu tả tâm lí nhân vật sống động qua lời nói, suy nghĩ, hành động.

4. Nhận xét đánh giá: Qua tình yêu làng và tình yêu nước của nhân vật ông Hai, tác giả muốn nhắn nhủ với ta là hãy yêu quê hương, đất nước.

III. Kết bài:

Khẳng định vẻ đẹp của ông Hai. Tác phẩm làm cho ta có thêm tinh thần yêu quê hương, đất nước.

 

  1. CỦNG CỐ - DẶN DÒ

- GV yêu cầu HS nhắc lại nội dung bài học.

- Bài tập về nhà: Chọn một đề trong phiếu bài tập 4 hoặc phiếu bài tập 5 để viết thành bài văn hoàn chỉnh.

Trên chỉ là 1 phần của giáo án. Giáo án khi tải về có đầy đủ nội dung của bài. Đủ nội dung của học kì I + học kì II

Cần nâng cấp lên VIP

Khi nâng cấp lên tài khoản VIP, sẽ tải được tài liệu + nhiều hữu ích khác. Như sau:

  • Giáo án đồng bộ word + PPT: đủ cả năm
  • Trắc nghiệm cấu trúc mới: Đủ cả năm
  • Ít nhất 10 đề thi cấu trúc mới ma trận, đáp án chi tiết
  • Trắc nghiệm đúng/sai cấu trúc mới
  • Câu hỏi và bài tập tự luận
  • Lý thuyết và kiến thức trọng tâm
  • Phiếu bài tập file word
  • File word giải bài tập
  • Tắt toàn bộ quảng cáo
  • Và nhiều tiện khác khác đang tiếp tục cập nhật..

Phí nâng cấp:

  • 1000k/6 tháng
  • 1150k/năm(12 tháng)

=> Khi nâng cấp chỉ gửi 650k. Tải về và dùng thực tế. Thấy hài lòng thì 3 ngày sau mới gửi số phí còn lại

Cách nâng cấp:

  • Bước 1: Chuyển phí vào STK: 1214136868686- Cty Fidutech- Ngân hàng MB
  • Bước 2: Nhắn tin tới Zalo Fidutech - nhấn vào đây để thông báo và nhận các tài liệu

Xem toàn bộ:

Tài liệu giảng dạy

Xem thêm các bài khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay