Giáo án ôn tập Ngữ văn 9 bài: Truyện trung đại chữ Hán
Dưới đây là giáo án ôn tập bài: Truyện trung đại chữ Hán. Bài học nằm trong chương trình Ngữ văn 9. Tài liệu dùng để dạy thêm vào buổi 2 - buổi chiều. Dùng để ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh. Giáo án là bản word, có thể tải về để tham khảo.
Xem: =>
Ngày soạn: …/…/…
Ngày dạy: …/…/…
BUỔI 4: ÔN TẬP TRUYỆN TRUNG ĐẠI CHỮ HÁN
(Chuyện người con gái Nam Xương - Nguyễn Dữ)
I. MỤC TIÊU
- Kiến thức: Giúp học sinh
- Cảm nhận được vẻ đẹp truyền thống trong tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam qua nhân vật Vũ Nương.
- Thấy rõ số phận oan trái của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến .
- Tìm hiểu những thành công về nghệ thuật của tác phẩm: nghệ thuật dựng truyện, dựng nhân vật, sự sáng tạo trong việc kết hợp những yếu tố kì ảo với những tình tiết có thực tạo nên vẻ đẹp riêng của loại truyện truyền kì .
- Năng lực
- Năng lực chung
- Năng lực tự chủ và tự học: Tìm kiếm thông tin, đọc sách giáo khoa, quan sát tranh ảnh để hiểu về nội dung đã học
- Năng lực giao tiếp và hợp tác: Thảo luận nhóm để thực hiện phiếu học tập, hợp tác giải quyết vấn đề để hiểu về văn bản đã học.
- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Năng lực trình bày và trao đổi thông tin trước lớp.
- Năng lực riêng biệt
- Rèn kĩ năng cảm thụ tác phẩm văn học.
- Tóm tắt tác phẩm tự sự và phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự.
- Đọc hiểu các văn bản tự sự
3.Về phẩm chất
Giáo dục tinh thần tôn trọng, yêu thương con người, nhất là phụ nữ. Đồng thời phê phán những bất công trong xã hội.
- THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
- Giáo viên: Giáo án, sách giáo khoa, phiếu học tập.
- Học sinh: Thiết bị học tập cần thiết
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
- KHỞI ĐỘNG
- a. Mục tiêu: Tạo tâm thế và định hướng chú ý cho HS; tạo vấn đề vào chủ đề.
- b. Nội dung hoạt động: HS trả lời câu hỏi.
- c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời/chia sẻ của HS bằng ngôn ngữ
- Tổ chức thực hiện:
- GV đặt đề bài: Đọc những bài thơ/ ca dao tục ngữ viết về đề tài người phụ nữ.
- GV dẫn dắt vào bài.
- HỆ THỐNG LẠI KIẾN THỨC
- Mục tiêu: Hệ thống lại những kiến thức đã học về văn bản “Chuyện người con gái Nam Xương”.
- Nội dung hoạt động: HS thảo luận, trả lời câu hỏi được phân công.
- Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.
- Tổ chức thực hiện:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Nhiệm vụ 1: Nhắc lại kiến thức về tác giả, tác phẩm. Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ - GV yêu cầu HS tìm hiểu về tác giả Nguyễn Dữ: Em hãy nêu những hiểu biết của mình về tác giả Nguyễn Dữ (năm sinh, năm mất, quê quán, những nét đặc trưng trong cuộc đời) - GV yêu cầu HS tìm hiểu về thể loại Truyền kì mạn lục: Em hiểu gì về thể loại truyền kì mạn lục ? - GV yêu cầu HS tìm hiểu về nguồn gốc của tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”: Tác phẩm nằm trong phần thứ mấy của Truyền kì mạn lục? Tác phẩm có nguồn gốc từ truyện nào? - GV yêu cầu HS tóm tắt tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”: Các em hãy đọc văn bản và tóm tắt ngắn gọn tác phẩm. Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ - HS thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả - GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá - GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.
Nhiệm vụ 2: Nhắc lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản “Chuyện người con gái Nam Xương” Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ - GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: + Nhóm 1: Tìm hiểu giá trị nội dung của tác phẩm. + Nhóm 2: Tìm hiểu giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ - HS thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả - GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá - GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức. | I. Đọc - hiểu văn bản: 1. Tác giả: - Nguyễn Dữ là con của Nguyễn Tướng Phiên, tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 27 đời vua Lê Thánh Tông. - Nguyễn Dữ (chưa rõ năm sinh – năm mất) quê huyện Trường Tân nay là huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương. - Là học trò của Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm. - Sống ở thế kỉ 16, thời kì nhà Lê bắt đầu khủng hoảng, các tập đoàn phong kiến Lê - Mạc - Trịnh tranh giành quyền bính, gây ra các cuộc nội chiến kéo dài. - Ông học rộng tài cao nhưng chỉ làm quan một năm rồi xin nghỉ, ở nhà viết sách, nuôi mẹ già, sống ẩn dật như nhiều tri thức đương thời khác. 2. Tác phẩm: - Truyền kì mạn lục (ghi chép tản mạn những chuyện kì lạ được lưu truyền): + Là tác phẩm viết bằng chữ Hán, theo thể truyền kì, một loại hình văn xuôi tự sự, có nguồn gốc từ Trung Quốc, thịnh hành từ thời Đường. + Truyện truyền kì thường mô phỏng những cốt truyện dân gian hoặc dã sử vốn được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Sau đó bằng tài năng sáng tạo của mình, các tác sắp xếp lại những tình tiết, bồi đắp thêm cho đời sống của các nhân vật, xen kẽ những yếu tố kì ảo… + Bởi thế, truyện dù có ma quỷ, thần tiên hay yêu tinh, thủy quái nhưng mạch chính vẫn là những chuyện có thực, chuyện trần thế và nổi lên trên hết vẫn là những con người thực có đời sống, có số phận… + Truyền kì mạn lục là đỉnh cao của thể loại này, từng được xem là áng “thiên cổ kì bút” (áng văn hay của ngàn đời) . - “Chuyện người con gái Nam Xương” là truyện thứ 16 trong 20 truyện của Truyền kì mạn lục, có nguồn gốc từ một truyện cổ tích Việt Nam có tên “Vợ chàng Trương”. Đây là một trong những truyện hay nhất của tập truyền kì, đã được chuyển thể thành vở chèo “Chiếc bóng oan khiên”. 3. Tóm tắt: Truyện kể về cuộc đời, số phận của Vũ Nương – một người con gái đẹp người, đẹp nết. Nàng có chồng là Trương Sinh – một người thất học, có tính đa nghi. Khi chồng đi lính, Vũ Nương hết lòng nuôi dạy con thơ, chăm sóc mẹ chồng như cha mẹ đẻ. Giặc tan, Trương Sinh trở về, đau buồn khi nghe tin mẹ mất, vội tin lời con nhỏ mà cho rằng vợ thất tiết nên la mắng, đánh đập, xua đuổi Vũ Nương. Uất ức vì thanh minh không được, Vũ Nương đã trẫm mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn, nàng được Linh Phi cứu sống. Sau đó Trương Sinh mới biết vợ bị oan. Ít lâu sau nàng gặp một người cùng làng tên là Phan Lang, người cùng làng chết đuối được Linh Phi cứu trở về. Vũ Nương kể lại chuyện xưa và nhờ Phan Lang khi trở về nói hộ với Trương Sinh lập đàn giải oan. Khi Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương hiện về trần gian một lúc rồi biến mất. II. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật 1. Giá trị nội dung: - Tác phẩm phản ánh số phận oan nghiệt của người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới chế độ phong kiến. Chỉ vì một lời nói ngây thơ của con trẻ mà bị nghi ngờ, bị sỉ nhục, bị đẩy đến bước đường cùng phải tự kết liễu cuộc đời mình để bày tỏ tấm lòng trong sạch. - Qua hình tượng Vũ Nương, truyện đề cao, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, hiếu thảo, thủy chung. - Mặt khác, qua cuộc đời cay đắng, tủi nhục, oan khuất của Vũ Nương, tác giả thể hiện niềm thương cảm cho số phận nhỏ nhoi bất hạnh của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến mà nguyên nhân sâu xa chính là thái độ khinh rẻ người phụ nữ, là thói ghen tuông tàn nhẫn của người đàn ông trong gia đình. - Và để minh oan cho người phụ nữ đức hạnh, nhà văn đã thêm vào chi tiết kì ảo, huyền diệu ở cuối câu chuyện tạo nên một kết thúc có hậu hợp với lòng người. Chính vì vậy mà tác phẩm còn thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân là lòng tốt bao giờ cũng được đền trả xứng đáng, cho dù chỉ ở thế giới huyền bí. 2. Giá trị nghệ thuật: - Nghệ thuật dựng truyện: trên cơ sở có sẵn, tác giả đã sáng tạo thêm và sắp xếp các tình tiết làm cho diễn biến của truyện hợp lí, tự nhiên, tăng kịch tính, hấp dẫn và sinh động. - Nghệ thuật xây dựng nhân vật: nhân vật được khắc họa tâm lí và tính cách thông qua lời nói và lời tự bạch (độc thoại). - Sử dụng yếu tố kì ảo làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm. - Kết hợp các phương thức biểu đạt: tự sự và biểu cảm, làm nên một áng văn xuôi trữ tình sống mãi với thời gian. |
- BÀI TẬP LUYỆN TẬP VẬN DỤNG
- Mục tiêu: HS khái quát lại nội dung bài học thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập.
- Nội dung hoạt động: HS thảo luận, hoàn thành phiếu học tập.
- Sản phẩm học tập: Câu trả lời của các câu hỏi, bài tập.
- Tổ chức thực hiện:
- Luyện đề:
Nhiệm vụ 1: GV phát phiếu bài tập theo nhóm, chia lớp thành 4 nhóm, mỗi nhóm một đề bài, các nhóm thảo luận trong 7 phút và đại diện nhóm lên bảng trình bày.
PHIẾU BÀI TẬP 1 Đề 1: Những chi tiết kì ảo và ý nghĩa của các chi tiết kì ảo trong “Chuyện người con gái Nam Xương”? Đề 2: Ý nghĩa của chi tiết cái bóng trong “Chuyện người con gái Nam Xương”? Đề 3: Theo em, nguyên nhân dẫn đến cái chết của Vũ Nương là do con trẻ hay là do ai? Qua đó rút ra bài học ứng xử trong cuộc sống cho bản thân. Đề 4: Chi tiết kì ảo ở cuối truyện nói về sự trở về của VN có làm mất đi tính bi kịch của tác phẩm không?
GỢI Ý ĐÁP ÁN Đề 1: Những chi tiết kì ảo và ý nghĩa của các chi tiết kì ảo trong “Chuyện người con gái Nam Xương”. * Những chi tiết kì ảo: - Vũ Nương tự tử nhưng không chết, lại được cứu đưa về sống ở động rùa. - Phan Lang nằm mộng gặp người con gái áo xanh xin tha mạng. Khi được người ta biếu con rùa mai xanh, bèn thả ra; sau khi bị đắm thuyền được Linh Phi (chính là con rùa thuở xưa ) cứu sống đưa về trần thế. - Vũ Nương hiện về trong lễ giải oan ở bến Hoàng Giang: “ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau đến 50 chiếc xe cờ tán, võng lọng rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện”. * Cách đưa chi tiết kì ảo: Các yếu tố kì ảo được đưa xen kẽ với những yếu tố thực về địa danh, về thời điểm lịch sử, những chi tiết thực về trang phục của các mĩ nhân, về tình cảnh nhà Vũ Nương không người chăm sóc sau khi nàng mất… Cách thức này làm cho thế giới kì ảo lung linh mơ hồ trở nên gần với cuộc đời thực, làm tăng độ tin cậy, khiến người đọc không cảm thấy ngỡ ngàng. * Ý nghĩa của các chi tiết kì ảo: - Tạo sự lôi cuốn, li kì cho câu chuyện. - Tạo kết thúc có hậu mang đặc điểm của truyện cổ tích, đó là ước mơ cuộc sống bất tử ở cõi trần, ước mơ về lẽ công bằng (ở hiền gặp lành), người tốt bị hàm oan sẽ được giải oan, được đền đáp xứng đáng. - Chứng minh cho sự chung thủy của Vũ Nương; Nó hoàn chỉnh vẻ đẹp vốn có của Vũ Nương đó là luôn nặng tình nặng nghĩa, tuy sống tốt đẹp ở thủy cung nhưng vẫn không nguôi nhớ về cha mẹ, tổ tiên, khát khao phục hồi danh dự. - Việc Vũ Nương chỉ trở về trong chốc lát đã tố cáo xã hội trần gian oan nghiệt, không có chỗ dung thân cho Vũ Nương và tăng thêm tính bi kịch cho tác phẩm.
Đề 2: Ý nghĩa của chi tiết cái bóng trong “Chuyện người con gái Nam Xương”: * Hình ảnh cái bóng: - Với Vũ Nương: Là cách để dỗ con, làm nguôi đi nỗi nhớ chồng nhưng đó lại là đầu mối của tai họa khiến nàng chết oan. - Với bé Đản: Chỉ là người đàn ông bí ẩn. - Với Trương Sinh: Là bằng chứng về sự hư hỏng của vợ, cũng là yếu tố mở mắt cho Trương Sinh thấy sự thật. * Ý nghĩa của chi tiết cái bóng: - Về nghệ thuật: Tạo nên cách thắt nút, mở nút hết sức bất ngờ: + Thắt nút: Chiếc bóng của Vũ Nương thể hiện sự thương con, nhớ chồng, sự cô đơn thủy chung của nàng lúc chồng vắng nhà nhưng nó cũng là nguyên nhân trực tiếp tạo nên nỗi oan khuất, cái chết bi thảm của Vũ Nương. + Mở nút: chính chiếc bóng của Trương Sinh lại khiến cho Trương Sinh hiểu được nỗi oan của vợ và giải oan cho Vũ Nương. - Về nội dung: Cái bóng của Vũ Nương tạo nên cái chết oan ức cho nàng, nó có giá trị tố cáo xã hội phong kiến nam quyền bất công với người phụ nữ. Qua đó tác giả muốn nói rằng thân phận phụ nữ phải chăng cũng mong manh, rẻ rung chẳng khác nào chiếc bóng trên tường.
Đề 3: Nguyên nhân khiến cho người phụ nữ đức hạnh như Vũ Nương không thể sống mà phải chết một cách oan uổng: - Nguyên nhân trực tiếp: Do lời nói ngây thơ của bé Đản. - Nguyên nhân gián tiếp: + Do người chồng đa nghi, hay ghen. + Do cách cư xử hồ đồ, thái độ phũ phàng, thô bạo của Trương Sinh. (Trương Sinh là con đẻ của chế độ nam quyền bất công, thiếu lòng tin và thiếu tình thương, ngay cả với người thân yêu nhất.) + Do cuộc hôn nhân không bình đẳng: (Vũ Nương là “ con kẻ khó” còn Trương Sinh là “con nhà hào phú”. Thái độ tàn tệ, rẻ rúng của Trương Sinh đã phần nào thể hiện quyền thế của nhà giàu đối với người nghèo trong một xã hội đồng tiền đã làm đen thói đời.) + Do lễ giáo hà khắc. (Trong lễ giáo ấy, chữ trinh là quan trọng hàng đầu, người phụ nữ khi đã mang tiếng thất tiết thì sẽ bị cả xã hội hắt hủi, chỉ còn một con đường chết để giải thoát.) + Do chiến tranh phong kiến gây nên cảnh sinh li và cũng góp phần dẫn đến cảnh sinh li tử biệt. Nếu không có chiến tranh, Trương Sinh không phải đi lính thì Vũ Nương đã không phải chịu ỗi oan tày trời dẫn đến cái chết thương tâm như vậy. Có thể nói, bi kịch của Vũ Nương là một lời tố cáo xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của kẻ giàu có và của người đàn ông trong gia đình, đồng thời bày tỏ niềm cảm thương của tác giả đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ. Người phụ nữ đức hạnh ở đây không được bênh vực, chở che mà lại còn bị đối xử bất công, vô lí. Chỉ vì lời nói ngây thơ của đứa trẻ và sự hồ đồ vũ phu của người chồng hay ghen tuông mà đến nỗi phải tự kết liễu cuộc đời mình. Bài học: HS tự rút ra bài học từ các ý trên.
Đề 4: Chi tiết kì ảo ở cuối truyện nói về sự trở về của Vũ Nương không làm mất đi tính bi kịch của tác phẩm. Vũ Nương trở về mà vẫn xa cách ở giữa dòng bởi nàng và chồng con vẫn âm dương chia lìa đôi ngả, hạnh phúc thực sự đã vĩnh viễn rời xa. Nàng sống hạnh phúc dưới thủy cung nhưng đó là thứ hạnh phúc không có thật. Tác giả đưa người đọc vào giấc chiêm bao rồi lại kéo chúng ta sực tỉnh giấc mơ – giấc mơ về những người phụ nữ tài đức vẹn toàn. Sương khói giải oan tan đi, chỉ còn một sự thực cay đắng: nỗi oan của người phụ nữ không một đàn tràng nào giải nổi. Sự ân hận muộn màng của người chồng, đàn cầu siêu của tôn giáo đều không cứu vãn được người phụ nữ. Đây là giấc mơ, cũng là lời cảnh tỉnh của tác giả. Nó để lại dư vị ngậm ngùi trong lòng người đọc và là bài học thấm thía về sự giữ gìn hạnh phúc gia đình. |
- Dạng đề đọc hiểu
Nhiệm vụ 2. GV phát phiếu học tập cho các nhóm, mỗi nhóm một phiếu, các nhóm làm bài, đại diện nhóm lên trình bày.
PHIẾU BÀI TẬP 2 Đoc đoạn truyện sau và trả lời câu hỏi: “ Vũ Thị Thiết, người con gái Nam Xương, ...vợ chồng bất hòa”. Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt và nội dung của đoạn trích? Câu 2: Nhân vật Vũ Nương được giới thiệu như thế nào? Qua đó em hiểu gì về tình cảm của nhà văn đối với nhân vật? Câu 3: Giải thích nghĩa của các từ: dung hạnh, thất hòa. Câu 4: Chi tiết nào đã ngầm hé lộ bi kịch của Vũ Nương về sau?
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1: - Phương thức biểu đạt : Tự sự - Nội dung của đoạn trích: giới thiệu nhân vật Vũ Nương và cuộc sống hôn nhân của nàng. Câu 2: Nhân vật Vũ Nương được giới thiệu: - Quê ở Nam Xương, “tính tình thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp” - Nàng là người vợ khéo léo, biết giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hào - Tình cảm của nhà văn đối với nhân vật: Yêu mến, trân trọng. Câu 3: Giải thích nghĩa của các từ: - dung hạnh: nhan sắc và đức hạnh - thất hòa: mất sự hòa thuận. Câu 4: Chi tiết đã ngầm hé lộ bi kịch của Vũ Nương về sau là “Trương Sinh có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”. |
PHIẾU BÀI TẬP 3 Đọc đoạn trích sau và trả lười câu hỏi: “Đoạn rồi nàng tắm gội chay sạch…nhưng việc trót đã qua rồi!” Câu 1: Vì sao Vũ Nương tự coi mình là “kẻ bạc mệnh”? Câu 2: Ghi lại các điển tích được sử dụng trong đoạn trích và nêu tác dụng của việc sử dụng các điển tích đó. Câu 3: So sánh với truyện “Vợ chàng Trương”, hãy cho biết cách kể của Nguyễn Dữ ở đoạn này có sự sáng tạo như thế nào? Chỉ rõ hiệu quả của sự sáng tạo đó. Câu 4: Chi tiết nào trong đoạn trích là quan trọng nhất? Nêu ý nghĩa chi tiết đó?
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1: Vũ Nương tự coi mình là “kẻ bạc mệnh” vì nàng một lòng một dạ thủy chung với chồng, làm tròn bổn phận của mình nhưng lại bị chồng nghi oan, nhiếc móc, đánh đuổi, dù đã hết sức thanh minh, phân trần nhưng vô ích. Như vậy, mong mỏi lớn nhất của nàng là thú vui nghi gia nghi thất đã không thể trở thành hiện thực. Câu 2: Các điển tích: - “Ngọc Mị Nương”: theo tích ngọc trai giéng nước trong truyền thuyết Mị Châu – Trọng Thủy, ý nói đến chết vẫn giữ lòng trong sáng. - “Cỏ Ngu Mĩ”: tích về nàng Ngu Cơ, vợ Hạng Vũ. Khi Hạng Vũ thua trận thế cùng, chạy đến Cai Hạ, nàng rút gươm tự vẫn. Tương truyền, hồn Ngu Cơ hóa thành hai nhóm cỏ trên mộ, ngày đêm quấn quýt vào nhau, người ta gọi là cỏ Ngu Mĩ nhân, ý nói đến chết vẫn giữ lòng chung thủy. Câu 3: - Trong chuyện “Vợ chàng Trương”, nhân lúc chồng sang nhà hàng xóm, Vũ Nương chạy một mạch ra sông, đâm đầu xuống nước. Còn trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ để nhân vật “tắm gội chay sạch”, ra bến Hoàng Giang, ngửa mặt lên trời mà than rồi mới gieo mình xuống sông tự vẫn - Hiệu quả của sự sáng tạo: Cho thấy việc tìm đến cái chết không phải là hành dộng bột phát, không có sự kiểm soát của lí trí mà chỉ là sự lựa chọn cuối cùng của Vũ Nương. Câu 4: - Chi tiết quan trọng nhất trong đoạn trích là chi tiết cái bóng. - Ý nghĩa chi tiết đó: + Tạo nên cách thắt nút, mở nút hết sức bất ngờ, hấp dẫn. + Là biểu tượng của tình yêu thương, lòng chung thủy, là nguyên nhân trực tiếp của nỗi oan khuất, cái chết bi thảm của nhân vật Vũ Nương. + Làm nên sự hối hận của Trương Sinh và giải oan cho Vũ Nương. + Làm tăng giá trị tố cáo xã hội phong kiến nam quyền đầy bất công với người phụ nữ. |
PHIẾU BÀI TẬP 4 Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: Nàng bất đắc dĩ nói: - Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng, vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lên núi Vọng Phu kia nữa. ( Chuyện người con gái Nam Xương- Nguyễn Dữ) Câu 1: Vũ Nương nói câu nói trên trong hoàn cảnh nào? Câu 2: Cụm từ “thú vui nghi gia nghi thất” có nghĩa là gì? Câu 3: Nêu hàm ý của câu “Nay đã bình rơi trâm gãy… Vọng Phu kia nữa.” Câu 4: Chỉ ra phép tu từ được sử dụng trong đoạn văn trên, nêu tác dụng?
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1: Vũ Nương nói câu trên khi bị chồng nghi oan nàng hai lòng, không chung thủy. Câu 2: Thú vui nghi gia nghi thất: ý nói nên cửa nên nhà, thành vợ thành chồng, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Câu 3: Vũ Nương đau khổ tới tột cùng vì hạnh phúc lứa đôi tan vỡ, ngay cả việc chờ đợi chồng, trông ngóng chồng như trước kia cũng không thể. Vũ Nương thất vọng khi bị Trương Sinh ruồng bỏ, tình vợ chồng gắn bó bấy lâu tan vỡ. Câu 4: Trong câu nói của Vũ Nương có nhiều hình ảnh mang tính ẩn dụ: + Bình rơi trâm gãy. + Sen rũ trong ao. + Liễu tàn trước gió. + Kêu xuân cái én lìa đàn. + Nước thẳm buồm xa. - Chọn phân tích hình ảnh ẩn dụ “trâm gãy bình tan” hình ảnh của sự chia lìa, tan vỡ, mượn hình ảnh trâm gãy, bình tan để nói về hiện trạng tình vợ chồng của Vũ Nương nay đã tan vỡ. |
PHIẾU BÀI TẬP 5 Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi bên dưới: “ Chàng bèn theo lời, lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang. Rồi quả thấy Vũ Nương ngồi trên chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau đó đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện. Chàng vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào: - Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa. Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt rồi dần biến mất”. Câu 1: Đoạn trích trên sử dụng ngôi kể số mấy, nêu tác dụng của ngôi kể đó? Câu 2: Nêu ngắn gọn nội dung chính của đoạn trích trên? Câu 3: Chỉ ra chi tiết kì ảo trong đoạn trích trên và nêu tác dụng? Câu 4: Từ phần kết phía trên, em thấy truyện này kết thúc có hậu hay không có hậu, vì sao? Câu 5: Hãy nêu tên một số tác phẩm đã học trong chương trình THCS có nói về thân phận người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh, khổ cực trong xã hội phong kiến.
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1: Đoạn trích trên sử dụng ngôi kể thứ ba. Ngôi kể này người kể giấu mình, ngôi kể này giúp người kể linh hoạt và kể chuyện khách quan hơn. Câu 2: Nội dung đoạn trích: Nói về việc Trương Sinh lập đàn giải oan cho Vũ Nương bên bến sông Hoàng Giang. Vũ Nương hiện về giữa dòng rồi biến mất. Câu 3: Chi tiết kì ảo trong truyện: Vũ Nương ngồi trên kiệu hoa đứng giữa dòng rồi sau đó biến mất. - Chi tiết này nhấn mạnh nỗi oan khiên mà Vũ Nương cũng như tư tưởng của nhà văn Nguyễn Dữ. - Vũ Nương hiện về chỉ là ảo ảnh, là một chút an ủi cho người phận bạc, bởi hạnh phúc lứa đôi đã tan vỡ. - Chi tiết này thể hiện khát vọng về công bằng, hạnh phúc của dân gian, người trong sạch cuối cùng được minh oan. - Nhưng chi tiết này vẫn gợi lên nỗi đau xót, nỗi ám ảnh với người đọc khi Vũ Nương vẫn nặng tình dương thế. Câu 4: Cái kết của truyện không là cái kết có hậu bởi lẽ Vũ Nương không được sống cuộc đời hạnh phúc dù nàng là người tiết hạnh, đoan chính. Chi tiết Vũ Nương trở về khi Trương Sinh lập đàn giải oan là sự an ủi phần nào đối với người mệnh bạc như nàng. Câu 5: Những tác phẩm nói lên thân phận bất hạnh, khổ cực của người phụ nữ trong xã hội xưa. - Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương. - Thương vợ - Trần Tế Xương. - Vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính (truyện dân gian). |
- Dạng đề nghị luận văn học:
Nhiệm vụ 3. GV hệ thống một số dạng đề nghị luận văn học cho HS quan sát, lập dàn ý cho đề số 1.
PHIẾU BÀI TẬP 6 Đề 1: Phân tích nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” để làm sáng tỏ nhận định sau: “Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, Chuyện người con gái Nam Xương thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ.” Đề 2: Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của “Chuyện người con gái Nam Xương”? Đề 3: Cảm nhận của em về nhân vật Vũ Nương trong phần trích sau: “…Chàng quỳ xuống đất vâng lời dạy. Nàng rót chén rượu đầy tiễn chồng mà rằng: - Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao, rồi thế chẻ tre chưa có, mà mùa dưa chin quá kì, khiến cho tiện thiếp băn khoăn, mẹ hiền lo lắng. Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú! Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng. Nàng nói đến đây, mọi người đều ứa hai hàng lệ. Rồi đó, tiệc tiễn vừa tàn, áo chàng đành rứt. Ngước mắt cảnh vật vẫn còn như cũ, mà lòng người đã nhuộm mối tình muôn dặm quan san! Bấy giờ, nàng đương có mang, sau khi xa chồng vừa đầy tuần thì sinh ra một đứa con trai, đặt tên là Đản. Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được. Bà mẹ cũng vì nhớ con mà dần sinh ốm. Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn. Song bệnh tình mỗi ngày một trầm trọng, bà biết không sống được, bèn trối lại với nàng rằng: - Ngắn dài có số, tươi héo bởi trời. (…) Sau này trời xét lòng lành, ban .cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ. Bà cụ nói xong thì mất. Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình…” (Trích “Chuyện người con gái Nam Xương” - SGK Ngữ văn 9, tập 1)
GỢI Ý ĐÁP ÁN Đề 1: Gợi ý:
1. Nhóm 1: a. Số phận oan nghiệt của Vũ Nương. - Tình duyên ngang trái: Nguyễn Dữ đã cảm thương cho Vũ Nương người phụ nữ nhan sắc và đức hạnh lại phải lấy Trương Sinh, một kẻ vô học hồ đồ vũ phu. Thương tâm hơn nữa, người chồng còn “có tính đa nghi” nên đối với vợ đã “phòng ngừa quá sức”. - Mòn mỏi đợi chờ, vất vả gian lao: + Đọc tác phẩm, ta thấy được nỗi niềm đau đớn của nhà văn với Vũ Nương – người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đó là sự xót xa cho hoàn cảnh éo le của người phụ nữ: lấy chồng cha được bao lâu, “chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh”, nàng đã phải tiễn biệt chồng lên đường đi đánh giặc Chiêm. + Cảnh tiễn đưa chồng của Vũ Nương mới ái ngại xiết bao. Nàng rót chén rượu đầy ứa hai hàng lệ: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao, rồi thế chẻ tre chưa có, mà mùa dưa chin quá kì, khiến cho tiện thiếp băn khoăn, mẹ hiền lo lắng”. Thật buồn thương cho Vũ Nương, trong những ngày vò võ một mình ngóng trông tin chồng với bao nhớ thương vời vợi: “mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”. Hẳn rằng Nguyễn Dữ vô cùng đau đớn cho Vũ Nương nên chỉ cần một câu văn ấy cũng đủ làm người đọc cảm thấy xót xa với người mệnh bạc có chồng chia xa. Tâm trạng nhớ thương đau buồn ấy của Vũ Nương cũng là tâm trạng chung của những người chinh phụ trong thời phong kiến loạn lạc: “Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong...” (Chinh phụ ngâm- Đoàn Thị Điểm). + Trương Sinh đi, để lại gánh nặng gia đình, để lại gánh nặng cho người vợ trẻ. Vũ Nương thay chồng vất vả nuôi mẹ, nuôi con. Sau khi mẹ chồng mất, chỉ còn hai mẹ con Vũ Nương trong căn nhà trống vắng cô đơn. Đọc đến những dòng tả cảnh đêm, người vợ trẻ chỉ biết san sẻ buồn vui với đứa con thơ dại, chúng ta không khỏi chạnh lòng thương xót cho mẹ con nàng. 2. Nhóm 2: - Cái chết thương tâm: + Qua năm sau, “Việc quân kết thúc”, Trương Sinh từ miền xa chinh chiến trở về, nhưng Vũ Nương không được hưởng hạnh phúc trong cảnh vợ chồng sum họp. Chỉ vì chuyện chiếc bóng qua miệng đứa con thơ mới tập nói mà Trương Sinh lại đinh ninh rằng vợ mình hư hỏng nên “mắng nhiếc” và “đánh đuổi đi”. Trương Sinh đã bỏ ngoài tai mọi lời bày tỏ van xin đến rớm máu của vợ, mọi sự “biện bạch” của họ hàng làng xóm. Vũ Nương bị chồng đẩy vào bi kịch, bị vu oan là người vợ mất nết hư thân: “Nay đã bình rơi tram gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bong hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”. Bi kịch Vũ Nương là bi kịch gia đình từ chuyện chồng con, nhưng nguyên nhân sâu xa là do chiến tranh loạn lạc gây nên. + Chỉ một thời gian ngắn, sau khi Vũ Nương tự tử, một đêm khuya dưới ngọn đèn, chợt đứa con nói rằng: “Cha Đản lại đến kia kìa”. Lúc bấy giờ Trương Sinh “mới tỉnh ngộ thấu nỗi oan của vợ, nhưng việc trót đã qua rồi”. Người đọc xa cũng chỉ biết thở dài, cùng Nguyễn Dữ xót thương cho người con gái Nam Xương và bao phụ nữ bạc mệnh khác trong cõi đời. - Nỗi oan cách trở: Hình ảnh Vũ Nương ngồi kiệu hoa, phía sau có năm mươi chiếc xe cờ tán võng lọng rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện... là những chi tiết hoang đường, nhưng đã tô đậm nỗi đau của người phụ nữ “bạc mệnh” duyên phận hẩm hiu, có giá trị tố cáo lễ giáo phong kiến vô nhân đạo. Câu nói của hồn ma Vũ Nương giữa dòng sông vọng vào: “Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa” làm cho nỗi đau của nhà văn thêm phần bi thiết. Nỗi oan tình của Vũ Nương được minh oan và giải toả, nhưng âm – dương đã đôi đường cách trở, nàng chẳng thể trở lại nhân gian và cũng không bao giờ còn được làm vợ, làm mẹ. 3. Nhóm 3: b. Vẻ đẹp truyền thống của Vũ Nương - Người con gái “thuỳ mị, nết na” và “tư dung tốt đẹp”: Tác giả đã giới thiệu về Vũ Nương với một chi tiết thật ngắn gọn, khái quát “Tính đã thùy mị, nết na lại thêm có tư dung tốt đẹp”. Nàng là một cô gái danh giá nên Trương Sinh, con nhà hào phú “mến vì dung hạnh” đã xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. - Người vợ thuỷ chung: + Trong đạo vợ chồng, Vũ Nương là một người phụ nữ khéo léo, đôn hậu, biết chồng có tính “đa nghi” nàng đã “giữ gìn khuôn phép” không để xảy ra cảnh vợ chồng phải “thất hoà”. + Khi tiễn chồng đi lính, Vũ Nương rót chén rượu đầy chúc chồng “được hai chữ bình yên”. Nàng chẳng mong được đeo ấn phong hầu mặc áo gấm trở về quê cũ. Ước mong của nàng thật bình dị, vì nàng đã coi trọng hạnh phúc gia đình hơn mọi công danh phù phiếm ở đời. Vũ Nương còn thể hiện niềm cảm thông trước nỗi vất vả, gian lao mà chồng phải chịu đựng và nói lên nỗi khắc khoải nhớ nhung của mình: “Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú! Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng.” + Khi xa chồng, Vũ Nương là người vợ thuỷ chung, yêu chồng tha thiết, nỗi buồn nhớ dài theo năm tháng. + Khi bị chồng nghi oan, nàng đã phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình. Nàng còn nói đến thân phận mình và nghĩa tình vợ chồng để khẳng định tấm lòng thuỷ chung trong trắng, cầu xin chồng đừng nghi oan, nghĩa là đã hết lòng tìm cách hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ. Nàng nhảy xuống sông Hoàng Giang tự tử để tỏ rõ là người phụ nữ “đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng”, mãi mãi soi tỏ với đời “vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ”. ở dưới thuỷ cung, tuy Vũ Nương có oán trách Trương Sinh, nhưng nàng vẫn thương nhớ chồng con, quê hương và khao khát được trả lại danh dự: “Có lẽ không thể gửi hingf ẩn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Vả chăng, ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy tôi tất phải tìm về có ngày”. 4. Nhóm 4: - Người mẹ hiền, dâu thảo: + Vũ Nương là người phụ nữ đảm đang và giàu tình thương mến. Chồng ra trận mới được một tuần, nàng đã sinh con. Mẹ chồng già yếu, ốm đau, nàng “hết sức thuốc thang”, “ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Vừa phụng dưỡng mẹ già, vừa chăm sóc nuôi dạy con thơ. Lúc mẹ chồng qua đời, nàng đã “hết lời thương xót”, việc ma chay tế lễ được lo liệu, tổ chức rất chu đáo. + Lời của người mẹ chồng trước lúc chết chính là lời ghi nhận công ơn của nàng với gia đình nhà chồng: “Sau này trời xét lòng lành, ban .cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Đó là cách đánh giá thật xác đáng và khách quan. Xưa nay cũng hiếm có lời xác nhận tốt đẹp của mẹ chồng đối với nàng dâu. Điều đó chứng tỏ Vũ Nương là một nhân vật có phẩm hạnh hoàn hảo, trọng đạo nghĩa làm vợ, làm dâu và làm mẹ. Tác giả khẳng định một lần nữa trong lời kể: “Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”. - Người phụ nữ lý tưởng trong xã hội phong kiến: Qua hình tượng Vũ Nương, người đọc thấy trong Vũ Nương cùng xuất hiện ba con người tốt đẹp: nàng dâu hiếu thảo, người vợ đảm đang chung thủy, người mẹ hiền đôn hậu. ở nàng, mọi cái đều sáng tỏ và hoàn hảo đến mức tuyệt vời. Đó là hình ảnh người phụ nữ lý tưởng trong xã hội phong kiến ngày xưa. c. Đánh giá: - Bi kịch của Vũ Nương là một lời tố cáo xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của những kẻ giàu có và những người đàn ông trong gia đình. Những người phụ nữ đức hạnh ở đây không được bênh vực, chở che mà còn bị đối xử bất công, vô lí. Những vẻ đẹp của Vũ Nương rất tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam từ xa đến nay. Thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của Vũ Nương và khẳng định vẻ đẹp truyền thống của nàng, tác phẩm đã thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. - Nghệ thuật xây dựng nhân vật: nhân vật được khắc họa tâm lí và tính cách thông qua lời nói và lời tự bạch (độc thoại). - Sử dụng yếu tố kì ảo làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm. - Kết hợp các phương thức biểu đạt: tự sự và biểu cảm, làm nên một áng văn xuôi trữ tình sống mãi với thời gian. - Liên hệ: + So sánh với những tác phẩm viết về nỗi bất hạnh của người phụ nữ và ca ngợi vẻ đẹp của họ: Văn học dân gian, “Truyện Kiều” – Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, “Chinh phụ ngâm” – Đoàn Thị Điểm, “Cung oán ngâm khúc” – Nguyễn Gia Thiều... + Liên hệ vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội ngày nay. |
- CỦNG CỐ - DẶN DÒ
- GV yêu cầu HS nhớ lại đơn vị kiến thức đã học
- Hoàn thành các bài tập còn lại.
- Viết đề 1 – nhiệm vụ 3 thành bài văn hoàn chỉnh.
- Vào vai Trương Sinh kể lại “Chuyện người con gái Nam Xương”.
Trên chỉ là 1 phần của giáo án. Giáo án khi tải về có đầy đủ nội dung của bài. Đủ nội dung của học kì I + học kì II
Cần nâng cấp lên VIP
Khi nâng cấp lên tài khoản VIP, sẽ tải được tài liệu + nhiều hữu ích khác. Như sau:
- Giáo án đồng bộ word + PPT: đủ cả năm
- Trắc nghiệm cấu trúc mới: Đủ cả năm
- Ít nhất 10 đề thi cấu trúc mới ma trận, đáp án chi tiết
- Trắc nghiệm đúng/sai cấu trúc mới
- Câu hỏi và bài tập tự luận
- Lý thuyết và kiến thức trọng tâm
- Phiếu bài tập file word
- File word giải bài tập
- Tắt toàn bộ quảng cáo
- Và nhiều tiện khác khác đang tiếp tục cập nhật..
Phí nâng cấp:
- 1000k/6 tháng
- 1150k/năm(12 tháng)
=> Khi nâng cấp chỉ gửi 650k. Tải về và dùng thực tế. Thấy hài lòng thì 3 ngày sau mới gửi số phí còn lại
Cách nâng cấp:
- Bước 1: Chuyển phí vào STK: 1214136868686- Cty Fidutech- Ngân hàng MB
- Bước 2: Nhắn tin tới Zalo Fidutech - nhấn vào đây để thông báo và nhận các tài liệu