Giáo án ôn tập Ngữ văn 9 bài: Thơ hiện đại Việt Nam

Dưới đây là giáo án ôn tập bài: Thơ hiện đại Việt Nam. Bài học nằm trong chương trình Ngữ văn 9. Tài liệu dùng để dạy thêm vào buổi 2 - buổi chiều. Dùng để ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh. Giáo án là bản word, có thể tải về để tham khảo.

Xem: =>

Xem toàn bộ:

Ngày soạn: …/…/…

Ngày dạy: …/…/…

BUỔI 11: ÔN TẬP THƠ HIỆN ĐẠI VIỆT NAM

(Văn bản: Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải)

I. MỤC TIÊU

  1. Kiến thức:

- Củng cố những kiến thức cơ bản về chủ đề thơ hiện đại Việt Nam (II) , trọng tâm là văn bản Mùa xuân nho nhỏ, thông qua một số đề bài thực hành tạo lập văn bản.

  1. Năng lực

Năng lực chung

- Năng lực tự chủ và tự học: Tìm kiếm thông tin, đọc sách giáo khoa, quan sát tranh ảnh để hiểu về nội dung đã học

- Năng lực giao tiếp và hợp tác: Thảo luận nhóm để thực hiện phiếu học tập, hợp tác giải quyết vấn đề để hiểu về văn bản đã học.

- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Năng lực trình bày và trao đổi thông tin trước lớp.

Năng lực riêng biệt

- Phân tích, lí giải cảm thụ tác phẩm thơ hiện đại theo đặc trưng thể loại.

3.Về phẩm chất

- Giáo dục HS có lòng yêu cuộc sống và thái độ sống đúng đắn.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

- Giáo viên: Giáo án, sách giáo khoa, phiếu học tập.

- Học sinh: Thiết bị học tập cần thiết

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

KHỞI ĐỘNG
a. Mục tiêu: Tạo tâm thế và định hướng chú ý cho HS; tạo vấn đề vào chủ đề.
b. Nội dung hoạt động: HS trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: HS suy nghĩ trả lời.
Tổ chức thực hiện:

- GV đặt đề bài: Em hãy kể tên những tác phẩm văn học viết về đề tài mùa xuân? Em thích nhất bài thơ nào? Vì sao em thích?

- Gợi ý: Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử, Mùa xuân xanh - Nguyễn Bính, Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải,…

Mùa xuân luôn là đề tài bất tận của thi ca. Dưới con mắt của các thi sĩ, mùa xuân hiện lên có màu sắc có âm thanh sống động. Em thích nhất bài thơ Mùa xuân nho nhỏ bởi nó cho thấy vẻ đẹp mùa xuân cùng cảm xúc cuả con người,…

- GV dẫn dắt vào phần ôn tập văn bản “Mùa xuân nho nhỏ”.

HỆ THỐNG LẠI KIẾN THỨC

Hoạt động: Ôn tập lại văn bản “Mùa xuân nho nhỏ”.

  1. Mục tiêu: Hệ thống lại những kiến thức đã học về tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ”
  2. Nội dung hoạt động: HS thảo luận, trả lời câu hỏi được phân công.
  3. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.
  4. Tổ chức thực hiện:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Nhiệm vụ 1: Nhắc lại kiến thức khái quát về tác giả Thanh Hải.

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ

- GV yêu cầu HS tìm hiểu thông tin về tác giả Thanh Hải:

+ Năm sinh và năm mất

+ Quê quán

+ Sự nghiệp sáng tác và đặc trưng thơ.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ

- HS thực hiện nhiệm vụ.

Bước 3: Báo cáo kết quả

- GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét.

Bước 4: Nhận xét, đánh giá

- GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.

Nhiệm vụ 2: Nhắc lại kiến thức khái quát về tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ”

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ

- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi:

+ Nhóm 1: Nêu hoàn cảnh sáng tác và thể thơ của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”

+ Nhóm 2: Nêu bố cục của bài thơ.

+ Nhóm 3: Nêu giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

+ Nhóm 4: Ý nghĩa nhan đề của bài thơ.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ

- HS thực hiện nhiệm vụ.

Bước 3: Báo cáo kết quả

- GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét.

Bước 4: Nhận xét, đánh giá

- GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.

 

 

 

 

 

 

 

 

I. Tác giả:

- Thanh Hải (1930 - 1980) quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Ông hoạt động văn nghệ trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và là một trong số những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam thời kỳ đầu.

- Thơ Thanh Hải trong sáng, giàu cảm xúc.

 

 

 

 

 

II. Tác phẩm:

1. Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được 11/1980 khi tác giả đang nằm trên giường bệnh, thể hiện niềm yêu mến cuộc sống, đất nước và ước nguyện của tác giả.

- Thể thơ: năm chữ.

2. Bố cục: Gồm 4 phần:

- Phần 1. Khổ thơ đầu: Cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời.

- Phần 2: Tiếp theo đến “Cứ đi lên phía trước”: Hình ảnh mùa xuân đất nước.

- Phần 3. Tiếp theo đến “Dù là khi tóc bạc”: Những suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ trước thiên nhiên đất nước.

- Phần 4. Khổ cuối: Lời ca ngợi quê hương, đất nước qua điệu ca Huế.

3. Nội dung:

- Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước và khát vọng được dâng hiến.

4. Nghệ thuật:

- Cấu tứ bài thơ chặt chẽ, dựa trên sự phát triển của hình ảnh mùa xuân.

- Thể thơ năm chữ gần với các điệu dân ca; sử dụng vần liền giữa các khổ thơ tạo nên sự liền mạch về cảm xúc; âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết... thể hiện được tâm trạng nhà thơ (vui, say sưa ở đoạn đầu; trầm lắng, thiết tha khi thể hiện khát vọng...)

- Kết hợp những hình ảnh thơ tự nhiên, giản dị từ thiên nhiên với những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát...

5. Ý nghĩa nhan đề:

- Nhiều nhà thơ đã viết về mùa xuân với những sắc thái khác nhau: mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử), mùa xuân xanh (Nguyễn Bính), xuân ý, xuân lòng (Tố Hữu).

- Trong bài thơ này, ý nguyện của tác giả là muốn làm một mùa xuân nhưng chỉ là một mùa xuân nho nhỏ - đóng góp công sức nhỏ bé của mình làm đẹp thêm mùa xuân đất nước.

 

  1. BÀI TẬP LUYỆN TẬP VẬN DỤNG
  2. Mục tiêu: HS khái quát lại nội dung bài học thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập.
  3. Nội dung hoạt động: HS thảo luận, hoàn thành phiếu học tập.
  4. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của các câu hỏi, bài tập.
  5. Tổ chức thực hiện:
  6. Dạng đề đọc hiểu

Nhiệm vụ 1: GV phát đề cho HS, các em hãy thảo luận với bạn cùng bàn trong 5 phút và hoàn thành các bài tập dưới đây.

PHIẾU BÀI TẬP 1

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

 

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao

Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ?

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật trong đoạn thơ?

Câu 3. Đoạn thơ gợi cho em suy nghĩ gì về cuộc sống có ý nghĩa của mỗi con người?

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

Câu 2.

- Đảo ngữ “mọc”:

→ Tác dụng: Nhấn mạnh vị trí trung tâm và sức sống tiềm tàng của bông hoa xứ Huế.

- Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “Giọt long lanh”:

→ Tác dụng: “Giọt long lanh rơi” có phải giọt sương, giọt nắng, giọt mưa , hay chính là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện đã ngưng đọng thành hình, thành khối, thành sức sống mùa xuân có sắc màu lóng lánh. Rõ ràng, âm thanh tiếng chim vô hình, vô ảnh vốn được cảm nhận bằng thính giác đã được hữu hình, hữu ảnh thành vật thể được cảm nhận bằng thị giác và xúc giác.

- Điệp cấu trúc câu “Mùa xuân người cầm súng”/ “Mùa xuân người ra đồng”

→ Tác dụng: Nhấn mạnh hai lực lượng nòng cốt của đất nước là người lính và người nông dân với hai nhiệm vụ là bảo vệ và xây dựng đất nước.

- Ẩn dụ “lộc”:

→ Tác dụng: chỉ chồi non, lá non. Nhưng “lộc” còn có nghĩa là mùa xuân, là sức sống, là thành quả hạnh phúc. Đặc biệt hơn từ lộc còn là sức sống, là tuổi trẻ, sức thanh xuân tươi mới đầy mơ ước, lí tưởng, đầy những hoài bão và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, sôi nổi trong mỗi tâm hồn con người – tâm hồn của người lính dũng cảm, kiên cường nơi lửa đạn bom rơi – tâm hồn của người nông dân cần cù, hăng say tăng gia sản xuất. “Lộc” chính là thành quả hôm nay và niềm tin, hi vọng ngày mai.

Câu 3. Đoạn thơ được trích trong vài "Mùa xuân nho nhỏ" của tác giả Thanh Hải gợi cho em nhiều suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống đối với mỗi con người.

- Được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước hòa bình chúng ta phải biết yêu cuộc sống, yêu đất nước, biết ơn những con người Việt Nam cần cù trong lao động, anh dũng kiên cường. Cuộc sống đem đến cho chúng ta sự sống phải biết nâng niu, gìn giữ.

- Phải biết tin yêu và tin tưởng rằng Tổ Quốc ta dù trải qua bao thăng trầm biến đổi bởi chiến tranh, bom đạn,… nhưng vẫn ngời sáng lung linh.

- Phải biết tự hào, trân trọng gìn giữ và phải ra sức cống hiến, phát triển để nước nhà đi lên và cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

- Phải biết hóa thân "sống đẹp" để hiến dâng, để phục vụ cho một mục đích cao cả "làm nên đất nước muôn đời".

 

PHIẾU BÀI TẬP 2

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu của đề:

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

 

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

(Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam)

Câu 1. Đoạn thơ được trích từ tác phẩm nào? Cho biết tên tác giả?

Câu 2. Em hiểu như thế nào về nhan đề bài thơ?

Câu 3. Xác định một biện pháp tu từ mà em thích nhất trong đoạn thơ trên và cho biết tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Câu 4. Từ đoạn thơ trên và kiến thức về xã hội, hãy trình bày suy nghĩ khoảng nửa trang giấy về tình cảm và trách nhiệm của mỗi người dân đối với đất nước trong hoàn cảnh hiện nay?

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Câu 1. Đoạn thơ trên trích từ tác phẩm "Mùa xuân nho nhỏ" của tác giả Thanh Hải.
Câu 2. 
"Mùa xuân nho nhỏ" là một nhan đề hay, một ẩn dụ đầy sáng tạo, giàu ý nghĩa đã góp phần thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm - ước nguyện chân thành của nhà thơ Thanh Hải dành cho cuộc đời.

- "Mùa xuân" (là danh từ) mang ý nghĩa tả thực - đó là mùa khởi đầu của một năm, là mùa của lộc non lá biếc, của vạn vật sinh sôi nảy nở.

- "Mùa xuân" còn mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của sự sống và cuộc đời mỗi con người. Mùa xuân hay chính là sức trẻ trong tâm hồn và trí tuệ, là nhiệt huyết và năng lực cống hiến của mỗi người vào mùa xuân lớn của thiên nhiên, của đất nước.

- Từ láy "nho nhỏ" làm rõ hơn đặc điểm của mùa xuân rất giản dị, rất khiêm nhường.
→ Đặt tên cho tác phẩm như thế, Thanh Hải đã thể hiện ước nguyện, khát vọng khiêm nhường mà rất đỗi chân thành, tha thiết, cao đẹp. Ông ước muốn làm "mùa xuân nho nhỏ", nghĩa là đem đến tất cả những gì tốt đẹp nhất, tinh túy nhất dù bé nhỏ của mình để hòa vào mùa xuân lớn của cuộc đời, của đất nước.

→ Nhan đề bài thơ cũng thể hiện quan niệm về sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng. Ai cũng phải sống có ích cho đời, sống làm đẹp cho đất nước.

Câu 3. Học sinh chọn một trong những biện pháp tu từ sau:

- Nhân hóa: "vất vả và gian lao", tổ quốc như một người mẹ tần tảo, vất vả và gian lao, đã làm nổi bật sự trường tồn của đất nước. Để có được sự trường tồn ấy, giang sơn gấm vóc này đã thấm bao máu, mồ hôi và cả nước mắt của các thế hệ, của những tháng năm đằng đẵng lúc hưng thịnh, lúc thăng trầm. Nhưng dù trở lực có mạnh đến đâu cũng không khuất phục được dân tộc Việt Nam.

- So sánh: Biện pháp tu từ so sánh được nhà thơ sử dụng vô cùng đặc sắc, làm ý thơ hàm súc "Đất nước như vì sao / Cứ đi lên phía trước". Sao là nguồn sáng bất diệt của thiên hà, là vẻ đẹp lung linh của bầu trời đêm, là hiện thân của sự vĩnh hằng trong vũ trụ. So sánh như thế, là tác giả đã ngợi ca đất nước trường tồn, tráng lệ, đất nước đang hướng về một tương lai tươi sáng. Hơn nữa, còn thể hiện niềm tin tưởng của tác giả vào tương lai rạng ngời của dân tộc Việt Nam.

- Điệp ngữ "đất nước" được nhắc lại hai lần thể hiện sâu sắc ý vất vả, đất nước vẫn tỏa sáng đi lên không gì có thể ngăn cản được.

- Điệp từ "ta" được lặp đi lặp lại thể hiện một ước nguyện chân thành, thiết tha.
- Liệt kê: Chim hót, cành hoa, nốt trầm cho thấy ước nguyện giản dị, chân thành.
Câu 4. Nội dung nêu được những ý cơ bản:

- "Mùa xuân nho nhỏ" là bài thơ đặc sắc nói về sức cống hiến, khát vọng đóng góp và trở thành người có ích của tác giả Thanh Hải.

- Thế hệ trẻ ngày nay, cần ý thức được tầm quan trọng cũng như trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của dân tộc và đất nước.

- Ý thức được vai trò của mình trong việc thay đổi diện mạo, nâng tầm đất nước.

- Cần trang bị cho mình sự vững chãi về kiến thức, kĩ năng đáp ứng những yêu cầu cơ bản của xã hội trong công cuộc hiện đại hóa nước nhà.

- Người trẻ phải có tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, và ước mơ hoài bão cống hiến. Tất cả sự hưng thịnh, tồn vong của đất nước vì thế thế hệ trẻ phải nỗ lực, cố gắng hết mình ngay từ hiện tại.

 

Nhiệm vụ 2: GV phát đề cho HS, các em hoàn thành bài tập dưới đây theo hình thức cá nhân.

PHIẾU BÀI TẬP 3

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi

"Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến.

 

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc".

(Ngữ văn 9, tập 2)

Câu 1. Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm nào? Tác giả của đoạn thơ trên là ai?

Câu 2. Chỉ ra các điệp từ và từ láy trong khổ thơ trên.

Câu 3. Các hình ảnh “con chim”, “một cành hoa”, “một nốt trầm” có những đặc điểm gì giống nhau?

Câu 4. Viết đoạn văn ngắn khoảng 15 - 20 dòng về lẽ sống “ dâng cho đời”.

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Câu 1. Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm: Mùa xuân nho nhỏ , của tác giả Thanh Hải

Câu 2.

- Từ láy trong đoạn thơ trên: nho nhỏ, xao xuyến.

- Điệp từ: “ta”, “một”, “dù”.

Câu 3. Các hình ảnh con chim, một cành hoa, một nốt trầm có những đặc điểm giống nhau:

- Là những hình ảnh bình dị, khiêm nhường của thiên nhiên, cuộc sống mang lại niềm vui, vẻ đẹp cho đời một cách tự nhiên.

- Là những hình ảnh mang ước nguyện chân thành, tha thiết của nhà thơ: được cống hiến những gì tốt đẹp, dù nhỏ bé, đơn sơ cho cuộc đời chung.

Câu 4.

* Yêu cầu về hình thức và kĩ năng:

- Đúng hình thức: là một đoạn văn ngắn, dài khoảng 15 - 20 dòng.

- Biết vận dụng các thao tác lập luận; hành văn trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

* Yêu cầu về nội dung: Dưới đây là một số gợi ý cơ bản

- Dâng cho đời là lẽ sống biết cống hiến một cách tự nguyện, chân thành những gì tốt đẹp nhất cho cuộc đời chung.

- Đó là lẽ sống có ý nghĩa tích cực, mang lại niềm hạnh phúc cho chính mình, cho xã hội, xuất phát từ ý thức trách nhiệm, từ tình yêu với cuộc đời. Nhiều bạn trẻ ngày nay có lối sống đẹp đẽ ấy.

- Xác định nhận thức, hành động đúng cho mọi người. Sống cho đời nhưng không cần ồn ào, phô trương; không nên làm mất đi bản sắc riêng của mình thì mới thực sự có ý nghĩa.

 

  1. Dạng đề nghị luận xã hội:

Nhiệm vụ 3: GV phát phiếu bài tập, các em lập dàn ý cho đề bài dưới đây.

PHIẾU BÀI TẬP 4

Đề bài: Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” cho ta thấy niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa toả hương sắc cho đời của Thanh Hải. Trong bài “Một khúc ca xuân”, Tố Hữu cũng có những suy ngẫm tương tự: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN

- Giải thích khái niệm:

+ “Cho” là biết hi sinh, cống hiến, biết sống vì người khác. “Nhận” là hưởng thụ, đem phần về cho mình, sống chỉ biết có mình.

→ Ý nghĩa của câu nói: Sống không phải chỉ biết hưởng thụ, mà phải biết hi sinh, cống hiến, phải biết quan tâm đến mọi người. (Mối quan hệ giữa trách nhiệm và quyền lợi)

→ Quan niệm sống đẹp.

- Tại sao sống không phải chỉ biết hưởng thụ, mà phải biết hi sinh, cống hiến, phải biết quan tâm đến mọi người?

+ Thành quả của mỗi người đạt được trong cuộc sống không phải tự dưng có được mà phải trải qua một quá trình. Ngoài sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân còn là sự hi sinh, giúp đỡ, cống hiến của bao người.

+ Vì vậy, lối sống chỉ vì mình, chỉ biết hưởng thụ mà không biết hi sinh, cống hiến là một lối sống ích kỉ, không thể chấp nhận. Xét về mặt đạo lí: đó là sự vô ơn, bội nghĩa. Xét về qui luật phát triển xã hội: đó là lối sống lạc hậu, trì trệ, kìm hãm sự phát triển…

+ Nêu một số biểu hiện tích cực, phê phán hành động đi ngược lại lối sống đó.

- Khẳng định – Bài học rút ra:

+ Quan niệm sống của Tố Hữu là quan niệm sống đúng đắn ở mọi thời đại.

+ Hơn ai hết, thanh niên cần phải xác định rõ trách nhiệm, tình thương của mình.

+ Cần phải biết kết hợp hài hoà giữa quyền lợi và trách nhiệm, giữa “cho” và “nhận”; nhận thức rõ ý nghĩa cao quý khi mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho người khác; cho cộng đồng, đất nước.

 

  1. Dạng đề nghị luận văn học

Nhiệm vụ 2: GV phát phiếu bài tập theo nhóm, chia lớp thành 4 nhóm, các nhóm thảo luận trong 7 phútđại diện nhóm lên bảng trình bày.

PHIẾU BÀI TẬP 5

- Đề 1: Trình bày cảm nhận về 2 khổ thơ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ”- Thanh Hải.

- Đề 2: Trình bày cảm nhận về 3 khổ thơ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ”- Thanh Hải.

- Đề 3. “Thơ là tiếng lòng”(Tố Hữu). Hãy lắng nghe tiếng lòng của nhà thơ Thanh Hải qua việc phân tích đoạn thơ sau:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.


Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN

I. Lập dàn ý chung cho đề 1, đề 2:

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, dẫn dắt, nêu nội dung và trích dẫn đoạn trích.

2. Thân bài:

- Cảm nhận từng khổ thơ theo thứ tự nêu nội dung khổ thơ, phân tích từ nghệ thuật rồi cảm nhận nội dung; tiểu kết lại khổ thơ thứ nhất và dẫn chuyển sang khổ 2.

- Đánh giá: Khái quát lại nghệ thuật, nội dung của đoạn thơ; liên hệ với các tác phẩm cùng thể loại hay từng thời kì.

3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề và liên hệ bản thân.

II. Lập dàn ý chi tiết cho đề 3:

1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả Thanh Hải.

- Giới thiệu về bài thơ (Hoàn cảnh ra đời và nội dung cơ bản).

- Giới thiệu, trích dẫn nhận định, trích dẫn đoạn thơ.

2. Thân bài:

 a. Giải thích nhận định

- Tiếng lòng: thế giới nội tâm con người.

- Thơ: thể loại văn học thuộc phương thức trữ tình.

- Thơ là tiếng lòng: ý chỉ nội dung bài thơ là sự giãi bày, bộc lộ những rung động, cảm xúc của người làm thơ.

→ Ý kiến này đề cập tới đặc trưng quan trọng nhất của thơ ca: là tiếng nói của tình cảm, là tiếng lòng. Mỗi bài thơ là sự đồng cảm, tri âm giữa tác giả và bạn đọc, đó chính là vai trò của tiếng nói tâm hồn trong thơ.

b. Chứng minh nhận định

- Tiếng lòng của Thanh Hải trong khổ thơ đầu là cảm xúc tha thiết, trìu mến  của tác giả trước bức tranh thiên nhiên khi đất trời vào xuân.

+ Hình ảnh vẻ đẹp của mùa xuân xứ Huế được khắc họa qua: hoa tím, sông xanh, bầu trời cao rộng.

+ Âm thanh tiếng chim chiền chiện báo xuân về như kết tinh thành “từng giọt long lanh”.

+ Vẻ đẹp của mùa xuân thể hiện qua góc nhìn của tác giả cũng như tấm lòng trân trọng của tác giả trước thiên nhiên, cuộc đời.

+ Lời trò chuyện thân mật cùng tự nhiên và sự trân trọng sự sống được thể hiện qua hành động “đưa tay hứng” của tác giả.

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

+ Giọt long lanh được hiểu theo nghĩa ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, từ chỗ âm thanh được cảm nhận bằng thính giác chuyển sang cảm nhận bằng thị giác và xúc giác “đưa tay hứng”

+ Nghệ thuật đảo ngữ, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, nhân hóa...

→ Tác giả say đắm trong mùa xuân của thiên nhiên đất trời với tâm thế đón nhận trân trọng

- Tiếng lòng của Thanh Hải trong khổ thơ thứ hai là cảm xúc của tác giả trước mùa xuân đất nước

+ Các điệp ngữ “mùa xuân”, “lộc” như trải rộng khung cảnh hiện thực gắn với cuộc sống chiến đấu và lao động của nhân dân.

+ Mùa xuân đất nước được gợi ra qua hai hình ảnh tiêu biểu: “người cầm súng” và “người ra đồng”. “Người cầm súng” và “người ra đồng” là biểu tượng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và lao động để xây dựng bảo vệ tổ quốc.

+ Điệp từ “tất cả” và điệp cấu trúc câu “tất cả như…” cùng với những từ láy “hối hả”, “xôn xao” gợi lên hình ảnh đất nước vào xuân như bừng lên sức sống với khí thế hối hả, khẩn trương, tưng bừng, nhộn nhịp. Với việc lặp lại cấu trúc câu “Tất cả như” và lối so sánh trực tiếp cũng góp phần diễn tả không khí rộn ràng nhộn nhịp của những năm tháng gian lao mà hào hùng.

c. Đánh giá:

- Đoạn thơ với thể thơ 5 chữ có nhạc điệu trong sáng thiết tha với những hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm; giọng thơ nhỏ nhẹ như lời tâm sự gửi gắm.

+ Tác giả sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ, so sánh đẹp, sáng tạo, sử dụng điệp ngữ, nghệ thuật đảo trật tự từ.

- Đoạn thơ đã thể hiện tiếng lòng của nhà thơ Thanh hải trước mùa xuân của thiên nhiên và mùa xuân của đất nước.

- Cùng với các nhà thơ Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hồ Chí Minh, nhà thơ Thanh Hải đã góp cho nền thơ ca nước nhà một bài thơ hay, giàu ý nghĩa về mùa xuân.

3. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề.

- Liên hệ bản thân.

 

  1. CỦNG CỐ - DẶN DÒ

- GV nhấn mạnh kiến thức, kĩ năng cơ bản của buổi học.

- Bài tập về nhà: Viết đề 3 phiếu bài tập 5 thành một bài văn hoàn chỉnh.

Trên chỉ là 1 phần của giáo án. Giáo án khi tải về có đầy đủ nội dung của bài. Đủ nội dung của học kì I + học kì II

Cần nâng cấp lên VIP

Khi nâng cấp lên tài khoản VIP, sẽ tải được tài liệu + nhiều hữu ích khác. Như sau:

  • Giáo án đồng bộ word + PPT: đủ cả năm
  • Trắc nghiệm cấu trúc mới: Đủ cả năm
  • Ít nhất 10 đề thi cấu trúc mới ma trận, đáp án chi tiết
  • Trắc nghiệm đúng/sai cấu trúc mới
  • Câu hỏi và bài tập tự luận
  • Lý thuyết và kiến thức trọng tâm
  • Phiếu bài tập file word
  • File word giải bài tập
  • Tắt toàn bộ quảng cáo
  • Và nhiều tiện khác khác đang tiếp tục cập nhật..

Phí nâng cấp:

  • 1000k/6 tháng
  • 1150k/năm(12 tháng)

=> Khi nâng cấp chỉ gửi 650k. Tải về và dùng thực tế. Thấy hài lòng thì 3 ngày sau mới gửi số phí còn lại

Cách nâng cấp:

  • Bước 1: Chuyển phí vào STK: 1214136868686- Cty Fidutech- Ngân hàng MB
  • Bước 2: Nhắn tin tới Zalo Fidutech - nhấn vào đây để thông báo và nhận các tài liệu

Xem toàn bộ:

Tài liệu giảng dạy

Xem thêm các bài khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay