Giáo án ôn tập Ngữ văn 9 bài: Thơ hiện đại Việt Nam
Dưới đây là giáo án ôn tập bài: Thơ hiện đại Việt Nam. Bài học nằm trong chương trình Ngữ văn 9. Tài liệu dùng để dạy thêm vào buổi 2 - buổi chiều. Dùng để ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh. Giáo án là bản word, có thể tải về để tham khảo.
Xem: =>
Ngày soạn: …/…/…
Ngày dạy: …/…/…
BUỔI 11: ÔN TẬP THƠ HIỆN ĐẠI VIỆT NAM
(Văn bản: Bếp lửa – Bằng Việt)
I. MỤC TIÊU
- Kiến thức: Ôn tập củng cố khắc sâu kiến thức:
- Những hiểu biết bước đầu về tác giả Bằng Việt và hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
- Lòng kính yêu bà, tình yêu quê hương đất nước của người cháu trong bài thơ.
- Những xúc cảm chân thành của tác giả và hình ảnh người bà giàu tình thương, giàu đức hy sinh.
- Việc sử dụng kết hợp các yếu tố tự sự, miêu tả, bình luận trong tác phẩm trữ tình.
- Năng lực
- Năng lực chung
- Năng lực tự chủ và tự học: Tìm kiếm thông tin, đọc sách giáo khoa, quan sát tranh ảnh để hiểu về nội dung đã học
- Năng lực giao tiếp và hợp tác: Thảo luận nhóm để thực hiện phiếu học tập, hợp tác giải quyết vấn đề để hiểu về văn bản đã học.
- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Năng lực trình bày và trao đổi thông tin trước lớp.
- Năng lực riêng biệt
- Nhận diện, phân tích được các yếu tố miêu tả, tự sự, bình luận và biểu cảm trong bài thơ.
- Liên hệ để thấy được nổi nhớ về người bà trong hoàn cảnh tác giả ở xa Tổ quốc có mối liên hệ chặt chẽ với những tình cảm, với quê hương đất nước.
3.Về phẩm chất
- Giáo dục lòng kính yêu bà, tình yêu quê hương đất nước.
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
- Giáo viên: Giáo án, sách giáo khoa, phiếu học tập.
- Học sinh: Thiết bị học tập cần thiết
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
KHỞI ĐỘNG
a. Mục tiêu: Tạo tâm thế và định hướng chú ý cho HS; tạo vấn đề vào chủ đề.
b. Nội dung hoạt động: HS trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: HS suy nghĩ trả lời.
Tổ chức thực hiện:
- GV đặt đề bài: Các em hãy nhớ lại trong chương trình Ngữ văn đã học có tác phẩm nào viết về tình bà cháu hay không? Đó là tác phẩm nào, của ai? Nội dung viết về vấn đề gì?
- Gợi ý: tác phẩm “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh.
- GV dẫn dắt vào phần ôn tập.
- HỆ THỐNG LẠI KIẾN THỨC
Hoạt động: Ôn tập lại những kiến thức về tác giả và bài thơ “Bếp lửa”
- Mục tiêu: Hệ thống lại những kiến thức về tác giả và bài thơ “Bếp lửa”
- Nội dung hoạt động: HS thảo luận, trả lời câu hỏi được phân công.
- Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.
- Tổ chức thực hiện:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Nhiệm vụ 1: Nhắc lại kiến thức khái quát về tác giả Bằng Việt. Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ - GV yêu cầu HS tìm hiểu thông tin về tác giả Bằng Việt: + Năm sinh. + Quê quán + Sự nghiệp sáng tác và tác phẩm chính. Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ - HS thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả - GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá - GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức. Nhiệm vụ 2: Nhắc lại kiến thức khái quát về bài thơ “Bếp lửa” Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ - GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: + Nhóm 1: Nêu hoàn cảnh ra đời và xuất xứ của bài thơ. Bài thơ được sáng tác theo thể thơ nào? + Nhóm 2: Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ. + Nhóm 3: Nêu bố cục và mạch cảm xúc của bài thơ? + Nhóm 4: Nêu ý nghĩa nhan đề của bài thơ? Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ - HS thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả - GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét. Bước 4: Nhận xét, đánh giá - GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức. | I. Tác giả - Tên Nguyễn Việt Bằng, sinh 1941 tại Huế, quê Hà Tây. - Thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. - Tác phẩm chính: Hương cây - Bếp lửa; Những gương mặt, những khoảng trời; Đất sau mưa; Cát sáng; Bếp lửa khoảng trời.
II. Tác phẩm 1. Hoàn cảnh sáng tác - Sáng tác 1963, khi tác giả đang là sinh viên luật học tập tại trường Đại học Ki-ep, thuộc Liên Xô cũ. - Bài thơ gợi lại những kỉ niệm về người bà và tình bà cháu vừa quen thuộc vừa sâu sắc, thấm thía. - Xuất xứ: in trong tập “Hương cây - Bếp lửa”. - Thể thơ: tự do (8 tiếng/câu) 2. Giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ: - Nghệ thuật: Trong bài thơ, tác giả đã sử dụng thành công thể thơ tự do; kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với tự sự, miêu tả và bình luận. Hình ảnh bếp lửa vừa mang ý nghĩa thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng cảm xúc dạt dào, lời thơ tha thiết, hình tượng thơ độc đáo… - Nội dung: Bài thơ là dòng hồi tưởng của người cháu về những năm tháng tuổi thơ được sống bên bà. Qua đó nhà thơ đã ca ngợi đức hi sinh, sự tần tảo và tình yêu thương bao la của bà đồng thời bộc lộ nỗi thương nhớ, lòng kính yêu và biết ơn vô hạn của mình với bà với gia đình quê hương… 3. Mạch cảm xúc: - Bài thơ đi từ quá khứ đến hiện tại, từ kỉ niệm đến suy ngẫm theo dòng hồi tưởng. - Bài thơ là lời của người cháu ở nơi xa nhớ về bà và những kỉ niệm với bà, nói lên lòng kính yêu và những suy ngẫm về bà. 4. Bố cục: gồm 4 phần - Đoạn 1: 3 dòng đầu: Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng hồi tưởng cảm xúc về bà. - Đoạn 2: 4 khổ tiếp: Hồi tưởng những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà và hình ảnh bà gắn liền với hình ảnh bếp lửa. - Đoạn 3: khổ 5: Suy ngẫm về cuộc đời bà. - Đoạn 4: khổ cuối: Khẳng định tình cảm của người cháu đã trưởng thành, đi xa song không nguôi nhớ bà. 5. Ý nghĩa nhan đề: Bếp lửa là một nhan đề giản dị mà không kém phần gợi cảm. + Đây là hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong bài, vừa tả thực vừa có ý nghĩa biểu tượng. Tả thực bếp lửa nhà nghèo “khói hun nhèm mắt cháu”; ngọn lửa bập bùng hắt bóng trên vách, trên liếp, nấu chín thức ăn, sưởi ấm chỗ ở. + Biểu tượng cho lòng bà ấm áp soi sáng trí tuệ và sưởi ấm tâm hồn; biểu tượng cho niềm tin thiêng liêng kỳ diệu nâng bước con người trên những chặng đường nhiều thử thách, gian nan. + Bếp lửa biểu tượng cho những gì gần gũi và thiêng liêng: gia đình, quê hương đất nước → bếp lửa, ngọn lửa trở thành hình ảnh nghệ thuật đặc sắc. Lấy hình ảnh nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm làm tên bài, Bằng Việt đã thể hiện sâu sắc chủ đề tác phẩm: ngợi ca tình bà cháu, tình gia đình ấm áp, thiêng liêng. |
- BÀI TẬP LUYỆN TẬP VẬN DỤNG
- Mục tiêu: HS khái quát lại nội dung bài học thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập.
- Nội dung hoạt động: HS thảo luận, hoàn thành phiếu học tập.
- Sản phẩm học tập: Câu trả lời của các câu hỏi, bài tập.
- Tổ chức thực hiện:
- Dạng đề đọc hiểu
Nhiệm vụ 1: GV phát đề cho HS, yêu cầu HS tự hoàn thành các bài tập theo hình thức cá nhân.
PHIẾU BÀI TẬP 1 Đọc ba câu thơ sau và trả lời câu hỏi: Một bếp lửa chờn vờn sương sớm Một bếp lửa ấp iu nồng đượm Cháu thương bà biết mấy nắng mưa. Câu 1: Nêu nội dung của đoạn thơ trên? Câu 2: Trong ba câu thơ, tác giả sử dụng những biện pháp tu từ gì? Nêu hiệu quả của các biện pháp đó? Câu 3. Nỗi nhớ quê trong những câu thơ trên có gì gần gũi với nỗi nhớ quê trong bài “Tiếng gà trưa” của tác giả Xuân Quỳnh? Câu 4: Từ đoạn thơ trên, em hãy trình bày suy nghĩ của em về vai trò của gia đình đối với mỗi con người bằng một đoạn văn khoảng 200 chữ?
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1: Nội dung: Đoạn thơ đã tái hiện hình ảnh bếp lửa rất đỗi thân thuộc với làng quê Việt Nam, từ đó khơi gợi cảm xúc về bà. Câu 2. - Biện pháp tu từ ẩn dụ qua câu thơ “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.” → “Nắng mưa” chỉ những vất vả, nhọc nhằn trong cuộc đời bà, đồng thời thể hiện sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc của cháu đối với bà. - Hình ảnh ẩn dụ “ấp iu nồng đượm”: Gợi đến bàn tay cần mẫn, khéo léo, chính xác của người nhóm lửa, gợi tấm lòng chi chút của người nhóm lửa. - Biện pháp điệp ngữ “ Một bếp lửa” được điệp lại hai lần: Gợi bóng dáng của người bà, người mẹ tần tảo, thức khuya dậy sớm chăm sóc cho chồng, cho con, diễn tả dòng cảm xúc dâng tràn ùa về kí ức. Câu 3. - Tiếng gà trưa đánh thức trong Xuân Quỳnh những kỉ niệm về một thời ấu thơ sống trong tình thương yêu của bà. - Còn với Bằng Việt, trong bài thơ Bếp lửa (1963), như chính nhan đề của nó (cũng như nhan đề của bài thơ của Xuân Quỳnh: Tiếng gà trưa), "Bếp lửa" đã trở thành một hình ảnh biểu trưng cho sự ấm áp, nồng đượm của tình bà cháu. "Bếp lửa" khơi gợi, làm nhen lên, lan toả, cháy mãi dòng hồi ức tuổi ấu thơ, thao thức, đượm buồn. Câu 4. * Mở đoạn: Gia đình luôn có vai trò quan trong trong cuộc đời mỗi con người. * Thân đoạn: - Giải thích: Gia đình là khái niệm chỉ những người cùng chung sóng dưới một mái nhà, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và huyết thống, thường gồm có ông bà, cha mẹ, con cái và cháu chắt. - Bàn luận: Vì sao gia đình có vai trò quan trọng đối với mỗi con người? + Gia đình là nơi ta sinh ra trong sự đón chờ của ông bà, cha mẹ, ang chị; nơi ta lớn lên mỗi ngày trong tình yêu thương, sự quan tâm, che chở. + Gia đình với nếp nghĩ, nếp sống riêng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tính cách, suy nghĩ, ứng xử và sự phát triển của mỗi người. Không có sự chăm lo, giáo dục của gia đình là một điều kiện thiệt thòi lớn về tinh thần, cũng có thể dẫn tới sự thiếu hụt, lệch lạc trong phát triển nhân cách con người. + Gia đình là nơi chan chứa tình yêu thương, cho ta sức mạnh tinh thần quí giá để đứng vững giữa cuộc đời; cũng là nơi sẵn sàng đón lấy ta, cho ta trở về sau những thăng trầm, vấp ngã bên ngoài cuộc đời rộng lớn. + Ta có thể có nhiều bạn bè nhưng gia đình chỉ có một mà thôi. ( Lấy dẫn chứng để làm rõ) - Đánh giá, mở rộng vấn đề: + Gia đình là tài sản quí giá của mỗi người, có vai trò và ý nghĩa to lớn trong cuộc sống mỗi người. + Phê phán những kẻ bất hiếu, coi nhẹ gia đình. - Bài học: + Cần trân trọng , biết ơn, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc gia đình. + Liên hệ bản thân với tư cách là một người con , người cháu trong gia đình. * Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề. |
PHIẾU BÀI TẬP 2 Đọc kĩ phần văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa! ( Bếp lửa – Bằng Việt) Câu 1. Em hiểu như thế nào về cụm từ “biết mấy nắng mưa” trong câu thơ đầu đoạn? Hãy tìm một câu thành ngữ có chứa hai từ “nắng”, “mưa” và giải thích ngắn gọn ý nghĩa câu thành ngữ em vừa tìm được. Câu 2. Hình ảnh bếp lửa và hình ảnh ngọn lửa được nhắc đến nhiều lần trong bài thơ có ý nghĩa gì? Câu 3. Nêu giá trị nghệ thuật của điệp từ “nhóm” trong khổ thơ trên. Câu 4. Viết đoạn văn diễn dịch khoảng 15 câu nêu cảm nhận của em về hình ảnh người bà được thể hiện trong đoạn thơ trên. Câu 5. Hãy kể tên hai bài thơ khác viết về tình cảm gia đình trong chương trình Ngữ văn lớp 9.
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1. - Cụm từ “biết mấy nắng mưa” trong câu thơ đầu đoạn : không chỉ nói về những ngày nắng ngày mưa đời bà từng trải qua mà còn nói tới những vất vả nhọc nhằn mà bà từng nếm trải (đói nghèo, bom đạn, thay con nuôi cháu..) - Một câu thành ngữ có chứa hai từ “nắng”, “mưa” và giải thích ngắn gọn ý nghĩa câu thành ngữ vừa tìm được: Giãi nắng dầm mưa, năm nắng mười mưa: chỉ những khó khăn, vất vả… Câu 2. - Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ có ý nghĩa: + Bếp lửa luôn gắn liền với hình ảnh của người bà. Nhớ đến bếp lửa là cháu nhớ đến người bà thân yêu (bà là người nhóm lửa) và cuộc sống gian khổ. + Bếp lửa bàn tay bà nhóm lên mỗi sớm mai là nhóm lên niềm yêu thương, niềm vui sưởi ấm, san sẻ. + Bếp lửa là tình bà ấm nóng, tình cảm bình dị mà thân thuộc, kì diệu, thiêng liêng. - Hình ảnh ngọn lửa trong bài thơ có ý nghĩa: + Ngọn lửa là những kỉ niệm ấm lòng, niềm tin thiêng liêng, kì diệu nâng bước cháu trên suốt chặng đường dài. + Ngọn lửa là sức sống, lòng yêu thương, niềm tin mà bà truyền cho cháu. Câu 3. - Điệp từ “nhóm” được nhắc lại 4 lần làm toả sáng hơn nét “kì lạ” và thiêng liêng bếp lửa. Bếp lửa của tình bà đã nhóm lên trong lòng cháu bao điều thiêng liêng, kì lạ. Từ “nhóm” đứng đầu mỗi dòng thơ mang nhiều ý nghĩa: + Khơi dậy tình cảm nồng ấm + Khơi dậy tình yêu thương, tình làng nghĩa xóm, quê hương + Khơi dậy những kỉ niệm tuổi thơ, bà là cội nguồn của niềm vui, của ngọt bùi nồng đượm, là khởi nguồn của những tâm tình tuổi nhỏ. Đó là bếp lửa của lòng nhân ái, chia sẻ niềm vui chung. Câu 4. Đảm bảo được các nội dung cơ bản sau: - Người bà tảo tần, lam lũ cả cuộc đời hi sinh vì con cháu lận đận đời bà biết mấy nắng mưa, mấy chục năm rồi đến tận bây giờ, bà vẫn giữ nói quen dậy sớm… - Người bà hết lòng yêu thương cháu, người bà đã nhóm lên trong lòng cháu bao điều tốt đẹp, đó là tình yêu thương, là niềm tin yêu, hi vọng… Chú ý phân tích các câu thơ “nhóm bếp lửa, nhóm niềm yêu thương… Tác giả đã dùng điệp từ “nhóm” với những nét nghĩa khác nhau để giúp ta vừa hình dung đôi bàn tay khéo léo, chăm chút giữ lửa của bà vừa giúp ta hiểu được những điều đẹp đễ, thiêng liêng và đã nhóm lên trong tâm hồn của cháu… - Người bà hiện ra trong nỗi nhớ, trong tình yêu thương, lòng biết ơn vô bờ của cháu. Bà chính là gia đình, là tuổi thơ, là quê hương, là bếp lửa “kì lạ và thiêng liêng” nơi tâm hồn cháu. Câu 5. Hãy kể tên hai bài thơ viết về tình cảm gia đình trong chương trình Ngữ văn lớp 9: Nói với con (Y Phương), Con cò (Chế Lan Viên) |
PHIẾU BÀI TẬP 3 Cho đoạn thơ: “Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở: - Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ?” Câu 1. Khổ thơ trên trích trong tác phẩm nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác. Câu 2. Tìm lời dẫn trong khổ thơ? Lời dẫn được trích dẫn theo cách nào? Dấu hiệu nhận biết? Câu 3. Trong khổ thơ tác giả sử dụng những biện pháp tu từ nào? Hiệu quả nghệ thuật của cách diễn đạt đó? Câu 4. Bằng một đoan văn khoảng 10 câu trong đó có sử dụng phép lặp, phép liên kết và một câu đảo trật tự từ em hãy phân tích đoạn thơ trên để thấy được tình cảm sâu nặng với bà, với quê hương, đất nước của người cháu.
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1. - Khổ thơ trích trong tác phẩm: Bếp lửa - Tác giả: Bằng Việt - Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ sáng tác năm 1963, khi Bằng Việt đang là sinh viên khoa pháp lí trường Đại học tổng hợp Ki – ép (Liên Xô cũ). In trong tập thơ Hương cây - Bếp lửa. Câu 2. - Lời dẫn: Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ? - Lời dẫn được trích dẫn theo cách dẫn trực tiếp. - Dấu hiệu nhận biết: Trước lời dẫn có dấu hai chấm và dấu gạch đầu dòng. Câu 3. - Trong khổ thơ tác giả sử dụng những biện pháp tu từ: Điệp từ trăm cùng với phép liệt kê khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả và câu hỏi tu từ Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ? - Hiệu quả của cách diễn đạt: + Điệp từ trăm cùng với phép liệt kê khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả đã mở ra một thế giới rộng lớn với bao điều mới mẻ. Người cháu được sống trong niềm vui hạnh phúc, được đến những chân trời xa lạ nhưng trong tâm hồn, tình cảm, luôn hướng về bà, cháu không thể quên ánh sáng và hơi ấm từ bếp lửa của bà, không quên được những lận đận, những hi sinh của bà… Đó là đạo lí thuỷ chung cao đẹp của con người Việt Nam. + Lời dẫn trực tiếp cùng câu hỏi tu từ Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa gợi cho người đọc cảm nhận như có một nỗi nhớ khắc khoải, thường trực, một nỗi nhớ da diết, khôn nguôi về bà. + Nhớ về bà cũng chính là nhớ về nhớ về gia đình, quê hương, đất nước, cội nguồn. Câu 4. Đảm bảo các ý cơ bản sau: - Câu chủ đề: tình cảm sâu nặng với bà, với quê hương đất nước của người cháu. - Câu triển khai: + Khoảng cách về không gian, thời gian: Khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả không thể làm cháu lãng quên ánh sáng và hơi ấm từ bếp lửa của bà, của quê hương, không quên được những tận tụy hi sinh của đời bà. → Đó là đạo lý thủy chung cao đẹp của con người Việt Nam. + Nghệ thuật: cần phân tích điệp từ nối “nhưng” ở câu thơ thứ 3. |
PHIẾU BÀI TẬP 4 Ở bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt), trong dòng hồi tưởng, người cháu nhớ lại: … “Năm ấy là năm đói mòn mỏi”… rồi trở về thực tại: “Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở: – Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…” (Trích ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015) Câu 1: Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Câu 2: “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi” được nhắc tới trong bài thơ gợi nhớ về thời điểm nào của đất nước? Việc nhà thơ tách từ “mòn mỏi” để ghép thành “đói mòn đói mỏi” có tác dụng gì? Câu 3: Viết một đoạn văn theo cách lập luận diễn dịch (khoảng 12 câu) làm rõ tình cảm sâu nặng của cháu đối với bà ở khổ thơ trên trong đó có sử dụng phép nối để liên kết và một câu bị động (gạch dưới từ ngữ dùng làm phép nối và câu bị động)
GỢI Ý ĐÁP ÁN Câu 1: Hoàn cảnh ra đời bài thơ Bếp lửa: - Bài thơ được sáng tác năm 1963 khi đất nước vẫn còn nhiều khó khăn: miền Bắc đã được hòa bình, đang xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho tiền tuyến; miền Nam đang đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước. - Nhà thơ Bằng Việt đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài. Nhớ về quê hương, về người bà thân yêu, về những kỉ niệm tuổi thơ gian khổ mà ấm áp nghĩa tình, nhà thơ đã viết nên bài thơ này. Câu 2: Nạn đói năm 1945. - Câu thơ “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi” nhắc nhớ đến kỉ niệm khi nhà thơ lên bốn tuổi, năm 1945, miền Bắc lâm vào nạn đói khủng khiếp khiến 2 triệu đồng bào chết đói. - Việc tách từ “mòn mỏi” tạo thành tổ hợp “đói mòn đói mỏi” có tác dụng nhấn mạnh sự dai dẳng, khủng khiếp của cơn đói cũng như nỗi cơ cực, nhọc nhằn của mỗi người dân trong nạn đói. Câu 3: - Tình bà cháu sâu nặng vượt trên cả khoảng cách không gian (“cháu đã đi xa”, đến những phương trời mới, đất nước xa xôi), khoảng cách thời gian (người cháu đã khôn lớn, trưởng thành), vượt lên cả sự khác biệt về hoàn cảnh sống (cuộc sống đủ đầy về vật chất, tiện nghi). - Nỗi nhớ về bà, về những kỉ niệm tuổi thơ luôn luôn thường trực trong tâm thức, trong trái tim người cháu. |
- Dạng đề nghị luận văn học
Nhiệm vụ 2: GV phát phiếu bài tập theo nhóm, mỗi nhóm gồm 4 thành viên, các nhóm thảo luận trong 7 phút và đại diện nhóm lên bảng trình bày.
PHIẾU BÀI TẬP 5 Đề bài: Cảm nhận của em về tình bà cháu và bếp lửa trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt.
GỢI Ý ĐÁP ÁN 1. Mở bài: Giới thiệu chung về tác giả và bài thơ với tình bà cháu thiêng liêng, ấm áp. 2. Thân bài: - Hình ảnh Bếp lửa khơi nguồn cho cảm xúc - Hình ảnh bếp lửa cứ cháy trong kỉ niệm của tình bà cháu: “Lên 4 tuổi, Tám năm ròng, …giặc đốt làng” → Đó là thời điểm từ bé đến lớn, ký ức về nỗi cay cực đói nghèo. - Hình ảnh người bà và bếp lửa trong nỗi nhớ của người cháu, đó là người bà chịu thương chịu khó, giàu đức hy sinh “Rồi sớm rồi chiều… Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn …chứa niềm tin dai dẳng” → Ngọn lửa của trái tim con người, của tình yêu thương mà người bà truyền cho người cháu, ngọn lửa của niềm tin, của hy vọng. - Bếp lửa là hình ảnh của cuộc sống thực đầy vất vả nhọc nhằn của hai bà cháu, và là hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng cho tình bà ấm áp. - Hình ảnh bếp lửa là sự nuôi dưỡng, nhen nhóm tình cảm yêu thương con người, thể hiện nỗi nhớ, lòng biết ơn, khơi gợi lên cho cháu một tâm hồn cao đẹp. 3. Kết bài: Là bài thơ cảm động về tình bà cháu. Tình cảm dạt dào trong lòng đã tìm đến một giọng điệu, một nhịp điệu thật phù hợp. |
PHIẾU BÀI TẬP 6 Đề bài: Suy nghĩ của em về bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt.
GỢI Ý ĐÁP ÁN I. Mở bài: - Giới thiệu về tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. - Nêu cảm nhận chung về bài thơ. II. Thân bài a. Những hồi tưởng về bà và tình bà cháu. - Hình ảnh đầu tiên được tác giả tái hiện là hình ảnh một bếp lửa ở làng quê Việt Nam thời thơ ấu. - Từ hình ảnh bếp lửa, liên tưởng tự nhiên đến người nhóm lửa, nhóm bếp - đến nỗi nhớ, tình thương bà của đứa cháu đang ở xa: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa” → là cách nói ẩn dụ, gợi ra phần nào cuộc đời vất vả lo toan của bà. - Bếp lửa lại thức thêm một kỉ niệm tuổi thơ: Những kỉ niệm đầy ắp âm thanh, ánh sáng và những tình cảm sâu sắc xung quanh cái bếp lửa quê hương. b. Những suy ngẫm về bà và hình ảnh bếp lửa. - Bà tần tảo, chịu thương chịu khó, lặng lẽ hi sinh cả một đời: “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa … Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ” - Hình ảnh bà luôn gắn với hình ảnh bếp lửa. Chính vì thế mà nhà thơ đã cảm nhận được trong hình ảnh bếp lửa bình dị mà thân thuộc sự kì diệu, thiêng liêng: “Ôi kì lạ và thiêng liêng - Bếp lửa!” Như vậy, từ ngọn lửa của bà, cháu nhận ra cả một “niềm tin dai dẳng” về ngày mai, cháu hiểu được linh hồn của một dân tộc vất vả, gian lao mà tình nghĩa. Bà không chỉ là người nhóm lửa mà còn là người truyền lửa - ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp. c. Niềm thương nhớ của cháu: - Đứa cháu năm xưa giờ đã trưởng thành. Cháu đã được sống với những niềm vui rộng mở, nhưng cháu vẫn không thể quên bếp lửa của bà, vẫn không nguôi nhớ thương bà... - Mỗi ngày đều tự hỏi: “sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”, mỗi ngày đều nhớ về bà và bếp lửa của bà. Hình ảnh ấy đã trở thành kỉ niệm thiêng liêng làm ấm lòng, nâng đỡ cháu trên những bước đường đời. III. Kết bài - Bài thơ chứa đựng ý nghĩa triết lí thầm kín: những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người đều có sức toả sáng, nâng đỡ con người suốt hành trình dài rộng của cuộc đời. - Bài thơ sáng tạo hình tượng bếp lửa vừa thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng; kết hợp miêu tả, biểu cảm, tự sự và bình luận; giọng điệu và thể thơ tám chữ phù hợp với cảm xúc hồi tưởng, suy ngẫm. |
PHIẾU BÀI TẬP 7 Đề bài: Bàn về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt có ý kiến cho rằng: “Bài thơ biểu hiện một triết lý thầm kín: những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời”. Bằng những hiểu biết của em về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
GỢI Ý ĐÁP ÁN I. Mở bài: - Giới thiệu tác giả - Giới thiệu tác phẩm: Hoàn cảnh ra đời và nội dung của bài thơ. - Giới thiệu và trích dẫn nhận định II. Thân bài: - Giải thích lời nhận định: + Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người: là những người thân trong gia đình, bạn bè, những kỷ niệm, một cây lược, một chiếc bút… gắn bó sâu sắc với ta. Đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời: trở thành điểm tựa, nguồn động lực, cho ta sức mạnh trong mỗi bước đường đời. - Chứng minh nhận định: + Trong bài thơ Bếp lửa, những gì thân thiết của tuổi thơ người cháu là bà, là bếp lửa, là những hình ảnh của quê hương… Những hình ảnh đó đã in đậm trong cháu từ thuở ấu thơ. (Dẫn chứng) + Bà với tình yêu thương, đức hy sinh, niềm tin yêu cuộc sống; Bếp lửa với sự ấm nồng, thân thiết đã là chỗ dựa cho cháu, nhen lên trong cháu những tâm tình, những niềm tin, là nơi chắp cánh ước mơ cho cháu…(Dẫn chứng) + Khi cháu lớn lên, học tập và công tác nơi xa, bà và bếp vẫn là điểm tựa, là nguồn động viên là nơi nâng đỡ…(Dẫn chứng) + Suy rộng ra, điều tạo ra sức tỏa sáng, sự nâng đỡ người cháu trong bài thơ còn là quê hương, đất nước. - Đánh giá khái quát: + Bài thơ kết hợp trữ tình, tự sự, nhiều hình ảnh thơ đẹp… + Những hình ảnh, kỉ niệm thân thiết nhất của tuổi thơ người cháu đã có sức tỏa sáng, nâng đỡ cháu, là chỗ dựa, là nguồn cổ vũ động viên cháu trên hành trình dài rộng của cuộc đời cháu. + Bài thơ còn ngợi ca vẻ đẹp của người bà, người phụ nữ Việt Nam, gợi lòng biết ơn, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước. + Liên hệ với bài thơ “ Tiếng gà trưa” - Xuân Quỳnh III. Kết bài: - Khẳng định lại vấn đề nghị luận - Liên hệ bản thân |
- CỦNG CỐ - DẶN DÒ
- GV nhấn mạnh kiến thức, kĩ năng cơ bản của buổi học.
- Bài tập về nhà: Viết bài tập 7 thành một bài văn hoàn chỉnh.
Trên chỉ là 1 phần của giáo án. Giáo án khi tải về có đầy đủ nội dung của bài. Đủ nội dung của học kì I + học kì II
Cần nâng cấp lên VIP
Khi nâng cấp lên tài khoản VIP, sẽ tải được tài liệu + nhiều hữu ích khác. Như sau:
- Giáo án đồng bộ word + PPT: đủ cả năm
- Trắc nghiệm cấu trúc mới: Đủ cả năm
- Ít nhất 10 đề thi cấu trúc mới ma trận, đáp án chi tiết
- Trắc nghiệm đúng/sai cấu trúc mới
- Câu hỏi và bài tập tự luận
- Lý thuyết và kiến thức trọng tâm
- Phiếu bài tập file word
- File word giải bài tập
- Tắt toàn bộ quảng cáo
- Và nhiều tiện khác khác đang tiếp tục cập nhật..
Phí nâng cấp:
- 1000k/6 tháng
- 1150k/năm(12 tháng)
=> Khi nâng cấp chỉ gửi 650k. Tải về và dùng thực tế. Thấy hài lòng thì 3 ngày sau mới gửi số phí còn lại
Cách nâng cấp:
- Bước 1: Chuyển phí vào STK: 1214136868686- Cty Fidutech- Ngân hàng MB
- Bước 2: Nhắn tin tới Zalo Fidutech - nhấn vào đây để thông báo và nhận các tài liệu