Nội dung chính Ngữ văn 9 chân trời Bài 10: Thực hành tiếng Việt
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 10: Thực hành tiếng Việt sách Ngữ văn 9 chân trời sáng tạo. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án ngữ văn 9 chân trời sáng tạo
BÀI 10: TIẾNG VỌNG NHỮNG NGÀY QUA
THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT: SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÔN NGỮ: TỪ MỚI VÀ NGHĨA MỚI
I. Tìm hiểu tri thức Ngữ văn
- Sự phát triển của ngôn ngữ: Ngôn ngữ luôn biến đổi không ngừng, đặc biệt là ở phương diện từ vựng. Sự phát triển của từ vựng thường diễn ra theo hai cách sau:
+ Xuất hiện từ ngữ mới.
+ Xuất hiện nghĩa mới.
- Những từ ngữ mới thường xuất hiện để biểu đạt những sự vật, hiện tượng mới, chẳng hạn những từ ngữ như Internet, marketing, trí tuệ nhân tạo, truyền hình số,... Từ ngữ mới thường được tạo ra theo hai cách:
+ Cấu tạo từ những yếu tố, chất liệu theo quy tắc đã có sẵn trong hệ thống ngôn ngữ (trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh, lớp học ảo,...).
+ Vay mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài (Internet, marketing, AIDS,...).
- Những nghĩa mới thường được tạo ra nhờ các phương thức chuyển nghĩa như: ẩn dụ, hoán dụ,...
Ví dụ: hàng chợ, xe bãi, cơm bụi, chữa cháy, lên ngôi,...
II. Luyện tập
Bài tập 1 (SGK trang 128)
Các từ ngữ được cấu tạo theo mô hình X + thông minh: điện thoại thông minh, lớp học thông minh, giàn phơi thông minh,.....
Bài tập 2 (SGK trang 128)
Mô hình cấu tạo các từ ngữ mới tương tự mô hình X + thông minh:
- X + nhân tạo: trí tuệ nhân tạo, mặt trời nhân tạo, đám mây nhân tạo,...
- X + ảo: lớp học ảo, không gian ảo, tiền ảo,...
- …
Bài tập 3 (SGK trang 128)
Nghĩa của các từ ngữ được in đậm:
- Trong câu a₁: cóc (Con cóc là cậu ông trời/ Hễ ai đánh cóc thì trời đánh cho.): động vật thuộc loài ếch, mõm ngắn, da xù xì, thường ở cạn, di chuyển bằng cách nhảy.
- Trong câu a₂: cóc (Chúng tôi thích la cà ở những quán cóc bên hè phố.): (khẩu ngữ) nhỏ và không cố định ở một chỗ, có thể thay đổi địa điểm nhanh (ví như lối nhảy của con cóc).
- Trong câu b₁: chữa cháy (Nó trót làm sai nên bây giờ phải tìm cách chữa cháy.): giải quyết việc cấp bách, cốt để tạm thời đối phó, chưa giải quyết vấn đề một cách căn bản.
- Trong câu b₂: chữa cháy (Lúc xảy ra hoả hoạn, đội cứu hoả đã đến kịp thời để chữa cháy.): dập tắt lửa của đám cháy để ngăn hoả hoạn.
Bài tập 4 (SGK trang 128)
a. uống ánh trăng tan: ánh trăng được miêu tả như một loại chất lỏng, có thể “uống” được. Cách kết hợp từ ngữ ở đây vô cùng độc đáo, gây ấn tượng mạnh cho người đọc.
b. Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời: “sóng” vốn dùng để chỉ hiện tượng mặt nước dao động, dâng lên hạ xuống trông như đang di chuyển, chủ yếu do gió gây nên (sóng biển, mặt hồ gợn sóng,...). Tuy nhiên, ở đây, “sóng” được dùng với nghĩa “hiện tượng cả một khối lớn vận động, di chuyển trên một phạm vi rộng theo kiểu làn sóng" (sóng cỏ). Phạm vi chuyển động của làn “sóng cỏ xanh tươi” được mở rộng đến mức tối đa (gợn tới trời), vì thế câu thơ gợi nhiều cảm xúc cho người đọc.
c. mùa xuân chín: “chín” vốn được dùng để miêu tả quả, hạt,... ở giai đoạn phát triển đầy đủ nhất, thường có màu đỏ hoặc vàng, có hương thơm, vị ngon (vườn cam chín, lúa chín,...); tuy nhiên, trong trường hợp này, “chín” lại dùng để miêu tả “mùa xuân”. Cách kết hợp từ ngữ đặc biệt này tạo ra liên tưởng thú vị cho người đọc.
d. Sông Đáy chảy vào đời tôi: “đời tôi” không phải là một vùng không gian, vật chứa,... vì vậy, cách kết hợp “chảy vào” và “đời tôi” rất độc đáo, gọi ra những liên tưởng mới mẻ cho độc giả.
=> Giáo án Ngữ văn 9 Chân trời bài 10: Thực hành tiếng Việt