Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối Ôn tập Bài 1: Câu chuyện của lịch sử (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 1: Câu chuyện của lịch sử (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 1. CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ (PHẦN 2)

Câu 1: Trong những trường hợp giao tiếp sau đây, trường hợp nào nên dùng từ ngữ địa phương, trường hợp nào không nên dùng từ ngữ địa phương ?

  1. a) Người nói chuyện với mình là người cùng địa phương.
  2. b) Người nói chuyện với mình là người ở địa phương khác.
  3. c) Khi phát biểu ý kiến ở lớp.
  4. d) Khi làm bài tập làm văn.
  5. e) Khi viết đơn từ, báo cáo gửi thầy giáo, cô giáo.
  6. g) Khi nói chuyện với người nước ngoài biết tiếng Việt.

Trả lời:

- Những trường hợp nên dùng từ ngữ địa phương : a

- Những trường hợp không nên dùng từ ngữ địa phương : b, c, d, e, g

Câu 2: Sưu tầm một số câu thơ, ca dao, hò, vè của địa phương em (hoặc của địa phương khác) có sử dụng từ ngữ địa phương.

Trả lời:

Trèo lên trên rẫy khoai lang

Chẻ tre đan sịa cho nàng phơi khoai.

                                                                          (Hò ba lí của Quảng Nam)

Câu 3: Theo vùng miền, từ địa phương được chia làm mấy loại?

Trả lời:

+ Từ ngữ địa phương Bắc Bộ: bố, mẹ, bát, béo, cốc, chăn, cơm rang, dọc mùng, dứa, hoa,…

+ Từ ngữ địa phương Trung Bộ: mi – mày, tau – tao, chủi – chổi, đọi – bát, tru – trâu, bổ – ngã, mần – làm, vô – vào, mô – đâu / nào,…

+ Từ ngữ địa phương Nam Bộ: ba, má, bạc hà, chả lụa, chảnh, bắp, trễ, nói xạo, xỉn,…

Câu 4: Theo ý nghĩa, từ địa phương được chia làm mấy phần?

Trả lời:

– Theo ý nghĩa, từ địa phương được chia làm 2 loại:

+ Từ ngữ địa phương có nghĩa tương ứng với nghĩa của từ toàn dân: tô – bát, tê – kia, honda – xe máy, xỉn – say, trứng gà – hột gà, xà bông – xà phòng,…

+ Từ đồng âm nhưng khác nghĩa so với từ toàn dân: cậu (nghĩa toàn dân là em trai của mẹ, nghĩa địa phương là anh trai của mẹ), té (nghĩa toàn dân là hắt nước, nghĩa địa phương là ngã), râu (nghĩa toàn dân chỉ một bộ phận trên cơ thể, nghĩa địa phương là trâu), lái (nghĩa toàn dân chỉ hành động điều khiển các phương tiện vận tải đi đúng hướng, nghĩa địa phương là lưới – vật thường dùng để ngăn chặn hoặc đánh bắt cá),…

 

Câu 5: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về Tố Hữu.

Trả lời:

- Tố Hữu (1920 – 2002) quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, là nhà cách mạng, đồng thời là nhà thơ.

- Hành trình thơ Tố Hữu song song với hành trình cách mạng; mỗi tập thơ của ông luôn gắn với một giai đoạn của cách mạng Việt Nam.

- Thơ Tố Hữu thường viết về những vấn đề trọng đại của dân tộc, tình cảm trong thơ ông mang tính thời đại.

- Các tập thơ tiêu biểu của ông: Từ ấy (1946), Việt Bắc (1954), Gió lộng (1961), Ra trận (1971), Máu và hoa (1977), Một tiếng đờn (1992) và Ta với ta (2000).

Câu 6: Hãy nhận xét về vần, nhịp trong bài thơ “Ta đi tới”.

Trả lời:

- Tuy làm thơ theo thể tự do nhưng tính nhạc điển hình trong thơ Tố Hữu vẫn được thể hiện xuyên suốt bài thơ. Sự gieo vần xuất hiện liên tục ở cuối các câu thơ. Ta có thể nhận thấy dễ dàng, ví dụ như: “… ung dung ta bước / … tám thước”, “… Thái Nguyên / … Điện Biên”, “… xanh ngào ngạt / … hò ô tiếng hát”,…

- Nhịp điệu của bài thơ rất rõ ràng, ngoài các câu thơ đã tách các ý bằng dầu phẩy thì các câu còn lại hầu hết là có thể ngắt nhịp thành hai phần.

- Nhịp điệu, vần góp phần thể hiện tính tươi vui trong cảm xúc của tác giả.

 

Câu 7: Biệt ngữ xã hội được sử dụng như thế nào?

Trả lời:

- Biệt ngữ xã hội chỉ nên sử dụng hạn chế, phù hợp với đối tượng và mục đích giao tiếp.

- Đối với nhà văn, việc sử dụng biệt ngữ xã hội để miêu tả cuộc sống, sinh hoạt của một nhóm người đặc biệt nào đó đôi khi trở nên cần thiết. Nhờ dùng biệt ngữ, bức tranh cuộc sống của một đối tượng cụ thể trở nên sinh động, chân thực.

Câu 8: Chỉ ra biệt ngữ xã hội ở câu sau và cho biết dựa vào đâu em khẳng định như vậy. Hãy giải nghĩa biệt ngữ đó.

“Năm lên sáu, cung thiếu nhi thành phố có cuộc tuyển “gà” khắp các trường tiểu học, tôi cũng được chọn gửi đến lớp năng khiếu.”

Trả lời:

- Biệt ngữ xã hội trong câu là: “gà”

- Lí do:

+ Về mặt hình thức: có dấu “”

+ Về mặt nôi dung: có ý nghĩa khác với nghĩa toàn dân thường dùng của từ “gà”

- Giải nghĩa: “gà” ở đây chỉ những người mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, còn kém cỏi.

Câu 9: Nhận xét việc sử dụng từ ngữ địa phương (in đậm) trong các trường hợp sau:

  1. a) Năm học này, cả lớp đặt chỉ tiêu giồng và chăm sóc 20 cây ở nghĩa trang liệt sĩ của xã. (Trích Biên bản họp lớp)
  2. b) Con xem, mới có hai hôm mà hạt đậu nó đã nhớn thế đấy. Nếu con giồng nó ra vườn, chăm bón cẩn thận, nó sẽ ra hoa ra quả… (Vũ Tú Nam, Những truyện hay viết cho thiếu nhi)

Trả lời:

  1. a) Việc sử dụng từ ngữ địa phương ở trong trường hợp này là không nên. Một biên bản cần dùng ngôn từ toàn dân, không sắc thái biểu cảm.
  2. b) Việc sử dụng từ ngữ địa phương ở trong trường hợp này có thể chấp nhận được vì tình huống truyện có thể giữa những người ở một vùng thường dùng phương ngữ và đây là một cuộc giao tiếp thông thường.

 

Câu 10: Đoạn trích “Quang Trung đại phá quân Thanh” có thể chia thành mấy phần? Nêu nội dung chính của từng phần.

Trả lời:

Đoạn trích có thể chia thành hai phần lớn:

- Phần 1: Từ đầu cho đến “các người nhớ lấy, đừng cho là ta nói khoác!”. Phần này là trước trận đánh. Các nội dung nhỏ trong phần này là: tình thế đất nước, Nguyễn Huệ lên ngôi, vua Quang Trung bàn bạc kế sách với mọi người, thúc giục quân sĩ, chỉ trích Sở và Lân, khen ngợi Ngô Thì Nhậm và chuẩn bị lực lượng cho trận đánh lớn.

- Phần 2: Từ “Cả năm đạo quân đều lạy vâng mệnh lệnh” đến hết. Nội dung của phần này là việc tiến quân của nghĩa quân Tây Sơn ra bắc đánh phá quân Thanh, quân Thanh thua trận bỏ chạy.

Câu 11: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về nhóm tác giả Ngô gia văn phái.

Trả lời:

- Ngô gia văn phái là một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì, ở làng Tả Thanh Oai (thuộc Hà Nội ngày nay).

- Hai tác giả chính của nhóm là: Ngô Thì Chí (1753 – 1788), làm quan thời Lê Chiêu Thống, và Ngô Thì Du (1772 – 1840), làm quan dưới triều nhà Nguyễn.

- Đây là một dòng họ lớn có truyền thống nghiên cứu và sáng tác văn chương với nhiều tên tuổi tiêu biểu.

- Các tác phẩm của nhóm đều bằng chữ Hán, bao gồm đủ các thể loại, nhiều nhất là thơ, rồi tới phú, truyện ký, tự, bạt, khải, biểu, tấu, sớ...

Câu 12: Hãy trình bày những hiểu biết của em về tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống trí”.

Trả lời:

Hoàng Lê nhất thống chí là một tác phẩm viết bằng chữ Hán của nhóm “Ngô gia văn phái” ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê (chỉ là một lối văn ghi chép sự vật, sự việc). Cũng có thể xem Hoàng Lê nhất thống chỉ là một cuốn tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi. Nó không chỉ dừng ở sự nhất thống của vương triều nhà Lê, mà còn được viết tiếp, tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam vào khoảng ba mươi năm cuối của thế kỉ XVIII và mấy năm đầu thế kỉ XIX. Cuốn tiểu thuyết có tất cả 17 hồi.

Câu 13: Hãy trình bày một vài thông tin cơ bản về tác giả Nguyễn Huy Tưởng.

Trả lời:

- Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) quê ở Hà Nội.

- Trong sáng tạo nghệ thuật, ông có thiên hướng khai thác đề tài lịch sử, có đóng góp nổi bật ở hai thể loại: tiểu thuyết và kịch.

- Từ những năm 1930, ông tham gia các hoạt động yêu nước và phát triển đất nước bên cạnh công việc liên quan đến văn học.

- Ông là người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.

- Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.

- Một số tác phẩm nổi bật: Đêm hội Long Trì (1942), Vũ Như Tô (1943), An Tư (1944), Bắc Sơn (1946), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (1960), Sống mãi với Thủ đô (1961),…

Câu 14: Hãy tóm tắt nội dung của văn bản “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (khoảng 15 đến 20 dòng).

Trả lời:

Thời điểm quân Nguyên chuẩn bị kế hoạch xâm chiếm nước ta, vua nhà Trần triệu tập hội nghị Bình Than để bàn về việc chống giặc. Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, một tôn thất nhà Trần, với tinh thần yêu nước, căm ghét giặc ngoại xâm, đã đến bến nơi mà vương công đại thần đều tề tựu bàn việc nước để xin đánh giặc, mặc dù vậy, vì nhỏ tuổi, Hoài Văn chỉ có thể đứng ngoài. Cho rằng mình quá hiểu ý đồ của giặc và cũng cảm thấy buồn vì trong khi những người nhà quê còn được bàn chuyện mà mình thì lại không, nên sau khi chờ đợi suốt một thời gian dài không làm gì được, Hoài Văn đã bất chấp xông vào yết kiến vua, sẵn sàng đánh nhau với lính canh. Chiêu Thành Vương, chú của Hoài Văn, sau đó đã ra can ngăn và cho biết về tình hình cuộc bàn luận. Cảm thấy thật bất hợp lí khi đến lúc này vẫn có người còn có ý định hoà hoãn, Quốc Toản xồng xộc xuống bến tâu với vua xin đánh rồi cũng tự xin chịu tội. Có người yêu cầu phải trị tội để giữ phép nước nhưng vua thấy việc làm của Quốc Toản là đáng trọng nên tha và cho anh một quả cam. Quốc Toản rời đi trong tiếng cười nhạo của mọi người, ý chí quyết tâm chiêu binh mãi mã để tự mình đánh giặc cũng xuất phát từ đó. Trong lúc căm phẫn, anh đã bóp nát quả cam, một chi tiết mà sau này người ta luôn nhắc về anh.

Câu 15: Trong văn bản “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, Khi bị quân Thánh Dực ngăn cản xuống bến gặp vua, Trần Quốc Toản có hành động gì khác thường? Vì sao Trần Quốc Toản có hành động như vậy?

Trả lời:

- Khi bị quân Thánh Dực ngăn cản xuống bến gặp vua, Trần Quốc Toản không những không dừng lại mà còn cố xuống cho bằng được: “Quốc Toản tuốt gươm, mắt trừng lên điên dại, nói “Không buông ra, ta chém!””. Lính canh cố khuyên giải nhưng điều đó chỉ làm Quốc Toản tức giận hơn: “Hoài Văn đỏ mặt bừng bừng, quát lớn “Ta xuống xin bệ kiến quan gia, không kẻ nào được giữ ta lại. Lôi thôi thì hãy nhìn lưỡi gươm này.””

- Trần Quốc Toản có hành động như vậy là vì suốt cả ngày hôm qua cho đến hôm nay, anh không ăn không uống chỉ muốn tìm gặp vua, buồn bã quá nên có hành động như vậy.

Câu 16: Nêu cảm nhận của em về nhân vật vua Quang Trung được khắc hoạ trong đoạn trích “Quang Trung đại phá quân Thanh”, qua đó nhận xét cảm hứng của các tác giả đối với vị anh hùng dân tộc này.

Trả lời:

Vua Quang Trung trong đoạn trích hiện lên là một tướng lĩnh tài giỏi, một vị vua vì dân vì nước:

- Ngay khi lên ngôi, vua Quang Trung đã “tự mình đốc suất đại binh, cả thuỷ lẫn bộ cùng ra đi”.

- Vua Quang Trung có thân quen với người giỏi, thể hiện qua việc ông mời được Nguyễn Thiếp ra bàn việc quân.

- Vua Quang Trung biết cách để tạo dựng nên một đội quân hùng mạnh thông qua việc ông nhanh chóng tuyển được một đội quân tinh nhuệ, tổ chức quân đội chặt chẽ.

- Lời dụ quân lính của vua Quang Trung có sức thuyết phục cao, đề cập đến truyền thống lịch sử vẻ vang, đến đại nghĩa phải thắng hung tàn, đến việc bảo vệ tổ quốc là trọng trách của mỗi binh lính.

- Việc thưởng người làm tốt và phạt người làm kém cho thấy ông biết dùng người, giữ gìn kỷ cương quân đội, khích lệ binh lính.

- Trong những trận đánh, ông đã đích thân chỉ huy và lập ra nhiều kế sách hay, độc đáo khiến cho 29 vạn quân Thanh tan rã nhanh chóng. Điều đó cho thấy khả năng lãnh đạo tài tình và kinh nghiệm chiến trận phong phú, đa dạng.

=> Cảm hứng của các tác giả đối với vị anh hùng dân tộc này: kính trọng, ngưỡng mộ.

Câu 17: Dựa theo tác phẩm “Quang Trung đại phá quân Thanh”, hãy viết một đoạn văn ngắn miêu tả lại chiến công thần tốc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung từ tối 30 Tết đến ngày mông 5 tháng giêng năm Kỉ Dậu (1789).

Trả lời:

Khi mọi thứ đều đã chuẩn bị xong, tối 30 Tết, vua Quang Trung và đội quân nhanh chóng lên đường. Khi quân ra đến sông Gián, nghĩa binh trấn thủ ở đó tan vỡ chạy trước. Lúc đến sông Thanh Quyết, toán quân Thanh đi do thám từ đằng xa trông thấy bóng cũng chạy nốt. Vua Quang Trung liền thúc quân đuổi theo, tới huyện Phú Xuyên thì bắt sống được hết, không tên nào trốn thoát nên những đạo quân Thanh đóng ở Hà Hồi và Ngọc Hồi đều không biết. Nửa đêm ngày mồng 3 tháng Giêng, năm Kỉ Dậu (1789), vua Quang Trung tới làng Hà Hồi, lập kế bắc loa truyền gọi khiến cho quân địch tưởng quân ta có lực lượng đông hơn nhiều lần nên sợ hãi ra hàng ngay. Tiếp đó, vua cho ghép tấm ván, dàn trận chữ “nhất”, lập kế nghi binh ở phía đông. Mờ sáng ngày mồng 5, vua Quang trung cưỡi voi đi đốc thúc, tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh ở trong thành cố gắng chống cự nhưng không thể làm được gì. Trận Ngọc Hồi giành chiến thắng. Đến đây quân Thanh đã bại. Tôn Sĩ Nghị và vua Lê ở thành Thăng Long khi biết tin thì đã quá muộn, bỏ chạy ngay tức khắc.

Câu 18: Trong những trường hợp giao tiếp sau đây, trường hợp nào cần tránh dùng từ ngữ địa phương?

  1. a) Phát biểu ý kiến tại một đại hội của trường
  2. b) Trò chuyện với những người thân trong gia đình
  3. c) Viết biên bản cuộc họp đầu năm của lớp
  4. d) Nhắn tin cho một bạn thân
  5. e) Thuyết minh về di tích văn hoá ở địa phương cho khách tham quan

Trả lời:

Trường hợp cần tránh dùng từ ngữ địa phương là: a, c.

Trường hợp e: nếu khách tham quan là người vùng khác thì cần tránh dùng từ địa phương.

Câu 19: Tìm một số từ ngữ địa phương nơi em ở hoặc ở vùng khác mà em biết. Nêu từ ngữ toàn dân tương ứng.

Trả lời:

- Nếu em là người ở vùng nói tiếng địa phương, việc tìm từ không khó. Ngược lại, nếu em là người ở vùng chủ yếu nói tiếng toàn dân thì em có thể lên mạng, xem ti vi các kênh nói tiếng địa phương,… để tìm từ.

Mẫu:

Từ ngữ địa phương

Từ ngữ toàn dân

Má, u, bầm

Mẹ

Heo

Lợn

Bông

Hoa

 

Câu 20: Qua “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, Những nét tính cách nào của Trần Quốc Toản được thể hiện qua lời đối thoại với các nhân vật khác ngoài nhân vật vua Thiệu Bảo?

Trả lời:

Với nhân vật người chú Chiêu Thành Vương:

-        Quốc Toản có lối suy nghĩ mới, hiện đại: đất nước lâm nguy thì người trẻ cũng phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc: “Nhưng cháu trộm nghĩ rằng khi quốc biến thì đến đứa trẻ cũng phải lo, huống hồ cháu đã lớn. Cháu chưa đến tuổi dự bàn việc nước, nhưng cháu có phải là giống cỏ cây đâu mà ngồi yên được? Vua lo thì kẻ thần tử cũng phải lo.”

-        Quốc Toản luôn lấy chính nghĩa làm đầu, sẵn sàng liều chết để làm điều mình cho là đúng: “Chú thường dạy cháu những điều trung nghĩa, cháu vẫn ghi trong tấc dạ. Cháu liều chết đến đây, chỉ muốn góp một vài lời”.

-        Sự căm phẫn với những kẻ có suy nghĩ hèn kém: “Ai chủ hoà? Ai chủ hoà? Cho nó mượn đường ư? Không biết đấy là kế giả đồ diệt Quắc của nó đấy sao? Dâng giang sơn gấm vóc này cho giặc hay sao mà lại bàn thế?

Với các nhân vật lính canh:

-        Quốc Toản quyết tâm đoạt được điều mà mình mong muốn dù điều đó vượt khuôn phép: “Không buông ra, ta chém!”, “Lôi thôi thì hãy nhìn lưỡi gươm này!”.

Với các nhân vật người nhà:

-        “Ta đã tâu với quan gia cho đánh. Quan gia ban cho ta quả cam này. Ơn vua lộc nước, ta đem về để biếu mẫu thân.” Tuỳ quan điểm của em, câu nói này có thể cho thấy Quốc Toản là một người biết nói dối, biết “uốn lưỡi” hoặc là một người biết xử lý tình huống khôn khéo.

 

Câu 21: Qua văn bản “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, trong lời người kể chuyện đôi chỗ xen vào những ý nghĩ thầm kín của nhân vật Trần Quốc Toản. Hãy nêu một vài trường hợp và phân tích tác dụng của sự đan xen đó.

Trả lời:

Có thể kể ra một vài trường hợp, ví dụ như:

-        Đoạn quan lại tề tựu ở thuyền ngự: “Những người em họ ấy, chẳng qua chỉ hơn Hoài Văn dăm sáu tuổi! Cha ta mất sớm, nên ta mới phải đứng rìa nhục nhã thế này!”

-        Đoạn Quốc Toản đứng ngoài nhìn mọi người bàn chuyện: “Dã tâm của quân giặc đã hai năm rõ mười rồi. Nó giả tiếng mượn đường, kì thực là để cướp sống lấy nước Nam. Chỉ có việc đánh, làm gì phải kéo ra tận đây mà bàn đi bàn lại? Chao ôi!”

-        Đoạn Quốc Toản suy nghĩ về việc vua cho mời các bô lão: “Những người áo vải ấy còn biết đường phải trái, huống chi ta là bậc tôn thất há lại không nghĩ được như họ sao?”

Tác dụng: Truyện được kể bằng ngôi thứ ba, cách kể này không làm bộc lộ rõ được tâm trạng của nhân vật nên việc tác giả đôi chỗ xen vào những ý nghĩ thầm kín là nhằm xử lí vấn đề đó.

Câu 22: Trong tác phẩm “Quang Trung đại phá quân Thanh”, sự đối lập giữa hai nhân vật Quang Trung và Lê Chiêu Thống, giữa quân Tây Sơn và quân Thanh có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của đoạn trích. Hãy khái quát chủ đề đó.

Trả lời:

Sự đối lập giữa hai nhân vật Quang Trung và Lê Chiêu Thống, giữa quân Tây Sơn và quân Thanh là sự đối lập giữa một bên là những con người chính nghĩa, những người chiến đấu vì độc lập dân tộc với một bên là những con người tàn ác, những kẻ đi xấm lược.

=> Sự đối lập đó góp phần quan trọng vào việc thể hiện chủ đề của đoạn trích: tình thần yêu nước, ý chí bảo vệ giang sơn, ca ngợi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do người anh hùng Nguyễn Huệ lãnh đạo.

Câu 23: Ở đoạn trích “Quang Trung đại phá quânh Thanh”, những yếu tố đặc trưng nào của truyện lịch sử đã được tác giả sử dụng?

Trả lời:

Những yếu tố đặc trưng của truyện lịch sử được tác giả sử dụng trong đoạn trích có thể kể ra như:

- Đoạn trích đã tái hiện được sự kiện “Quang Trung đại phá quân Thanh” một cách chân thực, sinh động.

- Cốt truyện của đoạn trích được xây dựng trên cơ sở các sự kiện xảy ra trước và trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh của nước ta.

- Thế giới nhân vật trong đoạn trích phong phú như cuộc đời thực. Đoạn trích tập trung khắc hoạ một nhân vật nổi bật trong lịch sử nước ta là người anh hùng Nguyễn Huệ. Nhân vật này cũng được hiện ra dưới cách nhìn riêng của tác giả.

- Ngôn ngữ trong đoạn trích phù hợp với thời đại, có thể thấy rõ qua việc xưng hô, đối thoại, kể, tả.

Câu 24: Khi viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học, chúng ta có thể sử dụng các biệt ngữ xã hội không? Vì sao?

Trả lời:

- Nếu tác phẩm văn học mà chúng ta phân tích có sử dụng biệt ngữ xã hội với tính chất một phương tiện tu từ để làm cho câu chuyện trở nên chân thật hơn thì chúng ta cần phải phân tích những biệt ngữ đó.

- Khi viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học, tuỳ thuộc vào đối tượng tiếp nhận, ta có thể quyết định sử dụng biệt ngữ xã hội hay không. Thông thường chúng ta sẽ không dùng biệt ngữ xã hội trong lời văn phân tích vì nó có tính qui phạm nhất định. Trong một số trường hợp chúng ta vẫn có thể dùng thêm biệt ngữ xã hội để tăng tính biểu đạt, kiểu như: “Cái này theo kiểu giới trẻ hiện nay hay gọi là “chất” đấy …”.

Câu 25: Đọc đoạn sau và trả lời câu hỏi:

Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến… Mặc dầu non một năm ròng mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà.

Tôi cũng cười đáp lại cô tôi:

- Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về.

Tại sao trong đoạn văn này, có chỗ tác giả dùng từ “mẹ”, có chỗ lại dùng từ “mợ”?

Trả lời:

Trong đoạn văn có chỗ tác giả dùng từ “mẹ”, chỗ lại dùng từ “mợ” vì tác giả muốn dùng từ phù hợp với ngữ cảnh. “Mẹ” là từ toàn dân còn “mợ” cũng có nghĩa là mẹ nhưng được dùng để xưng gọi trong gia đình trung lưu, trí thức ngày trước. Có thể thấy: “mợ” trong trường hợp này là biệt ngữ xã hội.

Câu 26: “Cốt truyện của truyện lịch sử thường được xây dựng trên cơ sở các sự kiện đã xảy ra; nhà văn tái tạo, hư cấu, sắp xếp theo ý đồ nghệ thuật của mình nhằm thể hiện một chủ đề tư tưởng nào đó.” Hãy chứng minh điều này qua văn bản “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” và qua hiểu biết của em.

Trả lời:

Trong thực tế, có rất ít tư liệu lịch sử ghi lại về Trần Quốc Toản. Trong văn bản cũng như trong toàn truyện “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, cuộc đời của Trần Quốc Toản đã được nhà văn tái tạo, hư cấu và sắp xếp theo ý đồ của riêng mình dựa trên chút ít dữ kiện lịch sử mà nhà văn thu thập được về con người này. Hầu hết các sự kiện liên quan đến Trần Quốc Toản trong văn bản không được đề cập đến trong các bộ sử của nước ta.

Câu 27: Theo em, có nên thống nhất từ ngữ trong cả nước?

Trả lời:

Đây là một câu hỏi mở, hãy trình bày dựa trên quan điểm và hiểu biết của riêng em. Dưới đây là một gợi ý:

Từ ngữ địa phương xuất phát từ và bao hàm nhiều yếu tố: xã hội, lịch sử, văn hoá,... Vì thế nó phản ánh lịch sử, bản sắc vùng miền. Việc cả nước dùng một hệ thống từ ngữ thống nhất có thể mang lại một số lợi thế nhất định nhưng điều đó sẽ làm mất đi những bản sắc riêng nên có. Hơn nữa trong thực tế hiện nay chúng ta có thể thấy là một người có thể nói cả phương ngữ cả tiếng phổ thông một cách dễ dàng. => Việc thống nhất một ngôn ngữ chung không cần thiết.

Câu 28: Trong đoạn trích, tác giả sử dụng lặp đi lặp lại cấu trúc: “Ai…”, “Đường…”. Hãy phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật ấy.

Trả lời:

- Sự lặp lại đó là biện pháp điệp cấu trúc.

- Tác dụng của biện pháp nghệ thuật ấy là:

+ Giúp tác giả nêu ra được những chiến thắng, những nét đặc trưng vùng miền.

+ Gợi ra cho người đọc sự rộng mở theo chiều không gian về đất nước ta.

+ Thể hiện cảm xúc yêu thương, niềm tự hào của tác giả đối với nhiều vùng miền trên Tổ quốc.

+ Thể hiện mong muốn hoà cùng dân tộc trong ngày vui chiến thắng.

Câu 29: Xác định hình ảnh trung tâm của đoạn trích “Ta đi tới”. Hình ảnh đó có mối liên hệ với những hình ảnh nào khác trong đoạn trích?

Trả lời:

- Có nhiều hình ảnh lớn trong đoạn trích, ví dụ như: con đường đi về quê hương – con đường đi tới tương lai, đất nước tươi đẹp trong ngày vui chiến thắng, chủ thể trữ tình vui mừng khi trở về,…

- Tuỳ vào cảm nhận của em để xác định một hình ảnh trung tâm. Ví dụ ở đây ta chọn hình ảnh trung tâm là: con đường đi về quê hương – con đường đi tới tương lai. Hình ảnh đó có mối liên hệ với những hình ảnh như: con đường rộng mở, thiên nhiên tươi đẹp trong nắng, các miền đất của tổ quốc, làng quê thôn xóm, ngôi trường mới – tương lai mới, hình ảnh nhà thơ vui cùng niềm vui của đất nước,…

Câu 30: Nhân vật Lê Chiêu Thống được khắc hoạ rõ nét qua những chi tiết tiêu biểu nào? Phân tích một chi tiết đặc sắc, thể hiện rõ bản chất của nhân vật Lê Chiêu Thống, qua đó thấy được thái độ của tác giả đối với nhân vật này.

Trả lời:

Những chi tiết tiêu biểu miêu tả nhân vật Lê Chiêu Thống trong đoạn trích:

- Khi nghe tin quân Thanh đại bại, vua Lê đã vội vã cùng bọn bề tôi của mình đưa thái hậu ra ngoài. Cả bọn không thể sang sông theo cách thông thường đã cướp lấy một chiếc thuyền đánh cá rồi chèo sang bờ bắc.

- Khi được người thổ hào giúp đỡ tạm thời thoát nạn, vua Lê bày tỏ lòng cảm kích.

Chi tiết đặc sắc, thể hiện rõ bản chất của nhân vật Lê Chiêu Thống là chi tiết vua Lê khi nghe tin quân Tây Sơn đuổi đến nơi, cuống quýt bảo người thổ hào: “Muôn đội hậu tình, không có gì để báo đáp, chỉ có trời cao đất dày chứng giám tấc lòng thành của ông mà ban phúc cho thôi. Bây giờ quân giặc gần tới, trước mắt đây có con đường sống nào có thể chạy gấp lên cửa ải, xin tính kế cho ngay.” Đây là những lời nói mĩ miều giả tạo để mong người thổ hào sẽ giúp mình một lần nữa.

=> Thái độ của tác giả đối với nhân vật Lê Chiêu Thống là: chê bai, coi thường một kẻ xấu xa, bán nước, giả nhân giả nghĩa.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay