Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối Ôn tập Bài 2: Vẻ đẹp cổ điển (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 2: Vẻ đẹp cổ điển (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 2. VẺ ĐẸP CỔ ĐIỂN (PHẦN 2)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về biện pháp tu từ đảo ngữ (khái niệm, đặc điểm, tác dụng, ví dụ,…)

Trả lời:

- Đảo ngữ là biện pháp tu từ được tạo ra bằng cách thay đổi vị trí thông thường của các từ ngữ trong câu nhưng không làm mất đi quan hệ cú pháp vốn có của các thành phần câu.

- Đảo ngữ có tác dụng nhấn mạnh đặc điểm (màu sắc, đường nét,...), hoạt động, trạng thái của sự vật, hiện tượng, gợi ấn tượng rõ hơn hoặc bộc lộ cảm xúc của người viết, người nói. Sắc thái tu từ được thể hiện ở thành phần đảo.

- Ví dụ:

+ Xanh om cổ thụ tròn xoe tán/ Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ. (Hồ Xuân Hương);

+ Từ những năm đau thương chiến đấu/ Đã ngời lên nét mặt quê hương. (Nguyễn Đình Thi);

+ Gần trưa tan cuộc bình văn. (Ngô Tất Tố),

+ Trên ngấn biển nhô dần lên một chiến hạm tàu (Nguyễn Tuân)

Câu 2: Chỉ ra câu thơ có sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ trong trường hợp sau:

Xóm làng xanh mát bóng cây.

Sông xa trắng cánh buồm bay lưng trời.

Trả lời:

Cả hai câu thơ đều sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ.

- Ở câu đầu, “xanh mát” và “bóng cây” đổi chỗ cho nhau.

- Ở câu sau, “trắng cánh” và “buồm bay” đổi chỗ cho nhau.

Câu 3: Chỉ ra câu văn có sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ trong trường hợp sau:

“Chị Dậu về đến đầu nhà đã nghe tiếng khóc khàn khàn của hai đứa trẻ. Sấp ngửa, chị chạy vào cổng, quẳng cả rổ mẹt, mê nón xuống sân, rồi vội vàng chị vào trong nhà.”

Trả lời:

Câu văn thứ hai sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ (“sấp ngửa, chị chạy vào cổng”; “vội vàng chị vào trong nhà”).

Câu 4: Trình bày những thông tin cơ bản về ca Huế.

Trả lời:

Ca Huế: dân ca Huế nói riêng và vùng Thừa Thiên nói chung. Ca Huế ở đây chỉ một sinh hoạt văn hoá độc đáo của cố đô Huế: người nghe và người hát ngồi cùng thuyền đi trên sông Hương; Ca Huế thường diễn ra vào ban đêm và chủ yếu hát các làn điệu dân ca Huế.

Câu 5: Qua bài “Ca Huế trên sông Hương”, Đêm ca Huế có gì đặc biệt về thời gian, không gian? Theo em, thời gian, không gian ấy tác động như thế nào đến việc thưởng thức ca Huế?

Trả lời:

- Thời gian, không gian: ca Huế thường được biểu diễn vào ban đêm, trên một con thuyền rồng, giữa dòng sông Hương.

=> Thời gian, không gian ấy khiến cho việc thưởng thức ca Huế thêm sinh động.

Câu 6: Nhận xét về tình cảm tác giả dành cho ca Huế, xứ Huế qua bài “Ca Huế trên sông Hương”

Trả lời:

- Tình cảm của tác giả dành cho ca Huế, xứ Huế là tình yêu, niềm tự hào về một sản phẩm văn hoá độc đáo của quê hương; là thái độ nâng niu, trân trọng và ý thức gìn giữ, tôn vinh những di sản tinh thần quý giá của dân tộc.

Câu 7: Chỉ ra đặc điểm thi luật (luật bằng trắc) của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện trong bài thơ “Thu điếu”.

Trả lời:

Chữ thứ hai của câu thứ nhất là “thu” è bài thơ làm theo luật bằng.

Như vậy, có thể thấy bài thơ đã làm chuẩn theo luật bằng trắc của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

Câu 8: Bức tranh thiên nhiên mùa thu trong “Thu điếu” được tái hiện ở những khoảng không gian nào? Nhận xét về trình tự miêu tả những khoảng không gian đó.

Trả lời:

Bức tranh thiên nhiên được miêu tả ở những khoảng không gian là:

- Mặt ao:

+ Nước ao: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”

+ Thuyền câu: “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”.

+ Sóng nước: “Sóng biếc theo làn hơi gợi tí”

+ Không trung: “Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”

- Bầu trời:

+ Tầng mây: “Tầng mây lơ lửng”

+ Trời: “Trời xanh ngắt”

- Mặt đất:

+ Ngõ trúc: “Ngõ trúc quanh co”

è Trình tự miêu tả: chúng ta có thể thấy là tác giả đã đi từ những thứ ở gần mình như nước ao, chiếc thuyền đang ngồi, làn sóng, lá, gió rồi dần đi ra xa và lên cao (tầng mây, ngõ trúc).

Câu 9: Chỉ ra các từ tượng hình và từ tượng thanh trong trường hợp sau:

Líu lo kìa giọng vàng anh

Mùa xuân vắt vẻo trên nhành lộc non.

Trả lời:

- Từ tượng hình có trong đoạn thơ là: vắt vẻo

- Từ tượng thanh có trong đoạn thơ là: líu lo

Câu 10: Chỉ ra các từ tượng hình và từ tượng thanh trong trường hợp sau:

“Tôi không nhờ tôi đã nghe tiếng chồi non tách vỏ vào lúc nào, tôi cũng không nhớ tôi đã nghe tiếng chim lích chích mổ hạt từ đâu, nhưng tôi cảm nhận tất cả một cách rõ rệt trong từng mạch máu đang phập phồng bên dưới làn da.”

Trả lời:

- Từ tượng hình có trong đoạn thơ là: phập phồng

- Từ tượng thanh có trong đoạn thơ là: lích chích

Câu 11: Hãy trình bày những hiểu biết của em về bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Nhan đề có nghĩa là: Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra

- Tác giả: vua Trần Nhân Tông

- Thể loại: thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

- Nội dung chính: bức tranh thiên nhiên và con người qua cái nhìn của vua Trần Nhân Tông khi đứng ở phủ Thiên Trường trông ra, đó là cảnh tượng vùng quê trầm lặng mà không đìu hiu, ở đây vẫn ánh lên sự sống con người trong sự hoà hợp với cảnh vật thiên nhiên một cách nên thơ. Qua đó, tác giả cũng thể hiện tâm trạng, cảm xúc của mình.

Câu 12: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về vua Trân Nhân Tông.

Trả lời:

- Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là vị vua thứ ba của nhà Trần. Ông là vị hoàng đế anh minh đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng hai cuộc xâm lược của quân Nguyên và khôi phục nền kinh tế, văn hoá Đại Việt. Trần Nhân Tông còn là vị thiền sư sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời là một tác giả có đóng góp quan trọng cho nền văn học dân tộc.

- Thơ Trần Nhân Tông tràn đầy cảm hứng yêu nước và hào khí Đông A; cảm xúc rất tinh tế, lãng mạn, sâu sắc mà vẫn gần gũi, thân thuộc; ngôn ngữ thơ hàm súc; hình ảnh vừa chân thực, bình dị vừa giàu ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng. Đặc biệt, thơ ông luôn thể hiện cái nhìn trìu mến, nâng niu; tình cảm gắn bó với cảnh sắc thiên nhiên đất nước và cuộc sống của nhân dân.

Câu 13: Bố cục của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật “Thiên Trường vãn vọng” được thể hiện như thế nào trong bài thơ?

Trả lời:

Bố cục của bài thơ được triển khai theo hướng:

- Khai (câu đầu): mở ý cho bài thơ, ở đây là mở ra không gian làng quê.

- Thừa (câu 2): tiếp tục phát triển ý thơ: mô tả thêm về khung cảnh làng quê

- Chuyển (câu 3): phát triển và chuyển hướng ý thơ. Ở đây tác giả đã chuyển sang miêu tả con người.

- Hợp (câu 4): thâu tóm ý tứ của toàn bài, ở đây bài thơ thể hiện vẻ đẹp của đồng quê và bộc lộ trong đó tâm trạng của mình

Câu 14: Giải nghĩa hai câu thơ: “Tựa gối buông cần lâu chẳng được – Cá đâu đớp động dưới chân bèo” trong “Thu điếu”

Trả lời:

Các cách hiểu có thể có:

– Tì tay vào đầu gối buông cần đã lâu mà chẳng câu được gì. Liền lúc đó nghe có tiếng con cá nào đớp mồi động dưới chân bèo.

– Khó mà ngồi mãi trong tư thế tựa gối buông cần...

– Muốn ngồi tựa gối buông cần lâu một chút cũng không được vì có tiếng con cá nào đớp mồi động dưới chân bèo (người ngồi câu không thiết gì đến cá, chỉ thích được yên tĩnh mà suy tư, không muốn dòng suy tư bị đứt đoạn).

Các cách giải thích nêu trên đều có thể chấp nhận được do chúng không hoàn toàn loại trừ nhau. Riêng với câu "Cá đâu đớp động dưới chân bèo" không thể hiểu theo nghĩa cá “đâu có đớp” (nghĩa là “không” đớp). Từ “đâu” trong câu này là đại từ phiếm chỉ chứ không phải là hư từ phủ định, nó mang nét nghĩa giống nét nghĩa của từ “đâu” trong một câu “Kiều”: "Người đâu gặp gỡ làm chi".

Câu 15: Số lượng các làn điệu ca Huế, nhạc cụ và các “ngón đàn” của ca công như thế nào? Từ đó ta có thể thấy điều gì?

Trả lời:

Trong bài viết, tác giả có nhắc tới rất nhiều tên các làn điệu ca Huế, nhạc cụ và các “ngón đàn” của ca công.

è Ca Huế đa dạng và phong phú đến nỗi chúng ta khó mà nhớ hết được tên các làn điệu, tên các nhạc cụ và các ngón đàn của ca công.

Câu 16: Hãy tìm và nêu lên đặc điểm nổi bật của một số làn điệu ca Huế trong “Ca Huế trên sông Hương”

Trả lời:

- Chèo cạn, bài thai, hò đưa linh: buồn bã

- Hò giã gạo, ru em, giã vôi, giã điệp,…: náo nức, nồng hậu tình người

- Hò lơ, hò ô, xay lúa, hò nện,…: gần gũi với dân ca Nghệ - Tĩnh, thể hiện lòng khao khát, nỗi chờ mong, hoài vọng thiết tha của tâm hồn Huế.

- Nam ai, nam bình, quả phụ, tương tư khúc, hành vân: buồn man mác, thương cảm, bi ai, vương vấn,…

- Tứ đại cảnh: không vui, không buồn

Câu 17: Đoạn văn nào trong bài “Ca Huế trên sông Hương” cho ta thấy tài nghệ chơi đàn của các ca công và âm thanh phong phú của các nhạc cụ?

Trả lời:

Đó là đoạn văn từ: “Không gian yên tĩnh bỗng bừng lên những âm thanh của dàn hoà tấu” đến “xao động tận đáy hồn người”.

Trong đoạn văn này:

- Chi tiết cho ta thấy tài nghệ chơi đàn của các ca công: “Nhạc công dùng các ngón đàn trau chuốt … ngón rãi”, “tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt làm nên tiét tấu xao động tận đáy hồn người”.

- Chi tiết cho thấy âm thanh phong phú của các nhạc cụ: “du dương, trầm bổng, réo rắt”, “tiếng đàn lúc khoang lúc nhặt”.

Câu 18: Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

  1. Chỉ ra các câu thơ sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ trong đoạn thơ.
  2. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ tìm được ở ý a. (nếu có).

Trả lời:

  1. a) Cả hai câu thơ đều sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ.
  2. b) Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ trong từng câu thơ:

- Câu 1: Theo trật tự ngữ pháp thông thường của tiếng Việt, từ “lom khom” lẽ ra đặt sau cụm từ “tiều vài chứ” và từ "tiều" đặt sau "vài chú", nhưng ở đây lại được tác giả đảo vị trí lên trước, có tác dụng nhấn mạnh tư thế, hình dáng nhỏ bé của con người, từ đó làm nổi bật lên khung cảnh hùng vĩ, hiểm trở của Đèo Ngang.

- Câu 2: Theo trật tự ngữ pháp thông thường của tiếng Việt, từ “lác đác” phải đặt sau cụm từ “chợ mấy nhà” và từ "chợ" đặt sau từ "mấy nhà", nhưng ở đây lại được đảo vị trí lên trước, để nhấn mạnh số lượng ít ỏi và sự thưa thớt của những ngôi nhà; từ đó gợi không khí vắng vẻ, hoang sơ của núi rừng.

Câu 19: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ trong đoạn thơ sau:

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy

Mất ổ bầy chim dáo dác bay

Trả lời:

Các từ ngữ “bỏ nhà, lơ xơ, mất ổ, đáo dác” được đảo vị trí có tác dụng nhấn mạnh tình cảnh bơ vơ, tan tác; tâm trạng hoang mang, sợ hãi của con người và vạn vật khi chiến tranh bất ngờ ập đến; thể hiện được nỗi buồn thương, đau đớn trước cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than.

Câu 20: Chỉ ra biện pháp tu từ đảo ngữ trong trường hợp dưới đây. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

“Phải cho hắn ăn tí gì mới được. Đang ốm thế này thì chỉ ăn cháo hành. Hành thì nhà thị may lại còn.”

Trả lời:

- Biện pháp tu từ đảo ngữ được sử dụng ở câu thứ 3: “hành” được đảo lên trước. Ở đây có sử dụng thêm từ “thì” để cho câu được tự nhiên.

- Tác dụng: Liên kết chặt chẽ câu thứ 3 với các câu 2 đã đề cập đến “hành”.

Câu 21: Đọc các đoạn trích sau (trong Lão Hạc của Nam Cao) và trả lời câu hỏi.

- Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...

- Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi, như muốn bảo tôi rằng: "A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à?".

- Tôi ở nhà Binh Tư về được một lúc lâu thì thấy những tiếng nhốn nháo ở bên nhà lão Hạc. Tôi mải mốt chạy sang. Mấy người hàng xóm đến trước tôi đang xôn xao ở trong nhà. Tôi xồng xộc chạy vào. Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc.

Câu hỏi:

  1. a) Trong các từ in đậm trên, những từ nào gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật; những từ nào mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người?
  2. b) Những từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái hoặc mô phỏng âm thanh như trên có tác dụng gì trong văn miêu tả và tự sự?

Trả lời:

  1. a) – Những từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật là: móm mém, vật vã, xồng xộc, rũ rượi, xộc xệch, sòng sọc.

- Những từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người: hu hu, ư ử

  1. b) Những từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái hoặc mô phỏng âm thanh như trên có tác dụng làm tăng sức gợi hình, gợi tả, gợi âm thanh và có tính biểu cảm. Nhờ những từ này, lời văn trở nên sinh động, chân thực hơn và đôi khi nó còn cách để thể hiện cách nhìn, cách biểu hiện của người viết.

Câu 22: Bài thơ “Thu điếu” đã thực sự nắm bắt và thể hiện được thần thái riêng của mùa thu ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Hãy làm rõ điều đó qua phân tích các chi tiết và hình ảnh cụ thể.

Trả lời:

Thần thái riêng của mùa thu ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ đã được thể hiện trong bài thơ:

- Cảnh thu vừa trong vừa tĩnh:

+ Trong: ao nước trong tưởng có thể nhìn thấu đáy (“trong veo”); sóng biêng biếc phản chiếu màu cây, màu trời; trời ít mây nên càng nổi bật màu xanh ngắt (“xanh” ở đây cũng có thể hiểu là “trong”).

+ Tĩnh: mặt ao lặng, “lạnh lẽo” (cái “lạnh” thường hay sóng đôi với cái “lặng”); sóng hơi gợn (“gợn tí”); gió “khẽ” đưa lá vàng; “khách vắng teo”; tiếng cá đớp bóng nghe mơ hồ như có như không (cái “động” của tiếng cá đớp bóng càng làm nổi bật cái “tĩnh” chung của cảnh). Ở đây, cái “trong” gắn liền với cái “tĩnh”.

- Đây là cảnh thu đặc trưng của làng quê Việt Nam, nhất là của đồng bằng Bắc Bộ, ở xứ đồng chiêm trũng. Các chi tiết miêu tả trong bài đều giàu tính hiện thực, hầu như không vướng chút ước lệ nào, có thể gợi lên trong lòng độc giả những cảm xúc sâu lắng về quê hương.

- Dưới ngòi bút của tác giả, tất cả các sự vật được nhắc tới đều xứng hợp với nhau: ao thu nhỏ – thuyền câu bé; gió nhẹ – sóng “gợn tí”; trời xanh – nước trong; “khách vắng teo” – người ngồi câu trầm ngâm yên lặng; đặc biệt là các mảng màu xanh của nước, của tre trúc rất hoà điệu với màu xanh của bầu trời.

- Nguyễn Khuyến vốn là một bậc thầy trong việc đưa từ láy vào thơ. Từ láy chẳng những tạo ra vẻ thuần Nôm cho tác phẩm mà còn có tác dụng làm tăng nhạc tính của nó. Từ láy vừa mô phỏng tài tình dáng dấp, động thái của sự vật, làm cho sự vật hiện lên sống động, vừa thể hiện được biến thái tinh vi trong cảm xúc chủ quan của người sáng tạo. “Lạnh lẽo, tẻo teo, lơ lửng” đều là những từ láy như thế.

+ “Lạnh lẽo” không hẳn nói về cái lạnh của nước mà nói về không khí đượm vẻ hiu hắt của cảnh vật cũng như tâm trạng u uẩn của nhà thơ.

+ “Tẻo teo” có thể được giải thích là rất nhỏ (chiếc thuyền câu nhỏ), nhưng nếu chỉ nói thế thì chưa thấy hết ý vị của việc lặp lại âm “eo” dễ gợi liên tưởng về một "đối tượng" nào đó đang mỗi lúc một thu hẹp diện tích, phù hợp với cái nhìn của nhà thơ muốn mọi vật thu lại vừa trong tầm mắt, không mở ra quá rộng làm cho không khí suy tư bị loãng đi.

+ “Lơ lửng” vừa gợi hình ảnh đám mây đọng lại lưng chừng giữa tầng không, vừa gợi trạng thái phân thân hay mơ màng của nhà thơ.

Câu 23: Có gì đặc biệt trong hành động câu cá và cách cảm nhận không gian thu của nhân vật trữ tình trong bài thơ “Thu điếu”? Kiểu câu cá ấy, cách cảm nhận ấy cho ta hiểu được gì về tâm sự của nhà thơ?

Trả lời:

- Quả thật, nhìn bề ngoài, bài thơ nói chuyện câu cá mùa thu. Nhưng xét bề sâu, chuyện câu cá không được nhân vật trữ tình quan tâm nhiều lắm. Các biểu hiện: câu cá mà dường như mắt chỉ quan tâm ghi nhận cảnh sắc mùa thu; nghe tiếng cá đớp động dưới chân bèo mà như muốn giật mình sực tỉnh; vừa trở về với thực tại thoắt bỗng lâm vào trạng thái lửng lơ, không phân định được đâu là hư, đâu là thực.

- Tại sao có nghịch lí trên?

+ Trước hết, tác giả không hiện diện trong bài thơ với tư cách là một người lao động (ngay trong cuộc sống của mình, Nguyễn Khuyến cũng thế).

+ Hơn nữa, đối với các nhà thơ xưa, việc viết về hành động câu cá chỉ vì câu cá thật ra không có ý vị gì, thậm chí vô nghĩa (ở đây ta đang nói tới những bài thơ mà nhân vật trữ tình trong đó là người đi câu, chứ không phải bàn về những bài vịnh các ngư phủ, hay nói rộng ra là vịnh về nghề “ngư” trong tứ nghệ “ngư, tiều canh, mục”). Chuyện câu cá được nói đến chỉ như một cái cớ nghệ thuật để nhà thơ thể hiện “cảm giác thu” và bộc lộ “tâm trạng” của mình.

- Tâm trạng của nhân vật trữ tình là tâm trạng “u hoài”. Nỗi u hoài đã phủ lên cảnh vật bên ngoài một vẻ hắt hiu rất đặc biệt. Mặt nước “lạnh lẽo” của ao thu phần nào phản chiếu cõi lòng nhà thơ. Với tâm trạng đó, tác giả nhạy cảm với những cái gì là “thanh”, là “vắng” và càng nói về cái thanh, cái vắng, nỗi u hoài càng được bộc lộ một cách sâu sắc. Đọc toàn bộ văn thơ Nguyễn Khuyến, ta sẽ nhận ra mấu chốt của vấn đề là ở chỗ: không phải nhà thơ không chuộng cảnh thanh vắng, thư nhàn, nhưng sống nhàn trong tình thế rối ren của đất nước có một cái gì giống như là bất nhẫn, vả lại, cho dù nhà thơ muốn nhàn thì muôn sự phiền toái của cuộc đời đâu có cho ông được toại nguyện. Hoá ra, tưởng đã được nhàn mà cái nhàn vẫn còn ở xa vời, muốn được sống thanh cao mà cái thanh cao luôn có nguy cơ bị vấy bẩn.

- Câu cá nhưng lại hững hờ với việc lắng nghe cá “đớp động dưới chân bèo”. Rất có thể nhà thơ đang suy tư về sự đời, về hiện trạng đất nước, về sự bất lực của chính bản thân.

Câu 24: Qua “Ca Huế trên sông Hương” tại sao có thể nói: nghe ca Huế là một thú tao nhã?

Trả lời:

- Trước tiên, em hãy tìm hiểu nghĩa của “tao nhã”. Tao nhã là thanh cao và nhã nhặn, dễ được cảm tình, yêu mến.

- Sau đó hãy xem điều đó được thể hiện như thế nào trong bài thơ. Ca Huế thanh cao, lịch sự, nhã nhặn, sang trọng và duyên dáng từ nội dung đến hình thức, từ cách biểu diễn đến cách thưởng thức; từ ca công đến nhạc công; từ giọng ca đến trang điểm, ăn mặc,… Chính vì thế, nghe ca Huế quả là một thú vui tao nhã.

Câu 25: Nêu tác dụng của việc kết hơp các yếu tố có vai trò kể chuyện, miêu tả, bộc lộ cảm xúc, bình luận,… trong văn bản”Ca Huế trên sông Hương”

Trả lời:

Đầu tiên, em hãy tìm trong bài những câu, đoạn chứa các yếu tố này.

Ví dụ:

- Những yếu tố có vai trò kể chuyện: “Tôi như một lữ khách thích giang hồ với hồn thơ lai láng, tình người nồng hậu bước xuống một con thuyền rồng”; “Không gian yên tĩnh bỗng bừng lên những âm thanh của dàn hoà tấu, bởi bốn nhạc khúc lưu thuỷ, kim tiền, xuân phong, long hổ du dương, trầm bổng, réo rắt mở đầu đêm ca Huế”,…

- Những yếu tố có vai trò miêu tả: “Thành phố lên đèn như sao sa. Màn sương dày dần lên, cảnh vật mờ đi trong một màu trắng đục.”, “Các ca công còn rất trẻ, nam mặc áo dài the, quần thụng, đầu đội khăn xếp, nữ mặc áo dài, khăn đóng duy dáng”,…

- Những yếu tố có vai trò bộc lộ cảm xúc: không có sự bộc lộ cảm xúc trực tiếp trong văn bản nhưng chúng ta có thể thấy điều đó qua cách kể, tả của tác giả về lần đi nghe ca Huế. Trong văn bản, tác giả thể hiện cảm xúc thích thú, say mê, ngưỡng mộ,…

- Những yếu tố có vai trò bình luận: “có lẽ con thuyền này xưa kia chỉ dành cho vua chúa”, “Thú nghe ca Huế tao nhã, đầy sức quyến rũ”,…

è Kết hợp các yếu tố này lại có tác dụng là:

- Giúp người đọc hiểu được nguồn gốc, đặc điểm, cách biểu diễn và thưởng thức ca Huế

- Thể hiện được tình cảm, thái độ của người viết và nhấn mạnh vị trí, ý nghĩa của ca Huế.

Câu 26: Hãy lấy ví dụ về từ tượng hình và từ tượng thanh trong các tác phẩm văn học và phân tích giá trị của nó.

Trả lời:

- Ví dụ về từ tượng hình:

Trong làn nắng ửng, khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

(Hàn Mặc Tử, Mùa xuân chín)

Từ “lấm tấm” gợi hình ảnh những đốm nắng rải qua vòm cây, in trên những mái nhà tranh, gợi khung cảnh bình yên của buổi bình minh mùa xuân nơi quê nhà.

- Ví dụ về từ tượng thanh:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may.

(Nguyễn Đình Thi, Đất nước)

Từ “xao xác” gợi âm thanh thoảng nhẹ, mơ hồ của tiếng lá và tiếng gió trong không gian im vắng, tĩnh lặng của một Hà Nội cổ kính, êm đềm.

Câu 27: Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

“Giữa vùng cỏ tranh khô vàng, gió thổi lao xao, một bầy chim hàng nghìn con vụt cất cánh bay lên. Chim áo già màu nâu, chim manh manh mỏ đỏ bóng như màu thuốc đánh móng tay, lại có bộ lông xám tro điểm những chấm trắng chấm đỏ li ti rất đẹp mắt... Những con chim nhỏ bay vù vù kêu líu ríu lượn vòng trên cao một chốc, lại đáp xuống phía sau lưng chúng tôi.”

  1. Liệt kê các từ tượng hình và từ tượng thanh trong đoạn văn trên.
  2. Phân tích tác dụng của một từ tượng hình và một từ tượng thanh trong đoạn văn.

Trả lời:

  1. a) - Từ tượng hình: li ti

- Từ tượng thanh: lao xao, vù vù, líu ríu

  1. b) – Từ “li ti” gợi ra cảm giác kích cỡ bé xíu như những chấm, hạt,… Ngay bản thân câu trong đoạn đã thể hiện điều đó: “bộ lông xám tro điểm những chấm đỏ nhỏ li ti”.

- Từ “lao xao” gợi ra âm thanh nhỏ bé, liên tục khi gió thổi vào cỏ cây.

Câu 28: Từ tượng hình, từ tượng thanh là những thuật ngữ đã được dùng quen trong Việt ngữ học. Hãy nhận xét về mức độ “đạt” của hai thuật ngữ này.

Trả lời:

- Tượng ở đây là một yếu tố Hán Việt có nghĩa là "mô phỏng".

- Từ tượng thanh là một thuật ngữ rất đạt, nó chỉ những từ được đặt ra theo phương thức mô phỏng âm thanh trong thực tế khách quan. Trong tiếng Việt, những từ như (con) mèo, (chim) cuốc, (cười) ha ha, (khóc) hu hu, (kêu) ư ử (gió thổi) ù ù,... đều là từ tượng thanh.

- Từ tượng hình là một thuật ngữ không đạt. Từ là một đơn vị ngôn ngữ có vỏ vật chất là âm thanh. Âm thanh thì làm sao mà mô phỏng được hình dáng. Chỉ có chữ viết mới có khả năng mô phỏng được hình dáng. Nhưng không phải mọi thứ chữ viết đều có khả năng mô phỏng hình dáng mà chỉ có loại chữ như chữ Hán mới có khả năng đó. Chữ 木 (mộc: cây), chữ 本 (bản: gốc), chữ 日 (nhật: mặt trời), chữ 月 (nguyệt: mặt trăng),... là những chữ tượng hình. Đúng ra nên gọi là từ gợi hình. Tuy nhiên, vì thói quen cũng có thể dùng thuật ngữ từ tượng hình để chỉ những từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ của sự vật, hoạt động, trạng thái của sự vật như ta đang học.

Câu 29: Hãy đặt câu / làm thơ / viết đoạn văn có sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ.

Trả lời:

Hãy chú ý đến đặc điểm thường thấy của các câu văn, câu thơ sử dụng biện pháp tu từ này.

Ví dụ: Lao xao làn gió thổi qua tán lá. Rì rào cơn mưa đầu mùa hạ.

Câu 30: Hãy so sánh bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” của Trần Nhân Tông với đoạn thơ trích trong bài “Chiều hôm nhớ nhà” của Bà Huyện Thanh Quan dưới đây:

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn.

Gác mái ngư ông về viễn phố

Gõ sừng mục tử lại cô thôn.

Trả lời:

- Để làm được bài này, đầu tiên, em hãy so sánh hai bài thơ trên những bình diện như: thời điểm nhìn và tả cảnh vật, địa điểm của cảnh vật, cảnh vật, cảnh vật trong thời gian, âm thanh của cảnh vật, con người giữa cảnh vật, tâm hồn, tâm trạng của tác giả trước cảnh vật,…

* Từ việc tìm đủ các bình diện cần so sánh, em hãy lần lượt tiến hành việc so sánh cụ thể để tìm ra nét chung và nét riêng (tức là cái giống nhau và cái khác nhau) của từng hiện tượng. Ví dụ:

– Cũng là tả cảnh lúc buổi chiều nhưng giữa câu thơ “Bóng chiều man mác có dường không” và câu thơ “Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn” thì có gì khác nhau? (Em có đồng ý với ý kiến cho rằng: Ở câu sau, chiều đã ngả về tối hơn so với câu trước không? Nếu đồng ý thì hãy giải thích tại sao có thể nói như thế.)

– Cũng là tả cảnh thôn quê nhưng cảnh ở bài thơ có gì khác so với cảnh ở đoạn thơ? Có người nói: Cảnh ở bài thơ hẹp hơn, cuộc sống của con người có phần được hé lên rõ hơn, và cảnh trầm lặng mà không buồn vắng như ở đoạn thơ. Nói thế có đúng không? Ý kiến của em thế nào?

– Cũng có âm thanh nhưng ở bài thơ thì có tiếng sáo, còn ở đoạn thơ thì có tiếng ốc (tù và), tiếng trống. Tiếng sáo nghe gần gũi hơn, vui tai hơn. Còn tiếng ốc, tiếng trống nghe như từ xa vọng lại văng vẳng và dễ gây cảm giác nặng nề. Các trạng thái âm thanh đó gợi cho người đọc cảm giác gì khác nhau về cảnh?

– Trong cảnh đều có người nhưng ở bài thơ chỉ có mục tử (ở đây là trẻ chăn trâu), còn ở đoạn thơ lại có ngư ông và mục tử. Điều đó có liên quan gì tới độ rộng hẹp của cảnh được quan sát trong khi miêu tả? Hình ảnh mục đồng trong câu thơ “Mục đồng sáo vẳng trâu về hết” và mục tử trong câu thơ “Gõ sừng mục tử lại cô thôn” có gì khác nhau?

– Cả bài thơ và đoạn thơ đều chứa đựng tâm trạng của tác giả nhưng khác nhau thế nào? Có người nói: Ở bài thơ, tâm trạng tác giả chỉ trầm lặng mà không buồn, thậm chí còn là gắn bó, ấm áp tình với cảnh. Còn ở đoạn thơ thì lại là một tâm trạng rất mực cô đơn trước cảnh vật. Ý kiến của em thế nào?

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay