Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối Ôn tập Bài 5: Những câu chuyện hài (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 5: Những câu chuyện hài (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 5. NHỮNG CÂU CHUYỆN HÀI (PHẦN 2)

Câu 1: Câu hỏi tu từ là gì? Nêu ví dụ.

Trả lời:

Câu hỏi tu từ là câu hỏi được đặt ra nhưng lại không hướng tới việc tìm kiếm câu trả lời, hoặc nội dung câu trả lời đã có sẵn trong câu hỏi đó. Nói cách khác, đối với loại câu hỏi này, chúng ta không nhất thiết phải tìm ra đáp án chính xác cho câu hỏi.

Nó khuyến khích người nghe hoặc người đọc suy nghĩ, tìm hiểu và khám phá ý nghĩa sâu xa. Câu hỏi tu từ thường được sử dụng trong văn bản, thơ ca, bài diễn thuyết, trò chơi ngôn ngữ và các tác phẩm nghệ thuật khác.

Tùy vào mục đích giao tiếp của người hỏi, hoặc dụng ý nghệ thuật trong văn học mà câu hỏi tu từ có thể biểu đạt, hay tượng trưng cho một ý nghĩa nhất định nào đó.

Ví dụ trong văn học:

Bây giờ Mận mới hỏi Đào

Vườn hồng có lối ai vào hay chưa?

Câu 2: Đặc điểm câu hỏi tu từ là gì?

Trả lời:

  • Có đầy đủ hình thức của một câu nghi vấn và luôn có dấu chấm hỏi để kết thúc một câu
  • Câu hỏi tu từ được sử dụng nhằm khẳng định, hoặc nhấn mạnh nội dung, ý nghĩa nào đó mà người nói hoặc người viết muốn biểu đạt đến người khác
  • Thông tin được truyền đạt phải dễ hiểu, dễ tiếp thu đối với người đọc, người nghe
  • Thông tin luôn mang ý nghĩa tượng trưng cho một vấn đề nào đó
  • Được dùng theo cách nói ẩn dụ, nhằm thể hiện sắc thái biểu đạt
  • Có thể mang hàm ý phủ định với nội dung được người nói, người viết nhắc đến trong câu

Câu 3: Hãy trình bày hiểu biết của em về “Chùm ca dao trào phúng” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: đây là văn học dân gian nên không có tác giả cụ thể.

- Thể loại: ca dao trào phúng / châm biếm với hình thức như thể thơ lục bát (câu sáu chữ câu tám chữ)

- Nội dung: Với ngôn từ dân dã, vần nhịp rõ ràng, những bài ca dao dễ nhớ dễ thuộc này đã phê phán, lên án những hạng người xấu xa và hủ tục.

Câu 4: Bài ca dao số 2 trong “Chùm ca dao trào phúng” tạo dựng sự tương phản, đối nghịch dựa trên yếu tố nào? Bài ca dao đó thể hiện tính cách gì của mèo và quan hệ như thế nào giữa mèo với chuột?

Trả lời:

- Bài ca dao số 2 tạo dựng sự tương phản, đối nghịch dựa trên mối thù hằn giữa chuột và mèo trong thực tế.

- Tính cách của con mèo và quan hệ giữa mèo với chuột trong bài ca dao:

+ “Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà”: ta thấy rằng việc mèo đi thăm chuột hoàn toàn đối lập với thực tế. Ở đây có thể ngụ ý rằng con mèo giả nhân giả nghĩa muốn lừa chú chuột. Nhưng chú chuột thông minh hơn, đã đi trước một bước: đi chợ để “mua mắm mua muối giỗ cha con mèo”. “Cha con mèo”: chú chuột muốn chửi rủa sự xấu xa của con mèo.

+ Trong bài ca cao, mối quan hệ giữa mèo và chuột vẫn là mối quan hệ đối lập như thực tế nhưng có những điểm khác về cách tiếp cận.

Lưu ý: trên đây chỉ là một cách giải thích vì nội dung bài ca dao này chưa thực sự rõ ràng.

Câu 5: Hãy trình bày những hiểu biết của em về các truyện trong bài học “Chùm truyện cười dân gian Việt Nam” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: đây là những truyện dân gian nên không có tác giả cụ thể.

- Thể loại: truyện cười

- Nội dung: phê phán một vài thói hư, tật xấu của con người.

Câu 6: Tính cách anh chàng có áo mới trong truyện “Lợn cưới, áo mới” được thể hiện qua những chi tiết nào?

Trả lời:

Qua những câu như:

- Anh nọ tính hay khoe của, một hôm may được cái áo mới bèn mặc vào, ra cửa đứng để mong có ai đi qua người ta khen.

- Khi có người hỏi, mặc dù người đó không nói gì đến cái áo nhưng:

“Anh ta liền phanh hai vạt áo ra mà trả lời:

- Này bác có lợn kia ơi! Từ lúc mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy có con lợn nào chạy qua đây cả.”

Câu 7: Có điều gì khác thường ở lời nói của hai nhân vật trong truyện “Nói dóc gặp nhau”?

Trả lời:

- Lời nói của họ đều là những lời chém gió, bốc phét vô cùng phi thực tế:

+ Lời nói của anh đi làm ăn xa: “Có một cái ghe dài không lấy gì đo cho xiết. Một người tuổi hai mươi đứng ở đầu mũi bắt đầu đi ra đằng lái; đi đến giữa cột buồm thì đã già, râu tóc bạc phơ, cứ thế đi, đến chết vẫn chưa tới lái”.

+ Lời nói của anh nói dóc khác: “Tôi đi rừng thấy một cây cao ghê gớm. Có một con chim đậu trên cành cây, đánh rơi một hột đa. Hột đa rơi xuống lưng chừng gặp mưa, gặp bụi rồi nảy mầm, đâm rễ thành cây đa. Cây đa lớn lên, sinh hoa, kết quả, hột đa ở cây đa đó lại rơi vãi ra, đâm chồi nảy lộc thành nhiều cây đa con. Đa con lớn lên, sinh hoa kết quả, lại nảy ra đàn cây đa cháu, cứ thế mãi cho đến khi rơi tới đất thì đã bảy đời tất cả.”

è Có thể thấy là cái ý tưởng, hướng đi trong lời nói khoác, bịa đặt của hai người giống nhau.

Câu 8: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Moliere và vở hài kịch “Trưởng giả học làm sang”.

Trả lời:

- Moliere (1622 – 1673) là một trong những nhà viết hài kịch lớn nhất nước Pháp và thế giới. Hài kịch Moliere là tiếng cười khoẻ khoắn, yêu đời, vui nhộn mà sâu sắc, thâm trầm. Mỗi nhân vật chính trong hài kịch Moliere là hiện thân của một tính cách nhất định: đạo đức giả, hà tiện, thông thái rởm, học đòi, ảo tưởng.... Những vở hài kịch tiêu biểu của Moliere: Tác-tuýp (1664), Lão hà tiện (1668) Trưởng giả học làm sang (1670), Người bệnh tưởng (1673),...

- “Trưởng giả học làm sang” phê phán thói học đòi, rởm đời, lố bịch của những người giàu có nhưng ít hiểu biết, ham danh vọng hão huyền đến mức loá mắt, không nhận ra được thật hay giả, tốt hay xấu, trở thành kẻ lố bịch và ngu ngốc đến mức bị lợi dụng, cợt nhạo mà vẫn không hết ảo tưởng, mù quáng.

Câu 9: Trog tác phẩm “Trưởng giả học làm sang”, ở Lớp II, Hồi thứ ba, hành động cười của nhân vật Nicole cho biết điều gì về bộ trang phục của ông Jourdain? Nếu em là nhân vật Nicole, em có thấy bộ trang phục của ông Jourdain là đáng cười không? Vì sao?

Trả lời:

- Hành động cười liên tục, không thể ngừng nghỉ của nhân vật Nicole cho thấy rằng bộ trang phục của ông Jourdain rất buồn cười, lố bịch, không đúng quy cách, không ra đâu vào đâu.

- Nếu em là nhân vật Nicole, em thấy bộ trang phục này đáng cười vì nó đã bị làm sai quy cách rất nhiều: chật, hoa ngược, không phải màu đen,…

Câu 10: Lời thoại trong các lớp kịch của “Trưởng giả học làm sang” có gì đáng chú ý?

Trả lời:

- Lời thoại giữa ông Jourdain với phó may có điểm đáng chú ý là:

+ Lời của ông Jourdain thường là sự phàn nàn, ca thán: “Tôi sắp phát cáu lên với bác đấy”, Lại còn phải bảo cái đó à?”,…

+ Lời của ông Jourdain cũng làm nổi bật sự kém hiểu biết: “Tôi tưởng tượng vì tôi thấy đau. Lí với lẽ hay chưa kìa!”, “Nhưng người quý phái mặc ngược hoa à?”,…

+ Lời của phó may thì là những lời nói dối, mang tính bào chữa, cho thế mới là phải và có tính cường điệu, ví dụ: “Tôi không làm sao đến sớm hơn được, ấy là tôi đã cho hai chục chú thợ bạn xúm lại chiếc áo của ngài đấy”, “Còn phải nói! Tôi thách một hoạ sĩ lấy bút mà vẽ cho sát hơn được. Ở nhà tôi có một chút thợ bạn, may quần cộc thì tài nhất thiên hạ, và một chú khác, về may áo chẽn, là anh húng của thời đại.”,…

- Lời thoại giữa ông Jourdain với các thợ bạn có điểm đáng chú ý là:

+ Lời của ông Jourdain thể hiện sự thích thú, tự mãn của mìn: “Ấy đấy, ăn mặc ra người quý phái thì thế đây! Cứ bo bo y phục trưởng giả, thì chẳng có ai gọi là “Ngài quý tộc!”,…

+ Lời của thợ bạn thì là những lời nịnh hót.

- Lời thoại giữa ông Jourdain và Nicole có điểm đáng chú ý là:

+ Lời của ông Jourdain tập trung vào sự trách mắng, doạ nạt: “Cái con này mới láo chứ!”, “Này, hễ mày còn cười một tí nào nữa, tao thề sẽ cho mày một cái tát bằng trời giáng cho mà xem”,…

+ Lời của Nicole thì chỉ có tiếng cười.

Câu 11: Các truyện “Lợn cưới, áo mới”, “Treo biển”, “Nói dóc gặp nhau” phê phán những tính xấu nào của con người?

Trả lời:

- Truyện “Lợn cưới, áo mới” phê phán thói khoe của.

- Truyện “Treo biển” phê phán những người thiếu chủ kiến, không xem xét kĩ ý kiến của người khác.

- Truyện “Nói dóc gặp nhau” phê phán tính nói khoác.

 

Câu 12: Ở truyện “Treo biển”, sự lặp lại tình huống “bị chê – gỡ biển” nhiều lần có tác dụng gì?

Trả lời:

- Sự lặp lại này có tác dụng là thúc đẩy sự tiếp diễn của câu chuyện, tăng sự kịch tính rồi đi đến cái đích mà người tạo ra truyện muốn hướng tới. Ở trong truyện này, việc liên bị chê rồi lại gỡ biển khiến cho tình tiết hấp dẫn hơn, khiến cho câu chuyện liên tục phát triển và có khả năng thể hiện cái điều muốn truyền tải tốt hơn. Thử nghĩ nếu giờ câu chuyện chỉ có thế này: “Có một nhà hàng treo một tấm biển, mới chỉ một người đi qua chê không hay nhưng nhà hàng ngay lập tức bỏ cả cái biển đi luôn.” thì em thấy thế nào?

Câu 13: Bài ca dao số 1 trong “Chùm ca dao trào phúng” phê phán đối tượng nào? Tại sao đối tượng đó lại bị phê phán?

Trả lời:

- Bài ca dao số 1 phê phán đối tượng những người hành nghề mê tín dị đoan, những tay thầy bói dởm chuyên đi lừa người.

- Lí do đối tượng này bị phê phán: Vì những “thầy” này chuyên dùng những chiêu trò, mánh khoé để đi lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin. Họ lợi dụng cái mong muốn tìm hiểu về tương lai, thay đổi cuộc đời của một bộ phận xã hội để lừa tiền, lừa tình,… Như trong bài ca dao, ta thấy rằng con gà, mâm xôi đều là những thứ có giá trị, đặc biệt với người đời xưa còn nghèo đói

Câu 14: Bài ca dao số 3 trong “Chùm ca dao trào phúng” lên án hủ tục gì? Cách lên án có tạo ra sự căng thẳng không? Vì sao?

Trả lời:

- Bài ca dao số 3 lên án hủ tục thách cưới.

- Cách lên án phần nào tạo ra sự căng thẳng:

+ “Anh là con trai học trò / Em mà thách cưới thế anh lo thế nào?”: sự phàn nàn.

+ “Em khoe em đẹp như sao / Để anh lận đận ra vào đã lâu”: bày tỏ sự khổ sở vì yêu em

+ “Mẹ em thách cưới cho nhiều / Thử xem anh nghèo có cưới được không?”: chỉ trích sự đòi hỏi cao của mẹ em. Từ “nghèo” thể hiện rõ sự bất lực.

+ Một loạt câu về đồ dẫn cưới cho thấy rằng anh không thể đạt được yêu cầu thách cưới. Ở đây, ta chú ý thấy là mẹ em thách cưới nhiều nhưng anh còn chuẩn bị sính lễ nhiều hơn thế. Ý muốn nói là nhà em thách cưới không hợp tình, hợp lí, đã thế thì anh chỉ cho nhà em những thứ “trên trời” đó thôi.

Câu 15: Xác định nghĩa hàm ẩn của các câu tục ngữ dưới đây:

Cười người chớ vội cười lâu

Cười người hôm trước, hôm sau người cười.

  1. Lời nói gói vàng.
  2. Lưỡi sắc hơn gươm.

Trả lời:

  1. a) Nghĩa hàm ẩn của câu tục ngữ là: đừng nên cười nhạo, chế giễu một ai đó quá đáng vì sau này ta cũng có thể rơi vào hoàn cảnh như vậy.
  2. b) Nghĩa hàm ẩn của câu tục ngữ là: nếu chúng ta nói ra được những lời nói hay, bổ ích thì nó sẽ có giá trị như ngàn vàng.
  3. c) Nghĩa hàm ẩn của câu tục ngữ là: chỉ lời nói độc địa.

Câu 16: Đọc đoạn trích sau từ truyện “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng và trả lời câu hỏi:

Mẹ nó đâm nổi giận quơ đũa bếp doạ đánh, nó phải gọi nhưng lại nói trổng:

– Vô ăn cơm!

Anh Sáu vẫn ngồi im, giả vờ không nghe, chờ nó gọi "Ba vô ăn cơm". Con bé cứ đứng trong bếp nói vọng ra:

– Cơm chín rồi!

Anh cũng không quay lại.

Câu hỏi: Trong hai câu nói của con bé, câu nào có chứa hàm ý? Hàm ý đó là gì? Vì sao con bé phải dùng hàm ý?

Trả lời:

- Trong hai câu của con bé nói với ba nó, chỉ có câu “Cơm chín rồi!” là có chứa hàm ý, hàm ý đó chính là nội dung đã được đưa ra trong lời nói ban đầu của nó: mời anh Sáu vào ăn cơm. Con bé phải dùng một câu có hàm ý vì nói trống không thì anh Sáu giả vờ không hiểu, còn nó thì không muốn gọi anh Sáu là ba.

Câu 17: Cho biết nghĩa hàm ẩn của những câu in đậm trong các trường hợp sau:

Chập chập rồi lại cheng cheng

Con gà sống lớn để riêng cho thầy.

  1. Ông Jourdain: Thế này là thế nào? Bác may hoa ngược mất rồi.

Phó may:               Ngài có bảo là ngài muốn may xuôi hoa đâu.

Ông Jourdain:       Lại còn phải bảo cái đó à?

Phó may:               Vâng, phải bảo chứ. Vì tất cả những người quý phái đều mặc như thế này cả.

Trả lời:

  1. a) Nghĩa hàm ẩn của câu in đậm là: người xem bói muốn thầy bói cho thì phải trả công cho thầy bằng những thứ giá trị.
  2. b) Nghĩa hàm ẩn của câu in đậm là: kiểu may thế này (may hoa ngược) mới là đúng chuẩn.

Câu 18: Xét những đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

a)

Năm nay đào lại nở,

Không thấy ông đồ xưa.

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

  1. b) Cai lệ không để cho chị được nói hết câu, trợn ngược hai mắt, hắn quát:

– Mày định nói cho cha mày nghe đấy à? Sưu của nhà nước mà dám mở mồm xin khất!

  1. c) Đệ vỡ rồi!... Đệ vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không?... Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?
  2. d) Một người hằng ngày chỉ cặm cụi lo lắng vì mình, thế mà khi xem truyện hay ngâm thơ có thể vui, buồn, mừng, giận cùng những người ở đâu đâu, vì những chuyện ở đâu đâu, há chẳng phải là chứng cớ cho cái mãnh lực lạ lùng của văn chương hay sao?
  3. e) Đến lượt bố tôi ngây người ra như không tin vào mắt mình.

– Con gái tôi vẽ đây ư? Chả lẽ lại đúng là nó, cái con Mèo hay lục lọi ấy!

Câu hỏi:

– Trong những đoạn trích trên, câu nào là câu nghi vấn?

– Câu nghi vấn trong những đoạn trích trên có dùng để hỏi không? Nếu không dùng để hỏi thì dùng để làm gì?

- Nhận xét về dấu kết thúc những câu nghi vấn trên. (Có phải bao giờ cũng là dấu chấm hỏi không?)

Trả lời:

Có các câu nghi vấn sau:

- Đoạn trích (a): "Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?"

- Đoạn trích (b): "Mày định nói cho cha mày nghe đấy à?"

- Đoạn trích (c): "Có biết không?”; "Lính đâu?”; "Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy?"; "Không còn phép tắc gì nữa à?"

- Đoạn trích (d): Cả đoạn trích là một câu nghi vấn.

- Đoạn trích (e): "Con gái tôi vẽ đây ư?”; "Chả lẽ lại đúng là nó, cái con Mèo hay lục lọi ấy!"

Mục đích của các câu nghi vấn trên:

- Đoạn trích (a): bộc lộ tình cảm, cảm xúc (sự hoài niệm, tiếc nuối).

- Đoạn trích (b): đe doạ.

- Đoạn trích (c): cả bốn câu đều dùng để đe doạ.

- Đoạn trích (d): khẳng định.

- Đoạn trích (e): cả hai câu đều bộc lộ cảm xúc (sự ngạc nhiên).

Nhận xét về dấu kết thúc các câu nghi vấn trong những đoạn trích trên: Không phải tất cả các câu nghi vấn đều kết thúc bằng dấu chấm hỏi. Câu nghi vấn thứ hai ở (e) kết thúc bằng dấu chấm than, chứ không phải là dấu chấm hỏi.

Câu 19: Trong giao tiếp, nhiều khi những câu nghi vấn như "Anh ăn cơm chưa?", "Cậu đọc sách đấy à?", "Em đi đâu đấy?" không nhằm để hỏi. Vậy trong những trường hợp đó, câu nghi vấn dùng để làm gì? Mối quan hệ giữa người nói và người nghe ở đây như thế nào?

Trả lời:

- Trong nhiều trường hợp giao tiếp, những câu như vậy dùng để chào. Người nghe không nhất thiết phải trả lời, mà có thể đáp lại bằng một câu chào khác (có thể cũng là một câu nghi vấn).

- Người nói và người nghe có quan hệ rất thân mật.

Câu 20: Theo em, trong “Nói dóc gặp nhau”, chi tiết nào tạo ra sự bất ngờ cho truyện?

Trả lời:

Ta thấy rằng khi nghe anh đi làm xa về nói dóc thì anh kia đã bắt chước cách thức triển khai đó và còn làm tăng sự phi lí hơn. Điều đó khiến anh đi làm xa cãi lại và để lộ ra là mình nói dóc. “Nếu không có cây cao như thế thì lấy đâu ra gỗ để đóng chiếc ghe của anh?”: câu nói này cho thấy là anh kia đã dùng chính cái bịa đặt của anh đi làm xa để đá đểu, cà khịa lại anh ta.

Câu 21: Đặc điểm của truyện cười được thể hiện như thế nào trong các truyện ở bài “Chùm truyện cười dân gian Việt Nam”? Hãy lựa chọn một truyện để phân tích.

Trả lời:

Ví dụ về truyện “Treo biển”:

- Truyện này là một truyện tự sự ngắn, dùng tiếng cười để chế giễu tật xấu, trong bài là không có chủ kiến.

- Truyện có các yếu tố, cách xây dựng tình huống hướng đến sự tăng tiến, hướng đến một cao trào gây cười.

- Bối cảnh được xây dựng trong truyện không rõ ràng, phần nào khác thực tế, nhằm triển khai tốt nhất hướng đi các tác giả.

- Nhân vật chính, nhà bán cá, là đối tượng bị chế giễu.

- Ngôn ngữ trong truyện dân dã.

Câu 22: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về một tính cách đáng phê phán được nói đến trong những truyện cười trên.

Trả lời:

Em hãy chọn một tính cách và trình bày suy nghĩ theo hiểu biết, đánh giá của riêng em, không cần phải theo nội dung bài học. (một số ý có thể đề cập như: biểu hiện của tính cách đó trong cuộc sống, tác hại, giải pháp,…)

Tham khảo:

Trong số các tính cách xấu đáng phê phán trong các truyện cười đã học thì tôi thấy nói khoác có nhiều phương diện cần xem xét. Nói khoác, không như khoe khoang hay không có chủ kiến, có điểm tốt và xấu cân bằng nhau. Nhìn theo góc độ tốt, nói khoác là một cách thức hữu dụng để tạo nên tiếng cười, giúp cho cuộc nói chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Nhìn theo góc độ xấu, nếu chúng ta nói khoác, chúng ta là một người nói dối và điều đó trong mắt nhiều người có thể là không hay. Nói khoác cũng có thể dẫn đến những tình huống xấu do bản thân người nói không lường được hậu quả. Vậy nên, trong cuộc sống chúng ta nên tận dụng nói khoác trong việc tạo ra những tình huống hài hước và hạn chế nói khoác cho mục đích xấu.

Câu 23: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về một tính cách đáng phê phán được nói đến trong những truyện cười “Chùm truyện cười dân gian Việt Nam”.

Trả lời:

Trong số các tính cách xấu đáng phê phán trong các truyện cười đã học thì tôi thấy nói khoác có nhiều phương diện cần xem xét. Nói khoác, không như khoe khoang hay không có chủ kiến, có điểm tốt và xấu cân bằng nhau. Nhìn theo góc độ tốt, nói khoác là một cách thức hữu dụng để tạo nên tiếng cười, giúp cho cuộc nói chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Nhìn theo góc độ xấu, nếu chúng ta nói khoác, chúng ta là một người nói dối và điều đó trong mắt nhiều người có thể là không hay. Nói khoác cũng có thể dẫn đến những tình huống xấu do bản thân người nói không lường được hậu quả. Vậy nên, trong cuộc sống chúng ta nên tận dụng nói khoác trong việc tạo ra những tình huống hài hước và hạn chế nói khoác cho mục đích xấu.

Câu 24: Lớp kịch V “Trưởng giả học làm sang” gây cười cho khán giả ở những khía cạnh nào?

Trả lời:

- Khán giả cười ông Jourdain ngu dốt chẳng biết gì, chỉ vì thói học đòi làm sang mà bị bác phó may và tay thợ bạn lợi dụng để kiếm chác. Người ta cười khi thấy ông ngớ ngẩn tưởng rằng phải mặc áo hoa ngược mới là sang trọng. Người ta cười khi thấy ông cứ mọi mãi tiền ra để mua lấy mấy cái danh hão.

- Khán giả có thể cười đến vỡ rạp khi được tận mắt nhìn thấy trên sân khấu ông Jourdain bị bốn tay thợ bạn lột quần áo ra, mặc cho bộ lễ phục lố lăng theo nhịp điệu, màu sắc dớ dẩn (không phải màu đen trang trọng) lại may ngược hoa, ấy thế mà vẫn vênh vang ra vẻ ta đây là nhà quý phái.

Câu 25: Theo em, trong cuộc sống hiện nay còn có những người như ông Jourdain trong “Trưởng giả học làm sang” không? Cho ví dụ.

Trả lời:

Khi mà cái ham muốn, thèm khát danh vọng mù quáng vẫn còn tồn tại thì kiểu người như ông Jourdain vẫn còn. Em có thể lấy ví dụ qua thực tế cuộc sống những người em đã gặp, đã tiếp xúc, những người em biết đến,… Trong nhiều truyện, phim cũng xuất hiện kiểu người này.

Câu 26: Xét những đoạn trích sau và trả lời câu hỏi.

  1. a) – Sao cụ lo xa quá thế? Cụ còn khoẻ lắm, chưa chết đâu mà sợ! Cụ cứ để tiền ấy mà ăn, lúc chết hãy hay! Tội gì bây giờ nhịn đói mà tiền để lại?

– Không, ông giáo ạ! Ăn mãi hết đi thì đến lúc chết lấy gì mà lo liệu?

  1. b) Nghe con giục, bà mẹ đến hỏi phú ông. Phú ông ngần ngại. Cả đàn bò giao cho thằng bé không ra người không ra ngợm ấy, chăn dắt làm sao?

Câu hỏi:

– Trong những đoạn trích trên, câu nào là câu nghi vấn? Đặc điểm hình thức nào cho biết đó là câu nghi vấn?

– Những câu nghi vấn đó được dùng để làm gì?

– Trong những câu nghi vấn đó, câu nào có thể thay thế được bằng một câu không phải là câu nghi vấn mà có ý nghĩa tương đương? Hãy viết những câu có ý nghĩa tương đương đó.

Trả lời:

– Có những câu nghi vấn sau:

  1. a) "Sao cụ lo xa quá thế?"; "Tội gì bây giờ nhịn đói mà tiền để lại?"; "Ăn mãi hết đi thì đến lúc chết lấy gì mà lo liệu?"
  2. b) "Cả đàn bò giao cho thằng bé không ra người không ra ngợm ấy, chăn dắt làm sao?"

- Mục đích của các câu nghi vấn trên:

+ Trong (a): câu 1: phủ định; câu 2: phủ định; câu 3: phủ định.

+ Trong (b): bộc lộ sự băn khoăn, ngần ngại.

- Câu có thể thay thế:

  1. a) "Sao cụ lo xa quá thế?" >>> "Cụ không phải lo xa quá như thế."

"Tội gì bây giờ nhịn đói mà tiền để lại?" >>> "Không nên nhịn đói mà để tiền lại."

"Ăn mãi hết đi thì đến lúc chết lấy gì mà lo liệu?" >>> "Ăn hết thì lúc chết không có tiền để mà lo liệu."

  1. b) "Cả đàn bò giao cho thằng bé không ra người không ra ngợm ấy, chăn dắt làm sao?" >>> "Không biết chắc là thằng bé có thể chăn dắt được đàn bò hay không."

 

Câu 27: Hãy điền vào lượt lời của B trong đoạn thoại sau đây một câu có hàm ý từ chối.

A: Mai về quê với mình đi!

B: /.../

A: Đành vậy.

Trả lời:

- Có thể nêu việc phải làm vào ngày mai (nên không thể đi được), ví dụ: "Bận ôn thi", "Phải đi thăm người ốm"....

- Chú ý là phải dùng câu chứa hàm ý "từ chối" theo yêu cầu của đề bài, không dùng những câu không rõ chủ định như "Để mình xem đã!", "Mai hằng hay."....

Câu 28: Đọc đoạn trích sau (Tắt đèn, Ngô Tất Tố) và trả lời câu hỏi.

Chị Dậu vừa nói vừa mếu:

– Thôi u không ăn, để phần cho con. Con chỉ được ăn ở nhà bữa này nữa thôi. U không muốn ăn tranh của con. Con cứ ăn thật no, không phải nhường nhịn cho u.

Cái Tí chưa hiểu hết ý câu nói của mẹ, nó xám mặt lại và hỏi bằng giọng luống cuống:

– Vậy thì bữa sau con ăn ở đâu?

Điểm thêm một "giây" nức nở, chị Dậu ngó con bằng cách xót xa:

– Con sẽ ăn ở nhà cụ Nghị thôn Đoài.

Cái Tí nghe nói giãy nảy, giống như sét đánh bên tai, nó liệng củ khoai vào rổ và oà lên khóc:

− U bán con thật đấy ư? Con van u, con lạy u, con còn bé bỏng, u đừng đem bán con đi, tội nghiệp. U để cho con ở nhà chơi với em con.

Câu hỏi:

  1. Nếu hàm ý của những câu in đậm. Vì sao chị Dậu không dám nói thẳng với con mà phải dùng hàm ý?
  2. Hàm ý trong câu nói nào của chị Dậu rõ hơn? Vì sao chị Dậu phải nói rõ hơn như vậy? Chi tiết nào trong đoạn trích cho thấy cái Tí đã hiểu hàm ý trong câu nói của mẹ?

Trả lời:

  1. a) Câu nói thứ nhất của chị Dậu có hàm ý là "Sau bữa ăn này con không còn được ở nhà với thầy mẹ và các em nữa. Mẹ đã bán con.". Đây là điều đau lòng nên chị Dậu tránh nói thẳng ra.
  2. b) Câu nói thứ hai của chị Dậu có hàm ý là "Mẹ đã bán con cho nhà cụ Nghị thôn Đoài.". Hàm ý này rõ hơn vì cái Tí không hiểu được hàm ý của câu nói thứ nhất. Sự "giãy nảy" và câu nói trong tiếng khóc của cái Tí "U bán con thật đấy ư?"cho thấy Tí đã hiểu ý mẹ.

Câu 29: Trong truyện “Treo biển”, nội dung tấm biển đề treo ở cửa hàng có mấy yếu tố? Vai trò của từng yếu tố?

Trả lời:

Tấm biển đề treo ở cửa hàng ("Ở đây có bán cá tươi") có bốn yếu tố, thông báo bốn nội dung:

– "Ở đây": thông báo địa điểm cửa hàng.

– "Có bán": thông báo hoạt động của cửa hàng.

– "Cá": thông báo loại mặt hàng.

– "Tươi": thông báo chất lượng hàng.

Bốn yếu tố, bốn nội dung đó là cần thiết cho một tấm biển quảng cáo bằng ngôn ngữ.

Câu 30: Đọc đoạn trích sau và cho biết tại sao câu cuối cùng của đoạn trích không đánh dấu chấm hỏi (?) mà đánh dấu chấm than (!)?

Má nuôi tôi liền can thiệp ngay:

– Nó làm được mà! Ông thì lúc nào cũng chê ổng chê eo thằng bé. Để không có ông, coi nó có làm được không!

Trả lời:

Câu cuối cùng của đoạn trích tuy có những dấu hiệu của câu nghi vấn ... có... không nhưng người nói không nhằm mục đích hỏi mà nhằm mục đích cảm thán.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay