Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối Ôn tập Bài 2: Vẻ đẹp cổ điển (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 2: Vẻ đẹp cổ điển (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 2. VẺ ĐẸP CỔ ĐIỂN (PHẦN 1)

Câu 1: Theo em, biện pháp tư từ là gì?

Trả lời:

- Biện pháp tu từ là một trong những biện pháp nghệ thuật hay được sử dụng trong các tác phẩm văn học. Nhờ việc sử dụng các biện pháp tu từ, tác giả có thể dễ dàng hơn trong việc truyền đạt suy nghĩ, cảm xúc về mỗi sự vật, sự việc đến bạn đọc một cách dễ dàng và sinh động hơn.

- Biện pháp tu từ là cách sử dụng ngôn ngữ theo một cách đặc biệt ở một đơn vị ngôn ngữ (về từ, câu, văn bản) trong một ngữ cảnh nhất định nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt, đồng thời góp phần gây ấn tương với người đối diện, người đọc về nội dung mình muốn truyền đạt.

Câu 2: Biện pháp tu từ có tác dụng như thế nào?

Trả lời:

Biện pháp tu từ có vai trò đặc biệt trong các văn bản nghệ thuật. Việc sử dụng biện pháp tu từ giúp hình ảnh, sự vật, sự việc được hình dung mộ cách rõ ràng, sinh động hơn. Mỗi loại biện pháp tu từ khác nhau sẽ mang đến những tác dụng khác nhau khi tác giả sử dụng.

Câu 3: Nêu một số biện pháp tu từ thông dụng.

Trả lời:

Có hai loại biện pháp tu từ chính, đó là:

- Biện pháp tu từ từ vựng:

  • Biện pháp so sánh;
  • biện pháp ẩn dụ;
  • Biện pháp hoán dụ;
  • Biện pháp nhân hóa;
  • Biện pháp điệp ngữ;
  • Biện pháp nói giảm - nói tránh;
  • Biện pháp nói quá;
  • Biện pháp liệt kê;
  • Biện pháp chơi chữ.

- Biện pháp tu từ cú pháp:

  • Đảo ngữ;
  • Điệp cấu trúc;
  • Chêm xen;
  • Câu hỏi tu từ;
  • Phép đối.

Câu 4: Hãy trình bày những hiểu biết cơ bản của em về bài thơ “Thu điếu” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Nguyễn Khuyến

- Thể loại: Thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

- “Thu điếu” nằm trong chùm ba bài thơ thu của ông. Theo Xuân Diệu, “Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ Nôm. Mà thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh”.

- Nội dung: Bài thơ tái hiện những đặc trưng của mùa thu miền Bắc, cũng qua đó nhà thơ gửi gắm nỗi lòng, suy tư của mình trong thời cuộc rối ren.

Câu 5: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Nguyễn Khuyến.

Trả lời:

- Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) hiệu là Quế Sơn, lúc nhỏ tên là Nguyễn Thắng, sinh tại quê ngoại – xã Hoàng Xá (nay là xã Yên Trung), huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, lớn lên và sống chủ yếu ở quê nội – làng Và (tên chữ là Vị Hạ), xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

- Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo.

- Năm 1864, ông đỗ đầu kì thi Hương.

- Mấy kì sau thi tiếp lại trượt, đến năm 1871, ông đỗ đầu cả thi Hội và thi Đình. Do đỗ đầu cả ba kì thi nên Nguyễn Khuyến được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.

- Tuy đỗ đạt cao nhưng ông chỉ làm quan hơn mười năm, còn phần lớn cuộc đời là dạy học và sống thanh bạch ở quê nhà.

- Nguyễn Khuyến là người tài năng, có cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước thương dân, từng bày tỏ thái độ kiên quyết không hợp tác với chính quyền thực dân Pháp.

- Sáng tác của Nguyễn Khuyến gồm cả chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, hiện còn trên 800 bài gồm thơ, văn, câu đối nhưng chủ yếu là thơ.

- Thơ Nguyễn Khuyến nói lên tình yêu quê hương đất nước, gia đình, bè bạn; phản ánh cuộc sống của những con người khổ cực, thuần hậu, chất phác; châm biếm, đả kích thực dân xâm lược, tầng lớp thống trị, đồng thời bộc lộ tấm lòng ưu ái đối với dân, với nước.

- Đóng góp nổi bật của Nguyễn Khuyến cho nền văn học dân tộc là ở mảng thơ Nôm, thơ viết về làng quê, thơ trào phúng.

Câu 6: Hãy trình bày những hiểu biết cơ bản về từ tượng hình và từ tượng thanh (khái niệm, đặc điểm, tác dụng,…)

Trả lời:

- Từ tượng hình là từ gợi tả dáng vẻ, trạng thái của sự vật; từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên hoặc con người.

- Các từ tượng hình, từ tượng thanh có giá trị gợi hình ảnh, gợi âm thanh và có tính biểu cảm. Sử dụng các loại từ này, không chỉ giúp cho đối tượng cần miêu tả hiện lên cụ thể, sinh động mà còn thể hiện được cách nhìn, cách cảm nhận của người viết, người nói.

- Ví dụ từ tượng hình:

+ Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông. (Nguyễn Du);

+ Lom khom dưới núi, tiều vài chú/ Lác đác bên sông, chợ mấy nhà. (Bà Huyện Thanh Quan);

+ Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm. (Quang Dũng)

- Ví dụ từ tượng thanh:

+ Sột soạt gió trêu tà áo biếc. (Hàn Mặc Tử);

+ Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ/ Khắp dân làng tấp nập đón ghe về. (Tế Hanh)

Câu 7: Chỉ ra các từ tượng hình và từ tượng thanh trong trường hợp sau:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

[…] Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Trả lời:

- Từ tượng hình có trong đoạn thơ là: tẻo teo, lơ lửng, quanh co.

- Từ tượng thanh không có trong đoạn thơ.

Câu 8: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Ca Huế trên sông Hương” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Hà Ánh Minh, báo Người Hà Nội

- Thể loại: Kí

- Nội dung: Văn bản ghi chép lại một sinh hoạt văn hoá: ca Huế trên sông Hương. Qua cảnh sinh hoạt này, tác giả giới thiệu những vẻ đẹp của cảnh và người xứ Huế; giới thiệu những hiểu biết của tác giả về nguồn gốc, về sự phong phú của các làn điệu dân ca Huế.

Câu 9: Các điệu hò Huế gắn bó như thế nào với cuộc sống của con người?

Trả lời:

Các câu hò xứ Huế được hình thành, nuôi dưỡng từ cuộc sống hinh hoạt, lao động của nhân dân:

- Người dân hò cất lên các điệu hò khi lao động: “hò khi đánh cá trên sông ngòi, biển cả, hò lúc cấy cày, gặt hái, trồng cây, chăn tằm”.

- Các điệu hò lấy tên từ hoạt động mà nó gắn với: “chèo cạn, bài thai, hò đưa linh buồn bã, hò giã gạo, ru em, giã vôi, giã điệp, bài chòi,…”

Câu 10: Theo văn bản “Ca Huế trên sông Hương”, ca Huế được hình thành từ đâu? Nguồn gốc đặc biệt ấy mang lại cho ca Huế vẻ đẹp gì?

Trả lời:

- Ca Huế được hình thành, nuôi dưỡng từ dòng ca nhạc dân gian và ca nhạc cung đình.

=> Nguồn gốc đó mang lại cho ca Huế vẻ đẹp đặc biệt: phong phú, đa dạng; vừa sôi nổi tươi vui vừa trang trọng, uy nghi – từ khúc điệu, thể điệu đến âm hưởng, lời ca,…

Câu 11: Cảnh vật ở hai câu thơ đầu văn bản “Thiên Trường vãn vọng” được tái hiện vào khoảng thời gian nào? Chỉ ra mối liên hệ giữa thời gian và các hình ảnh được miêu tả.

Trả lời:

- Cảnh vật ở hai câu thơ đầu được tái hiện vào buổi hoàng hôn.

- Mối liên hệ giữa thời gian và các hình ảnh được miêu tả:

+ Khung cảnh đặc trưng của buổi chiều muộn nơi làng quê: trước thôn, sau thôn “mờ mờ như khói phủ”. “Khói” ở đây có thể là làn sương mỏng nhẹ buông xuống lúc hoàng hôn; cũng có thể là sương pha cùng khói lam chiều toả ra từ những mái rạ trong thôn.

+ Cảnh hoàng hôn mờ ảo, nơi thì nắng nhạt dần, nơi thì nắng đã tắt khiến cho bóng chiều bảng lảng “nửa như có, nửa như không”. Thời gian vô hình đã được “hữu hình hoá” qua sự biến đổi tinh tế của cảnh vật.

Câu 12: Bài thơ “Thiên Trưỡng vãn vọng” tái hiện cảnh vật và cuộc sống con người trong nhiều khoảng không gian. Em hãy chỉ ra những khoảng không gian đó theo trình tự được miêu tả trong bài thơ.

Trả lời:

Những khoảng không gian trong bài bao gồm:

– Không gian trải rộng, từ xa đến gần: nhan đề “vãn vọng” (trông xa), hình ảnh “sau

thôn, trước thôn, từ toàn cảnh đến cận cảnh.

– Không gian trải dài: theo con đường trẻ mục đồng “lùa trâu về hết”.

– Không gian được nối từ cao xuống thấp: theo những đôi cò trắng bay liệng, đậu xuống cánh đồng

Câu 13: Biện pháp tu từ đảo ngữ có những hình thức nào? Lấy ví dụ.

Trả lời:

- Biện pháp tu từ đảo ngữ có hai hình thức cơ bản: đảo các thành tố trong cụm từ và đảo các thành phần trong câu. Tác dụng chính của biện pháp tu từ này là nhấn mạnh nội dung biểu đạt ở từ ngữ được đảo lên trước. Ví dụ:

Tìm nơi thăm thẳm rừng sâu

Bập bùng hoa chuối, trắng màu hoa ban.

+ Thông thường, trong tiếng Việt, tính từ “thăm thẳm” được đặt sau cụm từ “rừng sâu”. Nhưng ở dòng thơ thứ nhất, tính từ “thăm thẳm” đã được đảo vị trí lên trước nhằm nhấn mạnh không gian hoang vắng, nguyên sơ của rừng già.

+ Tương tự, ở dòng thơ thứ hai, có sự thay đổi trật tự cú pháp của hai thành phần trong các vế câu: vị ngữ (“bập bùng, trắng”) được đảo lên trước chủ ngữ (“hoa chuối, hoa ban”). Việc đảo trật tự này có tác dụng làm nổi bật màu đỏ của những bông hoa chuối rừng như ngọn lửa giữa ngàn xanh và không gian tràn ngập sắc trắng của hoa ban.

Câu 14: Chỉ ra câu thơ có sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ trong trường hợp sau:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Trả lời:

Cả hai câu thơ đều sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ.

- Ở câu đầu, “lặn lội” thông thường đặt ở phía sau “thân cò” nhưng trong câu này đã được đảo lên trước.

- Ở câu sau, “eo sèo” thông thường đặt ở phía sau “mặt nước” nhưng trong câu này đã được đảo lên trước.

Câu 15: Xác định và phân tích tác dụng của các từ tượng hình, từ tượng thanh trong đoạn thơ sau:

Năm gian nhà cỏ thấp le te,

Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.

Trả lời:

Đoạn thơ có các từ tượng hình: le te, lập loè, phất phơ, lóng lánh

– Từ “le te” gợi hình ảnh những ngôi nhà tranh thấp, hẹp ở làng quê Việt Nam xưa.

– Từ “lập loè” gợi ánh sáng chợt loé lên, chợt tắt đi của đom đóm; làm nổi bật thêm cái tối của những lối ngõ nhỏ và sự im vắng, tĩnh lặng của đêm khuya.

– Từ “phất phơ” miêu tả sự lay động khẽ khàng của làn khói mỏng trong buổi chiều thu khi tiết trời se lạnh, gợi được cả làn gió nhẹ.

– Từ “lóng lánh” gợi hình ảnh ánh trăng được phản chiếu từ mặt ao thu, khi làn nước trong trẻo xao động.

Đoạn thơ không có từ tượng thanh.

Câu 16: Chỉ ra đặc điểm thi luật (bố cục) của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện trong bài thơ “Thu điếu”.

Trả lời:

Theo bố cục đề/thực/luận/kết:

- Phần đề (2 câu đầu): Triển khai được nội dung miêu tả bức tranh mùa thu khi đi câu cá

- Phần thực (câu 3 và câu 4): Làm rõ cảnh sắc mùa thu

- Phần luận (câu 5 và câu 6): Tiếp tục làm rõ thêm về không gian, cảnh vật mùa thu

- Phần kết (2 câu cuối): Kết lại việc đi câu cá trong mùa thu

Với bài thơ này ta có thể chia theo mô hình 6/2:

- Sáu câu đầu: hình tượng thiên nhiên

- Hai câu cuối: hình tượng con người

Câu 17: Giải thích ý nghĩa của nhan đề bài thơ “Thu điếu”. Chỉ ra mối liên hệ giữa nhan đề và hai câu đề.

Trả lời:

- Nhan đề có ý nghĩa là tác giả đi câu cá vào mùa thu.

- Nhan đề “Mùa thu câu cá” có mối liên hệ trực tiếp với nội dung của hai câu đề: không gian ao thu với mặt nước êm đềm và chiếc thuyền câu bé nhỏ.

Câu 18: Phân tích các từ ngữ miêu tả hình dáng, màu sắc, âm thanh, chuyển động,… của các sự vật trong bài thơ “Thu điếu”; từ đó hãy khái quát những nét đẹp điển hình của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ được tái hiện trong bài thơ.

Trả lời:

Phân tích các từ ngữ miêu tả sự vật:

- Ao thu: “lạnh lẽo, trong veo” – gợi tiết trời se lạnh, mặt nước phẳng lặng, làn nước trong suốt, như có thể nhìn thấu đáy; thuyền câu: “bé tẻo teo” – từ láy tượng hình, nhấn mạnh sự bé nhỏ của con thuyền chỉ như chiếc lá đậu trên mặt ao thu. Không gian của ao thu và hình dáng thuyền câu toát lên nét hài hoà, xinh xắn.

- Bầu trời: màu “xanh ngắt” đặc trưng của trời thu đất Bắc, gợi nền trời cao, rộng và không gian trong trẻo của một ngày thu nắng đẹp; “tầng mây lơ lửng” tạo hình khối, toát lên vẻ bình yên, thanh tĩnh. Màu xanh của trời thu (“xanh ngắt”), của mặt nước mùa thu (“sóng biếc”), màu vàng điểm xuyết của lá thu (“lá vàng”),... mang lại ấn tượng về một bức tranh thiên nhiên tươi sáng.

- Ngõ trúc: lối ngõ nhỏ, quanh co – không gian quen thuộc của làng quê Bắc Bộ, gợi khung cảnh im vắng, tĩnh lặng.

- Chuyển động của các sự vật đều nhẹ, khẽ khàng: sóng lăn tăn “hơi gợn tí” theo làn gió nhẹ; lá “khẽ đưa vèo” – rơi rất nhẹ và rất nhanh; những đám mây lơ lửng như không trôi.

- Âm thanh: tiếng cá “đớp động dưới chân bèo” đâu đó trên mặt ao thu.

è Khái quát những nét đẹp điển hình của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ: không khí mát lành; trời thu trong xanh, cao rộng; không gian êm đềm, thanh tĩnh; cảnh sắc hài hoà, giàu chất thơ,...

Câu 19: Câu kết trong bài thơ tứ tuyệt Đường luật thường để lại dư âm. Hãy cho biết câu kết trong bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” có thể gợi cho em những cảm xúc, suy nghĩ gì?

Trả lời:

Câu kết của bài thơ gợi cho em cảm nhận về:

– Vẻ đẹp của cuộc sống thanh bình: Câu thơ gợi khung cảnh đồng quê bình yên, mở ra liên tưởng về những vụ mùa no ấm, về sự sống sinh sôi nảy nở, nhịp sống bình yên quý giá sau những năm tháng chiến tranh chống quân Nguyên xâm lược.

– Vẻ đẹp của tâm hồn tác giả được thể hiện qua tình yêu thương bao trùm vạn vật; thái độ nâng niu, trân trọng vẻ đẹp bình dị của đời thường; niềm hạnh phúc trước cuộc sống thanh bình của nhân dân, đất nước,...

 

Câu 20: Viết một đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày cảm nhận của em về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong bài thơ “Thiên trường vãn vọng”.

Trả lời:

Hãy dựa vào những kiến thức em đã được học và nêu cảm nhận theo sự mường tượng và suy nghĩ của bản thân.

Đoạn văn gợi ý:

          Câu thơ thứ ba của bài thơ đã phát triển thêm ý thơ được nêu ra ở hai câu đầu bằng việc miêu tả hình ảnh hoạt động của con người và bổ sung vào đó âm thanh.

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Hình ảnh hiện ra trong câu thơ là hình ảnh những cậu bé trên lưng trâu thổi sáo lùa trâu về làng. Hình ảnh này không gợi lên sự nhộn nhịp, tưng bừng, cũng không gợi ra sự trầm lắng, buồn sầu mà dung hoà giữa hai trạng thái đó, hoà cùng vào khung cảnh chung của bài thơ. Việc chọn lựa con người để miêu tả là mục đồng cho chúng ta thấy được sự gắn bó với công việc đồng áng ngay từ khi còn nhỏ của người xưa. Mục đồng cưỡi trâu là một hình ảnh quen thuộc, mang tính dân dã, làng quê. Tiếng sáo ngân lên giúp cho bức tranh trở nên chân thật, sống động hơn, thoát khỏi cái cảm tưởng về một không gian trầm lặng, u sầu. Nói chung, việc chọn lựa hình ảnh mang tính tiêu biểu của tác giả đã góp phần tái hiện một cuộc sống nhẹ nhàng, bình yên.

Câu 21: Hãy nêu những hiểu biết của em về xứ Huế như: vị trí địa lí, đặc điểm lịch sử, danh lam thắng cảnh, sản phẩm vật chất và sản phẩm văn hoá – tinh thần,… Theo em, nhắc đến Huế, người ta thường nhắc tới những gì tiêu biểu nhất?

Trả lời:

– Những hiểu biết của em về xứ Huế: Câu trả lời tuỳ theo sự hiểu biết của mỗi em. Tuy vậy có thể nêu lên một số điểm theo yêu cầu của bài tập như:

+ Về vị trí địa lí: Huế thuộc miền Trung của Việt Nam, phía nam giáp Đà Nẵng, phía bắc giáp Quảng Trị.

+ Về đặc điểm lịch sử: Huế (Phú Xuân) từng là kinh đô của nhà Nguyễn hơn một trăm năm (từ năm 1802 đến năm 1945).

+ Về danh lam thắng cảnh: Huế có sông Hương, núi Ngự; Huế có nhiều di tích lịch sử: thành nội, lăng tẩm của các triều vua nhà Nguyễn, các đền đài, chùa chiền, trong đó có chùa Thiên Mụ nổi tiếng.

+ Về sản phẩm vật chất và sản phẩm văn hoá – tinh thần: có nhiều món ăn, nhiều thứ bánh kẹo mang màu sắc Huế (như mè xửng,...), có nón bài thơ, có nhiều điệu hò, làn điệu dân ca nổi tiếng.

– Theo em, nhắc đến Huế, người ta thường nhắc tới những gì tiêu biểu nhất?

+ Điều này cũng tuỳ thuộc từng phương diện, mỗi phương diện có những nét tiêu biểu riêng. Tuy vậy, nhắc đến Huế người ta thường nhắc tới sông Hương, núi Ngự, đến chùa Thiên Mụ, đến Phu Văn Lâu và các điệu hò, ca Huế thể hiện rõ nét tâm hồn của con người xứ Huế.

Câu 22: Qua văn bản “Ca Huế trên sông Hương” Nêu khái niệm / viết câu giới thiệu ngắn gọn cho những từ sau: hoài vọng, lữ khách, cặp sanh, nhã nhạc, nhạc thính phòng, thanh nhạc, khí nhạc.

Trả lời:

- Hoài vọng: tâm trạng mong chờ tha thiết một điều gì đó cao xa, khó đạt được.

- Lữ khách: người đi đường xa.

- Cặp sanh: nhạc khí cổ làm bằng hai thỏi gỗ cứng có đính cọc tiền đồng dùng để điểm nhịp.

- Nhã nhạc: nhạc dùng trong các buổi lễ trang nghiêm, nơi tôn miếu, triều đình thời phong kiến.

- Nhạc thính phòng: nhạc thường do một người hay một nhóm ít người biểu diễn trong phòng khách hoặc phòng hoà nhạc nhỏ.

- Thanh nhạc: âm nhạc biểu diễn bằng giọng hát

- Khí nhạc: âm nhạc do nhạc khí phát ra.

Câu 23: Nêu chủ đề của bài thơ “Thu điếu”. Chủ đề ấy giúp em hiểu thêm điều gì về tâm hồn tác giả?

Trả lời:

- Chủ đề: Bài thơ “Thu điếu” thể hiện sự cảm nhận tinh tế vẻ đẹp của mùa thu đất Bắc và tình cảm gắn bó thiết tha với quê hương của tác giả; qua đó bày tỏ niềm ưu tư trước thời cuộc.

- Cảm nhận về tâm hồn tác giả: Tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, chan hoà với thiên nhiên; yêu mến và trân trọng cuộc sống bình yên nơi làng quê; tâm sự sâu kín của một con người dẫu tìm về cuộc sống ẩn dật vẫn không nguôi nỗi buồn thời thế,…

Câu 24: Tìm hiểu cách tác giả triển khai ý thơ đã được báo hiệu ở nhan đề “Thu điếu”.

Trả lời:

- Bài thơ đã đảm bảo được tính nhất quán, từ nhan đề đến mọi chi tiết miêu tả đều trực tiếp hay gián tiếp làm rõ hai từ “Thu điếu” (nghĩa là “Câu cá mùa thu”). Mới chỉ đọc hai câu 1 – 2 (thừa đề và phá đề), ta đã thấy ngay cái cảnh được báo hiệu từ tên gọi tác phẩm: có “ao”, có “thu” (hợp lại thành “ao thu”), có nước trong veo, có chiếc thuyền câu nhỏ. Đúng là bài thơ nói chuyện “Câu cá mùa thu”, tuy câu cá chỉ là hình thức bề ngoài. Các câu tiếp theo của bài đều được tổ chức xoay xung quanh "trục" này, dù có lúc người đọc có cảm tưởng tác giả nhấn mạnh vào yếu tố “thu” hơn yếu tố “câu cá”. Cảnh thu đã được nhìn từ con mắt của một người ngồi câu trong ao. Thực ra, những điều vừa nói đều thuộc vấn đề kĩ thuật làm thơ mà một người có kinh nghiệm sáng tác và có vốn quan sát phong phú dễ dàng vượt qua, chưa nói gì đến bậc thầy Nguyễn Khuyến.

- “Thu điếu” là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật thuộc “thể bằng”, do tiếng thứ hai ở câu mở đầu mang thanh bằng (“thu”). Theo mô hình chuẩn về thanh điệu, chỉ có ba tiếng trong bài rơi vào biệt lệ “nhất tam ngũ bất luận” là “lá” ở câu 4, “lơ” ở câu 5 và “cá” ở câu 8. Dĩ nhiên, đây là điều được phép. Các phương diện khác như niêm, đối được tuân thủ nghiêm chỉnh.

Câu 25: Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

  1. Chỉ ra các câu thơ sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ trong đoạn thơ.
  2. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ tìm được ở ý a. (nếu có).

Trả lời:

  1. a) Cả hai câu thơ đều sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ.
  2. b) Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ trong từng câu thơ:

+ Câu 3, 4: từ “nhớ nước”, “đau lòng”, “thương nhà, “mỏi miệng” được đảo vị trí, có tác dụng thể hiện nỗi niềm hoài cổ – nhớ tiếc quá khứ vàng son đã trôi qua và tâm trạng hoài hương – nhớ gia đình, quê hương.

Câu 26: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ trong đoạn thơ sau:

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Trả lời:

Các từ “ồn ào”, “tấp nập” được đảo vị trí có tác dụng nhấn mạnh không khí đông vui, nhịp sống sôi động nơi làng chài khi đón những con thuyền đầy ắp cá, bình yên trở về sau chuyến ra khơi.

Câu 27: Chỉ ra biện pháp tu từ đảo ngữ trong trường hợp dưới đây. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

“Chúng nó đã giở ra với chị biết bao là trò mua vui. Nào nhảy nô, nào hú tim, nào đánh rồng rắn. Những cuộc vui ấy chị còn nhớ rành rành.”

Trả lời:

- Biện pháp tu từ đảo ngữ được sử dụng ở câu thứ 3: “những cuộc vui ấy” được đảo lên trước.

- Tác dụng: Liên kết chặt chẽ câu thứ 3 với các câu trước đó. “Những cuộc vui ấy” chỉ “nhảy nô, hú tim,…”

Câu 28: Hãy làm một đoạn văn / đoạn thơ có sử dụng từ tượng hình, từ tượng thanh.

Trả lời:

Đoạn văn gợi ý: Trên con đường gập ghềnh và khúc khuỷu hướng vào thôn Đoài, sự vất vả hiện rõ trên khuôn mặt của anh ấy dưới tiết trời nắng gay gắt của một ngày hè điển hình của vùng đất phía Nam. Bỗng từ đâu chẳng biết, những cơn gió lộng ào ào thổi tới. Bầu không khí vì thế dễ chịu hơn hẳn. Nhưng đó chỉ là sự bắt đầu cho một cơn thịnh nộ của đất trời. Mây đen giăng kín trời, tiếng sấm ầm ầm, chớp giật loé sáng khắp trời, cây cối ngả nghiêng theo cơn cuồng phong dữ dội, mọi thứ tung bay mù mịt. Thật khó để mường tượng cảm giác của anh chàng đó lúc này!

Câu 29: Sau khi hiểu được giá trị của bài thơ “Thiên Trường vãn vọng”, em có thêm suy nghĩ gì khi nhớ rằng tác giả là một ông vua chứ không phải là một người dân quê? Từ đó, em có thể nói gì nữa về thời nhà Trần trong lịch sử nước ta?

Trả lời:

- Gợi ý trả lời câu hỏi thứ nhất: Vì trong thực tế, không ít người đã từng nghĩ rằng vua ở lầu son, gác tía thì không thể có tình cảm gắn bó với đồng quê như thế.

- Gợi ý trả lời câu hỏi thứ hai: Một ông vua có tâm hồn cao đẹp như thế chứng tỏ thời đại đó, dân tộc ta, nhân dân ta sống rất cao đẹp, đúng như sử sách đã từng ca ngợi.

Hãy phát triển thêm dựa theo hai gợi ý này.

Câu 30: Sau khi đọc bài “Ca Huế trên sông Hương”, em biết thêm gì về vùng đất kinh thành này?

Trả lời:

Câu hỏi này dựa vào những gì em đã thu nhận được từ văn bản này và hiểu biết vốn có của em về Huế.

Dưới đây là một gợi ý.

Qua bài đọc em biết thêm một số thứ như:

- Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của cố đô Huế. Ca Huế rất đa dạng và phong phú, thể hiện đặc trưng văn hoá tinh thần nơi đây.

- Cuộc sống của người xưa nơi đây rất nhộn nhịp.

- Những thứ liên quan đến cuộc sống vua chúa thời nhà Nguyễn

- Những yếu tố về vật chất liên quan đến văn hoá nơi đây.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay