Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối Ôn tập Bài 5: Những câu chuyện hài (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 5: Những câu chuyện hài (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 5. NHỮNG CÂU CHUYỆN HÀI (PHẦN 1)

Câu 1: Tìm các câu hỏi tu từ trong đoạn trích vở kịch Trưởng giả học làm sang. Giải thích vì sao đó là những câu hỏi tu từ. 

Trả lời:

Các câu hỏi tu từ: Đâu có là thế nào? Thế này là thế nào? Lại còn phải bảo cái đó à? Những người quý phái mặc ngược hoa à? Bác cho rằng tôi mặc thế này có vừa sát không? Thế nào? 

Những câu trên là câu hỏi tu từ bởi:

  • Có đầy đủ hình thức của một câu nghi vấn và luôn có dấu chấm hỏi để kết thúc một câu
  • Câu hỏi tu từ được sử dụng nhằm khẳng định, hoặc nhấn mạnh nội dung, ý nghĩa nào đó mà người nói hoặc người viết muốn biểu đạt đến người khác
  • Thông tin được truyền đạt phải dễ hiểu, dễ tiếp thu đối với người đọc, người nghe
  • Thông tin luôn mang ý nghĩa tượng trưng cho một vấn đề nào đó
  • Được dùng theo cách nói ẩn dụ, nhằm thể hiện sắc thái biểu đạt
  • Có thể mang hàm ý phủ định với nội dung được người nói, người viết nhắc đến trong câu

Câu 2: Câu hỏi tu từ là gì? Tác dụng của câu hỏi tu từ là gì?

Trả lời:

- Câu hỏi tu từ là câu hỏi không dùng để hỏi mà để khẳng định, phủ định, bộc lộ cảm xúc,... Khác với câu hỏi thông thường, câu hỏi tu từ được sử dụng nhằm đạt một số hiệu quả giao tiếp như tăng sắc thái biểu cảm, biểu đạt ý nghĩa một cách tế nhị, uyển chuyển.

- Trong giao tiếp, câu hỏi tu từ nhằm thu hút sự quan tâm của người nghe, làm cho lời nói thêm uyển chuyển, giàu sắc thái biểu cảm.

- Câu hỏi tu từ được dùng trong văn học nhằm làm tăng sắc thái biểu cảm, gợi ra nhiều ý nghĩa, tạo hiệu quả thẩm mĩ cho văn bản.

Câu 3: Chức năng của nghĩa hàm ẩn là gì? Lấy ví dụ.

Trả lời:

Chức năng của nghĩa hàm ẩn:

- Giúp chuyển tải nhiều điều ý nhị, kín đáo, sâu xa,…

- Làm cho giao tiếp ngôn từ được uyển chuyển, phong phú, thú vị

- Trong văn học, các nội dung, thông điệp mà tác giả muốn chuyển tải thường được thể hiện dưới hình thức nghĩa hàm ẩn.

Ví dụ:

Chuột chù chê khỉ rằng hôi

Khỉ mới trả lời: Cả họ mày thơm.

Chuột chù và khỉ đều là các loài có mùi hôi. Nhưng chuột chù lại chê khỉ trong khi chính mình cũng hội. Nghĩa tường minh trong câu trả lời của khỉ là lời khen, nghĩa hàm ẩn thể hiện sự mỉa mai chuột chù. Câu ca dao có hàm ý phê phán những người không tự biết cái xấu của mình mà còn đi chê bai người khác.

Câu 4: Xem lại văn bản “Chùm ca dao trào phúng”. Theo em, qua câu ca dao “Cưới em ba chum mật ong / Mười thúng mỡ muỗi ba nong quýt đầy…”, anh học trò thực sự muốn nói điều gì?

Trả lời:

- Điều anh học trò thực sự muốn nói là anh không thể đáp ứng được yêu cầu thách cưới của nhà em.

Câu 5: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về truyện cười (khái niệm, đặc điểm,…)

Trả lời:

- Truyện cười là một thể loại tự sự có dung lượng nhỏ, dùng tiếng cười nhằm chế giễu những thói hư tật xấu, những điều trái tự nhiên, trái thuần phong mĩ tục của con người và còn nhằm mục đích giải trí.

- Đặc điểm:

+ Truyện cười thường ngắn, cốt truyện tập trung vào sự việc có yếu tố gây cười, tình huống trớ trêu, những nghịch lí trong đời sống,...

+ Bối cảnh được xây dựng trong truyện cười thường bị cường điệu so với thực tế, có yếu tố bất ngờ.

+ Nhân vật chính trong truyện cười thường là đối tượng bị chế giễu.

+ Ngôn ngữ truyện cười dân dã, nhiều ẩn ý.

+ Truyện cười thường là truyện dân gian, tuy nhiên cũng có cả ở hình thức truyện kể của văn học viết.

Câu 6: Nhà hàng bán cá trong truyện “Treo biển” đã hành động như thế nào trước những lời nhận xét của mọi người? Nếu là chủ của nhà hàng thì em sẽ làm gì trước những lời nhận xét đó?

Trả lời:

- Nhà bán cá lần lượt bỏ đi những từ ngữ trên tấm biển hiệu của mình mỗi khi có người nhận xét:

+ Khi có người cho rằng “Nhà này xưa nay quen bán cá ươn hay sao mà bây giờ lại phải đề biển là “cá tươi”?” thì nhà hàng bỏ ngay chữ “tươi” đi.

+ Khi có người cho rằng “Chẳng lẽ người ta đến hàng hoa mua cá hay sao mà phải đề là “ở đây”? thì nhà hàng bỏ ngay chữ “ở đây” đi.

Cứ như vậy, với những câu hỏi kiểu “chẳng lẽ … hay sao …”, nhà hàng không cần suy xét ý kiến của mọi người để rồi đi đến cuối là bỏ cả cái biển đi.

- Nếu em là chủ nhà hàng thì trước những lời nhận xét đó em sẽ giải thích cho họ hiểu là cần phải đề như thế và em sẽ giữ nguyên tấm biển.

 

Câu 7: Bài ca dao số 1 trong “Chùm ca dao trào phúng” nói về hoạt động nào của con người? Em căn cứ vào đâu để nhận biết điều đó?

Trả lời:

- Bài ca dao số 1 nói về chuyện bói toán, mê tín dị đoan. Căn cứ:

+ Chập chập, cheng cheng: tiếng kêu phát ra lúc thầy bói dùng các dụng cụ bói toán của mình.

+ Con gà nuôi để dành cho thầy, bát xôi phải đầy: hàm ý chỉ yêu cầu của những tay thầy bói dởm, luôn đòi hỏi người xem bói kiểu “tiền càng nhiều thì quẻ càng linh”.

Câu 8: Ở bài ca dao số 3 trong “Chùm ca dao trào phúng”, anh học trò đem bán những thứ gì để có tiền dẫn cưới? Hãy nhận xét về đồ dẫn cưới của anh học trò nghèo. Có thể có những điều này trong thực tế không?

Trả lời:

- Anh học trò bán bể bán sông.

- Đồ dẫn cưới của anh học trò gồm: trăm tám ông sao, trăm tấm lụa đào, mươi cót trầu cau, một trăm con trâu, một nghìn con lợn, tám nghìn bồ câu, tám vạn quan tiền, một chĩnh vàng hoa, mười chum vàng cốm, trăm nong bạc, ba chum mật ong, mười thúng mỡ muỗi, ba nong quýt dầy.

è Những điều này có trong thực tế nhưng hoàn toàn vượt quá mọi khả năng của anh học trò.

Câu 9: Hãy xác định nội dung và ngụ ý của bài ca dao số 2 trong “Chùm ca dao trào phúng”.

Trả lời:

- Ta có thể dễ dàng nhận ra nội dung của bài ca dao là dựa vào mối quan hệ giữa mèo và chuột và ngụ ý là nói về con người tuy nhiên xoay quanh bài ca dao này có nhiều ý kiến về ngụ ý của nó. Vì thế, em hãy suy đoán và đưa ra quan điểm cá nhân của mình.

- Có thể tham khảo bài viết sau:

Hai nhân vật cũng được xác định rõ và nhắc đi nhắc lại trong bài ca dao, với từ xưng hô phân biệt: chú chuột và con mèo. Tuy chỉ gồm 4 câu ngắn gọn, cô đúc bài đồng dao đã gây băn khoăn, thắc mắc cho người đọc từ bao đời nay.

Chúng ta đều biết, mèo là một trong những con vật nuôi gần gũi, thân thiết của con người. Mèo còn giúp con người bắt chuột, hạn chế những thiệt hại do lũ chuột gây ra. Còn chuột, ai cũng biết, là loài phá hoại, đáng ghét.

Trong đời sống mèo là kẻ thù truyền kiếp, không đội trời chung với chuột, có tập tính bắt chuột để ăn thịt. Quan hệ giữa chúng là mối quan hệ loại trừ.

Khá nhiều băn khoăn nảy sinh trong bao thế hệ người đọc khi tiếp xúc với bài đồng dao, như: Chuột có làm tổ trên cây cau? Mèo có ăn mắm muối? Nhân vật nào hỏi và trả lời? Và băn khoăn bao trùm nhất chính là ý nghĩa của bài đồng dao là gì?

Có ý kiến cho rằng: Bài đồng dao phản ánh sự giả tạo của con mèo và sự khôn ngoan của chú chuột. Ý hàm ngôn là trong xã hội còn kẻ mạnh ức hiếp người yếu và kẻ mạnh thường nguỵ trang tinh vi bằng bộ mặt giả nhân giả nghĩa. Bài ca dao toát lên một tiếng kêu công lý, một tiếng cười thông minh, sắc sảo như một màn kịch ngắn hấp dẫn và thú vị, kết thúc bằng câu chửi gằn giọng độc địa của chú chuột “cha con mèo”!

Ý kiến khác lại cho rằng: Chú chuột đã “chơi khăm” con mèo thông qua sự việc “giỗ cha con mèo” bằng mắm với muối, thực chất là nhằm nguyền rủa dòng họ nhà mèo. Cách dùng từ “hỏi thăm”, “chú chuột” nói lên sự dối trá, tinh quái của mèo. Nhưng chú chuột tinh khôn, láu lỉnh không dễ bị đánh lừa, lại nói kháy mèo cho bõ ghét, cho hả giận. “Đi chợ đàng xa”, nghĩa là chuột muốn nói với mèo rằng mình đã cao chạy xa bay rồi, không tóm được đâu. Mèo tinh quái nhưng chuột còn tinh ranh hơn. Kết cuộc là cảnh chú chuột nhỏ bé tinh khôn đã thắng lão mèo to xác hung dữ - một kết thúc có hậu.

Thêm một góc nhìn khác: Chẳng hề có chuyện mèo chuột ở đây, mà chính là chuyện con người. Bài đồng dao mách nước cho kẻ yếu cách ứng xử với kẻ mạnh; chuột khôn khéo, mềm mỏng đáp lại sự “ân cần hỏi han” của mèo để cầu sự bình an theo phương châm “Mạnh dùng sức, yếu dùng chước”.

Nhà sưu tập từng trải N.U ở Thành phố Hồ Chí Minh qua trao đổi ý kiến với chúng tôi thì lại quả quyết rằng: “Ý nghĩa bài đồng dao tương tự như bức tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột”, chúng đều là kiệt tác nghệ thuật dân gian, nhằm phản ánh hiện thực xã hội đương thời; qua đó phê phán nạn vòi vĩnh, hối lộ, tham nhũng... Những giá trị văn hóa ấy có ý nghĩa trường tồn”.

Câu 10: Ông Jourdain trong “Trưởng giả học làm sang” đặt làm trang phục với mong muốn gì? Hãy chỉ ra nét tính cách nổi bật ở nhân vật và giải thích vì sao ông dễ dàng bị những người thợ may lừa mị, lợi dụng và trở thành đáng cười trong mắt người hầu.

Trả lời:

Ông Jourdain đặt trang phục với mong muốn là để mình trông như một quý tộc, một người cao sang.

Nét tính cách nổi bật của ông Jourdain là thói học đòi, ham hư danh, giàu có nhưng ngu dốt và thích được nịnh nọt:

- Thói ham danh vọng hão huyền là lí do ông đặt may bộ lễ phục theo lối quý tộc, một thứ không thuộc về mình. Khi mặc xong, ông còn muốn thể hiện ra cho mọi người trông thấy: “Chúng bay hãy đi theo tao, để tao đi phố chưng diện bộ áo của tao một tí; cần nhất là hai đứa bay phải đi bám gót tao, cho thiên hạ thấy rõ chúng bay là quân hầu của tao đấy nhé”.

- Sự ngu dốt, kém hiểu biết đã khiến ông dễ dàng bị lừa: Điều này được thể hiện trong suốt văn bản:

+ Khi ông chỉ trích phó may đến muộn, ông đã bị phó may lừa là “tôi đã cho hai chú thợ bạn xúm lại chiếc áo của ngài đấy”.

+ Khi ông chê đôi tất lụa quá chật, phó may lại bào chữa “rồi nó giãn ra, lo lại không rộng quá ấy chứ”.

+ Khi ông nói đôi giày làm đau chân, phó may phủ nhận ngay và còn đổ lỗi ngược cho ông Jourdain là do ông tưởng tượng ra.

+ Bộ áo lễ phục được may không phải là màu đen nhưng bằng cách nói dối, phó may đã khiến ông Jourdain nghĩ thế mới là “kì công tuyệt tác”.

+ Ở chi tiết hoa áo may ngược, ông đã nhận ra là như thế không hợp lí nhưng vì không biết gì nên đã bị phó may lừa rằng người quý phái đều mặc như thế. Điểm thú vị trong đoạn kịch này là khi lừa được ông Jourdain, phó may lại đưa ra một lời nghị càng khiến cho ông tin là thật: “Nếu ngài muốn, thì sẽ xoay hoa xuôi lại thôi mà.”

+ Khi ông Jourdain không biết là mặc thế này có vừa sát không, phó may đã lừa ông bằng cách chứng minh như thế mới thật hay: “Tôi thách một hoạ sĩ lấy bút … anh hùng của thời đại”.

+ Ở chi tiết mặc áo, đúng ra chỉ cần mặc vào như bình thường là được nhưng đằng đây phó may do biết ông Jourdain thích nịnh nọt, ngu dốt nên đã bày ra trò mặc lễ phục quý tộc là phải có nghi lễ. Chỉ cần vài lời xưng hô giả tạo “ngài quý tộc”, “tướng công”, “đại nhân”, “Người”, đám thợ bạn đã kiếm được bộn tiền.

+ Khi gặp Nicole, vì vẫn nghĩ thế là hay, ông đã bị người hầu của mình cười vào thẳng mặt mà dù có doạ nạt thế nào cũng không ngăn nó lại được.

Câu 11: Xoay quanh sự việc mặc trang phục của ông Jourdain, em hãy chỉ ra những nét tương phản trong hành động của ông Jourdain và các nhân vật.

Trả lời:

- Chú thợ bạn quả là có cái mũi rất tinh, đánh hơi được miếng mồi béo bở: kẻ thích nịnh có cả một túi tiền to. Túi tiền ấy kích thích chú nghĩ ra cách khéo léo moi tiền của ông Jourdain. Chú tinh khôn leo thang từng nấc một, biết kiềm chế để cho kẻ hám danh kia có thời gian tận hưởng sung sướng, vì cứ sướng là lão lại thưởng tiền. Ông Jourdain không tiếc tiền vì đang khao khát danh vọng và dù có biết tỏng sự tôn vinh ấy là giả tạo đi chăng nữa thì lão vẫn cứ thích mê. Danh vọng ảo nhưng tiền bỏ ra mua lại là tiền thật. Chú thợ bạn chỉ cần tiền nên chẳng tội gì mà ngưng nịnh hót.

Câu 12: Xác định mục đích của các câu hỏi trong những ví dụ dưới đây. Từ đó cho biết câu hỏi nào là câu hỏi tu từ?

  1. – Có đi xem phim với tớ không?

– Cậu không thấy tớ còn nhiều bài tập thể này à?

  1. Mẹ ơi, trên mây có người gọi con:

“Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”.

Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?"

Họ đáp: "Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây".

“Mẹ mình đang đợi ở nhà" – con bảo – “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?".

Trả lời:

  1. a) Câu thứ nhất là câu có mục đích hỏi. Câu thứ hai có hình thức là câu hỏi nhưng lại biểu thị sự từ chối (không đi xem phim được). Vậy câu thứ hai là câu hỏi tu từ.
  2. b) Câu “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?" là câu có mục đích hỏi. Câu “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?" dùng hình thức câu hỏi nhưng là để khẳng định (không thể đi chơi ở những nơi kì thú, xa xôi). Vậy câu “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?" là câu hỏi tu từ.

 

Câu 13: Chỉ ra một số câu hỏi tu từ trong đoạn trích vở kịch “Trưởng giả học làm sang”. Giải thích vì sao đó là những câu hỏi tu từ.

Trả lời:

Một số câu hỏi tu từ trong đoạn trích là:

- “Thế này là thế nào?”: Câu này nhằm mục đích là thể hiện sự khó chịu, chướng mắt của ông Jourdain khi thấy hoa áo bị may ngược.

- “Lại còn phải bảo cái đó à?”: Câu này nhằm mục đích là chê trách, không đồng tình của ông Jourdain với cách làm của phó máy.

- “Mày không thôi đi phỏng?”: Câu này nhằm mục đích là bắt con người hầu không cười nữa.

- “Con ranh con, lạ chưa kìa?”: Câu này nhằm mục đích là thể hiện sự khó hiểu của ông Jourdain trước hành động cười của con người hầu.

Câu 14: Chuyển đổi các câu sau đây sang hình thức câu hỏi tu từ:

  1. Tôi không làm sao đến sớm hơn được, ấy là tôi đã cho hai chục chú thợ bạn xúm lại chiếc áo của ngài đấy.
  2. Hãy thong thả, chú mình.

Trả lời:

  1. a) Làm sao tôi có thể đến sớm hơn được khi mà tôi phải cho hai chục chú thợ bạn xúm lại chiếc áo của ngài?
  2. b) Chú mình việc gì phải vội cơ chứ?

Câu 15: Những câu kết thúc bằng dấu chấm hỏi trong đoạn văn dưới đây có phải câu hỏi tu từ không? Vì sao?

Ơi ơi người em gái xoã tóc bên cửa sổ! Em yêu mùa xuân có phải vì nghe thấy rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chồi mận ở ngoài vườn? Chàng trai kia yêu mùa xuân, phải chăng là tại lúc đôi mùa giao tiễn nhau, chàng tưởng như nghe thấy đổi núi chuyển mình, sông hồ rung động trong cuộc đổi thay thường xuyên của cuộc đời? Mà người thiếu phụ nọ ở chân trời góc biển yêu mùa xuân có phải là vì đấy là mùa xanh lên hi vọng được trở về nơi bến đợi sông chờ để ngâm lại khúc bạc đầu với người ra đi chưa biết ngày nào trở lại?

Trả lời:

- Những câu kết thúc bằng dấu chấm hỏi trong đoạn văn là những câu hỏi tu từ. Vì chúng không phải là những câu hỏi trả lời có/không thông thường mà trong văn bản này, chúng có tác dụng thể hiện cảm xúc, tâm trạng của nhân vật. Trong trường hợp này những câu hỏi có thể là thể hiện tâm trạng buồn, nhung nhớ, chờ đợi.

Câu 16: Đọc những đoạn trích sau và trả lời câu hỏi.

  1. a) Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết... Một người như thế ấy!... Một người đã khóc vì trót lừa một con chó!... Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma, bởi không muốn liên luỵ đến hàng xóm, láng giềng... Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn...

b)

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

− Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

  1. c) Mỗi chiếc lá rụng là một cái biểu hiện cho một cảnh biệt li. Vậy thì sự biệt li không chỉ có một nghĩa buồn rầu, khổ sở. Sao ta không ngắm sự biệt li theo tâm hồn một chiếc lá nhẹ nhàng rơi?
  2. d) Vâng, thử tưởng tượng một quả bong bóng không bao giờ vỡ, không thể bay mất, nó cứ còn mãi như một vật lì lợm... Ôi, nếu thế thì còn đâu là quả bóng bay?

Câu hỏi:

– Trong những đoạn trích trên, câu nào là câu nghi vấn?

– Những câu nghi vấn đó được dùng để làm gì?

Trả lời:

Có những câu nghi vấn sau:

  1. a) “Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư?”
  2. b) Tất cả ngoại trừ câu “Than ôi!” không phải là câu nghi vấn.
  3. c) “Sao ta không ngắm sự biệt li theo tâm hồn một chiếc lá nhẹ nhàng rơi?”
  4. d) “Ôi, nếu thế thì còn đâu là quả bóng bay?”

- Mục đích, chức năng của các câu nghi vấn trên:

+ Trong (a): bộc lộ tình cảm, cảm xúc (sự ngạc nhiên).

+ Trong (b): phủ định; bộc lộ tình cảm, cảm xúc.

+ Trong (c): cầu khiến; bộc lộ tình cảm, cảm xúc.

+ Trong (d): phủ định; bộc lộ tình cảm, cảm xúc.

Lưu ý: Trong câu (d) có cả đặc điểm hình thức của câu cảm thán (từ “ôi”), nhưng đó vẫn là câu nghi vấn. Tuy nhiên, dù có xếp câu này vào kiểu nào đi nữa thì chức năng của nó cũng không thay đổi: dùng để thể hiện ý phủ định và bộc lộ tình cảm, cảm xúc.

Câu 17: Có những nghĩa hàm ẩn không tuỳ thuộc vào ngữ cảnh. Hãy lấy ví dụ chứng minh.

Trả lời:

Ví dụ: Nó lại đi Đà Lạt.

- Câu này cho biết một người nào đó đi Đà Lạt, và nhờ từ “lại” mà ta có thể suy ra trước đó người này đã từng đi Đà Lạt. Nghĩa hàm ẩn này được suy ra từ nghĩa của từ ngữ ở trong câu, chứ không tuỳ thuộc vào ngữ cảnh.

Câu 18: Để sử dụng hàm ý, cần có điều kiện gì?

Trả lời:

Để sử dụng hàm ý, cần có hai điều kiện sau đây:

- Người nói (người viết) có ý thức đưa hàm ý vào câu nói.

- Người nghe (người đọc) có năng lực giải đoán hàm ý.

Câu 19: Phân tích bài ca dao số 1 trong “Chùm ca dao trào phúng” (nội dung, biện pháp nghệ thuật,…)

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

- “Chập chập, cheng cheng, con gà, đĩa xôi”: những hình ảnh, âm thanh đặc trưng về những tên thầy bói dởm chuyên đi lừa người. Với 4 câu thơ, người xưa đã chọn được những hình ảnh điển hình để chế giễu loại người này.

- Con gà to để riêng cho thầy, đơm xôi thì phải đơm cho đầy: dấu hiệu điển hình của những kẻ hành nghề mê tín dị đoan: tiền càng nhiều thì quẻ càng linh ứng, tiền mà nhiều nữa thì có thể thay đổi cả vận mệnh.

- “rồi lại”, “để riêng”, “đầy … vơi … không ưa”: chế giễu, mỉa mai cách làm việc của thầy.

- Nghệ thuật: khắc hoạ nhân vật bằng những nét điển hình với những chi tiết có giá trị khái quát cao, dùng ngôn ngữ đời thường mà hàm chứa ý nghĩa sâu sắc.

- Em có thể đưa thêm lí do tại sao người ta dễ tin vào chuyện bói toán hay đề cập đến hiện trạng của nghề bói toán hiện nay.

Câu 20: Phân tích bài ca dao số 2 trong “Chùm ca dao trào phúng” (nội dung, biện pháp nghệ thuật,…)

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

- Bài ca dao được xây dựng dựa trên câu chuyện quen thuộc trên thực tế: mèo – chuột.

- Những điểm ngược đời, bất hợp lí: mèo lại đi hỏi thăm chuột,… Từ đó suy ra ngụ ý hay nội dung muốn truyền tải của bài ca dao. Vì bài ca dao này có nhiều cách hiểu nên hãy diễn đạt theo suy nghĩ, quan điểm của em.

- “Giỗ cha con mèo”: lời chửi rủa gay gắt của chú chuột, cho thấy mối thù không đội trời chung.

- Cái lí thú ở bài ca dao này: dùng con vật và mối quan hệ giữa chúng để phê phán kiểu người như vậy.

Câu 21: Phân tích bài ca dao số 3 trong “Chùm ca dao trào phúng”  (nội dung, biện pháp nghệ thuật,…)

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

- Sự phàn nàn, lên án, chỉ trích việc thách cưới không hợp tình hợp lí của nhà gái: những câu đầu.

- Sự đáp trả của chàng trai bằng những thứ còn phi lí hơn: những câu sau.

- Những câu hỏi – đáp hoặc dùng mối quan hệ nhân quả tạo sự chân thực, bộc lộ trực tiếp cảm xúc.

- Ngôn ngữ trong bài, đặc biệt là các đồ cưới: ngôn từ điển hình về các đồ vật quen thuộc thời xưa.

- Nghệ thuật: hư cấu dựng cảnh tài tình, lối nói cường điệu phóng đại, dùng ngôn từ đời thường mà hàm chứa ý nghĩa sâu sắc.

Câu 22: Đọc truyện “Lợn cưới, áo mới” vì sao em lại cười?

Trả lời:

Đọc, nghe truyện Lợn cưới áo mới ta cười nhiều lần:

– Cười về hành động, ngôn ngữ của từng nhân vật thích khoe của. Của chẳng đáng là bao (chiếc áo, con lợn) mà vẫn thích khoe (đây cũng là đặc điểm của loại người này). Hành động và ngôn ngữ khoe của của các nhân vật đều quá đáng, lố bịch.

– Tác giả dân gian đã tạo được cuộc ganh đua trong việc khoe của ở các nhân vật. "Anh áo mới" kiên nhẫn đứng hóng ở cửa, kiên nhẫn suốt từ sáng đến chiều, đang tức tối, lại bị "anh lợn cưới" khoe của trước. "Anh áo mới" tưởng thua, đã không bỏ lỡ cơ hội "cả ngày có một lần", để khoe của trước "anh lợn cưới". Cái kết thúc của truyện rất bất ngờ.

 

Câu 23: Ở cảnh đầu của lớp V (hồi II), tính cách học đòi làm sang của ông Jourdain thể hiện như thế nào và bị lợi dụng ra sao?

Trả lời:

- Em có thể dễ dàng nhận xét cuộc đối thoại giữa hai người xoay quanh một số sự việc như bộ lễ phục, đôi bít tất, bộ tóc giả và lông đính mũ, nhưng chủ yếu là xoay quanh bộ lễ phục.

- Tất nhiên ai may áo cũng phải may hoa hướng lên trên. Bác phó may chẳng biết là vì dốt, là do sơ suất hay do cố tình biến ông Jourdain thành trò cười nên đã may ngược hoa. Ông Jourdain chưa phải là mất hết tỉnh táo nên đã phát hiện ra điều đó. Nhưng chỉ cần bác phó may vụng chèo khéo chống, bịa ra lí lẽ những người quý phái đều mặc áo ngược hoa là ông ưng thuận ngay.

- Đoạn này có kịch tính cao. Bác phó may đang ở thế bị động (bị chê trách may áo ngược hoa), nay chuyển sang thế chủ động tấn công lại bằng hai đề nghị liên tiếp: "Nếu ngài muốn, thì sẽ xoay hoa xuôi lại thôi mà", "Ngài chỉ việc bảo tôi". Và thế là ông Jourdain cử lùi mãi: "Không, không", "Đã bảo không mà. Bác làm thế này được rồi.", sau đó đánh bài lảng sang chuyện khác, hỏi bộ lễ phục ông mặc có vừa vặn không.

- Ông Jourdain lại phát hiện ra bác phó may ăn bớt vải của mình ("thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ"). Ông chuyển sang thế chủ động, trách bác phó may bằng hai lời thoại. Bác phó may chống đỡ yếu ớt. Bây giờ đến lượt bác gỡ thế bí bằng cách chơi nước cờ lảng sang chuyện khác, hỏi ông Jourdain có muốn mặc thử bộ lễ phục không. Nước cờ khá cao tay vì nó đánh trúng vào tâm lí ông Jourdain đang muốn học đòi làm sang.

Câu 24: Tính cách học đòi làm sang của ông Jourdain thể hiện như thế nào và bị lợi dụng ra sao ở cảnh sau của lớp V (hồi II)?

Trả lời:

– Moliere chuyển tiếp từ cảnh trước sang cảnh sau ở lớp kịch này một cách hết sức tự nhiên và khéo léo. Khi ông Jourdain mặc xong bộ lễ phục là được tay thợ bạn tôn xưng là "ngài quý tộc" ngay, khiến ông tưởng rằng cứ mặc lễ phục vào là nghiễm nhiên trở thành quý phái.

– Khác với tính cách của bác phó may ("vụng chèo khéo chống", "thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ"), tay thợ bạn ranh mãnh dùng mánh khoé nịnh hót để moi tiền, điểm huyệt đúng thói học đòi làm sang của ông Jourdain. Thấy ông mắc mưu, tay thợ bạn dấn thêm mấy bước, cứ tôn lên mãi, hết "ngài quý tộc" đến "tướng công" rồi đến "đại nhân".

- Ông Jourdain vẫn nghĩ đến túi tiền của mình. Thấy tay thợ bạn không tôn ông lên cao thêm nữa, ông nói riêng: "Thế là phải chăng, ta đang sắp cho nó tất cả túi tiền". Nhưng qua câu nói đó, ta thấy tính cách trưởng giả học đòi làm sang ở ông vẫn mãnh liệt lắm. Ông sẵn sàng cho hết cả tiền để được "làm sang".

Câu 25: Nêu một vài thủ pháp trào phúng trong đoạn trích “Trưởng giả học làm sang”.

Trả lời:

Một số thủ pháp trào phúng trong đoạn trích là:

- Tạo tình huống kịch tính: thủ pháp này xuất hiện ở những chi tiết như chi tiết chiếc giày, chi tiết may hoa ngược, chi tiết nịnh nọt của đám thợ bạn, chi tiết ông Jourdain không thể nào ngăn con người hầu cười.

- Dùng thủ pháp phóng đại: nhiều lời nói dối của phó may được cường điệu quá mức

- Dùng điệu bộ gây cười: hoạt động mặc áo và lúc Nicole gặp ông Jourdain.

Câu 26: Câu hỏi cho hồi thứ hai, lớp V. Căn cứ vào các chỉ dẫn sân khấu, cho biết lớp kịch gồm mấy cảnh. Xem xét số lượng nhân vật tham gia ở mỗi cảnh và các loại động tác, âm thanh trên sân khấu để chứng minh rằng càng về sau kịch càng sôi động.

Trả lời:

– Hành động kịch diễn ra tại phòng khách nhà ông Jourdain, một người trên 40 tuổi, thuộc tầng lớp dân thành thị phong lưu. Bác phó may và một tay thợ bạn mang bộ lễ phục đến nhà ông.

– Lời chỉ dẫn sân khấu dài: "Bốn chú thợ bạn ra..." chia lớp kịch này thành hai cảnh rõ rệt: cảnh trước gồm những lời thoại của ông Jourdain và bác phó may; cảnh sau gồm những lời thoại của ông Jourdain và tay thợ bạn. Cảnh trước trên sân khấu có bốn nhân vật là bác phó may, tay thợ bạn mang bộ lễ phục, ông Jourdain và một gia nhân của ông Jourdain. Cảnh sau đông hơn, sôi động hơn, có thêm bốn tay thợ bạn nữa.

– Cảnh trước có hai người là ông Jourdain và bác phó may nói với nhau. Cảnh sau, cũng chỉ có hai người là ông Jourdain và một thợ bạn (tay thợ bạn mang bộ lễ phục đến lúc trước) nói với nhau. Nhưng ta hình dung bốn tay thợ bạn kia cũng xúm xít chung quanh, và ông Jourdain tuy chỉ đối thoại với một người mà như nói với cả tốp thợ bạn năm người. Cảnh này rõ ràng nhộn nhịp hơn cảnh trước.

– Cảnh trước chủ yếu chỉ là những lời đối thoại, tất nhiên các lời đối thoại ấy kèm theo cử chỉ, động tác mà em có thể dễ dàng hình dung ra. Sang cảnh sau, khán giả không chỉ được nghe những lời đối thoại, mà còn được xem các thợ bạn cởi quần áo cũ, mặc lễ phục mới cho ông Jourdain. Kịch sôi động hẳn lên.

Câu 27: Đọc đoạn trích sau (Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long) và trả lời câu hỏi:

  1. a) – Anh nói nữa đi. – Ông giục.

– Báo cáo hết! – Người con trai vụt trở lại giọng vui vẻ. – Năm phút nữa là mười. Còn hai mươi phút thôi. Bác và cô vào trong nhà. Chè đã ngấm rồi đấy.

Thì giờ ngắn ngủi còn lại thúc giục cả chính người hoạ sĩ già. Ông theo liền anh thanh niên vào trong nhà, đảo nhìn qua một lượt trước khi ngồi xuống ghế.

Câu hỏi: Người nói, người nghe những câu in đậm dưới đây là ai? Xác định hàm ý của mỗi câu ấy. Theo em, người nghe có hiểu hàm ý của người nói không? Những chi tiết nào chứng tỏ điều đó?

Trả lời:

- Người nói là anh thanh niên, người nghe là ông hoạ sĩ và cô gái.

- Hàm ý của câu in đậm là "Mời bác và cô vào uống nước.".

- Hai người nghe đều hiểu hàm ý đó, chi tiết "Ông theo liền anh thanh niên vào trong nhà" và "ngồi xuống ghế" cho biết điều này.

Câu 28: Tìm hàm ý của Lỗ Tấn qua việc ông so sánh "hi vọng" với "con đường" trong các câu sau:

Tôi nghĩ bụng: Đã gọi là hi vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.

Trả lời:

Qua sự so sánh của Lỗ Tấn có thể nhận ra hàm ý: Tuy hi vọng chưa thể nói là thực hay hư, nhưng nếu cố gắng thực hiện thì có thể đạt được.

 

Câu 29: Hãy tìm 2 ví dụ trong đời sống về câu nói có hình thức câu nghi vấn nhưng hầu như không bao giờ dùng để hỏi mà dùng để yêu cầu một điều gì đó.

Trả lời:

Trong đời sống, có những câu mà về hình thức là câu nghi vấn nhưng hầu như không bao giờ dùng để hỏi mà là để chào hoặc yêu cầu một điều gì đó.

Ví dụ, khi muốn yêu cầu ai đó cho mượn bật lửa, ta có thể nói:

– Anh có bật lửa không?

Hay khi muốn chào một người bạn, ta có thể nói:

– Cậu vừa đi học về đấy à?

Câu 30: Xét những đoạn trích sau và trả lời câu hỏi.

  1. a) Dưới gốc tre, tua tủa những mầm măng. Măng trồi lên nhọn hoắt như một mũi gai khổng lồ xuyên qua đất luỹ mà trỗi dậy, bẹ măng bọc kín thân cây non, ủ kĩ như áo mẹ trùm lần trong lần ngoài cho đứa con non nớt. Ai dám bảo thảo mộc tự nhiên không có tình mẫu tử?
  2. b) Vua sai lính điệu em bé vào, phán hỏi:

– Thằng bé kia, mày có việc gì? Sao lại đến đây mà khóc?

Câu hỏi:

– Trong những đoạn trích trên, câu nào là câu nghi vấn? Đặc điểm hình thức nào cho biết đó là câu nghi vấn?

– Những câu nghi vấn đó được dùng để làm gì?

– Trong những câu nghi vấn đó, câu nào có thể thay thế được bằng một câu không phải là câu nghi vấn mà có ý nghĩa tương đương? Hãy viết những câu có ý nghĩa tương đương đó.

Trả lời:

- Có những câu nghi vấn sau:

  1. a) "Ai dám bảo thảo mộc tự nhiên không có tình mẫu tử?"
  2. b) "Thằng bé kia, mày có việc gì?"; "Sao lại đến đây mà khóc?"

- Mục đích của các câu nghi vấn trên:

Trong (a): khẳng định.

Trong (b): câu 1: hỏi; câu 2: hỏi.

- Câu có thể thay thế:

  1. a) "Thảo mộc tự nhiên có tình mẫu tử."
  2. b) Không có.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay