Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối Ôn tập Bài 7: Tin yêu và ước vọng (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 7: Tin yêu và ước vọng (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 7. TIN YÊU VÀ ƯỚC VỌNG (PHẦN 2)

Câu 1: Tìm các chi tiết miêu tả tâm lí của Phương Định khi phá bom trong “Những ngôi sao xa xôi”.

Trả lời:

- Phương Định “dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom”. Quả bom nằm lạnh lùng. Lưỡi xẻng thỉnh thoảng lại chạm vào quả bom, một tiếng động sắc đến gai người vang lên, cứa vào da thịt cô.

- “Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí. Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành” -> càng thấy rõ hơn sự bình tĩnh, gan dạ của cô.

- Những lúc đối mặt với quả bom sắt lạnh lùng, cô cũng có nghĩ đến cái chết. “Nhưng một cái chết rất mờ nhạt, không cụ thể”. Đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua. Còn điều mà cô quan tâm lúc này là “liệu mìn có nổ không, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?”

=> Trong suy nghĩ của Định, cô luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt dù có phải hi sinh.

Câu 2: Nêu ý nghĩa trận mưa đá xuất hiện trong bài “Những ngôi sao xa xôi”.

Trả lời:

Với nhân vật Phương Định, trận mưa đá còn gợi về cô bao nhiêu hình ảnh, kỉ niệm êm đềm về thành phố và tuổi thiếu nữ của cô. Chi tiết ấy cho thấy cuộc sống ngoài chiến trường bên cạnh sự khốc liệt, dữ dội cũng còn có những phút thanh thản cho tâm hồn người được lắng dịu. Có như thế họ mới có thể sống và chiến đấu lâu dài được.

Câu 3: Hãy trình bày hiểu biết của em về về tác giả Nguyễn Đình Thi và bài thơ Lá đỏ (hoàn cảnh ra đời, thể loại, nội dung,......).

Trả lời:

*Tác giả:

- Nguyễn Đình Thi quê ở Hà Nội, là một nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, nhạc sĩ. Thơ là một trong những lĩnh vực mà Nguyễn Đình Thi tâm huyết nhất, ông dành cả một cuộc đời để tìm tòi, khám phá, đổi mới hướng đi và sáng tạo thơ ca của mình. Cũng nhờ có bản lĩnh thay đổi, sáng tạo mà những áng thơ của Nguyễn Đình Thi mang đậm phong cách cá nhân, đặc biệt, độc đáo và hiện đại. Thơ ông tự do, phóng khoáng, đồng thời cũng hàm súc, giàu chất suy tư, dạt dào cảm hứng yêu nước.

- Với tình yêu đất nước nồng nàn mà thơ ca của Nguyễn Đình Thi là hình tượng xuyên suốt trong thơ ông là đất nước Việt Nam đau thương và quật khởi, con người gian lao và anh dũng., có thể kể đến: “Đất nước”, “Nhớ”, “Bài thơ Hắc Hải”, “Lá đỏ”. Đọc thơ của Nguyễn Đình Thi ta cảm nhận được những triết lý về sự sống, tình yêu, sự giản dị của những con người Việt Nam.

*Tác phẩm

- Hoàn cảnh sáng tác: tháng 12/1974. Đó là thời điểm cuộc chiến tranh chống Mĩ ở giai đoạn gấp rút. Tất cả quân và dân đang dồn sức cho tiền tuyến, tiến về Sài Gòn. Bài thơ được tác giả viết giữa rừng Trường Sơn. 

- Thể loại: thơ tự do

- Nội dung: Khung cảnh cuộc hành quân hào hùng, thần tốc, vẻ đẹp của thiên nhiên rừng Trường Sơn, vẻ đẹp của người con gái trẻ trung, tươi tắn; niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến.

Câu 4: Hình ảnh so sánh: “Em đứng bên đường như quê hương /Vai áo bạc quàng súng trường” gợi lên vẻ đẹp nào của nhân vật “em”? 

Trả lời:

Hình ảnh so sánh “Em đứng bên đường như quê hương Vai áo bạc quàng súng trường” gợi lên vẻ đẹp gần gũi, thân thương, vừa mộc mạc, tao tần vừa kiên cường, rắn roi,… của người con gái tiền phương.

Câu 5: Thông qua hình ảnh “miệng cười buốt giá”, “ sốt run người”, “áo rách vai” trong “Đồng chí”, cho em hiểu điều gì về cuộc sống của những người lính?

Trả lời:

    - Những người lính không chỉ chia sẻ nỗi nhớ nhà nói chung, nỗi nhớ quê hương mà còn là sự chia sẻ những thiếu thốn của cuộc đời người lính.

       + Họ thấu hiểu, chia sẻ cùng đối mặt, cùng chịu bệnh tật, những cơn sốt rét ghê gớm, cái lạnh nơi rừng thiêng nước độc mà hầu như người lính nào cũng phải trải qua.

       + Những người lính phải vượt qua cả sự khó khăn, thiếu thốn về vật chất thông qua cặp câu sóng đôi, đối ứng nhau trong từng cặp câu và từng cặp câu.

    - Người lính bao giờ cũng nhìn và nói về bạn trước khi nói về mình, cách nói ấy thể hiện nét đẹp trong tình cảm thương người như thể thương thân, trọng người hơn trọng mình.

→ Chính tình đồng đội, đồng chí làm ấm lòng những người lính để họ vẫn cười trong buốt giá nhưng vượt lên trên buốt giá, thiếu thốn.

Câu 6: Hãy trình bày hiểu biết của em về về tác giả Chính Hữu và bài thơ Đồng chí (hoàn cảnh ra đời, thể loại, nội dung,......).

Trả lời:

*Tác giả:

- Chính Hữu (1926 – 2007) tên thật là Trần Đình Đắc, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông làm thơ từ năm 1947 và hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh. Tập thơ “Đầu súng trăng treo” (1966) là tác phẩm chính của ông.

- Thơ ông không nhiều nhưng lại có nhiều bài đặc sắc, cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc, hàm súc. Những sáng tác của ông không nhiều nhưng phần lớn là những bài thơ mang đậm dấu ấn cá nhân với cảm xúc dồn nén, vừa thiết tha, trầm hùng lại vừa sâu lắng, hàm súc, ngôn ngữ, hình ảnh chọn lọc, đặc sắc.

⇒ Làm nên một nhà thơ với phong cách bình dị.

*Tác phẩm

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ Đồng chí được sáng tác vào đầu năm 1948, sau khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháo lên chiến khu Việt Bắc. Bài thơ Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về người lính cách mạng của văn học thời kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954).

- Thể loại: thơ tự do

- Nội dung: Bài thơ nói về tình đồng chí, đồng đội thắm thiết, sâu nặng của những người lính cách mạng dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lí tưởng chiến đấu. Tình đồng chí góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh và phẩm chất của những người lính cách mạng. Qua đó hiện lên hình tượng chân thực, giản dị mà cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

- Ý nghĩa nhan đề: Đồng là cùng, chí là chí hướng, đồng chí là những con người có cùng chí hướng trong một tập thể. Chính Hữu đặt tên cho bài thơ của mình là “Đồng chí” không chỉ có ý nghĩa viết về những con người cùng chung lí tưởng, chí hướng, cùng làm một đơn vị, cơ quan; mà sâu sắc hơn, ông muốn viết về tình đồng đội, về những con người đồng cảnh, đồng cam cộng khổ, đồng sức chung lòng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Câu 7: Những hình ảnh trong bài thơ “Đồng chí” nào nói về sức mạnh của tình đồng chí một cách cụ thể và cảm động.

Trả lời:

Hình ảnh: “ớn lạnh, sốt run người, ướt mồ hôi” là những biểu hiện cụ thể để nói về căn bệnh sốt rét rừng rất nguy hiểm khi mà trong chiến tranh không hề có đủ thuốc men để chạy chữa. Vì thế các anh – những người lính anh hùng dũng cảm phải cắn răng chịu đựng, tự lực, tự cường mà vượt qua gian khổ. Đây là một hình ảnh xuất phát từ cái nhìn chân thực của người lính trong chiến tranh. Căn bệnh sốt rét – nỗi ám ảnh kinh hoàng của người lính trong chiến tranh, đã hành hạ họ, khiến họ tiều tụy xanh xao, màu da vàng vọt, tóc thì rụng hết... Người lính còn phải đối diện với cả sự thiếu thốn, khó khăn về vật chất: "áo rách vai, quần vài mảnh vá, chân không giày". Vì thế lúc này, chỉ có tình yêu thương, sự đùm bọc lẫn nhau của những người lính là thuốc bổ tinh thần, giúp họ cùng nhau cộng hưởng, sẻ chia mà vươn lên chiến thắng chính mình. Thế nhưng họ đã truyền cho nhau hơi ấm của tình thương, cùng dắt tay nhau tiến lên phía trước, vì mục tiêu lý tưởng cách mạng lớn lao: vì hòa bình dân tộc. Và có lẽ, tình yêu thương nhau đã lấp đầy khoảng trống, làm dịu vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Tất cả những cử chỉ ánh mắt, nụ cười, nắm tay ấy đã giúp họ có thêm động lực để vượt qua khó khăn, thử thách. 

Câu 8: Nhận xét cách sử dụng các cụm từ “ Nước mặn đồng chua, đất cày sỏi đá” và nét nghệ thuật trong đoạn thơ?

Trả lời:

Chính Hữu sử dụng những từ ngữ miêu tả quê hương những người đồng chí hiện lên với bao khó khăn, gian khổ: "Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá". Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau: người từ vùng ven biển, người lại ở trung du khô cằn, họ vốn là những người xa lạ, nhưng vì mục đích, lý tưởng chung họ tụ hội về đây. Họ chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, hình ảnh “súng bên súng đầu sát bên đầu” vừa thể hiện được nhiệm vụ chiến đấu vừa thể hiện được lí tưởng bảo vệ độc lập dân tộc của các anh. Hơn nữa ông còn sử dụng điệp từ tạo nên âm điệu chắc khỏe, khắc họa đậm nét sự gắn bó bền chặt của những người lính.

Câu 9: Tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” được trần thuật theo ngôi thứ mấy? Tác dụng của việc trần thuật đó là gì?

Trả lời:

- Truyện được trần thuật từ ngôi thứ nhất và những người kể chuyện cũng là nhân vật chính: Phương Định.

-  Sự lựa chọn ngôi kể như vậy phù hợp với nội dung tác phẩm và tạo thuận lợi để tác giả miêu tả, biểu hiện thế giới tâm hồn, những cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật. Để cho nhân vật là người trong cuộc kể lại thì câu chuyện sẽ thật hơn, cụ thể và sinh động hơn, tạo cho người đọc cảm giác tin vào câu chuyện hơn. Và ở đây, truyện viết về chiến tranh, tất nhiên phải có bom đạn, chiến đấu, hi sinh, nhưng trong truyện này, hiện lên khá rõ là thế giới nội tâm của các cô gái thanh niên xung phong với vẻ đẹp tâm hồn của một thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mĩ. Đó cũng là do cách lựa chọn và kể của tác giả - nhất là vai kể ở đây lại là một cô gái trẻ Hà Nội có cá tính nhiều mộng mơ với những kỉ niệm đẹp của thời thiếu nữ.

Câu 10: Tâm trạng của Phương Định khi cơn mưa đá bất ngờ ập đến? Qua phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật giúp em hiểu thêm gì về Phương Định?

Trả lời:

Tâm trạng của Phương Định khi cơn mưa đá bất ngờ ập đến, ở cô lập tức toát lên một niềm vui con trẻ, niềm vui ấy nở tung ra, say sưa, tràn đầy. Cô nhặt những hạt mưa đá để rồi bâng khuâng ngơ ngác khi thấy nó tan biến bất ngờ, cũng nhanh như khi nó ập đến. “Tôi bỗng thẫn thờ, tiếc không nói nỗi… Tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố” Tất cả mọi kỉ niệm đẹp nhất ở thành phố Hà Nội, về mẹ, về tuổi thiếu nữ trong sáng, vô tư như ùa về, xoáy mạnh trong lòng cô gái. 

=> Qua đó ta thấy được Phương Định hiện ra trước mắt ta là một cô gái trẻ trung thông minh tinh nghịch nhiều mơ mộng. Không chỉ hồn nhiên yêu đời mà Phương Định còn có một tâm hồn rất nhạy cảm. 

Câu 11: Tìm từ đồng nghĩa với từ “nhân ái”, “biểu đạt”

Trả lời:

Từ đồng nghĩa với từ “nhân ái”: nhân hậu, nhân nghĩa, nhân đức, tốt bụng, nhân từ…

Từ đồng nghĩa với từ “biểu đạt”: biểu thị, trình bày, bày tỏ, giãi bày, diễn tả, thể hiện…

Câu 12: Xác định biện pháp tu từ trong đoạn văn sau

“Có một đám mây kéo đến ngoài cửa hang. Một đám nữa. Rồi một đám nữa bay qua ngày càng nhanh. Bầu trời mở rộng trước cửa hang đen đi. Cơn dông đến. Cát bay mù. Gió quật lên quật xuống những cành cây khô cháy. Lá bay loạn xạ”.

Trả lời:

Biện pháp tu từ liệt kê

Câu 13: Chỉ ra ý nghĩa của cụm từ in đậm trong câu sau và cho biết, nếu bỏ thành phần đó, câu thay đổi như thế nào về cấu trúc?

Nhiều buổi trưa, khi mọi người nghỉ cả, chú Nam lúi húi đẽo, gọt.

Trả lời:

Từ in đậm trong câu được dùng để chỉ mốc thời gian của sự việc được nói đến trong câu. Nếu bỏ thành phần đó đi, câu sẽ không được diễn đạt rõ nghĩa. Người đọc chỉ biết hành động của chú Nam đẽo gọt chung chung, không rõ hành động cụ thể của sự việc đó như thế nào. 

Câu 14: Câu Ai chẳng muốn thông minh, giỏi giang? có thể đổi cấu trúc: Thông minh, giỏi giang thì ai chẳng muốn. Chỉ ra sự khác nhau về ý nghĩa giữa câu gốc và câu biến đổi.

Trả lời:

Ý nghĩa của câu gốc: Nhấn mạnh vào đối tượng "ai đó", "tất cả mọi người", bất cứ ai".

Ý nghĩa của câu biến đổi: Nhấn mạnh vào vấn đề thông minh, giỏi giang. 

Câu 15: Chỉ ra các hình ảnh miêu tả thiên nhiên trong “Lá đỏ”. Các hình ảnh đó tạo nên bức tranh rừng Trường Sơn như thế nào?

Trả lời:

Các hình ảnh miêu tả thiên nhiên: đỉnh trường Sơn lộng gió, rừng lạ ào ào lá đỏ.

Các hình ảnh vẽ lên khung cảnh rừng Trường Sơn khoáng đạt, đầy ấn tượng với những vẻ đẹp lạ lùng của rừng lá đỏ, những trận mưa lá đổ ào ào trong gió...

Câu 16: Cảm nhận hình ảnh tuyến đường Trường sơn trong bài thơ “Lá đỏ”

Trả lời:

Em có thể dựa theo những ý sau đây:

Bằng thể thơ tự do, giọng thơ chân thực. Hình ảnh của bài thơ cũng rất gần gũi, khái quát được vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam ta. Đặc biệt hình ảnh lá đỏ tạo cảm giác mạnh, mang ý nghĩa biểu trưng cho những dự cảm, dự báo về thắng lợi tất yếu của dân tộc. Bài thơ Lá đỏ là một bài thơ hay và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. 

Cũng chỉ bằng 8 câu thơ mà Lá đỏ đã có thể tái hiện lại cuộc hành quân vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu bảo về Tổ quốc. Đó cũng chính là những năm tháng hành quân trên đường Trường Sơn. Cũng là khi tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền nam thống nhất đất nước. Và bài thơ này được viết khi ông đến và sống với Trường Sơn. Đây cũng chính là một minh chứng cực kỳ chân thực và sinh động với chất liệu Trường Sơn.

Với Nguyễn Đình thi đó là một nơi đẹp đẽ, đứng trên cao nguyên lộng gió có thể cảm nhận được một khoảng không gian vô cùng khoáng đạt. Từ đó có thể mở tầm nhìn ra một khoảng không bao la rộng lớn. Và đó cũng chính là mạch cảm xúc tương tự như trong thơ của Tố Hữu: “Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình” (Nước non ngàn dặm).

Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Từ Trường Sơn ông đã nhận thức rõ mình và cũng chính là nhận thức được sức mạnh của nhân dân của dân tộc Việt Nam. Và hiển hiện trước mắt chính là một vẻ đẹp lạ lùng với ào ào lá đỏ. Và cũng chính là bao nhiêu lá đỏ cũng là bao nhiêu tâm tình. Chính những chiếc lá đỏ trên nền trời xanh ất đã chạm vào trái tim của nhà thơ. Nó làm nên trận mưa lá đỏ đổ xuống như chính sức sống của người Trường Sơn.

Màu lá đỏ nên thơ ấy đã tô thêm bức tranh thiên nhiên hoành tráng. Và nó cũng chạm vào trái tim của bao nhiêu người con về tình yêu đối với quê hương và đất nước. Và đường Trường Sơn trở thành một địa chỉ linh thiêng cũng bởi vì đó là con đường của dân tộc Việt Nam ra trận.

Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa

Đó là con đường đầy gian khổ và khắc nghiệt. Nhưng đoàn quân ta vẫn bước chân trập trùng, hối hả. Nó như rung chuyển đạp lên mọi khó khăn. Qua câu thơ này ta có tể cảm nhận được khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp ấy. Đó là một không gian đẹp và cũng chính là một biểu tượng của chiến tranh đã được bài thơ khắc họa.

Em đứng bên đường, như quê hương

Vai áo bạc, quàng súng trường

Hình ảnh cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường sơn đã mãi nhắc nhở chúng ta về những năm tháng ấy. Đó là người con gái mảnh mai, trẻ trung xinh đẹp mà lẽ ra họ được sinh ra để sống yên bình. Đây cũng chính là mạch cảm xúc đã từng xuấ hiện trong nhiều bài thơ, bài ca của những thi sĩ khác. Và để rồi cuối bài là lời chào, hẹn về những năm tháng tự do của tuori trẻ. Đó cũng chính là niềm tin về một tương lai tươi sáng với thắng lợi cuối cùng.

 

Câu 17: Em có suy nghĩ gì về công việc và hoàn cảnh sống của các cô gái trong “Những ngôi sao xa xôi”? Với công việc như thế đòi hỏi tinh thần làm việc như thế nào?

Trả lời:

+ Họ làm việc ở nơi tập trung nhiều bom đạn sự nguy hiểm và ác liệt.

+ Công việc những thanh niên xung phong làm mạo hiểm cận kề với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh.

+ Họ ở những nơi tập chung bom đạn, nguy hiểm phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch-> luôn đối diện với cái chết, cái chết và sự sống chỉ gần nhau trong gang tấc, xong ở họ sáng ngời lên những phẩm chất tốt đẹp.

Câu 18: Tại sao từ " Đồng chí" lại được tác giả tách riêng và đứng độc lập thành một dòng?

Trả lời:

Từ "Đồng chí" được tác giả tách riêng và đứng độc lập thành một dòng vì đây là hình thức câu đặc biệt, chứa nhiều ý nghĩa. Chỉ hai chữ này thôi nhưng nó trở thành bản lề khép mở hai mạch thơ. Khép lại những cơ sở để tạo nên tình đồng chí cao đẹp và mở ra những biểu hiện đẹp đẽ, sáng ngời của thứ tình cảm trân quý ấy. Đồng thời hai chữ đồng chí cũng là cách Chính Hữu lý giải nguyên nhân vì sao tự bốn phương trời, từ nhiều nơi khác nhau họ lại tự nguyện gắn bó với nhau. Bởi họ là những người cùng ý chí, nguyện vọng, cùng lý tưởng chiến đấu để bảo vệ làng quê, bảo vệ những người yêu thương mà rộng ra là bảo vệ quê hương đất nước. 

Câu 19: Hãy tìm phép ẩn dụ và giải thích ý nghĩa trong những câu thơ dưới đây:

a.“Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình”

(Ánh trăng – Nguyễn Duy)

  1. “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

(Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

Trả lời:

  1. Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh” ẩn dụ: trước sau như một, sự chung thủy, vẹn nguyên của thiên nhiên quê hương.
  2. Hình ảnh “mặt trời” trong câu thứ hai là một biện pháp tu từ ẩn dụ. Tác giả đã dùng hình ảnh “mặt trời” để chỉ Bác Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ dân tộc vĩ đại. Bác chính là ánh sáng dẫn lối cho dân tộc ta, giành lại độc lập và tự do cho Tổ quốc.

Câu 20: Các em hãy nêu ra ý nghĩa của những phép ẩn dụ trong những câu thơ sau

  1. “Mẹ tôi mái tóc bạc,

mẹ tôi lưng đã còng… ”

  1. “Trời hôm nay nắng giòn tan.”

Trả lời:

  1. a. Thay vì nói trực tiếp tuổi của mẹ đã già, ở đây đã sử dụng ẩn dụ phẩm chất – lấy hình ảnh “mái tóc bạc” và hình ảnh “lưng đã còng”, giúp cho người đọc có thể ngầm hiểu được rằng người mẹ ấy đã có tuổi.
  2. Hình thức ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được sử dụng trong trường hợp này với mục đích diễn tả cái nắng chói chang, mọi thứ dường như có thể cháy khô đến giòn tan. Ở đây, tác giả đã sử dụng giác quan về thị giác để cảm nhận về ánh nắng, nhưng khi miêu tả trong câu lại sử dụng từ “giòn tan” – từ được sử dụng cho vị giác.

Câu 21: Nêu cảm nhận của em về câu thơ “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.

Trả lời:

Câu thơ “thương nhau tay nắm lấy bàn tay” thể hiện sức mạnh gắn bó sâu nặng của tình đồng chí.

       + Cử chỉ cảm động chứa chan tình cảm chân thành, sự cảm thông giữa những người lính.

       + Cái bắt tay không phải thông thường mà là những bàn tay tự tìm đến với nhau truyền cho nhau hơi ấm để cùng vượt qua giá lạnh, buốt giá.

    - Phản ánh tình đồng chí sâu đậm, có chiều sâu, để đi tới chiều cao cùng sống chết cho lí tưởng.

→ Tình thương, sự đoàn kết, chia sẻ thông qua “tay nắm bàn tay”.

Câu 22: Hình ảnh “đầu súng trăng treo” cho thấy cảm xúc gì được thể hiện trong bài thơ “Đồng chí”? Qua đó em hiểu thêm gì về tâm hồn của những người lính trong kháng chiến chống Pháp?

Trả lời:

Hình ảnh “đầu súng trăng treo” là hình ảnh độc đáo, bất ngờ, cũng chính là điểm nhấn của toàn bài thơ.

       + Hình ảnh thực và lãng mạn.

       + Súng là hình ảnh đại diện cho chiến tranh, khói lửa.

       + Trăng là hình ảnh của thiên nhiên trong mát, thanh bình.

    - Sự hòa hợp giữa trăng với súng tạo nên vẻ đẹp tâm hồn của người lính và đồng đội , nói lên ý nghĩa cao cả của cuộc chiến tranh vệ quốc.

→ Câu thơ như nhãn tự của toàn bài thơ, vừa mang tính hiện thực, vừa mang sắc thái lãng mạn, là một biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí.

 

Câu 23: Bài thơ “Đông chí” cho em cảm nhận gì về anh bộ đội trong thời kì kháng chiến chống Pháp?

Trả lời:

Hình ảnh người lính cụ Hồ trong thời kì kháng chiến chống Pháp:

    - Xuất thân từ người nông dân nghèo, tự nguyện đến với cuộc kháng chiến chống Pháp.

    - Cuộc sống gian nan, vất vả và gian khổ, thiếu thốn.

    - Có sự gắn kết bền chặt tình cảm đồng chí, đồng đội, tinh thần chiến đấu.

    - Trong khó khăn vẫn hiện hữu vẻ đẹp của sự sẻ chia, đoàn kết trên những gian khổ, hi sinh.

Câu 24: Tình huống truyện trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” là gì?

Trả lời:

Tình huống truyện trong đoạn trích Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê

  •  Ba nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
  •  Họ là những nữ thanh niên còn rất trẻ tuổi. Công việc của họ là theo dõi máy bay địch ném bom, đo đếm khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, san lấp mặt đường và phá bom nổ chậm.
  •  Công việc của họ thật khó khăn vất vả và luôn phải đối mặt với cái chết. Việc tạo tình huống trên nhà văn Lê Minh Khuê muốn thể hiện tâm hồn hồn nhiên trong sáng đầy mơ mộng và lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, tình đồng chí đồng đội của người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Câu 25: Kể tóm tắt nội dung đoạn trích Những ngôi sao xa xôi

Trả lời:

"Những ngôi sao xa xôi" kể về cuộc sống chiến đấu của ba cô nữ thanh niên xung phong của tổ trinh sát mặt đường - Phương Định, Nho và chị Thao. Họ sống trong một cái hang trên cao điểm của vùng trọng điểm nằm ở tuyến đường Trường Sơn. Công việc của họ là ngồi chờ trên cao điểm, ngồi chờ đợi và quan sát máy bay địch ném bom. Khi có bom nổ họ phải nhanh chóng chay lên, đo khối lượng của đất đá để san lấp hố bom mà địch gây ra, đánh dấu những quả bom chưa nổ rồi tiến hành phá bom. Công việc nguy hiểm, luôn phải đối mặt với cái chết, nhưng cuộc sống của họ vẫn không mất đi niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thảnh thơi, thơ mộng. Tuy 3 người 3 cá tính hoàn toàn khách biệt nhưng họ rất gắn bó, yêu thương nhau. Ở phần cuối, truyện tập trung miêu tả hành động và tâm trạng của các nhân vật mà chủ yếu là của Phương Định, trong một lần phá bom, Nho bị thương và sự lo lắng, săn sóc của hai người đồng đội.

Câu 26: Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về nhân vật Phương Định.

Trả lời:

Cô gái Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” đó là một nữ chiến sĩ thanh niên xung phong xinh đẹp, trong sáng, giàu tình cảm và dũng cảm, ngoan cường. Xuất thân là con gái Hà Nội, Phương Định tham gia thanh niên xung phong sống giữa khói bụi Trường Sơn và bom đạn. Công việc của chị là đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom nổ. Công việc hết sức nguy hiểm. Giữa chiến trường khói lửa, chị vẫn hồn nhiên, ngây thơ, trẻ con đôi khi nhạy cảm, mơ mộng, thích hát. Luôn mang trong mình tinh thần dũng cảm trong cuộc phá bom đầy nguy hiểm, chị dũng cảm, bình tĩnh tiến đến quả bom, đàng hoàng mà bước tới cùng xới xẻ đào đất, có lúc lưỡi xẻng chạm trúng vào quả bom. Đó là cuộc sống thường nhật của họ. Có những khi chị nghĩ đến cái chết như chỉ "mờ nhạt" vụt qua, hoàn thành nhiệm vụ luôn được chị đặt lên hàng đầu. Công việc nguy hiểm là vậy mà Phương Định vẫn đùa vui trong gian khổ, mang trong mình một tâm hồn lạc quan yêu đời, mơ mộng của một thiếu nữ. Trong chị luôn thường trực tình đồng đội, đồng chí nồng ấm. Tấm lòng vị tha của chị luôn quan tâm tới đồng đội. Ngược lại, chị Phượng Định cũng rất cần sự cổ vũ, động viên của đồng đội. Chị cảm thấy ấm lòng và tự tin hơn khi cảm thấy ánh mắt dõi theo, khích lệ của các anh chiến sĩ pháo binh. Chị được rất nhiều chiến sĩ cảm mến. Điều đó càng làm tình đồng đội, đồng chí trong chị thêm sâu đậm biết bao! Phương Định, tuy chỉ là một ngôi sao bé nhỏ, nhưng sẽ luôn tỏa sáng, sáng lấp lánh trên bầu trời Việt Nam. Các cô mãi là những hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến.

Câu 27: Nghĩa của câu được thay đổi cấu trúc khác như thế nào so với nghĩa của câu gốc dưới đây?

a.

- Câu trong gốc: Khi nghe những tiếng “bật bông” ban đầu, ai cũng cười cợt.

- Câu được thay đổi: Ai cũng cười cợt khi nghe những tiếng “bật bông” ban đầu.

- Câu trong gốc: Tuy nhiên, đây không phải là điều quá nghiêm trọng, và càng không phải là “căn bệnh” hết cách chữa.

- Câu được thay đổi: Tuy nhiên, đây không phải là “căn bệnh” hết cách chữa và càng không phải là điều quá nghiêm trọng.

Trả lời:

- Ý nghĩa của câu gốc: Nhấn mạnh vào tiếng "bật bông"

- Ý nghĩa của câu biến đổi: Nhấn mạnh vào đối tượng cười cợt, chế nhạo người khác, tiếng "bật bông" giải thích rõ hơn sự chế nhạo, cười cợt đó là gì.

- Ý nghĩa của câu gốc: Câu nói có tính nhấn mạnh tăng dần, từ "không phải điều quá nghiêm trọng" đến "không phải là căn bệnh hết cách chữa".

- Ý nghĩa của câu biến đổi: Câu nói có tính tăng dần ngược lại. Từ "không phải là căn bệnh hết cách chữa" đến "không phải điều quá nghiêm trọng".

Câu 28: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi

"Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây, hết bụi. Mặt giời nhú lên dần dần, rồi lên cho kỳ hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng. Lòng đỏ trứng khổng lồ đặt lên một cái mâm bạc rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông."

  1. Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng
  2. Nêu tác dụng của các biện pháp tu từ đó

Trả lời:

*Biện pháp tu từ so sánh:

- Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây, hết bụi.

- Mặt giời nhú lên dần dần, rồi lên cho kỳ hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng.

- (Trứng hồng – mâm bạc) y như một mâm lễ phẩm

* Biện pháp tu từ nhân hóa

- Mặt trời phúc hậu

- Mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh

*Ẩn dụ

- Mâm bạc (mặt biển)

  1. Tác dụng của những biện pháp tu từ trên:

Tăng sức gợi hình , gợi cả, àm cho mặt trời hiện lên sinh động, tráng lệ , hùng vĩ, to lớn và đẹp đẽ. Từ đó, làm nổi bật tình cảm yêu quý và trân trọng thiên nhiên, sự khao khát muốn chinh phục cái đẹp của tác giả.

Câu 29: Có ý kiến cho rằng: “Bài thơ Lá đỏ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã thể hiện niềm tin tất thắng cuộn đỏ Trường Sơn”. Phân tích bài thơ để chứng minh nhận định trên.

Trả lời:

Em có thể dựa theo nhưng ý sau:

Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 có âm hưởng trầm hùng của những đoàn quân nối nhau ra trận, có sự góp mặt của những em gái tiền phương phơi phới tuổi xuân nơi chiến trường và đặc biệt là niềm tin tất thắng bất diệt trong triệu triệu trái tim Việt Nam. Bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi với ngôn ngữ chân thật đã khắc họa rõ nét điều đó.

“Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường, như quê hương

Vai áo bạc, quàng súng trường

Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa

Chào em, em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.”

Chỉ với 8 câu thơ mà Nguyễn Đình Thi đã tái hiện cả một cuộc hành quân vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc - cuộc hành quân trên đường Trường Sơn, tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bài thơ là một bức tranh đẹp, là một bản nhạc trầm hùng trong lòng người ra trận. Ba hình ảnh chủ đạo của bài thơ: lá đỏ, em gái tiền phương và đoàn quân là sự đặc tả có sức khái quát cao về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Đặc biệt, hình ảnh lá đỏ tạo cảm giác mạnh, mang ý nghĩa biểu trưng cho những dự cảm, dự báo về thắng lợi tất yếu của dân tộc.

Nhân vật trữ tình đã đứng ở trên cao của dải Trường Sơn, nơi có thể nhìn được bao quát cả dãy Trường Sơn hùng vĩ và cảm nhận được sức mạnh của dân tộc Việt Nam: “Rừng lạ ào ào lá đỏ”. Ở đây có sự liên tưởng giữa lá đỏ và đoàn quân. Lá đỏ hay chính những trái tim rực lửa căm thù đang ào ào ra trận? Trường Sơn đại ngàn giữa mùa trở gió. Gió ào ạt thổi, trút lá đỏ rực trời. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn cuối, bước chân hành quân thần tốc của quân ta hối hả ra trận, bước chân đi mạnh mẽ, rung chuyển cả núi đồi, bụi đỏ bay mờ mịt nhòa trời lửa. Đoàn quân và lá đỏ hòa lẫn trong nhau, nhòa trong khói lửa Trường Sơn, đó là hình ảnh được khắc họa có tính mỹ thuật rất cao, thể hiện sự tài hoa của nhà thơ. Với ngôn ngữ chân thực và nhịp thơ mạnh mẽ, những câu thơ giản dị của Nguyễn Đình Thi đã khắc họa một quang cảnh, một không khí thật hào hùng, kỳ vĩ, mang màu sắc sử thi.

Tuy nhiên, không chỉ có những bước chân hành quân thần tốc, Trường Sơn còn trở nên mềm mại bởi những em gái tiền phương đứng bên đường làm tiền tiêu cho bộ đội. Em đứng bên đường, như quê hương/Vai áo bạc quàng súng trường… Nhịp thơ đang mạnh mẽ bỗng dịu lại, câu thơ dài hơn (7 chữ) như càng khẳng định nỗi xúc động của người lính trên chiến trường. Em là giao liên, em là thanh niên xung phong và em chính là hình ảnh quê hương dịu hiền, gần gũi, thân thương, chính là nơi để trở về sau trận chiến này. Hình ảnh em gái tiền phương có thể đã rất nhiều người gặp và đi vào thơ ca, nhạc họa, nhưng cách ví của Nguyễn Đình Thi đã mang đến hiệu quả nghệ thuật độc đáo, nhắc mãi tới mai sau…

Chùng xuống một chút, rồi nhịp thơ lại trở về với giọng điệu hào sảng khi miêu tả bước chân đoàn quân ra trận với niềm tin tất thắng:

Chào em, em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.

Em gái tiền phương ở lại bên đường như điểm tựa niềm tin và đoàn quân ra đi mang theo hình ảnh dịu dàng, thân thương của quê hương, mang theo niềm tin tất thắng. Trong bước chân ào ào đó, ta như đã nhìn thấy ngày vui giữa Sài Gòn, đã thấy… nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng/Trào vui nước mắt cứ rưng rưng (Tố Hữu). Lời chào, lời hẹn ấy sục sôi nhiệt huyết của tuổi trẻ, chứa đựng lý tưởng độc lập, tự do, dạt dào niềm lạc quan, tin tưởng vào ngày toàn thắng.

Tổ quốc đã hát bài ca thống nhất 40 năm, đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới nhưng những năm tháng chiến tranh khốc liệt thì chưa bao giờ phai nhòa, dẫu vết thương hôm nào đã lành theo năm tháng. Và những vần thơ vút lên từ cuộc chiến anh dũng đó luôn làm sống dậy trong chúng ta tình yêu Tổ quốc, sự biết ơn về những hy sinh cao cả của thế hệ trước.

Câu 30: Phân tích 6 câu đầu bài thơ “Đồng chí”

Trả lời:

Em có thể dựa theo những ý sau đây:

Cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính cách mạng (6 câu thơ đầu).

– Họ là những người có cùng chung cảnh ngộ, cùng chung nhiệm vụ, lí tưởng chiến đấu, cùng chia sẻ mọi gian lao, thiếu thốn.

– Hai câu thơ mở đầu bằng lối cấu trúc song hành, đối xứng như làm hiện lên hai gương mặt người chiến sĩ. Họ như đang tâm sự cùng nhau.Giọng điệu tự nhiên, mộc mạc, đầy thân tình. “Quê anh” và “làng tôi” đều là những vùng đất nghèo, cằn cỗi, xác xơ, là nơi “ nước mặn đồng chua” – vùng đồng bằng ven biển, là xứ sở của “đất cày lên sỏi đá” – vùng đồi núi trung du.

– Tác giả đã mượn thành ngữ, tục ngữ để nói về làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn thân yêu của những người chiến sĩ. Điều ấy đã làm cho lời thơ mang đậm chất chân quê, dân dã đúng như con người vậy – những chàng trai dân cày chân đất, áo nâu lần đầu mặc áo lính lên đường ra trận! Như vậy, sự đồng cảnh, cùng chung giai cấp chính là cơ sở, là cái gốc hình thành nên tình đồng chí.

– Năm câu thơ tiếp theo trình bày quá trình hình thành tình đồng chí: từ những người xa lạ có cùng chung mục đích trở thành rồi thành “đôi tri kỉ” để kết thành “đồng chí”. Câu thơ có độ dài ngắn khác nhau, cảm xúc thơ như dồn tụ, nén chặt lại. Những ngày đầu, đứng dưới lá quân kì, những chàng trai ấy còn là “đôi người xa lạ”, mỗi người một phương trời “chẳng hẹn quen nhau”.

– Nhưng rồi cùng với thời gian kháng chiến, đôi bạn ấy gắn bó với nhau bằng biết bao kỉ niệm: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu – Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. “Súng bên súng” là cách nói hàm súc,giàu hình tượng, đó là những con người cùng chung lí tưởng chiến đấu. Họ cùng nhau ra trận đánh giặc để bảo vệ đất nước, quê hương, giữ gìn nền độc lập, tự do, sự sống còn của dân tộc: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hình ảnh “đầu sát bên đầu”  diễn tả sự đồng ý, đồng tâm, đồng lòng của hai con người.

– Câu thơ “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ” lại là câu thơ ắp đầy kỉ niệm về một thời gian khổ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi “Bát cơm sẻ nửa – Chăn sui đắp cùng”. Và như thế mới thành “đôi tri kỉ” để rồi đọng kết lại là “Đồng chí!”. “Đồng chí” – hai tiếng ấy mới thiêng liêng làm sao! Nó diễn tả niềm tự hào, xúc động, cứ ngân vang lên mãi. Xúc động bởi đó là biểu hiện cao nhất của một tình bạn thắm thiết, đẹp đẽ.Còn tự hào bởi đó là tình cảm thiêng liêng, cao cả của những con người cùng chung chí hướng, cùng một ý nguyện, cùng một lí tưởng, ước mơ.

– Trong những câu thơ này, tác giả đã sử dụng những từ ngữ rất giản dị, nhưng rất chân xác: “bên”, “sát”, “chung”, “thành” đã thể hiện được sự gắn bó tha thiết của mối tình tri kỉ, của tình cảm đồng chí. Cái tấm chăn mỏng, hẹp mà ấm nóng tình đồng đội ấy mãi mãi là kỉ niệm đẹp của người lính không bao giờ quên.

– Cách thả dòng: “Đồng chí” tách ra thành một dòng thơ riêng là một điểm sáng tạo, một nét độc đáo qua ngòi bút của Chính Hữu. Dòng thơ được tác riêng độc lập, là một câu đặc biệt gồm từ hai âm tiết đi cùng dấu chấm than, tạo nốt nhấn vang lên như một sự phát hiện, một lời khẳng định đồng thời như một bản lề gắn kết đoạn thơ đầu với đoạn thơ sau. Sáu câu thơ đầu là cội nguồn, là cơ sở hình thành tình đồng chí; mười câu thơ tiếp theo là biểu hiện, sức mạnh của tình đồng chí. “Đồng chí” – ấy là điểm hội tụ, là nơi kết tinh bao tình cảm đẹp: tình giai cấp, tình bạn,tình người trong chiến tranh. Hai tiếng “đồng chí” bởi vậy mà giản dị, đẹp đẽ, sáng ngời và thiêng liêng.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay