Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối Ôn tập Bài 8: Nhà văn và trang viết (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 8: Nhà văn và trang viết (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 8. NHÀ VĂN VÀ TRANG VIẾT (PHẦN 1)

Câu 1: Tìm thành phần gọi đáp trong những dòng thơ sau:

“Con ơi tuy thô sơ da thịt.

Lên đường.

Không bao giờ nhỏ bé được.

Nghe con.”

Trả lời:

Thành phần gọi đáp trong đoạn thơ trên là từ “con ơi”

Câu 2: Trong văn bản “Xe đêm” An-đéc-xen đã tiên đoán như thế nào về tương lai của các cô gái mới quen?

Trả lời:

An-đéc-xen đã tiên đoán về tương lai các cô gái mới quen: "Nếu chẳng may có chuyện gì không lành xảy ra với người yêu cô, cô sẽ đắn đo suy tính, lên đường, vượt qua ngàn dặm, qua núi tuyết và sa mặc khô cằn, để gặp chàng, cứu chàng khỏi cơn nguy nan.

Câu 3: Trong “Xe đêm”, Tác giả cho rằng những thứ vặt vãnh do trí tưởng tượng lượm nhặt được có đặc tính gì?

Trả lời:

Chúng làm sống dậy quá khứ, hồi sinh trọn vẹn tâm trạng từng trải nghiệm trong giây phút nhặt mảnh vỡ nào đó từ một bức tranh ghép, một chiếc lá du hay một chiếc vòng sắt móng lừa.

Câu 4: Hãy xác định và gọi tên thành phần biệt lập trong câu sau

  1. Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

  1. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

  1. Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được.

(Kim Lân, Làng)

Trả lời:

  1. Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài.

Thành phần cảm thán: chao ôi

  1. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu.

Thành phần tình thái: hình như

  1. Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được.

Thành phần tình thái: chả nhẽ

 

Câu 5: Gạch chân các thành phần tình thái hoặc cảm thán trong những câu sau:

  1. Có vẻ như cơn bão đã đi qua
  2. Tôi không rõ, hình như họ là hai mẹ con
  3. Trời ơi, bên kia đường có một cây khô đã chết.
  4. Không thể nào việc đó lại lặp lại lần nữa.

Trả lời:

  1. Có vẻ như cơn bão đã đi qua => Tình thái
  2. Tôi không rõ, hình như họ là hai mẹ con => Tình thái
  3. Trời ơi, bên kia đường có một cây khô đã chết. => Cảm thán
  4. Không thể nào việc đó lại lặp lại lần nữa. => Cảm thán

Câu 6: Tác giả nghị luận chỉ ra đặc điểm chung nào ở ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến?

Trả lời:

Đặc điểm chung của ba bài thơ thu: 

+Viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật

+ Cảnh trí đơn giản gần gũi,quen thuộc với làng quê Việt,Không rườm rà,lòe loẹt mà cũng không gò bó khuôn sáo.

+Đậm đà màu sắc quê hương đất nước.

Câu 7: Trong “Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam”, Tác giả đã sử dụng những cách nêu bằng chứng nào?

Trả lời:

- Tác giả đã sử dụng những cách nêu bằng chứng là: từ cây tre Việt Nam, hình ảnh ao cá, cảnh ai chuôm nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, và những ngôn từ gần gũi mộc mạc về làng quê Việt Nam

- Tác giả phân tích giúp người đọc dễ hiểu và cảm nhận trọn về bức tranh thiên nhiên mùa thu của quê hương đất nước Việt Nam đồng thời gắn liền với thế sự và hình ảnh thân quen của nước nhà như cây tre, áo cá,....


Câu 8:
Trong “Cuộc đời ý nghĩa”. Tác giả cho rằng ý nghĩa của tác phẩm văn học thường không cố định. Câu văn nào trong văn bản giúp em hiểu rõ về vấn đề này?

Trả lời:

- Tác giả cho rằng ý nghĩa của tác phẩm văn học thường không cố định. Câu văn: “Ý nghĩa văn bản không chỉ nằm trong văn bản mà còn nằm trong mối liên hệ nhiều mặt giữa văn bản của cuộc đời.” đã giúp em hiểu rõ về vấn đề này. Tuy nhiên có thời người ta hiểu ý nghĩa văn bản là cái cố định, mang tính đơn nhất, chỉ cần ai đó có tài phát biểu một câu nắm hết hồn vía.

Câu 9: Trong “Cuộc đời ý nghĩa”, Tác giả quan niệm đọc văn là gì?

Trả lời:

Đọc văn là cuộc đi tìm ý nghĩa nhân sinh qua các văn bản thẩm mĩ của văn học bằng chính tâm hồn người đọc. 

Câu 10: Trong “Cuộc đời ý nghĩa”, Em hãy chỉ ra mối quan hệ giữa đoạn (5) và đoạn (6). Mối quan hệ đó làm rõ ý nghĩa gì của việc đọc văn?

Trả lời:

Mối quan hệ giữa đoạn (5) và đoạn (6) làm rõ ý nghĩa của nội dung đoạn trích tập trung bàn về hai khái niệm: “tác phẩm văn học” và “đọc văn học”.

Câu 11: Theo em, vì sao tác giả cho rằng: “Ý nghĩa của văn bản không chỉ nằm ở trong văn bản, mà còn nằm trong mối liên hệ nhiều mặt giữa văn bản với cuộc đời”?

Trả lời:

Hồ Chí Minh quan niệm: “Xã hội thế nào, văn học thế ấy”, văn bản nghệ thuật là sự sáng tạo – sáng tạo trên những chất liệu vốn góp nhặt được từ cuộc sống, là linh hồn, là hơi thở của cuộc đời này. Bởi vậy, ý nghĩa của văn bản hay chính là tư tưởng, tình cảm của nhiều thế hệ nhà văn cầm bút sáng tác đều bị tác động bởi hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa của thời đại.

Văn học là đứa con tinh thần của nhà văn, nhưng nhà văn nào cũng sống trong một thời đại cụ thể, ít nhiều bị chi phối bởi hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa của thời đại đó. Tác phẩm văn học bao giờ cũng mang dấu ấn của thời đại sản sinh ra nó, thời đại tạo ra nhà văn và thông qua nhà văn sáng tạo ra tác phẩm văn học. Muốn tìm hiểu những tầng ý nghĩa sâu sắc nhất của văn bản, người đọc cần phải nhận ra những ảnh hưởng sâu sắc của thời đại đối với văn học, mỗi giai đoạn văn học lại mang những đặc điểm, tính chất riêng. Hơn nữa, một trào lưu, một tác gia, một tác phẩm văn học ra đời cũng chỉ có thể xuất hiện trong một hoàn cảnh lịch sử - xã hội, văn hóa cụ thể.

Trong nhận định của Trần Đình Sử, cuộc đời ở đây không phải là cái chung chung, trừu tượng và không hoàn toàn giống nhau cho dù những tác giả đó có sống cũng một thời đại. Có hoàn cảnh lớn, hoàn cảnh nhỏ, có đời sống rộng lớn và đời sống nhỏ hẹp. Ý nghĩa văn bản cũng phụ thuộc vào năng lực của người viết, mỗi tác giả lại bắt rễ vào một môi trường nào đó của đời sống xã hội, phụ thuộc vào tầm cỡ của tác giả đó xem họ phản ánh sâu sắc vấn đề lớn đến đâu, động chạm đến những vấn đề sống còn nào của xã hội.

Câu 12: Qua đoạn trích “Xe đêm”, em nhận ra tình cảm, thái độ gì của nhà văn Pau-xtốp-xki đối với nhà văn An-đéc-xen?

Trả lời:

An-đéc-xen là nhà văn Đan Mạch nổi tiếng chuyên viết truyện cho thiếu nhi. Những câu truyện cổ An-đéc-xen đã chinh phục được hàng triệu trái tim độc giả. Những câu chuyện của ông luôn được các bạn nhỏ khắp nơi trên thế giới hoan nghênh, thích thú. Các nhân vật trong truyện của ông đôi khi ở trong những hoàn cảnh rất thương tâm, tuy vậy truyện của ông vẫn luôn lấp lánh thứ ánh sáng lãng mạn kì ảo, kết thúc có hậu, mang đến cho bạn đọc niềm tin và tình yêu đối với cuộc sống. Qua đoạn trích Xe đêm, em cảm nhận được tình cảm, thái độ của nhà văn Pau-xtốp-xki đối với nhà văn An-đéc-xen vô cùng chân thực, dường như đây là tâm tư và suy nghĩ của ông dành cho chính bản thân mình. Trong câu chuyện ông dành một sự ưu ái cũng như một mong muốn khát khao là chữa lành cho cuộc sống và con người, đặc biệt là những đứa trẻ. Vì vậy, tình cảm Pau-xtốp-xki dành cho nhà văn An-đéc-xen vô cùng chân thực, nồng cháy và chân thành, gần gũi với cuộc sống hiện thực.

Câu 13: Đọc các câu sau đây (trích từ truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng) và trả lời câu hỏi sau

  1. a) Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh.
  2. b) Anh quay lại nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi.
  3. Các từ ngữ in đậm trong những câu trên thể hiện nhận định của người nói đối với sự việc nêu ở trong câu như thế nào?
  4. Nếu không có những từ ngữ in đậm nói trên thì nghĩa sự việc của câu chứa chúng có khác đi không? Vì sao?

Trả lời:

  1. Chắc, có lẽ là nhận định của người nói đối với sự việc được nói trong câu, thể hiện độ tin cậy cao ở chắc và thấp hơn ở có lẽ.
  2. Nếu không có những từ ngữ in đậm thì sự việc nói trong câu vẫn không có gì thay đổi.

Câu 14: Nêu ý nghĩa của thành phần biệt lập trong đoạn thơ sau

" Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta

Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa."

Trả lời:

 “Ôi” – thành phần cảm thán

Thể hiện tình yêu và lòng biết ơn vô bờ dành cho Hồ Chủ Tịch, Người đã dâng hiến cả cuộc đời mình để lo cho nhân dân, mong đồng bài hạnh phúc, ấm no.

Câu 15: Nêu ý nghĩa của thành phần biệt lập trong đoạn thơ sau

Trời ơi, chỉ còn năm phút!

(Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng.)

Trả lời:

Câu văn được thêm thành phần cảm thán qua từ " trời ơi " như thể hiện cảm xúc tiếc nuối.

Nghĩa của sự việc là thời gian còn rất ngắn ngủi, sắp phải chia tay .

Câu 16: Theo em, điểm chung của cảnh sắc mùa thu được miêu tả trong ba bài thơ: “Thu điểu”, “Thu vịnh”, “Thu âm” là gì?

Trả lời:

Ba bài thơ là những bức tranh nên thơ, vẽ đúng được điệu hồn của mùa thu làng quê đồng bằng Bắc Bộ; ẩn trong cảnh thu thanh bình là nỗi u hoài thầm kín về nỗi đau thời thế nước mất nhà tan mà bản thân bất lực, bế tắc. Mỗi bài thơ thu của Nguyễn Khuyến thực là một bức tranh thuỷ mặc bằng ngôn từ, diễn tả được đúng thần thái cảnh thu đồng bằng Bắc Bộ với những hình ảnh đặc trưng: trời xanh, nước trong, lá vàng, khói trắng, ao, nhà, ngõ… Đọc ba bài thơ dễ nhận thấy không khí yên ả, dịu êm của làng quê tự bao đời.

Câu 17: Tuy điểm gặp gỡ, nhưng mỗi bài thơ vẫn có vẻ đẹp riêng. Em hãy tìm các luận điểm thể hiện sự khác biệt và nêu các lí lẽ, bằng chứng tiêu biểu mà tác giả sử dụng để làm sáng tỏ luận điểm.

Trả lời:

+ “Thu vịnh” phác họa khái quát những đặc điểm nổi bật về mùa thu

+ “Thu điếu” dừng lại ở 1 không gian thời gian cụ thể: Trên 1 ao thu,  vào 1 chiều thu, 1 ông già ngồi trên chiếc thuyền bé tẻo teo.

+ “Thu ẩm” quan sát cảnh thu trong nhiều thời điểm khác nhau để thâu tóm những nét nên thơ nhất

Câu 18: Xuân Diệu cho rằng ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến là thành công tốt đẹp của quá trình "dân tộc hóa nội dung mùa thu" và "dân tộc hóa hình thức lời thơ". Em suy nghĩ như thế nào về nhận định trên?

Trả lời:

Em hoàn toàn đồng ý với nhận định trên của Xuân Diệu về hình ảnh thôn quê hiện lên trong cả ba bài về mùa thu của Nguyễn Khuyến.

  1. Thiên nhiên:

- “Thu vịnh” (“Vịnh mùa thu”)

– Bài thơ không tả mùa thu từ một nơi, trong một lúc mà là bức tranh tổng hợp, khá hoàn chỉnh về mùa thu. Ở đây hầu như có đủ những hình ảnh đặc trưng cho mùa thu ở thôn quê Việt Nam( bầu trời cao xanh, cần trúc mảnh mai, gió thu nhẹ, mặt nước biếc phu sương khói, ánh trăng trong, chùm hoa trước giậu…). Chỉ bằng mấy nét chấm phá, Nguyễn Khuyến đã gợi được cái hồn thu nơi từng cảnh vật Cảm nhận tinh tế của thi nhân được thể hiện rõ qua cách dùng từ:

- Không khí làng quê mùa thu ở Thu vịnh im ắng và phảng phất nỗi u hoài. Không gian và thời gian trở nên mông lung, không xác định trong tâm trạng bâng khuâng buồn của thi nhân. Thế giới thiên nhiên này gợi lên cảm giác yên tĩnh trong trẻo và ngưng lọng ngàn đời. Trước những biến động ngang trái của cuộc đời, Nguyễn Khuyến muốn được mãi mãi ở trong vẻ đẹp thanh tĩnh của làng quê.

- “Thu điếu” (“Câu cá mùa thu”)

-  Bài thơ cảm nhận mùa thu từ một không gian xinh xắn, thơ mộng, từ điểm nhìn của một người câu cá. Mở đầu bằng một cảnh thu bình dị rất riêng của làng, quê đồng bằng Bắc Bộ: ao thu. Một thế giới tĩnh lặng, trong suốt mà trong đó mọi vật hài hòa nhẹ nhõm.

- Đây là mùa thu được cảm nhận bằng tâm trạng của một người ngồi uống rượu. Lúc này, cảnh thu sẽ mang các ấn tượng nỗi niềm riêng – dường như cũng chập chờn, mờ ảo. Có lẽ vì thế mà bài thơ có nhiều từ lấp láy và dùng vần “oe”.

- Thu ẩm không miêu tả riêng một cảnh thu ở một thời điểm nào mà là sự “tổng hợp nhiều cảnh thu ở nhiều thời điểm” (Xuân Diệu). Bài thơ cũng không hề có một chữ “thu” (khác với “trời thu” ở Thu vịnh và “ao thu” ở Thu điếu). Vậy mà đọc lên ta nhận ra chính xác cảnh sắc thu quen thuộc của làng quê Việt Nam. Đây là một mái nhà tranh bình dị trong ngõ tối vào đêm sâu lập lòe những con đom đóm:

Bài thơ tạo trong ta ấn tượng “phi thời gian” nhưng cũng gợi rất sâu vào không khí tĩnh mịch, trong lành vô cùng thân thuộc của thôn quê Việt Nam.

  1. Hình ảnh con người – nhân vật trữ tình:

– Trong chùm thơ thu Nguyễn Khuyến ta không chỉ bắt gặp cảnh mà còn bắt gặp hình ảnh con người thi nhân. Nếu trong thơ ca trước đó, tính ước lệ, quy phạm khiến cho hình ảnh của tác giả thường mờ nhạt, khó có thể cụ thể giọng điệu cảm xúc thì ở chùm thơ thu này, hình ảnh Nguyễn Khuyến hiện lên rất rõ. Đó là hình ảnh của một con người luôn nghĩ về thời thế.

- Ba bài thơ tuy giống nhau về diểm nhìn của tác giả, hệ thống các phương thức biểu hiện. Nhưng mỗi bài lại mang một nét độc đáo của thơ Nguyễn Khuyến. Làng cảnh Việt Nam đặc sắc, quen thuộc, đơn sơ, dung dị, đáng yêu. Cái hồn của quê hương hiện lên thật rõ ràng. Nó rất tiêu biểu cho thơ trữ tình của Nguyễn Khuyến về quê hương thanh đạm, tinh tế, vài nét chấm phá mà vẫn hội tụ được nhiều vẻ đẹp .

  1. Bình luận

-  Đây là ý kiến đúng: Ba bài thơ mỗi bài có những vẻ đẹp khác nhau song hội tụ lại đều nói về cảnh thu, hồn thu về làng cảnh, cuộc sống, phong tục, con người. Trong thơ Nguyễn Khuyến phảng phất một cái buồn lặng lẽ như chính tâm hồn của nhà thơ. Mọi cảnh vật đều đẹp, thanh sơ mang màu sắc của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ với một bầu trời thu xanh cao, một không khí bảng lảng sương khói, một làn gió thu se lạnh, một ao bèo, một thuyền câu,… những hình ảnh này không chỉ là các chi tiết về vùng quê mà nó còn chứa đựng cả tâm hồn nhà thơ.

- Đến với chùm ba bài thơ thu của Nguyền Khuyến, ta bắt gặp những cảnh sắc không thể lẫn của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Những bức tranh thu ấy được vẽ nên bằng tấm lòng yêu mến quê hương mình, bằng tình yêu cuộc sống thanh cao, tĩnh lặng chốn thôn quê của cụ Tam nguyên Yên Đổ. Thành công của những bài thơ thu này cũng chứng tỏ tâm hồn tinh tế, ngòi bút tài hoa của Nguyễn Khuyến. Chúng đưa ông lên địa vị danh dự trong các thi nhân viết về mùa thu, trong những nhà thơ của làng cảnh Việt Nam.

Câu 19: Thành phần phụ chú trong đoạn thơ sau có ý nghĩa gì?

Cô gái nhà bên (có ai ngờ)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)

Trả lời:

 Cụm từ:" có ai ngờ", " thương thương quá đi thôi" chú thích về thái độ của người nói đối với sự việc được nói đến.

Câu 20: Thành phần phụ chú trong đoạn văn sau có tác dụng gì?

 Bước vào thế kỉ mới, muốn “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thì chúng ta sẽ phải lấy đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu. Muốn vậy thì khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là hãy làm cho lớp trẻ – những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ tới – nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.

Trả lời:

Cụm từ:" những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ tới" chú thích cho cụm từ '' lớp trẻ", nhấn mạnh ý nghĩa về vai trò của lớp trẻ đối với tương lai của đất nước.

Câu 21: Tìm thành phần phụ chú cho các đoạn trích sau và cho biết chúng bổ sung điểu gì?

  1. a) Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

  1. b) Giáo dục tức là giải phóng. Nó mở ra cánh cửa dẫn đến hoà bình, công bằng và công lí. Những người nắm giữ chìa khoá của cánh cửa này – các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ – gánh một trách nhiệm vô cùng quan trọng, bởi vì cái thế giới mà chúng ta để lại cho các thế hệ mai sau sẽ tuỳ thuộc vào những trẻ em mà chúng ta để lại cho thế giới ấy.

(Phê-đê-ri-cô May-o, Giáo dục – chìa khoá của tương lai)

Trả lời:

  1. Cụm từ "kể cả anh " bổ sung thêm đối tượng cho cho cụm từ "mọi người"
  2. Cụm từ:" các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ"  bổ sung đối tượng cho cụm từ "Những người nắm giữ chìa khoá của cánh cửa này" 

Câu 22: Nêu ý nghĩa của thành phần biệt lập trong đoạn thơ sau

Trời ơi, chỉ còn năm phút!

(Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng.)

Trả lời:

Câu văn được thêm thành phần cảm thán qua từ " trời ơi " như thể hiện cảm xúc tiếc nuối.

Nghĩa của sự việc là thời gian còn rất ngắn ngủi, sắp phải chia tay .

Câu 23: Truyện cổ An-đéc-xen đã chinh phục hàng triệu trái tim độc giả. Theo em, trí tưởng tượng đã giúp ích như thế nào cho An-đéc-xen trong việc viết truyện cổ tích?

Trả lời:

Truyện cổ An-đéc-xen đã chinh phục hàng triệu trái tim độc giả. Trong việc viết truyện cổ tích, trí tưởng tượng đã giúp ích cho An-đéc-xen rất nhiều, cụ thể là:

+ Bằng trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, ông đã sáng tạo nên một thế giới huyền ảo mà vẫn rất gần gũi với con người, với cuộc sống thường ngày.

+ Ông quan niệm rằng: “Không có truyện kể nào hay hơn được những điều do chính cuộc sống tạo nên”.

+ Nhà văn Nguyễn Tuân đã có nhận định về truyện An-đéc-xen: “Một em nhỏ nào đã đọc qua truyện ngắn An-đéc-xen thì trọn đời không khi nào quên và dửng dưng với thơ ca, mộng ước, tình yêu thương và lòng công bằng…”.

Câu 24: Qua hình tượng An-đéc-xen, em thấy trí tưởng tượng, sáng tạo có vai trò như thế nào trong quá trình sáng tác của nhà văn?

Trả lời:

Trí tưởng tượng sáng tạo là dấu hiệu quan trọng nhất của tài ba nghệ thuật, là một trong những sức mạnh chủ yếu của quá trình sáng tác nghệ thuật. Năng lực tưởng tượng tồn tại trong mỗi con người mà theo Lê-nin thì tưởng tượng là phẩm chất có giá trị vĩ đại nhất. Tưởng tượng là ước đoán, là mơ ước, là đoán định, là vượt lên phía trước. Nếu không có tưởng tượng, con người không sáng tạo ra được gì hết và do đó không thể tồn tại và phát triển được.

Đối với sáng tạo nghệ thuật, tưởng tưởng là đặc biệt quan trọng. M.Gorky coi sức tưởng tượng như là một trong những biện pháp quan trọng nhất của kĩ thuật xây dựng hình tượng trong một tác phẩm văn học. Hay Viat-se-xlap Xi-khốp từng nói:”Nếu không có tưởng tượng thì không có nghệ thuật”. Từ dòng thác của những cảm xúc, những điều quan sát về hiện thực, trí tưởng tượng vẽ nên những hình tượng có tính sáng tạo của hư cấu, Nhờ trí tưởng tượng, hình tượng nghệ thuật hư cấu trở nên đúng hơn và chân thực hơn của sự thật cuộc sống. Nếu không có trí tưởng tượng, văn học sẽ trở thành sao chép cuộc sống một cách máy móc, vụn vặt, tẻ nhạt, là ghi lại những biểu hiện bên ngoài của hiện thực

Câu 25: Trong các từ ngữ in đậm ở những trích (từ truyện ngắn Làng của Kim Lân) sau đây và trả lời câu hỏi.

  1. – Này, bác có biết mấy hôm nay súng nó bắn ở đâu mà nghe rát thế không?
  2. – Các ông, các bà ở đâu ta lên đấy ạ?

Ông Hai đặt bát nước xuống chõng hỏi. Một người đàn bà mau miệng trả lời:

Thưa ông, chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ.

Câu hỏi:

  1. Trong những từ ngữ nào được dùng để gọi, từ ngữ nào được dùng để đáp?
  2. Những từ ngữ dùng để gọi người khác hay đáp lời người khác như trong các câu trên có tham gia diễn đạt nghĩa sự việc của câu hay không?
  3. Trong các từ ngữ in đậm ở những câu trên, từ ngữ nào được dùng để tạo lập cuộc thoại?

Trả lời:

  1. Từ Nàydùng để gọi, cụm từThưa ông dùng để đáp
  2. Những từ ngữ dùng để gọi người khác hay đáp lời người khác như trong các câu trên không có tham gia diễn đạt nghĩa sự việc của câu.
  3. Từ Nàyđược dùng để tạo lập cuộc thoại.

Câu 26: Xác định thành phần gọi - đáp trong câu ca dao sau và cho biết lời gọi đáp đó hướng đến ai?

Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn.

Trả lời:

Thành phần gọi đáp: Bầu ơi

Các tính chất chung không hề hướng đến ai. Bầu, bí ở đây ẩn dụ chỉ những người trong cùng một nước, cùng một dân tộc một truyền thống lịch sử

Câu 27: Theo em, phê bình văn học trải qua mấy giai đoạn chính? Nêu cụ thể tên từng giai đoạn đó.

Trả lời:

Phê bình văn học nhân loại, đến nay, được các nhà nghiên cứu xác nhận là đã trải qua ít nhất là ba giai đoạn chính:

  1. Giai đoạn truyền thống, tiếp cận tác phẩm từ tác giả.
  2. Giai đoạn tiền hiện đại, tiếp cận tác phẩm từ chính bản thân tác phẩm.
  3. Giai đoạn hiện đại và hậu hiện đại, tiếp cận tác phẩm từ độc giả.

Tương ứng với các giai đoạn trên là sự tồn tại của hai hệ hình nghiên cứu: từ tác giả sang tác phẩm và từ tác phẩm sang độc giả trên cơ sở thay đổi hiện thực cuộc sống, đối tượng văn học, quan niệm triết mỹ, môi trường văn hóa, sự vận động của ngôn ngữ, phương pháp tư duy cũng như thay đổi phương pháp sáng tác và phê bình...

 

Câu 28: Viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về việc thanh niên chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, trong đó có câu chứa thành phần phụ chú.

Trả lời:

Bước vào thế kỉ mới - một thế kỉ đầy hứa hẹn với tương lai nhưng cũng đầy thử thách, con người, đặc biệt là thanh niên cần phải chuẩn bị những hành trang để có thể cất cánh trên chặng đường bay của mình bất cứ lúc nào. Chúng ta đang bước vào thời kì hội nhập và phát triển, cũng là thời kì của công dân toàn cầu với yêu cầu lao động ngày càng cao. Vì thế mà hành trạng mà thế hệ trẻ Việt Nam cần phải tự trang bị cho mình ấy là tri thức, là kỹ năng, những phẩm chất tốt đẹp, tính cần cù, tỉ mỉ, chịu được khổ, được khó; dám chịu trách nhiệm, dám lên tiếng đấu tranh, dám nói và đặc biệt là phải có một trái tim yêu thương. Muốn làm được điều ấy, thanh niên chỉ có một con đường duy nhất là học tập và rèn luyện kết hợp với trải nghiệm thực tiễn. Học tập và rèn luyện giúp trau dồi, nắm bắt kiến thức tốt nhất. Còn trải nghiệm thực tiễn giúp ta nhận ra khó khăn để khác phục những hạn chế, tiếp tục phát triển, vững bước đi lên. Việt Nam là một nước là nước đang phát triển với nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng muốn bật lên, vươn xa hơn nữa chỉ có đào tạo và phát triển con người. Đó mới là cách phát triển bền vững nhất.

Câu 29: Xác định và nêu ý nghĩa của thành phần biệt lập trong đoạn trích sau

“Hỡi đồng bào cả nước!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới…”

(Trích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Thàn phần goi – đáp: hỡi, tuy không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa của câu nhưng có tác dụng tạo cảm xúc thân thương cho câu văn, khiến cho lời nói sôi sục tinh thần, và ý chí chiến đấu với kẻ thù, là sự hô hào, kêu gọi toàn dân đồng lòng kháng chiến.

Câu 30: Phân biệt thành phần biệt lập tình thái và thành phần biệt lập cảm thán

Trả lời:

* Điểm giống nhau

Thành phần biệt lập tình thái và thành phần biệt lập cảm thán đều không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa của câu và cả hai thành phần này đều không tham gia vào cấu trúc ngữ pháp của câu.

* Điểm khác nhau

+ Thành phần biệt lập tình thái được sử dụng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói trong câu

+ Thành phần biệt lập cảm thán được dùng để bộc lộ tâm lý của người nói ở trong câu.

+ Để nhận biết được thành phần biệt lập, chúng ta có thể chú ý đến một số dấu hiệu như sau:

- Thành phần tình thái: dựa trên thái độ, cảm xúc, cách nhìn nhận vấn đề của người nói ở trong câu

- Thành phần cảm thán: dựa vào thái độ, tâm lý của người nói

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay