Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều Ôn tập Bài 1: Truyện ngắn (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 1: Truyện ngắn (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 cánh diều.

ÔN TẬP BÀI 1. TRUYỆN NGẮN (PHẦN 2)

Câu 1: Nêu bố cục văn bản “Tôi đi học”

Trả lời:

- Phần 1 (Từ đầu văn bản đến … lướt ngang trên ngọn núi): Tâm trạng, cảm xúc của nhân vật “tôi” trên đường từ nhà tới trường.

- Phần 2 (Từ tiếp cho đến …xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết): Tâm trạng cảm xúc của nhân vật khi đứng trước sân trường.

- Phần 3 (Còn lại): Dòng tâm trạng, cảm xúc của nhân vật tôi khi bước vào lớp học và bắt đầu tiết học mới.

Câu 2: Nêu giá trị nội dung và nghệ thuật “Tôi đi học”

Trả lời:

Giá trị nội dung: Trong cuộc đời mỗi chúng ta, kỉ niệm trong sáng của tuổi học trò, nhất là buổi tựu trường đầu tiên thường được ghi nhớ mãi. Thanh Tịnh đã diễn tả tinh tế cảm xúc này qua dòng cảm nghĩ trong trẻo của nhân vật “tôi” về những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học

Giá trị nghệ thuật:

- Tình huống truyện độc đáo: ngày đầu tiên đi học.

- Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các phương thức: tự sự, miêu tả và biểu cảm.

- Truyện cấu tạo theo dòng hồi tưởng: từ hiện tại nhớ về quá khứ.

- Hình ảnh được miêu tả đặc sắc, giàu sức gợi hình, gợi cảm.

- Giọng điệu trữ tình, trong sáng.

- Sử dụng ngôn ngữ giàu yếu tố biểu cảm, hình ảnh so sánh độc đáo ghi lại dòng liên tưởng, hồi tưởng của nhân vật tôi.

Câu 3: Hãy trình bày khái niệm trợ từ và thán từ.

Trả lời:

- Trợ từ là những từ chuyên đi kèm một từ ngữ nào đó trong câu để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ đánh giá sự vật, sự việc được nói đến ở từ ngữ đó.

- Thán từ là những từ dùng để bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc của người nói (người viết) hoặc dùng để gọi – đáp.

Câu 4: Hãy trình bày chức năng của trợ từ. Cho ví dụ.

Trả lời:

- Trợ từ có tác dụng nhấn mạnh sự vật, sự việc được nói đến ở từ ngữ mà nó đi kèm.

Ví dụ: cả, ngay, chính,...

Ngay lần đầu gặp gỡ, tôi và thằng Lai-ca đã sung sướng nhìn nhau như thể nhìn vào gương.

Trợ từ “ngay” nhấn mạnh thời điểm “lần đầu gặp gỡ” của “tôi” và Lai-ca.

- Trợ từ có tác dụng biểu thị thái độ đánh giá sự vật, sự việc được nói đến ở từ ngữ mà nó đi kèm.

Ví dụ: những chỉ, có,...

Chỉ sau dăm đêm, dải cát nổi giữa sông chìm vào trong nước đỏ.

Trợ từ “chỉ” biểu thị thái độ đánh giá của người viết: thời gian dải cát nổi giữa sông chìm vào dòng nước đỏ là rất nha rất nhanh (dăm đêm).

Câu 5: Hãy trình bày chức năng của thán từ. Cho ví dụ.

Trả lời:

Thán từ gồm hai loại chính:

- Thán từ bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc như: a, ái, ôi, ơ, ô hay, than ôi, trời ơi,...

Ví dụ: A! Mẹ đã về.

Thán từ “a” trong câu trên biểu thị sự ngạc nhiên, vui mừng của con khi thấy mẹ về.

- Thán từ gọi – đáp như: ơi, vâng, dạ, ừ,...

Ví dụ: Dạ, cảm ơn chị.

Thán từ “dạ” trong câu trên là từ dùng để đáp lại lời người khác một cách lễ phép.

Khi sử dụng thán từ, người nói thường thể hiện ngữ điệu hay cử chỉ, nét mặt, điệu bộ,... tương ứng với cảm xúc mà thán từ biểu thị.

Câu 6: Truyện ngắn “Người mẹ vườn cau” viết về đề tài gì? Giải thích nhan đề “Người mẹ vườn cau”.

Trả lời:

- Truyện ngắn này viết về đề tài: Người mẹ / Gia đình / Tình cảm con người.

- Nhan đề được đắt theo cách: lấy tên một nhân vật chính trong tác phẩm.

- Nhận xét về nhan đề: Tuy văn bản nói về bà của nhân vật “tôi” nhưng nhân vật “tôi” đã hướng một phần câu chuyện để nói về bố và bà, tức là người mẹ và con cái.

Câu 7: Theo em, chủ đề của truyện ngắn “Người mẹ vườn cau” là gì?

Trả lời:

- Chủ đề của truyện ngắn là nói về tình cảm lớn lao mà người mẹ dành cho con cái của mình.

Câu 8: Truyện “Người mẹ vườn cau” được kể theo ngôi thứ mấy? Người kể ấy có tác dụng như thế nào?

Trả lời:

- Truyện được kể theo ngôi thứ nhất.

- Tác dụng: Giúp người kể có thể trực tiếp miêu tả, đánh giá và bộc lộ cảm xúc của mình

Câu 9: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Gió lạnh đầu mùa” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Thạch Lam

- Thể loại: Truyện ngắn

- Nội dung: Qua việc thương cảm và sẻ chia của ba mẹ con nhà Sơn với hai mẹ con nhà Hiên, truyện đã vẽ lên một bức tranh ngày đầu đông giá rét ở vùng quê nghèo nhưng tấm lòng con người đã làm cho mọi thứ trở nên ấm áp hơn.

Câu 10: Hãy trình bày một số thông tin cơ bản về tác giả Thạch Lam.

Trả lời:

- Thạch Lam (1910 – 1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sinh ra ở Hà Nội, lúc nhỏ sống ở quê ngoại – phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

- Ông sáng tác ở nhiều thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, tuỳ bút,...) song thành công nhất vẫn là truyện ngắn.

- Truyện ngắn của Thạch Lam giàu cảm xúc, lời văn bình dị và đậm chất thơ. Nhân vật chính thường là những con người bé nhỏ, cuộc sống nhiều vất vả, cơ cực mà tâm hồn vẫn tinh tế, đôn hậu. Tác phẩm của Thạch Lam ẩn chứa niềm yêu thương, trân trọng đối với thiên nhiên, con người, cuộc sống.

- Các tập truyện ngắn tiêu biểu của Thạch Lam: Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc,…

Câu 11: Hãy tóm tắt nội dung chính của truyện “Gió lạnh đầu mùa”. Xét về cốt truyện, văn bản “Gió lạnh đầu mùa” (Thạch Lam) và “Tôi đi học” (Thanh Tịnh) có gì giống nhau?

Trả lời:

Tóm tắt:

          Mùa đông đột ngột đến với phố chợ nghèo khiến cho Sơn không muốn dậy ngay. Mẹ Sơn thấy thế bảo chị Lan lấy quần áo ra cho Sơn mặc. Nhân thể, mẹ cho Sơn và Lan xem chiếc áo bông cũ của em Duyên, đứa em gái của Lan và Sơn đã mất từ lúc bốn tuổi. Chuyện này làm mọi người xúc động thoáng chốc. Sau khi mặc áo ấm, Sơn và chị ra ngoài chơi với những đứa trẻ ở gần đó. Thấy Hiên không có áo để mặc trong ngày đông giá rét, Sơn và chị đã về lấy cho Hiên cái áo bông cũ. Sơn và chị sau đó phải đi tìm Hiên để đòi lại áo nhưng không thấy, khi về đến nhà thì mẹ con Hiên đã ở đó để trả lại áo. Mẹ Sơn có chút quở trách chị em Sơn vì chưa xin phép mà đã tự ý lấy đồ đi cho người khác nhưng cũng vui vì chị em Sơn biết thương người.

=> Xét về cốt truyện, văn bản “Gió lạnh đầu mùa” và “Tôi đi học” có điểm giống nhau là đều có cốt truyện đơn giản, nói về cuộc sống đời thường.

Câu 12: Hãy nhận xét về nhan đề của văn bản “Gió lạnh đầu mùa”

Trả lời:

- Nhan đề “Gió lạnh đầu mùa” được đặt theo cách là lấy tên một sự vật, sự kiện, hiện tượng, hình ảnh cụ thể,… có trong tác phẩm.

- Nhan đề tuy không khái quát nội dung chính của văn bản như cuộc sống nghèo khổ hay tấm lòng nhân hậu, thương cảm nhưng chính việc “gió lạnh” đến là tiền đề, là bối cảnh để phát sinh ra câu chuyện đáng nhớ cho mọi người. Đây là cách đặt nhan đề cho người đọc nhiều lắng đọng.

Câu 13: Các thán từ in đậm trong những câu sau đây bộc lộ những cảm xúc gì?

  1. a) Chuột Cống chùi bộ râu và gọi đám bộ hạ: "Kìa chúng bay đâu, xem thằng Nồi Đồng hôm nay có gì chén được không?".

Lũ chuột bò lên chạn, leo lên bác Nồi Đồng. Năm sáu thằng xúm lại húc mõm vào, cố mãi mới lật được cái vung nồi ra. "Ha ha! Cơm nguội! Lại có một bát cá kho! Cá rô kho khế: vừa dừ vừa thơm, Chít chít, anh em ơi, lại đánh chén đi thôi!".

Bác Nồi Đồng run như cầy sấy: "Bùng boong. Ái ái! Lạy các cậu, các ông, ăn thì ăn, nhưng đừng đánh đổ tôi xuống đất. Cái chạn cao thế này, tôi ngã xuống không vỡ cũng bẹp, chết mất!".

  1. b) Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Trả lời:

  1. a) Ha ha: bộc lộ cảm xúc vui sướng, khoái chí
  2. b) Ái ái: bộc lộ cảm giác bị đau đột ngột
  3. c) Than ôi: biểu lộ sự đau buồn, thương tiếc

Câu 14: Hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ “Gọi dạ bảo vâng”.

Trả lời:

Câu tục ngữ này khuyên bảo chúng ta cách dùng thán từ gọi đáp biểu thị sự lễ phép.

Câu 15: Ngôn ngữ trong truyện “Người mẹ vườn cau” là ngôn ngữ ở miền nào?

Trả lời:

- Ngôn ngữ trong văn bản là ngôn ngữ ở miền Nam. Điều đó có thể được nhận ra thông qua các từ ngữ địa phương trong bài như: ba (bố), má (mẹ), vầy (vậy), méc (mách), tòn tọt ((uống) rất nhanh và nhiều), sui (thông gia), mùng (màn),…

Câu 16: Hãy nhận xét về việc miêu tả không gian, cảnh vật, con người trong truyện “Người mẹ vườn cau”.

Trả lời:

- Đầu tiên, em hãy liệt kê một số câu miêu tả tiêu biểu như các câu nói về khung cảnh trời mưa ở phần (1) và (2); cảnh vườn sai trữu quả; các câu miêu tả về ngoại hình của nội.

- Qua đó, em có thấy một số điểm sau:

+ Tác giả sử dụng đa dạng các tính từ, trạng từ, phụ từ để việc miêu tả được chân thật, sinh động.

+ Tác giả thường sử dụng câu cú kiểu mỗi câu nhiều ý, ví dụ như: “Mưa nhiều, con đường từ dưới bến lên nhà, đất bùn lẹp nhẹp, tôi ngã oành oạch.

+ Việc miêu tả góp phần làm nổi bật những nét điển hình về người mẹ. Người mẹ ở các miền quê xưa thường quen sống trong căn nhà đơn sơ, gắn với ruộng vườn. Họ là những người tảo tần,… Ở phần (2), chú ý đến câu “Tối đó mưa xập xoài rả rích,…”. Câu này có sự liên kết với tâm trạng lúc này của nhân vật người cha.

Câu 17: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Tôi đi học” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Thanh Tịnh

- Thể loại: Truyện ngắn

- Truyện “Tôi đi học” được in trong tập “Quê mẹ”, xuất bản năm 1941.

- Nội dung: Văn bản được bố cục theo dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi” về những kỉ niệm buổi tựu trường. Đó là cảm giác náo nức, hồi hộp, ngỡ ngàng với con đường, bộ quần áo, quyển vở mới, với sân trường, với các bạn; cảm giác vừa xa lạ vừa gần gũi với mọi vật, vừa ngỡ ngàng vừa tự tin và vừa nghiêm trang vừa xúc động bước vào giờ học đầu tiên.

Câu 18: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Thanh Tịnh.

Trả lời:

- Thanh Tịnh (1911 – 1988) tên khai sinh là Trần Văn Ninh, quê ở xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô thành phố Huế.

- Từ năm 1933, ông đi làm ở các sở tư rồi vào nghề dạy học và bắt đầu viết văn, làm thơ.

- Sáng tác của Thanh Tịnh - nhìn chung đều toát lên vẻ đẹp đằm thắm, tình cảm êm dịu, trong trẻo.

- Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2007).

- Tác phẩm chính: Hận chiến trường (tập thơ, 1937), Quê mẹ (tập truyện ngắn, 1941), Ngậm ngải tìm trầm (tập truyện ngắn, 1943), Sức mồ hôi (ca dao, 1954), Những giọt nước biển (tập truyện ngắn, 1956),...

Câu 19: Những gì đã gợi lên trong lòng nhân vật “tôi” kỉ niệm về buổi tựu trường đầu tiên?

Trả lời:

Cảnh vật mùa thu đã gợi lên trong lòng nhân vật “tôi” kỉ niệm về buổi tựu trường đầu tiên:

- “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường”

- “Mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.”

 

Câu 20: Truyện ngắn “Tôi đi học” là một truyện ngắn giàu chất thơ. Theo em, điều gì tạo nên đặc điểm ấy (về nội dung, hình thức, ngôn ngữ)?

Trả lời:

- Về nội dung: Kể lại sự việc giản dị, đời thường kết hợp với miêu tả và bộc lộ tâm trạng, cảm xúc.

- Về hình thức: “Tôi đi học” là một tác phẩm văn xuôi cỡ nhỏ. Diễn đạt, bố cục theo dòng cảm xúc của nhà văn.

- Về ngôn ngữ:

+ Sử dụng nhiều tính từ, trạng từ: góp phần tăng khả năng miêu tả

+ Sử dụng ngôn ngữ giản dị, đời thường, tự nhiên

+ Sử dụng nhiều hình ảnh so sánh

Câu 21: Hãy viết một hoặc một vài đoạn văn về người mẹ (nếu viết được theo phong cách của văn bản thì càng tốt).

Trả lời:

Em nên viết một câu chuyện về mẹ em trong đó có miêu tả và biểu cảm.

Tham khảo:

Vào những buổi tối mùa đông, lúc hơi lạnh thấm qua cửa sổ khiến bàn tay tôi run lên vì buốt giá, tôi lại nhớ đến những mùa đông năm nào...

… Những buổi tối mùa đông ấy, gió bấc thổi len qua những bụi tre dày gai góc rì rào như muốn tâm tình với mái nhà lợp rạ đầy lá tre khô rơi. Mái nhà ấy đã ôm ấp mẹ con tôi, vì chiến tranh mà đã rời xa một phố cổ về với chốn thôn quê này.

Trên chiếc bàn tre, bên ngọn đèn dầu, mẹ tôi nghiêng mái đầu bên chồng vở học trò. Mẹ tôi là cô giáo, suốt đời chỉ biết làm một nghề: dạy trẻ con tập đọc, tập viết và tập làm tính.

Tối tối như thế, tôi thấy mẹ tôi ngồi nắn nót viết từng chữ mẫu đầu dòng bằng mực đỏ lên từng cuốn vở học trò. Ngày ấy, chưa có những sách tập viết in những hình chấm chấm để học trò tô theo như bây giờ. Mẹ tôi thường dùng bút chì viết mẫu để sớm mai học sinh sẽ tô lên đó bằng bút mực.

Những tối mùa đông như thế, ngồi học bài bên mẹ như một con mèo nhỏ, tôi lắng nghe tiếng bút mẹ tôi đưa nhẹ trên trang giấy trắng những nét thanh, nét đậm. Đôi khi tôi thấy gợn trong lòng một chút tê tê từ trên đầu ngón tay mẹ tôi.

Thuở ấy ở làng quê, mẹ tôi dạy những đứa trẻ vốn chỉ quen mò cua bắt ốc, chăn trâu cắt cỏ. Có những thằng cu nghịch ngợm và viết xấu quá, nhiều buổi tối mẹ tôi bảo cả mấy đứa đến ngồi bên. Mẹ tôi đặt bàn tay thon thả xanh xao cầm lấy bàn tay bé nhỏ nhưng đã sớm khô ráp chai sẵn của những thằng cu ấy. Mẹ tôi cầm tay học trò viết từng nét cong, nét thẳng. Rồi khi buông ra để học trò tự viết lấy, tôi thấy mẹ tôi khẽ mím môi, hơi thở nhẹ hẳn đi, mái đầu như đưa theo bàn tay của các em. Đến khi xem lại những chữ học trò tròn trịa ngay ngắn, mẹ tôi khẽ gật đầu. Rồi mẹ tôi cất tiếng đọc, một giọng thanh thoát nhẹ nhàng để trẻ con bắt chước theo. Nghe học trò đọc, không thấy ngọng nữa, mẹ tôi mỉm cười trìu mến lắm.

Nụ cười ấy mẹ tôi đã giữ trọn vẹn cho đến lúc bà ra đi mãi mãi.

Sau này, nhiều khi viết xong được những dòng ngay ngắn, tôi lại thấy ở trên cao xanh xa xa, mẹ tôi đang nhìn tôi khẽ gật đầu và mỉm cười trìu mến vô cùng.

Câu 22: Chọn các trợ từ “những, đến, chính, độc, tịnh, là” điền vào chỗ trống thích hợp trong những câu sau đây:

  1. a) Trong những năm tháng khó khăn, /.../ bác Thanh đã giúp đỡ gia đình chúng tôi rất nhiều.
  2. b) Trường nó ở xa, con bé ngày nào cũng phải leo đèo lội suối /.../ bốn năm ki-lô-mét.
  3. c) Trên đường /.../ không một bóng người.
  4. d) Ruộng đất màu mỡ /.../ thế, vậy mà đồng bào các vùng nói trên phải chạy từng lon gạo.
  5. e) Con ra đi, mẹ ở nhà /.../ nhớ cùng mong.
  6. g) Phòng chỉ kê /.../ hai cái giường.

Trả lời:

  1. a) chính b) đến c) tịnh
  2. d) là e) những g) độc

Gợi ý một vài chỗ khó:

– Trợ từ “những” ở đây đặt trước động từ biểu thị ý nhấn mạnh tính chất của một tâm lí, tình cảm tựa như xâm chiếm hết cả tâm hồn.

– Trợ từ “độc” biểu thị ý nhấn mạnh số lượng chỉ có một hoặc rất ít mà thôi, không có thêm gì khác.

– Trợ từ “tịnh” biểu thị ý nhấn mạnh sự phủ định nêu ra sau đó; hoàn toàn, tuyệt nhiên.

Câu 23: Trợ từ được phân thành hai nhóm. Đó là những nhóm nào? Hãy nêu điểm chung và điểm khác của hai nhóm này.

Trả lời:

- Trợ từ được phân thành hai nhóm:

+ Nhóm thứ nhất: gồm các từ như những, có, chính, đích, ngay,...

+ Nhóm thứ hai: gồm các từ như à, ư, nhỉ, nhé, chứ đi, thay,...

- Hai nhóm từ này đều có chung mấy đặc tính ngữ pháp – ngữ nghĩa sau đây:

+ Không làm thành phần câu.

+ Không làm thành phần của cụm từ.

+ Không làm phương tiện liên kết các thành phần của cụm từ hoặc thành phần của câu.

+ Biểu thị mối quan hệ giữa người nói với điều được nói đến ở trong câu (nhấn mạnh, nghi vấn, cầu khiến, thân mật, ngạc nhiên,..).

- Tuy nhiên hai nhóm từ này cũng có chỗ khác nhau:

+ Các từ thuộc nhóm thứ nhất có tác dụng nhấn mạnh ý nghĩa của một từ ngữ trong câu.

+ Còn tác dụng của các từ thuộc nhóm thứ hai thì lại liên quan đến ý nghĩa của cả câu.

Câu 24: Văn bản “Gió lạnh mùa đông” viết về đề tài gì? Nêu chủ đề của truyện.

Trả lời:

- Đề tài của truyện: Tình cảm con người; làng quê; trẻ em.

- Chủ đề của truyện: Tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa người với người trong cuộc sống.

Câu 25: Phân tích diễn biến tâm trạng của Sơn trước và sau khi cho chiếc áo. Chi tiết nào làm em chú ý và xúc động nhất? Vì sao?

Trả lời:

- Diễn biến tâm trạng của Sơn: Sơn khi chợt nhận ra là nhà cái Hiên rất nghèo thì “động lòng thương”, lại nhớ đến em mình. Sơn sau đó đã cho Hiên cái áo bông cũ của em Duyên, điều đó khiến Sơn “trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui”. Tuy vậy, sau khi về nhà ăn cơm thì Sơn được vú già nói cho chuyện của con Sinh, Sơn liền cảm thấy lo sợ và cùng chị chạy đi tìm Hiên khắp nơi để đòi lại áo vì chưa xin phép mẹ.

=> Có thể thấy đây là hành động và diễn biến tâm trạng thông thường của một đứa trẻ có lòng thương người nhưng suy nghĩ có phần ngây thơ.

- Chi tiết nào làm em chú ý và xúc động nhất? Hãy trả lời câu hỏi này theo cảm nhận của em.

Ví dụ: Chi tiết làm em chú ý và xúc động nhất là chi tiết “cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn chơi cùng Hiên, đừa nghịch ở vườn nhà”. Chi tiết cho thấy Sơn luôn buồn, nhung nhớ và thương cảm với người em gái xấu số của mình, đồng thời cũng chỉ ra Sơn biết quan tâm đến mọi người. Chuyện Duyên chơi với Hiên ngày trước khiến cho ta cảm thấy dường như Sơn lúc này nhìn thấy Hiên như thấy em mình, thương Hiên cũng như thương em mình.

Câu 26: Nhận xét về thái độ và cách ứng xử của hai bà mẹ (mẹ Sơn và mẹ Hiên) trong phần cuối của truyện. Theo em, vì sao mẹ Sơn lại không hài lòng khi chị em Sơn cho Hiên chiếc áo bông ấy?

Trả lời:

Qua đoạn hội thoại, ta thấy:

- Mẹ Hiên: Khôn khéo, biết cách xử trí tình huống: khi mẹ Sơn thấy chị em Sơn về và nghiêm nghị hỏi chuyện cái áo thì mẹ Hiên đã nói đỡ cho hai chị em ngay, tránh làm họ khó xử: “Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây lại trả mợ”. Nói xong mẹ Hiên cũng xin phép về luôn. => Mẹ Hiên tuy nghèo nhưng có lòng tự trọng, không vì tham lam mà để mọi chuyện trở nên gay gắt với tất cả. Mẹ Hiên cũng là một người hiểu chuyện.

- Mẹ Sơn: Vừa có sự nghiêm khắc nhất định, vừa có lòng thương người. Mẹ Sơn cũng vừa có ý quở trách, muốn cho hai chị em một bài học nhưng cũng thấy vui với tấm lòng đáng quý của các con.

=> Hai người mẹ biết cách xử lý vấn đề theo cách ôn hoà, không khiến cho vấn đề trở nên to tát, nghiêm trọng.

Mẹ Sơn không hài lòng khi chị em Sơn cho Hiên chiếc áo bông vì hai chị em chưa xin phép mẹ mà đã tự quyết định.

Câu 27: Hành động vội vã đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông cũ có làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn không? Vì sao?

Trả lời:

Hãy trả lời tuỳ thuộc vào suy nghĩ của em.

Ví dụ:

- Hành động đó không làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn vì nhà văn miêu tả đúng với đặc điểm của một em nhỏ ngây thơ: Sơn sợ bị mẹ mắng và có lẽ lúc đó em mới hiểu mẹ rất quý chiếc áo bông cũ ấy…

- Hành động đó khiến em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn vì thấy Sơn “trẻ con” quá, đã cho bạn rồi lại còn đòi lại,…

Câu 28: Có người cho rằng, truyện “Gió lạnh đầu mùa” chỉ có ý nghĩa đơn giản là việc cho chiếc áo bông cũ. Em có đồng ý không? Vì sao? Theo em, truyện ngắn này có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

- Truyện ngắn này không đơn giản là việc cho chiếc áo bông cũ mà là một sự tái hiện lên cuộc sống nghèo khó của người dân Việt Nam ở các miền quê thời trước. Tuy nghèo khó là vậy nhưng mọi người vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp, đặc biệt là tấm lòng thương cảm của Sơn.

Câu 29: Vẻ đẹp của truyện “Gió lạnh đầu mùa” không chỉ hiện lên qua hình thức (câu chữ, hình ảnh,…) mà còn ở tình cảm trong sáng của những tấm lòng nhân hậu bao dung. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 – 12 dòng) để làm rõ điều đó.

Trả lời:

Gợi ý làm bài:

Đoạn văn của em cần có các ý sau:

- Vẻ đẹp của truyện được thể hiện qua hình thức:

+ Cách tác giả mô tả không gian, cảnh vật, con người

+ Ngôn ngữ giản dị, đời thường, chân thật phù hợp với nội dung của truyện

- Vẻ đẹp của truyện còn hiện lên ở tình cảm trong sáng của những tấm lòng nhân hậu bao dung:

+ Chỉ ra tấm lòng nhân hậu được thể hiện trong truyện

+ Chú ý làm nổi bật cái suy nghĩ trong sáng, hồn nhiên, ngây thơ ở nhân vật Sơn

Câu 30: Viết bài văn ngắn ghi lại ấn tượng của em trong buổi đến trường khai giảng lần đầu tiên.

Trả lời:

Lưu ý: Nếu em không thể nhớ lại buổi khai giảng đầu tiên trong đời của mình thì em có thể viết về một buổi khai giảng khác mà em ấn tượng hơn cả hoặc viết về một sự kiện, một hoạt động có tính đầu tiên mà em tham gia và nó đã để lại cho em những kí ức khó quên.

Tham khảo:

Ngày đầu tiên đi học

Mẹ dắt tay đến trường

Em vừa đi vừa khóc

Mẹ dỗ dành bên em

Ngày đầu tiên đi học

Em mắt ướt nhạt nhoà

Cô vỗ về an ủi

Chao ôi! Sao thiết tha

Khi đọc lại những câu trên mỗi chúng ta đều nhớ, hàng năm cứ đến độ thu sang đầu tháng 9, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, ngoài vườn hương thơm ngát, ong bướm bay rộn ràng, lòng em lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường, lại xôn xao khó tả. Nhưng có lẽ ngày khai giảng đáng nhớ nhất chính là ngày em bước vào lớp 1. Tạm biệt những ngày tháng rong chơi tuổi thơ, chúng ta bắt đầu bước vào một hành trình mới trong cuộc đời của mình. Đến trường để học những nét chữ, phép toán đầu tiên.

Em vẫn nhớ hôm ấy – một buổi sớm mai có tia nắng lấp ló bên ô cửa sổ. Em phải cùng mẹ đến trường để tham dự lễ khai giảng năm học mới. Hôm đó em dậy sớm. có lẽ vì em thấy mình đã khôn lớn và một lý do quan trọng hơn nữa, đó là ngày khai trường đầu tiên trong cuộc đời của mình. Em mặc bộ đồng phục mới mà mẹ đã mua cho em và tự tay chuẩn bị cặp sách. Mẹ đeo cặp cho em, và hai mẹ con bước đi trên con phố nhỏ vào sáng mùa thu dịu mát. Đi trên con đường thân thuộc hàng ngày, mà trong lòng em không khỏi lo lắng, háo hức, nôn nao chờ đợi. Chờ đợi những gì mà em sắp sửa trải qua: đó là ngày đầu tiên dự buổi khai trường năm học mới.

Khi đến cổng trường, em cảm thấy rất ngạc nhiên vì khác xa với ngôi trường mẫu giáo, trường tiểu học có rất đông bạn nhỏ cũng được bố mẹ đưa đến trường. Những chị học sinh khối 4, 5 duyên dáng trong chiếc váy đồng phục, những anh chị khăn quàng đỏ thắm trên vai, em đặc biệt chú ý những bạn cùng lứa tuổi với em, áo quần tinh tươm rụt rè nắm lấy tay mẹ đến trường. Mẹ khẽ lay tay em và nói: “Đến trường rồi kìa con!”. Trường to lớn và đồ sộ hơn trường mẫu giáo nhiều. Trước cổng trường có một tấm bảng đề chữ màu xanh biển rất to: “Trường tiểu học Quang Trung”.

Bước vào cổng trường, có khoảng sân rộng đã đến trước cửa lớp. Em vẫn nhớ rất rõ là mình học lớp 1A do cô Phương làm chủ nhiệm lớp. Cô dìu tay em vào lớp và xếp chỗ ngồi. Em bịn rịn buông tay mẹ và chợt cảm giác hụt hẫng chiếm lấy trong long lúc ấy. Nhìn các bạn chung quanh mình trông ai cũng lạ lẫm.

Cô giáo yêu cầu phụ huynh ra về để lớp bắt đầu giờ học. Em chào mẹ qua cửa sổ. Có vài bạn khóc to lên gọi bố, gọi mẹ khi thấy bố mẹ ra về khiến em cũng cảm thấy mắt mình như nhòe ướt. Nắng ấp áp xuyên qua kẽ lá. Buổi lễ khai giảng đã bắt đầu.

Cô giáo dẫn chúng em xếp hàng theo từng tốp. Lễ khai giảng bắt đầu trong không khí trang trọng của nghi thức chào cờ. Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới được kéo lên trong bài hát Quốc ca trầm hùng. Cô hiệu trưởng trang trọng đọc báo cáo và mục tiêu cho năm học mới. Cả trường vang vội tiếng vỗ tay. Đám học trò lớp 1 cũng bắt chước anh chị vỗ tay. Sự rụt rè dần tan biến. Giờ phút thiêng liêng đã đến. Cô hiệu trưởng đánh ba hồi trống khai giảng năm học mới. Chính tiếng trống ấy đã khởi đầu tương lai cho chúng em qua con đường học vấn và đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời mình.

Giờ đây, dù đã trải qua tám mùa khai giảng nhưng những kỉ niệm vẫn mãi đọng lại trong kí ức tuổi thơ của em về ngày đầu tiên đi học. Những khoảnh khắc đẹp về mái trường, thầy cô, những người bạn đầu tiên thời học sinh đã cho em thêm nhiều động lực để cố gắng học tập ngày càng tiến bộ hơn nữa.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay