Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều Ôn tập Bài 3: Văn bản thông tin (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 3: Văn bản thông tin (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 cánh diều.

Xem: => Giáo án ngữ văn 8 cánh diều

ÔN TẬP BÀI 3. VĂN BẢN THÔNG TIN (PHẦN 2)

Câu 1: Hãy trình bày khái niệm đoạn văn diễn dịch, đoạn văn quy nạp, đoạn văn song song và đoạn văn phối hợp.

Trả lời:

- Đoạn văn diễn dịch là đoạn văn có câu chủ đề được đặt ở đầu đoạn, những câu tiếp theo triển khai các nội dung cụ thể để làm rõ chủ đề của đoạn văn.

- Đoạn văn quy nạp là đoạn văn triển khai nội dung cụ thể trước, từ đó mới khái quát nội dung chung, được thể hiện bằng câu chủ đề ở cuối đoạn văn.

- Đoạn văn song song (song hành) là đoạn văn không có câu chủ đề, các câu trong đoạn có nội dung khác nhau, nhưng cùng hướng tới một chủ đề.

- Đoạn văn phối hợp là đoạn văn kết hợp diễn dịch với quy nạp, có câu chủ đề ở đầu đoạn và cuối đoạn.

Câu 2: Đặc điểm của đoạn văn diễn dịch được thể hiện như thế nào trong đoạn văn sau đây?

“Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. Nói thế có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng hài hoà về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Nói thế cũng có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt có đẩy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thoả mãn cho yêu cầu của đời sống văn hoá nước nhà qua các thời kì lịch sử.”

Trả lời:

Ở đoạn văn trên, câu chủ đề là câu đầu tiên của đoạn, khẳng định hai nét đặc sắc của tiếng Việt là đẹp và hay. Các câu tiếp theo nói rõ cái đẹp và cái hay thể hiện cụ thể như thế nào.

Câu 3: Đặc điểm của đoạn văn quy nạp được thể hiện như thế nào trong đoạn văn sau đây?

“Đề cao sự khác biệt không phải là cổ động cho lối sống cá nhân ích kỉ, hẹp hòi, chối bỏ mọi trách nhiệm. Để cao sự khác biệt không có nghĩa chấp nhận những sự kì dị, quái đản cốt làm cho cá nhân nổi bật giữa đám đông, xa lạ với văn hoá truyền thống của dân tộc. Đề cao sự khác biệt cũng không đồng nghĩa với việc tán thành lối sống tự do vô mục đích. Xét cho cùng, chỉ sự khác biệt nào toát lên được giá trị của cá nhân và có ích cho cộng đồng thì mới thực sự có ý nghĩa, đáng được đề cao.”

Trả lời:

Ba câu đầu nêu những biểu hiện của sự khác biệt tầm thường, vô nghĩa, từ đó, câu chủ đề (câu cuối cùng của đoạn) ở cuối đoạn văn mới có cơ sở khẳng định sự khác biệt có ý nghĩa, đáng được đề cao.

Câu 4: Tại sao văn bản “Lũ lụt là gì? – Nguyên nhân và tác hại” được coi là văn bản thông tin giải thích một hiện tượng tự nhiên?

Trả lời:

- Vì đối tượng được trình bày trong văn bản là lũ lụt, một hiện tượng tự nhiên. Văn bản đã trình bày các thông tin để trả lời cho những câu hỏi như “Hiện tượng đó là gì?”, “Tại sao có hiện tượng đó?”,…

Câu 5: “Mỗi cơn lũ đi qua đều càn quét phá huỷ không biết bao nhiêu nhà dân, nương rẫy, giết hại các loại động vật. Ngoài ra, tình trạng bão lũ kéo dài còn khiến cho việc trồng trọt bị ảnh hưởng: các loại cây lương thực vì bị ngập úng mà chết, nguồn thực phẩm trở nên khan hiếm. Có thể nói lũ lụt gây nhiều thiệt hại trực tiếp về vật chất đối với người dân.”

Đoạn văn trên là kiểu đoạn văn gì?

Trả lời:

- Đây là đoạn văn quy nạp. Câu cuối của đoạn là câu chủ đề.

Câu 6: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Sao băng” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Hồng Nhung

- Văn bản được lấy từ trang web: kienthuctonghop.vn (14/11/2020)

- Thể loại: văn bản thông tin giải thích về một hiện tượng tự nhiên

- Nội dung: đưa ra các thông tin, câu trả lời về một số vấn đề mà mọi người thường hay đặt ra khi nói về sao băng.

Câu 7: Những thông tin chính mà văn bản “Sao băng” cung cấp là gì? Em dựa vào đâu để nhận biết nhanh các thông tin ấy?

Trả lời:

- Văn bản cung cấp các thông tin là:

+ Khái niệm sao băng

+ Nguyên nhân xuất hiện sao băng

+ Chu kỳ xuất hiện của sao băng

+ Cách xem được những cơn mưa sao băng

+ Điềm báo khi có sao băng

+ Cách ước khi gặp sao băng

- Ta có thể dựa vào các đề mục in đậm để xác định nhanh những thông tin này.

Câu 8: Hãy liệt kê những thông tin mà tác giả đưa ra cho câu hỏi “Sao băng là gì?”.

Trả lời:

- Sao băng (hay sao sa, sao đổi ngôi) là một trong những hiện tượng đẹp và kì thú của thiên nhiên.

- Ngôi sao băng là tia lửa thoáng qua trên bầu trời.

- Sao băng là đường nhìn thấy của các thiên thạch khi chúng đi vào khí quyển của Trái Đất. Nó không phải là một ngôi sao đang bị rơi khỏi bầu trời.

- Sao băng có thể là một thiên thạch, mảnh vỡ của các sao chổi cũ, mảnh kim loại từ các tiểu hành tinh khi va chạm với nhau,... Chúng xuyên qua khí quyển với vận tốc khoảng 100 000 km/h và tạo nên sao băng, mưa sao băng.

- Các phân tử không khí trên đường di chuyển của thiên thạch khi đi vào khí quyển bị tăng lên đến hàng ngàn độ. Nó làm cho các vật chất của thiên thạch bị nung đến mức nóng sáng. Nó sẽ để lại một vệt sáng khi thiên thạch di chuyển. Vệt sáng mà chúng ta nhìn thấy đó chính là sao băng.

Câu 9: Hãy nêu những thông tin chính của phần “Sao băng, mưa sao băng xuất hiện có chu kì không?”.

Trả lời:

- Sao băng, mưa sao băng xuất hiện có chu kỳ.

- Hầu hết chu kì của các trận mưa sao băng là 1 năm.

- Ngày tháng chính xác diễn ra mưa sao băng chỉ có thể xác định được khi nó sắp xuất hiện.

Câu 10: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Lưu Quang Hưng

- Văn bản lấy từ trang web: tiasang.com.vn (25/03/2020)

- Thể loại: văn bản thông tin

- Nội dung: văn bản đã trình bày những thông tin, dữ kiện liên quan đến vấn đề nước biển dâng, chỉ ra việc nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu có tác động rất lớn để tương lai của nhân loại và vấn đề này khó tìm được lời giải.

Câu 11: Điểm khác biệt của nước biển dâng trong những năm gần đây là gì?

Trả lời:

- Mực nước biển trong những năm gần đây dưới tác động tiêu cực của con người đang dần tăng nhanh, nằm sau tăng hơn năm trước. Mực nước biển không ổn định như các thời kỳ trong khứ khi chưa có tác động của con người.

 

Câu 12: Tìm câu chủ đề trong đoạn văn sau, từ đó, xác định kiểu đoạn văn. Phân tích tác dụng của cách tổ chức đó trong đoạn văn.

“Ta thường nghe: Kỉ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay chết theo nạn của vua; Kính Đức, một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung; Cảo Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa, các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nữ nhi thường tình, thì cũng chết già ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ được!”

Trả lời:

- Câu chủ đề trong đoạn văn: “Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nữ nhi thường tình, thì cũng chết già ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ được!”

è Đoạn văn quy nạp.

è Tác dụng: Trong đoạn văn, tác giả đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng thực tế và có sức thuyết phục cao rồi kết luận lại bằng một câu ở cuối. Cách tổ chức này làm nổi bật lập luận của tác giả, tạo ra ấn tượng cho người đọc.

Câu 13: Tìm câu chủ đề trong đoạn văn sau, từ đó, xác định kiểu đoạn văn. Phân tích tác dụng của cách tổ chức đó trong đoạn văn.

“Đồng phục không chỉ đẹp mà còn góp phần tạo nên bản sắc của mỗi trường. Cậu này là học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, bạn ấy thuộc Trường THCS Lương Thế Vinh, còn cô bé kia học ở Trường THCS Đặng Thai Mai,.... tất cả đều được nhận ra nhờ bộ đồng phục mà họ mặc. Trong cuộc thi “Nhóm bạn lí tưởng” ở huyện, “màu cờ sắc áo” không chỉ thể hiện ở tài trí của năm bạn trong đội hình thi đấu trên sân khấu, mà còn ở các nhóm cổ động viên tưng bừng, nổi bật trong bộ đồng phục của trường mình trên khán đài.”

Trả lời:

- Câu chủ đề của đoạn văn: Đồng phục không chỉ đẹp mà còn góp phần tạo nên bản sắc của mỗi trường.

è Đây là đoạn văn diễn dịch.

è Tác dụng: Định hướng nội dung cho người đọc ngay từ đầu. Các câu sau nói rõ thêm cho ý ở câu chủ đề.

Câu 14: Đoạn văn dưới đây được tổ chức theo kiểu nào? Vì sao em cho là như vậy?

“Quan trọng hơn cả, tự học còn là một thú vui rất thanh nhã, nó nâng cao tâm hồn ta lên. Ta vui vì thấy khả năng của ta đã thăng tiến và ta giúp đời nhiều hơn trước. Một thầy kí, một bác nông phu, bất kì hạng người nào, nếu chịu học hỏi tìm kiếm, cũng có thể cải thiện phương pháp làm việc của mình, và giảng giải những kinh nghiệm của mình cho người khác. Sau cùng, còn gì vui bằng tìm tòi và khám phá Pasteur, Eisntein, hai vợ chồng Curie và hàng trăm nhà bác học khác, suốt đời nghèo nàn mà lúc nào cũng mãn nguyện hơn những vua chúa trên ngai vàng; cả tháng cả năm tự giam trong phòng thí nghiệm, không hề biết những tiêu khiển của người đời mà thấy thời giờ trôi qua vẫn qua mau, là nhờ thủ tự học tìm tòi của họ.”

Trả lời:

- Đây là đoạn văn diễn dịch vì có câu chủ đề mang ý khái quát đứng đầu đoạn: “tự học là một thú vui thanh nhã, nó nâng cao tâm hồn ta lên”; các câu sau triển khai cụ thể ý của câu chủ đề, bổ sung, làm rõ cho câu chủ đề: ở đây ta có thể dễ dàng nhận thấy các lí lẽ và dẫn chứng mà tác giả đưa ra.

Câu 15: Nêu nhận xét về cách tác giả giải thích hiện tượng tự nhiên (lũ lụt) trong văn bản “Lũ lụt là gì? – Nguyên nhân và tác hại”

Trả lời:

- Cách tác giả giải thích hiện tượng lũ lụt: đầu tiên chỉ ra cách hiểu sai của mọi người về từ “lũ lụt”, sau đó trình bày khái niệm và phân loại cách hiện tượng “lũ” và “lụt” rồi sau cùng là khái quát lại một cách đơn giản.

=> Cách giải thích này giúp mọi người hiểu đúng, hiểu rõ hơn về vấn đề đang được trình bày và đến cuối thì vẫn có thể nắm được thông tin quan trọng cần nhớ.

Câu 16: Văn bản “Lũ lụt là gì? – Nguyên nhân và tác hại” có sử dụng những phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ nào? Tác dụng của chúng là gì?

Trả lời:

Văn bản có sử dụng hình ảnh và số liệu:

- Bức ảnh cho ta thấy lũ lụt trông như thế nào.

- Số liệu ở phần “Gây thương vong về con người” cho ta thấy tác hại ghê gớm của lũ lụt.

Tác dụng: giúp cho người đọc hình dung rõ hơn về vấn đề đang được bàn luận, làm tăng sức thuyết phục cho văn bản.

Câu 17: Hãy chỉ ra cách triển khai ý tưởng trong sapo của văn bản “Lũ lụt là gì? – Nguyên nhân và tác hại”

Trả lời:

- Sapo là đoạn in đậm ở đầu văn bản.

- Cách triển khai: Nêu một ý khái quát về hiện tượng lũ lụt đang xảy ra trên Trái Đất từ đó đưa ra các câu hỏi khơi gợi.

Câu 18: Theo em, vì sao văn bản “Sao băng” lại được coi là văn bản giải thích một hiện tượng tự nhiên?

Trả lời:

- Vấn đề được bàn luận ở trong văn bản xoay quang sao băng, một hiện tượng tự nhiên. Văn bản đã đề cập một cách khoa học, chuẩn xác về các vấn đề liên quan đến sao băng mà người đọc thường quan tâm như khái niệm, nguyên nhân hình thành, chu kỳ, điềm báo, ước nguyện,…

Câu 19: Người viết đã triển khai ý tưởng và thông tin trong văn bản “Sao băng” theo cách nào?

Trả lời:

- Người viết đã triển khai ý tưởng và thông tin trong văn bản theo cách mà chúng ta thường làm khi tìm hiểu về một khái niệm, một sự vật mới: đi từ khái niệm, nguyên nhân rồi đến các vấn đề khác mà mọi người thường quan tâm.

Câu 20:  Từ văn bản “Lũ lụt là gì? – Nguyên nhân và tác hại”, em có suy nghĩ gì về hiện tượng lũ lụt ở nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung? Bản thân em cần biết thêm thông tin gì nữa về lũ lụt?

Trả lời:

Hãy trình bày theo suy nghĩ của em.

Ví dụ:

- Lũ lụt gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Lũ lụt đang ngày càng xảy ra nhiều hơn với mức độ khắc nghiệt cao hơn do tác động của con người đối với môi trường tự nhiên.

- Em cần biết thêm thông tin về cách phòng chống lũ lụt, những tiến bộ trong nghiên cứu về phòng chống bão lũ.

Câu 21: Tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn khác nhau và nêu một số thông tin bổ sung (kênh chữ hoặc kênh hình) về hiện tượng lũ lụt chưa có trong văn bản “Lũ lụt là gì? – Nguyên nhân và tác hại”

Trả lời:

Tham khảo (Wikipedia tiếng Việt):

  1. Cách đối phó với lũ lụt

Ở phương Tây, đa phần đất đai đã được con người trải nhựa làm đường và tiến hành bê tông hóa đồng loạt. Dễ thấy là lớp phủ mặt đường này khiến cho hầu hết lượng mưa tích tụ lại đều biến thành dòng chảy. Trong một khu công nghiệp không có hệ thống tiêu thoát nước hữu hiệu, có lẽ không cần quá nhiều mưa cũng có thể gây ra lụt nặng.

Nhiều thành phố đã xây dựng các cống dẫn nước bằng bê tông để phòng ngừa lũ lụt. Khi mưa nhiều, nước sẽ chảy vào trong các cống dẫn chạy quanh khu vực ngoại ô thành phố, nơi nước được hấp thụ tốt hơn. Song, biết đâu một lúc nào đó chính những cống dẫn nước này lại gây lũ lụt. Bản thân hoạt động rải bê tông, nhựa đường trên mặt đất cũng đã đồng nghĩa với việc chúng ta đang cắt đi một phần của miếng bọt biển tự nhiên và dồn thêm nước vào phần bọt biển còn lại.

Tương tự, con người xây rất nhiều đê chống lũ. Có thể hình dung đây là những bức tường thành lớn được xây dựng dọc các bờ sông để ngăn sông tràn ra thành lũ. Trong suốt thời gian qua, những con đê này đã hoàn thành tương đối tốt sứ mệnh của mình, nhưng với những khu vực không có đê thì hoàn toàn ngược lại, sẽ phải hứng toàn bộ lượng nước lũ khi nước sông dâng lên. Hơn nữa, không khác đập là mấy, hệ thống đê có thể vỡ. Nếu điều này xảy ra thì việc những khu vực gần sông bị nước lũ nhấn chìm chỉ còn là vấn đề thời gian.

Riêng đối với hoạt động kiểm soát lũ dọc bờ biển, loài người thực chất không đạt được nhiều thành tựu. Những con sóng lớn có khả năng phá hủy các công trình xây dựng bằng cách gây xói mòn. Để kiểm soát xói mòn, chúng ta đã áp dụng phương pháp xây các hàng rào và đê chắn sóng. Song thực tế, chúng lại gây trở ngại cho tiến trình hình thành bãi biển bởi khi chúng ta ngăn nước di chuyển về phía bờ, biển không thể "chở" cát vào bờ tạo nên những bãi biển đẹp.

Đối với nhiều khu vực nội địa cũng vậy. Thoạt nhìn, người ta có thể tưởng rằng sông là một đặc trưng không đổi của cảnh quan nói chung, nhưng thật ra nó lại là một thực thể động, nhất là những con sông lớn như Mississippi (Hoa Kỳ), Dương Tử, Hoàng Hà (Trung Quốc)… Trải qua thời gian, sông dần dần mở rộng ra, rồi đột ngột chuyển hướng, thậm chí có thể biến đổi cả dòng chảy. Vì lý do này mà những vùng đất ven bờ sông thường có nguy cơ ngập lụt rất cao.

  1. Những trận lũ lụt gây thiệt mạng nhiều nhất

Số người chết

Sự kiện

Địa điểm

Thời gian

2.500.000 –3.700.000

Lũ lụt Trung Quốc năm 1931

Trung Quốc

1931

900.000 –2.000,000

Lũ lụt Hoàng Hà năm 1887

Trung Quốc

1887

500.000–700.000

Lũ lụt Hoàng Hà năm 1938

Trung Quốc

1938

231.000

Vỡ Đập Bản Kiều, do Bão Nina. Khoảng 86.000 người chết do lũ và 145.000 người chết do dịch bệnh.

Trung Quốc

1975

230.000

Sóng thần Ấn Độ Dương 2004

Indonesia

2004

145.000

Lũ sông Dương Tử 1935

Trung Quốc

1935

100.000+

Lũ St. Felix, bão

Hà Lan

1530

100.000

Lũ lụt sông Dương Tử 1911

Trung Quốc

1911

Câu 22: Đoạn văn sau được tổ chức theo kiểu nào? Chủ đề của đoạn văn là gì? Dựa vào đâu em nhận biết được điều đó?

“Không gian yên tĩnh bỗng bừng lên những âm thanh của dàn hoà tấu, bởi bốn nhạc khúc lưu thuỷ, kim tiền, xuân phong, long hổ du dương trầm bổng, réo rắt mở đầu đêm ca Huế. Nhạc công dùng các ngón đàn trau chuốt như ngón nhấn, mổ, vỗ, vả, ngón bấm, day, chớp, búng, ngón phi, ngón rãi. Tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người.”

Trả lời:

- Đoạn văn trên được tổ chức theo kiểu song song vì không có câu chủ đề. Các câu chỉ là trong đoạn chỉ là những lời kể, tả, cảm nhận về ca Huế, không hướng vào một ý nào.

- Chủ đề của đoạn văn là cái hay của ca Huế, sự tài năng của nhạc công.

Câu 23: Viết câu chủ đề cho đoạn văn sau:

……………………………………………………………….. Khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong một thời gian dài, làn da của chúng ta có nguy cơ bị lão hoá. Dấu hiệu nhận biết rõ nhất là sự xuất hiện của các đốm sắc tố và nếp nhăn trên da. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn là nguyên nhân gây khởi phát hoặc tăng nặng một số bệnh lí về da như viêm da dị ứng, viêm da cơ địa, mụn trứng cá, mề đay... Không chỉ vậy, ô nhiễm không khí còn làm cho một số bệnh về da kém đáp ứng điều trị, dễ tái phát, kéo dài và khó điều trị hơn.

Trả lời:

- Với việc câu chủ đề ở đầu thì ta có thể xác định đây là đoạn văn diễn dịch è Hãy xác định nội dung hướng tới ở các câu sau để viết câu chủ đề cho phù hợp.

- Câu chủ đề tham khảo: Ô nhiễm không khí tác động tiêu cực đến sức khoẻ con người.

Câu 24: Hãy viết một/hai đoạn văn (15 – 20 dòng) dùng phương pháp quy nạp hoặc diễn dịch để trình bày về vấn đề môi trường.

Trả lời:

Gợi ý làm bài: Môi trường là một vấn đề đã được đặt ra từ lâu và được coi là vấn đề cấp thiết trên toàn cầu tuy vậy đến nay vấn đề này không hề hết nóng. Vậy nên ở đây các em có thể viết về một khía cạnh của môi trường như: tình trạng ô nhiễm môi trường chung, bảo vệ môi trường, năng lượng xanh, tình trạng ô nhiễm nơi em đang ở, liệu chúng ta nên giải quyết theo cách thông thường hay tìm những hướng đi mới,… Vấn đề có rất nhiều thông tin trên mạng mà các em có thể khai thác nên hãy đảm bảo có dẫn chứng là các số liệu cụ thể.

Câu 25: Đoạn văn sau được tổ chức theo cách nào: diễn dịch, quy nạp hay một cách khác? Vì sao?

“Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.”

Trả lời:

- Đoạn văn được tổ chức theo một cách khác. Đoạn văn này không có câu chủ đề, các câu có chức năng đồng đều.

Câu 26: Đoạn văn sau được tổ chức theo cách nào: diễn dịch, quy nạp hay một cách khác? Vì sao?

          “Cốm trộn hạt dẻ trở thành món ăn đặc sản, sang trọng. Khi trong nhà có khách, ông chủ bày cốm hạt dẻ mời trả. Con rể thì dâng cốm hạt dẻ lễ bố mẹ vợ nhân ngày Tết thưởng trăng. Học trò mang cốm trộn hạt dẻ biếu thầy cô. Tóm lại, cốm trộn hạt dẻ là một thứ vật quý, dùng để khoản đãi quý nhân.”

Trả lời:

- Đoạn văn được tổ chức theo cách phối hợp cả diễn dịch và quy nạp. Ta có thể thấy rằng câu chủ đề nằm ở cả đầu đoạn và cuối đoạn.

Câu 27: Đoạn văn dưới đây được tổ chức theo kiểu nào? Vì sao em cho là vậy?

“Trần Đăng Khoa rất biết yêu thương. Em thương bác đẩy xe bò "mồ hôi ướt lưng, căng sợi dây thừng" chở vôi cát về xây trường học, và mời bác về nhà mình... Em thương thầy giáo một hôm trời mưa đường trơn bị ngã, cho nên dân làng bèn đắp lại đường.”

Trả lời:

Đây là đoạn văn diễn dịch. Lí do: câu đầu là câu chủ đề, các câu sau chứng minh cho câu đó.

Câu 28: Hiện tượng được nêu trong văn bản “Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI”  liên quan gì đến Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung? Dẫn ra một số ví dụ trong văn bản cho thấy tác động của hiện tượng này.

Trả lời:

- Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng. Việt Nam có đường bờ biển dài và có lượng dân cư tập trung ven biển đông.

- Một số ví dụ trong văn bản cho thấy tác động của hiện tượng này:

+ Nước biển dâng khi kết hợp với triều cường sẽ có tác động rất lớn đến tương lai của những nơi có cư dân đông đúc như các thành phố New York, Vancouver, Amsterdam, Sydney, Melbourne, Tokyo, Bangkok, Singapore, thành phố Hồ Chí Minh,…

+ Dự kiến vào cuối thế kỉ tới, mực nước biển sẽ tăng lên trong khoảng 35 – 85 cm, gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu hàng ngàn tỉ đô la Mỹ với nhiều hệ luỵ về phát triển.

Câu 29: Hãy nhận xét về ngôn ngữ của văn bản “Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI”

Trả lời:

- Ngôn ngữ trong văn bản mang tính khoa học nhằm trình bày thông tin một cách khách quan, chuẩn xác. Ngôn từ không có tính biểu cảm hay tính nghệ thuật. Ta có thể nhận thấy điều đó qua qua các khái niệm, thuật ngữ; qua cách diễn đạt nhằm trình bày thông tin, dữ kiện; qua việc phân chia bố cục rõ ràng,…

Câu 30: Em hãy nêu một số đề xuất nhằm góp phần khắc phục hiện tượng “nước biển dâng”.

Trả lời:

- Như văn bản đã nói, đây là một bài toán khó. Thực tế cho thấy chưa có giải pháp hữu hiệu nào để giải quyết vấn đề này mà chỉ có thể ứng phó. Dưới đây là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mà bạn có thể tham khảo.

* Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống và sản xuất, đe doạ sự phát triển bền vững. Để ứng phó với biến đổi khí hậu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Một số giải pháp có thể thực hiện để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu như:

+ Sử dụng tiết kiệm năng lượng: sử dụng các thiết bị điện tiêu hao ít năng lượng, tạo thói quen tắt thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi xe đạp,...

+ Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo: năng lượng mặt trời, gió, sức nước,...

+ Sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước.

+ Bảo vệ rừng, trồng và bảo vệ cây xanh tạo môi trường trong lành.

+ Giảm thiểu và xử lí rác thải, chất thải: phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định,...

– Một số giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu:

+ Trong sản xuất nông nghiệp: thay đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu; nâng cấp hệ thống thuỷ lợi để tiêu nước vào mùa mưa, cung cấp nước vào mùa khô, hạn chế tác động của xâm nhập mặn,...

+ Trong công nghiệp: ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất để vừa tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vừa tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt,...

+ Trong dịch vụ: cải tạo, tu bổ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông; nghiên cứu tạo ra các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với biến đổi khí hậu ở địa phương,...

+ Với mỗi cá nhân cần tìm hiểu kiến thức về biến đổi khí hậu, hình thành ý thức thích ứng với biến đổi khí hậu, rèn luyện các kĩ năng ứng phó với thiên tai (bơi lội, phòng điện giật khi mưa lũ,...), tích cực tham gia vào các phong trào hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng và địa phương,...

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay