Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều Bài 5 văn bản 3: Chiếu dời đô

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 5 văn bản 3: Chiếu dời đô. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Cánh diều

BÀI 5: NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

VĂN BẢN 3: CHIẾU DỜI ĐÔ
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Chiếu dời đô” (tác giả, thể loại, nội dung,…) 

Trả lời:

- Tác giả: Lý Công Uẩn

- Thể loại: Chiếu

- Phương thức biểu đạt: Nghị luận

- Hoàn cảnh ra đời: Năm Canh Tuất niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1010), Lí Công Uẩn viết bài chiếu bày tỏ ý định dời đô từ Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay).

- Nội dung: Văn bản là bài lập luận của vua Lý Thái Tổ với mục đích chứng minh việc dời đô từ Hoa Lư ra Đại La là cần thiết.

 

Câu 2: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Lý Công Uẩn.

Trả lời:

- Lí Công Uẩn (974 – 1028) tức Lí Thái Tổ, người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). 

- Ông là người thông minh, nhân ái, có chí lớn và lập được nhiều chiến công. 

- Dưới thời Tiền Lê, ông làm đến chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. Khi Lê Ngoạ Triều mất, ông được triều thần tôn lên làm vua, lấy niên hiệu là Thuận Thiên.

- Thời gian trị vì của ông chủ yếu để đàn áp các cuộc nổi dậy, vì lòng dân chưa phục được nhà Lý. Khi lòng dân đã yên, triều đình trung ương được củng cố, ông dời đô từ Hoa Lư về Đại La vào năm 1010, đổi tên thành Thăng Long, mở đầu cho sự phát triển lâu dài của nhà Lý tồn tại 216 năm. 

 

Câu 3: Hãy nêu những đặc điểm cơ bản của thể chiếu. Lấy dẫn chứng từ “Chiếu dời đô” để làm sáng tỏ những đặc điểm cơ bản đó.

Trả lời:

Đặc điểm của thể chiếu

Dẫn chứng từ “Chiếu dời đô”

- Chức năng của chiếu là ban bố mệnh lệnh của vua chúa xuống thần dân, yêu cầu thần dân thực hiện.

- Vua Lí Thái Tổ ban bố mệnh lệnh cho các quan và thần dân về việc dời đô.

- Kết cấu bài chiếu nhìn chung linh hoạt, không có những quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, các phần của bài chiếu đều phải tập trung hướng tới tư tưởng chủ đạo của tác phẩm.

- Kết cấu ba phần, tất cả các phần đều tập trung hướng tới tư tưởng chủ đạo: dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La.

- Chiếu có thể được viết bằng văn xuôi, văn vần hoặc văn biền ngẫu.

Bài Chiếu dời đô được viết bằng văn xuôi có đan xen văn biền ngẫu với những cặp câu hoặc những cặp đoạn câu tương xứng với nhau: “Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng.”.

 

Câu 4: Bài “Chiếu dời đô” viết về sự kiện gì? Tại sao vua Lý Công Uẩn lại phải dùng thể chiếu?

Trả lời:

- Bài Chiếu dời đô viết về sự kiện Lý Thái Tổ bày tỏ ý định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La.

- Vua Lý Công Uẩn phải dùng thể chiếu vì đây là một sự kiện có tính chất trọng đại, cần phải ban bố trước dân chúng.

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Theo suy luận của tác giả thì việc dời đô của các vua nhà Thương, nhà Chu nhằm mục đích gì? Kết quả của việc dời đô ấy?

Trả lời:

– Thời nhà Thương năm lần dời đô, nhà Chu ba lần dời đô nhằm mục đích mưu toan nghiệp lớn, xây dựng vương triều phồn thịnh, tính kế lâu dài cho các thế hệ sau. Việc dời đô vừa thuận theo mệnh trời (phù hợp với quy luật khách quan) vừa thuận theo ý dân (phù hợp với nguyện vọng của nhân dân).

– Kết quả của việc dời đô là làm cho đất nước vững bền, phát triển thịnh vượng.

– Lí Thái Tổ dẫn số liệu cụ thể về các lần dời đô của hai triều Thương, Chu để chuẩn bị cho lí lẽ ở phần sau: Trong lịch sử đã từng có chuyện dời đô và đã từng đem lại những kết quả tốt đẹp. Việc Lí Thái Tổ dời đô không có gì là khác thường, trái với quy luật.

 

Câu 2: Hãy phân tích đoạn (2).

Trả lời:

- Ở đoạn này, tác giả đã soi sử sách vào tình hình thực tế, nhận xét có tính chất phê phán hai triều Đinh, Lê cứ đóng yên đô thành ở vùng núi Hoa Lư.

- Theo tác giả, việc không dời đô sẽ phạm những sai lầm: không theo mệnh trời (không phù hợp quy luật khách quan), không biết học theo cái đúng của người xưa và hậu quả là triều đại thì ngắn ngủi, nhân dân thì khổ sở, vạn vật không thích nghi, không thể phát triển thịnh vượng trong một vùng đất chật chội.

- So với đoạn mở đầu, ở đoạn này, bên cạnh lí là tình: "Trẫm rất đau xót về việc đó". Lời văn tác động cả tới tình cảm người đọc.

 

Câu 3: Ở đoạn (2), Lí Thái Tổ phê phán hai nhà Đinh, Lê “khinh thường mệnh trời không noi theo dấu cũ Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành” ở Hoa Lư. Dưới con mắt của người thời nay, có người cho rằng chúng ta cần công bằng hơn với hai triều đại này. Em có đồng tình với quan điểm này không?

Trả lời:

Đồng tình. Thực ra việc hai triều Đinh, Lê vẫn cứ phải đóng đô ở Hoa Lư chứng tỏ thế và lực của hai triều đại ấy chưa đủ mạnh để ra nơi đồng bằng, đất phẳng, nơi trung tâm

của đất nước mà vẫn còn phải dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở. Đến thời Lí, trong đà phát triển đi lên của đất nước thì việc đóng đô ở Hoa Lư là không còn phù hợp nữa.

 

Câu 4: Thành Đại La có những lợi thế gì để chọn làm kinh đô của đất nước?

Trả lời:

Tác giả đã đưa ra những lợi thế của thành Đại La:

– Về vị thế địa lí: ở nơi trung tâm đất trời, mở ra bốn hướng nam bắc đông tây, có núi lại có sông; đất rộng mà bằng phẳng, cao mà thoáng, tránh được nạn lụt lội, chật chội.

– Về vị thế chính trị, văn hoá: là đầu mối giao lưu, "chốn tụ hội của bốn phương", là mảnh đất hưng thịnh "muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi".

=> Về tất cả các mặt, thành Đại La có đủ mọi điều kiện để trở thành kinh đô của đất nước.

 

Câu 5: Hãy chỉ ra trình tự lập luận của tác giả.

Trả lời:

Trình tự lập luận của văn bản:

– Nếu sử sách làm tiền đề, làm chỗ dựa cho lí lẽ.

– Soi sáng tiền đề vào thực tế hai triều đại Đinh, Lê để chỉ rõ thực tế ấy không còn thích hợp đối với sự phát triển của đất nước, nhất thiết phải dời đô.

– Đi tới kết luận: khẳng định thành Đại La là nơi tốt nhất để chọn làm kinh đô.

=> Kết cấu 3 đoạn nói trên là rất tiêu biểu cho kết cấu của văn nghị luận, trình tự lập luận trên là rất chặt chẽ.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Hãy tìm hiểu kết cấu bài “Chiếu dời đô”. Phân tích tính chất chặt chẽ và tác dụng của kết cấu đó.

Trả lời:

- Chiếu dời đô thuộc thể văn nghị luận, có kết cấu ba phần. Phần mở đầu nêu sử sách làm tiền đề. Phần hai soi sáng tiền đề vào thực tế hai triều đại Đinh, Lê. Phần kết luận khẳng định thành Đại La là nơi tốt nhất để định đô.

- Kết cấu của bài Chiếu dời đô cũng là trình tự lập luận của tác giả. Trình tự lập luận này rất chặt chẽ, có sức thuyết phục lớn. 

+ Phần mở đầu tác giả nêu sử sách làm chỗ dựa cho lí lẽ: trong lịch sử đã từng có chuyện dời đô và đã từng đem lại kết quả tốt đẹp. 

+ Phần hai, soi sử sách vào tình hình thực tế để chỉ rõ việc hai triều Đinh, Lê cứ đóng yên đô thành ở vùng rừng núi Hoa Lư là không theo mệnh trời (tức không phù hợp với quy luật khách quan). Hậu quả là triều đại ngắn ngủi, đất nước không phát triển, người dân khốn khổ trong một vùng đất chật chội. 

+ Phần cuối rút ra kết luận: cần thiết phải dời đô và thành Đại La là nơi định đô tốt nhất, bởi vì đây là nơi có lợi thế về tất cả các mặt địa lí, chính trị, văn hoá,... 

=> Kết cấu ba phần nói trên rất tiêu biểu cho kết cấu văn nghị luận nói chung, văn chính luận nói riêng.

 

Câu 2: Chiếu là lời ban bố mệnh lệnh của vua chúa xuống thần dân. Thế nhưng kết thúc “Chiếu dời đô”, Lí Công Uẩn không ra mệnh lệnh mà đặt câu hỏi: "Các khanh nghĩ thế nào?". Theo em, cách kết thúc như vậy có tác dụng gì?

Trả lời:

- Cách kết thúc mang tính chất đối thoại, trao đổi đã tạo sự đồng cảm giữa vua với các quan và thần dân. Việc dời đô đâu chỉ là ý nguyện riêng của Lí Công Uẩn mà còn phù hợp với nguyện vọng chung của mọi người. Ở Chiếu dời đô, bên cạnh tính chất mệnh lệnh còn là tính chất tâm tình. 

=> Vì vậy, Chiếu dời đô có sức mạnh thuyết phục người nghe bằng cả lí trí và tình cảm.

 

Câu 3: Vì sao nói “Chiếu dời đô” phản ánh ý chí độc lập tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt?

Trả lời:

- Chiếu dời đô ra đời là sự phản ánh ý chí độc lập tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt. Bởi lẽ hai triều Đinh, Lê trước đó thế và lực chưa đủ mạnh nên còn phải dựa vào vùng núi rừng Hoa Lư hiểm trở. Việc nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra vùng đồng bằng đất rộng Thăng Long chứng tỏ thế và lực của dân tộc Đại Việt đã đủ mạnh để sánh ngang hàng với phương Bắc. Định đô ở nơi trung tâm đất nước là thực hiện nguyện vọng của nhân dân xây dựng một quốc gia thống nhất, hùng cường. Chọn mảnh đất là nơi “trung tâm trời đất” để có điều kiện mở mang kinh kì cho thấy khí phách của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh. Tầm vóc lớn của đất nước cần có tầm vóc lớn của một thủ đô tương xứng và ngược lại, tầm vóc lớn của thủ đô tạo đà cho đất nước phát triển.

- Kinh đô mới có tên là Thăng Long vừa phản ánh ý nguyện vươn lên vừa cho thấy khí thế rồng bay lên của một dân tộc độc lập, tự cường.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) nêu ý nghĩa lịch sử của việc Lý Công Uẩn dời đô.

Trả lời:

Tham khảo:

Việc Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La có một ý nghĩa lịch sử to lớn. Điều đó đã được chứng minh bằng thực tiễn lịch sử phát triển của kinh đô Thăng Long nói riêng và các triều đại phong kiến nói chung. Khi xưa, hai nhà Đinh, Lê không có đủ khả năng, phải đóng đô ở một nơi không thuận tiện, gặp nhiều khó khăn trong phát triển đất nước, khiến cho vận số ngắn ngủi. Nhưng nay, kinh đô đã được dời đến thành Đại La, một nơi có “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, đúng như vua Lý Thái Tổ đã nói: “Xem khắp nước Việt ta, chỉ có nơi này là thắng địa; thật là nơi tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là chốn kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.” Nhìn nhận từ hiện tại, ý nghĩa lịch sử của sự kiện này còn giá trị đến tận ngày nay.

 

Câu 2: Tại sao các văn bản như “Chiếu dời đô”, “Bình Ngô đại cáo”, “Hịch tướng sĩ” lại thường viện dẫn thông tin, sự kiện lịch sử nổi bật từ sử sách Trung Quốc?

Trả lời:

- Cần chú ý những nét tâm lí đặc thù của con người thời trung đại: noi theo tiền nhân, dựa vào mệnh trời. Người trung đại coi thời hoàng kim là thời đã qua, khuôn mẫu được làm bởi tiền nhân, nên thường trích dẫn điển tích, điển cố. Việc Lí Thái Tổ dẫn sử sách Trung Quốc, nói đến mệnh trời trong Chiếu dời đô là một nét tâm lí thường tình của con người thời ấy. Cần hiểu "mệnh trời" ở Chiếu dời đô như quy luật khách quan.



=> Giáo án Ngữ văn 8 cánh diều Bài 5 Đọc 3: Chiếu dời đô

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay