Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều Bài 5 văn bản 4: Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 5 văn bản 4: Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Cánh diều

BÀI 5: NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

VĂN BẢN 4: NƯỚC VIỆT NAM TA NHỎ HAY KHÔNG NHỎ?
(12 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?” (tác giả, thể loại, nội dung,…) 

Trả lời:

- Tác giả: Dương Trung Quốc

- Thể loại: văn bản nhật dụng

- Phương thức biểu đạt: nghị luận

- Hoàn cảnh ra đời: Văn bản là bài báo đăng trên diễn đàn “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?” được báo “Thanh niên” mở ra từ ngày 27/03 đến 30/06/2006. 

- Nội dung: Thông qua việc trình bày về tinh thần, tâm thế dân tộc trong quá khứ, tác giả muốn lập luận rằng nếp nghĩ, cách hành xử chính là thứ đưa một nước đi lên hay bị bỏ lại.

 

Câu 2: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Dương Trung Quốc.

Trả lời:

- Dương Trung Quốc (sinh ngày 2 tháng 6 năm 1947) là nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị gia người Việt Nam. 

- Ông từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV thuộc đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai (một trong 21 người ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam trúng cử). 

- Năm 2016, ông là ứng cử viên đại biểu Quốc hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử.

- Ông Dương Trung Quốc nổi tiếng vì những phát biểu thẳng thắn của mình trong các kỳ họp quốc hội.

- Ông có bằng cử nhân chuyên ngành lịch sử, là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay và chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội.

- Ông là đại biểu Quốc hội thâm niên của Việt Nam qua bốn khóa XI, XII, XIII, XIV thuộc đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai.

 

Câu 3: Hãy nêu một số thành tố của văn bản nghị luận.

Trả lời:

- Luận đề là vấn đề trọng tâm bao trùm toàn bộ bài viết, thường được nêu ở nhan đề hoặc trong phần mở đầu của văn bản.

– Luận điểm nhằm triển khai làm rõ luận đề. Số lượng luận điểm nhiều hay ít tuỳ thuộc vào nội dung của vấn đề được triển khai trong bài nghị luận. Các luận điểm lại được làm sáng tỏ bởi các lí lẽ và bằng chứng.

– Ý kiến đánh giá chủ quan của người viết là những phát biểu, nhận định mang quan điểm riêng của tác giả nên chúng có thể đúng hoặc chưa đúng.

– Bằng chứng khách quan là những sự vật, số liệu có thật, có thể kiểm nghiệm được trong thực tế đời sống.

Các ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết chỉ có thể được làm sáng tỏ và chứng minh tính đúng đắn thông qua các lí lẽ và bằng chứng khách quan. Nếu không có các lí lẽ và bằng chứng khách quan thì các luận điểm của người viết sẽ thiếu chính xác và không thể thuyết phục người đọc. 

 

Câu 4: Em hiểu nhan đề văn bản Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ? như thế nào? Hãy xác định luận đề và các luận điểm của bài viết.

Trả lời:

- Tác giả đặt nhan đề ở dạng một câu hỏi nhằm kích thích người đọc suy nghĩ và hướng đến bàn về vấn đề nào đó liên quan đến sự phát triển của đất nước.

- Mỗi phần được đánh số trong văn bản triển khai một luận điểm. Các luận điểm trong văn bản:

+ Niềm tự hào của dân tộc ta trong một nghìn năm phong kiến tự chủ giúp chúng ta tồn tại và xây dựng nên một quốc gia hùng mạnh, không thua kém gì các nước khác.

+ Tinh thần và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc đã giúp chúng ta đánh đuổi kẻ thù, xây dựng nên một đất nước độc lập, có chủ quyền.

+ Nước ta hiện nay đang tụt hậu và nguyên nhân chính yếu cho sự tụt hậu đó là nếp nghĩ và hành xử của chúng ta.

+ Nước Việt Nam nhỏ hay không nằm ở chính tâm thế của chúng ta.

- Xác định luận đề: Ta thấy rằng tác giả đi từ quá khứ tới hiện tại để cho người đọc thấy tại sao nước ta giờ đây kém hơn nước ta của cha ông thời xưa. => Luận đề của văn bản: Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ nằm ở tâm thế của mỗi người dân Việt Nam.

Các em có thể đưa ra quan điểm khác.

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Phần (1) và (2) của bài viết nhắc lại lịch sử nhằm mục đích gì? Đâu là điều đã tạo nên sức mạnh dân tộc trong những giai đoạn lịch sử quan trọng?

Trả lời:

- Phần (1) và (2) của bài viết nhắc lại lịch sử nhằm mục đích cho người đọc thấy rằng nước ta trong lịch sử là một đất nước phát triển, ngoan cường, không thua kém các nước khác. Hai phần này đã nhắc nhở người đọc về lịch sử vẻ vang của dân tộc.

- Điều làm nên sức mạnh dân tộc trong những giai đoạn lịch sử quan trọng chính là ở tinh thần, khí thế của dân tộc.

 

Câu 2: Theo tác giả bài nghị luận, những nguyên nhân nào dẫn tới sự tụt hậu của đất nước trong thời kì mới? Dẫn ra ý kiến chủ quan của người viết và các lí lẽ, bằng chứng khách quan (có thể kiểm chứng được) trong văn bản.

Trả lời:

- Nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của đất nước trong thời kì mới là chiến tranh và nếp nghĩ, cách hành xử của chúng ta.

- Ý kiến chủ quan của người viết: 

+ Nếp nghĩ và hành xử của chúng ta là nguyên nhân chính gây nên sự tụt hậu trong giai đoạn mới.

+ “Bây giờ, nếu mỗi ngày, cùng với dự báo thời tiết, chúng ta công bố thứ hạng về trình độ phát triển cùng những món tiền nợ nước ngoài để thấm được cái nỗi nhục tụt hậu, chúng ta mới chiến thắng nghèo hèn để vươn lên cho xứng đáng với dân tộc của mình...”

- Lí lẽ, bằng chứng khách quan:

+ Sự tàn phá của chiến tranh

+ Những lí do về chiến tranh đều thấy được, cân đong đo đếm được và trên thực tế, ta đã có nhiều thập kỉ khắc phục.

+ Nhiều phát biểu của các quan chức khiến ta nghĩa rằng nước ta như một địa phương nghèo đói cần được viện trợ

+ Câu nói của vị Đại tướng.

 

Câu 3: Hãy phân tích phần (1).

Trả lời:

- Ở phần này, tác giả đã đưa ra các bằng chứng là các tuyên bố, nhận định, hành động của các nhân vật lịch sử nổi bật của nước ta thời kỳ phong kiến độc lập. Những bằng chứng này có chung một đặc điểm là cho thấy vị thế, sự giàu đẹp của nước ta không thua kém so với các nước khác, dân tộc ta cũng tự hào về điều đó. Từ đó tác đi đến quan điểm hai chiều: niềm tự hào đi cùng với sự phấn đấu để tồn tại và phát triển.

 

Câu 4: Hãy phân tích phần (2).

Trả lời:

- Ở phần này, tác giả đã nêu ra cái vấn đề của nước ta thế kỉ XIX: chúng ta quá yếu ớt để chống lại thực dân Pháp, nước ta mất đi quyền độc lập, tự chủ. Tác giả đưa ra các bằng chứng về tình trạng của nước ta thời kỳ đó: “Chỉ vài trăm tên lính … của thực dân và phong kiến,…”. Từ đó, tác giả nhấn mạnh vào việc ở những thời điểm lịch sử quan trọng, khi tinh thần dân tộc lên cao thì chúng ta hoàn toàn có thể đánh thắng được quân thù, giành lại độc lập tự do. Cách lập luận này nhằm nhấn mạnh cho luận điểm ở phần trước và làm tiền đề cho phần sau và cả văn bản.

 

3. VẬN DỤNG (2 câu)

Câu 1: Vấn đề tác giả đặt ra trong bài viết có ý nghĩa như thế nào đối với thế hệ trẻ hiện nay? Theo em, làm thế nào để có thể thoát khỏi tâm lí và cách hành xử tự ti của “một nước nhỏ”?

Trả lời:

- Vấn đề tác giả đặt ra trong bài viết có ý nghĩa cấp thiết đối với thế hệ trẻ hiện nay vì chúng ta đang tụt hậu có nghĩa là chúng ta đang không duy trì được sự phát triển của nước ta thời xưa, tức là chúng ta đang yếu dần đi. Chúng ta đang tụt hậu có nghĩa là chúng ta đang bị các cường quốc trên thế giới bỏ xa và điều đó khiến chúng ta khó có thể tự chủ trước sự tác động của nước này. Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước nên nếu họ không chung tay đưa đất nước phát triển thì sẽ khiến nước Việt Nam nhỏ đi theo thời gian.

- Câu hỏi thứ hai em hãy trả lời theo quan điểm của bản thân. Ví dụ: Để thoát khỏi tâm lí và cách hành xử tự ti của “một nước nhỏ” thì chúng ta cần học tập, nâng cao kiến thức, năng lực, cùng nhau xây dựng một đất nước hùng mạnh.

 

Câu 2: Hãy chỉ ra một số câu văn, chi tiết mà em cho là hay ở trong phần (3).

Trả lời:

Hãy trả lời dựa trên quan điểm của em.

Ví dụ: Em có thể đưa ra nhưng câu như “Đương nhiên, … hành xử”, “Không ít … tụt hậu”, “Lại nhớ … của mình”. Những câu này cho thấy sự chỉ trích của tác giả với lối suy nghĩ của một bộ phận người dân và cho thấy mong muốn, khao khát của tác giả được nhìn thấy một nước Việt Nam phát triển, nhân dân Việt Nam có tâm thế lớn.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) trình bày quan điểm của em về vấn đề “Việt Nam là nước nhỏ hay không nhỏ?”.

Trả lời:

Tham khảo:

- Đối với tôi, trả lời câu hỏi “Việt Nam là nước nhỏ hay không nhỏ?” là một việc khó nhưng dựa trên nhìn nhận của tôi về đất nước, tôi cho rằng Việt Nam đang đi nhanh trên con đường trở thành một nước không nhỏ. Nếu chúng ta nhìn vào các chỉ số để đánh giá sự phát triển của một nước thì nước ta đang là một nước đang phát triển. Sự phát triển trong những năm gần đây của nước ta luôn ở mức cao và ổn định. Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đó trong nhiều năm thì đến một lúc nào đó nước ta hoàn toàn có thể trở thành một nước lớn. Các vấn đề khác ngoài kinh tế như xã hội, giáo dục,… của nước ta đang có sự chuyển đổi theo hướng hiện đại. Nói chung, chỉ cần mỗi cá nhân tích cực hơn nữa thì nước Việt Nam ta sẽ hoàn toàn không nhỏ.

 

Câu 2: Em hãy đánh giá về bài luận của tác giả.

Trả lời:

- Đối với câu hỏi này, em hãy nhận xét đánh giá về cách lập luận của tác giả theo quan điểm của riêng em: tác giả lập luận như vậy đã hợp lí chưa, bằng chứng có thuyết phục không, lí lẽ có bám sát luận điểm không,…

Ví dụ 1: Em thấy cách lập luận của tác giả rất chặt chẽ, ngôn từ có tính hàm súc cao, tác giả đã nói lên được vấn đề trọng yếu nhất trong sự tụt hậu của đất nước. Em rất đồng tình với quan điểm của tác giả khi cho rằng … vì …

Ví dụ 2: Em cho rằng nguyên nhân đất nước tụt hậu trong giai đoạn mới không nằm ở tâm thế của người dân mà nằm ở những vấn đề như nước ta thiếu nhân tài thực sự, cách thức tổ chức, quản lí của nhà nước khiến cho việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhà nước chưa đầu tư được nhiều vào những ngành kinh tế trọng điểm,… Bản thân trong văn bản, hai phần đầu tác giả nói về bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước nhưng sang hai phần sau thì lại nói về phát triển kinh tế,…



Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay