Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều Bài 8 văn bản 1: Quang Trung đại phá quân Thanh

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 8 văn bản 1: Quang Trung đại phá quân Thanh. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Cánh diều

Xem: => Giáo án ngữ văn 8 cánh diều

BÀI 8: TRUYỆN LỊCH SỬ VÀ TIỂU THUYẾT

VĂN BẢN 1: QUANG TRUNG ĐẠI PHÁ QUÂN THANH

(15 CÂU)

1. NHẬN BIẾT (05 CÂU)

Câu 1: Em hãy nêu một số hiểu biết của em về nhóm tác giả Ngô gia văn phái?

Trả lời:

- Một nhóm tác giả dòng họ Ngô Thì, làng Tả Thanh Oai, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội)

- Trong đó, Ngô Thì Chí (1753-1788) làm quan dưới thời Lê Chiêu Thống , Ngô Thì Du (1772-1840) làm quan dưới triều Nguyễn là hai tác giả chính.

 

Câu 2: Văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh kể về những sự kiện gì? Các sự kiến ấy có liên quan đến những tuyến nhân vật nào?

Trả lời: 

Văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh kể về ba sự kiện chính:

- Tướng giặt Tôn Sĩ Nghị chủ quan, hống hách, bắt nạt triều đình vua Lê.

- Quang Trung thần tốc ra Bắc đánh tan quân Thanh

- Vua Lê cùng một số triều thần chạy trốn lên biên giới phía bắc.

Các sự kiện trên có liên quan đến đến những nhân vật chính có thật trong lịch sử là Nguyễn Huệ - Quang Trung, vua Lê Chiêu Thống, Ngô Thì Nhậm, tướng nhà Thanh như Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống,…

 

Câu 3: Xác định bố cục của bài và nêu nội dung bố cục của bài đó?

Trả lời:

- Phần 1 (Từ đầu đến “về triều có chỗ nào quở trách được ta..”: Quân Thanh chiếm thành Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế.

- Phần 2 (Từ đoạn "Nhắc lại Ngô Văn Sở  đến "vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành): Cuộc hành quân và chiến thắng vang dội của vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn.

- Phần 3 (Còn lại): Sự thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.

 

Câu 4: Em hãy cho biết thể loại, hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa nhan đề của văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh?

Trả lời:

- Thể loại: Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi.

- Thể chí – là một lối văn ghi chép sự vật, sự việc.

- Hoàn cảnh sáng tác: Viết trong khoảng thời gian dài ở nhiều thời điểm khác nhau, trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam (Cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX)

- Ý nghĩa nhan đề: Hoàng Lê nhất thống chí ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê)

 

Câu 5: Em hãy tóm tắt tác phẩm Quang Trung đại phá quân Thanh.

Trả lời: 

- Trước thế mạnh của giặc, quân Tây Sơn ở Thăng Long đã rút quân về Tam Điệp và cho người vào Phú Xuân cấp báo với Nguyễn Huệ.

- Ngày 25 tháng chạp: Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi lấy hiệu là Quang Trung thân chinh cầm quân ra Bắc dẹp giặc.

- Dọc đường, vua Quang Trung cho kén lính, duyệt binh chỉ dụ tướng lĩnh, mở tiệc khao quân rồi chia quân làm 5 đạo tiến ra Bắc.

- Quân Tây Sơn đánh đâu thắng đó khiến quân Thanh đại bại.

- Giữa trưa mùng 5 tết, Quang Trung tiến vào Thăng Long, đội quân của Tôn Sĩ Nghị vội vàng tháo chạy về nước, Lê Chiêu Thống cùng gia quyến trốn theo. Bọn chúng nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt.

 

2. THÔNG HIỂU (05 CÂU)

Câu 1: Em hãy nêu những chi tiết về hành động của Quang Trung thể hiện ông là có hành động mạnh mẽ và quyết đoán?

Trả lời:

- Là người có hành động mạnh mẽ, quyết đoán: Trong toàn bộ đoạn trích, Nguyễn Huệ là một người luôn hành động mạnh mẽ, xông xáo, nhanh gọn và có mục đích rất quyết đoán. 

- Nghe tin giặc đã chiếm Thăng Long, mất cả một vùng đất rộng lớn, ông không hề nao núng “định thân chinh cầm quân đi ngay”

- Chỉ trong khoảng hơn một tháng, Nguyễn Huệ đã làm được rất nhiều việc lớn:

+ Tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế.

+ Đốc suất đại binh ra Bắc.

+ Gặp gỡ người cống sĩ ở huyện La Sơn.

+ Tuyển mộ quân lính, mở cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, truyền lời dụ đến quân lính, định ra kế hoạch hành quân, đánh giặc và cả kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau này.

+ Mở tiếc khao quân, sau đó có năm đạo quân lên đường tiến quân ra Bắc.

 

Câu 2: Em hãy tìm và phân tích những chi tiết thể hiện Quang Trung là một thiên tài quân sự với tài dụng binh như thần?

Trả lời:

- Cuộc hành quân thần tốc do Quang Trung chỉ huy đến nay vẫn làm cho chúng ta kinh ngạc.

+ Ngày 25 tháng chạp bắt đầu xuất phát từ Phú Xuân (Huế)

+ Một tuần lễ sau đại quân đã ra đến Tam Điệp (Ninh Bình) – Cách Huế khoảng 500km

+ Đêm 30 tháng chạp đã lập tức lên đường tiến quân ra Thăng Long.

+ Từ Tam Điệp ra đến Thăng Long khoảng 150km, vừa hành quân vừa đánh giặc vậy mà Quang Trung đã định ra kế hoạch mùng 7 tháng giêng sẽ ăn tết ở Thăng Long, trong thực tế đã vượt mức hai ngày.

+ Hành quân xa đi liên tục mà tất cả đều là đi bộ, nhiều nỗi gian khó mà quân lệnh vẫn nghiêm minh, đội ngũ chỉnh tề, giữ được sức chiến đấu, đó là do tài tổ chức của người cầm quân.

+ Hơn một vạn quân mới tuyển, quân tinh nhuệ từ đất Thuận Quảng ra thì bao bọc 4 doạnh tiền, hậu, tả, hữu.

- Quang Trung có mưu kế đanh giặc tài tình: Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, biết chớp thời cơ, lấy ít địch nhiều, khiến giặc không kịp chống đỡ 

- Mọi trận đánh nghĩa quân Tây Sơn luôn có cách đánh phù hợp, thiên biến vạn hóa khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía. Trận đánh nào cũng thắng lợi vẻ vang.

 

Câu 3: Ngòi bút của tác giả khi miêu tả cuộc tháo chạy của quân Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống có gì khác biệt? Vì sao có sự khác biệt đó?

Trả lời:

- Đoạn văn miêu tả sự tháo chạy của quân tướng nhà Thanh: Với nhịp điệu, nhanh, mạnh, hối hả, ngòi bút miêu tả khách quan của tác giả hàm chứa thái độ hả hê, sung sướng của người thắng trận trước sự thảm hại của lũ cướp nước.

- Đoạn văn miêu tả cuộc tháo chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống: Nhịp điệu chậm hơn dường như để làm nổi bật số phận bi đát. Miêu tả tỉ mỉ những giọt nước mắt của người thổ hào, giọt nước mắt tủi hổ của vua tôi Lê Chiêu Thống, cuộc thiết đại thịnh tình của kẻ bề tôi…Âm hưởng ngậm ngùi, chua xót. Là những kẻ cựu thần của nhà Lê, các tác giả không thể không mủi lòng trước sự sụp đổ của vương triều mà mình phụng thờ, tuy đó là kết cục không thể tránh khỏi.

 

Câu 4: Các tác giả vốn là cựu thần nhà Lê nhưng viết rất thực và hay về hình tượng người anh hùng Nguyễn Huệ - Quang Trung. Vì sao vậy?

Trả lời:

- Do quan điểm phản ánh hiện thực của các tác giả - những người trí thức của nhóm Ngô gia văn phái:

+ Tôn trọng lịch sử

+ Ý thức dân tộc

- Các tác giả Ngô gia văn phái vốn là những cựu thần, chịu ơn sâu nghĩa nặng của nhà Lê. Nhưng họ không thể bỏ qua sự vật thật là Lê Chiêu Thống – vua nhà Lê đã đớn hèn “cõng rắn cắn gà nhà”, và chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung là niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc.

Các tác giả Ngô gia văn phái đã vượt qua tư tưởng trung quân mù quáng để viết rất thực và hay như vậy về người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.

 

Câu 5: Em hãy phân tích lời dụ của vua Quang Trung tại trấn Nghệ An?

Trả lời:

- Khẳng định chủ quyền dân tộc của ta và lên án hành động xâm lược phi nghĩa trái đạo trời của giặc “Trong khoảng vũ trụ đất nào sao nấy đều đã phân biệt rõ ràng, phương nam phương bắc chia nhau mà cai trị”

- Vạch trần dã tâm xâm lược của quân giặc “người phương Bắc không phải là giống nước ta, bụng dạ ắt khác..”

- Nhắc lại truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ xa xưa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

- Kêu gọi quân lính đồng tâm hiệp lực để lập nên công lớn.

- Quang Trung đã dự kiến được việc Lê Chiêu Thống về nước có thể làm một số người phù Lê thay đổi lòng dạ nên ông đã có lời dụ với quân lính vừa chí tình vừa nghiêm khắc. Ông đã đề ra kỉ luật nghiêm minh “chớ có quen theo thói cũ ăn ở hai lòng …không tha một ai”

- Lời dụ của vua Quang Trung có thể xem như một bài hịch rất ngắn gọn nhưng ý tứ phong phú sâu xa có tác dụng khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống quật cường của dân tộc, khích lệ quyết tâm chiến đấu của binh lính trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước.

Chúng ta nhận ra bài hịch ấy có hồn phách thiêng liêng của một Nam quốc sơn hà, cái giọng khích lệ của một Hịch tướng sĩ, và đặc biệt là âm hưởng rõ ràng tràn ngập lòng tự hào dân tộc của những dòng đầu tiên của những áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo.

 

3. VẬN DỤNG (03 CÂU)

Câu 1: Viết đoạn văn làm rõ nét đẹp về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung?

Trả lời:

Trong tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” hồi thứ 14, hình tượng Nguyễn Huệ nổi lên sáng ngời phẩm chất của một người anh hùng. Điều đó được thể hiện rõ nét qua hành động mạnh mẽ, quyết đoán, trí tuệ sáng suốt, sâu sắc, nhạy bén, ý chí quyết thắng, tầm nhìn xa trông rộng và tài dụng binh như thần, oai phong lẫm liệt trong trận đấu. Trong mọi tình huống, Nguyễn Huệ luôn thể hiện là một con người hành động xông xáo, nhanh gọn, có chủ đích và quả quyết vô cùng. Nghe tin giặc đánh chiếm đến tận Thăng Long mà ông không hề nao núng “định thân chinh cầm quân đi ngay”. Rồi sau đó, chỉ trong vòng một tháng, Nguyễn Huệ làm được nhiều việc lớn. Ông còn là một người có trí tuệ sáng suốt hơn người, trí tuệ ấy được biểu hiện trong việc xét đoán, dùng người, biết phân tích tình hình thời cuộc và tương quan ta-địch. Qua lời phủ dụ quân lính ở Nghệ An, ông đã đánh thức, khơi dậy ý thức độc lập cũng như tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần quật khởi để kích thích mọi người. Khi mới khởi binh đánh giặc, chưa giành được tấc đất nào vậy mà Quang Trung tuyên bố như đinh đóng cột “phương lược tiến đánh đã có tính sẵn”, còn tính sẵn cả kế hoạch ngoại giao sau khi thắng một nước lớn gấp mười lần nước mình. Điều đó đã thể hiện ý chí quyết thắng, tầm nhìn xa trông rộng của một vị vua sáng suốt, một người anh hùng không chỉ chiến đấu trên danh nghĩa, chỉ huy một chiến dịch thực sự. Khí thế của nghĩa quân Tây Sơn khiến kẻ thù khiếp vía thốt nên rằng “tướng ở trên trời xuống, quân ở dưới đất lên”. Nổi bật trong trận đánh là hình ảnh Quang Trung “cưỡi voi đốc thúc, mặc áo bào đỏ, mặt sạm đen khói súng.” Thật oai phong, lẫm liệt biết nhường nào! Quang Trung - Nguyễn Huệ thật sự là một người anh hùng trí dũng song toàn, sáng ngời hào khí dân tộc.

 

Câu 2: Nêu cảm nghĩ của em về vẻ đẹp hình tượng của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ

Trả lời:

Vua Quang Trung là người có hành động mạnh mẽ quyết đoán. Là người có trí tuệ nhạy bén, Nguyễn Huệ sáng suốt trong việc phân tích tình hình thời cuộc và thế tương quan chiến lược giữa ta và địch, từ đó định sẵn kế hoạch đánh giặc và sáng suốt trong việc xét đoán và dùng người. Chắc chắn phải nhắc đến tài dụng binh như thần quyết định thắng lợi của quân ta. Cuối cùng Quang Trung trở thành vị vua oai phong lẫm liệt trong trận đấu.

 

Câu 3: Viết 1 đoạn văn từ 6-8 câu nêu suy nghĩ của em về vấn đề: Tuổi trẻ Việt Nam hiện nay vẫn cần làm gì để thể hiện lòng yêu nước?

Trả lời:

Cũng như bao truyền thống khác, tinh thần yêu nước là một nét đặc sắc trong văn hóa lâu đời của nước ta, nó được thể hiện từ xưa đến nay và đi sâu vào từng hành động, ý nghĩ của mỗi con người. Lòng yêu nước là yêu tất cả những gì tốt đẹp, yêu thiên nhiên muôn hình vạn trạng, yêu bầu trời trong xanh, yêu đàn chim bay lượn, yêu cả những dòng sông thân thương hay gần gũi nữa là yêu những chiếc lá mỏng manh. Xét cho cùng thì tinh thần yêu nước nó xuất phát từ ý chí, sự quyết tâm phấn đấu, xây dựng Tổ quốc, tình yêu thương và cả niềm hi vọng. Tinh thần yêu nước bao gồm cả nhiều tình yêu khác: tình yêu gia đình, quê hương, tình yêu con người. Nó được bộc lộ ở mọi lúc mọi nơi, mọi cá nhân, bất cứ nơi nào có người dân Việt Nam sống thì đó sẽ mãi là mầm mống, là chồi non của tinh thần yêu nước Việt Nam. Và đó cũng sẽ không phải là lí tưởng của mình dân tộc Việt Nam mà còn rất nhiều nước khác, lí tưởng ấy luôn đi đầu. Đối với bản thân em, em luôn cố gắng chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức để sớm trở thành công dân có ích cho đất nước.

 

4. VẬN DỤNG CAO (02 CÂU)

Câu 1: Trong câu “Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị”. Nhắc em nhớ tới tác phẩm nào đã học trong chương trình Ngữ văn THCS. Vua Quang Trung muốn khẳng định điều gì qua câu nói trên.

Trả lời:

Trong câu “ Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” gợi nhắc tới hai câu thơ trong bài Sông núi nước Nam tương truyền của Lý Thường Kiệt.

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời”

    - Câu nói của vua Quang Trung có ý nghĩa khẳng định nền độc lập, tự cường của nước ta, đất nước có ranh giới lãnh thổ rõ ràng, có vua cai trị. Đồng thời đây cũng là câu nói nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ trước mọi kẻ thù xâm lược.

Câu 2: Tìm hiểu thêm về lễ hội Gò Đống Đa.

Trả lời: 

- Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 tết Nguyên đán. Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng áo vải huyền thoại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

- Lễ hội gò Đống Đa không chỉ thu hút người Hà Nội, mà người từ khắp nơi còn về chung vui. Ngay từ sáng sớm, những con đường về gò đã nghìn nghịt người. Không khí xuân tràn ngập. Mặt người rạng rỡ. Ai cũng chung niềm tự hào chiến thắng. Lễ hội gò Đống Đa chính là lễ hội chiến thắng. Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.

- Cửa đình làng Khương Thượng từ tinh mơ đã mở rộng, khói hương lan toả. Các vị chức sắc và bô lão trong làng tề tựu đông đủ chuẩn bị cho cuộc đại lễ. Đến gần 12 giờ trưa, từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa, nhân dân tiến hành đám rước thần mừng chiến thắng. Đi sau cùng đám rước là hình tượng Rồng Lửa. Thanh niên hai làng Đồng Quang và Khương Thượng mặc những bộ trang phục giống nhau đi quanh đám rước Rồng Lửa và biểu diễn côn quyền tái hiện lại chiến trận năm xưa, biểu dương khí thế của nghĩa quân Tây Sơn.




=> Giáo án Ngữ văn 8 cánh diều Bài 8 Đọc 1: Quang Trung đại phá quân Thanh

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay