Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều Ôn tập Bài 1: Truyện ngắn (P1)
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 1: Truyện ngắn (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 cánh diều.
Xem: => Giáo án ngữ văn 8 cánh diều
ÔN TẬP BÀI 1. TRUYỆN NGẮN (PHẦN 1)
Câu 1: Giới thiệu vài nét về tác giả Thạch Lam
Trả lời:
- Thạch Lam (1910-1942), tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh.
- Quê: sinh ra Hà Nội; lúc nhỏ sống ở quê ngoại Cẩm Giàng, Hải Dương.
- Ông sáng tác nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, …
- Truyện ngắn của ông giàu cảm xúc, lời văn bình dị, đậm chất thơ. Nhân vật chính thường là những con người nhỏ bé, cuộc sống nhiều vất vả, cơ cực mà tâm hồn vẫn tinh tế, đôn hậu. Tác phẩm của ông ẩn chứa niềm yêu thương, trân trọng đối với thiên nhiên, con người, cuộc sống.
- Các tập truyện ngắn tiêu biểu: Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc, …
Câu 2: Tóm tắt văn bản “Gió lạnh đầu mùa”
Trả lời:
Sơn và Lan là hai chị em sinh ra trong một gia đình khá giả. Không giống như những đứa trẻ có điều kiện khác, hai chị em Sơn, Lan luôn hòa đồng, gần gũi với những đứa trẻ nghèo cùng phố huyện. Vào một ngày trời chuyển lạnh, hai chị em mặc áo ấm ra chợ chơi thấy Hiên – cô bé hàng xóm đang co ro bên cột quán với manh áo mong manh, rách tả tơi. Thấy vậy, hai chị em bèn đem tặng Hiên chiếc áo bông cũ. Chính chiếc áo bông ấy đã thắp sáng tình yêu thương, sưởi ấm cho Hiên cũng như những đứa trẻ nghèo nơi đây qua mùa đông giá rét. Câu chuyện đã để lại dư âm trong lòng độc giả, khiến độc giả vừa thấm thía nỗi khổ đau, bất hạnh, hoàn cảnh éo le của những con người nghèo khổ, vừa cảm nhận sâu sắc tình người ấm nồng, cao quý, thiêng liêng; từ đó thêm trân trọng cuộc sống này hơn.
Câu 3: Hãy trình bày một số hiểu biết của em về văn bản “Người mẹ vườn cau” (tác giả, thể loại, nội dung,…)
Trả lời:
- Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư
- Thể loại: Truyện ngắn
- Truyện nằm trong tập truyện ngắn “Xa xóm Mũi”.
- Nội dung: Văn bản xoay quanh câu chuyện về một người mẹ, từ đó nói lên những phẩm chất đẹp của người mẹ ở miền quê xưa đồng thời truyền tải thông điệp về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Câu 4: Trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Nguyễn Ngọc Tư.
Trả lời:
- Nguyễn Ngọc Tư (sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) là một nhà văn, thành viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.
- Cô được biết đến với tập truyện mang tên Cánh đồng bất tận. Tập truyện nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2006 và truyện ngắn cùng tên đã được chuyển thể thành phim điện ảnh năm 2010.
Câu 5: Cho các câu sau:
– Nó ăn hai bát cơm.
– Nó ăn những hai bát cơm.
– Nó ăn có hai bát cơm.
- Nghĩa của các câu trên đây có gì khác nhau? Vì sao có sự khác nhau đó?
- Các từ “những” và “có” trong các câu trên đi kèm từ ngữ nào trong câu và biểu thị thái độ gì của người nói đối với sự việc?
Trả lời:
- a) - So sánh câu thứ nhất và câu thứ hai: Câu thứ nhất nói lên một sự việc khách quan là: nó ăn (số lượng) hai bát cơm. Ở câu thứ hai, thêm từ “những”, ngoài việc diễn đạt một việc khách quan như câu thứ nhất, còn có ý nhấn mạnh, đánh giá việc nó ăn hai bát cơm là nhiều, là vượt quá mức bình thường.
- So sánh câu thứ ba và câu thứ nhất: Câu thứ ba, thêm từ “có”, ngoài việc diễn đạt một sự việc khách quan như câu thứ nhất, còn có ý nghĩa nhấn mạnh, đánh giá việc nó ăn hai bát cơm là ít, là không đạt mức độ bình thường.
- b) Qua phân tích ở a), ta thấy “những” và “có” đi kèm với cụm danh từ “hai bát cơm”. Hai từ này dùng để biểu thị thái độ nhấn mạnh, đánh giá của người nói đối với sự vật, sự việc được nói đến ở trong câu.
Câu 6: Các từ “này, a và vâng” trong những đoạn trích sau đây biểu thị điều gì?
- a) Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi, như muốn bảo tôi rằng: "A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à?".
- b) – Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. Chứ cứ nằm đấy, chốc nữa họ vào thúc sưu, không có, họ lại đánh trói thì khổ. Người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn.
– Vâng, cháu cũng đã nghĩ như cụ. Nhưng để cháo nguội, cháu cho nhà cháu ăn lấy vài húp cái đã.
Trả lời:
- “Này” là tiếng thốt ra để gây sự chú ý của người đối thoại.
- “A” trong trường hợp này là tiếng thốt ra để biểu thị sự tức giận khi nhận ra một điều gì đó không tốt.
- “Vâng” ở đây là tiếng dùng để đáp lại lời người khác một cách lễ phép, tỏ ý nghe theo.
Câu 7: Tóm tắt trình tự diễn biến tâm trạng của nhân vật “tôi” trong truyện ngắn “Tôi đi học”. Từ đó, nhận xét về bố cục của tác phẩm.
Trả lời:
- Dựa vào văn bản đoạn trích, có thể tóm tắt trình tự diễn biến tâm trạng nhân vật “tôi” theo trình tự:
+ Từ hiện tại mà nhớ về dĩ vãng: biến chuyển của trời đất cuối thu (thời gian mở đầu một năm học) và hình ảnh mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên tới trường gợi cho nhân vật “tôi” nhớ lại mình ngày ấy cùng những kỉ niệm trong sáng.
+ Trên con đường cùng mẹ tới trường.
+ Khi nhìn ngôi trường ngày khai giảng, nhìn mọi người, các bạn, lúc nghe "ông đốc" gọi tên mình và phải rời tay mẹ để vào lớp.
+ Lúc ngồi vào chỗ của mình và đón nhận giờ học đầu tiên.
- Bố cục này làm nên sự kết hợp hài hoà giữa tự sự với trữ tình của truyện ngắn “Tôi đi học”. Toàn bộ tác phẩm là “những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường” qua hồi tưởng của nhân vật “tôi”. “Tôi đi học” mang tính chất tự truyện, một sáng tác đặc sắc của ngòi bút văn xuôi giàu chất trữ tình Thanh Tịnh.
Câu 8: Tìm những hình ảnh, chi tiết chứng tỏ tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật "tôi" khi cùng mẹ đi trên đường tới trường, khi nghe gọi tên và phải rời bàn tay mẹ cùng các bạn đi vào lớp, khi ngồi trong lớp đón giờ học đầu tiên.
Trả lời:
Những hình ảnh, chi tiết chứng tỏ tâm trạng hồi hộp, cảm giác ngỡ ngàng của nhân vật “tôi”:
- Con đường, cảnh vật chung quanh vốn rất quen nhưng lần này tự nhiên thấy lạ, tự cảm thấy có sự thay đổi lớn trong lòng mình.
- Cảm thấy trang trọng, đứng đắn với bộ quần áo, với mấy quyển vở mới trên tay.
- Cẩn thận, nâng niu mấy quyển vở, vừa lúng túng vừa muốn thử sức, muốn khẳng định mình khi xin mẹ được cầm cả bút, thước như các bạn khác.
- Bỗng thấy sân trường hôm nay dày đặc cả người, ai cũng áo quần sạch sẽ, gương mặt vui tươi sáng sủa.
- Ngôi trường vừa xinh xắn vừa oai nghiêm khác thường. Cảm thấy mình bé nhỏ so với nó, nhân vật "tôi" đâm ra lo sợ vẩn vơ.
- Hồi hộp chờ nghe tên mình. "Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng".
- Bỗng càng cảm thấy sợ khi sắp phải rời bàn tay dịu dàng của mẹ. Những tiếng khóc nức nở hay thút thít bật ra rất tự nhiên như phản ứng dây chuyền lúc ấy. Cảm thấy mình bước vào một thế giới khác và cách xa mẹ hơn bao giờ hết.
- Cảm thấy vừa xa lạ vừa gần gũi với mọi vật, với người bạn ngồi bên cạnh.
- Vừa ngỡ ngàng mà vừa tự tin, nhân vật "tôi" nghiêm trang bước vào giờ học đầu tiên.
Câu 9: Những chi tiết nào trong truyện giúp em hình dung ra bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông? Bối cảnh ấy cho em biết gì về cuộc sống được miêu tả trong truyện?
Trả lời:
- Những chi tiết nêu lên bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông:
+ “Không phải ngày phiên nên chợ vắng không. Mấy cái quán chơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề. Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh, và cay mắt.”
+ “Mặt đất rắn lại và nứt nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên lanh tanh dưới nhịp guốc của hai chị em.”
+ “Đến cuối chợ đã thấy lũ trẻ đang quây quần chơi nghịch. Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng xa, không dám vồ vập. Chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy.”
+ Hiên vẫn đứng dựa vào cột quán trong khi mọi người đến chỗ chị em Sơn chơi.
=> Bối cảnh ấy cho ta thấy rằng cuộc sống của những người trong truyện khó khăn, nghèo khổ.
Câu 10: Chỉ ra các câu văn miêu tả suy nghĩ, cảm xúc của Sơn khi nghe mẹ và vú già trò chuyện về chiếc áo bông cũ của em Duyên; khi Sơn nhớ ra cuộc sống nghèo khổ của mẹ con Hiên. Những suy nghĩ, cảm xúc ấy giúp em cảm nhận được gì về nhân vật này?
Trả lời:
- Khi nghe mẹ và vú già nói chuyện, “Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá” và hiểu nỗi lòng của mẹ: “Sơn thấy mẹ hơi rơm rớm nước mắt”; khi nhớ ra cảnh sống nghèo khổ của gia đình Hiên, “Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên...”
=> Những ý nghĩ ấy cho thấy Sơn là một cậu bé sống rất tình cảm, giàu lòng trắc ẩn, biết quan tâm và yêu thương người thân, bạn bè.
Câu 11: Hãy nhận xét về cách ứng xử của mẹ Hiên và mẹ Sơn trong đoạn kết của truyện.
Trả lời:
– Các em có thể đưa ra nhận xét, đánh giá qua việc trả lời các câu hỏi sau:
+ Vì sao mẹ Hiên mang trả mẹ Sơn chiếc áo bông?
+ Tại sao mẹ Sơn không cho bé Hiện chiếc áo bông cũ mà lại cho mẹ Hiên vay tiền để mua áo cho con?
+ Mẹ Sơn có trách mắng các con không?
+ Bằng cử chỉ ôm các con vào lòng và lời nói: “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?”, mẹ Sơn muốn các con hiểu điều gì?
– Qua đó ta thấy được cách cư xử đúng đắn, tự trọng của một người mẹ nghèo khổ; cách cư xử nhân hậu, tế nhị của một người mẹ có điều kiện sống khá giả hơn. Với các con, cách cư xử của mẹ Sơn vừa nghiêm khắc vừa ấm áp, yêu thương. Cử chỉ và lời nói của bà giúp các con hiểu rằng: không nên tự tiện lấy áo của mẹ đem cho (mà cần phải xin phép mẹ) nhưng mẹ vui vì các con biết chia sẻ, giúp đỡ người khác...
Câu 12: Đọc lại một số đoạn văn “Gió lạnh đầu mùa” tác giả miêu tả những thay đổi của đất trời khi mùa đông đến. Em có thích những đoạn văn này không? Vì sao?
Trả lời:
Hãy trả lời dựa trên cảm nhận và đánh giá của em.
Ví dụ:
- Em không thích các đoạn văn tả cảnh vì chúng không liên quan đến cốt truyện hoặc khiến tác phẩm trở nên dài dòng,..;
- Em thích các đoạn văn này vì chúng giúp em hiểu về thiên nhiên; hình dung được khung cảnh diễn ra câu chuyện và giúp em cảm nhận về đặc điểm nhân vật Sơn...
* Nếu chưa đưa được ra câu trả lời, hãy làm một số việc dưới đây:
- Phân tích một số chi tiết cho thấy sự quan sát, lối miêu tả rất tinh tế của tác giả: Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét [...]. Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh, và cay mắt. Nhưng chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa, Sơn thấy rõ như gần. Mặt đất rắn lại và nứt nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên tanh tách dưới nhịp guốc của hai chị em...
=> Thạch Lam đã nắm bắt, tái hiện được sự đổi thay của thời tiết, cảnh vật lúc giao mùa; đồng thời thể hiện được tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của nhân vật Sơn.
- Kết nối các yếu tố: nhan đề truyện, các đoạn văn tả cảnh, miêu tả cảm giác của một em nhỏ về cái lạnh đầu mùa, câu chuyện về chiếc áo bông cũ với chủ đề truyện.
Câu 13: Nhận xét về cách dùng các từ “này, a và vâng” bằng cách lựa chọn những câu trả lời đúng:
- a) Các từ ấy có thể làm thành một câu độc lập.
- b) Các từ ấy không thể làm thành một câu độc lập.
- c) Các từ ấy không thể làm một bộ phận của câu.
- d) Các từ ấy có thể cùng những từ khác làm thành một câu và thường đứng đầu câu.
Trả lời:
- Câu a và d là đúng.
Câu 14: Nêu bố cục “Gió lạnh mùa đông”
Trả lời:
Gồm 3 phần:
+ Phần 1 (Từ đầu đến rơm rớm nước mắt): Cảnh sinh hoạt trong gia đình Sơn ngày gió đầu mùa.
+ Phần 2 (Tiếp đến ấm áp vui vui): Cảnh hai chị em Sơn cùng vui chơi và chia sẻ áo ấm cho Hiên.
+ Phần 3 (Còn lại): Sự lo lắng của Sơn và cảnh mẹ Hiên trả lại áo.
Câu 15: Em có cảm nhận gì về thái độ, cử chỉ của những người lớn (ông đốc, thầy giáo đón nhận học trò mới, các phụ huynh) đối với các em bé lần đầu đi học?
Trả lời:
Thái độ, cử chỉ của những người lớn đối với các em bé lần đầu đi học:
- Các phụ huynh đều chuẩn bị chu đáo cho con em ở buổi tựu trường đầu tiên, đều trân trọng tham dự buổi lễ quan trọng này. Có lẽ các vị cũng đang lo lắng, hồi hộp cùng con em mình.
- Ông đốc là hình ảnh một người thầy, một người lãnh đạo nhà trường rất từ tốn, bao dung. Thầy giáo trẻ dạy học sinh lớp mới cũng chứng tỏ là một người vui tính, giàu tình thương yêu.
è Qua các hình ảnh về người lớn, chúng ta nhận ra trách nhiệm, tấm lòng của gia đình, nhà trường đối với thế hệ tương lai. Đó là một môi trường giáo dục ấm áp, là một nguồn nuôi dưỡng các em trưởng thành.
Câu 16: Hãy tìm và phân tích các hình ảnh so sánh được nhà văn sử dụng trong truyện ngắn.
Trả lời:
Hãy chú ý vào ba hình ảnh so sánh sau:
- "Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng."
- "Ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi."
- "Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ."
=> Các so sánh trên xuất hiện ở các thời điểm khác nhau để diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật "tôi". Đây là các so sánh giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm được gắn với những cảnh sắc thiên nhiên tươi sáng, trữ tình.
=> Nhờ các hình ảnh so sánh như thế mà cảm giác, ý nghĩ của nhân vật "tôi" được người đọc chúng ta cảm nhận cụ thể, rõ ràng hơn. Cũng nhờ chúng, truyện ngắn thêm man mác chất trữ tình trong trẻo.
Câu 17: Nhận xét về đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn này. Sức cuốn hút của tác phẩm, theo em, được tạo nên từ đâu?
Trả lời:
– Đặc sắc nghệ thuật:
+ Truyện ngắn được bố cục theo dòng hồi tưởng, cảm nghĩ của nhân vật "tôi", theo trình tự thời gian của một buổi tựu trường.
+ Sự kết hợp hài hoà giữa kể, miêu tả với bộc lộ tâm trạng, cảm xúc.
=> Chính các đặc sắc nghệ thuật trên góp phần quan trọng tạo nên chất trữ tình của tác phẩm.
– Sức cuốn hút của tác phẩm được tạo nên từ:
+ Bản thân tình huống truyện (buổi tựu trường đầu tiên trong đời đã chứa đựng cảm xúc thiết tha, mang bao kỉ niệm mới lạ, "mơn man" của nhân vật "tôi").
+ Tình cảm ấm áp, trìu mến của những người lớn đối với các em nhỏ lần đầu tiên đến trường.
+ Hình ảnh thiên nhiên, ngôi trường và các so sánh giàu sức gợi cảm của tác giả.
=> Toàn bộ truyện ngắn toát lên chất trữ tình thiết tha, êm dịu.
Câu 18: Cốt truyện của văn bản “Người mẹ vườn cau” có gì đáng chú ý?
Trả lời:
Cốt truyện của văn bản có điểm đáng chú ý là:
- Tác giả mượn chuyện làm bài kiểm tra để rồi nói về người mẹ của ba mình.
- Câu chuyện chính được tách ra làm hai phần: phần một nói về chuyến về quê thăm nội, phần hai không tiếp diễn ngay chuyện phần một mà nói về một câu chuyện sau đó khi mà ba của “tôi” đã lâu không về thăm nội.
Câu 19: Hình ảnh “người mẹ vườn cau” được tái hiện với những chi tiết tiêu biểu nào?
Trả lời:
Các chi tiết về “người mẹ vườn cau”:
- (*) Nội ở một mình, nhà có vườn cau.
- Nội trong gầy gò, cười phô cả lợi, vui sướng đón các con cháu về thăm.
- Nội gắp thức ăn cho “tôi”, bảo “tôi” một cách hiền từ: “Ăn cho mau lớn, con”.
- (*) Nội ôm “tôi” vào lòng, ngồi trên võng bố đưa kèn kẹt.
- Nội dẫn “tôi” ra vườn xem cây cối.
- Bà nắm tay “tôi”, bàn tay bà nhăn nheo, gân guốc.
- Đêm hôm ấy bà mắc mùng cho “tôi” ngủ.
- (*) Theo lời kể của ba, nội là một bà mẹ anh hùng nhưng không phải anh hùng theo kiểu mà “tôi” nghĩ.
- (*) Bà có dáng còm cõi, nụ cười phúc hậu, đôi mắt già nua, nheo nheo.
- (*) Bà bảo chú Biểu đến nhà mang cho xâu ếch dài. Bà rất nhớ con cháu.
Các chi tiết tiêu biểu là các chi tiết có đánh dấu (*)
Câu 20: Em ấn tượng với chi tiết nào về hình ảnh “người mẹ vườn cau” nhất? Vì sao?
Trả lời:
Hãy chọn lựa một chi tiết tiêu biểu và trình bày lí do theo cảm nhận của em.
Ví dụ:
- Em ấn tượng với chi tiết “nội là một bà mẹ anh hùng”. Chi tiết này hay vì nó thể hiện sự khác biệt trong lối suy nghĩ của trẻ em và người lớn. Nhân vật “tôi” trong truyện còn nhỏ, có thể là bị ảnh hưởng bởi các truyện võ thuật hay lời nói của bạn bè, cho rằng “anh hùng phải cao to, đẹp khoẻ”. Nhưng để trở thành một anh hùng không cần phải trở thành một nhân vật thần thánh như vậy, mà chỉ cần như nội vườn cau là đủ. “Nội bán ve chai”, “Nội gánh giỏ đi đầu làng cuối xóm. Nội đưa thư cho ba. Nội mang thức ăn, tin tức”. Nội vẫn phải vui vẻ sống một mình khi những người con yêu dấu của mình đã ra đi. Nội đã làm những việc phi thường, xứng đáng là một anh hùng. Qua lời kể của ba mình, nhân vật “tôi” phần nào hiểu được điều đó và cảm thấy thương nội hơn.
Câu 21: Văn bản “Người mẹ vườn cau” là kiểu truyện ngắn nào?
Trả lời:
- Văn bản này được viết theo kiểu truyện ngắn kể lại sự việc giản dị, đời thường.
- Truyện chỉ nói về hai sự kiện chính là hai cha con về thăm bà nội và một chuyện gợi nhớ về bà của nhiều năm sau. Cốt truyện đơn giản, đời thường nhưng phủ lên đó là những cảm xúc, tâm trạng khiến người ta phải suy ngẫm.
Câu 22: Hãy nhận xét về lời nói của các nhân vật trong truyện Người mẹ vườn cau.
Trả lời:
- Đầu tiên, em hãy liệt kê các lời thoại theo nhân vật.
- Một số điểm em có thể thấy qua lời nói của các nhân vật trong truyện:
+ Lời nói mang màu sắc riêng của nhân vật: lời của bà nội thể hiện sự quan tâm “Má tưởng con …”, cách nói của nội mang tính điển hình của người xưa “Tiên tổ mầy,…”, lời nói của nhân vật “tôi” là kiểu trẻ con chưa biết nhiều,…
+ Lời nói mang màu sắc địa phương
+ Lời nói góp phần thể hiện tâm trạng, cảm xúc của của nhân vật. Chú ý những câu nói ở đoạn hai cha con nói chuyện lúc đi ngủ và ở phần (2).
+ Chú ý đến sự chuyển biến về lời nói: những lời nói ở phần đầu thường vui sau dần có sự biến đổi. Điều này nhằm thể hiện ý đồ của tác giả.
Câu 23: “Tôi đi học” vừa là nhan đề, vừa là cụm từ nhà văn dùng để kết thúc văn bản. Theo em, cụm từ ấy gợi ra ý nghĩa gì?
Trả lời:
Cụm từ “tôi đi học” gợi ra ý nghĩa
– Gợi nhắc cột mốc quan trọng của đời người, ngày đầu tiên đi học, với sự trân trọng, nâng niu.
– Gợi tới những bước đầu tiên trên cuộc hành trinh lĩnh hội tri thức của cuộc đời, thể hiện thái độ trân trọng tri thức, trân trọng việc học tập (liên hệ với chi tiết: “Tôi đi học” là bài học đầu tiên nhân vật “tôi” được học khi bước vào ngôi trường mới).
Câu 24: Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ, cảm xúc của em sau khi đọc truyện ngắn “Tôi đi học”.
Trả lời:
Để trình bày suy nghĩ, cảm xúc của mình sau khi đọc truyện ngắn này, cần thâm nhập không khí của câu chuyện mà rung cảm cùng nhân vật “tôi”. Có thể trình bày theo các hướng sau:
– Buổi tựu trường đầu tiên có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời mỗi con người? Những kỉ niệm trong dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi” gợi lại cho ta điều gì? Nội dung của truyện ngắn là những kỉ niệm rất riêng nhưng gần gũi, thân quen với mỗi chúng ta như thế nào?
– Về chất trữ tình nhẹ nhàng, thắm đượm của truyện ngắn; về sự kết hợp hài hoà giữa miêu tả với biểu cảm của ngòi bút văn xuôi Thanh Tịnh.
– Về sức lay động, giá trị lâu bền của truyện ngắn Tôi đi học.
Câu 25: Nêu giá trị nội dung và nghệ thuật gió lạnh mùa đông
Trả lời:
+ Gió lạnh đầu mùa thể hiện tình thương giữa con người với nhau trong hoàn cảnh khổ cực, khắc nghiệt.
+ Nghệ thuật tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm tinh tế cùng các thủ pháp đối lập, miêu tả tâm lí xuất sắc.
Câu 26: Phân tích và so sánh tâm trạng của nhân vật “tôi” ở hai đoạn văn sau:
(1) Nhưng lần này lại khác. Trước mắt tôi trường Mĩ Lí trông vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hoà Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn trong những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.
(2) Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề quen biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin có thật.
Trả lời:
- Để phân tích, so sánh hai đoạn văn này, cần đặt chúng trong dòng cốt truyện của tác phẩm. Đây là hai đoạn văn diễn tả tâm trạng nhân vật “tôi” ở hai thời điểm khác nhau.
Đoạn văn thứ nhất diễn tả tâm trạng “tôi” khi đứng trước ngôi trường ở lần đi học đầu tiên. Đó là tâm trạng ngỡ ngàng, mới lạ dù không phải mình thấy ngôi trường này lần đầu. Hôm nay, nhân vật “tôi” cảm thấy ngôi trường oai nghiêm, cao rộng còn mình thật bé nhỏ nên lo sợ vẩn vơ.
- Đoạn văn thứ hai diễn tả tâm trạng “tôi” khi đã rời bàn tay mẹ, được ông đốc khuyên nhủ, được thầy giáo trẻ tươi cười đón nhận rồi ngồi vào chỗ của mình trong lớp. Đó là tâm trạng tuy vẫn còn ngỡ ngàng nhưng đã bắt đầu cảm thấy ấm áp, quyến luyến thật tự nhiên. Hãy giải thích xem tại sao “tôi” không còn cảm giác sợ hãi nữa (chú ý hình ảnh ông đốc, thầy giáo)... Từ đây với “tôi”, người bạn ngồi bên và mọi vật chung quanh bỗng trở nên thân thuộc. Tình cảm quyến luyến nảy nở bất ngờ mà tự nhiên trong lòng chú bé.
è Ở đoạn văn thứ nhất, nhân vật “tôi” bỗng cảm thấy lạ trước những điều tưởng chừng đã quen. Ở đoạn văn thứ hai, nhân vật “tôi” từ lo sợ vẩn vơ bỗng tự nhiên có cảm giác gần gũi, tin cậy. Qua hai đoạn văn này, chúng ta thấy niềm vui trong trẻo, ấm áp của nhân vật “tôi” trong ngày tựu trường đầu tiên được Thanh Tịnh ghi lại rất chân thực.
Câu 27: Có người cho rằng, qua truyện này, tác giả muốn nhắn gửi đến người đọc thông điệp về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Ý kiến của em thế nào? (Trình bày thành một đoạn văn khoảng 8 – 10 dòng)
Trả lời:
Hãy trình bày ý kiến theo quan điểm của em.
Ví dụ nếu em đồng tình với ý kiến này thì đoạn văn của em cần có các ý sau:
- Chỉ ra được tấm lòng của người mẹ, người bà trong truyện qua các chi tiết nói về nội ở vườn cau như: bà vui sướng khi các con về chơi, bà là một bà mẹ anh hùng, bà nhớ và dõi theo con cháu,…
- Nhận xét về sự “bạc bẽo” của ba “tôi” khiến cho ông đau xót và muốn về thăm bà ngay sau chuyến thăm của chú Biểu.
=> Thông qua đó để chỉ ra truyền thống “uống nước nhớ nguồn” được tác giả gửi gắm qua truyện.
Câu 28: Trong các câu dưới đây, từ nào (trong các từ in đậm) là trợ từ, từ nào không phải là trợ từ?
- a) Chính thầy hiệu trưởng đã tặng tôi quyển sách này.
- b) Chị Dậu là nhân vật chính của tác phẩm "Tắt đèn".
- c) Ngay tôi cũng không biết đến việc này.
- d) Anh phải nói ngay điều này cho cô giáo biết.
- e) Cha tôi là công nhân.
- g) Cô ấy đẹp ơi là đẹp.
- h) Tôi nhớ mãi những kỉ niệm thời niên thiếu.
- i) Tôi nhắc anh những ba bốn lần mà anh vẫn quên.
Trả lời:
- Là trợ từ: a, c, g, i
- Không phải là trợ từ: b, d, e, h
Câu 29: Chỉ ra thán từ trong các câu dưới đây:
- a) Đột nhiên lão bảo tôi:
– Này! Thằng cháu nhà tôi, đến một năm nay, chẳng có giấy má gì đấy, ông giáo ạ!
À! Thì ra lão đang nghĩ đến thằng con lão.
- b) – Con chó là của cháu nó mua đấy chứ!... Nó mua về nuôi, định để đến lúc cưới vợ thì giết thịt...
Ấy! Sự đời lại cứ thường như vậy đấy. Người ta định rồi chẳng bao giờ người ta làm được.
- c) – Vâng! Ông giáo dạy phải! Đối với chúng mình thì thế là sung sướng.
- d) Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn [...].
- e) Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cùng có thể làm liều như ai hết…
Trả lời:
Thán từ trong câu:
- a) Này, à
- b) Ấy
- c) Vâng
- d) Chao ôi
- e) Hỡi ơi
Câu 30: Đặt năm câu với năm thán từ khác nhau.
Trả lời:
Ví dụ:
- Ối làng nước ơi! Cứu tôi với!
- Ôi dào, chuyên nghiệp còn chẳng ăn ai nữa là nghiệp dư.
- Chà! Ngôi nhà này đẹp ghê!
- Dạ, xin cảm ơn chị.
- Bạn gì ơi!