Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều Ôn tập Bài 2: Thơ sáu chữ, bảy chữ (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 2: Thơ sáu chữ, bảy chữ (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 cánh diều.

ÔN TẬP BÀI 2. THƠ SÁU CHỮ, BẢY CHỮ (PHẦN 1)

Câu 1: Em hãy trình bày những hiểu biết của em về bài thơ “Nếu mai em về Chiêm Hoá” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Mai Liễu

- Thể loại: thơ sáu chữ

- Nội dung: Bài thơ nói về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, những nét đặc trưng của vùng Chiêm Hoá vào ngày xuân, đồng thời qua đó thể hiện tình yêu quê hương của tác giả.

Câu 2: Trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Mai Liễu.

Trả lời:

Tham khảo:

- Tác giả Mai Liễu có tên thật là Ma Văn Liễu. Ông là người dân tộc Tày đến từ núi rừng Tuyên Quang. Cụ thể, quê của Mai Liễu nằm ở xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Nhà thơ Mai Liễu sinh năm 1949, mất năm 2020, hưởng thọ 71 tuổi. Ông được bạn bè, người thân nhận xét là người hoà đồng, đôn hậu.

- Sau khi học xong Đại học, tác giả Mai Liễu tham gia vào Hội nhà văn Việt Nam tại Tuyên Quang. Ngoài ra ông còn học tại Học viện quân sự Liên Xô. Cả cuộc đời ông gắn liền với văn chương. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã sáng tác văn và còn làm ở Đài phát thanh truyền hình tỉnh Tuyên Quang. Sau đó, ông còn giữ nhiều chức vụ cao trong lĩnh vực văn học nghệ thuật Việt Nam như Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà văn Tuyên Quang, Tổng biên tập báo Tân Trào,...

- Trước những năm 2000, Mai Liễu có những tác phẩm thơ nổi bật sau: Mây bay về núi, Tìm tuổi, Lời then ai buộc, Suối làng,...

- Từ năm 2000 trở đi, ông có những tác phẩm thơ đặc sắc sau: Đầu nguồn mây trắng, Bếp lửa nhà sàn, Núi vẫn còn mưa...

- Thơ của Mai Liễu chân thật và thấm đẫm tình cảm. Trong những tác phẩm của ông, tình cảm gia đình, tình cảm giữa người với người và tình yêu quê hương, miền núi được đề cao. Ngôn từ trong thơ Mai Liễu cũng đậm chất miền núi.

- Trong cuộc đời của mình, nhà thơ Mai Liễu đã giành được nhiều giải thưởng lớn của nền văn học Việt Nam như: Giải ba cuộc thi viết thơ năm 2000 của báo Văn nghệ, nhiều lần đạt giải B của Hội nhà văn Việt Nam,...

Câu 3: Nhân vật “tôi” đã thể hiện tình cảm, cảm xúc gì trong bài thơ “Nắng mới”? Tình cảm, cảm xúc đó được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

Trả lời:

- Tình cảm, cảm xúc thương nhớ người mẹ được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh: “Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng”; “Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời”; “Hình dáng mẹ tôi chưa xoá mờ.”

Câu 4: Bạn có nhận xét gì về cách sử dụng từ ngữ, ngắt nhịp, gieo vần và tác dụng của chúng trong bài thơ “Nắng mới”?

Trả lời:

- Cách ngắt nhịp đều đặn, chủ yếu của bài thơ là 4/3, trừ câu thứ hai ngắt nhịp 2/2/3, gieo vần chủ yếu là vần thông. Tác dụng: thể hiện cảm xúc trầm buồn, nhớ thương.

Câu 5: Hãy tìm ba hình ảnh trong bài thơ “Nắng mới” có mối liên hệ chặt chẽ với nhau được tác giả sử dụng để khắc hoạ về người mẹ.

Trả lời:

Ba hình ảnh đó là:

- Áo đỏ người đưa trước giậu phơi

- Nét cười đen nhánh sau tay áo

- Trong ánh trưa hè trước giậu thưa

Câu 6: Quan sát các từ ngữ trong những cặp sau: ăn – xơi, trắng tinh – trắng hếu, vàng – vàng vọt, người lính – tên lính. Em thấy giữa các từ ngữ trong mỗi cặp có sự tương đồng hay khác biệt về sắc thái nghĩa? Hãy chỉ rõ điều đó.

Trả lời:

Giữa các từ ngữ trong mỗi cặp có sự khác biệt về sắc thái nghĩa:

- “Ăn” có tính chất trung tính nhưng “xơi” có sắc thái trang trọng

- “Trắng tinh” có sắc thái nghĩa tích cực (tốt nghĩa) nhưng trắng hếu có sắc thái nghĩa tiêu cực (xấu nghĩa)

- “Vàng” có sắc thái trung tính nhưng “vàng vọt” có sắc thái nghĩa tiêu cực

- “Người lính” có sắc thái tôn trọng nhưng “tên lính” có sắc thái coi thường, khinh rẻ

Câu 7: Nhóm từ Hán Việt thường có sắc thái nghĩa như thế nào? Sắc thái nghĩa của những từ đó giống hay khác với những từ có nghĩa tương đồng trong tiếng Việt? Hãy lấy ví dụ.

Trả lời:

Nhóm từ Hán Việt thường có sắc thái nghĩa cổ kính, trang trọng hoặc khái quát, trừu tượng, khác hẳn với những từ có nghĩa tương đồng trong tiếng Việt.

- Sắc thái cổ kính, ví dụ: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” (Huy Cận, Tràng giang). Nếu thay “tràng giang” bằng sông dài thì câu thơ của Huy Cận sẽ mất đi sắc thái này.

- Sắc thái trang trọng, ví dụ: “Hôm nay, phu nhân Thủ tướng đến thăm các cháu ở nhà trẻ Hoa Hồng”. Cách dùng từ “phu nhân” (thay vì dùng từ “vợ”) phù hợp với vị thế của người được nói đến.

- Sắc thái khái quát, trừu tượng, ví dụ: “Các phụ huynh rất mong được biết kết quả học tập, rèn luyện của con em mình”. Từ “phụ huynh” không thể thay thế bằng từ “cha anh”.

Câu 8: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Đường về quê mẹ” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Đoàn Văn Cừ

- Thể loại: thơ bảy chữ

- Nội dung: Tác giả nhớ lại con đường về quê mẹ thuở nào với bức tranh thiên nhiên thôn quê đầy màu sắc và sức sống, nổi bật trên đó là hình ảnh người mẹ với vẻ đẹp khiến người con còn ấn tượng mãi.

Câu 9: Trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Đoàn Văn Cừ.

Trả lời:

Tham khảo:

- Đoàn Văn Cừ sinh ngày 25 tháng 11 năm 1913 ở Thôn Đô Đò xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân. Trước Cách mạng tháng Tám, Đoàn Văn Cừ dạy học, ông đã tham gia phong trào công nhân Nhà máy sợi Nam Định năm 1936. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định (1946). Năm 1948 ông tham gia Việt Minh trong Kháng chiến chống Pháp làm công tác văn nghệ, phiên dịch, công tác địch vận Liên khu III. Từ 1959, ông là cán bộ biên tập Nhà xuất bản Phổ Thông (Bộ Văn hóa). Năm 1974 công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Nam Ninh, tỉnh Hà Nam Ninh (hiện nay huyện Nam Trực thuộc tỉnh Nam Định). Từ 1971, ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh (gồm ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông gần như sống ẩn dật ở quê trong những năm cuối đời và mất tại đây ngày 27 tháng 6 năm 2004. Ông còn có các bút danh khác là Kẻ Sỹ, Cư sỹ Nam Hà, Cư Sỹ Sông Ngọc và ngoài thơ cũng sáng tác văn xuôi.

- Đoàn Văn Cừ được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Con trai ông, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên cũng được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2006.

- Đoàn Văn Cừ xuất hiện trong Phong trào Thơ mới và viết về thôn quê với bút pháp rất riêng: tả chân. Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận xét: "Những bức tranh trong thơ Đoàn Văn Cừ không phải chỉ đơn sơ vài nét như những bức tranh xưa của Á Đông. Bức tranh nào cũng đầy dẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui. Mỗi bức tranh là một thế giới linh hoạt". Những cảnh quê như Đám hội, Đám cưới mùa xuân,... và đặc biệt là phiên Chợ Tết nông thôn của ông vẫn sẽ còn mãi với thời gian.

Câu 10: Hãy phân tích khổ 1 “Đường về quê mẹ”.

Trả lời:

- U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân: gợi nhớ về quá khứ

- Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần: con đường về quê mẹ xa xôi có đám mây trắng. “Trắng ngần”: tác giả muốn gợi ra hình ảnh đám mây đẹp. => Không gian lúc mẹ bắt đầu đưa về quê có những ấn tượng.

- “Lại”: đã về nhiều lần

=> Khổ thơ này đã nêu ra thời điểm và không gian khi mẹ đưa “tôi” về quê ngoại.

Câu 11: Phân tích khổ thơ thứ hai “Đường về quê mẹ”

Trả lời:

- Hình ảnh thiên nhiên hiện lên qua các sự vật: rặng đề, dòng sông, cồn, bãi. Chú ý đến màu sắc: trắng, xanh, tía. Chú ý đến đường nét, mảng khối: lượn ven đê, kề liên tiếp.

- Hình ảnh người nông dân: Người xới cà, ngô rộn bốn bề. Chú ý cụm từ “rộn bốn bề”: không khí làm việc hăng say, tích cực.

Câu 12: Tóm tắt “Đường về quê mẹ”

Trả lời:

Bài thơ Đường về quê mẹ tập trung khắc họa những suy tư, dòng hoài niệm của nhân vật “con” khi về quê cùng mẹ, mùa xuân đến, những cành hoa đâm chồi nảy lộc, mẹ lại dẫn con về quê ngoại thăm họ hàng, hình ảnh đẹp của con đường về quê, khung cảnh yên bình, khắc họa hình ảnh mẹ hiền lành, hình ảnh áo nâu và làm việc trên cánh đồng, một người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời, ấy thế mà mỗi lần mẹ dẫn đàn con về quê, tác phẩm đã diễn tả một tâm trạng phấn khích, vui mừng của con mỗi lần về quê với mẹ. Người con đã thể hiện những yêu thương, tình cảm và sự tự hào vô cùng về người mẹ của mình.

Câu 13: Hãy phân tích khổ thơ đầu của bài thơ “Nếu em về Chiêm hóa”

Nếu mai em về Chiêm Hoá

Cho ta gửi nỗi nhớ cùng

Tháng Giêng mưa tơ rét lộc

Em về vừa kịp mùa măng.

Trả lời:

- Chiêm Hoá: một huyện của tỉnh Tuyên Quang, có địa hình đồi núi, là quê hương của tác giả.

- Bài thơ có một cách mở thú vị: Tác giả không trực tiếp nói về vẻ đẹp của quê hương mình ngay mà thông qua việc nhờ “em” mang nỗi nhớ về hộ. Ta thấy rằng, “nỗi nhớ” đâu thể nào có thể nhờ người khác mang giùm được, nhưng tác giả lại như muốn điều đó có thể. Cách mở này đã cho thấy tác giả là một người yêu quê hương tha thiết, luôn mong muốn trở về.

- “Em” – “ta”: cách xưng hô thân mật, giản dị

- Nỗi nhớ của nhà thơ về một quê hương tươi đẹp bắt đầu với khung cảnh mùa xuân: “Tháng Giêng mưa tơ rét lộc”. Những hạt mưa nhỏ, không khí se lạnh, cây cối đâm chồi nảy lộc.

- “Em về vừa kịp” cho thấy “mùa măng” ở đây rất đáng để chờ đợi.

Câu 14: Hãy phân tích khổ thơ thứ hai của bài thơ “Nếu em về chiêm hóa”

Sông Gâm đôi bờ trắng cát

Đá ngồi dưới bến trông nhau

Non Thần hình như trẻ lại

Xanh lên ngút ngát một màu

Trả lời:

- Từ “trắng” được đảo lên trước “cát”: nhấn mạnh màu sắc của bờ sông. Hình ảnh bờ sông cát trắng là một hình ảnh đẹp.

- “Đá” được nhân hoá, có thể ngồi và nhìn nhau => con sông đã đẹp giờ lại còn sống động thêm.

- Non Thần là tên một ngọn núi. Khi nói đến thần, chúng ta thường hiểu người đó đã ở một tuổi rất lớn. Ngọn núi trong bài thơ cũng như vậy, nhưng qua cách nhìn của nhà thơ, hoà cùng vào không khí của mùa xuân, mọi thứ đang đâm chồi nảy lộc, thì “Non Thần” cũng như trẻ ra.

- “Xanh lên” được đặt ở đầu câu: nhấn mạnh sắc màu của núi rừng. “Ngút ngát” là từ láy hay trong trường hợp này vì nó tạo cảm giác cao lên tận trời xanh.

=> Đoạn hai đã tái hiện lên bức tranh về thiên nhiên, cảnh quan mùa xuân của vùng Chiêm Hoá.

Câu 15: Phân biệt sắc thái nghĩa của các từ ngữ sau và cho ví dụ để làm rõ sự khác nhau về cách dùng giữa các từ ngữ đó:

  1. lên tiếng – cao giọng
  2. chậm rãi – chậm chạp

Trả lời:

  1. a) “Lên tiếng” mang sắc thái nghĩa trang trọng còn “cao giọng” mang sắc thái nghĩa tiêu cực, chê bai

Ví dụ:

- Ngay sau khi biết được sự việc, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng bảo vệ anh.

- Thấy cô gái không làm được theo yêu cầu của mình, anh ta cao giọng quát tháo.

  1. b) “Chậm rãi” mang sắc thái nghĩa tích cực (chậm là tốt) còn “chậm chạp” mang sắc thái nghĩa tiêu cực (chậm là không được).

- Hãy cứ làm chậm rãi, không phải vội vàng vì cái này cần phải làm cẩn thận.

- Sao làm chậm chạp thế, làm thế này thì bao giờ mới xong?

Câu 16: Hãy lựa chọn từ phù hợp để điền vào chỗ trống.

  1. thân mẫu, mẹ

(1) Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa … như nước trong nguồn chảy ra.

(2) Nhà máy dệt kim Vinh mang tên Hoàng Thị Loan - … Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  1. tuyệt mĩ, rất đẹp

(1) Có một cái cốc … được bày bán ở gian hàng bên đó.

(2) Trong bảo tàng mĩ thuật này trưng bày nhiều bức hoạ …

  1. giáo huấn, dạy bảo

(1) Mọi cán bộ đều phải thực hiện lời … của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

(2) Con cái cần phải nghe lời … của cha mẹ.

Trả lời:

  1. a) (1): mẹ; (2): thân mẫu
  2. b) (1): rất đẹp; (2): tuyệt mĩ
  3. c) (1): giáo huấn; (2): dạy bảo

Câu 17: Tại sao người Việt Nam thích dùng từ Hán Việt để đặt tên người, tên địa lí?

Trả lời:

Gợi ý: Liên hệ với tên của các bạn trong lớp hoặc của người thân bằng từ Hán Việt, tên địa lí bằng từ Hán Việt, so sánh với từ thuần Việt có nghĩa tương ứng để suy ra sắc thái biểu cảm của từ Hán Việt dùng làm tên người, tên địa lí. Sắc thái biểu cảm đó là lí do khiến người Việt Nam thích dùng từ Hán Việt để đặt tên người, tên địa lí. Ví dụ: có người đặt tên là Đại chứ ít ai có tên là To, có làng đặt tên là (làng) Phú Mĩ chứ không ai đặt tên là (làng) Giàu Đẹp.

Câu 18: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ “Nắng mới” là gì? Cảm hứng đó thể hiện giá trị đạo đức truyền thống nào của người Việt Nam?

Trả lời:

- Cảm hứng chủ đạo, xuyên suốt tác phẩm là nỗi nhớ về người mẹ trong kí ức tuổi thơ của tác giả. Cảm hứng đó thể hiện giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam, đó là tình cảm yêu thương gia đình.

Câu 19: Bài thơ “Nắng mới” được cấu tứ theo một mô típ như thế nào?

Trả lời:

- Bài thơ được cấu tứ theo một mô típ khá “cổ điển”: từ hiện tại nhớ về dĩ vãng xa xưa, từ một hình ảnh hiện hữu liên tưởng đến hình ảnh tương đồng trong quá khứ.

Câu 20: Hãy cho biết bố cục và mạch cảm xúc của bài thơ “Nắng mới”.

Trả lời:

Bài thơ có thể chia bố cục thành hai phần:

- Khổ đầu thể hiện những tín hiệu đánh thức kí ức về người mẹ trong tâm tưởng của nhà thơ.

- Hai khổ sau thể hiện hình ảnh người mẹ trong kí ức của tác giả.

Mạch cảm xúc của bài thơ:

- Khổ đầu: nỗi buồn da diết, cảm giác trống vắng vì thiếu mẹ được thức dậy trong tâm hồn nhà thơ bởi những tín hiệu đặc biệt.

- Hai khổ sau: nỗi nhớ và niệm hạnh phúc trong tâm tưởng tác giả khi hồi tưởng lại những kí ức tươi đẹp của tuổi thơ thuở còn có mẹ.

=> Bố cục và mạch cảm xúc của bài thơ “Nắng mới” được thể hiện theo trình tự thời gian, từ hiện tại ngược về quá khứ, nhằm nhấn mạnh tình cảm yêu thương sâu đậm của tác giả dành cho người mẹ của mình.

Câu 21: Liệt kê các hình ảnh, chi tiết về thiên nhiên và con người trong bài thơ “Đường về quê ngoại”. Qua đó, hãy nêu nhận xét của em về màu sắc, đường nét của bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn của con người được thể hiện trong tác phẩm.

Trả lời:

Các hình ảnh, chi tiết về thiên nhiên:

- Rặng đề

- Dòng sông trắng lượn ven đê

- Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp

- Chiều mát, nắng nhạt vàng

- Trời xanh cò trắng bay từng lớp

- Xóm chợ lều phơi xác lá bàng

- Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng

Các hình ảnh, chi tiết về con người (người gặp trên đường đi):

- Người xới cà, ngô rộn bốn bề

- Đoàn người về ấp gánh khoai lang

Các hình ảnh, chi tiết về người mẹ:

- Thúng cắp bên hông, nón đội đầu

- Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu

- Trông u chẳng khác thời con gái

- Mắt sáng, môi hồng má đỏ au

- Bóng u hay bóng người thôn nữ

- Cúi nón mang đi cặp má hồng.

- Ai cũng khen u nết thảo hiền

- Dẫu phải theo chồng thân phận gái

- Đường về quê mẹ vẫn không quên

Nhận xét:

- Bức tranh thiên nhiên được tạo nên bởi nhiều màu sắc, nhiều đường nét, có nét uốn lượn, có nét nhẹ nhàng nhưng cũng có nét dồn dập.

- Cuốc sống của con người: tươi vui, nhộn nhịp

- Hình ảnh người mẹ: Mang những đặc điểm điển hình của một người phụ nữ đẹp thời xưa, đẹp cả ở ngoại hình lẫn con người bên trong. Hình ảnh người mẹ được khắc hoạ trên không gian làng quê càng trở nên đẹp hơn.

Câu 22: Xác định vần, nhịp của bài thơ “Đường về quê ngoại”

Trả lời:

Bài thơ gieo vần chân:

- Khổ 1: xuân – ngần – thân

- Khổ 2: đề - đê – bề

- Khổ 3: đầu – nâu – au

- Khổ 4: vàng – lang – bàng

- Khổ 5: đồng – hồng

- Khổ 6: quen – quên

Nhịp của bài thơ phần nhiều là 4/3.

Câu 23: Trong “Nếu mai em về Chiêm Hóa”, Tác giả sử dụng những hình ảnh, chi tiết nào để thể hiện bức tranh thiên nhiên và con người trong mùa xuân? Hãy chia sẻ ấn tượng, nhận xét của em về bức tranh đó

Trả lời:

- Bức tranh thiên nhiên trong mùa xuân được thể hiện qua những hình ảnh, chi tiết:

+ Mưa tơ rét lộc

+ Mùa măng

+ Sông gâm đôi bờ cát trắng, đá dưới bến hướng vào nhau

+ Núi Non Thần trông tươi mới, phủ lên một màu xanh rộng lớn

- Bức tranh con người trong mùa xuân được thể hiện qua những hình ảnh, chi tiết:

+ Phố nhộn nhịp, đông người

+ Cô gái Dao xinh đẹp, đeo vòng bạc trên tay, đeo ngù hoa trên ngực

+ Con gái bản Tày duyên dáng, nụ cười khiến người ta mê hồn

=> Tác giả đã vẽ lên một bức tranh mùa xuân ở Chiêm Hoá, rộng hơn là vùng núi phía bắc với những nét điển hình về thời tiết, cảnh quan, con người. Bức tranh này có màu sắc rực rỡ: đôi bờ cát trắng, núi non xanh biếc, trang phục sặc sỡ, làn da, đôi môi trong trẻo, đẹp đẽ,… Bức tranh này tràn đầy sức sống mà mùa xuân mang đến.

Câu 24: Tìm các từ có thể thay thế từ “về” trong dòng thơ “Nếu mai em về Chiêm Hoá”. Theo em, vì sao nên chọn từ “về”?

Trả lời:

- Ta có thể thay thế từ “về” bằng các từ đồng nghĩa, ví dụ: trở lại, hồi. Tuy nhiên, chỉ có từ “về” là phù hợp trong câu thơ này vì từ “trở lại” có hai tiếng nên sẽ dẫn đến không đảm bảo về hình thức câu thơ, còn từ “hồi” thì là từ Hán Việt, không phù hợp với ngôn ngữ bình dị trong bài thơ.

Câu 25: Hãy viết một đoạn văn nêu cảm nhận của em về khổ thơ thứ ba “Nắng mới”.

Trả lời:

Các em cần chú ý đến những điểm sau:

- Sự liên kết giữa khổ 2 và khổ 3: Khổ 2 “Tôi nhớ me tôi”, khổ 3 “Hình dáng me tôi chửa xoá mờ” => Sự nhấn mạnh, tăng tiến

- Chi tiết “nét cười đen nhánh”

- Không gian ngày nắng lại một lần nữa hiện lên ở câu cuối

Tham khảo:

Sang khổ thơ cuối, cảnh và tình mới thật quấn quyện, mới thật là “thi trung hữu hoạ”:

Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ

Vẫn còn mường tượng lúc vào ra:

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ảnh trưa hè trước giậu thưa.

Dáng vào ra của người mẹ như đang hiện lên rõ rệt trong tâm tưởng đứa con đa cảm. Chi tiết gây ấn tượng nhất trong Nắng mới là “nét cười đen nhánh” của người mẹ. Không phải “miệng” cười hay “nụ” cười mà là “nét”. Lại “đen nhánh”! Hình ảnh thơ bỗng sắc, bỗng lấp lánh hơn. Nét cười ấy lại thêm sáng, thêm duyên khi thấp thoáng “sau tay áo”. Chính vì thấp thoáng thế mà nó càng đáng nhớ, càng được nhớ lâu, nhớ mãi. Sau này, tâm hồn thi sĩ, ngòi bút tài hoa của Hoàng Cầm cũng khiến ta chẳng thể nào quên nụ cười của những cô gái miền quê Kinh Bắc:

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu toả nắng

Với Lưu Trọng Lư, khuôn mặt, nét cười đáng kính, đáng yêu của người mẹ cứ thấp thoáng trong một không gian ấy thôi: “Trong ánh trưa hè trước giậu thưa”. “Nắng mới” và “giậu thưa” quả là đã thành một thời gian – không gian nghệ thuật ám ảnh không tách rời hình ảnh người mẹ... Có thể nói, mẹ là tâm điểm của nỗi nhớ về tuổi thơ trong nắng mới, là nét son trong “những ngày không” đi suốt cuộc đời với nhà thơ.

Câu 26: a) Tại sao trong các cặp từ ngữ sau đây, các từ ngữ ở nhóm A (từ ngữ Hán Việt) ngày nay không dùng hoặc ít dùng và người ta chỉ dùng hoặc thường dùng các từ ngữ ở nhóm B (gốc Âu)?

A

B

Sinh tố

Vitamin

Dưỡng khí

Oxy

Thán khí

Carbon

Phong cầm

Accordion

(Đèn) huỳnh quang

(Đèn) Neon

  1. b) Tại sao trong các cặp địa danh sau đây, các địa danh ở nhóm A (từ ngữ Hán Việt) không được dùng nữa và người ta dùng địa danh ở nhóm B?

A

B

Mạc Tư Khoa

Moscow

Phi Luật Tân

Philippines

Tân Gia Ba

Singapore

Hoa Thịnh Đốn

Washington

Trả lời:

Có thể tìm thấy li do của hiện tượng (a) ở xu thế dùng thuật ngữ khoa học, ảnh hưởng của ngôn ngữ châu Âu đối với tiếng Việt; lí do của hiện tượng (b) ở xu thế phiên dịch danh từ riêng trong tiếng Việt.

Câu 27: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Vua truyền cho hai chú cháu đứng dậy, và nói tiếp:

- Việc nước đã có người lớn lo. Hoài Văn Hầu nên về quê để phu nhân có người sớm hôm trông cậy. Đế vương lấy hiếu trị thiên hạ, em ta không nên sao những phận làm con.

Vừa lúc ấy, một người nội thị bưng một mâm cỗ đi qua. Thiệu Bảo cầm lấy một quả cam sành chín mọng trên mâm, bảo một nội thị đưa cho Hoài Văn.

  1. Tìm từ ngữ đồng nghĩa với mỗi từ in đậm trong đoạn trích trên.
  2. Việc sử dụng các từ in đậm đó đã đem lại sắc thái gì cho lời văn?

Trả lời:

  1. a) – Phu nhân: vợ (xét theo truyện thì “phu nhân” ở đây chỉ mẹ của Hoài Văn)

- Đế vương: vua

- Thiên hạ: nước (nhà)

- Nội thị: người hầu

  1. b) Việc sử dụng các từ ngữ in đậm đó mang lại sắc thái cổ xưa, trang trọng cho lời văn.

Câu 28: Em thích khổ thơ nào nhất trong bài thơ “Nếu mai em về Chiêm Hóa”, hãy viết một đoạn văn cảm nhận.

Trả lời:

Hãy chọn lựa khổ thơ theo cảm xúc và suy nghĩ của em.

Ví dụ, nếu em thích khổ thơ thứ năm, em cần chú ý đến một số điểm sau:

- Sự lặp lại của câu thơ “Nếu mai em về Chiêm Hoá” với khổ thơ đầu

- Câu thơ “Ngày lành duyên tốt mừng nhau” cùng với việc sử dụng từ “em” trong bài thơ: tác giả có ý muốn nói đến khao khát tình yêu lứa đôi, đặc biệt trong không gian mùa xuân thật đẹp này.

Câu 29: Hãy phân tích khổ thơ thứ tư của bài thơ.

Con gái bản Tày duyên quá

Sắc chàm như cũng pha hương

Chỉ riêng nụ cười môi mọng

Mùa xuân e cũng lạc đường.

Trả lời:

- Ở khổ 3, tác giả đã nói về vẻ đẹp của cô gái Dao, còn ở khổ 4 tác giả nói về vẻ đẹp của con gái một dân tộc khác ở Chiêm Hoá, đó là dân tộc Tày. Cả hai đều có những nét đẹp riêng.

- Câu 2 ý muốn nói sắc chàm của quần áo người Tày dường như hoà lẫn vào hương thơm.

- Hai câu đầu đã nói về vẻ đẹp của những cô gái Tày, vì thế cách nói “chỉ riêng” ở câu góp phần nhấn mạnh vẻ đẹp đó.

- “Mùa xuân” được nhân hoá như một nam thanh niên và người thanh niên đó thật khó để kiềm chế được vẻ đẹp của “nụ cười môi mọng”. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ thứ tư rất tinh tế: mùa xuân đẹp như đã nói ở trên, mùa xuân là tổng thể của nhiều thứ nhưng ở đây đã thu vào thành một người và người đó lại phải “lạc đường” vì nét đẹp của người con gái nơi đây.

Câu 30: Bài thơ thể hiện tình cảm, cảm xúc gì của tác giả với quê hương?

Trả lời:

- Bài thơ thể hiện tình cảm yêu thương, thích thú và tự hào về vẻ đẹp quê hương của tác giả. Bài thơ cũng thể hiện nỗi nhớ, mong muốn của tác giả muốn trở về quê hương để tận hưởng không khí tưng bừng của mùa xuân.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay