Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều Ôn tập Bài 2: Thơ sáu chữ, bảy chữ (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 2: Thơ sáu chữ, bảy chữ (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 cánh diều.

ÔN TẬP BÀI 2. THƠ SÁU CHỮ, BẢY CHỮ (PHẦN 2)

Câu 1: Hãy xác định bố cục và mạch cảm xúc của bài thơ “Nếu mai em về Chiêm Hoá”.

Trả lời:

Bố cục bài thơ:

- Hai khổ thơ đầu: Vẻ đẹp của thiên nhiên Chiêm Hoá

- Hai khổ thơ sau: Vẻ đẹp của con người Chiêm Hoá

- Khổ cuối: Mong ước lứa đôi

Mạch cảm xúc của bài thơ: Được thể hiện theo trình tự không gian, đi từ cảm nhận về vẻ đẹp thiên nhiên đến cảm nhận về vẻ đẹp con người rồi tới cuối trên một bức tranh đẹp đẽ đó, tình yêu đôi lứa mong ước được nảy sinh. Bao trùm lên dòng cảm xúc đó là tình cảm yêu quê hương tha thiết của tác giả.

Câu 2: Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nhân hoá được sử dụng trong các khổ thơ 2, 4 của văn bản Nếu mai em về Chiêm Hoá

Trả lời:

Biện pháp tu từ nhân hoá được sử dụng:

- Ở khổ 2: Đá ngồi dưới bên trông nhau / Non Thần hình như trẻ lại. Tác dụng: Giúp cho không gian thiên nhiên trở nên sống động, tươi mới trong tiết trời mùa xuân

- Ở khổ 4: Mùa xuân e cũng lạc đường. Tác dụng: Nhấn mạnh, làm nổi bật vẻ đẹp của những cô gái bản Tày.

Câu 3: Xác định vần và nhịp trong bài thơ Nếu mai em về Chiêm Hoá

Trả lời:

- Gieo vần: “nhau” – “màu” (khổ 2), “tay” – “đầy” (khổ 3), “hương” – “đường” (khổ 4).

- Nhịp: Bài thơ đa phần là nhịp 2/2/2.

Câu 4: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Nắng mới” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Lưu Trọng Lư

- Thể loại: Thơ bảy chữ

- Nội dung: “Nắng mới” là một bài thơ hết sức thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng. Lưu Trọng Lư đã thả hồn mộng đi tận hết cõi lòng để trở về với những hồi ức thấm thía. Bài thơ có cấu tứ đơn giản với không nhiều hình ảnh nhưng hình ảnh nào cũng sinh động, cũng rất có hồn. Chính vì thế, “Nắng mới” gợi niềm đồng vọng sâu xa ở nhiều tâm hồn bạn đọc. Nó đã chạm tới một trong những tình cảm thiêng liêng, ấm cúng nhất trong mỗi con người.

Câu 5: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Lưu Trọng Lư.

Trả lời:

- Lưu Trọng Lư (19 tháng 6 năm 1911 – 10 tháng 8 năm 1991), là một nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Việt Nam.

- Là một trong những người tiên phong của Phong trào Thơ mới, những bài thơ của ông mà "nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta" đã góp phần khẳng định vị thế của Thơ mới.

- Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.

- Tác phẩm nổi bật: Tiếng thu, Trăng lên, Nắng mới

Câu 6: Hãy trình bày những hiểu biết của em về sắc thái nghĩa của từ ngữ (khái niệm, phân loại, cách dùng, ví dụ,…)

Trả lời:

- Sắc thái nghĩa của từ ngữ là phần nghĩa bổ sung cho nghĩa cơ bản, thể hiện thái độ,

cảm xúc, cách đánh giá của người dùng đối với đối tượng được nói đến.

- Có những sắc thái nghĩa cơ bản như: trang trọng – thân mật – suồng sã, tích cực – tiêu cực, tốt nghĩa – xấu nghĩa,...

- Trong giao tiếp, cần chú ý sử dụng từ ngữ có sắc thái nghĩa phù hợp để phát huy được hiệu quả biểu đạt.

- Ví dụ: “lâm chung” có sắc thái trang trọng, còn “sắp chết” có sắc thái bình thường, đôi khi là khinh mạt nếu dùng với người

Câu 7: Phân biệt sắc thái nghĩa của các từ ngữ sau và cho ví dụ để làm rõ sự khác nhau về cách dùng giữa các từ ngữ đó:

  1. ngắn – cụt lủn
  2. cao – lêu nghêu

Trả lời:

  1. a) “Ngắn” có sắc thái nghĩa trung tính còn “cụt lủn” có sắc thái nghĩa suồng sã, khẩu ngữ, chê bai.

Ví dụ:

- Đó là một câu trả lời ngắn nhưng đủ ý.

- Đó là một câu trả lời cụt lủn không thể chấp nhận.

  1. b) “Cao” có sắc thái nghĩa trung tính còn “lêu nghêu” có sắc thái nghĩa chê bai (cao nhưng không đẹp)

Ví dụ:

- Anh ta là một người cao.

- Anh ta cao lêu nghêu, điều đó khiến cho anh ta mất điểm trong mắt mọi người.

Câu 8: Bài thơ “Đường về quê mẹ” là lời của ai? Nêu ấn tượng chung của em về tác phẩm.

Trả lời:

- Bài thơ là lời của người con.

- Đối với câu hỏi thứ hai, hãy trả lời theo cảm nhận của em. Ví dụ: Bài thơ đã diễn tả được hành trình về quê của hai mẹ con, trong đó hình ảnh thiên nhiên và hình ảnh người mẹ được làm nổi bật, tô đậm những nét đẹp đặc trưng, đúng với phong cách làm thơ của bao thi sĩ.

Câu 9: Hãy chỉ ra bố cục của bài thơ Đường về quê mẹ và đặt tên cho từng phần.

Trả lời:

Bố cục của bài thơ:

- Khổ 1: Gợi lại chuyện u “tôi” ngày xưa thường dẫn chúng “tôi” về thăm quê ngoại vào mỗi dịp xuân. Đặt tên: Gợi nhớ kỷ niệm.

- Khổ 2 + 4: Hình ảnh thiên nhiên và con người trên đường về quê.

- Khổ 3 + 5: Hình ảnh người mẹ trên đường về quê.

- Khổ 6: Đã đến quê ngoại.

Câu 10: Hãy phân tích khổ thơ thứ ba của bài thơ “Nếu mai em về chiêm hóa”

Phố đông cứ mải tìm nhau

Cô gái Dao nào cũng đẹp

Vòng bạc rung rinh cổ tay

Ngù hoa mơn mởn ngực đầy.

Trả lời:

- Câu đầu: cho thấy con phố ở đây đông vui, nhộn nhịp

- Các câu sau: thể hiện vẻ đẹp của con người nơi đây. Ngoại hình, trang phục đẹp đẽ, sặc sỡ.

- Câu 3 và 4 có phần nào đối xứng. Các từ láy “rung rinh”, “mơn mởn” gợi cảm giác tươi mới, rộn ràng.

Câu 11: Hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào trong tâm tưởng nhân vật “tôi”?

Trả lời:

- Kí ức về mẹ trong tâm tưởng của nhân vật “tôi” gắn liền với hình ảnh mẹ đưa áo ra giậu phơi mỗi khi có nắng mới về. Bên song của ngập tràn “nắng mới”, vào khoảnh khắc yên ắng, tĩnh lặng của một buổi trưa buồn, bất chợt nhìn ra giậu thưa, nhà thơ bắt gặp hình ảnh quen thuộc của mẹ lúc còn sống. Những kí ức thân thương về mẹ sống dậy trong tâm tưởng của nhà thơ từ hình dáng thấp thoáng sau chiếc “áo đỏ” đến “nét cười đen nhánh sau tay áo”.

- Ở khổ thơ thứ hai, hình ảnh người mẹ chưa được khắc hoạ trực tiếp mà chỉ thoáng ẩn hiện sau màu áo đỏ, sau lưng giậu thưa đậm màu nắng mới. Có lẽ đó là những kí ức đẹp đẽ, thân thương nhất về người mẹ còn đọng lại trong tâm trí của một đứa trẻ lên mười nên cả không gian ấy trong cảm nhận của nhà thơ thật tươi vui, đầy sức sống “nắng mới reo ngoài nội”. Màu đỏ của chiếc áo đã làm cho hình ảnh người mẹ phơi áo trở thành một điểm son trong nỗi nhớ về tuổi thơ của nhân vật “tôi”.

- Sang đến khổ 3, chân dung người mẹ dần hiện ra rõ nét hơn với một “nét cười” vừa lấp lánh toả sáng, vừa kín đáo, nhẹ nhàng. Đến đây, hình ảnh người mẹ hiện lên trong tâm tưởng nhà thơ với đầy đủ nét duyên dáng, hiền từ của người phụ nữ Việt thuở xưa.

Câu 12: Hãy viết một đoạn văn nêu cảm nhận của em về khổ thơ đầu “Nắng mới”

Trả lời:

- Chú ý đến không gian được tái hiện khiến nhà thơ nhớ về những ngày xưa

- Chú ý những từ láy gợi nhiều xúc cảm: xao xác, não nùng, chập chờn

Tham khảo:

Hai chữ “nắng mới” vừa ghi nhận một thời điểm đặc biệt trên dòng chảy thời gian vừa diễn tả không gian. Cái nắng đầu mùa, mỗi năm chỉ có một lần, báo hiệu đã hết những tháng ngày lạnh ẩm. Thời điểm ấy, trong cuộc đời mỗi con người, cuộc sống một gia đình, dễ nhớ kĩ, nhớ sâu lắm. Bởi nó gắn với sự bừng nở, sự rộng rãi, phơi phóng. Nỗi nhớ của Lưu Trọng Lư cũng được gợi lên từ đó. Song có một điều lạ: Nắng mới lúc này sao mà buồn, mà mung lung đến thế. Nói khác đi, ngay khi đặt bút viết “Nắng mới”, thi sĩ đã chập chờn sống trong cõi mộng:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác, gà trưa gáy não nùng,

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,

Chập chờn sống lại những ngày không.

Ai từng ở làng quê mới thấy những trưa hè tĩnh lặng, trống vắng đến dường nào. Cái động của tiếng gà trưa xao xác chỉ thêm rõ cái tĩnh, vẻ mung lung mà thôi. Các từ láy “xao xác”, “não nùng”, “chập chờn” gợi một nỗi buồn nhẹ mà thấm, một tâm trạng quạnh hiu, xa vắng. “Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng” – nhịp điệu thơ trôi nhẹ như ru hồn về một thời xa xăm. Chữ “ngày không” đầy sức gợi. Nó tương tự như “chiều thưa” trong “Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần” ở bài “Thơ duyên” của Xuân Diệu. Phải chăng đó là những ngày vắng lặng, đơn điệu, chẳng có sự kiện gì đáng nhớ? Mà chính vì thế, hình dáng, việc làm của người mẹ ở những “ngày không” càng ám ảnh đứa con đa cảm. “Mỗi lần” lại nhắc nhớ “mỗi lần”.

Câu 13: Hãy viết một đoạn văn nêu cảm nhận của em về khổ thơ thứ hai “Nắnh g mới”

Trả lời:

- Chú ý đến không gian “nắng mới” được gợi ra khi người con nhớ về quá khứ

- Chú ý hình ảnh “áo đỏ người đưa trước giậu phơi”, điểm nhấn đầu tiên khi nhớ về người mẹ đã quá cố

Tham khảo:

Nói là “chập chờn sống lại” nhưng người con nhớ rõ lắm. Nhớ tiếng reo của nắng mới tưng bừng ngoài nội. Nhớ màu áo mẹ từng đưa phơi trước giậu:

Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời

Lúc người còn sống, tôi lên mười;

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Cái nắng mới của hoài niệm này nao nức, tươi vui bởi gắn với một cậu bé lên mười, với một người mẹ chăm chút, hiền dịu. Màu đỏ của chiếc áo trong tiếng nắng reo làm cho câu thơ sáng hơn, ấm nóng hơn. Có lẽ cũng nhờ màu đỏ ấy mà việc phơi áo của mẹ trở thành một điểm son trong nỗi nhớ về tuổi thơ.

Từ “nắng mới hắt bên song” nhớ “nắng mới reo ngoài nội”, nhớ người mẹ phơi áo trước giậu. Cứ thế, nỗi nhớ ngày một thành hình, ngày một rõ hơn.

Câu 14: Theo em, các từ in đậm trong các câu sau đây có thể thay thế cho nhau được không? Vì sao?

- Cuộc kháng chiến vĩ đại ấy là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

- Anh ấy có một thân hình to lớn, săn chắc.

Trả lời:

Không thể thay thế cho nhau được vì “vĩ đại” mang sắc thái tôn kính, ngưỡng mộ còn “to lớn” thiên về sắc thái trung tính.

Câu 15: Theo em, các từ in đậm trong các câu sau đây có thể thay thế cho nhau được không? Vì sao?

- Không thể thống kê chính xác số người chết trong nạn đói năm 1945.

- Người chiến sĩ ấy đã hi sinh trong một trận chiến ở biên giới phía Bắc.

- Cụ tôi đã mất cách đây năm năm.

Trả lời:

- Không thể thay thế cho nhau được vì “chết” mang sắc thái nghĩa thông thường, “hi sinh” mang sắc thái tôn kính, thường dùng cho những người chết vì đất nước, vì lí tưởng cao đẹp, “mất” là một cách nói giảm nói tránh, hàm ý thương tiếc.

- Ví dụ nếu ở câu đầu ta dùng từ “mất” thì nó sẽ không hợp với phong cách và có thể gây hiểu nhầm với “mất tích”. Nếu ở câu thứ hai mà ta dùng từ “chết” thì sẽ làm mất đi sự thể hiện cần có.

Câu 16: Đọc đoạn văn sau đây trong “Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ”, tìm những từ ngữ Hán Việt góp phần tạo sắc thái cổ xưa.

Lúc bấy giờ Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải. Mấy lần Đà đem quân sang cướp đất Âu Lạc, nhưng vì An Dương Vương có nỏ thần, quân Nam Hải bị giết hại rất nhiều, nên Đà đành cố thủ đợi cơ hội khác. Triệu Đà thấy dùng binh không lợi, bèn xin giảng hoà với An Dương Vương, và sai con trai là Trọng Thuỷ sang cầu thân, nhưng chú ý tìm cách phá chiếc nỏ thần.

Trong những ngày đi lại để kết tình hoà hiếu, Trọng Thuỷ gặp được Mị Châu, một thiếu nữ mày ngài mắt phượng, nhan sắc tuyệt trần, con gái yêu của An Dương Vương.

Trả lời:

Các từ ngữ “giảng hoà, cầu thân, hoà hiếu, nhan sắc tuyệt trần” góp phần tạo sắc thái cổ xưa.

Câu 17: Nhận xét về việc dùng các từ Hán Việt (in đậm) trong những câu sau:

- Em đi xa nhớ bảo vệ sức khoẻ nhé!

- Đồ vật làm bằng gỗ tốt thì sử dụng được lâu dài. Còn những đồ làm bằng gỗ xấu dù làm rất cầu kì, mĩ lệ thì cũng chỉ dùng được trong một thời gian ngắn.

Trả lời:

- Các từ Hán Việt này không phù hợp để dùng trong những trường trên. Ta cần những từ có sắc thái nghĩa phù hợp hơn, đó là những từ thuần Việt. Từ “bảo vệ” nên được thay thế bằng từ “giữ gìn”, từ “mĩ lệ” thay bằng từ “đẹp mắt”.

Câu 18: Phân tích khổ thơ thứ ba “Đường về quê mẹ”

Trả lời:

- Người mẹ mang những vẻ đẹp điển hình của phụ nữ thôn quê xưa, thể hiện qua việc miêu tả của tác giả: thúng cắp bên hông, nón đội đầu, khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu (trang phục), mắt sáng, môi hồng, má đỏ au (diện mạo).

- Chú ý tính đối ở dòng 2 và dòng 4.

- Cách dùng các vế nhỏ liên tiếp ở dòng 1, 2, 4: giúp diễn tả được nhiều đặc điểm

- “Trông u chẳng khác thời con gái”: bản thân ý nghĩa của câu cộng thêm việc đặt câu này giữa các câu nêu đặc điểm ngoại hình của người mẹ góp phần làm nổi bật vẻ đẹp tươi trẻ của người mẹ.

Câu 19: Hãy phân tích khổ thơ thứ tư Đường về quê mẹ

Trả lời:

- Chú ý đến thời gian: lúc này đã là buổi chiều

- Những hình ảnh thiên nhiên điển hình của trời chiều: nắng nhạt vàng, trời xanh, có trắng bay từng lớp, xóm chợ, lều phơi, lá bàng. Chú ý cách dùng từ ngữ thú vị của tác giả: “xác lá bàng”.

- Hình ảnh con người: Đoàn người về ấp gánh khoai lang

=> Không gian trời chiều trong bài thơ giống như hình ảnh buổi chiều trong nhiều bài thơ khác: chìm trong nắng vàng và có phần ảm đạm nhưng không làm mất đi vẻ đẹp của nó.

Câu 20: Hãy phân tích khổ thơ thứ năm Đường về quê mẹ

Trả lời:

Các câu thơ trong khổ này đều là những hình ảnh thú vị, đặc sắc.

- Tà áo nâu in giữa cánh đồng: từ “in” làm nổi bật hình ảnh người mẹ trên cánh đồng

- Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng: buổi chiều lộng gió. “Bụi bốc sau lưng” làm hình ảnh người mẹ mờ đi khi nhìn vào để làm tiền đề cho câu thơ sau “Bóng u hay bóng người thôn nữ”: u đẹp như người thôn nữ => tăng cường nhấn mạnh vẻ đẹp của người mẹ.

- Cúi nón mang đi cặp má hồng: chú ý từ “mang đi”. Hãy tưởng tượng và nêu cảm nhận của em. Ví dụ: Theo cách dùng thông thường, “mang đi” không thể dùng với bộ phận thân thể được mà chỉ có thể dùng với đồ vật, con vật,… Xét thêm bối cảnh là gió bụi bốc lên, ta có thể hiểu là tác giả muốn nhấn mạnh vào cặp má xinh đẹp của người mẹ, cặp má đó nổi bật lên trên bóng người mẹ, người mẹ muốn cặp má không bám bụi bẩn.

Câu 21: Hãy phân tích khổ thơ thứ sáu Đường về quê mẹ

Trả lời:

- Sau một chặng đường dài thì cuối cùng người con cùng với mẹ của mình cũng về đến quê.

- Vẻ đẹp bên trong của người mẹ: nết thảo hiền

- “Đường về quê mẹ” được nhắc tới trong câu cuối: tạo sự liên kết cho bài thơ.

Câu 22: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Huống chi ta cùng các người sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buổi gian nan. Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi tai vạ về sau?

  1. Tìm trong đoạn trích năm từ Hán Việt và giải nghĩa các từ đó.
  2. Đặt một câu với mỗi từ Hán Việt tìm được.

Trả lời:

Một số từ Hán Việt trong đoạn trích:

- Huống chi: (liên từ) tổ hợp biểu thị ý với đối tượng sắp nêu thì việc đang nói đến càng có khả năng xảy ra, nó là tất yếu.

Đặt câu: Người dưng còn giúp được huống chi bạn bè.

- Loạn lạc: tình trạng xã hội lộn xộn, không còn có trật tự, an ninh do có loạn.

Đặt câu: Các tinh binh được vu cử đi dẹp loạn lạc ở phương Bắc.

- Gian nan: có nhiều khó khăn gian khổ phải vượt qua.

Đặt câu: Tình cảnh gian nan đã khiến nhiều người nản chí.

- Triều đình: nơi các quan vào chầu vua và bàn việc nước; thường dùng để chỉ cơ quan trung ương, do vua trực tiếp đứng đầu, của nhà nước quân chủ.

Đặt câu: Triều đình nhà Nguyễn đã nhiều lần nhượng bộ thực dân Pháp.

- Tai vạ: điều không may lớn phải gánh chịu một cách oan uổng.

Đặt câu: Anh nên làm ăn cẩn thận, tránh gây tai vạ về sau.

 

Câu 23: Nhan đề của bài thơ “Nắng mới” được đặt theo cách nào?

Trả lời:

- Nhan đề của bài thơ là “Nắng mới”. Hình ảnh ánh nắng cũng xuất hiện ở cả ba khổ thơ: Mỗi lần nắng mới hắt bên song, Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội, Trong ánh trưa hè trước giậu thưa. Có thể thấy ánh nắng đã gợi cho người con nhớ về quá khứ, và ngay cả trong tâm tưởng thì ánh nắng vẫn là thứ mà người con ghi nhớ.

=> Nhan đề của bài thơ được đặt bằng cách dùng một hình ảnh khơi nguồn cảm hứng cho tác giả.

Câu 24: Trong kí ức tuổi thơ của nhân vật “tôi” ở bài Nắng mới, người mẹ hiện lên qua những hình ảnh được lựa chọn, để lại ấn tượng sâu đậm cho tác giả.

Với em, hình ảnh nào về người mẹ của mình khiến em thấy yêu thương nhất? Hãy chia sẻ bằng một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng).

Trả lời:

Tham khảo:

Bài thơ Nắng mới của tác giả Lưu Trọng Lư đã mang tới cho em nhiều cảm xúc lắng đọng về tình mẫu tử, đặc biệt thông qua hình dáng mẹ và nét cười đen nhánh, rất đỗi quen thuộc. Còn đối với em, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm trí em mỗi khi nhớ về mẹ đó là đôi bàn tay gầy guộc, đầy vết chai sạn nhưng luôn thoăn thoắt làm mọi việc. Đôi bàn tay hằng ngày khám bệnh cho bệnh nhân, tối về lại phải chăm sóc gia đình, nấu những bữa cơm nóng hổi rồi về đêm khi ánh trăng tròn lên cao, đôi bàn tay ấy chưa được yên giấc, tiếp tục vỗ vỗ quạt quạt ru tôi chìm vào giấc ngủ. Mặc dù vất vả đến thế nhưng mẹ tôi chẳng than lấy một lời, mẹ quả thật là người cứng rắn, biết cam chịu một cách đáng khâm phục. Với tôi, mẹ như một làn mây che cho tôi mưa nắng, mẹ là ngọn lửa thôi thúc con tim tôi để vững bước trên đường đời. Dù mai này có ra sao thì mẹ sẽ vẫn mãi ở trong trái tim tôi.

Câu 25: Bài thơ Đường về quê mẹ đã diễn tả được tâm trạng và tình cảm gì của nhà thơ?

Trả lời:

- Bài thơ đã diễn tả được tâm trạng nhung nhớ của nhà thơ nhưng nỗi nhớ đó không đi cùng nỗi buồn mà được đặt trong niềm vui thích, tự hào về vẻ đẹp của quê hương, của người mẹ.

- Bài thơ thể hiện tình cảm yêu thiên nhiên, yêu mẹ của nhà thơ.

Câu 26: Hãy nêu mạch cảm xúc của bài thơ Đường về quê mẹ

Trả lời:

- Mạch cảm xúc của bài thơ đi theo trình tự thời gian, từ lúc bắt đầu đi đến lúc về đến quê mẹ, nhằm tái hiện cảm xúc, tâm trạng trên một đoạn đường dài.

Câu 27: Giả sử sau dấu ba chấm “Nếu mai em về...” là tên vùng đất quê hương em thì em sẽ chia sẻ những hình ảnh, chi tiết nào của quê hương mình? Vì sao em lại chọn các chi tiết, hình ảnh ấy?

Trả lời:

Để làm bài này, các em hãy liệt kê các nét đặc trưng của quê hương mình về:

- Văn hoá, truyền thống

- Danh lam thắng cảnh

- Vẻ đẹp, phẩm chất con người

- Những nét riêng khác tạo nên vẻ đẹp của quê hương em

Câu 28: Nêu bố cục bài thơ “Nắng mới”

Trả lời:

- Khổ 1: Bức tranh thiên nhiên “nắng mới”.

- Khổ 2, 3: Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình.

Câu 29: Nêu giá trị nội dung và nghệ thuật bài thơ “Nắng mới”

Trả lời:

Giá trị nội dung:

- Kí ức về người mẹ gắn liền với sự biết ơn cùng tình yêu tha thiết.

Giá trị nghệ thuật:

- Sử dụng thể thơ thất ngôn, cùng các biện pháp tu từ linh hoạt.

- Giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết.

Câu 30: Nêu giá trị nội dung và nghệ thuật bài thơ “Nếu mai em về Chiêm Hóa”

Trả lời:

Giá trị nội dung:

- Văn bản viết về quê hương, mảnh đất Chiêm Hóa - một huyện nằm ở phía bắc của tỉnh Tuyên Quang với những cảnh sắc khi mùa xuân về, nhằm thể hiện tình yêu quê hương, nhớ về nguồn cội của tác giả.

Giá trị nghệ thuật:

- Sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ: nhân hóa, điệp từ, điệp ngữ.

- Miêu tả các hình ảnh thiên nhiên sinh động, nên thơ.

- Ngôn từ giản dị, gần gũi với người đọc.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay