Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 chân trời sáng tạo Ôn tập Bài 1: Những gương mặt thân yêu (Thơ sáu chữ, bảy chữ) (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 1: Những gương mặt thân yêu (Thơ sáu chữ, bảy chữ) (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP BÀI 1. NHỮNG GƯƠNG MẶT THÂN YÊU (PHẦN 1)

Câu 1: Giới thiệu tác giả Trương Gia Hòa.

Trả lời:

  1. Tiểu sử 

- Tác giả Trương Gia Hòa sinh năm 1975, quê ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. 

- Trương Gia Hòa xuất hiện trên văn đàn từ giữa những năm 1990 khi còn là sinh viên Khoa Ngữ văn – Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. 

- Sau khi ra trường, Trương Gia Hòa làm Biên tập viên Nhà xuất bản Văn Nghệ, Biên tập viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, báo Pháp Luật. Sau vì lí do sức khỏe, chị làm việc tự do. Nhà thơ đã có nhiều bài thơ, tản văn và truyện ngắn in trên các báo và tạp chí, Hội viên Hội Nhà văn TPHCM.

- Sau một thời gian làm xuất bản, Trương Gia Hòa chuyển sang làm báo đồng thời là cây bút viết tản văn rất có duyên. Vài năm nay trở lại đây Trương Gia Hòa bất ngờ gặp phải bệnh tật nhưng chị vẫn cố gắng viết, để phần nào giải tỏa nỗi lòng.

  1. Đặc điểm nghệ thuật

- Mặc dù bất ngờ bị bệnh nhưng diễn ngôn của Trương Gia Hòa vẫn được thể hiện một cách tự nhiên, mạch lạc, quyến rũ và trữ tình, không chứa đựng bất kỳ cảm giác đau buồn nào, thậm chí đôi khi còn mang tính hóm hỉnh và lạc quan về tình yêu và cuộc sống.

- Những câu chuyện của Trương Gia Hòa mang đến cho người đọc là những ghi chép tỉ mỉ của một bà mẹ yêu con, vừa đi làm vừa khéo léo vun vén cho gia đình; hay đó cũng là nỗi nhớ nhung sâu xa đến gia đình lớn; và đồng thời cũng là sự băn khoăn của một người thị dân đối diện với những thay đổi của cuộc sống hiện đại... Tất cả những điều này đã phác thảo nên một hình ảnh của Trương Gia Hòa với nhiều ưu tư và trăn trở, nhưng vẫn rất trong sáng và tin yêu vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

  1. Tác phẩm nổi bật và giải thưởng tiêu biểu

* Tác phẩm nổi bật

- Tập thơ đầu tay “Sóng sánh mẹ và anh” của chị xuất bản năm 2005

- Tập sách “Đêm nay con có mơ không?” là ấn phẩm thứ hai của Trương Gia Hòa, gồm 45 bài chọn lọc (tản văn, 2017).

- Sài Gòn thềm xưa nắng rụng (tản văn, 2018)

* Giải thưởng tiêu biểu

- Giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh 2007 tác phẩm Đêm nay con có mơ không?

Câu 2: Em hãy nêu giá trị nội dung, nghệ thuật của bài Chái bếp.

Trả lời:

- Giá trị nội dung:

Văn bản kể về kỉ niệm tuổi thơ cùng cha mẹ bên chái bếp thân thương của tác giả. Qua đó, bài thơ khơi dậy trong lòng độc giả những kí ức về hạnh phúc gia đình.

  • - Giá trị nghệ thuật: 
  • Thể thơ bảy chữ kết hợp với các biện pháp tu từ điệp ngữ, ngôn từ giản dị dễ đi vào lòng người, giúp người đọc cảm nhận một cách sâu sắc những tình cảm, cảm xúc tác giả muốn bộc lộ qua bài thơ.
  • Tác giả sắp xếp các hình ảnh, sự vật theo bố cục mở rộng, từ những thứ gần gũi giản dị đến những hình ảnh, sự vật rộng lớn hơn.

Câu 3: Em hãy nêu nội dung chính của bài Chái bếp

Trả lời:

Nội dung chính: Tác giả thể hiện sự trân trọng với những giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống gia đình và hơn hết là muốn lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Tình cảm gia đình, tình yêu quê hương được tác giả thể hiện qua việc nhắc nhớ lại những hình ảnh, kỉ niệm đã gắn bó suốt từ thời thơ ấu.

Câu 4: Liệt kê một số từ tượng hình chỉ vóc dáng của con người.

Trả lời:

Một số từ tượng hình chỉ vóc dáng con người: mũm mĩm, mập mạp, gầy gò, cao ráo, cao lênh khênh, lực lượng,…

Câu 5: Liệt kê một số từ tượng thanh mô phỏng âm thanh của thiên nhiên.

Trả lời:

Một số từ tượng thanh mô phỏng âm thanh của thiên nhiên:

- (nước chảy) róc rách, tí tách,…

- (mưa rơi) ào ào, lộp độp,...

- (chim hót) ríu rít, líu lo,…

- (lá rơi) xào xạc

Câu 6: Trong bài thơ có hình ảnh trong lời bát hát được miêu tả. Đó là những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó gợi cho em suy nghĩ gì?

Trả lời:

  • Trong lời mẹ hát có những hình ảnh: cánh cò trắng, cánh đồng, hoa mướp, con gà cục tác.
  • Đó là những hình ảnh dung dị, đời thường của cuộc đời hàng ngày, cuộc đời ấy có sự gắn bó mật thiết với tuổi thơ của đứa trẻ
  • Khi nghe lời mẹ hát, cuộc đời như được thu nhỏ trong tầm mắt của đứa trẻ, trở thành nguồn tưới mát tâm hồn đứa trẻ, khiến đứa trẻ không thể nào quên được.

Câu 7: Anh chị hãy nêu nội dung chính của khổ thơ cuối và sắc thái chủ đạo của bài thơ?

Trả lời:

  • Khổ thơ cuối của đoạn trích là lời đúc kết của tác giả từ những tình cảm sâu nặng của người mẹ dành cho người con của mình. Khổ thơ dung dị như chính người mẹ vậy, thông qua lời mẹ hát mà tác giả nhìn thấy cả cuộc đời của mình: Mẹ ơi, trong lời mẹ hát/ Có cả cuộc đời hiện ra. Cách nói ý vị đó cho thấy tấm lòng biết ơn sâu nặng mà tác giả gửi gắm, đề từ đó tác giả hướng đến một lối sống tốt đẹp, vị tha: Lời ru chắp con cánh/ Lớn rồi con sẽ bay xa. Lời hứa hẹn đó như trở thành phương châm sống của tác giả, luôn hướng về tương lai với niềm hưng phấn ngọt ngào.
  • Sắc thái chủ đạo của bài thơ là nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm thía.

Câu 8: Xác định phương thức biểu đạt chính trong bài thơ?

Trả lời:

  • Biểu cảm

Câu 9: Bài thơ Nhớ đồng được viết theo thể loại nào?

Trả lời:

Thể thơ: tự do

Câu 10: Nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Căn cứ vào đâu để em xác định như vậy?

Trả lời:

Bài thơ là tiếng lòng da diết với cuộc đời, cuộc sống tự do và say mê cách mạng của nhân vật trữ tình. Dựa trên cảm hứng xuất phát từ tiếng hò cùa nhà thơ cũng như việc sử dụng phép lặp, những hình ảnh, từ ngữ, giọng điệu khơi gợi nỗi nhớ quê hương da diết thể hiện Niềm say mê lí tưởng và khát khao tự do của nhà thơ và sự vận động của tác giả đã cho thấy nỗi niềm nhớ mong những tháng ngày tự do của tác giả.

Câu 11: Theo em, tác giả muốn gửi thông điệp gì tới người đọc qua bài thơ này?

Trả lời:

Nỗi nhớ đồng quê, con người, chính mình biểu hiện tình yêu da diết với cuộc sống bên ngoài nhà tù và bao trùm hơn hết là tình yêu Tổ quốc, khát vọng tự do. Không gì có thể hơn quê nhà cũng như sự tự do, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tình yêu đối với Tổ quốc.

Câu 12: Tìm các từ tượng thanh mô phỏng âm thanh của con người. Đặt câu với một từ trong những từ tìm được.

Trả lời:

- Các từ tượng thanh mô phỏng âm thanh của con người: khúc khích, thủ thỉ, thút thít, bập bẹ, phều phào,…

- Đặt câu: Bé Lan vì bị điểm kém trong bài kiểm tra mười lăm phút nên bé trốn vào góc tường khóc thút thít.

Câu 13: Tìm từ tượng hình, tượng thanh trong những câu sau.

- Thằng Dần vục đầu vừa thổi vừa húp soàn soạt. Chị Dậu rón rén bưng một bát lớn đến chỗ chồng nằm.

- Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn đến để trói anh Dậu.

- Cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu.

- Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu.

Trả lời:

- Từ tượng hình: rón rén, bịch, bốp, nham nhảm.

- Từ tượng thanh: soàn soạt, lẻo khoẻo, chỏng quèo.

Câu 14: Tìm các từ tượng hình trong đoạn thơ sau. Chỉ ra cái hay của việc sử dụng các từ đó.

Chú bé loắt choắt,

Cái xắc xinh xinh,

Cái chân thoăn thoắt,

Cái đầu nghênh nghênh.

Ca-lô đội lệch,

Mồm huýt sáo vang,

Như con chim chích,

Nhảy trên đường vàng...

Trả lời:

- Các từ tượng hình: loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh.

- Cái hay:

+ Các từ tượng hình làm cho câu thơ trở nên gợi hình, gợi cảm và giàu giá trị biểu đạt hơn.

+ Nhấn mạnh vẻ đẹp nhanh nhẹn, đáng yêu, hồn nhiên của chú bé Lượm trên đường đi giao liên.

Câu 15: Hiệu quả của những câu thơ điệp khúc trong Nhớ đồng qua việc thể hiện nỗi nhớ của tác giả là gì?

Trả lời:

  • Trong bài thơ, Tố Hữu sử dụng khá nhiều phép điệp, nhất là điệp khúc: Gì sâu bằng những trưa thương nhớ, Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh và điệp từ “đâu”.
  • Tác dụng:

+ Câu “Gì sâu bằng những trưa thương nhớ, Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh” là câu thơ sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Thể hiện nỗi nhớ thương quê hương da diết và sự cô đơn của nhà thơ khi bị cách biệt với thế giới bên ngoài.

+ Điệp từ “đâu” lặp lại liên tiếp ở các khổ thơ trải ra mênh mông nỗi nhớ của nhà thơ. Nó khơi gợi để nhà thơ hồi tưởng và nhớ thương về những gì đã gắn bó máu thịt với mình. Trong cảnh tù ngục tối tăm, nhà thơ chỉ có thể nghe và cảm nhận những gì thân thuộc nhất bằng tâm hồn nhạy cảm của mình.

 

Câu 16: Niềm yêu quý thiết tha và nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với quê hương, đồng bào trong bài Nhớ đồng được diễn tả bằng hình ảnh, từ ngữ, giọng điệu nào?

Trả lời:

  • Những hình ảnh đồng quê quen thuộc, thân thương: Cồn thơm, ruồng tre mát, ô mạ xanh mơn mởn, nương khoai ngọt sắn bùi, chiều nương phủ bãi đồng, xóm làng và con đường thân thuộc, xóm nhà tranh thấp, con đường quen...
  • Từ ngữ, giọng điệu giản dị, da diết, đậm chất dân tộc
  • Vừa gợi nỗi nhớ thương vừa gợi nỗi buồn sâu xa thấm thía.

Câu 17: Xác định thông điệp chính mà tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ Trong lời mẹ hát?

Trả lời:

Qua bài thơ tác giả muốn gửi gắm thông điệp:

  • Hãy luôn yêu thương và trân trọng khi còn có mẹ
  • Lời ru là một văn hóa rất đẹp chúng ta cần giữ gìn phát huy nó
  • Luôn ghi nhớ công ơn nuôi dưỡng và giáo dục của cha mẹ

 

Câu 18: Cách thể hiện hình ảnh người mẹ trong bài thơ này có gì khác với cách thể hiện hình ảnh người mẹ trong bài thơ khác mà em biết?

Trả lời:

Hình ảnh của người mẹ trên văn bản: Là một người mẹ ngọt ngào, luôn thương yêu con cái. Là một người phải trải qua bao nhiêu gian nan, vất vả. Theo thời gian, tóc mẹ dần bạc đi, lưng mẹ còng xuống, sức khỏe yếu đi. Mặc dù vậy nhưng vẫn luôn sát cánh bên con, chắp cánh ước mơ cho con bay xa, hi sinh tất cả tuổi thanh xuân vì những đứa con bé bỏng cần sự chở che. Khác với hình ảnh người mẹ trong các bài thơ khác, được miêu tả qua hình dáng, bề ngoài thì ở bài thơ này hình ảnh người mẹ được miêu tả qua chính lời hát của người mẹ, theo trình tự thời gian.

Câu 19: Tìm từ tượng hình trong đoạn thơ sau. Giải thích ý nghĩa của từng từ. Phân tích tác dụng biểu đạt của từ tượng hình đó.

Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút

Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời

Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười

Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi!

Người rực rỡ một mặt trời cách mạng

Mà đế quốc là loài hơi hốt hoảng

Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.

(Tố Hữu)

Trả lời:

- Từ tượng hình: ung dung, mênh mông, rực rỡ, chập choạng

- Giải thích ý nghĩa và tác dụng:

+ ung dung: sự bình tĩnh, tâm thế không hề lo lắng, không vội vã à Thái độ của Bác trước mọi biến chuyển của thời đại.

+ mênh mông: lớn lao, kì vĩ à Sự khẳng định về trí tuệ của Người.

+ rực rỡ: tỏa sáng hơn bình thường à Khẳng định công lao, vị thế của Bác với dân tộc và nhân dân ta.

+ chập choạng: dáng vẻ va đập, hốt hoảng à Sự thất bại và cả sự rối loạn của bè lũ đế quốc.

Câu 20: Nhận xét về sự vận động của tâm trạng tác giả trong bài thơ Nhớ đồng.

Trả lời:

- Sự vận động tâm trạng của tác giả trong bài thơ: Từ tiếng hò → đồng quê →

đồng bào → nhớ chính mình → từ quá khứ → hiện tại →say mê lí tưởng → khát khao tự do.

- Mạch cảm xúc của tác giả trong bài thơ tự nhiên mà logic. Nó rất hợp với tâm trạng của một người chiến sĩ đang khao khát hành động nhưng lại bị giam cầm, tù hãm.

 

Câu 21: Chỉ ra những câu thơ được dùng làm điệp khúc cho bài thơ. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của chúng trong việc thể hiện nỗi nhớ của tác giả.

Trả lời:

Trong bài thơ, Tố Hữu dùng khá nhiều phép điệp, nhất là điệp khúc: "Gì sâu bằng những trưa thương nhớ", "Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh" và điệp từ "dâu"

- Hai điệp khúc đã nêu gợi ra một sự ám ảnh lớn trong lòng người đọc. Câu thơ khơi gợi nỗi nhớ thương da diết và sự cô đơn tự đáy lòng sâu thẳm của nhà thơ. Nỗi nhớ thương được so sánh bằng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (Gì sâu bằng... trưa thương nhớ, trưa hiu quạnh).

- Điệp từ "đâu" lập lại liên tiếp ở các khổ thơ trải ra mênh mông nỗi nhớ của nhà thơ. Nó khơi gợi để nhà thơ hồi tưởng và nhớ thương về tất cả những gì đã gắn bó máu thịt với mình. Đôi chân đã bị cùm, đôi mắt đã bị giam hãm bởi bốn bức tường của nhà lao, nhà thơ chỉ còn có thể nghe và cảm nhận bằng tâm hồn nhạy cảm của mình.

à Việc sử dụng thành công những biện pháp nghệ thuật như đã nêu cho thấy sự cảm nhận sâu sắc của nhà thơ trong hoàn cảnh tù đày.

Câu 22: Theo em lời ru của mẹ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển tâm hồn của mỗi con người?

Trả lời:

  • Lời ru có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển tâm hồn của con người
  • Lời ru của mẹ mang cả thế giới truyền đạt cho con, lời ru đó giúp con lớn khôn từng ngày và là thứ cổ vũ tinh thần con đến suốt cuộc đời.

Câu 23: Theo em cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì? Cho biết tác dụng của vần, nhịp, cách sử dụng hình ảnh trong việc thể hiện cảm hứng đó.

Trả lời:

  • Bài thơ là cảm xúc yêu thương và biết ơn trước công ơn và đức hi sinh của người mẹ.
  • Tác dụng của vần, nhịp, cách sử dụng hình ảnh: nhấn mạnh, gây ấn tượng cho lời thơ. Nhấn mạnh thời gia trôi quá nhanh kéo theo sự già đi của mẹ. Gợi cảm xúc nôn nao, buồn đến xót xa khi trông thấy mẹ ngày càng già đi, thêm tuổi. Đã khắc hoạ tình yêu thương vô bờ bến cùng lòng biết ơn vô hạn của người con với mẹ mình. Bên cạnh đó, Trương Nam Hương đã khéo léo sử dụng các biện pháp tu từ đặc sắc để nhấn mạnh thời gian trôi qua nhanh – sự già nua của mẹ đến cũng nhanh

Câu 24: Phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát.

Trả lời:

Trong cuộc sống, chúng ta luôn nhắc đến những tình cảm cao quý trong cuộc sống, có thể là tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình thân thương hay những tình cảm bạn bè đầy hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi học trò. Nhưng có lẽ tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất trong cuộc sống là tình mẫu tử.

“Tình mẫu tử” chỉ có ba từ ngắn ngủi nhưng ẩn sâu trong đó là những nét đẹp của một tình cảm thiêng liêng, đầy ấm áp. Chính vì vậy, nhà thơ Trương Nam Hương đã thành công khi khắc họa tình mẫu tử chân thực và sâu sắc bài thơ “Trong lời mẹ hát”.

Những dòng thơ đầu tiên, tác giả nhớ về tuổi thơ đầy ấm áp thơ mộng khi nhận được tình cảm yêu thương của người mẹ dành cho những đứa con của mẹ:

Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao.

Tuổi thơ của ai cũng vậy, từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên từ những chăm sóc, nuôi nấng của mẹ, hình ảnh người mẹ quen thuộc bên những lời ru ngọt ngào, những câu truyện cổ tích đầy màu sắc để nuôi dưỡng tâm hồn con được trong trẻo và ấm áp, sự nuôi dưỡng đó không ngại khó khăn, vất vả, mẹ ru con ngủ những trưa hè oi ả, những tiếng ru à ơi nhẹ nhàng ấm áp khiến con chìm vào giấc ngủ ngon.

Con đã lớn lên như thế, lớn lên qua lời ru và sự chăm sóc nuôi dưỡng của mẹ. Có thể thấy tình cảm của mẹ là tình cảm vô giá mà có lẽ những đứa trẻ sau này sẽ hiểu và yêu thương mẹ hơn.

Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

“Con gà cục tác lá chanh”.

Những câu thơ này chính là nói lên vẻ đẹp trong lời ru, những câu ca dao đầy ấm áp của mẹ, người con đã thấy những hình ảnh quen thuộc của làng quê trong câu hát, những rung cảm về cánh đồng xanh mướt, đàn cò trắng lấp ló đứng trên cánh đồng. Hay những màu vàng của hoa mướp, hình ảnh thú vị con gà cục tác, lá chanh được tác giả miêu tả và khắc họa khá thú vị bởi đó là những hình ảnh độc đáo pha chút bình dị mà mộc mạc của một làng quê đầy ấm áp.

“Trong lời mẹ hát” – một bài thơ không quá dài nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đến con người trong xã hội và khiến cho con người phải nhìn nhận lại bản thân mình với một cái nhìn đúng nghĩa:

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến xôn xao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

Thời gian trong bài thơ này thật lạ, nó vô tình đến nỗi được tác giả khắc họa chạy qua tóc mẹ, cứ thế trôi nhanh, thật nhanh mà có lẽ không thể quay đầu lại nhìn dù chỉ là một lần. Thời gian chảy trôi qua tóc mẹ, làm cho mái tóc xanh mượt ngày nào của mẹ giờ đây trở nên bạc trắng, bạc của những âu lo, bạc của những vất vả trong cuộc sống đã đè nặng trên đôi vai mòn mỏi của mẹ, mẹ đã già yếu đi dần, khiến cho người con đi làm không khỏi xót xa.

Mẹ già đi thì cũng là lúc con ngày một cao lớn, trưởng thành và đang bước đi trên con đường đời, sau này con cũng sẽ hiểu rằng, gánh nặng của cuộc sống từ những điều nhỏ nhất để thử thách con người vượt qua.

Tình cảm yêu thương của mẹ là vô hạn, yêu thương con bằng cả trái tim, dù có phải làm việc như thế nào, dù có khó khăn đến đâu, mẹ vẫn cố gắng để cho con có một cuộc sống đủ đầy, một cuộc sống tốt mà không phải ghen tị với ai.

Đó là sự hi sinh cao cả đầy ấm áp của mẹ, đó là tình cảm vô giá không thể nói và thể hiện ra ngày một ngày hai, đó là một tình cảm to lớn vô cùng, thiêng liêng quý giá. Tác giả sử dụng phép nhân hóa và dùng từ láy độc đáo làm ấn tượng đối với độc giả và lay động trái tim bao người con.

Những hình ảnh bình dị, mộc mạc của mẹ, mái tóc bạc trắng, lưng đã mỏi, sức đã yêu dần đi những câu thơ đã khiến cho biết bao thế hệ bạn đọc cảm thấy xót xa, ngậm ngùi, đánh thức tình cảm và ý thức trách nhiệm của con với đấng sinh thành

“Mẹ ơi trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa …”

Tình mẫu tử chính là tình cảm cao quý nhất trên thế gian, thiêng liêng và ấm áp đến lạ, không gì có thể so sánh được. Cuộc sống chúng ta, hãy biết yêu thương mẹ hơn, quan tâm mẹ hơn để hiểu được những công lao to lớn mà mẹ đã dành cho mình. Bài thơ Trong lời mẹ hát có lẽ là bài thơ vô cùng thành công đối với Trương Nam Hương – đã in dấu một tình cảm thiêng liêng đầy ấm áp của cuộc sống mà bạn đọc không thể bỏ qua.

Câu 25: Sưu tầm một bài thơ có sử dụng từ tượng hình, từ tượng thanh. Chỉ ra các từ ngữ đó.

Trả lời:

Qua đèo Ngang

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà

Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc

Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

- Từ tượng hình: lom khom, lác đác.

- Từ tượng thanh: quốc quốc, gia gia.

 

Câu 26: Phân tích tác phẩm Chái bếp

Trả lời:

Bài thơ “Chái bếp” của Lý Hữu Lương đã đưa em về với thế giới tuổi thơ, với chái bếp vương khói đong đầy những kỉ niệm ấm áp. Những nhung nhớ ùa về, cùng với những kỉ niệm không quên của tác giả khiến hình ảnh chái bếp hiện lên chân thật làm sao.

Chái bếp là một bài thơ bảy chữ gồm năm đoạn văn. Hai đoạn đầu là hình ảnh chái bếp hiện lên với hình ảnh mẹ cha tần tảo. Ba khổ sau chái bếp được hiện lên với thật nhiều hình ảnh và âm thanh sống động. Những hình ảnh chái bếp hiện lên như luôn nằm trong tâm trí tác giả. Những ngọn khói “cong ngủ”, “nằm nghe”, “thõng mình” giống như một đứa trẻ đang được mẹ ru ngủ. Đó vừa là những hình ảnh nhân hóa độc đáo, vừa khiến người đọc cảm nhận được cái ngộ nghĩnh, đáng yêu mà tác giả dành cho căn chài bếp thân thương này. Những âm thanh với tiếng cười nói, tiếng khóc của những đứa trẻ trên nôi khiến cho căn bếp lúc nào cũng nhộn nhịp. Từ những lời thơ đầu tiên, hình ảnh chái bếp hiện lên với ngọn khói lập lờ qua nồi cám của mẹ, rồi lại trải dài qua nhiều hình ảnh xung quanh chái bếp như hiện lên thật sinh động. Tác giả miêu tả cái chái bếp, từ trong ra ngoài trong không gian và thời gian, khiến cho mọi hình ảnh hiện lên rất mộc mạc và giản dị. Rất nhiều điệp từ “cho” xuất hiện như nhấn mạnh cái hoài niệm, cái nhớ nhung da diết mà tác giả đã từng trải qua trong chái bếp thân thuộc này. “Cho” cũng như là những kỉ niệm tuổi thơ thật đẹp mà căn chái bếp đã mang lại cho kí ức tuổi thơ của chính tác giả. Cả bài thơ là những tình cảm thắm thiết nhất mà tác giả dành cho cái chái bếp nhà mình. Tác giả yêu, nhớ từng hình ảnh về ngọn khói lập lờ, có thần bếp, có hình ảnh tiếng khóc tiếng cười và có cả bầu trời kí ức tuổi thơ của thơ tác giả. 

Đọc xong bài thơ em càng thêm yêu những kí ức tuổi thơ mình có, trân trọng những từng kỉ niệm bên những hình ảnh, âm thanh thân thuộc như tràn đầy trong trái tim mỗi đứa trẻ. Đọc bài thơ, em như chìm đắm vào trong tuổi thơ của tác giả. Dẫu có phủ bụi thời gian, dẫu có thay đổi cảnh vật thì những kí ức đó vẫn sẽ in sâu trong lòng tác giả và trong tâm trí người đọc như câu nói “Yêu sao những kí ức tuổi thơ còn mãi trong tim”.

Câu 27: Nêu chủ đề của bài thơ “Chái bếp”. Dựa trên cơ sở nào để em xác định như vậy?

Trả lời:

Chủ đề của bài thơ là hình ảnh Chái bếp thân thương. Dựa trên bố cục của các đoạn thơ, hình ảnh chái bếp luôn đứng đầu thể hiện nỗi niềm mong nhớ với chái bếp thân thương, những kỷ niệm với chái bếp đó.

Câu 28: Tình cảm giữa nhân vật "tôi" với bà được thể hiện như thế nào qua những kỷ niệm ấu thơ của văn bản “Những chiếc lá thơm tho”?

Trả lời:

Nhân vật "tôi" trưởng thành và lớn lên cùng với những chiếc lá thơm tho của bà, những chiếc lá ấy khiến nhân vật tôi nhớ về những kỷ niệm thời nhỏ, thể hiện sự yêu quý cũng như thương nhớ người bà đã chăm sóc mình hồi nhỏ. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên, đến khi ốm thì sẽ nhớ về bà, nhớ về những chiếc lá thơm ấy.

Câu 29: Em hiểu thế nào về ý nghĩa của từ " thơm" trong những câu sau: " Những chiếc lá của bà thơm. Thơm ngọt ngào suốt hành trình tuổi thơ tôi. Thơm bâng khuâng cho đến tận bây giờ và thơm dịu dàng cho những ngày mai"?

Trả lời:

Thơm ở đây không chỉ là mùi hương mà thơm ở đây còn là hình ảnh, sự hoài niệm của tác giả với bà. Những kỷ niệm về những chiếc lá, về bà sẽ luôn in đậm trong tâm trí của tác giả.

Câu 30: Viết đoạn văn ( khoảng 200 chữ) kể về một kỷ niệm đáng nhớ của em trong mùa hè vừa qua. Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất một từ tượng hình hoặc từ tượng thanh.

Trả lời:

     Về chiều, vùng quê yên ả này đẹp như một bức tranh đa sắc màu và rộn như một bản hòa tấu. Sau lũy tre làng, mặt trời đỏ rực hắt ngang những tia nắng cuối ngày xuống vòm cây tán lá. Cánh đồng thay chiếc áo vàng tươi hồi sáng bằng chiếc áo vàng ươm. Những ngôi nhà mái ngói đỏ xanh xem kẽ giữa vườn cây. Tiếng gà chíp chíp, tiếng lợn eng éc, tiếng vịt quác quác đòi ăn. Tiếng mõ trâu, bò gọi sau ngày dài đi ăn. Tiếng của những bác nông dân đang bàn tán xôn xao. Tôi gặp An vào buổi chiều đó. Nhà cô bạn gần nhà bà nội. Sáng hôm sau, tôi thấy An cầm một chiếc diều rất đẹp. Lúc đó, tôi thấy thích quá nên chạy sang hỏi mượn nhưng vừa mượn vừa với tay giật lấy luôn. An hỏi lớn với khuôn mặt đầy bất ngờ và giành lại: "Đây là diều của tớ mà?". Tôi òa khóc nức nở. Bà tôi chạy ra hỏi chuyện, tôi được đà càng khóc lớn. An kể lại câu chuyện rồi nhường tôi chiếc diều. Tôi cầm và chạy vào sân. Nhưng tôi lại không biết chơi. Nghĩ hồi lâu, tôi lại ngó nghiêng sang nhà An. An thấy tôi và gọi tôi vào. Tôi ấp úng xin lỗi rồi bảo An chỉ cho tôi cách chơi. Cô bạn mỉm cười rồi kéo tôi ra một bãi cỏ rộng. Ở đó, từng đợt gió thổi rất lớn. An thả dây từ từ, chiếc diều bay bay trong gió, càng lúc càng cao. An đưa cho tôi cầm dây diều. Thế là cả sáng hôm đó, tôi và An đã chơi vui vẻ với nhau. Lúc về, chúng tôi đi qua cánh đồng. Những bác nông dân vẫn đang chăm chỉ gặt hái trên đồng. Tay cầm liềm, tay cầm bó lúa, gặt rồi bó liên tục. Trên gương mặt các bác, mồ hôi nhễ nhại. Bác khẽ lau bằng chiếc khan đã đội sẵn rồi tươi cười gặt tiếp. Ôi chao! Cái khoảnh khắc nhìn thấy gương mặt đó tôi đã thấu hiểu sự vất vả của những người làm ra hạt thóc, hạt gạo.

Các từ tượng thanh: chíp chíp, eng éc, quác quác, xôn xao

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay